Tôi và thầy giáo khóc khi nước Mỹ giết con mockingbird!

Sự hư cấu trong tiểu thuyết

Tuần trước nữa, có vài lý do mà tôi chúi mũi vào đọc một cuốn sách. Không phải nghe đồn sách hay. Đơn giản là ơn nghĩa. Đơn giản là không phải chuyện tình.

Thế nhưng chuyện tình đã được lồng vào đấy. Hầu hết các tác giả Việt  Namcó óc tưởng tượng thật phong phú về chuyện tình. Sự tưởng tượng thái quá đã đẩy câu truyện lên đỉnh cao của sự “lố bịch”. Tôi gọi đó là “lố bịch” vì hoàn toàn không thực tế. Không mảy may. Tôi đơn cử vài ví dụ. Không gian là xã hội Việt Nam Cộng Hòa vào 1960. Thập niên 60-70 là hai nền cộng hòa. Nền thứ nhất, rất nề nếp. Nền thứ nhì, ít nề nếp hơn nhưng chung cuộc vẫn là một xã hội theo khổng giáo với những quy tắc xã hội bất biến.

Nữ sinh của các trường trung học danh tiếng thời đó không vượt lễ giáo. Số vượt, rất hiếm. Vì thế khi một nữ sinh, được mô tả là con duy nhất của một gia đình danh giá, một bác sĩ, dân biểu thất cử, tài sắc vẹn toàn mà lại đòi hiến dâng đời con gái cho một thiếu úy mới ra trường thì tôi thấy quá vô lý. Vô lý một là một ông cựu dân biểu thời đó chả bao giờ có thiện cảm được với người lẽo đẽo theo con gái mình ngoài  đường và ngang nhiên gõ cửa cả. Vô lý hai là ông ra lệnh cho cô gái rượu phải lấy chồng sau khi xong Trung Học hoặc vào nội trú Đại Học Huế. Một ông bác sĩ nghĩa là thành phần trí thức thì họ cũng sẽ di truyền cái gien đó lại cho con gái. Cô bé sẽ có nhiều khả năng học y khoa như cha cô. Không ông bác sĩ nào vào thời 1963 lại bắt con gái đi lấy chồng sau khi xong trung học cả. Nếu vào thời xa xưa thì họa may! Vô lý thứ ba là chàng và nàng chưa bao giờ chính thức có tình ý. Theo mô tả, chàng đến trong hai năm chỉ để nghe ông bố nói chuyện thời sự. Vậy mà chỉ chưa đầy năm vắng mặt vì thụ huấn quân trường gì đó, khi trở lại thì cô gái nề nếp, ngoan ngoãn ngày xưa, bỗng dưng biến thành một đệ tử của Francoise Sagan, tân tiến còn hơn nữ sinh Marie Curie. Nghĩa là nàng tỏ tình trước và còn đòi hiến dâng đời con gái để …giữ chàng.

Tôi nhớ vào khoảng 70, sở dĩ thơ phổ nhạc của Nguyễn Tất Nhiên thu hút thính giả vì tính Thực của nó. “Ta hỏng tú tài, ta mất người yêu, ta đợi ngày đi..” Đúng vậy thời đó không phải ai cũng nao nức vào quân trường. Nhiều người đi lính vì rớt tú tài. Nhiều người mất người yêu cũng chỉ vì họ chỉ là những anh, mà tôi nói đùa là “Thiếu úy quèn”. Một điều không chối cãi được là thời đó, những cô gái đẹp, con nhà giàu thường ngắm nghía bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ, dược sĩ hơn là yêu chàng thiếu úy. Nếu có thì đa phần là tình cũ từ thuở còn thơ ấu. Sinh viên Dược, Nha, rất hiếm lấy chồng thiếu úy. Các cô giáo tỉnh nhỏ hay thư ký thì có thể. Vì thế khi thấy tác giả mô tả một chàng thiếu úy mới ra trường mà thu hút toàn con gái đẹp, con nhà nề nếp, danh giá, tương lai mở rộng, tôi thấy kỳ tích còn hơn chuyện công chúa Bokassa.

Dường như các nhà văn Việt Namluôn tưởng tượng quá đáng những gì mà thực tế họ không có hay thiếu sót trầm trọng. Khoảng năm 2000,  tôi biết một ông giáo sư Trung Học vừa đen vừa lùn vừa xấu. Khi viết văn, nhân vật chính đều xây dựng từ ông nhưng vô cùng đào hoa. Đào hoa đến độ vào thời 1960 mà ông mô tả trong truyện là ông ghé nhà cô nữ giáo sư đồng nghiệp để cùng đi chấm thi. Nữ giáo sư mời ông ngồi chơi và cô thì vào phòng tắm. Nghĩa là cô nữ giáo sư xinh đẹp quyến rũ cố tình mời mọc ông. Khi đọc, tôi đã phát ngán vì tính không thực của nó. Hư cấu quá đáng, có lẽ là cố tật của nhiều người viết văn Việt Nam.

Thực, bao giờ cũng hay vì Thực là phản ảnh thực tế.

Tôi và thầy giáo khóc khi nước Mỹ giết con mockingbird!

Cũng thời gian qua, lớp chúng tôi đọc đến những chương hấp dẫn của“To kill a Mockingbird”. Chương 21 theo tôi là chương hay nhất. Ông Luật sư với bài biện hộ thật tuyệt vời. Khi nghe CD đọc những giòng cuối của chương này, tôi khóc. Tôi phải lên bàn thầy giáo lấy “tissue”. Rồi ông thầy bắt đầu giảng lại. Đồng cảm như tôi, khi đọc lại những giòng cuối ấy, mắt ông đong đầy nước. Tôi, khóc lần thứ hai, theo ông.

Buổi tối hôm ấy, anh bạn gọi:
-Hôm nay có gì lạ?
-Em khóc cùng với Thầy giáo vì nước Mỹ đã giết con mockingbird!
-Con mockingbird là con gì?
-Chim nhại. Một giống chim hiền hòa không phá hoại và chỉ biết hót cho người vui bằng cái nhại của nó. Nó nhại được giọng hót của nhiều loài chim khác. “Con có thể giết mọi chim khác trừ chim nhại. Giết chim nhại đồng nghĩa với tội ác vì chim nhại hót cho mọi người vui bằng tất cả trái tim nó”. Ông Luật sư đã nói như thế với đứa con trai khi quà giáng sinh cho cậu là khẩu súng hơi.
-Nó biểu tượng cho cái gì? Ai là mockingbird?

Tôi suy nghĩ.
-Chính thức có hai con mockingbird bị giết. Nhưng con mockingbird tượng trưng cho người da đen là câu chuyện bi thảm nhất. Nó nói về sự bất công của nước Mỹ thời đó đối với người da đen và đồng thời cũng đưa ra một triết lý hao hao đông phương ngày xưa. Đó là “Nhân chi sơ tính bổn thiện hay bổn ác?”. Câu truyện viết về một thành phố nhỏ và cổ ởAlabama vào thời suy thoái của kinh tế toàn cầu. Cuộc sống được hồi tưởng lại qua cặp kính của một nữ văn sĩ. Bà nhớ về thời thơ ấu của mình. Người da đen đó đã được ông Luật sư da trắng biện hộ hết mình. Những bằng cớ quá rõ ràng cho thấy người da đen ấy vô tội. Nhưng bồi thẩm đoàn vẫn bỏ phiếu “ có tội”. Phiên tòa gay go nhất, kéo dài nhất, chưa từng thấy. “Economic word”. Ông thầy nói.
-Nghĩa là sao?
-Chữ nghĩa vô cùng “ đắt”. Không dư không thiếu. Vì nếu dư sẽ làm mọi người buồn ngủ. “Chắt lọc”. Từng câu, từng chữ như nhát dao chém. Câu cuối ông Luật sư nói là “Vì Chúa, xin quý vị thi hành trách nhiệm của mình”. Rồi ông ra về. Không bằng ngõ bình thường. Ông đi qua nơi có nhiều người da đen ngồi. Ba đứa trẻ, trong đó có hai đứa là con ông, độ tuổi chín và mười hai, đã lén lút đến dự. Chúng không tìm được chỗ ngồi. Ông Mục sư da đen đã tìm cho chúng ở balcony cho người da đen. Những câu cuối làm em khóc là “ …Miss Jean Louise?” I looked around. They were standing. All around us and in the balcony on the opposite wall, the Negroes were getting to their feet. Reverent Sykes’s voice was as distant as Judge Taylor’s : “Ms Jean Louise, stand up. Your father’s passing”.
-?
-Em không diễn tả được cho anh hiểu chỉ trong chút xíu của chương 21. Cái hay là bọn trẻ ngồi ở balcony cho người da đen, cái hay là ông Luật sư biện hộ tuyệt vời, cái hay là toàn thể mọi người da đen đều đứng dậy kính cẩn trân trọng khi ông Luật sư đi ngang, cái hay là tác giả viết cái câu,  Cô bé Jean Louise, chín tuổi nghe như từ xa xăm vọng lại giọng của ông Mục sư  “..cô đứng dậy đi, cha cô vừa mới đi ngang”. Họ, tất cả những người da đen đã kính cẩn đứng dậy khi ông Luật Sư da trắng đi ngang.

Giọng tôi đã hơi nghẹn khi kể lại cho người bạn nghe.
-Rồi sao nữa?
-Trong khi chờ phiên tòa cao hơn, thì một ngày nọ thị trấn được loan tin người da đen ấy tìm cách trốn chạy và …17 viên đạn đã kết thúc đời anh ta. Khi đọc đến đó, ông Thầy nói “They kill a mockingbird”, em gật đầu “Ya, today, they killl a mockingbird”. Nói xong, em cười thầm vì em dùng chữ “today”. Today, vì tụi em đọc  đến chương 21, nước Mỹ vào 1930 đã giết một con mockingbird. Con mockingbird ấy hoàn toàn vô tội. Nhưng nó bị giết vì thành kiến, định kiến và vì sự phân biệt chủng tộc.

Tháng trước, ông Obama đã tổ chức một buổi kỷ niệm 50 năm bộ phim “To kill a mockingbird” tại White House. Có sự hiện diện của nữ tài tử đóng vai chính.  Tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer năm 1961.

Xem TT Obama kỷ niệm 50 năm bộ phim ở đây:

http://www.whitehouse.gov/photos-and-video/video/2012/04/26/celebrating-50th-anniversary-kill-mockingbird-film

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.