Mẹ tôi viết văn

Hoàng Lan Chi viết: hôm nay đi tìm bài cũ, tôi thấy folder “Những truyện trước 75”. Đây là nơi chứa những truyện tôi viết trước 75. Tôi thấy bài “Mẹ tôi viết văn” bèn click open ra xem lại. Thấy cũng vui vui bèn chia sẻ cùng bạn bè. 
 
Hồi đó, khi tôi viết bài này, có lẽ là lúc kinh tế đang khó khăn với thời “kiệm ước”. Những ai sống thời đó sẽ thấy lại chữ “kiệm ước” này. Bạn trẻ bây giờ có lẽ sẽ không hiểu chữ “kiệm ước” có nghĩa gì! Bút hiệu ký ngày đó là Hoàng Lan Giao. Cũng lạ là tôi còn giữ bài báo này. Hồi đó đăng ở mục ” Chuyện phiếm” của Chính Luận. Tôi thường viết cho mục này với bút hiệu Quỳnh Couteau khi nói về Đại học Khoa Học Sài Gòn ( thời gian đó tôi là sinh viên ở đây). Thời đó họ trả nhuận bút là 800 đồng. ( tiền dạy một giờ lớp 10 là 500 đồng). Tất nhiên chuyện là do tôi bịa ra. Hồi đó, tôi “bịa” nhiều thứ kể cả truyện tình tưởng tượng chỉ để đăng báo. 
 

 
 
Mẹ Tôi Viết Văn
 
Ngày xưa, ôi cái “thủa vàng son” nay còn đâu, một người đi làm nuôi cả gia đình lại có người ở. Bây giờ, hai ba người đi làm mà không sắm nổi một tên giúp việc con. Ôi cái thời buổi bây giờ sao mà khó khăn và thảm thương đó như thế nào tôi xin miễn bàn đến bởi có nhiều người nói quá xá rồi, ở đây tôi chỉ nói tới một hậu quả buồn cười mà thôi. Ấy! chính nhờ thời buổi kiệm ước,  cái gì cũng mắc mỏ, đồng lương ba tôi không đủ xài, nên làng văn sĩ Việt Nam có thêm, chẳng hiểu thứ mấy mươi nữa, một văn sĩ đại tài là mẹ tôi!

Vâng, chính vì tiền tiêu không đủ, thiếu trước hụt sau hoài mà mẹ tôi không thể đi làm nên bà nảy ra ý định viết báo kiếm tiền chơi! Khi nghe mẹ tuyên bố, lũ chúng tôi cứ bò lăn ra cười. Giời ạ , không biết mẹ sẽ viết vào lúc nào? Chúng tôi có thấy mẹ rảnh phút nào đâu? Sáng sớm ngày ra, mẹ phải thu dọn nhà cửa, quét tước sạch sẽ từ trong ra ngoài. Sau đó, rửa ly chén bình biếc, nấu nước pha trà. Tiếp theo là màn lo đồ ăn sáng cho lũ con, rồi còn phải sửa soạn cho mấy đứa đi học nữa. Bao nhiêu đó mà cũng gần 9 giờ, mẹ lại tất tả xách giỏ đi chợ. Chợ về, mẹ còn phải dạy lũ nhóc tì học nữa. Dậy tụi nó học xong thì đến giờ nấu cơm. Rồi ăn xong, rửa chén thu dọn cũng hơn 1 giờ.

Mẹ chỉ nằm ngả lưng buổi trưa có chút xíu, sau đó phải dậy giặt chậu quần áo to tướng. Giặt xong là màn ủi, cũng đến 4 giờ. Rồi thì dậy thằng em tôi năm nay thi tú I môn sinh ngữ vì mẹ giỏi tiếng Tây lắm cơ. Sau đó lại cơm nước, rửa ráy.  Tối đến mẹ cũng đâu có rỗi, phải kiểm soát bài vở lũ nhóc và thế nào cũng có màn phụ diễn tân nhạc mà chỉ một mình mẹ ca vì lũ con mẹ học giỏi quá xá ! Chính tả 7 lỗi, toán 02 ! Mẹ tha hồ la hét cho hết xí quách chơi, tụi nhóc vẫn tỉnh bơ! Thế mà đã 9 giờ tối, mẹ phải lo mùng mền cho lũ con đi ngủ. Mẹ cũng đi ngủ luôn vì coi bộ mẹ không còn hơi sức tí nào nữa! Thỉnh thoảng, mẹ còn phải thức khuya mạng lại chiếc áo rách cho đứa con nghịch ngợm. Rồi sáng hôm sau, công việc lại tiếp tục! Than ôi! thì giờ của mẹ cứ khít rịt đi ấy, không biết còn trống lúc nào để bà mẹ yêu quý của tôi sáng tác nữa đây!

Thấy lũ con cười, mẹ tôi tưởng đâu chúng tôi…. chê mẹ viết văn không nổi, bà liền mắng:
– Bộ chúng mày tưởng mẹ viết không được hả? Đồ con hư! Chỉ chê mẹ là giỏi. Rồi! Để mẹ viết, mẹ đăng báo cho mà coi! Hễ có tiền nhuận bút, mẹ khao thịt bò viên, đứa nào cười đứng ăn nhé!

Lũ nhóc nghe nói đến ăn, khoái quá nhao nhao:
-Con không cười đâu mẹ! Mẹ cho con ăn nghe mẹ! Mẹ viết đi mẹ!

Được tụi nhóc cổ vũ, mẹ hớn hở thực hành ngay dù mấy đứa con lớn chỉ tủm tỉm cười! Thế là ngay buổi tối hôm sau, mẹ tôi bắt đầu làm văn sĩ. Mẹ sắm sửa đầy đủ bút viết coi xôm trò ghê lắm!

Sau khi cho tụi nhóc vô mùng đàng hoàng, mẹ chui ra bàn bắt đầu sáng tác. Nhưng khốn nỗi lũ con tò mò lắm cơ. Chúng muốn biết mẹ làm thế nào để có tiền khao chúng ăn bò viên! Bởi vậy, chỉ một lát sau, trong lúc mẹ còn đang cắn bút tìm hứng, tụi nhóc đã bò ra từ lúc nào đứng sắp lớp sau lưng mẹ, nghển cổ nhìn qua vai xem mẹ viết cái chi!

Mọi lần, mẹ thính tai lắm cơ, đứa nào hơi rục rịch chui khỏi mùng lén đi chơi mẹ biết liền. Thế mà lần này, có lẽ đang mải tìm nguồn văn hay sao mà mẹ chả hay gì ráo. Làm tôi tình cơ lên lầu, thấy tụi nhóc “hàng hàng lớp lớp” sau lưng mẹ không nín cười được. Đến lúc đó mẹ mới hay vội vàng bắt lũ con đi ngủ. Nhưng tụi nó đâu có nghe, cứ mẹ vừa chui khỏi mùng một tí, lũ con lại lục đục kéo ra sắp hàng xem mẹ viết. Mẹ nói thế nào cũng không nổi, đành chịu thua! Thế là hôm đầu tiên, sáng tác mẹ đành dở dang vì tụi nhóc tì tò mò muốn biết bí quyết khao thịt bò của mẹ!

Hôm sau, mẹ tôi lại tiếp tục chương trình ban tùm lum! Lần này, mẹ cẩn thận lắm, bắt tụi nhóc đi ngủ sớm. Sau khi lũ con yên vị đâu đấy mẹ mới bắt đầu viết. Nhưng khốn nỗi “trời đã khuya rồi đây” nên hàng hàng lớp lớp muỗi thay thế lũ con bay ra mơn trớn hai ban chân mẹ rất ư là âu yếm! Làm mẹ tôi một tay viết một tay đuổi muỗi, trông đáng thương làm sao! Nhưng lũ muỗi ác lắm cơ, đã hút máu lại còn để cảm giác nữa! Nên một lát sau, mẹ ngứa quá gãi sồn sột, chịu không nổi, mẹ đành… đi ngủ! Tác phẩm một lần nữa dở dang.

Hôm sau, mẹ lại viết tiếp. Có kinh nghiệm rồi, mẹ đâu ngán muỗi nữa. Để đối phó với chúng mẹ phải mua nguyên một bao hương đốt muỗi! Nhưng hương độc với muỗi, cũng độc với mẹ luôn! Vì thức quá khuya, lại hít phải hương độc, sáng hôm sau mẹ ngất ngư ! Tác phẩm chưa hoàn thành mà bố cấm mẹ viết, vì thấy mẹ coi bộ thảm não quá. Mẹ đâu chịu, bèn viết lén. Viết lúc bố đi làm. Mẹ vừa làm cơm vừa sáng tác. Ban đầu chứng tôi cũng đâu có biết! Thấy mẹ kỳ cục quá xá! Đang xào xào nấu nấu trong bếp, mẹ bỏ chạy ra bàn, tay trái còn cầm đũa, tay phải hí hoáy viết một lát sau, lại chạy vào bếp, đôi đũa được đổi sang tay phải và lài xào xào nấu nấu!! Mới đầu chúng tôi cứ ngỡ mẹ tính tiền chợ hay hụi cơ!! Về sau, thấy mẹ tính gì tính hoài, chúng tôi tò mò xem lén coi mẹ tính chi! Đến lúc đó chúng tôi mới biết mẹ vừa làm cơm vừa sáng tác! Trời ơi! Tinh thần của mẹ tôi cao quá! Chúng tôi không sao nín cười, nhưng sợ mẹ la mên bỏ chạy ra tuốt đầu ngõ đứng cười đã rồi mới vào! Bởi vậy, mẹ tôi đâu có nghi ngờ gì!

Việc mẹ vừa làm cơm vừa viết văn chỉ bị bại lộ bởi thằng em út của chúng tôi thôi. Hôm đó, mẹ còn đang viết dở nên bày bừa ra bàn chưa kịp cất đi thì phải thu dọn cơm chiều. Em tôi vừa đi học về, lại bàn mẹ kiếm giấy xếp tầu chơi. Thấy thế, bố tôi la:
-Đừng con! Giấy của mẹ tính tiền đừng nghịch! Lại bố cho tờ khác!
Khốn khổ, bố tôi cũng cứ tưởng mẹ tính tiền chợ cơ. Nhưng thằng em tôi đâu nghe bố, nó cấm giấy của mẹ lên xem, rồi bô bô:
– Đâu có bố, mẹ đâu có tính gì đâu. Mẹ viết cái gì kỳ quá hà, để con đọc bố nghe nhé:
“Tâm cúi đầu nhìn người yêu. Hằng đẹp quá! Mái tóc dài buông xõa đôi mắt to long lanh, chiếc miệng cười tươi tắn, Tâm thấy lòng rạo rực vô cùng, chàng thì thầm hỏi:
Hằng! Hằng Anh…Anh….Yêu em?
Em….Em…. cũng vậy!”. 

Trời đất quỷ thần ơi! Té ra mẹ tôi viết chuyện tình ngang trái! Những câu văn như trên mà được đọc ra từ cửa miệng một đứa con nít mới học lớp năm thì thật… tiếu lâm vô cùng!! Mấy  bố con chúng tôi bò lăn ra cười. Thấy ồn ào, mẹ chạy ra, biết là bị bại lộ nhưng mẹ vẫn tỉnh bơ đi ấy. Mẹ còn tuyên bố: “Người ta viết văn cần phải nơi yên tĩnh. Rồi còn cà phê thuốc là mới tìm được nguồn văn. Đằng này, mẹ vừa làm cơm vừa sáng tác… mới chì chứ! Tụi mày cứ ngồi đó cười mẹ đi! Mai mốt mẹ gửi đăng báo cho chúng mày biết tay mẹ nhé! Chỉ được bụt chùa nhà không thiêng!”.

Lũ con lớn chúng tôi nghe nói chỉ tủm tỉm cười ruồi.  Ấy vậy mà bài mẹ được đăng thật. Hôm thấy báo đăng bài mình, mẹ hớn hở cười tươi như hoa trông xinh tệ!. Tụi nhóc tí không biết đọc báo nên đâu hiểu chuyện gì. Thấy mẹ vui quá tụi nhóc bèn hỏi. Mẹ cười tít mắt trông duyên dáng làm sao:
– Ờ! Bài của mẹ đăng báo rồi! Mai mốt lãnh tiền nhuận bút, mẹ cho tụi bây ăn thịt bò viên!
Lũ nhóc tí thấy nói đến ăn, khoái quá hét om xòm: 
– Thật hở mẹ? Sao mẹ hay quá vậy mẹ? Thế bao giờ mẹ lãnh tiền “nặn bút” hở mẹ?! Mẹ nhớ dắt tụi con đi ăn nghe. Sao mẹ giỏi vậy mẹ?
Mẹ tôi lại tít mắt cười:
-Mẹ mà! Bây giờ tụi bây mới biết à? Mẹ văn sĩ một cây xanh dờn mà!
Tụi nhóc lại hét lên:
– Ơ! Mẹ là văn sĩ một cây xanh dờn! Vậy chúng con là gì hở mẹ?
– Chúng mày à?! Chúng con là….là con văn sĩ!
– Ơ! Chúng mình là con văn sĩ! Ngộ quá ta.

Đó là hồi kết của câu chuyện mẹ tôi làm văn sĩ!
 
Hoàng Lan Giao
 

This entry was posted in LanChiYesterday and tagged . Bookmark the permalink.