Lê Hữu- Âm Nhạc của một thời


Lê Hữu, “người tìm ngọc trong đá” của Hoàng Lan Chi vừa xuất bản cuốn sách đầu tay :  “Âm Nhạc của một thời”.

Sách trình bầy trang nhã và đẹp. Lê Hữu viết về các Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Hiền, Y Vân, Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Nhật Trường.

Đây là một cuốn sách nói về các nhạc sĩ với những tác phẩm của họ một cách khái quát và nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi họ hay cái “air” của họ theo cảm nhận của Lê Hữu. Sự nhận xét hay cảm nhận được trình bầy nhẹ nhàng, tinh tế và cẩn thận, cẩn thận đến mức có vẻ “trau chuốt”.

Âm nhạc Việt Nam có một nét khá đặc thù, đó là bên cạnh âm thanh của dòng nhạc, thính giả Việt Nam còn “nghe” lời nhạc. Có lẽ vì ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú đa dạng và trữ tình nên cái “nghe lời nhạc” đôi khi có phần lấn lướt âm thanh. Trong chiều hướng đó, Lê Hữu tìm những nét đẹp trong ngôn ngữ nhạc và gửi đến độc giả. Khó ai có thể phủ nhận giá trị của món quà ấy vì với tâm hồn yêu nhạc, yêu thơ, yêu văn và cả “yêu người”, Lê Hữu đã trao cho độc giả tất cả những gì “tinh tuý nhất” “yêu kiều nhất” của ngôn ngữ trong các nhạc phẩm.

Xin hãy xem bài giới thiệu của Phạm Xuân Đài và trích đoạn 5 bài từ “Âm Nhạc của một thời”.

Đây là món quà tao nhã mà quý vị nên có để tận hưởng thêm vẻ mỹ miều của âm nhạc và nên tặng cho bạn hữu để cùng chia sẻ tiếng tơ đồng của đất trời, quà tặng của Thượng Đế cho con người.

Để biết vì sao Hoàng Lan Chi gọi lê Hữu là người tìm ngọc trong đá xin click dưới đây:

Lê Hữu, Người Tìm Ngọc Trong Đá

Tất cả các độc giả mua sách và có ý kiến sau khi xem,  Hoàng Lan Chi xin phép đăng ý kiến của quý độc giả tại trang nhà Hoàng Lan Chi. Xin liên lạc hoanglanchi@gmail.com khi gửi ý kiến.

Âm Nhạc Của Một Thời
Lê Hữu
(375 trang, giá $20.00)
Sách có bán tại nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St – Garden Grove, CA 92843
* Liên lạc:
Lê Hữu
PO Box 88806
Tukwila, WA  98138
USA
Tel:  (206) 251-9608
E-mail:  lehuu123@hotmail.com
———————————————————————————–

* Bài giới thiệu sách “Âm nhạc của một thời” của Lê Hữu

Lê Hữu và Một Thời Âm Nhạc

PHẠM XUÂN ĐÀI

Viết nhận định về âm nhạc là việc khó vì dùng ngôn ngữ viết để nói về thế giới âm thanh. Những nhà viết tiểu thuyết, với ngôn ngữ nghệ thuật, thì dễ dàng hơn, có thể chuyển đạt đến người đọc những đặc tính âm thanh mà mình muốn diễn tả, ví dụ Nguyễn Du tả tiếng đàn của Kiều.
      Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
      Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Tả như thế là tuyệt khéo, gợi được một cách sinh động sự liên tưởng và hình dung của người đọc về tiếng đàn của kẻ tài hoa. Người đọc tưởng là thưởng thức bài đàn của Kiều, kỳ thực là thưởng thức tài văn chương của Tố Như. Mỗi người hình dung câu văn theo chủ quan của mình, từ đó “nghe” tiếng đàn trổi lên một cách riêng trong tâm trí của mình. Đây là phạm vi của nghệ thuật và tài năng của nhà văn.
Khi viết quyển “Âm Nhạc Của Một Thời”, tác giả Lê Hữu không nhằm mô tả kiểu đó. Vì ông viết biên khảo chứ không phải tiểu thuyết. Ông có sẵn một kho tư liệu, đó là những bản nhạc Việt Nam đã được sáng tác trong “một thời”, dưới dạng ký âm và lời ca được in trên giấy và cả dạng âm thanh (có khi cả hình ảnh trình diễn) của tiếng hát và của nhạc cụ, từ các công cụ điện tử là băng, đĩa. Với vốn tư liệu sẵn có của riêng ông và chung của xã hội, ông viết về âm nhạc của một thời với giả thiết rằng người đọc ông cũng đã nghe những bản nhạc mà ông nói đến – hoặc chưa nghe mà muốn nghe thì có thể tìm một cách dễ dàng. Vì thế ông gần như bỏ qua việc diễn tả giai điệu của bài nhạc, mà chỉ chú trọng phân tích về ca từ. Và trong một số trường hợp, khảo sát kỹ lưỡng người nhạc sĩ sáng tác.
Chữ “một thời” mà tác giả dùng trong nhan đề cuốn sách không được tác giả định nghĩa là thời nào, nhưng có thể hiểu theo hai cách. Một, đó là cuộc đời của tác giả; hai, suốt lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam. Cách nào cũng được, vì thực ra lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam cũng không dài hơn tuổi đời của tác giả là bao. “Một thời” chỉ là một cách nói, hoặc từ chủ quan của tác giả, hoặc có thể từ khách quan của lịch sử, để nghiên cứu về một số nhạc sĩ và nhạc phẩm mà tác giả quan tâm.
Nền tân nhạc Việt Nam, tức là âm nhạc theo phương pháp Tây phương, khác với nền nhạc cổ truyền của dân tộc, hiện nay rất phong phú, nhưng có một lịch sử chưa dài. Nhạc sĩ Phạm Duy, năm nay ngoài 90, là một trong những người sáng tác trong thời kỳ đầu tiên, vậy tuổi nền tân nhạc của chúng ta tới bây giờ cũng chỉ mới hơn bảy mươi. Nhưng phải công nhận nó trưởng thành rất nhanh, phần lớn nhờ vào biến chuyển thời cuộc của thời gian thập niên 1940 tạo ra cảm hứng mạnh cho sáng tác lẫn nhu cầu lớn về ca hát: chiến tranh thế giới thứ hai với triển vọng vận động thoát ách nô lệ của Pháp, cách mạng tháng tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp theo là chiến tranh nam bắc khốc liệt kéo theo những biến chuyển lớn lao khác… Những biến cố lớn trong một xã hội đương nhiên tác động đến tinh thần con người, và từ đó nảy ra những tác phẩm nghệ thuật về đủ mọi loại tâm thức của thời đại. Chúng ta hãnh diện đến nay có một gia tài âm nhạc Việt Nam nói chung đồ sộ và nhiều dáng vẻ.
Nhưng Lê Hữu không viết nhạc sử. Ông chỉ viết về một số nhạc sĩ mà ông chọn lựa, ông tạo một thế giới riêng cho mỗi người theo những gì mà âm nhạc của họ gây cảm hứng hoặc suy nghĩ nơi ông. Một số ít chương ông viết về các đề tài riêng biệt liên quan đến âm nhạc mà ông thấy cần đề cập tới. Tác giả lớn lên và trưởng thành trong khí hậu nghệ thuật của miền Nam thời đất nước chia cắt, vì thế ta không lạ trong bảy nhạc sĩ được chọn để viết chỉ có một (tuy về hình thức là hai) Đoàn Chuẩn-Từ Linh thuộc về miền Bắc, còn lại: Nguyễn Hiền, Y Vân, Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đều cư ngụ tại miền Nam. Nhưng Đoàn Chuẩn-Từ Linh tuy người thì ở Bắc, nhưng sự nghiệp tinh thần thì lại “sống” tại miền Nam, vì thời 1954 – 1975 nhạc của ông bị cấm ở miền Bắc trong khi tại miền Nam lại rất được ưa chuộng. Ngoài các chương viết về từng tác giả, có ba chương viết riêng theo chủ đề: “Hình tượng người lính qua dòng nhạc Việt”, “Hà Nội, một thoáng dư âm”, “Nhật Trường, hát về những giấc mơ”, và một bài phỏng vấn trong Phụ lục: “Nhạc phổ thơ, thơ phổ nhạc”.
Có thể nói cuốn sách này được viết dựa trên tình yêu âm nhạc. Có yêu thích mới nghe nhạc, có nghe mới cảm, và từ đó mới nhận định về nhạc sĩ này, bài hát kia. Từ cái nền tảng tình cảm ấy, tác giả phát triển các bài viết của mình tiến tới cung cách của một nhà nghiên cứu về ca khúc, vì những điều tác giả trình bày không thuần túy là duy cảm, mà đã dựa trên vô số tài liệu, từ các nhạc phẩm in trên giấy đến mỗi bản nhạc được trình bày bởi nhiều giọng hát khác nhau, từ tiểu sử của nhạc sĩ đến những chuyện bên lề – những giai thoại – trong đời sáng tác của người ấy, từ tình hình xã hội chính trị trong đó một bản nhạc ra đời cho đến những dư luận báo chí đương thời hoặc sau này về các tác giả và tác phẩm… Sự hiểu biết của tác giả về thế giới âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, rất rộng và sâu, tác giả lại là người kỹ lưỡng, sẵn sàng đặt dưới kính hiển vi soi mói một tiếng hát sai của ca sĩ, hoặc một chữ in sai của nhà xuất bản. Những ưu điểm ấy cho chúng ta một niềm tin cậy về mặt tài liệu mà tác giả trưng dẫn trong sách, dù đó là văn bản ca từ hay cuộc đời và giai thoại của giới nghệ sĩ.
Khó khăn lớn nhất của Lê Hữu trong việc biên soạn “Âm Nhạc Của Một Thời”, và cũng là khó khăn chung cho những người viết nhận định về ca khúc, là chỉ dùng chữ nghĩa để diễn đạt những gì thuộc thế giới âm thanh. Nếu đây là những bài dẫn giải âm nhạc trên đài phát thanh hay truyền hình thì có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều, bởi lẽ thay vì trích dẫn các câu hát bằng chữ trên giấy, chúng ta sẽ được nghe trực tiếp âm thanh. Đó là âm nhạc. Với ngôn ngữ viết người ta có thể phần nào tạo nhạc tính trong văn thơ nhưng đó vẫn không phải là âm nhạc. Những câu hát mà tác giả trích dẫn trong suốt cuốn sách này, chỉ thực sự gây hiệu quả khi người đọc hình dung ngay trong đầu âm điệu của câu hát ấy. Nếu người đọc không biết bài hát mà tác giả đang đề cập? Thì chỉ là đọc một số câu chữ xơ cứng, văn không ra văn, thơ không ra thơ, lắm khi cũng mượt mà nhưng có khi lại quá… bình thường. Nhưng nếu biết âm điệu của nó thì lập tức một thế giới khác sẽ hiện ra trong đầu và cả tâm hồn người xem, và hiệu quả của luận cứ của tác giả sẽ đến tức thì. Dĩ nhiên đi đôi với việc trích dẫn là lời dẫn giải của tác giả, nhưng dù tài hoa cách mấy cũng không thể hoàn toàn thay thế âm nhạc đích thực cho thưởng ngoạn.
Nhưng khó khăn đó chỉ là một trở ngại tự nó không thể ngăn cản việc viết về âm nhạc. Trái lại những tác phẩm phê bình nhận định về nhạc sĩ nhạc phẩm vẫn được viết, và nhờ đó, âm nhạc vẫn được hiểu, được cảm, có khi còn ngấm sâu hơn là được dẫn giải với phương tiện âm thanh. Xem ra trong học thuật, phương tiện âm thanh, ngay cả trong lãnh vực âm nhạc, hãy còn mong manh theo ý nghĩa của câu tục ngữ ngày xưa: “Nói bay, viết còn”…
Mỗi một nhạc sĩ sáng tác là một thế giới mênh mông, muốn hiểu họ, cảm họ, phải lặn lội sâu vào cuộc đời và tác phẩm của họ, thậm chí phải len vào những ngõ ngách bí hiểm ít ai biết. Từ trước tới giờ, về âm nhạc Việt Nam, không mấy ai chịu khó như Lê Hữu trong công việc này. Nội một việc phải nghe hết và nghe đi nghe lại các nhạc phẩm của một tác giả thì đã là một kỳ công, vì hầu như chẳng ai khám phá được gì nếu chỉ thưởng thức hời hợt theo lối cưỡi ngựa xem hoa. Từ niềm rung cảm của chính mình do bản nhạc đem lại, tác giả mới dần dò ra từng đặc điểm của người sáng tác, rồi sắp xếp, phân loại, không những là từng bài hát, mà có khi là từng cảm hứng lẻ loi nhưng đặc thù nằm rải rác trong nhiều nhạc bản để từ đó dựng nên một chủ đề sáng tác. Không phải tự nhiên mà có được một bài “Nỗi buồn sông nước trong nhạc chiều Phạm Duy”. Trong khối nhạc phẩm đồ sộ của nhạc sĩ lớn này, Lê Hữu phải thoạt tiên nghe những bản nhạc về sông gặp rải rác đó đây, và phát giác ra những giai điệu và lời ca gây buồn khi Phạm Duy viết về sông nước. Và có lẽ phải qua một quá trình lâu dài nữa mới nhận ra vai trò của buổi chiều, và từ đó thấy ra tính chất quyết định cho cả một chủ đề: nỗi buồn – sông nước – buổi chiều. Phải viết làm sao cho người đọc cảm ứng theo mình, cũng tức là theo nhạc sĩ, cái buồn trong khung cảnh chiều rơi, bên dòng sông. Khi sáng tác, không mấy nghệ sĩ định trước chủ đề mà chỉ viết theo cảm hứng, nhưng họ trở thành lớn lao khi tạo ra một nghệ phẩm tác động sâu sắc vào trái tim của mọi người; và khi người nghiên cứu khoanh vùng được các đặc sắc của tác phẩm để đặt để cho nó một chủ đề, người ấy cũng đạt được một lớn lao không kém, với tư cách là người hiểu nhiều, cảm sâu và thông ngôn cho các bí ẩn của tài năng sáng tạo ấy đến  người khác.
Theo cung cách như vậy, Lê Hữu đã đến với một số nhạc sĩ, và làm công việc trung gian tạo cảm thông và hiểu biết giữa giới sáng tác và người thưởng ngoạn. Một công việc đòi hỏi năng lực thẩm định nghệ thuật mẫn nhuệ, sức làm việc bền bỉ và sự thận trọng. Cũng đòi hỏi phải có thật nhiều tài liệu – bằng cả chữ viết và âm thanh. Lê Hữu đã chứng tỏ mình có đầy đủ các đức tính để làm công việc này, mà ưu điểm lớn nhất là lòng yêu nhạc ít ai bì kịp. Không có tình yêu ấy thì tất nhiên không thể có tác phẩm này.

Little Saigon 10 tháng Tư, 2011
Phạm Xuân Đài

—————————————————————————————————

Trích đoạn các bài viết trong sách “Âm nhạc của một thời”

Trích đoạn bài “Người Lính Trong Nhạc Nguyễn Văn Đông”:
.    .    .
Hôm ấy, tôi còn nhớ, một chiều hè năm 1969, chúng tôi ngồi ở một quán nước quen dọc bờ biển Nha Trang. Bên cạnh tôi là H., người bạn học cũ. Ðã lâu lắm chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày rời xa mái trường cũ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ.  H. cho biết anh sắp sửa nhập ngũ, thì giờ rảnh rỗi như thế này sẽ chẳng còn được bao lâu nữa. Anh có người yêu ở thành phố biển này. Tôi thì vẫn lang thang trên sân trường đại học, tấm giấy chứng chỉ hoãn dịch trong tay vẫn còn hiệu lực.
Trên mặt bàn là những chai bia đã cạn và câu chuyện cũng đến lúc cạn đề tài. Chúng tôi ngồi im lặng, cùng phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển bao la trước mặt, chờ mặt trời lặn để ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển trong lúc tiếng nhạc bập bùng vọng ra từ một góc quầy.
Người đi giúp núi sông
hàng hàng lớp lớp chưa về
hàng hàng nối tiếp câu thề
giành lấy quê hương
“Bài gì vậy?” H. quay sang tôi, hỏi.
“‘Hàng hàng lớp lớp’,” tôi trả lời.
“Tên gì lạ vậy?”
“Gọi tắt là vậy,” tôi cười, “tên đầy đủ là ‘Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp’.”
H. lặng thinh, có vẻ chăm chú lắng nghe. Lời ca tiếng nhạc khi réo rắt, khi trầm bổng…
Còn đây đêm cuối cùng
      nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
      ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em
“Giọng Hà Thanh phải không?” H. lại hỏi. “Còn giọng nam?”
“Hùng Cường.”
“Thiệt sao?” giọng hỏi thoáng chút ngờ vực.
Tôi hiểu, anh bạn tôi đâu biết rằng, ngoài những bài “tủ” như “Vọng ngày xanh” (Khánh Băng), “Ông lái đò” (Hiếu Nghĩa), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn)…, ca sĩ Hùng Cường–một nghệ sĩ cải lương khá nổi tiếng thời ấy–với chất giọng ténor khoẻ khoắn, còn hát rất “tới” một ít bài tân nhạc khác nữa, đặc biệt là những bài của Nguyễn Văn Ðông.
Bài hát chúng tôi đang nghe là của Nguyễn Văn Ðông.
Anh bạn tôi đã nương theo câu hát ấy mà đi vào cuộc chiến. Anh đã nhập vào “hàng hàng lớp lớp” những đoàn người “nối tiếp câu thề giành lấy quê hương”.
Mùa hè năm sau, tôi cũng “lên đường nhập ngũ tòng quân”, nghĩa là chỉ sau anh bạn H. một năm. Bạn bè tôi kẻ trước người sau lục tục vào lính. Chiến cuộc ngày càng leo thang, ngày càng trở nên khốc liệt…
H., anh bạn cùng ngồi với tôi buổi chiều ấy, cùng nghe với tôi bài nhạc ấy, cùng ngắm nhìn với tôi cảnh hoàng hôn trên bãi biển ấy, đã không còn nữa. Anh đã nằm sâu dưới lòng đất.  H. đã hy sinh trong chiến trận ít năm sau đó, như biết bao người lính khác, như hơn một nửa bạn bè tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Chiến tranh như con quái vật khổng lồ đã nuốt chửng bao nhiêu bè bạn tôi, anh em tôi.
Ðã nhiều năm, nhiều năm trôi qua, hình ảnh một chiều nào biển xanh cát trắng và những câu hát của Nguyễn Văn Ðông giữa biển trời mênh mông vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, mặc cho những lớp sóng của thời gian như từng đợt sóng biển cứ “hàng hàng lớp lớp” xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ, rồi lại rút xuống trong con nước thủy triều của buổi hoàng hôn.
 
______________________________________
 
Trích đoạn bài Y Vân Và Ảo Ảnh Cuộc Đời”:
.    .    .  
Nét nhạc Y Vân có dấu ấn riêng và ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các nhạc sĩ sau ông. Nhiều người vẫn lầm tưởng “Ai nói yêu em đêm nay”, một bài Slow của Trần Thiện Thanh, hoặc “Kim”, một bài Twist của Y Vũ, là của Y Vân. Trong những bài “Những tâm hồn hoang lạnh” của Y Vũ, “Tôi đưa em sang sông” của Y Vũ & Nhật Ngân… người ta nghe phảng phất nét nhạc (và cả lời ca) của Y Vân, qua những dấu thăng (dièse) hoặc dấu giảm (bémol) ở nốt nhạc cuối trong câu, tạo cảm giác lơ lửng, mênh mang.
Có thể nói được rằng Y Vân là nhạc sĩ của mọi thể loại, mọi thể điệu và mọi đề tài của nhạc Việt những thập niên 50’s, 60’s, 70’s.  Nghe nhạc Y Vân, người ta nghe thấy có hạnh phúc và khổ đau, có nụ cười và nước mắt, có hội ngộ và chia phôi, có hình ảnh người mẹ, người cha, người vợ hiền, người lính chiến, có tình yêu đôi lứa, có tình tự dân tộc…, tựa như ông muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy. Nói cách khác, cuộc sống hiện ra muôn màu muôn vẻ trong nhạc Y Vân.  Như câu nói của Robert Schumann, nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, “Họa sĩ biến thơ thành tranh; nhạc sĩ biến tranh thành âm nhạc”, Y Vân, ông đã vẽ ra những “bức tranh đời” nhiều màu sắc và sinh động bằng nét cọ thần kỳ là những nét nhạc, những nốt âm thanh tràn đầy cảm xúc.
Dòng suối nhạc của Y Vân biến đổi không ngừng, khi thì êm đềm hiền hòa, khi thì cuồn cuộn xối xả, như dòng chảy của cuộc sống đổi thay từng ngày, từng giờ. Sức sáng tác của Y Vân thật sung mãn và nguồn nhạc hứng trong con người nghệ sĩ ấy vẫn luôn dạt dào, như cuộc sống vẫn lao nhanh về phía trước. Bằng cây đàn muôn điệu và bằng những cung bậc kỳ diệu, ông đã tạo nên ở quanh ông một thế giới âm thanh thật phong phú và biến hóa đa dạng, đôi lúc khá bất ngờ và ngoạn mục như chàng nghệ sĩ đu bay giữa không trung tràn đầy tiếng nhạc.
Âm nhạc của Y Vân đến được với mọi người, mọi tầng lớp, mọi đối tượng. Dường như ai cũng tìm được ở nhạc Y Vân một bài nào mình yêu thích, ai cũng từng hát một đôi bài hoặc một đôi câu của Y Vân. Nói khác hơn, âm nhạc của Y Vân, bằng mọi ngả đường và bằng những cách riêng của ông, đã tới được và chạm được trái tim người yêu nhạc.
Y Vân, ông đã từng làm bao người cùng khóc cùng cười với ông. Ông đã ngợi ca tình yêu, ông đã mang những lứa đôi lại gần nhau hơn và yêu nhau hơn, vì chỉ sợ mất nhau, chỉ sợ không giữ được nhau. Ông đã ngợi ca cuộc sống, ông đã làm cho người người thương yêu cuộc đời hơn, dẫu cho đời sống có lúc không được như ý muốn và không phải là lúc nào cũng đẹp. Ông đã ngợi ca tình người, ông đã làm cho người người thương quý nhau hơn và tử tế với nhau hơn, như tình nghĩa vợ chồng, như tình thân bè bạn, như tình yêu chan chứa của những đứa con dành cho đấng sinh thành… Phía sau những dòng kẻ nhạc của ông người ta nhìn thấy được trái tim đầy tình nhân bản.
Y Vân, ông đã cố làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn, hay ít ra trông có vẻ tươi đẹp hơn. Dường như ông vẫn muốn tin rằng, dẫu có thế nào đi nữa thì mọi chuyện sau cùng vẫn đi đến một kết thúc tốt đẹp. Điều có có xảy đến hay không, không ai biết chắc. Nói rằng ông có tài “tiên tri” để thấy trước là ông chỉ góp mặt góp tiếng với thế gian này có 60 năm thôi, tôi không tin lắm, thế nhưng tôi tin rằng ông đã thấy trước là–như ông đã viết ra trong bài “Đồi thông”–suốt một đời “hoài công tìm kiếm trên bước đi thăng trầm…”, ông chẳng tìm thấy được gì ở cuối đường, ngoài nỗi… trống không.
Và tôi cũng tin rằng không phải là ngẫu nhiên ông viết nên những câu hát…
      Người đi tiếc chi cho thêm buồn
      tìm thư thái trong tâm hồn
      thì đừng xây mơ trên cát vàng
(“Hoàng hôn trên bãi biển”)
Như những lâu đài bằng giấy, như những dấu chân trên cát sóng biển sẽ xóa nhòa, liệu còn có nghĩa gì, khi mà những phù hoa phù phiếm, những phấn son cuộc đời rồi… “cũng theo hư không mà đi”.
Liệu còn có nghĩa gì, khi mà ông đã phải chia tay với cuộc sống ông vẫn muốn làm cho tươi đẹp hơn, và khi mà những “muôn màu muôn vẻ” của cuộc sống ấy, chung cuộc chỉ như những màu sắc lung linh, óng ánh của những bong bóng xà phòng, thật mỏng manh và tan biến trong thoáng chốc như là… ảo ảnh cuộc đời.

_______________________________________________________
 
Trích đoạn bài Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Một Mùa Nào Lãng Mạn”:
.    .    .  
Khi cho chạy lại cuốn video tape ca nhạc ấy, tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn điếu thuốc trên tay ông. Hầu như lúc nào trên tay ông cũng là điếu thuốc (tựa như Văn Cao, lúc nào cũng ly rượu trên tay). Ông đốt thuốc liên tục, thả khói mơ màng. Khói thuốc mơ màng và ánh mắt ông cũng mơ màng. Ông nghĩ ngợi gì, hay chẳng nghĩ ngợi gì. Trông ông giống như người đợi chờ mà không đợi chờ điều gì cả, hay như người ngồi đợi hoài những giấc mơ “không đến bao giờ”. Ông sống lặng lẽ như một cái bóng, và cử động cũng chậm chạp, nhẹ nhàng như một cái bóng, không nói không năng, khuôn mặt không thấy có nụ cười, không biểu lộ nét vui hay buồn.
Tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn ánh mắt mơ màng, vẫn còn đăm đăm nhìn ra khoảng sân trước nhà. Ông nhìn ngắm hay tìm kiếm gì vậy? Đêm đêm nhìn cây trút lá / lòng thấy rộn ràng / ngỡ bóng ai về… Những phút sướng vui rộn ràng ấy chắc cũng chẳng kéo dài được bao lâu, chắc cũng chỉ là những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi… Nhưng ông cũng đã bằng lòng, và cũng đã tận hưởng những giây phút ấy. Hơn thế nữa, tôi cho là ông cũng đã san sẻ với chúng ta, những người nghe nhạc của ông, chút hạnh phúc như gió thoảng qua ấy. Hạnh phúc như gió thoảng, có phải đấy là những phút giây chìm đắm trong thế giới lãng đãng của âm thanh, những phút giây thả hồn theo tiếng nhạc bềnh bồng và giọng hát dịu dàng cất lên giữa khoảng không gian thật yên tĩnh, thật lắng đọng, trong tiết trời se se lạnh của một ngày chớm thu.
      Với bao tà áo xanh, đây mùa thu…
Tôi chắc là không có lúc nào người nghe nhạc cảm thấy thèm một hơi thuốc, một ngụm café nóng hơn là lúc ấy.
Nghe nhạc ĐC-TL đôi lúc có được những khoảnh khắc hạnh phúc như thế, cũng tựa như những phút giây “lòng thấy rộn ràng” của người đã viết nên những tình khúc ấy. Còn mong gì hơn thế nữa! Cám ơn ĐC-TL, cám ơn những khoảnh khắc hạnh phúc ấy.
Mùa thu đã qua từ bao giờ. Thu tàn, nhưng đông vẫn chưa sang… Những cánh hoa hướng dương đã “tàn tạ trong đêm tối”. Những chiếc “lá thu còn lại đôi ba cánh” rồi cũng sẽ lìa cành.
Nhủ lòng thôi hết những mùa thu…
Câu hát ấy nghe như tiếng thở dài thật nhẹ, như bước chân ai thật khẽ vừa lặng lẽ rời bỏ chốn này, như tiếng động thật nhẹ nhàng của chiếc lá cuối cùng vừa rụng xuống trong một ngày tàn thu.
Hình ảnh sau cùng về Đoàn Chuẩn tôi còn giữ được, và giữ được mãi về sau này, là những ngón tay kẹp điếu thuốc của ông và những cử chỉ thật nhẹ nhàng, thật thong thả, gạt tàn thuốc vào chiếc gạt tàn trên mặt bàn. Trong lúc bà vợ ông nói và nói, để trả lời các câu hỏi, ông ngồi lặng thinh, dõi mắt theo làn khói thuốc (như thể những chuyện ấy chẳng có chút gì liên quan tới ông). Đôi mắt vẫn như chìm đắm trong một thế giới nào khác.
Thật khó mà biết được một người ngồi lặng im với dáng điệu và cử chỉ như thế, với nét mặt không biểu lộ cảm xúc nào như thế, đang nghĩ gì trong đầu. Thế nhưng không hiểu sao, ánh mắt mơ màng ấy và ngón tay trỏ gõ gõ trên chiếc gạt tàn ấy theo một nhịp thật chậm rãi, thật đều đặn ấy vẫn cho tôi cảm tưởng rằng ông đang chăm chú lắng nghe những nốt nhạc. Những nốt nhạc thật xa xăm mà cũng thật gần gũi, những nốt nhạc từng có một thời cùng với ông, và người bạn đường nghệ sĩ của ông, đi suốt chặng đường dài tuổi trẻ. Những nốt nhạc bềnh bồng dắt đưa ông về thăm lại những cây cỏ xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho ông tìm gặp lại những mùa thu xa vắng, những tà áo mầu xanh thắm bay lượn chập chờn, và cũng rót xuống cho ông, chàng nghệ sĩ đa tình một thuở, những yêu thương đằm thắm nhất của một mùa nào lãng mạn.

_____________________________________________
Trích đoạn bài Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối”:
.    .    .  
Tâm hồn nhạc sĩ Nguyễn Hiền vốn nhạy bén với thơ, dễ bắt được những tần số rung động của thơ. Ông đã “nâng” thơ lên, đã chắp cho thơ “đôi cánh nhạc”, đã tặng thêm cho bài thơ một đời sống khác. Ngôn ngữ nhạc quyện lấy ngôn ngữ thơ, khiến thơ bay lên, nhạc cũng bay lên. “Nụ hoa vàng ngày xuân” đã bước ra khỏi những trang thơ để hóa thành một trong những bài nhạc xuân hay nhất.
Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, bài nhạc xuân ấy nghe vẫn cứ “mới”, như mùa xuân vẫn “mới”, như những “nụ hoa vàng” vẫn nở trong nắng “mới” của một ngày đầu xuân.
Sau “Anh cho em mùa xuân”, ta còn có thêm những bài phổ thơ Kim Tuấn khác của các nhạc sĩ khác, như “Những bước chân âm thầm” của Y Vân, “Khi tôi về” của Phạm Duy, “Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông” của Phạm Ðình Chương, “Khi xa Saigon” của Lê Uyên Phương… và không ít những ca khúc khác của các nhạc sĩ trong và ngoài nước. Hai ca khúc phổ biến nhất trong số ấy vẫn là “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền và “Những bước chân âm thầm” của Y Vân (phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn).
Tôi yêu thuở ban đầu của “Anh cho em mùa xuân”, như yêu tiếng hát mềm mại và nũng nịu của Lệ Thanh, như yêu những nốt nhạc luyến láy của “chiều đông nào nhung nhớ”, của “ngoài đê diều căng gió / thoảng câu hò đôi lứa Tôi cũng yêu thuở ban đầu của “Những bước chân âm thầm”, như yêu những tiếng hát trầm ấm của Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc (và của Ban hợp ca Thăng Long sau này), như yêu vẻ trầm mặc của những “rặng thông già lặng câm”, như yêu những mối “tình nở muộn” và những ngọn “đèn thắp mờ bóng đêm”. (Làm như có sự gần gũi nào đó giữa hai bài thơ, giữa hai bài nhạc, giữa “chân bước mòn vỉa phố” và “từng bước / từng bước thầm”…). Đó là những tiếng hát của một mùa kỷ niệm. Đó là thời kỳ của những tiếng hát thực sự là những tiếng hát, chưa có những phô diễn kỹ thuật và cũng chưa có những hòa âm phối khí tân kỳ.
Ðến nay thì cả Y Vân, Kim Tuấn và Nguyễn Hiền đều lần lượt đã ra người thiên cổ (và cả Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương… nữa cũng đã ra người thiên cổ), thế nhưng những khúc nhạc đẹp tựa bài thơ ấy sẽ còn đọng lại mãi trong lòng người.
.    .    .
Tôi nhớ, vào một buổi tối, sau ngày ông mất, lúc đang ngồi ở bàn computer tôi bỗng nghe một giọng hát cất lên. Chiều tím không gian mênh mang niềm nhớ… Một bài của Nguyễn Hiền. Người ta đang cho phát thanh lại một bài nhạc cũ của ông. Tôi ngồi yên lặng một lúc, lắng nghe… Bỗng dưng tôi cảm thấy thèm hết sức một hơi thuốc.
Tôi khẽ mở cửa sau, bước ra ngoài. Trời gây gây lạnh. Đêm tối yên lặng quá. Tôi nhớ, đó là một đêm cuối năm. Tiếng hát vẫn như quấn lấy chân tôi. Nhớ nhau khi mây vương vương mầu tím… Tôi đốt một điếu thuốc, đứng nhìn thật lâu vào khoảng không. Cứ mỗi lần hay tin một người quen nào đó vừa mới qua đời, tôi lại có cảm giác thật hụt hẫng như vừa bước hụt vào khoảng không, và nhận rõ được cái vô nghĩa mênh mông đến tột cùng của cuộc sống, của kiếp người. Trong bỗng chốc tôi thấy rõ, cuộc sống… không là gì cả. Cuộc sống nhẹ tênh, như bóng mây qua, như… ngàn năm mây bay, mây vẫn bay.
Tôi dõi mắt hướng về một ngôi sao xa nhất, khi ẩn khi hiện trên nền trời đen thẫm, trông xa vẫn thấy lấp lánh như có một linh hồn. Tôi không biết giờ này ông ở đâu, nhưng tôi tin rằng linh hồn ông–như cụm mây lững lờ–đã bay về lại quê hương cũ, về lại nơi chốn có những thửa ruộng, có những mảnh “vườn thơm ngát hương cau”, có những chiều “ngoài đê diều căng gió”, có những đêm “trăng sáng soi liếp dừa”, có những “bầy chim lùa vạt nắng” và có những “mùa thu lá rơi bên đường thật nhiều”…
Tiếng hát vẫn như quấn lấy chân tôi. Ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớTôi bước chậm trở vào, tiếng hát như cũng theo sau. Mây bay năm xưa còn đó / đâu tìm người hẹn hò…
Bài hát ấy, “Ngàn năm mây bay” của Nguyễn Hiền, nói như nhà văn Bích Huyền, “là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật mênh mang như bức tranh thủy mạc…”
Người viết bài hát ấy đã đi xa, thế nhưng bài hát ấy, sau bao nhiêu năm, vẫn còn ở lại, vẫn có một sức sống, vẫn không bao giờ cũ. Như ngàn năm mây vẫn bay, như đất trời vẫn bốn mùa, như những lứa đôi vẫn yêu nhau, như những nụ hoa vàng vẫn nở khi đất trời vừa mới sang xuân. Và cuộc sống nhờ thế, nhờ có những bài hát như thế, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.
____________________________________
 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.