Vũ Đức Nghiêm gọi “yêu dấu” cho người tình một thuở và muôn thuở

Bài này trích từ mục “ Trò Chuyện với Lan Chi” của Nguyệt San Bút Tre (Arizona ).
Hình ảnh do nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm gửi cho Lan Chi, trích từ   youtube  và tạp chí Cỏ Thơm. Xin vui lòng ghi rõ Nguồn nếu trích đăng.
 
 
Vũ Đức Nghiêm gọi “yêu dấu” cho người tình một thuở và cả người tình muôn thuở

“Nếu thuở ấy, gọi người yêu dấu, một đóa lan xứ sương mù Đà Lạt thì 40 năm sau, nhạc sĩ dâng một đóa hồng cho người bạn đời yêu dấu ở thung lũng hoa vàng. “Yêu dấu ngày xưa” chỉ còn trong kỷ niệm, “yêu dấu bây giờ” là gắn bó trăm năm. Một đời sống cho âm nhạc, người tình và người vợ, Vũ Đức Nghiêm trung thành với tất cả và gọi yêu dấu cho hết thẩy”.
(trích Hoàng Lan Chi  năm 2009)
 
 
Cách đây nhiều năm, một trong những người đầu tiên mà Hoàng Lan Chi phỏng vấn vào 2004 là Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Ngày ấy chỉ phát thanh chương trình và chưa phổ biến net hay báo vì anh Nghiêm không gõ được mà tôi thì rất bận.

Năm 2011 vừa qua, Hoa Thịnh Đốn tổ chức “Vũ Đức Nghiêm nửa thế kỷ viết âm nhạc” do Cỏ Thơm bảo trợ. Một hình ảnh khiến tôi xúc động là chủ đề thuần tuý âm nhạc nhưng vẫn chào cờ và hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Một hình ảnh khác làm tôi xúc động hơn nữa là nhạc phẩm “Cờ Vàng tung bay” của anh Nghiêm được đồng ca trên sân khấu với sự phụ hoạ của cử toạ khán giả ở dưới. Anh Nghiêm được người em dìu lên sân khấu và cùng hát chung. Một “rừng nhỏ” cờ vàng trong thính phòng của tình ca Vũ Đức Nghiêm, không cảm động sao được!

 


 
Cờ vàng tung bay trong chiều nhạc Vũ Đức Nghiêm ở DC 2011. Hình Cỏ Thơm magazine.
 

Anh Nghiêm hơn tôi nhiều tuổi. Đó là lý do anh coi cả tôi và ca sĩ Thanh Lan như em bé. Nói đến hai cô em gái (chắc chắn là …còn rất nhiều em gái khác nhưng tôi tạm khoanh vùng nho nhỏ ở đây vì hôm ấy anh trò chuyện với tôi và có nói đến Thanh Lan) là anh gọi “cô bé”. Đối thoại thì cũng có khi “Bé ơi”. Tôi không biết Thanh Lan nghĩ gì nhưng với cá nhân tôi thì chẳng có gì phiền hà. Nghe anh gọi “cô bé” còn thấy “vui vui” là khác. Được trở về dòng sông tuổi nhỏ thì ai mà chả mơ ước phải không nào.

Đam mê âm nhạc có lẽ từ thuở sơ sinh nên anh kể rằng thuở bé dù chỉ được bố mua cho cây “harmonica” nhưng anh rất say sưa với nó. Không được học nhạc với ai cả nhưng cứ nghe người khác rồi tự mầy mò học qua sách vở. Bản nhạc đầu tay anh viết vào năm mười sáu tuổi cho cô bé cùng làng chứ không cùng xóm. Nàng ở đầu đình và chàng ở cuối thôn. Rung cảm đầu đời ấy còn ghi đậm cho nên dù đã gần 80, Vũ Đức Nghiêm vẫn còn nhớ và anh say sưa hát cho tôi nghe. “Đâu còn ngày xưa, ngoài bến mây mịt mù, chiều vu vi hơi thở lướt bay trong chiều thu, bến mây còn đâu dưới chân mơ hồ, gió mây đưa hồn ta về đâu..”.

Từ nốt nhạc với mây, với chiều thu, với bước chân mơ hồ đã cho thấy tâm hồn Vũ Đức Nghiêm ướt dẫm tình ca từ thuở chào đời. Thế nhưng số phận đẩy đưa cho anh viết một ca khúc hành quân vào năm 1953 sau anh nhập quân ngũ, khoá 1 Nam Định vào 1951. Bài hát này được anh tập luyện cho Đại Đội 4 của mình. Anh kể về kỷ niệm xưa bằng một giọng hào hứng “Ngày đó, khi được hỏi đại đội nào kỷ luật nhất thì 100 thằng lính la lên: Đại đội 4. Đại đội nào chiến đấu hăng hái nhất,  Đại đội 4. Đại đội nào thương dân, yêu dân nhất,  Đại đội 4. Rồi sau đó cả đại đội cùng hát: “Hôm nay ta là quân, mai đây ta là dân”.  Ông đội trưởng của mình nói: “Ông Nghiêm chỉ xui lính làm dân thôi.” Mình nói: “Thưa tiểu đoàn trưởng, hôm nay lính là quân thì cố gắng chiến đấu để ngày mai hòa bình trở về làm dân”

Sau đó khi đổi sang sư đoàn 3, thì anh đã viết “Sư đoàn 3 dã chiến” rồi  thừa thắng xông lên  vào năm 1958, Vũ Đức Nghiêm viết “Sư đoàn 22 hành khúc”. Đến năm 1967 thì anh viết “Sư đoàn 23 hành khúc”. Xem ra cuộc đời quân ngũ đã tạo hứng khởi cho Vũ Đức Nghiêm viết các ca khúc quân hành và anh vô cùng hãnh diện khi được đứng trên khán đài nghe Ban Nhạc Sư Đoàn trổi ca ca khúc của mình và đồng đội đang diễn binh ở dưới. Lúc đó, Vũ Đức Nghiêm chỉ mới ngoài đôi mươi!

Về tình ca thì những năm của thập niên 60, Vũ Đức Nghiêm viết cũng khá nhiều nhưng có lẽ nhạc phẩm đã đưa anh lên “vinh quang” và gắn liền với tên tuổi mình chính là bài “Gọi người yêu dấu”. “Người yêu dấu” này đã được Vũ Đức Nghiêm bật mí trong cuốn sách nhỏ “Vũ Đức Nghiêm anh tôi” của nhà văn Vũ Trung Hiền. Đó là vào khoảng 1968, một người bạn gửi gấm một cô bạn của anh ta cho Nghiêm. Cô này có bầu vài tháng. Coi như đó là người đẹp đi tị nạn “bầu bì”. Ngày xưa, mỗi khi bị nạn kiểu đó các cô gái thường bị gia đình “tống” cho đi ở thật xa, thật hoang vắng cho đến khi sinh nở xong thì lại trở về để dấu mọi người về cái bầu. Vì thế vào thời đó mỗi khi thấy cô nào “bặt tăm” vô cớ, chúng tôi thường suy đoán “chắc lại trốn đi đẻ” rồi!

Khi ấy Vũ Đức Nghiêm đang được giao nhiệm vụ trông coi một số biệt thự ở Đà Lạt. Cô gái trẻ mắc nạn được anh chăm sóc chu đáo. Ban đầu chỉ là bổn phận giúp bạn, chỉ là cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn nhưng sự gặp gỡ hàng ngày và “hình dáng mong manh” của người đẹp đã khiến Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được. Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn cũng góp phần vào mối tình có lẽ “không giống ai” này! Sau khi cô bé sinh nở mẹ tròn con vuông, cha mẹ cô đem cô về và đôi ngả chia ly từ đó. Mỗi chiều nhìn trời Đà Lạt, nghe rừng thông vi vu, mỗi gốc cây bụi cỏ đều gợi nhớ cho Vũ Đức Nghiêm về “cành lan mong manh”. Trong sự xúc động của nỗi nhớ nhung người tình ấy, Vũ Đức Nghiêm viết “Gọi người yêu dấu”.

Năm 2005, trong đêm nhạc “Vũ Đức Nghiêm nửa thế kỷ viết ca khúc” tổ chức ở Orange County, nhà báo Bùi Bảo Trúc đã bày tỏ “Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ. Còn ở đây chúng tôi xin sửa lại chút xíu, đằng sau mỗi ca khúc thành công là …sự bao dung của người phụ nữ. Thưa chị Vũ Đức Nghiêm, chúng tôi xin cảm ơn sự bao dung của chị vì nếu không có sự bao dung độ lượng ấy thì ca khúc này đã không được chào đời và chúng tôi đã thiệt thòi biết bao vì không được nghe, được hát một nhạc phẩm dễ thương như thế”. Cả hội trường vỗ tay! Tôi cũng xin được vỗ theo. Vâng, nhạc phẩm thật dễ thương với giai điệu nhẹ nhàng, lướt thướt và nói như Bùi Bảo Trúc thì thuở ấy mọi người thích mê tơi vì  “Thuở ấy, đa số sinh viên học sinh nghe Gọi người yêu dấu là thấy thích quá, sướng quá. Không gì thích bằng khi được gọi người yêu của mình nhưng gọi xong rồi dấu biệt như Vũ Đức Nghiêm thì ..”.
 


 
Bùi Bảo Trúc “ Xin cảm ơn chị Nghiêm. Nhờ sự độ lượng của chị mà….”

Tôi thì yêu lời nhạc “thương em mong manh như một cành lan”. Thương người tình mong manh như cành lan, quả là một ý tưởng hay và dễ thương. Vũ Đức Nghiêm bật cười khi nghe tôi hỏi “Thế cành lan mong manh ấy bây giờ ra sao?”Anh trả lời “Lan Chi ơi, cô ấy viết cho anh thế này, ngày xưa anh thương em mong manh như một cành lan còn bây giờ em mong manh như một củ khoai thì anh có thương em không”! Tôi dí hỏi tiếp, Vũ Đức Nghiêm cười lớn “Ai mà dám thương em mong manh như một củ khoai!” rồi anh tiếp “Đùa thôi Lan Chi ạ. Chuyện ấy đã xa mờ. Phải nói bà xã anh là người rất độ lượng. Anh bay bướm nhưng chị vẫn chung thuỷ cùng anh. Bao năm tù tội, chị ở nhà nuôi con thay anh và vẫn chờ anh. Nói như cố nhạc sĩ  Hiếu Anh, trong cơn lốc cuồng bạo của thời cuộc, bao giềng mối gia đình đã bị Việt cộng cố tình phá huỷ thì khi người lính trở về, không gì quý báu bằng hình ảnh người vợ tựa cửa chờ mong.”

Tôi hoàn toàn đồng ý điều đó. Những người vợ lính của quân đội chúng ta vẫn chờ chồng là những tấm gương vĩ đại nhất tượng trưng cho sự chung thuỷ và lòng bao dung của người phụ nữ Việt  Nam. Vũ Đức Nghiêm cũng như nhiều “người lính viết nhạc” khác, những nốt yêu thương đã vang lên thánh thót trong chuỗi ngày còn lại để bản tình ca cuối cùng là “Đoá hồng cho người yêu dấu”. (Nhạc phẩm Vũ Đức Nghiêm viết cho vợ)­­.

Năm 2009, khi thực hiện một chương trình âm nhạc cho Vũ Đức Nghiêm, tôi đã viết như sau “Nếu thuở ấy, gọi người yêu dấu, một đóa lan xứ sương mù Đà Lạt thì 40 năm sau, nhạc sĩ dâng một đóa hồng cho người bạn đời yêu dấu ở thung lũng hoa vàng. ‘Yêu dấu ngày xưa’ chỉ còn trong kỷ niệm, ‘yêu dấu bây giờ’ gắn bó trăm năm. Một đời sống cho âm nhạc, người tình và người vợ, Vũ Đức Nghiêm trung thành với tất cả và gọi yêu dấu cho hết thẩy”. Vâng, Vũ Đức Nghiêm đã gọi “yêu dấu” cho hết thẩy nhưng đoá hồng tượng trưng cho tình yêu thì anh gửi tặng người vợ hiền.

Năm 2011, tại “Chiều nhạc Vũ Đức Nghiêm” ở Hoa Thịnh Đốn, anh đã âu yếm trao tặng lại bó hoa cho chị. Nhìn hình ảnh hai anh chị bên nhau, anh đã ngoài 80, chị trên 70, dìu nhau lên sân khấu thật cảm động.

Vũ Đức Nghiêm “tạ tình em”. Giọt nước mắt tri ân và đoá hồng cho người yêu dấu
(hình Cỏ Thơm magazine-Phan Anh Dũng-2011)
 
Người ca sĩ mà Vũ Đức Nghiêm bảo rằng anh vô cùng tri ân là “bé Thanh Lan”. Có gì đâu, như là một định mệnh dun dủi cho Thanh Lan vào năm 1969 khi cô hỏi Vũ Đức Nghiêm sáng tác mới và Nghiêm gửi “Gọi người yêu dấu” cho cô. Giọng hát nhẹ nhàng, học trò lúc ấy của Thanh Lan đang được giới học sinh sinh viên mến mộ. Mến mộ vì dáng dấp thanh mảnh của Thanh Lan, vì đôi mắt biết nói, vì cử chỉ duyên dáng và cả vì Thanh Lan đang là sinh viên Văn Khoa. “Gọi người yêu dấu” nhanh chóng chiếm được cảm tình của người  thưởng ngoạn chứ  không phải chỉ giới học trò. Ai trong rất nhiều ca sĩ của các thập niên 60 và cả 70 mà chưa từng một lần “Gọi người yêu dấu xa vời, mà lòng se sắt bồi hồi..”?
 

 
Vũ Đức Nghiêm tặng hoa cho Thanh Lan ( Đêm nhạc Vũ Đức Nghiêm Orange County 2005)

 
*****************

Trong thời gian tù tội Vũ Đức Nghiêm vẫn sáng tác nhạc. Tôi tò mò hỏi anh sáng tác thế nào, Vũ Đức Nghiêm kể “Cứ  một câu mình hát đi hát lại 10 lần cho thuộc rồi mình viết thêm nốt nhạc. Hát 10 lần chưa thuộc thì hát 20, 30, 40…100 lần . Đến lúc nó vào memory mới thôi.”. Thế nhưng những nhạc phẩm trong tù đó lại là những cái “vinh danh Thiên Chúa”. Có lẽ sự tan rã bất ngờ của quân đội, sự bức tử một chế độ và sự tù tội vô lý vô nghĩa đã làm Vũ Đức Nghiêm cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa chăng.

Dù vậy khi định cư ở Thung Lũng Hoa Vàng thì Vũ Đức Nghiêm cũng sáng tác trở lại một số tình ca. Một trong những bài tình ca sau này của Nghiêm mà tôi thích là “Mùa xuân Thung lũng hoa vàng”. Giai điệu vui nhẹ nhàng, có lẽ “nhẹ nhàng” là “trade mark” của Vũ Đức Nghiêm thì phải vì tôi chả bao giờ quên được những lần trò chuyện qua điện thọai với anh, lúc nào cũng rất nhẹ nhàng. Lời nhạc của “Mùa xuân Thung lũng hoa vàng”  không cao sang, bóng bẩy nhưng cũng không quá giản dị hay vô nghĩa như vài sáng tác mới sau này. Tuy thế một nhạc phẩm tình khác của Vũ Đức Nghiêm có chút gì đó “cao sang” chính là “Dâng Tình” mà Bích Liên hát rất tuyệt.

Nếu như không đổi đời thì hẳn kho tàng âm nhạc Việt  Nam sẽ phong phú hơn với những tình ca lãng mạn của Vũ Đức Nghiêm cho những năm sau 75 vì như nhà thơ Cao Tiêu (Đại Tá Hoàng Ngọc Tiêu, Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến- trong Đêm nhạc Vũ Đức Nghiêm ở Orange County 2005) kể “Thiếu uý Vũ Đức Nghiêm, Khoá 1 Nam Định xin trình diện Đại đội Trưởng Hoàng Ngọc Tiêu; nhưng ngó lên thì chả thấy ba lô súng ống đâu mà chỉ là cây đàn! Nhưng ngay tối đó Hoàng Ngọc Tiêu và Vũ Đức Nghiêm đã đấu trí với Việt Cộng bằng chính khả năng ngôn ngữ của mình thay cho nòng súng”. Vâng, người lính viết nhạc ấy chắc chắn sẽ còn cống hiến nhiều tình ca hơn cho âm nhạc quê hương nếu như không “Tháng Ba Gãy Súng”!
 

Nhà thơ Cao Tiêu (Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến)2005 kể về Vũ Đức Nghiêm.
 

Nhìn lại, ngôn ngữ nhạc đã được Vũ Đức Nghiêm dâng tặng cho mọi người mà anh yêu dấu. Từ người tình một thuở đến người tình trăm năm và cả bằng hữu chung quanh.

Xuân Nhâm Thìn, Hoàng Lan Chi gửi đến anh bài viết này như một đoá hồng của sớm mùa xuân cho “Gọi người yêu dấu”.

Hoàng Lan Chi

Chương trình âm nhạc “ Vũ Đức Nghiêm với Đóa Hồng cho người yêu dấu do Hoàng Lan Chi thực hiện năm 2009. Xin click vào đây để nghe, gồm:

Các phát biểu của Bùi Bảo Trúc, Vũ Đức Nghiêm, nhà thơ Cao Tiêu, nhạc sĩ Thanh Trang, Thanh Lan, Lê Hữu.
Và các giọng hát:  Tuấn Ngọc, Nguyễn Hoàng Hương, Bích Liên, Vũ Trung Hiền, Thanh Lan, Thanh Trang, Phạm Anh Dũng..
 
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/NhacChuDe/VuDucNghiemMoiDoiGNYD.mp3
 
PHỤ  LỤC: MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA VŨ ĐỨC NGHIÊM
 
 

 

Vũ Đức Nghiêm Đàlạt 2004

 

 

 

Vơi em gái Bạch Cúc ngày vê (88)
 
 

This entry was posted in Câu Chuyện Âm Nhạc, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.