Chớm Xuân nhớ Sài Gòn xưa

Mùa này ở Virginia mới chớm xuân, một anh bạn viết cho tôi như thế. Ở Cali có lẽ xuân đã về từ Tháng Ba khi hồng rực rỡ và giàn mai vàng cũng tưng bừng khoe sắc.

Tuy vậy tiết Xuân có chút lạnh và bây giờ, tuần qua bỗng có những cái “ngồ ngộ”. Ngồ ngộ đó là tiêt trời u ám, lạnh và gió nhưng cái lạnh không luồn sâu mà sao lạnh …giống Sài Gòn quá. Giống Sài Gòn của những ngày bão rớt. Chỉ lạnh theo kiểu một áo ấm là đủ. Tôi yêu cái lạnh đó lắm. Có lẽ vì gợi cho tôi nhớ Sài Gòn mà thôi.

Thuở ấy, mỗi khi bão rớt thổi ngang qua, trường được nghỉ học, ôi thú vị làm sao. Với cái thời tiết quanh năm nóng nhiều hơn lạnh thì những ngày “bão rớt” ở Sài Gòn tuyệt vời với đám học trò chúng tôi. Ơ hay thì có là bão đâu mà e ngại. Mà dù có là bão thì vùng đồng bằng theo kiểu Sài Gòn cũng chả có gì nguy hiểm lắm. Bão rớt còn thú vị hơn nữa. Vừa được nghỉ học, vừa được cái thú nhâm nhi kẹo lạc với tách trà nóng và trùm chăn đọc kiếm hiệp!

Cũng thuở ấy, truyện kiếm hiệp như một ma lực cuốn hút rất nhiều tầng lớp. Đặc biệt truyện kiếm hiệp của Kim Dung thì khỏi nói. Tình trạng đón xem báo hàng ngày, cái mở đầu tiên là ở trang kiếm hiệp thì đủ biết ma lực như thế nào. Tôi cũng thích kiếm hiệp nhưng còn thích nhiều thứ khác. Do đó hè là lúc tôi tụng truyện. Suốt năm vùi đầu học lấy thì giờ đâu xem truyện. Viết đến đây tôi cảm thấy ganh tị với những người “tung tăng tung tẩy” thuở mới lớn. Họ giung giăng giung giẻ phố phường, với người yêu tay trong tay thủ thỉ thù thì còn chúng tôi thì vùi đầu vào học. Cứ làm như học là dễ lắm! Với tôi, học đâu có dễ. Thời tôi học từ chương nên khó thấy mồ. Cả một chồng sách từ Vạn Vật đến Lý Hóa, Công Dân, Sử Địa, Cổ Văn, Kim Văn phải học thuộc. Có thuộc mới xếp hạng cao, mới lọt cửa ải Tú Tài. Vì thế khi mấy chị tung tăng đi chơi rồi theo chồng Đại úy, Thiếu Tá thì chúng tôi xanh xao vàng vọt vì học! Chúng tôi mất tuổi xuân vì học! Lứa chúng tôi còn mất nhiều hơn vì mới ra trường chưa bao lâu thì vc vào. Thê thảm cho lứa  chúng tôi ghê chưa nào?

Trở lại sở thích mê truyện của tôi. Ba tháng hè là lúc tôi say sưa đọc truyện. Tôi ưu tiên cho …truyện dịch vì tôi thấy nó hay. Thứ đến là kiếm hiệp. Văn trong nước thì tôi vẫn ưa thích lối viết trong sáng, giản dị và nhẹ nhàng đượm chút quý phái của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Văn miền Nam đặc trưng bởi Hồ Biểu Chánh hay Lê Xuyên cũng làm tôi thú vị nhưng phải đứng sau Tự Lực Văn Đoàn. Quỹ thời gian eo hẹp theo kiểu đó nên mấy bút ký chiến tranh không bao giờ tôi đọc. Chiến tranh vây phủ quanh đời sống. Ngó trước, ngó sau, ngó trái, ngó phải, cứ hết chàng trai này ngã gục đến chàng trai kia cụt chân. Chiến tranh hàng ngày qua những trang báo và cả làn sóng radio. Với radio, tôi thích nhạc hùng. Đó là lý do, tôi luôn ưu đãi cho người nhạc sĩ tác giả của bản nhạc mà tôi biết tất cả đều thuộc “Kìa đoàn quân chiến thắng đang trở về dưới nắng hồng..”. Chiến tranh hiện hữu như thế đó nên tôi không tìm xem bút ký chiến tranh nữa làm gì.

Bây giờ thì tôi lại thích xem. Vì là lạ với tôi. Với lại, như một tình cảm muộn màng cho người ơn, tôi tìm đến thế giới quân đội để cùng “khóc cười” với các quân nhân qua các trang sử cũ. Về một cuộc chiến bi thương.

Cali, như Sài Gòn bão rớt với thời tiết như thế  làm tôi nhớ Sài Gòn biết bao.

Con đường Phùng Khắc Khoan nơi tôi đi học hàng ngày có hàng me cao vút và trời không dưng như lạnh hơn khi đi vào đó để rồi tôi gọi đấy là “Con đường Mùa Đông” của tôi.

Con đường Thống Nhất khá “thênh thang” với kỷ niệm của năm cuối đại học, với người bạn cùng lớp, với câu nói mà tôi gọi đấy là “lời tỏ tình dễ thương”! ( QG ơi, anh muốn từ nay QG không chơi với người con trai nào cả, chỉ chơi với một mình anh thôi nhé!)

Con đường Cộng Hòa cũng “thênh thang” nhưng không lá me xanh mà là những cây còng me tây, thả những chùm hoa nho nhỏ nhưng cũng thả cả những con sâu đo, kỷ niệm của thuở sinh viên. Con sâu ấy từ một cây còng me tây không ở trên đường Cộng Hòa  mà là trong khuôn viên Khoa Học Sài gòn đã đu mình xuống, thả vào cánh tay tôi. Tôi kinh hoàng hét lên, người bạn không quen đứng cạnh đã bắt dùm, để rồi từ đó thành quen và mối tình “tưởng như là tình yêu” kéo dài suốt quãng đời đại học trở thành một kỷ niệm bàng bạc trong tôi cho đến tận bây giờ.

Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ.

Sài Gòn là một thời để yêu, để nhớ của tôi nhưng không phải là “nơi để về” bây giờ!

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , . Bookmark the permalink.