Bão Rớt


Tin thời tiết, bão số 3. Tôi không lo lắng. Vì Saigon  rất ít khi bão. Chỉ toàn đuôi. Bão rớt.

Cái gì rớt cũng buồn, buồn hơn kiến cắn.Chỉ bão rớt là không. Trời chỉ hơi xám, hơi lạnh. Gío vẫn vi vu, lá me vẫn xanh ngăn ngắt. Mùa này cây đẹp lắm. Mưa gột rửa bụi trần. Lá xum xuê, xanh mơn mởn..

Một cơn bão nhỏ. Vừa đi qua hồn tôi.

Buổi tối quán cà phê đã quen thuộc sau hai lần hò hẹn. Tôi chọn phòng nhỏ trong góc. Không ai thấy ta nhưng ta thấy đuợc khá nhiều. Giá như có vị thần nào đó cho cái kính ấy nhỉ. Ta soi thấu. Chỉ cần mười người.Lúc bấy giờ hẳn..sẽ vui bát ngát mà buồn cũng chất ngất không chừng?

Chỉ mới nói với chàng qua phone một lần. Rất tư nhiên và ríu rít. Có vừa đâu. Lại con trai bắc. “Tài năng chỉ mới nghiêng mình thôi, còn anh là quỳ trước nhan sắc!” Chàng nói vậyTôi phá ra cuời. Lâng lâng. Tôi có cảm tuởng, ta tìm lại một bóng dáng xưa..

Quả là đúng. Như linh cảm. Chàng, dáng phong trần, lãng tử. Khuôn mặt ấy, hẳn là đẹp trai lắm khi còn trẻ. Dáng dấp phong độ, không béo phì như đa số đàn ông ở tuổi chàng. Cái bắt tay tự nhiên.

Rồi chuyện trò cứ như súôi chảy. Tôi tới lui như sóc. Quán hát đêm ấy và những người..

Này hai đệ tử nhỏ..

Này chàng hoạ sỹ của một tờ báo. Tôi đã rủ rê khi nghe chú nhỏ hát  Gọi em là đoá hoa sầu  ở quán kia…

Này nguời  phụ nữ Huế đằm thắm dịu dàng hát nhạc Phạm Duy nức nở. Đêm nay nàng sẽ hát Tóc thề. Của tôi.

Này cô hiệu phó trẻ của trường trung học. Đó là bạn cũ, à không fan cũ của một web site kia..

Đi đâu rồi cũng quay về chốn cũ. Là phòng nhỏ. Với chàng.

 Hôm nọ em có nhận ra anh là ai không?
Không!Vì em rất dở trong vấn đề nhớ tên, nguời  và đường đi.. 
Em có hình dung ra anh không?
Không! Nhưng em biết anh đâu có vừa!
 
Và tôi nghiêng đầu cuời  “Bây giờ thì em có thể nói là ngày xưa anh chắc cũng thuộc loại Con nhà giàu, học giỏi, đẹp giai, đái giầm!!”

Chàng phá ra cười. Tôi thấy vui đã mấy ngày rồi. Sau những giây phút buồn vì tồ, bị lừa gạt vì quá tin nguời, tôi lại đứng dậy. Như thường lệ. Muội nhỏ của tôi vẫn chế diễu, tỷ là gà tồ!  Ai nịnh là rút ruột ra hết!  Thì tính tồ trời sinh. Đến chết vẫn gà tồ.

Chàng lên hát “Còn một chút gì để nhớ “ tặng tôi. Giọng hát như chàng. Lãng tử. Như hơi thở. Không cầu kỳ. Không trau chuốt. Tôi thích vậy. Hát  tài tử thì cứ để tự nhiên. Vụng về cũng có nét dễ thương riêng. Phải thế không.

Tôi ôm bó hoa lên sân khấu. Chàng choàng tay qua vai. Đệ tử bấm máy. Sau này về nhà tôi ngắm nghía. Con bé kiêu kỳ là tôi cười tủm tỉm “Có vẻ xứng đôi nhỉ?” Tôi vỗn dĩ thích đàn ông cao lớn, hơi beau giai một tí. Đứng bên cạnh, có cảm giác nhỏ bé, được che chở, đuợc an toàn. Tôi rất buồn nếu đàn ông thấp hơn tôi!
 
“Lẽ ra A phải sửa lại là  May mà có G, đời còn dễ thương chứ?” Tôi nghiêng đầu thủ thỉ. Chàng bẹo má “Ừ, đúng vậy”.

Tôi thấy vui. Tôi trêu chàng –Như ngày xưa tôi trêu bạn trai- trong sân truờng đại học..

Chàng đã khơi dậy trong tôi, những kỷ niệm đã ngủ quên từ bao năm tháng. Chàng làm tôi nhớ đến hình bóng dễ thưong của  thuở sinh viên, của những ngày đầu tiên đi dậy..Con trai Bắc của Saigon  ngày ấy, với tôi, sao mà dễ thương thế.

Từ khi sang trang, những con nguời  ấy đã ra đi, đã thay đổi. Chắc là tôi, con gái Saigon xưa cũng thay đổi nhiều lắm?  Nào ai nhìn đuợc chính mình. Đoá hoa trong vuờn sẽ phải khác với trong chậu.Chứ nhỉ.

Nhưng chàng đã làm những bóng cũ của thuở xưa sống dậy trong tôi. Từ dáng dấp, giọng nói, cách pha trò, cách châm biếm và cả cái nham nhở nữa!

Hôm sau buổi trưa chàng gọi.

 -Em đi gặp bố già có gì vui không.
-Vui. Bố già trông khoẻ lắm
-Thế so sánh với A thì sao
-Thì M đã nói rồi, A trông có vẻ con nhà giàu, học giỏi, đẹp giai, đái giầm lắm mà!!

Lại những tiếng cuời ròn rã.

 -Hình ra sao M?
-Đẹp.
-Đem cho A tối nay đi
-Không, chờ mai mốt có cả Q, M sẽ đưa
-Thì thôi vậy. 

Hôm sau chàng lại gọi buổi trưa.

Chào buổi sáng nhan sắc!” Tôi ngỡ Bố già nên nhỏ nhẻ : “Dạ nhan sắc cũng xin nghiêng mình chào tài năng”. Chàng cuời. Mới nói phone hai  lần, tôi nào đã nhớ giọng chàng. Lại hỏi “ Thế chú đã quen với múi giờ mới chưa?”. Chàng phá ra cười “ Chú nào? A đây cơ mà? Đâu phải bố già?”. Tôi cắn môi (nhất định nếu có chàng lúc đó, tôi phải đấm mấy cái cho bõ ghét) “Đục A bây giờ? Sao A nói câu nhan sắc làm M tưởng lộn là bố? “

Lại trao đổi loanh quanh. Tôi buông máy. Môt niềm vui nhè nhẹ. Một nỗi buồn thoang thoảng..

Đã có những người  đàn ông. Tập cho tôi thói quen. Cứ tám giờ sáng  và năm giờ chiều là gọi. Không bận thì nói nhiều.  Bận thì vỏn vẹn “ A phone để biết M còn tồn tại trên cõi đời này không?”

Có người  cứ mười giờ đêm là gọi cho tôi. Hôm nay M có gì vui không?Ừ nếu buồn thì đưa đây A giữ hộ!

Mà cuộc đời thì như bèo dạt mây trôi. Khi thói quen mất đi, tôi hụt hẫng mấy ngày. Biết là vậy nhưng thói quen là của người  dưng tạo ra. Tôi nào ý kiến.

Chàng có tập cho ta thói quen nghe phone chàng buổi trưa không. Nếu có thì cũng hay. Con vạc ăn đêm. Ngủ muộn. Dậy trễ. Và  “thiên tài tam thừa  gọi cho nhan sắc giữa trưa”. Tôi đã trêu chàng như vậy. “Rằng M là con nguời  khoa học. Thôi thì Thiên thiên tài của A  hãy gọn lại là Thiên tài tam thừa đi nhé?”.

Saigon  bão rớt. Mưa bập bùng. Gió lạnh buổi sáng. Tôi bỗng ao uớc có chàng – cùng che dù đi lang thang.Như một thuở nào. Đường Thi Sách lá me bay. Mưa thánh thót. Ai đó che dù cùng tôi lang thang khắp phố Saigon.

Tôi gọi cho chàng. Chưa kịp nói gì đã nghe ‘”M đó hả G ?’ Tôi nũng nịu, tuởng như là muời sáu  “ Ghét A!  sao A chộp M vậy? phải để M nói nhan sắc xin đuợc diện kiến thiên tài chứ?”

Mất sóng. Ba phút sau chàng gọi lại.

 -A đang nói về M
-Xạo ke!
-Thật mà. Với nhà văn X và Y
-Dóc? M không quen họ.
-Thì A khoe họ, A mới vẽ M mà.

Tôi mỉm cuời. Ừ, tôi đã yêu cầu chàng vẽ phác tôi.

 Này A, có tập thơ in chung ở hải ngoại. M không thích lắm nhưng họ năn nỉ cùng đứng cho vui. M đã có một  sketch của anh bạn cũ. Anh ấy vẽ M theo trí tuởng của ngày cũ. Coi như đã có Ngày xưa Hoàng thị! sẽ minh hoạ cho bài thơ Tóc thề. Còn bây giờ A vẽ đi, sẽ có Hoàng thị ngày nay. Minh hoạ cho đoản văn.

Trời đang mưa. Cơn bão số 3 đã qua. Bão số 4 tiếp nối. Với Saigon  lại vẫn là bão rớt.

Với tôi, cũng một bão rớt vừa thoảng qua..

Sài Gòn 2003

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.