Nhạc Minh Duy: Sài Gòn yêu ơi

Sài Gòn yêu ơi

Nhạc Minh Duy
Ca sĩ: Mỹ Dung

Đã có bao nhiều người xa Sài Gòn để rồi thương nhớ và đưa nhớ thành nhạc. Khá nhiều. Nhưng đa số là buồn. Từ man mác buồn đến buồn da diết, buồn não nuột.

Không biết có phải là định mệnh chăng mà trong tiết đông xuân của vùng đông bắc Mỹ, tôi thấy lòng rung động trước hai nhạc phẩm về Sài Gòn. Một mang giai diệu man mác sầu và một với giai điệu vui nhẹ nhàng dìu dặt.

Nếu “Tình sầu Hòang Ngọc” của Khê Kinh Kha như tiếng lòng nhớ về Hòn ngọc Viễn Đông với dáng dấp yêu kiều của cô gái Sài Thành đẹp như mơ với suối tóc dài và mắt buồn như cả một trời thưong nhớ ủ trong ấy thì Sài Gòn yêu ơi của Minh Duy có thể ví như một cô gái Sài gòn xinh đẹp yêu kiều nhí nhảnh với ánh mắt lúng liếng và nụ cười tươi như hoa hàm tiếu. Có lẽ vì hai nhạc phẩm cùng viết cho Sài Gòn nhưng vào thời điểm khác nhau. Một viết cho Sài Gòn khi mất nước và một cho Sài Gòn có lẽ không biết vào lúc nào nhưng có lẽ cũng là khi xa xứ!

“Sài Gòn yêu ơi” với giai điệu tương đối nhanh dìu dặt. Mở đầu với

Sài Gòn ơi chiều nay nắng bâng khuâng cho lòng luyến nhớ
Nhìn mây trắng lang thang bay về chốn cũ
Chợt như thấy xiêm y chập chờn quyến gió
Dáng em thơ ngây mắt biếc vương u hòai
Dòng tóc buông lả lơi

Những lời nhạc nhẹ nhàng và trau chuốt. Tôi vẫn thích lời của nhạc sĩ Minh Duy có lẽ vì cái “hoài cổ” trong tôi. Ngôn ngữ Việt Nam phong phú vô ngần thì sao không biết học để sử dụng. Lấy ví dụ nếu là một nhạc sĩ nghèo ngôn ngữ Việt Nam hẳn viết:

Sài Gòn ơi chiều nay tôi thấy trong lòng qúa nhớ!

Và so sánh thì ta sẽ thấy ngay một sang trọng và một nghèo nàn trong ngôn ngữ. Chữ “luyến” trong “luyến nhớ” sẽ rất dễ để ca sĩ “luyến láy”.  Tất nhiên với nhạc sĩ tài tử thì sẽ không thể nhớ ra hai chữ “xiêm y” để diễn tả được trang phục của người đẹp Sài Thành. Nhưng cũng có một số thính giả không trẻ thì lại không thích ngôn ngữ quá xưa như “xiêm y”. Thôi thì như đã nói ý thích âm nhạc không ai giống ai cả. Tôi chỉ xin viết cảm nhận của tôi về một bài hát mà tôi thích. Thế thôi.

Toàn bản nhạc với những lời như xiêm y, mắt biếc, yêu kiều, tịch liêu v.v. đã làm bản nhạc như một áng văn đẹp mỹ miều. Chỉ là một luyến nhớ rất nhẹ không não lòng nên nhạc sĩ đã vẽ lên hình ảnh kỷ niệm với xiêm y chập chờn, dáng thơ ngây, mắt biếc… Đôi khi tôi lẩn thẩn tự hỏi “Tại sao văn thi nhạc sĩ lúc nào cũng theo khuôn mẫu, tóc thì phải tóc dài, mắt thì phải mắt biếc?” Nếu tôi viết được nhạc, tôi sẽ phá lệ. Ví dụ như:

Sài Gòn ơi chiều nay nắng tơ vuơng nhớ người tóc ngắn!
Mắt nâu to môi cười lúng liếng

Mắt nâu giống lai đẹp lắm chứ! Tóc ngắn hay kiểu tóc “queue cheval” cũng đẹp lắm  mà sao chưa có nhạc sĩ nào ca tụng nhỉ?!

Phải nói giai điệu nhạc không nhiều, không phong phú nhưng thật “ngon” như một tách trà nhỏ chỉ một chiêu. Tôi rất yêu “Chiều nao nắng thêu hoa lên tà áo trắng”. Hình ảnh thật sống động, thực,  không tưởng tượng mà lại lãng mạn. Ai mà không có lúc ngắm hoa nắng trên tà áo em bay. Nhưng ở đây nhạc sĩ Minh Duy đã rất khéo khi dùng chữ “thêu” vào câu nhạc.

Nhưng có lẽ “Sài Gòn yêu ơi” làm tôi chú ý khi đang vừa …viết văn vừa nghe nhạc là lúc Mỹ Dung hát “Dòng sông có êm trôi như dòng quá khứ”. Trời, chữ “quá” nghe thật hay. Nốt nhạc đang dìu dặt êm đềm bỗng phả thật nhẹ lên và chữ “a” trong “quá” được hơi ngân nga và láy lên thật truyền cảm. Từ câu ấy, tôi phải nghe lại tòan bài và tôi cảm nhận chính giai điệu nhạc của những:

-Chợt như thấy xiêm y chập chờn quyến gió
-Vườn nào ngát hương xưa chưa nhòa bóng dáng
-Dòng sông có êm trôi như dòng quá khứ

Phải nói đã lâu lắm, từ khi nghe các sáng tác mới tôi mới tìm lại phảng phất chút hương xưa qua âm điệu này. Một người bạn vẫn trêu tôi là “hòai cổ”, có lẽ đúng thế.  Vì tiết tấu nhanh nên cảm tưởng nhạc ngắn chứ thực tế rất đủ. Có lẽ nhạc phẩm này, tôi yêu lời nhiều hơn.

Tầu theo sóng lênh đênh chưa về bến cũ, diễn tả rất hay. Một con tầu ra khơi lênh đênh chưa về bến cũ như nói lên tâm trạng của người ra đi thật khéo nếu quả tình tác giả sáng tác khi ở hải ngọai và nhớ về Sài Gòn xưa nhưng e ngại sẽ không được ca sĩ hát khi đưa về Việt Nam để ra CD. Tôi ngậm ngùi khi viết đến đây. Hoàn cảnh tài chánh đã khiến hầu như các CD đều phải đưa về Việt Nam thực hiện. Và vì lý do đó, một số nhạc phẩm đã phải “lách” để được trót lọt.

Rồi “Vườn nào ngát hương xưa chưa nhòa bóng dáng”. Vâng, khu vườn ngát hương xưa là “vị”và “chưa nhòa” là “hình”. Phải thế chứ nhỉ. Nếu sáng tác cứ nhét chữ cho đủ thì còn gì là hay. Phải viết sao cho lời súc tích mà diễn tả đúng chứ đừng vô nghĩa. Tôi yêu những gì giản dị như dân ca thấm từ từ  vào hồn từ thuở năm nôi…
 
Nhớ Sài Gòn và khi nhìn nắng bâng khuâng để luyến nhớ đến dáng nai, tóc lả lơi của người tình và con đường sánh vai của những phố vắng…rồi khi kết chỉ nhẹ nhàng “Vắng xa em rồi, in mãi trong lòng tôi”. Hòan tòan không than vãn nỉ non mà chỉ như “một giọt nhớ nhung”!

Nhịp điệu lả lướt, lời êm như sương mỏng của “Sài Gòn yêu ơi” khiến tôi thầm tiếc. Tiếc là các trung tâm lớn đã không biết lấy nhạc phẩm này để dàn dựng thành một họat cảnh nhớ Sài Gòn! Với tà áo dài tha thướt, nón lá nghiêng nghiêng, mái tóc xõa dài có lẽ họat cảnh sẽ đẹp lắm. Gợi nhớ về Sài Gòn, một Sài Gòn đúng là “đáng yêu” và sẽ khiến tâm hồn người xa xứ thấy dịu dàng khi hòai niệm về phố xưa mà không nỉ non đau xé tâm can. Sẽ chỉ gọi lại Sài Gòn đáng yêu của thời quá khứ. Ai mà không có một thời để yêu và một thời để nhớ. Nhưng nhớ mà vẫn sống cho hiện tại, nhớ mà không níu kéo dĩ vãng thì có lẽ “Sài Gòn yêu ơi” đã tạm gọi là “đạt được yêu cầu”!

Vâng, xin mời nghe “Sài Gòn yêu ơi” để chào đón mùa xuân sắp về trên xứ tạm dung và hy vọng một mùa xuân thực sự sẽ đến với Sài Gòn thành phố thân yêu của chúng ta!
 

Sài Gòn ơi chiều nay nắng bâng khuâng cho lòng luyến nhớ
Nhìn mây trắng lang thang bay về chốn cũ
Chợt như thấy xiêm y chập chờn quyến gió
Dáng em thơ ngây mắt biếc vương u hòai
Dòng tóc buông lả lơi

Sài Gòn ơi chiều nao nắng thêu hoa lên tà áo trắng
Đường nào sánh vai nhau qua từng phố vắng
Vườn nào ngát hương xưa chưa nhòa bóng dáng
Dáng ai yêu kiều đến với nhau một buổi chiều trên bến sông tình yêu
 
 
Sài Gòn là một đóa hoa tươi muôn mầu của ngày tháng qua
Sài Gòn là một áng thơ, câu êm đềm như một giấc mơ
 
Sài Gòn ơi người đi đã mang theo  một trời tiếc nhớ
Tầu theo sóng lênh đênh chưa về bến cũ
Dòng sông có êm trôi như dòng quá khứ
Vắng xa em rồi
Dáng nét em tuyệt vời
In mãi trong lòng tôi

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc. Bookmark the permalink.