Lê Tấn Lộc- Chân dung một linh mục

Lan Chi viết: hôm nay trời Cali rất đẹp. Ấm, bầu trời xanh ngắt và hoa tưng bừng khoe sắc. Sau khi tôi gửi bài ” Một thuở Phục Hưng” của GS Lê Tấn Lộc rộng rãi ở net, một cậu em mà cũng là “fan” thuở …năm ngoái, Phạm Khắc Trung đã tìm đến “Thầy Lộc”. Em viết cho tôi như sau: ” Hôm qua nhờ đọc bài “Một thuở Phục Hưng” chị giới thiệu. Em vào Google sục tìm trang web của GS Lê Tấn Lộc và tìm được địa chỉ email của thày. Em đã liên lạc được với thày, tối qua 2 thày trò trao đổi email tới khuya luôn, em rất vui như bắt gặp kho tàng.’
 
Hôm nay em gửi tôi những truyện của Thầy mà em “khóc sướt mướt”. Tôi không sướt mướt như em nhưng nước mắt cũng đoanh tròng.
 
Giới thiệu đến thân hữu, một câu chuyện đẹp về một vị linh mục Ý với cái tên Việt là Đỗ Minh Trí. Người đúng là dại diện cho thiên thần với niềm bác ái, sự hy sinh và cả lòng quả cảm.
 

Chân dung một linh mục
 
Lê Tấn Lộc
 
Các con cũng vậy, khi làm xong mọi việc do Thiên Chúa sai truyền, hãy nói: “Chúng tôi là đày tớ vô ích: chúng tôi chỉ làm điều mình phải làm” (Lu-ca 17:10)

“Tôi còn nhớ rõ một ngày tháng 2-1980. Sau một tháng vắng mặt, tôi trở lại trại Kuku. Bước vào nhà nguyện lợp rạ, bái gối trước nhà tạm tôi chợt cảm nghiệm được sự hiện diện linh thiêng, sự hiện diện của Giáo hội trong trại. Tôi đã vắng mặt, nhưng Người, Chúa Giêsu đã ở lại với họ.

Chúa Giêsu, trong bí tích Thánh Thể là sự hiện diện của Tình Yêu giữa những người tỵ nạn. Ngài đã đến với họ trong cuộc lưu đày. Ngài đã ở với họ tại Việt Nam và bây giờ có mặt với họ trong trại này, trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé, xơ xác và trong hòn đảo heo hút giữa biển Nam Hải bao la này”. (1)

Đó cũng là cảm nghiệm tôi chia sẻ với linh mục Gildo Dominici, Dòng Tên, ngày 10 tháng 7 năm 1980, khi tôi quì dưới chân Chúa trong ngôi nhà nguyện nói trên mà mái tranh đã trống vắng một vài mảng, nước mưa đã bắt đầu dột tưới cho cỏ hoa mọc hoang dại trên sàn nhà và gió biển đã luồn thổi qua các kẽ hở của phên vách sa sút…

Đa số người tỵ nạn đến trước đã được đưa đến trại Galang nên trại Kuku đã bắt đầu hoang phế. Trên sườn đồi thoai thoải, vài nấm mồ của dân tỵ nạn vĩnh viễn nằm lại đảo vì bệnh tật. Ngôi mộ mới của em bé gái mười một tuổi, chết trên tay tôi vì kiệt lực, hình như gây thương cảm đến chín tầng mây nên trời trút mưa ồ ạt làm nhạt nhòa nước mắt của người mẹ lạc hồn đang thất thểu bước đi…«Chúa Giêsu đã ở lại với họ», những người đã nằm xuống, những người còn lang thang trên đảo vắng và lũ người khốn khổ chúng tôi vừa trôi giạt vào đây, bỏ lại biển cả tám nhân mạng, trong số có một nha sĩ kinh hoàng đến loạn óc nhảy xuống biển tự tử lần thứ hai sau khi đã được chúng tôi vớt cứu lần thứ nhất… Vị đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách người tỵ nạn – người Nam Dương nhưng nói rành tiếng Việt vì đã có thời gian phục vụ tại Việt Nam – sau khi lấy lời khai của đôi bên (chủ tàu và khách đi vượt biển) đã thu xếp cho gia đình chị Hạnh và đứa cháu sống sót sang trại Galang trước để được chăm sóc và vỗ an tinh thần với phương tiện tương đối đầy đủ hơn.

Một tháng sau, số còn lại trong chuyến tàu khốc liệt của chúng tôi rời đảo Kuku đến hòn đảo được mệnh danh là “cửa ngõ của Tự Do và Tình Người”(1). Tôi có cảm tưởng toàn trại Galang bị dao động dữ dội. Khu chợ búa, các quán cà phê, các tiệm ăn, các barrack đều bàn tán xôn xao về các bài giảng ở nhà thờ, ở chùa chiền và nhất là về bài báo đăng trên nguyệt san Tự Do, đề cập đến trường hợp thương tâm của chị Hạnh và thái độ ác đức của bọn chủ tàu: “Chị Hạnh rời Việt Nam ngày 4.7.1980 cùng với 8 người người trong gia đình, trên chiếc tàu gồm 27 người. Vì thiếu chuẩn bị, vì bất cẩn nên số lương thực trên tàu chỉ gồm hai thùng xôi, một thùng sữa bột 5 ký và hai can rưỡi nước. Những người trên tàu được chia làm hai giai cấp rõ rệt. “thượng lưu“ và “hạ cấp“. Thượng lưu gồm thân nhân của chủ tàu, họ được ở trên ca-bin và được ưu đãi. Hạ cấp là những người còn lại, họ phải ở trong hầm tàu và thiếu sự săn sóc; gia đình chị Hạnh ở trong nhóm người này…Chủ tàu phân phát nước theo tiêu chuẩn: ưu tiên cho gia đình và thân nhân của ông, kế tiếp mới đến trẻ con và phụ nữ. Tuy nhiên vì  có sự lạm dụng nên số nước ít ỏi dành cho gia đình chị Hạnh và một số người khác bị“phỏng tay trên“, nên thảm trạng đã xảy ra: sáu người thân yêu của chị đã chết. Trong cơn khát cùng cực, họ đã van xin người có trách nhiệm một chút nước, nhưng dù van xin, kêu la hay than khóc họ vẫn bị từ chối và cuối cùng họ đã chết”(1)

Cả đảo hầu như chỉ chực “làm thịt” lũ bất nhân này.

Đêm đó tôi trằn trọc thâu canh vì nội tâm bị giằng co mãnh liệt. Nằm trong nhóm “hạ cấp”, đương nhiên tôi được cảm tình của chị Hạnh và những người ở đảo muốn đóng vai “kẻ hành hiệp”. Nhưng sự thật không đơn giản như mọi người đã nghĩ. Và tôi có thể đóng vai trò “chứng nhân” vì đã mục kích tư đầu diễn tiến của thảm kịch. Liệu tôi có trung thực, khách quan tuyệt đối không? Đằng nào chăng nữa tôi cũng không thể bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm. Đã bỏ nước đi vì sự thù hằn, chẳng thể nào tôi chịu nổi sự căm thù giữa những người anh chị em vốn đã là nạn nhân của sự thù hằn dai dẳng ở Việt Nam.

Sáng hôm sau đi lễ, tôi chạm mặt chị Hạnh và đứa cháu gái trong giáo đường. Hình ảnh đau thương của cô bé gái thều thào van xin tôi nước uống – và ôm mặt khóc rưng rức khi tôi cho biết bốn hôm rồi tôi cũng chẳng có một gịot nước thấm môi – sống lại mãnh liệt trong tâm trí tôi. Tan lễ, tôi theo gót chị Hạnh mở lời ủi an một cách bất lực. Chị không thể quên những người thân yêu của chị đã chết khát, xác bị vứt xuống biển. “Chị Hạnh vừa đau đớn, vừa oán hận. Sự thù ghét giữa chị và chủ tàu ngày càng sâu đậm và hầu như mọi người ở Galang đều biết” (1). Tôi đọc hết bài Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Nghèo Khó cho chị nghe, đặc biệt nhấn mạnh: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”, rốt lòng cầu xin cho chị đón nhận lời nguyện cầu của thánh Phan-xi-cô; “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Nhưng tâm trạng thê thiết của chị không cho phép chị tiếp nhận thuận lợi lời đề nghị giảng hòa, “oán thù nên cởi, không nên buộc” của tôi.

Phía chủ tàu (bốn người cả thảy) cũng có sự đôi co kịch liệt, trút đổ trách nhiệm cho nhau và cũng chẳng hề có sự  đồng ý phải nhận lỗi, an ủi cùng đền bù tương xứng cho gia đình chị Hạnh. Mà đám đông trên đảo, hoàn toàn bị chi phối bởi niềm uất hận trước hoàn cảnh bi thương của gia đình nạn nhân, thì đang hừng hực đòi “xé xác” họ.

Tình thế càng ngày càng nguy kịch, có thể đổ máu bất cứ lúc nào. Không thể điềm nhiên tọa thị được nữa, tôi xin gặp Cha Sở Galang. Ngài đã lắng nghe tôi trình bày tường tận ngọn ngành của thảm cảnh suốt buổi sáng. Sau đó, Ngài yêu cầu tôi viết tờ trình nội vụ để Ngài có đủ dữ kiện tra cứu sâu rộng trước khi lấy quyết định tối hậu.

Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với linh mục Gildo Dominici. Vóc người trung bình, trán cao, mắt hiền hòa sau làn kính cận, nụ cười bao giờ cũng thoang thoảng trên môi, nhanh nhẹn, tháo vát, linh động, linh mục là người Ý nhưng nói lưu loát và viết thông thạo tiếng Việt, dù người chỉ ở Việt nam một thời gian tương đối ngắn bảy năm. Một điều hiếm thấy nơi người ngoại quốc có cơ hội sinh sống ở nước ta. Chỉ có bảy năm mà sợi dây ràng buộc người với Việt Nam trở thành mối liên hệ huyết thống trường cửu.

Trở lại chuyện dầu sôi lửa bỏng trong trại Galang: Hai hôm sau, linh mục đến tìm tôi ở barrack, nhờ tôi hướng dẫn người đến gặp mấy ông chủ tàu. Người không nói gì ngoài những câu thăm hỏi gia đình họ và những khó khăn trong cuộc sống ở trại tỵ nạn. Nhưng khi người ra về rồi thì đột nhiên phía chủ tàu nhờ tôi thưa với người xin người đứng ra giàn xếp một cuộc gặp gỡ với chị Hạnh. Chúa nhật tuần đó, một buổi lễ cầu siêu ở Chùa (do phía chủ tàu xin) và một thánh lễ cầu hồn cho những người đã qua đời trong gia đình chị Hạnh, có sự hiện diện của đôi bên và của một số rất đông dân tỵ nạn trên đảo, được tổ chức tại nhà thờ Galang, do linh mục Gildo Dominici chủ tế. Mọi người xúc động nghẹn ngào khi thấy chị Hạnh, sau khi gục khóc thảm thiết trên ghế nguyện đã gượng dậy tiến tới trước bàn thờ Chúa bắt tay phe chủ tàu… “Cuối cùng chị Hạnh đã yêu thưong thay vì thù ghét, đã tha thứ, hòa giải thay vì oán hận…”(1). Một lần nữa, linh mục đã chứng tỏ cho dân Việt tỵ nạn thấy đảo Galang, ngoài danh hiệu “Cửa ngõ của Tự Do” còn là cửa mở cho “Tình người”. TỪ BI HỈ XẢ đã gặp BÁC ÁI BAO DUNG, tái xác nhận những cảm thông và hợp tác, vốn đã có từ khi trại Galang mở cửa đón nhận thuyền nhân Việt Nam, giữa những người tuy khác tín ngưỡng nhưng cùng chung một tâm huyết: bảo vệ và phục vụ người đi tìm tự do… Sự hiện diện của chùa Phật, thánh thất Cao Đài, nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Công Giáo trên đảo xác minh nỗ lực cung ứng đồng đều nhu cầu tâm linh cho dân tỵ nạn Việt Nam.

Sau vụ hòa giải thành công, qua sự giới thiệu của linh mục, tôi đến cộng tác với bán nguyệt san Tự Do do người làm chủ nhiệm và hợp tác với ban Điều hành Trung tâm Huấn nghệ do người vận động với Cao ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách người tỵ nạn dựng nên để dạy Việt ngữ, Anh ngữ và một số nghề cho dân tỵ nạn.

Linh mục, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng La-tinh, tiếng Ý (dĩ nhiên) còn nói và viết thông thạo tiếng Nam Dương. Do đó, giới chức Nam Dương ở đảo Galang rất có cảm tình với người và qua người, rất có thiện cảm với người Việt tỵ nạn. Do sự can thiệp của người, mọi trường hợp lẻ tẻ cảnh sát Nam Dương hành hung người tỵ nạn đều được vị Chỉ huy trưởng trại Galang, thiếu tá Casmir Rachman đích thân giải quyết và có biện pháp thích nghi. Ít khi tôi thấy linh mục giam mình trong văn phòng. Ngoài giờ giấc qui định cho giáo sự, người thường cỡi Vespa đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên đảo, đến khích lệ anh chị em ở tòa soạn Tự Do hoặc ghé qua Trung tâm Huấn nghệ động viên tinh thần ban giảng huấn và học viên, thăm hỏi các barrack, giải quyết tại chỗ các tranh chấp, xích mích và quyết liệt ngăn chặn mọi xô xát bạo hành. Cái mà người căm ghét nhất là bạo lực.

Rất tiếc tôi chỉ gần người để phụ lực trong một thời gian quá ngắn ngủi là ba tháng. Người mà tôi tâm sự nhiều nhất ở đảo là linh mục. Tôi đã cô đọng tất cả trong bài viết “Đường Về Nhà Cha” (1).

Ngày cuối tiễn tôi ra bến tàu sang Singapore để lấy máy bay đi Xứ Tuyết định cư, linh mục tặng tôi quyển Thánh Lễ Misa duy nhất bằng tiếng Pháp mà người có trong tay, trên đảo Galang. Ở trang đầu, người viết: “Ai đã ở trong Chúa Giêsu thì người ấy là một tân tạo vật. Thế giới cũ kỹ đã đi qua; và này đây một thực tại mới mẻ đang ló dạng” (2Cor, 5:17). “Tặng bạn thân Lê Tấn Lộc của tôi món quà nhỏ này. Ước mong, trong lời cầu nguyện nó sẽ là phương cách hiệp nhất với Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã trở thành niềm đam mê của đời bạn”. Gildo Dominici, S.J. Pulau Galang, ngày 3 tháng 11 năm 1980.

 
− Thưa Cha! Tôi xúc động bái gối, rồi ôm chầm lấy linh mục Đỗ Minh Trí – linh mục Gildo Dominici của tôi, ngày xưa ở Galang − Con tạ ơn Chúa và Mẹ đã cho con gặp lại Cha ở Xứ Tuyết này, nhân lễ Chúa Giáng Sinh.

− Ồ! Ông Lộc! (linh mục nhận ra tôi ngay, dù đã 11 năm xa cách). Ô hay! Thật bất ngờ! Mấy lần sang Canada đều hỏi thăm ông mà không ai cho tôi được địa chỉ và điện thoại của ông. Lần chót ông liên lạc với tôi khoảng tháng 5 năm 1981. Rồi sau đó bặt tin luôn.

− Thưa Cha! Con còn nhớ lần đó Cha trả lời con là “Có rất nhiều thuyền nhân đến đảo Galang mà không thấy bà Lộc đâu cả…” Con định tin cho Cha hay con không có ý để vợ con của con trải qua thảm cảnh hãi hùng của con trên biển cả. Nhưng rồi sau đó, quá cô đơn, quá thất chí, tinh thần con sa sút trầm trọng… Con ở cách đây 30 cây số, nên ít khi đi lễ ở đây. Hôm nay quả là thánh ý Chúa muốn vợ con và con gặp được Cha trong thánh lễ Giáng Sinh − cũng theo thánh ý Chúa − do Cha chủ tế vào giờ chót (vì cha Mai bận việc thình lình) tại nhà thờ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam vùng Montréal. Con nghiệm thấy vẫn còn nhận hưởng được nhiều ơn Chúa.

Tôi mời linh mục lên xe cùng tôi về thôn trang Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ (Dollard-des-Ormeaux). Trên xe, linh mục lần lượt cho tôi biết người đã bị các quốc gia có người tỵ nạn “cấm cửa” vì đã bênh vực quyền lợi của người tỵ nạn bằng cách lên tiếng tố giác qua sách vở, báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình những vụ chà đạp nhân quyền, như đánh đập, tống tình, tống tiền, bắn giết người tỵ nạn…

Khởi đầu là chính quyền Nam Dương: Bán nguyệt san Tự Do, ra đời ngày 1.4.1980 bị giới chức ở trại ra lịnh ngưng bản sau khi ra tới số 100. Ngày số cuối đến với độc giả cũng là ngày chính phủ Nam Dương “mời” linh mục rời trại Galang, nhường chỗ cho một linh mục người Nam Dương, với lời yêu cầu “miễn” trở lại. Trung tâm Huấn nghệ, ra đời gần như cùng lúc với Tự Do hình như cũng đã được dẹp bỏ khi người rời Galang. Tổng cộng, linh mục đã ở Nam Dương với người tỵ nạn 7 năm, 2 năm ở Djakarta, 5 năm ở Galang. Đa số thuyền nhân ở đảo với linh mục tới năm 1984 đều đã được đi định cư ở đệ tam quốc gia. Hiện còn non 20 ngàn người Việt tỵ nạn bị kẹt ở Galang 2 chờ “thanh lọc”(!) và chờ bị tống về Việt Nam.

Sau đó, linh mục đến trại Bataan (Phi Luật Tân) giúp người tỵ nạn Việt Nam. Cũng những cảnh chà đạp nhân phẩm dân tỵ nạn nhan nhản hằng ngày trước mắt người. Người lại lên tiếng tố giác. Đặc biệt lần này người thông báo cho tên trại trưởng người Phi các sòng cờ bạc, các động chích choác, các ổ điếm trá hình, cùng các tệ đoan khác trong trại. Ngày hôm sau người nhận được một thư nặc danh yêu cầu người rời khỏi trại Bataan càng sớm càng tốt, nếu không sẽ bị sát hại bằng những viên đạn như 3 viên đạn gửi kèm theo thư hăm dọa. Tên trại trưởng chắc chắn không xa lạ với hệ thống “làm ăn” qui mô này. Sau Nam Dưong đến Phi Luật Tân cấm cửa! Người phục vụ ở Bataan 3 năm tròn.

Kế tiếp – như một nghiệp dĩ với người Việt tỵ nạn − người lại đến phục vụ họ ở trại tỵ nạn Banthat, một trại nằm ở biên giới Thái Lan−Căm Bốt. Cũng những cảnh đau lòng như ở các trại tỵ nạn khác mà người đã đi qua. Nhưng ở đây mức độ vi phạm, chà đạp kinh khiếp ngoài sức tưởng tượng. Ngay từ đầu, ban chỉ huy trại (người Thái) đã chỉ cho phép người và những người ngoại quốc khác trong Cao ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách người tỵ nạn làm việc với dân tỵ nạn đến 5 giờ chiều. Một trong những lý do họ nêu ra là “lý do an ninh”: Quân Khờ-me Đỏ có thể tấn công hoặc pháo kích vào trại. Nhưng thực ra, đám lính Rangers (Biệt động quân) Thái đang nhiễu loạn trong trại không muốn có nhân chứng người ngoại quốc, để về đêm chúng tha hồ đàn áp dã man không thể tưởng: đánh đập gây thương tật, khảo tiền, vét của, hiếp dâm, ép mãi dâm, bắt cóc, thủ tiêu… Linh mục cho tôi biết, một cô gái may mắn sống sót sau một vụ trong nhiều vụ tàn sát tập thể đã kể lại với người: Đang đêm, hàng loạt người tỵ nạn bị lùa xuống ghe cho tàu Thái Lan kéo ra khơi và Marines (Thủy quân lục chiến) Thái xả súng bắn chết hết! Do sự can thiệp mạnh mẽ của linh mục và phái đoàn Cao ủy LHQ, chính quyền Thái thay thế đám lính rangers ô hợp bằng các toán quân quân nhân khác, có tác phong và kỷ luật gưong mẫu hơn. Từ đó trật tự an ninh mới được vãn hồi trong trại Banthat. Sau Nam Dưong, Phi Luật Tân, đến lượt Thái Lan “cấm cửa” người! Linh mục đã ở trại Banthat non 3 năm.

Nghĩ đi nghĩ lại – linh mục tạm kết câu chuyện khi xuống xe bước vào nhà tôi:

− Tôi thấy, với dân tỵ nạn, người Nam Dương coi vậy mà tử tế nhất, người Phi Luật Tân độc ngầm. Tàn ác, hung bạo kinh khủng nhất là người Thái…

Sau khi ban phép lành cho ngôi nhà, dùng bữa với chúng tôi, linh mục tiếp nối câu chuyện bỏ dở. Người cho biết, từ Âu sang Mỹ đến Úc châu, đâu đâu người cũng may mắn gặp lại các “cố nhân” đã ở “đảo tình người”: Ban đại diện trại, ban điều hành Trung tâm Huấn nghệ, Hội đồng Giáo Xứ, ban biên tập Tự Do, ban thông dịch của Cao ủy LHQ và rất nhiều người tỵ nạn khác. Mọi người, tuy đã tương đối ổn định đời sống nơi xứ lạ vẫn không ra khỏi tâm trạng tha hương, đều nhắc nhở và luyến tiếc thời ở đảo, dù thiếu nhiều tiện nghi vẫn đậm đà tình người, một thứ mà hầu hết đều nhận thấy thiếu vắng trên vùng đất định cư.

Hiện linh mục phụ trách công tác LINH THAO (gọi nôm na là “cấm phòng”, tiếng Pháp là retraite) cho Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Có thể có nhiều điểm tương đồng với Tịnh khẩu, Tĩnh tâm, Tham thiền nhập định của Phật giáo. Tuy nhiên người vẫn dành thời giờ nghỉ hè đi khắp nơi trên thế giới − nơi nào có người Việt định cư − để thăm viếng “đồng bào” của người.

Linh mục đã về Việt Nam hai lần và tin rằng lần thứ ba người trở lại, nước Việt Nam sẽ không còn chế độ cộng sản nữa. “Một tất yếu lịch sử. Họ thay đổi hoặc tự sát. Một thay đổi tuần tự, một giải thể tiệm tiến. Một sự sụp đổ nhanh chóng quá có thể xảy ra đổ máu”, linh mục nhận xét như vậy.

Tôi hỏi người sinh hoạt của Giáo hội ở Việt Nam giờ ra sao. Người cho biết tương đối đỡ ngột ngạt hơn trước đây, nhưng những ngăn chặn phát triển vẫn còn nặng, đặc biệt về nhu cầu cung ứng tu sĩ. Ta phải hoạt động “chui” để đáp ứng nhu cầu này.

− Ông có biết chính quyền cộng sản VN sợ cái gì nhất giờ này không? Linh mục hỏi tôi.

− Thưa Cha, chắc không phải sợ vũ lực của bom đạn, tôi đáp.

− Đúng. Họ sợ nhất là dân chúng xuống đường biều tình. Năm rồi họ không dám tổ chức “Lễ Đại Thắng 30-4”. Mọi thứ đã được chuẩn bị rầm rộ, nhưng giờ chót họ dẹp hết vì sợ dân biểu tình chống chế độ. Anh chị em ở hải ngoại nên biết điểm yếu của họ và nhắm vào chỗ đó… À! Ông còn nhớ chị Hạnh không? Tôi vừa gặp lại chị ở Úc. Chị bây giờ có bốn đứa con khác.

Tôi vừa mừng cho chị, vừa nhớ lại hình ảnh tang thương của chị lúc ở đảo. Mầm sống lại tái sinh từ chết chóc thê lương…

− Thưa Cha, cho con hỏi điều gì Cha đang ao ước nhất hiện nay?

− Trở về Việt Nam để góp phần giúp đỡ anh chị em tôi gầy dựng lại đất nước đã đổ nát vì một chế độ phá sản. Trước đây tôi theo chân anh chị em tôi bỏ nước đi lưu đày. Giờ đây tôi sẵn sàng tháp tùng đoàn người ly hương trở về quê mẹ. Bao nhiêu tim óc tôi đều trọn hướng về Việt Nam, quê hưong tôi. Tôi sẽ ở lại với người Việt Nam tại Việt Nam đến suốt đời…

 
 
Tôi đưa linh mục về và cùng lên phòng người để nhận sách tặng. Tuy người không nói ra, nhưng tôi nhận thấy người có vẻ “chồn chân” trên đất liền. Dĩ nhiên, công tác Linh Thao là một trong những công tác thiết yếu của Giáo hội. Và công tác nào cũng nhằm “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (thánh Phan-xi-cô nghèo khó). Nhưng tôi nghĩ con người của linh mục là con người của biển cả, của hoang đảo tràn đầy người tỵ nạn gầy yếu về thể xác, còm cõi về tinh thần. Linh mục đã gắn liền cuộc sống của mình với vận mệnh của đất nước Việt Nam và số mệnh của hàng triệu người Việt tỵ nạn…

Người đưa cho tôi xem ba tác phẩm bẳng tiếng Việt của người đã phát hành ở các trại tỵ nạn. Tác phẩm đầu là bản dịch từ tiếng Ý sang Việt ngữ, nói về cuộc sống hôn nhân. Tác phẩm thứ hai, Ra Khơi và tác phẩm thứ ba, Việt Nam Quê Hương Tôi, viết bằng tiếng Việt.

Người tiễn tôi ra tận cửa, và khi tôi lái xe ra khỏi khuôn viên Chủng viện người vẫn còn dõi theo cho tới khi xe tôi mất hút.

Về nhà, tôi xúc động bắt gặp những tình cảm, tâm tư sâu đậm của linh mục từ dòng chữ đầu của tác phẩm: “Với tấm lòng yêu mến dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, tôi viết ra cuốn Việt Nam Quê Hương Tôi…” (1)

Trong bài thứ hai, tựa đề “Việt Nam Quê Hương Tôi”, người viết: “Nếu xét theo tiêu chuẩn địa lý thì quê hương tôi thật bé nhỏ: diện tích hẹp, dân số ít. Nhưng có một nước Việt Nam khác rộng lớn hơn, rộng lớn như một đại lục. Đó là văn hóa Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, đó là tinh thần Việt Nam. Và chính đó mới thực sự là quê hương của tôi (…) Một nước Việt Nam mà không một chế độ nào, không một cuộc chiến tranh nào có thể xóa được trên trái đất. Một nước Việt Nam mà không một chế độ nô lệ nào có thể chà đạp và khống chế! Tôi hân hạnh được làm công dân nước Việt Nam trường cửu, bất diệt như vậy!” (1)

Tôi xếp quyển sách với hình ảnh linh mục Gildo Dominici − Đỗ Minh Trí − đang hướng nhìn về Việt Nam, bày tỏ nỗi lòng với tất cả người Việt, trong cũng như ngoài nước, trong đó có tôi: “Nhắc lại một lần nữa, tôi rất yêu mến người Việt Nam và cảm phục người Việt Nam. Và tôi tự coi mình một phần nào như là một người Việt Nam, ít nhất là xin phép tôi coi mình như là một người lai Việt Nam. Vì thế, mỗi khi gặp người Việt Nam, bất cứ lúc nào tôi đều có cảm tưởng đó là tôi gặp một đồng bào của mình”(1)

Hi vọng lần đi sinh hoạt với giáo dân ở Baie James, dưới cái lạnh cắt da tăng theo cường độ của gió buốt, kéo hàn thử biểu xuống tới mức ghê rợn trừ 66 độ C, linh-mục-sứ-giả-của-tình-thương sẽ thấy lòng ấm lại khi gặp được vài “cố nhân” lẻ loi, đã ở “Cửa ngõ của Tự Do và Tình Người”, đang công tác ở vùng địa đầu của miền giáp tuyến Cực Bắc.

Và tôi nghĩ nước Việt Nam sẽ mở rộng vòng tay đón nhận một công dân người Việt gốc Ý: Công dân Đỗ Minh Trí!

Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết, Thu 1992
Lê Tấn Lộc
Ghi chú:
(1)  Các trích văn trong bài này mượn từ những bài viết của linh mục Đỗ Minh Trí, đăng rải rác trên 100 số của bán nguyệt san Tự Do, phát hành từ 1980 đến 1984, được tuyển chọn, tập trung ấn hành thành hai tác phẩm Ra KhơiViệt Nam Quê Hương Tôi. (Tác phẩm VNQHT được ban Giáo dục, ban Truyền thông và Đoàn Thanh Niên Hy Vọng, giáo hạt Tôma Thiện, Cộng Đồng Công Giáo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại tiểu bang Victoria (Úc châu) tái bản vào tháng 7-1991, nhằm gây quỹ giúp người tỵ nạn.

This entry was posted in Thân Hữu Khác. Bookmark the permalink.