Khi người đóng “vai kép” không còn vai

Khi tôi víêt “Vai kép”, một người bạn (dễ thương!) gọi tôi. Anh nói, anh không  thích Lan Chi viết bài này, Lan Chi là “người hùng” mà, Lan Chi phải dấu đi, những cái đó cho riêng mình! ( Người hùng? Anh ám chỉ cái gì và tôi cũng quên không  hỏi. Hay anh ám chỉ những bài viết thời sự của tôi, để từ đó vài thân hữu gọi tôi  là Phàn Lê Huê?)

Tôi không  đồng ý với anh. Ngày xưa, khi chưa có internet, chưa có “blog” thì sẽ cân nhắc, cái gì chỉ cho người thân, cái gì cho nhóm nhỏ và cái gì “bán than ở chợ trời”. Ngày nay, vẫn cân nhắc nhưng có chút đổi thay. Blog, tôi nghĩ vào đó không chỉ là hoa thơm cỏ lạ nắng hồng mà còn là gai góc, là vũng tối mênh mông. Những cái đó là của chủ vườn, nhằm mục đích lớn nhất là “giữ lại ngày qua”. Ngày qua dù đẹp xấu cũng là ngày qua. Tất nhiên có những đìêu không  thể nói được, chỉ là sống để dạ chết đem theo. “Vai kép” không  thuộc loại đó. Nhưng tôi trân quý tình cảm của anh. Phải coi tôi là ‘thân thiết” ở mức độ nào đó, anh mới góp ý như thế. Anh muốn tôi giữ những “Ngõ vắng” tối tăm cho riêng mình và quá lắm, chia sẻ với bạn bè qua  điện thoại. Viết đến đây tôi nhớ một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn  mà tôi chép từ thuở sinh viên trong tập thơ giấy hồng mực tím. Những nét chữ của một thời đi học, cách xa nhau cả thước và tròn vo mũm mĩm:

“Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn”, tôi đã đang và sẽ dấu, chỉ viết về những “vui vui” nhưng “vai kép” là nỗi niềm của đa số “những người của hôm nay”. Nỗi niềm ấy phải được chia sẻ để người sau không  đi vào vết xe đổ của người trước.

Tôi không  phải  là nhà thống kê để biết con số “vai kép” của Việt Nam bắt đầu nhiều từ bao giờ. Tôi nghĩ, có lẽ vào khoảng sau 1975. Con số có thể  lớn so với những người đi trước vì có lẽ  những người ở vào tuổi tôi đã có những “hôn nhân vội vàng” vì thời cuộc. Và sau đó cũng vì hoàn cảnh thời cuộc mà họ không thể/không  muốn lập lại cuộc đời. Và bi kịch xảy đến mà tôi gọi đó “một sự tự đánh cắp cuộc đời của mình”.

Đành rằng mỗi người có một cuộc đời và tự mình chịu trách nhiệm. Nhưng xét cho đến cùng gốc rễ của vấn đề sẽ thấy số mạng ẩn tàng trong đó rất nhiều.

Ví như có người được giáo dục gia đình tử tế nhưng vẫn hư hỏng và ngược lại.
Ví như có người có điều kiện học hành đến nơi đến chốn nhưng không  học và ngược lại
Ví như có người được cha mẹ cho chọn vợ chồng thoải mái nhưng không  hạnh phúc và ngược lại.

Khoanh nhỏ vào mình, tôi đã thấy mình tự đánh cắp rất nhiều thứ của mình.

Thuở bé, di cư vào Nam, Bố phải hy sinh đi dạy xa nhà bao năm trời để vợ con được ở Sài Gòn, để con được học hành. Vì thế, tôi luôn nhớ trong đầu “Học, học và học”. Chỉ có học, con đường duy nhất để tồn tại và tiến triển. Tôi có thể thích vẽ nhưng nghe bố nói, tôi bỏ vẽ. Tôi có thích văn nhưng nghe bố nói, tôi bỏ văn. Tôi chăm và lo học. Thế nhưng số mạng, có một điều tôi còn hối tiếc đến bây giờ, đó là tôi rất thích nghề Y nhưng đã thi rớt (vì xui chứ không  phải vì học dở).

Từ ám ảnh của việc “Phải học”, cộng thêm nếp gia đình, tôi và cả chị cả tôi, không  hề có bạn trai thuở trung học. Đó là cũng là một điều thiệt thòi cho  chúng tôi vì thuở trung học là một thời kỳ hoa mộng. Giá Bố Mẹ cho phép có chút đỉnh và theo dõi nhắc nhở để con cái đừng sao nhãng việc học, thì có lẽ hay hơn. Lên đại học, cũng ám ảnh bởi việc phải học để có nghề, chị em  chúng tôi cũng không  dám “lộn xộn”. Vả lại Bố Mẹ cũng cấm. Sau này tôi không  cấm các con khi chúng là sinh viên vì tôi hiểu sau 18t, tương đối khá vững, nên để chúng thoải mái trong vấn đề bạn trai gái miễn là không bê trễ việc học. Thường thì những mối tình đẹp là tình thuở sinh viên vì khi đó đã khá trưởng thành không  còn quá ngây thơ như tuổi mười ba, mười lăm. Mối tình đó nếu kéo dài bền vững cho đến khi ra trường và kết hợp thì phần lớn những chuyện tình kiểu này rất bền. Bền vì đôi bên hiểu nhau quá nhiều, gắn bó với nhau quá nhiều kỷ niệm và vì thế dễ tha thứ cho nhau khi đụng chạm.

Cũng vì gia đình, vì “bộ mặt” mà đôi khi  chúng tôi không  dám lựa chọn người theo ý thích của mình. Chị tôi còn nhắc lại lời cha nói về một người bạn của chị “ ..Thằng đó hả, bố không  thích vì nó con nhà buôn!” Hoặc mẹ tôi nói với tôi “ Cái thằng đó tướng lấc cấc mà còn theo đạo nữa”! Vào thời đó, cha mẹ tôi còn kỳ thị “Dân buôn bán” và “người theo đạo Thiên Chúa”! Tất nhiên  chúng tôi thời đó rất ít dám cãi lời cha mẹ vì viễn cảnh lấy chồng mà chồng không  được gia đình ưa,  là một điều đau khổ. Đa số  chúng tôi muốn kết hôn với một người và người ấy cũng được cha mẹ “ưng”. Làm sao  chúng tôi con gái thời đó lại muốn hàng tuần về thăm cha mẹ mà cha mẹ ghẻ lạnh với chồng mình?

Như thế có phải chăng vì giữ “thể diện” cho gia đình, muốn vừa lòng cha mẹ,  mà  chúng tôi đã tự đánh cắp cuộc đời mình? Không thể sống theo những gì mình thích, phải chọn lựa không chỉ cho mình mà còn cho gia đình, dòng họ?

Từ chọn lựa không  đúng đắn, hệ quả là gì, đương nhiên ai cũng biết. Thời xưa, các cụ ngậm tăm và sống nín một đời. Thời  chúng tôi, lại cũng cái “thể diện” mà ngậm tăm. Nhưng sau 75, cái ràng buộc ấy không  quá kinh khủng. Chúng tôi cũng bị dằn vặt. Rất nhiều. Để cuối cùng đành chọn. Thế nhưng, đây là cái tự đánh cắp cuộc đời mình mà tôi nghĩ rằng hậu quả thật vô cùng bi đát, nhất là cho người nữ: chọn để thoát và đồng thời đóng cửa vĩnh viễn cuộc đời mình!

Ở tuổi gần 40, khi con còn quá nhỏ, tôi nghĩ rằng không có một người phụ nữ Việt Nam nào lại có thể đành đoạn bước đi bước nữa. Khi con lớn, thì cơ hội đã qua, không thể đến lần hai. Nếu không có Việt Cộng thì cuộc đời  chúng tôi cũng ảm đạm nhưng không  quá thê lương như hiện tại. Cuộc sống hải ngoại vốn không  chặt chẽ về giềng mối gia đình nên hình ảnh người phụ nữ đã ở vậy nuôi con và về già một thân thui thủi, thật thê thảm.

Một đời, từ khi sinh ra, không  được hưởng gì, chỉ lo học cho có nghề nuôi thân. Trưởng thành, lập gia đình vội vã vì thời cuộc rồi tan vỡ, và không lập lại vì thương con còn nhỏ. Để cuối cùng, khi những con chim con đủ lông cánh, chúng bay ra vùng trời bát ngát, chỉ còn chim mẹ già nua, cô độc! Mà nào ai ép buộc. Chính chim mẹ ngày xưa tự đánh cắp cuộc đời mình mà thôi.

Khi đọc “vai kép” tôi đã mail cho QB, nói rằng em không  thể  sống như thế. Bây giờ em nghĩ đến con còn nhỏ và không  lập gia đình. Thế nhưng mai sau con lớn, nó sẽ không  gần em nữa, nó có bạn riêng, niềm vui riêng và lúc đó em sẽ trơ trọi vô cùng. Em cần một mái ấm có chim cha chim mẹ chim con thì không  thể nữa. Lũ trẻ con, không  trách chúng được vì trời sinh là thế. Chúng nghĩ rằng bổn phận cha mẹ là phải thế. Chúng không cần biết gì hơn. Chúng chỉ biết cuộc sống của chúng hiện tại. Cho nên có thể nếu bây giờ em lập gia đình khác, con trai em sẽ khổ, chắc chắn thế nhưng thà là cho nó hơi khổ một chút còn hơn em hy sinh cho nó, để sau này khi trưởng thành, nó tung tăng hưởng hạnh phúc cá nhân và em thì lúc đó thì khổ vô cùng. Hãy coi đó là số mệnh của nó. Nó chịu thiệt một chút và em không  bị thiệt quá nhiều. Hãy nghe lời chị, lập gia đình khác, vẫn còn kịp để có con khác. Một mái gia đình với con chung bao giờ cũng vui hơn. Đứa con khác đó cho dù sau này nó trưởng thành và có gia đình riêng, thì lúc đó em vẫn có mẹ nó bên cạnh và em sẽ không  cảm thấy tủi như khi em hy sinh cho con để rồi về già, em vẫn là một mình.

QB hứa sẽ nghe lời tôi. Thì tuỳ QB thôi. Dù sao QB là đàn ông thì có thể hy sinh nuôi cho con ngoài hai mươi và lúc đó QB lấy vợ khác cũng vẫn được. Chỉ những người phụ nữ, khi con khôn lớn, thì hy vọng tìm một mái ấm khác, có vẻ khó khôn cùng.

Vai kép, đã vô vàn khó nhọc và khi vai kép tròn thì phần thưởng cho người đóng vai kép là không  còn vai nào nữa cả!

“Vai kép” ở đây:

http://wp.me/p1DQbJ-nc

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.