Lời của nhạc phẩm


Lời của nhạc phẩm
 
Hoàng Lan Chi
 
Những ngày vừa đông vừa xuân thật lạ. Đông của người và không khí xuân “của mình” qua những thư chúc tết và hội chợ cùng nhạc xuân vang vọng khắp nơi.

Khi làm chương trình phát thanh về Sài Gòn tôi phải đi tìm vì số CD do các nhạc sĩ tặng,  có rất ít. Chương trình số một về Sài Gòn phát thanh và sau đó một nhạc sĩ gửi đến tôi, nhạc phẩm viết về Sài Gòn của anh. Tôi mở ra xem ngay và gửi mail cho anh với số điểm chấm “ 8,5/10”! Sau khi thực hiện xong chương trình Sài Gòn số hai, tôi đặt bút viết cho bài nhạc ấy của anh. Tôi e- mail cho anh biết rằng nhạc phẩm ấy gặp may vì vài lý do: là nhạc về Sài Gòn nên tôi nghe ngay chứ không “ngâm tôm”; tôi đang có thể viết cảm nhận vì không phải bù đầu như hai năm trước; quan trọng nhất là nhạc phẩm hợp “gôut” tôi. Đó là những nhạc phẩm mang âm điệu dân ca và man mác buồn. Tôi không thích những bài ảo não rên rỉ mà chỉ phảng phất buồn. Một may khác mà nói ra thật buồn cười: ba năm nay tôi rất dị ứng với cô ca sĩ kia. Trước đó tôi từng nghe cô hát khi tôi còn ở Việt Nam và tôi đã nhủ “Hát khá nhưng chắc không ‘nổi’ vì dung nhan không khá và cách trình diễn hơi nhạt”. Đúng vậy. Không thấy cô xuất hiện ở đài truyền hình sau này nhiều nữa. Có lẽ vì ít ai mời chăng? Ngày xưa Như Quỳnh khi còn ở trong nước đoạt giải nhất về cuộc thi “Tiếng hát truyền hình” và cũng được Đài “lancer” cùng ưu ái thực hiện riêng một chương trình cho Như Quỳnh (trong nước thì Như Quỳnh là Quỳnh Như) nhưng cô “không nổi” được vì thiếu cái duyên của sân khấu dù bên ngòai Như Quỳnh rất xinh xắn. Chỉ sau khi ra nước ngòai, dưới bàn tay đạo diễn của Thúy Nga thì Như Quỳnh sống động và nhí nhảnh hơn. Để từ đó Như Quỳnh “nổi”.

Trở lại cô ca sĩ kia, cách thể hiện hao hao Như Quỳnh khi NQ còn ở trong nước. Nghĩa là cứ ẻo lả với suối tóc dài và rất chậm buồn. Cái này ai chịu nổi khi xem trên màn hình nhất là thời buổi bây giờ! Giới trẻ không thích và có lẽ cả giới già như tôi cũng vậy. Sau này tiếng hát cô xuất hiện nhiều ở CD do các nhạc sĩ tài tử viết. Ban đầu còn hát hay. Càng về sau càng “ẹo”, chịu hết nổi.Thú thật ngày xưa tôi mê tiếng hát Thái Thanh nhưng khi cô “ẹo” quá, tôi cũng tắt khỏi nghe! Nghe “nũng nịu” một vài lần thôi chứ nghe hòai ai chịu cho thấu? Tính tôi lại như đàn ông ấy. Nóng hơn lửa và  làm gì cũng nhanh như điện xẹt. Cách đây hai năm, tôi nói với một cậu em “Em làm ơn đừng kêu …hát nhé. Chị ớn giọng cô ta lắm rồi” “Nhưng tương đối cô  ta hát hay. Giá cả phù hợp. Đợi mai mốt cô ta già sẽ không hay nữa” “Nhưng CD nào cũng giọng cô ta, chị ớn tận cổ đó”.

Vì ớn và không thích cái “ẹo ẹo” cùng cái rên rỉ và rung quá nhiều mất tự nhiên nên cứ thấy cô ta hát là tôi skip không nghe! Đến nỗi một nhạc sĩ kia viết “Anh bạn tôi khóc khi  nghe bài …Tôi biết chị không thích giọng cô này nhưng biết sao vì tôi chỉ có bài đó về chủ  đề ấy”. Hì, anh không biết rằng tôi đã nghe bài đó rồi từ CD anh gửi tặng cách đây hai năm và sau khi ráng nghe hết bài, cũng lại chịu không ổi cái “ẹo qua ẹo lại” của ca sĩ mà tôi “ignore” không giới thiệu  nhạc phẩm đó. Tự biết mình “cà chua” thiệt nhưng biết sao, tôi cũng là người mà, not thần thánh! Tôi phải nghe, phải viết lời dẫn nhập mà bắt tôi nghe cái giọng “điệu tàn cơn gió biển” đó rồi phải giới thiệu thì cũng bất công cho thân già của tôi lắm chứ vì tôi làm việc “fờ ri” chứ bộ. Trừ phi nào giọng hát ấy chịu sửa đổi nghĩa là bớt điệu, bớt rên rỉ ảo não, bớt “ẹo qua sàng lại” thì tôi sẽ chịu khó nghe nàng hát! Chợt nhớ thuở xưa, cả nhà tôi … không thích Bạch Tuyết cải lương cũng chỉ vì “ẹo như con rắn” (mẹ tôi phán như thế!)

Dài dòng về giọng hát này vì anh nhạc sĩ ấy “kết” giọng nàng! Nhạc tình của anh tòan do nàng hát. Thế có khổ không cưa chứ! Thế thì còn khuya tôi mới nghe tình ca của anh được! Tôi cảm ơn Trời Phật là bài viết về Sài Gòn, anh đã nhờ một giọng nam hát. Nếu là nàng hát tôi đã không nghe và như thế bài viết cảm nhận của tôi không thể chào đời được! Phải chân thành xin lỗi tất cả các nhạc sĩ tài tử và cả không tài tử là nếu tôi không nghe nhạc phẩm của quý vị, không phải vì nhạc không hay mà đơn giản chỉ vì tôi dị ứng với cái giọng hát quá điệu đó. Nói trộm bóng vía ca sĩ Nhật Trường tí, anh cũng điệu nhưng trong phạm vi chấp nhận được!

Cũng trong bài cảm nhận tôi đã nêu một nhận xét là một vài sáng tác mới làm tôi ngỡ nhạc ngọai quốc vì lời kỳ cục quá. Có lẽ tác giả quên tiếng mẹ đẻ rồi. Nhớ đến người bạn. Khi trò chuyện về  nhạc phẩm “Bài tình cho giai nhân”, anh kể rằng anh đi theo dấu vết nhạc sĩ sau khi đọc bài tôi viết và “Nhạc sĩ nói ngày nào cũng đọc sách để làm giàu cho ngôn ngữ mình!” Có thế chứ. Tiếng Việt rất phong phú và phải trau dồi nếu không sẽ không có hoặc quên vì đang sống ở nước ngoài. Đó cũng là một thiệt thòi cho các nhạc sĩ hải ngoại chăng vì không được nghe, đọc và nói tiếng mẹ đẻ hàng ngày?

Khi trò chuyện với một người bạn khác, tôi cũng đồng ý với anh ấy là nhạc phẩm “Gọi người yêu dấu” của Vũ Đức Nghiêm xuất hiện thập niên bẩy mươi nổi tiếng vì lời quá dễ thương chứ giai điệu nhạc chỉ ở trên trung bình một chút.

Thật vậy, thuở đó sinh viên học sinh nào mà không mê khi “Gọi người yêu dấu xa vời, thương em mong manh như một nhành lan hay gọi người xa cách muôn trùng…”. Vũ Đức Nghiêm cũng là thi sĩ  nên lời nhạc phẩm của anh hay. Kể cả bài “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên, với tôi cũng là một trường hợp tương tự như “Gọi người yêu dấu”.

Ai nói rằng giai điệu chiếm phần lớn và lời nhạc chỉ non nửa thì tôi phản đối liền tút suỵt. Nhạc Việt Nam mà sử dụng lời vô nghĩa và ngô nghê thì còn khuya mới nổi chót vót được. Lềnh bềnh thì họa may! Ngày xưa, PD với vốn sống phong phú và cũng vì dòng dõi nho gia nên lời nhạc của ông đa số hay và ý nghĩa. Hay Văn C.. cũng vậy. Lời rất hay.

Lời nhạc lính của Nguyễn Văn Đông theo thiển ý cá nhân tôi là “sang” nhất! Này nhé:

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu (Chiều mưa biên giới)
Anh đến thăm áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê qua ngàn chốn sơn khê (Mấy dặm sơn khê)
Nghìn sau nối nghìn xưa…
Xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá bay!

Tôi không chê nhạc “sến” nhé. Có một bài nhạc sến mà tôi rất mê đó là “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm; bầy trẻ thơ chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới, ba ngày xuân đi khoe xóm giềng”.  Nghe nhạc đã hay mà lời hết sức có nghĩa!

Tôi cũng nói với một anh bạn nhạc sĩ  là CD đầu tiên của anh nghe hay hơn những cái sau  này vì anh phổ thơ những vị thi sĩ khá nổi tiếng và cả lời của riêng anh hồi đó cũng “chắt lọc” hơn sau này!

Một cô bé gọi phone và nói tôi thẳng tính lắm và cô ấy thích cái thẳng đó. Trời đất ơi, trên đời ai cũng thích người nói khéo và chả ai thích người nói thẳng cả. Tôi cũng múôn nói khéo theo kiểu như sau:

-Sao thơ anh hay quá, em đọc mãi không chán.
-Nhạc anh tuyệt ghê đi, em nghe hòai đó.
-Truyện anh viết hay quá, em mê lắm đó.

Muốn lắm nhưng trời sinh tôi là người không thể như thế được. Khen thì khen đúng và chê thì ráng cố gắng cho dịu bớt chun chút! Phải chứng minh chứ. Ví dụ anh bạn đưa nhạc phẩm và đâu ngờ tôi – sau bao năm kiếm sống- “no time” để viết cảm nhận cho một nhạc sĩ nào cả thì bỗng nhiên tôi viết cho bài của anh. Tôi không nhận cái gì từ anh để múa bút ca tụng mà chỉ đơn giản nhạc phẩm ấy làm tôi rung động. Mấy ai biết được bên ngoài, tôi còn “vặn vẹo” anh ta về vài thứ khác! Hoặc tôi giới thiệu thơ của một người tôi không hề biết tên thật họ là gì! Chỉ thấy  hay thì giới thiệu. Thế thôi. Tôi biết, đó là di truyền từ cha tôi mà cả lũ con đều có tính ấy. Còn nhớ trong một tùy bút, tôi có kể rằng ngày xưa, cha tôi làm chánh chủ khảo một hội đồng thi tú tài. Phu nhân ông Đổng lý văn phòng có đứa cháu thi ở đó và cho người đến đề nghị cha tôi hạ điểm xuống để có gì cháu bà …sẽ đậu vớt và không phải đi quân dịch! Cha tôi từ chối liền túy sụyt và sau đó Bộ Giáo Dục “đì” hết cả hai anh em là Bác và Cha tôi! Chuyện này là do tôi nghe bác kể lại trong một dịp… trà dư tửu hậu giữa tôi và bác.

Tuy vậy hy vọng rằng sau một thời gian, người quen sẽ hiểu để thấy rằng thà là nghe… Hoàng Lan Chi nói thẳng còn hơn nghe (Quỳnh Giao) nói khéo! (Không ám chỉ ca sĩ Quỳnh Giao).

Rừng gió Virginia

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.