Sài Gòn Muôn Năm Cũ: Hồng Vân với Cà Phê Bẫy Ngầm

Sài Gòn Muôn Năm Cũ: Hồng Vân với Cà Phê Bẫy Ngầm

 LGT: chúng tôi đã giới thiệu “Kim Vui, người hấp dẫn nhất Việt  Nam thập niên 60-70” trong chủ đề “Sài Gòn muôn năm cũ”. Hôm nay cũng trong chủ đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn Hồng Vân, con gái ô Quốc Phong, nguyên chủ nhiệm Tạp Chí Thế Giới Nghệ Sĩ (Houston). Một thời Sài Gòn được nhắc lại để chúng ta sống lại kỷ niệm xưa và cũng để thế hệ trẻ sau này  biết đến một Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa là thế nào.
Hoàng Lan Chi
 

Hồng Vân tên thật là Nguyễn Thị  Hồng Vân, con gái của nhà báo Quốc Phong. Ông Quốc Phong đồng thời là Tổn Giám Đốc Liên Ảnh Công Ty và sản xuất một số phim “ăn khách” thời trước 75. Một trong các phim đó là “Chân Trời Tím” từ truyện của Văn Quang. Diễn viên chính, tài tử Kim Vui đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật và được TT Nguyễn Văn Thiệu tiếp kiến. Hồng Vân là cựu nữ sinh Trưng Vương và sau đó sinh viên Luật Khoa. Do lập gia đình sớm nên việc học Luật chưa hòan tất. Đinh cư tại Pháp từ năm 1979, HV đã sinh sống bằng nghề  nhà hàng tại  tỉnh Nice- miền Nam nước Pháp. Năm 1997, chị qua HK, định cư ở Houston và đã lần lượt ra 3 tờ báo chuyên về Điện Ảnh, Âm Nhạc, Nghệ sĩ..Nguyệt san sau cùng là  Tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ, số đầu tiên phát hành trong tháng 10-2005.

 
Lan Chi : chị HV này, chị làm nhiều báo và tờ nào cũng đẹp hấp dẫn.  Nhưng trước khi nói về báo, Lan Chi thích được nghe chị kể về thuở đi học vì đó là quãng thòi gian thơ mộng của chúng ta và với chị thì có lẽ còn phong phú hơn vài người khác vì vừa học vừa tập sự làm báo. Ý chị ra sao?
HV: vâng, Lan Chi  muốn biết gì nào?
 
Lan Chi: đầu tiên Lan Chi mong chị cho biết gia đình chị có bao nhiêu người và chị có phải là con gái duy nhất của ô Quốc Phong không vì coi bộ chị cũng hơi quậy do được chiều đó?
HV:Mình là con gái trưởng trong gia đình có 3 người con. Có hai em một trai và một gái . Cả hai em đều đi du học từ năm 1970 và lập gia đình tại  Thuỵ Sỹ và sinh sống từ đó đến nay với quốc tịch Thuỵ Sĩ.
 
Lan Chi : cho phép hỏi ô QP đã ra bao nhiêu báo? Làm hãng phim từ bao giờ và được bao lâu?
HV: Ba tôi có 1 tờ tuần báo là Kịch Ảnh. Tờ này chuyên viết về điện ảnh, ca nhạc và lăng xê ca sĩ tại Việt nam. Báo được sự  cộng tác của hầu hết các nhà văn tên tuổi thời đó. Và một tờ nhật báo tên Tiếng Vang. Sau khi báo Tiếng Vang tự đình bản để phản đối chế độ kiểm duyệt , Ba tôi hợp cùng với Mỹ Vân films và một vài hãng phim nhỏ khác thành lập ra Liên Ảnh Công Ty mà ông làm Tổng Giám Đốc. Hãng phim này đã sản xuất được 13 cuốn phim, trong đó có nhiều phim nổi tiếng được giải thưởng quốc tế như “ Từ Saigon đến Điện Biên Phủ, Chân Trời Tím (mà nhạc phẩm trong phim là Nửa Hồn Thương Đau và Người Đi Qua Đời Tôi do nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác cho phim trở thành những bản nhạc bất hủ sống mãi theo thời gian), Bẫy Ngầm, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (với nhạc phẩm mang cùng tên do nhạc sĩ Ngọc Chánh sáng tác cho phim) Triệu Phú bất đắc dĩ (phim vui  chiế u dịp Tết đạt kỷ  lục số  thu vào cửa) v.v.
 
Lan Chi:  Vâng, Lan Chi  còn nhớ các phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang  và Chân Trời Tím. Phải nói nhạc viết cho phim mà sau đó nổi tiếng thì cũng hiếm hoi. Này, thế chị có cảm môt nam diễn viên nào của một phim nào đó của Liên Ảnh công ty không/?
HV; Hồi đó tôi còn nhỏ ( khoảng 15, 16) nên đối với tôi những nam diễn viên như Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường không là đối tượng và thần tượng của tôi. Có điều được tham dự những cảnh quay thấy rất là thích thú vì khác nhiều với sự tưởng tượng của tôi.

Lan Chi:  là con nhà nòi, vậy chị bắt đầu viết văn khi nào và  từ bao giờ thì chị được làm ký giả tập sự tại Tòa Sọan Tiếng Vang?
HV: Tôi  bắt đầu tập làm ký giả nghị trường cho báo Tiếng Vang vào năm 18 tuổi khi học năm thứ nhất Luật Khoa, và bắt đ ầu viết văn cho ..báo nhà vào năm tôi 19 tuổi khi vừa lập gia đình.

Lan Chi : nghe nói chị có một kỷ niệm rất lý thú khi học Luật năm thứ nhất và tập làm án văn, chị có thể kể lại?
HV: Ồ, chuyện này chỉ là chuyện vui do cái tính ngỗ nghịch của tôi thôi. Mới vào học giờ đầu tiên của năm thứ nhất,  LS Vũ Văn Mẫu ra đề tài: “Thế nào là một án  ăn,  hay bản án”,  tôi đã phá phách dơ tay xin làm  bản thuyết trình.  Sau đó tôi rất lo sợ vì chỉ có 2 chữ Án Văn  làm sao có thể làm 1 giờ thuyết trình? Vì bí đề tài tôi đã phải vận động để xin thượng nghị sĩ Phạm Nam Sách cho vào thư viện c ủa Hạ Vi ện để mượn một số sách luật về nghiên cứu để có thể nói dài dòng trong vòng 40 phút về 2 chữ Án văn (lúc đó tôi vừa làm ký giả nghị trường, vừa đi học Luật). Sau khi thuyết trình, tôi bị các bạn trong lớp phê bình, nhưng tôi cứ cãi phăng theo kiểu …luật rừng, thế mà thầy Vũ văn Mẫu lại cười tủm tỉm khoái chí khi tôi cải “ ăn” các bạn trong lớp và cho tôi 18 điểm. Thày nói vì là năm đầu tiên, chỉ là thử tài tranh cãi thôi, không cần luật lệ gì cả,  làm tôi được nổi tiếng là …“ con cưng” của thầy Mẫu. Năm tôi học Luật con gái ruột của thày Mẫu là chị Tuyết Khanh cũng học trên tôi 1 lớp và vì lần thuyết trình đó mà tôi quen nhạc sĩ Vũ Thành An đang học năm thứ hai vì anh cũng ghé vào lớp nghe tôi thuyết trình.

Lan Chi : sau khi Tiếng Vang tự đình bản, ô Quốc Phong xoay qua làm phim, chị về làm việc cho báo nào?
HV: Tôi viết mục  Điểm Mặt TiVi thay cho văn sĩ Tuý Hồng trên tờ  tuần báo Kịch Ảnh khi cô TH thành hôn với  nhà văn Thanh Nam và có bầu .
 
Lan Chi:  chị có thể kể lại vài kỷ niệm vui buồn khi phụ trách mục này?
HV: Khi bắt đầu viết mục này, tôi cũng bị ảnh hưởng lối  phê bình gắt gao của cô Tuý Hồng nên đã không ngại ngần “ tung chưởng” phê bình ca sĩ Thuý Nga (vợ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), Lệ Thu và chương trình ca nhạc hàng tuần trên TV của Biệt Động quân. Sau đó tôi bị bà Thuý Nga xài xể, chị Lệ Thu lườm nguýt mỗi lần đến nhà chơi đánh chắn với bố mẹ tôi và bị mấy ông  biệt động quân tìm đến toà soạn ở đường Phạm Ngũ Lão  để …hỏi tội, nhưng tôi …trốn kịp!
 
Lan Chi: vâng, hồi đó còn bé nên trốn. Còn bây giờ thì có vẻ là HV ..không ngán ai ? Sẵn sàng làm cái mà mình cho là đúng với mình? Chị lanh lợi, xinh xắn, vì sao không tham gia đóng một vai trong phim của Bố?
HV: Bố tôi rất khó, không bao giờ muốn con vào nghề của mình, kể cả làm báo. Vì tôi thích viết quá, nhất là bố tôi bắt gặp tôi gửi bài và Thơ cho các ông Huy Vân và Viên Linh của báo Tiền Tuyến, cấm tôi mấy lần mà không được  nên đành cho tôi viết báo nhà để tôi khỏi …quậy báo khác!

Lan Chi : vì sao chị không đi Pháp trước tháng 4/ 75?
HV: Ba tôi đem phim đi dự Đại hội điện ảnh Cannes ở Pháp đầu năm 1975.  Sau đó ở lại Nice khi nghe tin Saigon sẽ bị thất thủ. Còn mẹ tôi phải khó khăn lắm mới xin được visa đi Thuỵ Sỹ trước ngày mất nước 2 tháng để làm chủ hôn cho đám cưới cho em trai tôi (hiện là nhà văn Nguyên Ngã). Còn tôi bị kẹt lại tới năm 1979 mới vượt biên thoát đến Thái Lan, sau nhiều lần bị  lừa và đi trốn hụt.

Lan Chi: Duờng như chị có một quán cà phê lấy tên từ tựa một cuốn phim của ô Quốc Phong? Sau 75, chị còn tiếp tục mở quán cà phê đó không ?
HV: Trước 75, sau khi lấy chồng, tôi mở 1 quán cà phê trên đường Cao Thắng, gần chùa Tam Tông Miếu, lấy tên  Bẫy Ngầm, là cuốn phim mà bố tôi vừa phát hành và đang lăng xê. Sau 75, tôi bị công an phường  bắt đóng cửa quán vì cho là nơi đồi truỵ đầu độc sinh viên học sinh vì   phát nhạc Mỹ, và tôi cũng phải bị  đi học tập trong Phường hàng đêm. Sau đó tôi sinh sống bằng tiền c ủa Bố Mẹ tôi gửi về và buôn bán lai rai…
 
Lan Chi:  Nghe nói Bẫy Ngầm là nhà của một  nghệ sỹ nào đó bán cho chị? vậy chắc hẳn Quán rất đông các nghệ sỹ?
HV: Nơi mở quán Bẫy Ngầm là nhà của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Như Hảo sang cho tôi ở. Vì lối trang trí rất nghệ sĩ nên tôi dành nguyên tầng lầu dưới để trang trí làm thành một quán cà phê nhạc rất đông khách, nhất là giới sinh viên học sinh, vì quán có cà phê ngon và nhạc rất hay do chính tôi tuyển chọn thâu vào band .

Lan Chi: chị còn nhớ một giai thọai nào đó ở Quán Cà Phê Bẫy Ngầm không ?
HV: Bên cạnh quầy tính tiền là một tấm pan-nô tôi viết trên đó một câu của Francois Sagan: Cafe  “Bẫy Ngầm”: Noir comme la nuit. Chaud comme mon coeur. Tạm dịch: Cà phê Bẫy Ngầm đen như đêm tối và nồng như trái tim tôi. Đúng ra nguyên thuỷ câu của Sagan là “ Le café est noir comme la nuit et chaud comme mon coeur”, nhưng tôi thêm vào chữ Bẫy Ngầm cho thích hợp. Và chính vì tấm bảng này và hai chữ Bẫy Ngầm rất lạ và khiêu khích nên quán lúc nào mở ra cũng đông khách, không còn bàn trống. Hơn nữa Bẫy Ngầm có những cô caissière là sinh viên rất xinh đẹp, chỉ ngồi tính tiền và cho thiên hạ ngắm chứ không bưng nước và ngồi bàn nói chuyện với khách. Và cứ hai ba tháng là có một  cô bị một ông sinh viên sớt đi làm tôi lại phải chạy đôn chạy đáo để tìm người đẹp khác thay thế.
 
Lan Chi : wow, chị có ý tuởng hay đấy chứ. Tìm người đẹp để dứ cho thiên hạ ngắm chứ không biến quán mình thành cà phê ôm. Nhưng …cái giá phải trả là vài tháng lại đi tìm người đẹp. Giá hồi đó Lan Chi  biết vậy, Lan Chi  sẽ mở quán cà phê  đặt tên là Lưới Mở và sẽ ngược lại với chị, nghĩa là cassier sẽ tòan là nam sinh viên hát hay đàn giỏi đẹp trai cỡ Ngô Thụy Miên vậy đó! Vì thời đó NTM  cũng đang là sinh viên thì phải.
HV: Hồi đó chưa có phong trào cà phê ôm, nhưng hầu như các quán tuyển những cô gái đẹp để bưng cà phê và tiếp xúc với khách vài ba câu v.v. nhưng tôi chỉ tuyển người đẹp trong giới sinh viên học sinh để ngồi cho thiên hạ ngắm thôi!  Ý quên còn thêm một  yếu tố ăn khách nữa là …bà chủ trẻ măng mới 21 tuổi cũng đẹp đẽ cao ráo nói chuyện hay ra gì. Ý kiến của Lan Chi về quán cà phê Lưới Mở cũng hay lắm! Sao không làm bây giờ tại hải ngoại cũng ăn khách đấy chứ!
 
Lan Chi:  thưa chị, Lan Chi  dùng chữ Lưới Mở là để trêu cái tên Bẫy Ngầm của chị thôi. Chị đừng xúi dại Lan Chi  vì bây giờ chúng ta già cả rồi. Lan Chi  thích mở quán cà phê Văn Nghệ và chỉ để giới văn nghệ tới đó nói chuyện tào lao nhưng ở hải ngọai coi bộ cũng khó nhá lắm. Thôi xin chuyển đề tài, khi qua Pháp, chị mở nhà hàng để sinh sống, vì sao không làm báo?
HV: Tôi sống ở Nice là một thành phố du lịch ở miền Nam nước Pháp nên không có nhiều người VN, làm báo ai đọc? Và tiền đâu mà in? Ai quảng cáo? Vì thế nghề nhà hàng là ăn khách nhất ở một thành phố du lịch cạnh bờ biển như thành phố Nice tôi đã sinh sống gần 18 năm.

Lan Chi : có lẽ khi được định cư ở Mỹ, chị nghĩ đến việc làm báo ngay vì đó là đam mê của chị? vậy chị có thể kể về tờ báo đầu tiên đó?
HV: Tôi thực hiện tờ báo đầu tiên mang tên Kịch Ảnh của Bố tôi vào năm 1999 vì thấy ở thời điểm đó chưa có một tờ báo nào ở Houston dành những trang báo cho nghệ sĩ và mang sắc thái nghệ thuật, ca nhạc trong khi có rất nhiều show ca nhạc trình diễn tại Houston hàng tuần. Tôi muốn thực hiện một tờ báo có tính cách văn nghệ hơn là thương mại để làm một gạch nối giữa những người nghệ sĩ với độc giả. Hơn nữa tôi muốn làm một quà cho Bố tôi hiện sống ở Nice, xa cách những bạn bè văn nghệ, và tôi y vọng tờ báo do tôi thực hiện  cũng sẽ là gạch nối giữa những người bạn văn nghệ lâu năm nữa

Lan Chi: làm báo ở hải ngọai chắc chắn khác với ngày xưa ở Việt Nam. Chị có thể kể về những khó khăn?
HV: Dĩ nhiên! Xưa kia, làm báo chỉ viết bài rồi đưa cho thợ sắp chữ, hoặc nếu làm chủ bút thì chỉ chọn tin, chọn bài, duyệt lại rồi đưa cho thợ in. Ban phát hành và quảng cáo không dính gì tới trách nhiệm của Ban biên tập. Bây giờ làm báo ở hải ngoại rất  đơn côi, lo từ A đ ến Z, từ bài vở đến quảng cáo, layout rồi còn phải vác báo đi giao nữa. Khổ lắm, nhưng nghiệp dĩ thì dù khổ  ấy cũng quên đi khi nhìn đứa con tinh thần của mình được ra đời đẹp đẽ trọn vẹn…

Lan Chi: Chị kỳ vọng những gì ở tờ báo thứ ba, tờ Thế Giới Nghệ Sỹ này? Nếu có thể được, chị bật mí những bí quyết gì mà chị nghĩ răng nếu áp dụng thì báo chị sẽ Sống và Sống Mạnh? Vì Lan Chi nhận thấy, chị làm báo có một số thuận lợi, đó là dựa vào các mối quen biết cũ từ ngày xưa của cha chị, nhà báo Quốc Phong với các văn /thi sỹ tên tuổi?
HV: Thật ra tôi chỉ dựa vào mối chân tình của những người bạn, những văn thi hữu đã cộng tác với tôi từ hơn tám năm nay qua 3 tờ báo và  lòng yêu mến của những thân chủ quảng cáo. Họ đã hiểu được tôi, thương cảm sự can đảm của tôi luôn dấn thân để bảo vệ lập trường của mình là làm báo không hẳn chỉ vì thương mại mà vì nghệ thuật.Tôi nghĩ một tờ báo thành công là tờ báo không phải chỉ lấy tin và bài vở ở internet để đăng mà còn phải có một đường lối chủ trương với một số bài vở viết riêng của mình.
 
Lan Chi: cho phép tò mò về tình cảm một chút ? Đọc lá thư chủ nhiệm của chị trong Nguyệt San Thế Giới Nghệ Sĩ, tôi thấy cuộc đời chị có vẻ cũng lên thác xuống ghềnh và mãi đi tìm mà chưa thấy. Chị có thể kể về những cái đó được không?
HV: Cuộc đời tình ái mà bật mí ra thì chẳng phải là người nghệ sĩ nữa! Cho phép tôi bây giờ được im lặng không nói  về nh ững mối tình đã đi qua đời tôi, với ai và có trọn vẹn hay không. Tôi sẽ bật mí trong cuốn Hồi Ký của tôi, mà cuốn Hồi Ký này  có thể hoàn tất vào cuối đời. Tôi chỉ có thể tiết lộ hiện tôi đã có 6 người con, ba trai, ba gái  mà người con trai lớn nhất đã ngoài 40 tuổi và đứa con trai út năm nay tốt nghiệp đại học ở Luân Đôn. Cuộc đời trôi chảy hay gập ghềnh không phải tại mình muốn mà tôi nghĩ là tại cái số vì tôi tin ở Tử Vi. Tuổi Mậu Tý bao giờ cũng nhiều trắc trở về tình duyên Lan Chi ạ. Đó là điều mình muốn tránh cũng không được phải không? Thôi thì “ nước chảy hoa trôi” đời người nghệ sĩ như đoá hoa thả trên dòng sông, nước đưa về đâu thì mình về đó. Hiện giờ thì tôi lại nghĩ : Nơi nào cũng có thể là hạnh phúc nếu mình không quá tham lam. Tôi thường tham lam trong Tình Yêu!
 
Lan Chi  ái chà, nhìn hình chị còn tươi mát lắm. Thế mà đã 6 con rồi. Ra đường thiếp hãy còn son, về nhà Thiếp đã 6 con chồng ngồng, phải không chị HV? Thế nhưng những tờ báo của chị thì chuyên hỏi đời tư của nghệ sĩ còn cá nhân chị thì dấu nhẹm, coi bộ không công bằng tí nào. Nhất là chị dứ dứ độc giả, xin chờ xem hồi cuối cuộc đời tôi. Nhưng thôi, trở lại tờ báo. Lan Chi  đồng ý với chị là bây giờ độc giả không nhiều nên làm báo khó hơn ngày ở VN. Vì thế, ngòai vấn đề thương mại, nếu coi tờ báo là mộât đứa con tinh thần của mình thì cũng nên có mộât cái gì đó riêng cho báo mình. Chứ báo nào cũng lấy tin từ net  thì chỉ có số độc giả không biết xem net là đọc thôi. Vậy nét đặc sắc của tờ Nghệ Sỹ là gì ?
HV : Như tôi đã nói ở trên, tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ có những bài phóng sự của Vân Hằng viết từ San Jose, bài phỏng vấn nghệ sĩ của Trường Kỳ, tạp ghi Âu Châu của Nguyên Ngã, phóng sự Sinh Hoạt Houston của Giáng Hương. Đó là những cây bút viết riêng cho báo của tôi tại Houston. Ngoài ra, còn có sự cộng tác của những cây bút tên tuổi ở  hải ngoại và trong nước như Văn Quang, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Thuỵ Long, Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Vạn Lý, Nguyễn Thị Hồng Diệp, Hoàng Lan Chi, Nguyễn Thị Long An, Hàm Anh v.v.[1]

Lan Chi:  chị còn điều gì muốn tâm tình ?
HV: Cám ơn Lan Chi đã giới thiệu. Thật ra tôi chỉ là một nhà báo tầm thường không có gì đáng nói. Có điều, tôi hài lòng với những gì tôi đã và đang làm, cho dù là thất bại hay thành công. Là người nghệ sĩ, có máu đam mê trong nghề nghiệp nên dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, tôi cũng vẫn dính liền với nghiệp dĩ không bao giờ dứt bỏ được.
 
Lan Chi: Xin cảm ơn chị Hồng Vân.

Hòang Lan Chi
[1] Tờ Thế Giới Nghệ Sĩ sau này Hồng Vân nhượng cho người khác và chị sang Pháp sinh sống. Hồng Vân mới  về lại Houston 2012.

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.