Ngợi Ca Tháng Chạp

Ngợi Ca Tháng Chạp
 
Hoàng Lan Chi

Bây giờ là tháng mấy? Không nhớ nữa. Thời gian bây giờ với tôi thật lãng đãng vô cùng. Lãng đãng đến độ có hôm chủ nhật tôi xách xe đi học. Đến trường thì ngẩn ngơ vì chỉ có hàng phượng tím cuối hè đang rũ mình sầu muộn. Lãng đãng đến độ nửa khuya thức giấc, nhìn ánh trăng vàng úa nhợt nhạt của khung kính lại vùng dậy tưởng là ban mai đang le lói.

Thuở sinh viên tôi yêu Tháng Chạp và Tháng Mười. Chạp vì thời khắc cuối năm bao giờ cũng đầy ắp và cái tên gọi, Chạp. Yêu vì một bài thơ dễ thương còn đọng mãi tận bây giờ:

Tháng chạp về rồi bé biết không 
 Một chút mầu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã tết trong anh..

 
Tháng chạp về rồi bé biết không
Anh nằm trên cỏ nghe mùa xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông

 
 
Tháng chạp về rồi bé biết không
Gió đưa làm rơi lá sầu đông
Trong mơ cứ ngỡ mình vừa thoáng
Thấy bóng ai về trong nắng hanh

(thơ MM)

Chỉ người Bắc mới gọi tháng 11 là Một và 12 là Chạp. Người Bắc, tôi mỉm cười khi nhớ đến người bạn Nam “Chỉ người Bắc chị mới như vậy sao, người Nam tụi tui cũng ngon lắm chớ bộ!”. Thì ai cũng “ngon” cả nhưng có lẽ vì tôi là Bắc nên hay nói về Bắc. Người Nam hiền hoà chân chất nào khách sáo bóng bẩy như người Bắc. Tôi kể cho người bạn Nam nghe,  chúng tôi bị nghe ca dao tục ngữ hàng ngày trong gia đình nên tự nhiên nhớ được rất nhiều. Nhớ thuở bé, chưa đi học và khi nghe mẹ mắng “Tránh ra, cứ lù lù như cái mả Đạm Tiên thế kia” đã ngây thơ hỏi “ mả Đạm Tiên là cái gì?”. Kể ra thì cũng phục các bà mẹ Bắc, luôn dạy con cái bằng đủ tục ngữ thành ngữ thơ văn. Ngồi ăn cơm là đã nghe mẹ tụng “ Này ăn trông nồi ngồi trông hướng  đấy nhé” hay định làm gì là nghe tụng “Giấy rách phải giữ lấy lề nghe chưa”. Kể cả sau này khi tôi đã là mẹ của hai con nhỏ mà một lần về nhà buổi tối nên ngại thay và vẫn mặc đồ ở nhà với cái “quần lửng” ngang đầu gối, mẹ tôi đã nhìn tôi từ đầu đến chân “Y phục xứng kỳ đức!”.

Tháng Chạp ở miền Bắc xa xôi chắc dễ thương vì khí trời se sắt  và rộn ràng của năm cũ. Tháng Chạp ở Sài Gòn mưa nắng của tôi cũng dễ thương vì chút lạnh cuối năm và lá vàng bay bay đường phố.  Tháng Chạp ở thủ phủ tị nạn thì buồn hơn kiến cắn. Gió, gió Santa nổi tiếng mà. Một cậu em hỏi tôi sợ gió Cali chưa thì lúc đó tôi chưa biết. Bây giờ đã biết. Gió Cali không  rít như Rừng Gió Virginia của tôi nhưng tôi cố đi tìm cái “gió lồng lộng” mà dường như không  phải. Chỉ có điều lá vàng rơi ngập đường phố và gợi cho tôi nhớ đến vần thơ xưa:

Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi

Ở đây lá vàng không  dồn thổi mùa thu đi mà là đuổi đông đi.
Thu!
Đông!
Nếu không  từng ở Virginia thì hẳn là tôi sẽ ngắm mùa của Cali “tròn trịa” hơn. Cái nhìn của tôi bây giờ với mùa của Cali luôn như ánh trăng khuyết. Thu ư, lá đường phố có rụng nhưng lá trên cành vẫn xanh. Không có thu vàng tí nào cả. Và cũng sẽ chẳng có đông trắng. Nhưng lại mưa. Mưa cả ngày với bầu trời xám xịt, mưa không tí tách mà hơi dầm.

Vậy thì “ngợi ca tháng Chạp” ở cái gì bây giờ khi nơi này không  có một chút xanh lơ , một chút hồng phấn, một chút vàng mơ, một chút tím nhạt, và cũng chẳng có dịp để mà “nằm trên cỏ nghe mùa xuân” và cũng chẳng thấy “gió làm rơi lá sầu đông”?

Không, tôi vẫn “ngợi ca tháng Chạp” được vì …từ tháng này tôi không  tìm mà đã gặp. Một người của “thế hệ gạch nối” và một người của “ trường cũ thầy xưa”.

Người của “thế hệ gạch nối” đến với tôi thật tình cờ. Từ những lủng củng trong nội bộ của một tổ chức nọ, tôi tìm đến bản dự thảo hiến chương cho tổ chức này mà Em là tác giả.  Nêu thắc mắc với em để rồi hiểu được em và khi “trò chuyện”  với em, tôi xúc động. Xúc động trước tâm tình và mơ ước của em. Tôi như nhìn thấy lại mình của một thuở xa xưa, cũng có những cái gọi là:

Tôi cũng đã từng mơ diễm sử
Nét vàng chói lọi của sơn khê
( không  nhớ rõ lắm và cũng không  nhớ tên tác giả)

(xem bài phỏng vấn Andy Nguyễn Xuân Hùng tại đây: Hoàng Lan Chi -Tâm tình với thế hệ gạch nối)
Người của “Trường xưa thầy cũ” đến với tôi lại là tiếp nối của “người thế hệ gạch nối”. Nói cho rõ hơn, tiểu muội Gia Long đọc bài tôi phỏng vấn “ thế hệ gạch nối”, muội thấy thích muốn nói chuyện với “ thế hệ gạch nối”. Tôi tò mò hỏi thì cuối cùng nhận được bài viết “ Bước tiến phải có” của em. Hai tâm tình, hai nội dung tưởng tưởng là khác nhưng lại rất gần. Tôi vui, vui lắm khi biết ngoài vài tiểu muội khác, nay thêm một tiểu muội đúng nghĩa “con cháu Hai Bà”.  ( xin xem bài viết của Gia Long Phương Thuý (DC) tại đây: Hoàng Ngọc An giới thiệu “Bước tiến phải có” của cựu Gia Long Phương Thuý (DC) và “Khoảng cách giữa quá khứ và tương lai” của Andy Nguyễn Xuân Hùng (Dallas)Không, tôi vẫn “ngợi ca tháng Chạp” được vì Tháng Chạp này, từ miễn viễn tây, thành phố Houston, một buổi lễ tưởng niệm những đảng viên Quốc Dân Đảng đã bị giam cầm và bỏ mình ở một nơi rất xa. Năm 1931, Pháp tuyên án chung thân khổ sai biệt xứ và lưu đầy 525 chiến sĩ, trong đó có 325 Việt Quốc từ Côn Sơn sang French Guyana, vùng đất nằm giữa hai nước Venezuela và Brazil, cũng là một thuộc địa của Pháp, cách xa Viêt Nam hơn nửa vòng trái đất…..Các đảng viên còn lại, bây giờ đã không quản khó khăn để đi tìm nắm xương tàn của đồng chí năm xưa và buổi tưởng niệm được ghi nhận. Tôi vẫn dành nhiều tình cảm cho Việt Nam Quốc Dân Đảng từ thuở xa xưa khi học về những trang sử cận đại của thời chống Pháp. Tôi vẫn ghi nhớ câu nói của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học “ không  thành công cũng thành nhân”.

( Xin xem tại đây: Cung Nhật Thành – Việt Nam Quốc Dân Đảng tám mươi năm uất hận, cảm khái và ngậm ngùi )

Không, tôi vẫn “ngợi ca tháng Chạp” được vì vẫn không  ngừng có những “người tình mới”.  Người tình là người yêu mình phải không? Yêu, đâu chỉ là tình yêu trai gái! Yêu là yêu văn, yêu tâm hồn, yêu con người, yêu vì chung lý tưởng…

Xem “em tôi” ( một người tình mới đấy)  viết này:

“Có phải đọc bài “Những cội thông già” chị sợ em “đi lạc” phải không? Em nằm trong nhóm “già nhưng còn nhiệt huyết” của chị 100%, không nhượng bộ và thỏa hiệp dưới bất cứ hình thức nào. Từ từ em sẽ chứng minh với chị, trước mắt, em chỉ yêu cầu chị, hễ thấy em lơ mơ chỗ nào thì chị sửa lưng ngay cho, em cứng đầu nhưng luôn hướng về lẽ phải. Em chống cộng từ bản chất của nền văn hóa nô dịch Mac-Le-Mao, nghĩa là phải phục hồi và phát huy được văn hóa truyền thống của ông cha mình. Chuyện khó khăn em không nản, em nghĩ mình cứ rán hết sức mình, đi được đến đâu hay đến đó, đi đến chỗ mình không thể đi được nữa mới thôi. Dìu em chị nhé!”

Và khi em nghịch ngợm này:

“Hôm qua em đọc bài “Portland tưởng như là ngày cũ”. Thấy chị đẹp, lanh, thông minh và lãng mạn ghê đi, chẳng thấy “tồ” chút nào hết. “Tồ” mà biết “ba trợn” rằng “có chè thì xôi sẽ đậm đà hơn”?
 
Nghe chị nhắc “Anh Chi yêu dấu” em chợt nhớ đến tên tác giả. Chị và Đinh Tiến Luyện liên quan thế nào? Hồi nhỏ em mê đọc Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường”

Tôi bật cười khi đọc “ba trợn vì  biết có chè thì xôi sẽ đậm đà hơn”. Tôi vẫn là ‘tồ” và “ngố” nhưng những ngôn ngữ “ngớ ngẩn” của tôi đôi khi lại bị “những người tình” nhìn thấy cái gì đó …không  ngớ ngẩn tí nào.

Không tôi vẫn “ngợi ca tháng Chạp” được vì có những đêm tháng Chạp gió Santa cuồn cuộn sóng, ánh trăng lạnh lẽo một mầu ảm đạm, tôi chỉ cần gọi cho anh để rồi nghe tiếng anh reo vui “Anh đây, anh đây” là tôi có người …rủ rỉ đủ mọi vấn đề  trừ …thời sự!

Hoàng Lan Chi ( 2011)

This entry was posted in LanChiYesterday. Bookmark the permalink.