Tâm tình với thế hệ gạch nối

LGT: Xin giới thiệu bài kỳ này, tâm tình với một người thế hệ một rưỡi đang giữ chức vụ Ủy Viên Hạt Tarrant, một chức vụ dân cử quản lý ngân khỏan và chính sách của Hạt Tarrant, Texas. Trước khi là Ủy viên, ông đã từng thành đạt trong doanh nghiệp riêng, từng tham gia cộng đồng với chức vụ Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng. Qua bài này, quý độc giả sẽ có cái nhìn tổng quát và đúng đắn về các tổ chức cộng đồng; nhu cầu có một tổ chức liên bang và làm thế nào để tổ chức này phục vụ hữu hiệu cho 1,5 triệu người Việt hải ngọai tòan Hoa Kỳ.
  

Do một sự tình cờ, tôi được tiếp xúc với một người Việt, không phải là những người Việt trẻ trên đất Mỹ như những số báo Bút Tre trước đây tôi từng giới thiệu, mà đó là một người Việt tôi tạm gọi đó là thế hệ chuyển tiếp, hay thế hệ bản lề hay thế hệ gạch nối. Xin giới thiệu Andy Nguyễn, Uỷ Viên Hội Đồng Hạt Tarrant, Texas. Andy Nguyễn đồng thời là Giám Đốc công ty

HLC: Xin chào Andy, xin cho biết Andy nhận chức Ủy viên Hội Đồng Hạt Tarrant từ bao giờ, trách nhiệm cũng như quyền hạn?
Andy:  Thưa chị tôi nhận trách nhiệm vào đầu tháng giêng năm 2011.  Trách nhiệm của tôi là cùng với ba (3) Ủy Viên khác và vị Quận Trưởng quản lý ngân khoản và chính sách cuả Tarrant County, Texas.  Ngoài ra, Hội Đồng Quận cũng chịu trách nhiệm ấn định mức thuế bất động sản cho quận và hospital district, phê chuẩn ngân sách của nhà thương quận, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cho nhà thương quận và nhiều cơ chế khác trong quận, và xây dựng cũng như bảo trì đường xá trong những khu vực thuộc quyền quản lý của quận (unincorporated areas).  Tarrant County có khoảng 1.8 triệu dân.  Tôi đại diện và phục vụ cho khoảng 500,000 cư dân trong vùng đông nam của quận.  Để biết thêm chi tiết về Tarrant County, xin truy cập www.Tarrant County.com.

HLC: Rất vui được biết Andy đã từng hoạt động ở cộng đồng Tarrant khoảng 8 năm. Xin cho hỏi nguyên nhân nào khiến Andy muốn hoạt động ở lãnh vực này?
Andy: Thưa chị, một phần là do sự hướng dẫn của cha mẹ và gia đình, một phần là do sự thôi thúc muốn học lại ngôn ngữ và tìm về cội nguồn VN của mình, và một phần cũng vì sự ao ước được phục vụ cho cộng đồng và đồng hương.
 

HLC: Trong những năm chịu trách nhiệm Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng hạt Tarrant, có những sự kiện đặc biệt nào khiến Andy cảm thấy tự hào?
Andy: Thưa chị, sau 8 năm lãnh nhận trách nhiệm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị và Ủy Ban Điều Hành của tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant và Các Vùng Phụ Cận, tất cả những thành quả đạt được nào phải là chỉ do cá nhân tôi tạo ra. Tôi may mắn là đã có nhiều người yêu thương giúp đỡ và luôn sát cánh với tôi trong nhiều công tác, nhất là trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhận được lòng tin từ những người bạn tốt này là niềm hãnh diện lớn lao nhất của tôi trong suốt tám năm phục vụ trong vai trò Chủ Tịch CĐNVQG Hạt Tarrant. Nhờ ở sự cộng tác của những người này và sự yểm trợ của đồng hương, chúng tôi đã đạt được những thành quả điển hình như sau:
Đã xây dựng được một nền móng tổ chức và một môi trường sinh hoạt tương đối chắc chắn, đủ vững chãi để tiếp tục phát triển, đủ hài hòa để già, trẻ, và trung niên có thể cùng sinh hoạt, và đủ khắng khít để có thể đứng vững trước những thử thách của thời cuộc. Hiện giờ, sau hơn một năm rời nhiệm sở, tôi rất vui là các cơ chế lãnh đạo của tổ chức CĐNVQG Hạt Tarrant vẫn tiếp tục hoạt động tích cực và trong tinh thần xây dựng.

Đã hình thành và phát triển được một Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng rộng 20,0000 feet vuông, bao gồm chương trình Adult Day Care Center, bốn lớp vi tính, một lớp dạy võ Việt Nam, một lớp thể thao thẩm mỹ, và một chương trình giúp kiếm việc. Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng còn là địa điểm tụ họp của các đoàn thể và tổ chức trong vùng. Điều quan trọng là Trung Tâm Sinh Hoat Cộng Đồng không là gánh nặng tài chánh quá tải cho Ủy Ban Điều Hành nói riêng và cộng đồng Việt Nam nói chung.

Đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Cộng Đồng bạn trong tiểu bang Texas, đặc biệt là tổ chức Cộng Đồng láng giềng là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Trong suốt thời gian 8 năm, hai tổ chức CĐNVQG, được đồng hương gọi chung là Cộng Đồng Dallas-Ft. Worth, đã hoạt động như hai nhưng là một, như một nhưng là hai. Nhờ vậy, ở những tuyến đầu tranh đấu để loại bỏ ảnh hưởng của cộng sản Việt Nam trong vùng, chúng tôi đã gặt hái được một số thành quả, điển hình là vụ hạ cờ CSVN tại Trường Đại Học Arlington đã có hơn 5,0000 đồng hương xuống đường và quốc hội tiểu bang Texas đã tạo áp lực cần thiết buộc ban giám đốc Trường Đại Học Arlington phải nhượng bộ. Một thành quả khác là đã giúp phát hành một tờ báo chung cho 5 tổ chức Cộng Đồng tại Texas: Houston, Dallas, Tarrant, Austin, và San Antonio. Tờ báo này, có tên là “Tiếng Nói Cộng Đồng”, đến bây giờ vẫn được phát hành bởi sự điều hành của CĐNVQG Houston. Đã giúp phát triển Hội Chợ Tết trở nên một trong những lễ hội lớn nhất của cộng đồng Á châu trong vùng Tarrant, thu hút khoảng 15,000 lượt người tham dự hàng năm.

HLC: còn từ khi nhận trách nhiệm Ủy viên Hạt Tarrant, Andy đã đóng góp được gì cho cộng đồng người Việt?
Andy: Thưa chị, những đóng góp nhỏ nhoi của cá nhân tôi quả thật không đáng kể.  Những thành tựu đạt được từ trước đến giờ hoàn toàn 100% là do sự góp sức cuả rất nhiều người và đoàn thể, và ngay cả những thành quả này, nếu có thể gọi là thành quả, cũng còn rất mong manh so với nhu cầu mênh mông của cộng đồng Việt Nam tại địa phương Dallas-Ft. Worth cũng như Hoa Kỳ.  Trọng tâm hoạt động hiện giờ của tôi đối với cộng đồng Việt Nam là phục vụ cho giới trẻ gốc Việt.  Trong vòng 12 tháng qua, tôi đã dành nhiều thời gian để đối thoại với giới sinh viên và chuyên gia về tinh thần lãnh đạo phục vụ (servant leadership). Tôi cũng đang hợp tác với Dân Biểu Hoa Kỳ Cao Quang Ánh, Dân Biểu California Trần Thái Văn, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, và nhiều người khác để giúp phát triển ảnh hưởng của cộng đồng Việt Nam trên ba khía cạnh: chính trị, kinh tế, và xã hội.  Công việc quận rất đa đoan; tôi chỉ có thể cố gắng hết sức mình để thực thi những gì tôi nghĩ là quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng VN.
HLC: còn về công ty riêng của Andy, xin cho vài nét khái quát?
Andy: Công ty AIT Technologies được hình thành vào năm 1995 để nhắm phục vụ các cơ sở tiểu và trung thương về khía cạnh điện thoại và điện toán.  Khả năng chính của AIT là dùng kỹ thuật điện thoại và điện toán để giảm thiểu các tổn phí điều hành và gia tăng hiệu năng làm việc của các nhân viên.  Nhân viên cơ hữu cuả AIT gôm có 8 người, nhưng tùy theo nhu cầu của công việc, AIT có thể sử dụng contractors để đáp ứng đòi hỏi của công tác.  Cũng như nhiều tiểu thương khác, sức khỏe kinh tế là một yếu tố quan trọng cho sự hưng thịnh của công ty.  AIT cũng có những thử thách để vượt qua và cơ hội để khai triển.  Rất may, nhờ ở sự tận tụy của thành phần nhân viên cơ bản, sau 15 năm hoạt động, AIT vẫn đứng vững và tạo cho tôi sự uyển chuyển trong thời gian để được phục vụ cho cộng đồng và công chúng.

HLC: Năm 2009, Andy được các đại biểu của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ tín nhiệm vào nhiệm vụ Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, lúc đó Andy nghĩ gì?
Andy: Thưa chị, tôi đã nhận trách vụ Phó Chủ Tịch Nội Vụ của Hội Đồng Chấp Hành và xem đó như là một trách nhiệm của một người con Việt Nam trước tiếng gọi của cộng đồng và quê hương. Tôi là công dân Hoa Kỳ và hoàn toàn chấp nhận Hoa Kỳ là đất nước của tôi và con cháu của tôi. Tôi yêu đất nước Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng yêu quê hương Việt Nam, nơi đã sinh ra tôi. Như một người con mang trách nhiệm với người mẹ ruột và người mẹ nuôi, tôi mang trong người trọng trách đối với cả hai đất nước: Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong vòng một tuần sau khi nhận trách nhiệm Phó Chủ Tịch Nội Vụ, tôi đã nghĩ tới và đã thấy rõ nhu cầu canh tân tổ chức CĐNVQGHK. Nguyện vọng của tổ chức CĐNVQGHK là đại diện và tranh đấu cho tiếng nói và quyền lợi chung của 1.5 triệu người Việt yêu chuộng tự do đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Làm sao để thực hiện được nguyện vọng này khi mâu thuẫn nội bộ là hiện tượng thường nhật và vài trăm đô-la là mức ngân quỹ trung bình của CĐNVQGHK!!! Sau hơn hai năm làm việc, tôi nhận thấy nhu cầu cải tổ ngày càng thêm cấp bách, nhưng trong thực tế, khả năng cải tổ ngày càng thêm vô vọng.

HLC: Thật hiếm có người của thế hệ 1,5 như Andy lại chịu dấn thân vào công việc cộng đồng vì công việc này quả là nhiều phức tạp. Tôi đã đọc bài “Khoảng cách giữa quá khứ và tương lai” của Andy, tôi thấy Andy đã chỉ rõ mọi trở ngại cho việc xây dựng một cộng đồng lớn mạnh. Thế mạnh của cộng đồng Việt Nam là chúng ta có mặt gần như khắp nơi trên đất Hoa Kỳ nhưng sự thiếu đoàn kết đã ngăn chận sự phát triển và bao năm qua, các Tổ Chức Cộng Đồng hầu như dậm chân tại chỗ. Phải chăng vì mơ ước đó Andy đã bắt tay vào việc soạn thảo hiến chương cho Cộng Đồng NVQGHK? Và cho hỏi công việc sọan thảo này kéo dài bao lâu thì hòan tất?
Andy: Thưa chị, tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều người Việt có tài, có đạo đức, và có lập trường vững chắc, nhưng môi trường sinh hoạt của tổ chức CĐNVQGHK, sau gần 20 năm hiện hữu, vẫn chưa thu hút được những người này. Trong tất cả mọi tổ chức, cho dù là chính phủ, dân sự, hay tôn giáo, yêu tố phát triển quan trọng nhất là nhân lực (human capital). Vì vậy, điều tiên quyết là phải thay đổi hoặc cải tổ hệ thống, phương pháp, và môi trường sinh hoạt nhằm thu hút nhân tài. Thật ra, soạn thảo Hiến Chương (hay Nội Quy), ấn định cơ chế quản trị, và sắp đặt kế hoạch phát triển có hay cách mấy đi nữa, nếu không có nhân tố thực hiện thì mọi sự cũng như không! Dầu vậy, chúng ta phải bắt đầu tiến tới trong niềm hy vọng rằng những tài nguyên và yếu tố cần thiết khác sẽ dần dần xuất hiện. Tổ chức Cộng Đồng là tổ chức duy nhất của người Việt hải ngoại có mặt khắp năm châu và hầu như là toàn quốc Hoa Kỳ. Mặc dù ở nhiều nơi, tổ chức Cộng Đồng chỉ là những mái nhà tranh thô sơ, nhưng phải công nhận là tổ chức Cộng Đồng là một thành quả đáng kể của thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại. Thế hệ tiếp nối như tôi và các thế hệ trẻ cần phải tiếp tay để biến những mái nhà tranh thô sơ trở nên những mái nhà ngói khang trang. Nếu không có sự tiếp tay hoặc chuyển tiếp này, các tổ chức Cộng Đồng ở nhiều nơi sẽ trở nên mai một trong quãng tương lai gần cận vì các quý bậc lão thành rồi sẽ phải trôi theo dòng thời gian, và đó sẽ là một thiếu sót trầm trọng cho công cuộc xây dựng cộng đồng và tranh đấu cho tự do, dân chủ, và công bằng tại Việt Nam. Với suy tư như vậy, tôi đã đồng ý giúp soạn thảo lại Hiến Chương cho tổ chức CĐNVQGHK.

Công việc soạn thảo lại Hiến Chương đã kéo dài khoảng hơn một năm, đúng vào trong thời gian tôi tranh cử vào Hội Đồng Quận.  Tôi tham khảo tài liệu từ vài tổ chức Cộng Đồng ở Hoa Kỳ và Úc Châu, thăm hỏi ý kiến từ một vài chuyên gia về quản trị mà tôi quen biết, và soạn thảo Hiến Chương bằng Anh và Việt ngữ.  Chú Nguyễn Ngọc Anh ở Arizona đọc và sửa lại nhiều điểm không thích hợp, và hoàn chỉnh cú pháp cũng như lối hành văn.  Sau đó, bản thảo được gửi đến cho Ông Nguyễn Văn Tần, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Trung Ương, và các thành viên của Hội Đồng Chấp Hành.  Những quý vị này kiểm soát lại bản thảo và đã thay đổi vài điều cần thiết.  Theo tôi nhớ, khoảng 6 tháng trước Đại Hội CĐNVQGG năm 2011 tại Orlando, Florida, bản thảo đã được gởi đến quý vị Đại Biểu của các tổ chức Cộng Đồng thành viên khắp Hoa Kỳ.  Sau hết, bản dự thảo đã được đưa ra trước phiên họp của Hội Đồng Đại Diện và đã được biểu quyết thuận 100% để đưa ra trình bày và bàn thảo tại Đại Hội ở Orlando. Nói tóm lại, bản dự thảo Hiến Chương 2011 đã đi qua một qúa trình khá dài và là do nỗ lực góp sức của nhiều người.   

HLC: Andy có thể nói rõ hơn về mô hình họat động của tổ chức liên bang nếu theo hiến chương mới, đặc biệt về phần hấp dẫn nhất là làm thế nào để gây quỹ? Ví dụ tôi được  biết xin fund từ chính phủ để hoạt động thì phải có quá khứ chứng minh. Như một lần Andy nói với tôi “Tài chánh là kết quả của một sự làm việc có hiệu quả”, vậy Andy có thể cho một ví dụ cụ thể để Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ có thể làm được việc trước, rồi mới viết proposal xin fund?
Andy: Thưa chị, nếu đóng đúng vai trò của mình, CĐNVQGHK có thể trở thành cấp số nhân (multiplier) của những thành quả của các Cộng Đồng Thành Viên (CĐTV). Có một số các CĐTV đã có những sinh hoạt thành công như Houston đã xin được $500K ngân khoản từ CDBG (Community Development Block Grant) để tu bổ lại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tarrant County đã tổ chức thành công tới bốn lớp dạy computer, Michigan có picnic hàng năm thu hút nhiều giới trẻ, v.v. CĐNVQGHK có thể nghiên cứu những thành công này, hệ thống hóa phương thức điều hành, và phổ biến nó đến các cộng đồng thành viên khác. Lấy lớp computer ở Tarrant County làm ví dụ. Sau khi có khoảng mươi tổ chức cộng đồng thành viên áp dụng thành công kế hoạch phục vụ đồng hương bằng cách mở lớp dạy sử dụng máy vi tính, CĐNVQGHK có thể vận động bảo trợ tài chánh từ các công ty có tầm vóc quốc gia như AT&T, Microsoft, và Dell để tiếp tục phát triển chương trình này hơn nữa. Các khoản tài trợ Workforce Development của chính phủ liên bang và tiểu bang cũng có thể hữu ích nếu chúng ta có đủ nội lực để thỏa mãn những đòi hỏi của họ.
 

HLC: Còn các nguồn tài chánh từ Giáo Dục thì sao?
Andy: Giáo dục là ưu tiên hàng đầu của các gia đình Việt Nam. Hàng năm, quốc gia Hoa Kỳ chi hàng trăm tỉ đô-la cho việc giáo dục, và con em Việt Nam nói riêng nổi tiếng là học giỏi. Đây là ưu điểm chúng ta cần nhưng chưa biết khai thác. Từ các chương trình ESL và after school program cho đến các chương trình huấn nghệ và thi ACT hoặc SAT, cơ quan chính phủ không đích thân tổ chức những chương trình giảng huấn này. Họ cung ứng tài chánh cho các tổ chức vô vụ lợi để thực hành những chương trình ấy. Các tổ chức CĐTV và CĐNVQGHK có đủ thế đứng nhưng chưa đủ lực để tổ chức những chương trình giáo dục Việt cũng như Anh ngữ để phục vụ đồng hương. Hành trình xây dựng cộng đồng và dân chủ hóa Việt Nam chắc chắn phải đi qua ngưỡng cửa giáo dục. Chính vì vậy, CĐNVQGHK cần phải được cải tổ nhanh và sớm mới mong bắt kịp sự tiến triển của xã hội Hoa Kỳ nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
 

HLC: Tài chánh từ Chính trị, có không?
Andy: Thưa chị, chính trị có nghĩa là ảnh hưởng. Có sức mạnh chính trị là có ảnh hưởng mạnh. Sức mạnh chính trị xuất phát từ ba yếu tố căn bản: tiền, phiếu, và kiến thức. Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn tiềm tàng những năng lực này. CĐNVQGHK chưa có đủ khả năng để khai thác các tài nguyên “tiền, phiếu, và kiến thức” chứ không phải cộng đồng Việt Nam không có tài nguyên. Vấn đề là làm như thế nào để có được khả năng cần thiết ấy? Hiện tại, mặc dù còn hơi mù mờ trước một giải pháp khả thi cho CĐNVQGHK, tôi biết chắc và bảo đảm rằng chúng ta không thể tiếp tục cách thức và thái độ hành sự của quá khứ. Nếu cứ bổn cũ soạn lại, có lẽ chúng ta nên… về hưu thì tốt hơn.
 

HLC: tôi còn được biết có nguồn tài trợ từ các công ty lớn tức các nhà đại tư bản. Họ luôn có môt ngân quỹ dành cho từ thiện, dưới dạng Học bổng. Vậy chúng ta sẽ làm gì để có thể viết proposal xin được loại tài trợ đó?
Andy: Thưa chị, các nhà đại tư bản họ hay có những ngân quỹ gọi là để hoàn lại (give back) những gì họ đã nhận được. Tuy nhiên, những ngân quỹ này đều có những quy định của nó. Muốn viết proposal để xin được những tài trợ này, CĐNVQGHK cần phải có nội lực. Chúng ta sẽ không bao giờ gầy được nội lực khi chúng ta chưa bao giờ dành một giây đồng hồ hoặc một xu hào vào việc này!
 

HLC: Cảm ơn Andy. Tôi nghĩ rằng trước kia Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ có cái danh cho vui. Các cộng đồng địa phương vẫn tự trị. Sự kết hợp các cộng đồng địa phương chỉ nặng về hình thức còn thực tế, không dân không đất. Vì thế một chủ tịch cộng đồng đã bảo tôi “ Chả có gì mà tam quyền phân lập, cứ làm như một chính phủ, thật khôi hài.” Ngẫm nghĩ lại tôi thấy có lý. Hầu như chả ai để ý đến cái Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ này nhiều. Không có thực quyền gì cả. Còn nếu bây giờ hoạt động như môt corporation thì có nhiều điểm lợi, mà trước nhất là được hoạt động thực sự, đem lợi ích thật sự cho người trong cộng đồng. Ngoài điều lợi này, theo Andy còn những điều gì khác nếu Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ hoạt động mạnh? VD về mặt chính trường Hoa Kỳ, về ảnh hưởng đến các đại công ty v.v.?
Andy: Thưa chị, đối với CĐNVQGHK, khả năng đại diện những nguyện vọng chung của đồng hương Việt Nam là từ lòng dân mà ra. Nếu phục vụ tốt, đồng hương sẽ trao khả năng đại diện cho CĐNVQGHK cũng như đầu tư thời gian và tài chánh giúp đỡ cho CĐNVQGHK thêm phát triển. Nếu không phục vụ tốt, đồng hương sẽ lấy lại quyền đại diện ấy và có thể sẽ cúp luôn nguồn tài trợ tinh thần cũng như vật chất. Bởi vậy, hoạt động thực sự để mang lại lợi ích thực sự cho đồng hương VN là điều tối quan trọng vì CĐNVQGHK sẽ có được lòng dân ủng hộ. Kết quả sẽ là CĐNVQGHK tạo được thế đứng, tiếng nói, cũng như sức mạnh chính trị và kinh tế mạnh mẽ để tạo ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của xã hội Hoa Kỳ, điển hình là chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.

HLC: trước khi tạm biệt, Andy còn muốn chia sẻ điều gì nữa?
Andy:  Sức mạnh và ảnh hưởng của cộng đồng người Việt hầu hết được xuất phát từ những tổ chức xã hội dân sự, thương mại, chính trị, tôn giáo, và truyền thông của người Việt.  Không riêng gì tổ chức CĐNVQGHK, sự trưởng thành của những tổ chức nêu trên sẽ giúp cho tiếng nói của cộng đồng Việt Nam có thêm ảnh hưởng.  Cộng đồng mạnh là ngọn thủy triều nâng cao mọi cá nhân, gia đình, và tổ chức trong cộng đồng Việt Nam.  Tôi nghĩ rằng xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh là niềm ao ước của rất nhiều người già trẻ.  Ước mơ này cần phải được vun xới qua những cuộc đối thoại tích cực, trong tinh thần xây dựng, và với lý lẽ ngay thẳng.  Những bài viết với những lời lẽ hàm hồ, vu khống, đả kích cá nhân, và nặng tính chất khủng bố tinh thần người đối lập chỉ làm cho môi trường sinh hoạt cộng đồng thêm vẩn đục.  Vì lẽ này, tôi rất cám ơn chị, nguyệt san  Bút Tre  đã cho tôi cơ hội trình bày quan điểm của cá nhân tôi trong sự vô tư và công bằng.  Xin kính chúc chị, quý vị chủ trương nguyệt san Bút Tre, và quý đọc giả một năm mới tràn đầy bình an và thành công.  Kính chào chị.

 

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.