Phạm Khắc Trung-Nước chẩy mây trôi

NƯỚC CHẢY MÂY TRÔI
Phạm Khắc Trung

Qua học kỳ 3, chúng tôi học buổi sáng dự lớp ở trường Luật, buổi chiều thảo luận tại trường đại học Phương Nam, trong khuôn viên Viện Hóa Đạo. Chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa, theo đúng với tinh thần của khẩu hiệu “Chinh phục nắng, khắc phục mưa, không ngủ trưa, và quên ngày chủ nhật”.

Khuôn viên trường Luật chật hẹp. Trong giờ giải lao, sinh viên đứng chật hành lang trên các tầng lầu nhìn xe cộ qua lại dưới đường, họ tụ nhau từng nhóm riêng trò chuyện.

Sáng hôm đó có một đám ma đi ngang, không ai là không chú ý đến người đàn bà khoác bộ sô tang, đầu trùm khăn tang trắng xóa, gào khóc thê thảm theo hòm.

Có tiếng cô Hằng trong nhóm “cán bộ lớp” đứng gần bên nhận xét: “Chắc người chết là chồng, nên bà ấy mới thương tiếc mà gào khóc dữ vậy?”

Tôi buột miệng nói hớt: “Tiếc chiếc hòm chứ thương gì ai!”

Hằng quay qua phía tôi “xí” một tiếng lanh lảnh dài như “hồi còi trong đêm”, át hẳn những tiếng cười vô tư của nhóm “quần chúng” bên này. Tôi vẫn thường nói rằng người làm khai sinh cho Hằng viết tên thiếu một nét.

Quay nhìn qua nhóm “cán bộ lớp”, thấy cảnh tượng thật tội nghiệp, người thì bặm môi đứng chết trân rán nín cười, người thì quay ra chỗ khác bụm miệng thật chặt, mặt mày người nào người nấy đỏ ké, thấy mà phát thương… Tôi nói với mấy người bạn, “lấy ai thì lấy chứ đừng đụng tới Đoàn viên, rủi tối ngủ mê nói sảng, nó kêu dậy làm tự kiểm tội phát biểu linh tinh thì có mà chết tức”.

Tan học, tôi xuống căn-tin mua một ổ bánh mì quốc doanh, cẩn thận bỏ vào túi đeo trên vai, rồi lên xe trực chỉ trường đại học Phương Nam, đạp…

Ngồi dưới gốc cây dương trong khuôn viên Viện Hóa Đạo, vừa gặm ổ bánh mì XHCN, tôi vừa viết lại bài “Văn Tế Chồng” đã sắp sẵn trong đầu:

“Chim xa rừng tìm cây nương cội,
Người xa người tội lắm người ơi!”
Thà chết thì chết cả đôi
Đằng này anh chết em ngồi chịu tang.
Ối anh ơi!
Đã thương nhau thì thương cho chót
Đã ghét nhau thì ghét từ đầu
Sao anh vội bỏ đi mau
Để mẹ con em ở lại quạnh hiu giữa cõi đời này.
Ối anh ơi!
Mới ngày nào vợ chồng mình tiếng to tiếng nhỏ
Bố con anh miếng nhỏ có nhau
Đã tưởng đâu bão lặng sóng hòa
Cho gia đình ta yên bề gia thất…
Ai ngờ đâu trời xanh khe khắt,
Bắt anh đi, đày đọa mẹ con em
Đã hẳn rằng trời gọi mình thưa
Nhưng sao ngăn được giòng lệ khi chia ly thế này?
Ối anh ơi!
Giận các cụ xưa ngồi không vẽ chuyện
Cỗ quan tài nào ít ỏi chi đâu?
Một trăm bốn chục ngàn! (*)
Ai đào đất chôn đi mà lòng không đau không xót?
Thương một tiếc mười, nói sao cho xiết
Sống khôn thác thiêng anh về chứng giám mẹ con em.
Kính bái.

Tôi khoe bài văn tế với lũ bạn, họ thích lắm, thay phiên nhau chép lại. Một chị bạn chép xong mang lại đưa cho Hằng, chị nói, “mi đọc đi, thằng thiệt giỏi à, nghỉ có chút buổi trưa mà làm được bài thơ thiệt hay”.

Nguyễn Thị Hằng là trưởng ban văn nghệ lớp tôi, Hằng thích thơ và có giọng ngâm thật hay. Học kỳ 1 học môn “Chính Trị Cơ Bản” ở rạp Quốc Tế, mỗi khi lên ngâm thơ giải lao giữa giờ, Hằng lại nhờ tôi lên giới thiệu cho Hằng. Hôm Hằng ngâm bài thơ “Hoa Lục Bình”, ngồi bên góc phải trên lầu rạp Quốc Tế, chúng tôi được cười một trận thoải mái, tại một thằng bạn nhái giọng Hằng ngâm nho nhỏ: “Hằng như cục cứt trôi sông/ Tôi như con chó ngồi trông trên bờ”.

Cuối học kỳ 3 có tổ chức văn nghệ toàn trường. Hằng nhờ tôi soạn lời bạt và làm xướng ngôn viên cho đêm văn nghệ. Mặc dù Chi Đoàn đã kiểm duyệt lời bạt của tôi, nhưng giờ chót họ cử người khác lên đọc lời bạt tôi soạn, chứ không cho tôi lên sân khấu, chắc sợ tôi cương sảng?

Theo lời chị bạn kể lại, có vẻ Hằng cũng thích bài văn tế này, Hằng đọc đi đọc lại hai ba lần, nhưng chắc sợ bị đánh giá là “mất quan điểm”, Hằng đưa lại cho chị bạn và nói, “rõ vớ vẩn!” Không biết Hằng nói chị bạn vớ vẩn, hay tôi vớ vẩn?

*******

Cuối tuần, tôi đạp xe xuống thăm người thày cũ, Giáo Sư Huỳnh Văn Tòng, để khoe bài văn tế, thày khen, “cả năm trời nay mới đọc được bài thơ ra hồn”. Ý thày nói là thơ văn sau này cứng ngắc, không dám vượt ra khỏi cái khuôn sáo cố định.

Tôi giỡn, “lỡ thày có bồ người Bắc mà phát ngôn kiểu này là mất bồ như chơi”. Thày nhướng đôi mắt qua tròng kiến đeo xệ mũi, há họng nhìn tôi hất hàm hỏi, “sao dzậy?” Tôi kể, “lúc trước có người bạn gái khoe em bài thơ cổ làm, đọc xong em khen cảm động lắm, vậy mà cổ giận em một tháng không thèm nói chuyện. Thày biết không, cổ nghĩ em chê thơ cổ không hay nên mới nói tránh là cảm động. Hôm nay thày nói thơ em ra hồn, nghĩa là đã không hay mà không cảm động tuốt”. Hehe! Thày cười cho đã rồi ho sặc sụa…

Thày tôi dân Nam bộ, hiền lành, bình dân và dễ thương lắm. Có lần thày bảo tôi, “Êy! Mi có cô bạn nào còn mình ên giới thiệu cho tui dzới”. Tôi hứa, “để từ từ em chọn cho thày”. Vài tuần sau gặp lại, thày nhắc, “Êy! Chọn được cô nào chưa?” Tôi nói, “có rồi! Kẹt cái là mỗi khi muốn mang xuống giới thiệu, nghĩ giao cho thày thấy uổng, nên lại thôi. Em giữ lại để dành sơ-cua”. Thày cười hehe, “thằng đểu dữ!”

Trước kia thày là Phó Khoa Trưởng trường Truyền Thông Đại Chúng, lúc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đi, ủy quyền thày làm Quyền Viện Trưởng viện đại học Cửu Long. Thày là người kêu gọi sinh viên về trường trình diện trên đài phát thanh hôm 02/05/75. Nghe đâu cái biển “Khu Phi Quân Sự” treo trên cổng trường cũng là tác phẩm của thày. Thày niêm phong nhà riêng và văn phòng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, chắc thày nghĩ cơ sở giáo dục phải đựoc bàn giao cho Bộ Giáo Dục cũng nên? Lúc đầu có ông Thức hay Thục gì đó ở Bộ Giáo Dục xuống làm việc lo việc tiếp thu với thày mấy lần. Rồi thày chuyển qua hoạt động bên viện đại học Vạn Hạnh, ông đó quay qua làm việc với ông Trần Phong Giao, quản thủ thư viện. Mỗi ngày, bác Giao, bác Thu, anh Từ đều đến trường làm việc suốt từ sáng đến quá trưa mới về.

Dè đâu Thành Đoàn ra tay chiếm trước. Hai Khánh về trường đuổi ngay bác Thu và anh Từ, lấy cớ bác Giao xuyên tạc với Bộ và đem nhốt bác ở số 4 Duy Tân, và tiến hành kiểm kê văn phòng GS Bích. Một buổi tối chủ nhật, Hai Khánh và đám sinh viên chiến nạn, cạy cửa nhà GS Bích, tẩu tán tài sản và những sách quý trong thư viện. Bộ mặt bọn ăn cướp đã lộ nguyên hình, không đầy 2 tháng sau ngày “dải phóng”. Khi GS Tòng hay tin, ông phẫn nộ chửi đổng, “bọn chó đẻ!”

Mấy tháng sau, khi sinh viên cũ (từ năm thứ 2 trở lên) được triệu tập đi học lại. Viện đại học thành phố sắp xếp cho GS Tòng dạy Pháp Văn bên trường ĐH Sư Phạm, mặc dù thày lấy bằng Tiến Sĩ Báo Chí Học ở Sorbonne.  Nhưng thật ra thày chỉ ngồi soạn giáo án cho người khác dạy, chứ thày không được đứng lớp, trực tiếp tiếp xúc với sinh viên.

Tương lai ra sao thày đã nhìn rõ. Thời gian này thày chơi thân với nhóm miền Nam bị thất sủng như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trịnh Công Sơn… Thày kể:

“Trịnh Công Sơn khoe lúc đầu hồ hởi, đang soạn dở dang bài ca ngợi bác Hồ, giờ chán ngán (hấp hối) nên vo quăng thùng rác”.

“Sơn Nam mất liên lạc từ sau Tết Mậu Thân, bây giờ cấp trên kêu ông điền đơn gia nhập đảng lại, ông hỏi, ‘có thêm lương không?’ Họ trả lời không, ông xù không vô đảng”.

“Tui kể chuyện Trung phát biểu linh tinh trong trường, Vũ Hạnh trầm ngâm rồi than, ‘kể như nó mà sướng!’ Ổng nghĩ Trung còn dám nói, ít nhiều tự do hơn bọn mấy ổng!”

Rồi thày thở dài than, “đa số những người cộng sản đáng thương hơn đáng ghét. Tối về họ chỉ còn nước ôm gối khóc thầm thôi!” Tôi trả lời, “em không ghét nhưng em khinh họ hèn!” Thày nhướng mắt chống chế, “có ở trong chăn mới biết, rút chân ra không được nên phải đành hèn!” Tôi nghênh ngang, “chết là cùng thôi chứ gì, thày?” Thày trầm ngâm bảo, “không đơn giản như vậy đâu, mi cứ tưởng tượng xem, họ đã uống phải ‘tam thi não thần đan’ rồi, gian hùng như Nhạc Bất Quần còn sợ, huống hồ?”

Cuối tháng 11/76, một người bạn thày trên Ban Mê Thuộc về ghé biếu thày con dê, thày cột ngoài sân tính để dành Noël làm thịt đãi bạn thày, thày rủ tôi hôm ấy xuống chơi, tôi đề nghị, “nói chuyện với bạn thày phát chán, thôi để em mời bạn em đến ăn vui hơn!” Chẳng dè thày OK liền! Thế là thày giao con dê cho nhà hàng ở Hàng Xanh, hẹn nó mổ thịt làm giao cho thày một nửa. Đêm Noël bạn bè tôi đi chơi tới trễ, chỉ mình tôi ngồi đối ẩm với thày, thày ăn chứ không uống, mình tôi làm nguyên lít rượu máu dê. Tôi được cái rất dễ thương, hễ say thì lăn quay ra ngủ, thày ngồi bên quạt muỗi chờ lũ bạn tôi về…

Hôm sau thức dậy ngồi ăn đồ ăn cũ, thày bảo tôi, “mày phải đi! Ở đây không có đất cho mày!” Thày nói thày có người bạn thân trên Rạch Giá đang chuẩn bị đi, thày sẽ hỏi cho tôi đi thiếu, nếu sống sót qua được bến bờ kia, tôi sẽ đi làm trả nợ họ. Tôi ghẹo, “thày lo cho em đi, khi Ngụy về có người bảo lãnh cho thày?” Thày cười hehe, “thằng, lúc nào cũng dzậy!” Mấy tuần sau thày báo tin vui, họ cho thày đi không nhưng thày nhường cho tôi chỗ ấy. Thày bảo tôi chuẩn bị sẵn túi hành lý, hễ họ hô là tôi phải đi ngay. Tôi có xuống nhà họ 2 lần nhưng trục trặc. Lần thứ ba không nhớ tôi đã lần thần sao đó không xuống thì họ đi lọt. Buồn, nhưng cái ý tưởng vượt biên đã gieo mầm trong đầu!

Rồi tới phiên chị bạn học cũ tên Phạm Việt Loan tổ chức, chị nhắn thày kêu tôi liên lạc, chị hứa chừa một chỗ thiếu cho tôi. Tôi tìm đến thấy nhà chị đã bị niêm phong, chắc chị mới đi được vài bữa.

Cuối năm 77, một người bạn khác tên Ngô Sinh Hoạt tổ chức ở Vũng Tàu cho tôi đi thiếu. Chuyện vượt biên lúc đó chưa được đảng đưa vào kỹ nghệ để tổ chức “bán chính thức”, hay mua bờ, mướn bãi rộng rãi như lúc sau, mà hoàn toàn trong bí mật với nhóm nhỏ tin nhau. Một bà chị họ vẫn hỏi tôi, nếu tôi biết chỗ nào đáng tin thì giới thiệu chị. Tôi giới thiệu Ngô Sinh Hoạt đến nhà gặp chị, hai người thương lượng và giao tiền bạc trực tiếp với nhau, tôi hoàn toàn không dính dáng vào. Mấy lần khởi hành trục trặc phải quay về, chị nghi nên đòi tiền lại không đi nữa. Rồi chị phàn nàn rằng tiền trả về bị mẻ, tôi nói cho Hoạt hay thì Hoạt bảo, “tiền ai giao Hoạt cột nguyên bỏ trong túi sách chưa từng mở ra coi. Khi chị đòi Hoạt cầm y nguyên trả lại”. Vì chuyện lùm xùm này Hoạt đi bỏ tôi ở lại. Chị quay qua nắm thằng có tóc là tôi (chị nghĩ vậy) bắt đền! Tôi làm gì có tóc mà đền? Chị xuống cơ quan nơi tôi làm lớn tiếng hăm dọa, quá quắt lắm tôi mới hỏi chị, “nếu bắt tôi liệu nó có tha cho chị, hay sẽ tìm cách moi lấy đủ số tiền chị khai?”

*******

Một buổi trưa cuối tuần đầu mùa Thu 95 có điện thoại, tôi bắt ống nghe, có tiếng nói lanh lảnh của người con gái cuối đầu dây, “phải Phạm Khắc Trung đó không?” Tôi trả lời, “dạ tôi đây”, thì tiếng cô cười hihi hỏi, “biết ai đang gọi hay không?” Tôi reo vui, “Hằng!” Đã gần 20 năm mà tôi vẫn nhận ra giọng nói!

Hè 97 có dịp qua Cali họp mặt bạn bè xưa. Hằng và gia đình nồng nhiệt đón tiếp, đối đãi với tôi thật ân cần trong suốt hai tuần lễ. Đêm trước khi về tôi ở nhà Hoan, người bạn tôi quen trên xe buýt những ngày mới đến Canada, để sáng hôm sau Hoan đưa tôi ra phi trường, Hằng còn phone nói lời từ giã!

Cuộc đời kể ra cũng ngộ, hết hợp rồi tan, tan rồi hợp, cứ như nước chảy mây trôi!

Phạm Khắc Trung
______________________

(*) giá hòm quốc doanh lúc bấy giờ, khi chưa đổi tiền, đầu năm1976.

This entry was posted in Phạm Khắc Trung and tagged . Bookmark the permalink.