Đọc “Bông hồng tạ ơn” của Nguyễn Đình Toàn

Trọn bộ là hai cuốn. Mỗi cuốn khoảng gần 600 trang. Viết về 234 Tác Giả và Nghệ Sĩ Việt Nam. Được xếp theo “abc”.

Tôi chỉ mới đọc một phần tư tức một nửa cuốn một.

Vài nhận xét sơ khởi : giấy trắng dày; cách viết và trình bầy như bài net, nghĩa là ngắn gọn và xuống hàng rất nhiều. Cũng chấp nhận được vì người cao tuổi dễ đọc và có lẽ người trẻ tuổi cũng cần không nhức mắt. Chỉ là tài liệu sưu khảo, không phải áng văn chương thì hình thức ấy chấp nhận được.

Mỗi tác giả được  trình bầy khái quát. Chỉ khoảng 4-5 trang, kể cả “tác phẩm’” tiêu biểu ( tức lời của nhạc phẩm).

Điều tôi thú vị là quả không hổ danh Nguyễn Đình Toàn.
 
Ngày xưa tôi mải học và thú thật chả có thì giờ nghe Nhạc Chủ Đề của ông. Cũng hơi tiếc vì phải nghe đúng thời gian và không gian ấy mới cảm được hết cái hay và đẹp của chương trình. Cũng không đọc văn ông. Duy nhất là thuộc “Khi Em Về” của NĐT. Thuộc đến tận bây giờ. Đêm khuya người bạn gọi và tôi đọc vì thích:

Mặt đất mềm bước chân anh chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che.

Nói theo ngôn ngữ của một số vị thì “chữ nghĩa đắt”. Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi, không đắt ư? Xòe những vồng hoa trắng, không đắt ư?

Không hổ danh vì tôi nghĩ rằng khó có người thứ hai nào tặng bông hồng tạ ơn cho các Tác Giả và Nghệ Sĩ được như NĐT. Đúng là bông hồng. Đúng là tạ ơn. Mỗi tác giả chỉ vài trang nhưng với đam mê âm nhạc, sự chú ý trân trọng, sự tinh tế trong thưởng thức, NĐT đã có những đoạn-văn-rất-đẹp cho các tác giả. Không đoạn văn nào giống đoạn văn nào. NĐT đủ chữ nghĩa để tô điểm cho 234 đóa hồng!

Đọc nhận định của NĐT tức ngắm bông hồng tạ ơn của ông, tôi ngạc nhiên vì khía cạnh đẹp đẽ của mỗi tác phẩm và mỗi tác giả. Tôi, có lẽ ở một vị trí khác, một hoàn cảnh khác nên thời ấy chỉ xem, nghe, như là “ăn”. NĐT không vậy, không chỉ “ăn” mà “nhai” mà là “thưởng thức” mà là “thẩm thấu”.

Tôi chưa đọc hết nhưng nhận định của NĐT về Lưu Hữu Phước thật hay trên quan điểm, lập trường.

Bên cạnh đó, tôi kinh ngạc khi thấy NĐT có hai nhận định về hai tác giả, sao mà giống tôi thế!

Một là về Trần văn Trạch.

NĐT đã nhận xét rằng tuy tân nhạc được hát bằng giọng Bắc nhưng có vài bài phải là giọng Nammới hay. Tôi, qua bài của NĐT mới nhận ra rằng, cách đây gần một tháng, trong bài tạp ghi “Chủ nhật nghe Dạ Khúc của nhiều tác giả”, tôi đã viết rằng tôi chọn Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca qua tiếng hát Trần Văn Trạch. Chọn và nghe hết. Nghe lại lần hai, lần ba là khác. Cái âm điệu của Mỹ Ca, cái giọngNam của Trần Văn Trạch, quả là không ai thay thế được. Tôi cảm thụ đầy đủ.

Nếu bạn biết rằng tôi tương đối khó tính trong vấn đề phát âm của ca sĩ. Thế mà tôi lại rất thích nghe Trần Văn Trạch hát giọng miền Nam. Từ xưa tôi rất bực mình với ca sĩ ThanhThúy khi cô phát âm chữ “tình” theo kiểuNam. Nghe thô và  nặng làm sao. Bất cứ bài nào có chữ “tình” đều bị Thanh Thúy phát âm như vậy cả. Và đó là lý do tôi không thích giọng Thanh Thúy. Thời đó, tôi chọn Thái Thanh, Lệ Thanh và Hà Thanh.

Hai là nhận định về Ngô Thụy Miên.

NĐT viết như sau:

1- Điều đáng nói là liệu NTM, bằng nhạc của mình, có nói đúng tiếng lòng của những người đồng lứa tuổi với ông chăng? Quan trọng hơn, những lớp trẻ đến sau ông và hiện nay có vẫn còn tìm thấy sự đồng điệu với nhạc NTM chăng?

2-Có thể có người sẽ trách cứ ông về điều khác, chẳng hạn ông đã quá thờ ơ về thời cuộc chăng? Nhưng giả thử ông không viết được hay không muốn viết gì khác ngoài tình ca thì sao? Một cây hồng không thể trổ ra bông cẩm chướng, lẽ tự nhiên là như vậy. Hiển nhiên là NTM vẫn tiếp tục gặt hái thành công.Có những bài được hát nhiều quá cũng khiến người ta sợ. Bởi nó giống như sự cạn kiệt. nhất là khi người ta không còn gì để nghe. Cả cái hay lẫn cái dở hình như đều chất chứa nỗi bi thương. Chúng ta có đang ở trong thời kỳ như thế chăng? Mong rằng không. Bởi nếu đúng như thế thì đây là thời kỳ buồn nhất trong lịch sử âm nhạc của chúng ta.
 
3-Thơ phổ nhạc thường có hiện tượng: được một ca khúc hay mất đi một bài thơ. Thơ Nguyên Sa và NTM có ở trong trường hợp đó không? Hay chính thơ NS đã giới hạn thế giới nhạc của NTM?
 
4- Khi chìm đắm vào thế giới riêng của mình như Kể Từ Giọng Hát Em hay Riêng Một Góc Trời, nhạc NTM cũng bay lượn thoải mái. Ông được tuổi trẻ yêu mến cũng phải thôi.
Bảo rằng tuổi trẻ qua mau ư?
Tuổi già e rằng còn qua mau hơn nữa.

Vô cùng chính xác. Có những lửng lơ như để độc giả tự hiểu và tự khai triển. Có những mâu thuẫn mà soi kỹ thì dường như không phải.

Tôi, quan sát NTM, từ 1970,  và ngậm ngùi:

Khi một người sinh ra không yêu mến giòng suối quê hương, không khát khao “vồng cải vàng dỗ ong bướm về sân” không thiết tha “tiếng nước tôi tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”, hờ hững với nhân quần, đòng loại, chỉ biết tình yêu đôi lứa thì người ấy sẽ “chết” rất sớm, “chết” vì tình yêu đôi lứa vốn thuộc về tuổi trẻ, và như NĐT viết tuổi trẻ thường qua rất mau.
 
Tôi chỉ mới xem Bông Hồng Tạ Ơn của NĐT đến trang 258.

Xin tặng một bông hồng cho NĐT vì nhờ ông, tôi tìm lại kỷ niệm của nhiều điệu ru đã chìm trong quá khứ. Cũng nhờ ông, tôi nhận ra rằng mình đã vô ơn biết bao! Với biết bao tác giả.

Họ đã đóng góp cho lịch sử âm nhạc những sợi tơ.

Người chỉ một sợi, người ba sợi, người ba trăm sợi nhưng một sợi của thuở “mang gươm đi mở cõi” bằng ba ngàn sợi của thuở “đất nước tôi nằm phơi phới bên bờ đại dương”.

Tôi sẽ trở lại sau khi đọc hết cuốn sách tạ ơn của NĐT.

Hoàng Lan Chi 

 Tháng7/2012
 

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , , . Bookmark the permalink.