Về bài thơ “Ngoan”

Bài thơ “Ngoan”

Tôi ít làm thơ vì sau này thơ xuất hiện nhiều quá. Hễ cái gì nhiều thì có vẻ như là không còn quý. Nhà nhà làm thơ, nhà nhà in thơ, nhà nhà tặng thơ. Thật tình mà nói từ thuở trung học, tôi vẫn thích viết văn hơn là thơ. Bài thơ “Ngoan” ra đời trong một đêm khuya của mùa thuCali. Như bài thơ “Tạ Tình”, “Ngoan” thu hút các bạn hữu của tôi lên tiếng. Bạn không chỉ là nam mà gồm cả nữ. Như dư âm của “Tạ Tình”, tôi lan man về “Ngoan”.

Trời vào thu chớm lạnh và mau tối, tôi không đi học lớp đêm nữa. Gần 9 giờ tối, đường phố hun hút, lạnh se sắt, đi về nhà một mình có vẻ không hay lắm cho một “bà cụ’ như tôi. Nghỉ lớp tối, tôi có nhiều thì giờ hơn. Sau khi cong lưng ngồi chép, cong lưng thật vì bàn hơi thấp, chép thật vì ông thầy lớp ngày đòi phải chép tay, bài luận văn tiếng Anh, tôi nhâm nhi hồng và lan man. Mùa này hồngCalirộ rất nhiều và ngon. Trái hồng to tròn mũm mĩm ngọt lịm. Tôi thích trái cây ngọt. Nghĩa là trong tâm trạng vừa xong “home work”, vừa được mút hồng mềm ngọt, tôi thấy phấn chấn. Và “Ngoan” ra đời rất nhanh, chỉ mười lăm phút.

“Ngoan” cũng như đa số các bài thơ khác của mình, là tôi viết hộ một người nam. Người nam xưng Ta và người nữ là Em. Thế thôi. Thơ của tôi ít bí hiểm. Ẩn dụ thì có. Bởi vì tôi giải nghĩa được hết thẩy nếu có người hỏi. Còn nếu mục đích “lấp đầy chữ nghĩa” thì sẽ lúng túng khi ai đó hỏi một câu.

Một cô bạn trẻ ngoài bốn mươi viết “Em thích bài này của chị nhưng không thích cái hình mấy dù cô bé trông ngoan hiền.” Tôi hỏi cô hiểu không, cô trả lời “ Em nghĩ là em hiểu. Nhưng đôi khi tác giả có ý này và người đọc hiểu sang ý khác. Cái hay của thơ là thế. Hãy để sự mường tượng bay xa và thưởng thức theo nhịp điệu riêng của nó.”

Một anh bạn hay “nhảm nhí” thì viết “Khúc nhôi là gì? Khúc dồi trường hả”! Khi tôi mắng, anh ta còn viện trợ đến ông bạn chung “Ông BXC ơi, khúc nhôi là gì? Tôi nghĩ là dồi trường đó?”

Khê Kinh Kha thì khen bài thơ dễ thương rồi gửi cho tôi một bài “Ngoan” của KKK từ thuở đi học. Tôi trả lời “Ngoan của anh là thuở học đường, của cô nương là thuở hoàng hôn”. Học đường vì có những câu như:
 
anh bảo em ngoan để tóc dài
tóc dài phủ đến vòng eo xinh
mỗi khi trời gío em xõa tóc
cho tóc bay đầy ngập hồn anh
 
anh bao em ngoan đừng thoa son
hãy để môi mềm mỏng tự nhiên
những chiều nắng đổ vàng muôn lối
anh nhặt nắng vàng thoa môi em
(Khê KinhKha)

Của Hoàng Lan Chi là hoàng hôn vì những câu như:

Bao trói buộc của một nền xưa cổ
Ta treo lên ghềnh đá của thời gian
Giữ cho em khóe, vành môi son trẻ
Hôn thật lâu, em, như thác trên ngàn
 
Hay

Rồi sớm mai dòng đời trôi như đã chảy
Em, cũng chẳng cần kể lể khúc nhôi
Cũng chẳng cần than tiếc một đoạn đời
Hãy cứ thế, ngoan như thể chưa bao giờ ngoan thế!
 
(Hoàng Lan Chi )

 

Ông PBV thì trêu “Đâu có ngoan bằng Lan Chi. Thử bắt chước chụp như thế, tôi thấy Lan Chi còn ngoan hơn nữa” Tôi trả lời “Không bao vờ cô nương chụp như vậy cả”.

Một anh bạn trả lời khi tôi hỏi anh hiểu bài thơ không “Bài thơ được lắm chứ! Hiểu ý đại khái vì tác giả cố ý không muốn nói rõ.  Đại khái là em đã mềm lòng rồi, em đã sa vào vòng tay của chàng rồi. Thôi kệ. Thế cũng là ngoan. Mà ngoan hay chả ngoan cũng…chẳng chết thằng tây nào!! Có chỗ này không hiểu:
 
Con ốc nhỏ ngác ngơ nhìn sợi tóc
Lạc loài bay đậu giữa vành môi

Tôi bật cười giải thích “Người phụ nữ đi một mình trên đường vắng, ánh trăng làm con đường mầu trắng. Hoàng hôn đã buông, như tuổi người phụ nữ đã ở tuổi lá vàng. Chị nghiêng vai buồn, rũ bỏ mọi gian nan của một thời đã qua. Con đường trăng bao giờ cũng có những con ốc nhỏ vệ đường. Nó nhìn mái tóc xõa của người nữ, vài sợi tóc vướng đậu trên môi chị và con ốc nhỏ “ngơ ngác” nhớ đến người bạn tình ốc nhỏ của nó”.

Một anh bạn khác “Lan Chi làm thơ  sexy quá nha”. Tôi bật cười nữa. Ơ hay, mấy vị cứ tưởng tượng bậy rồi gán cho tác giả này nọ. Ý “bổn cô nương đây” chỉ là một người nữ không hạnh phúc bây giờ tìm được một chút gì đó, nói là một nửa đi, chàng yêu nàng và có thể là mối tình ấy có gì bất thường nên nàng đã để lễ giáo cổ xưa qua một bên để “Ngoan” với chàng. Còn “ngoan” thì chỉ là một từ ngữ để diễn tả một loại (kind of) hành động, cử chỉ, ngôn ngữ của người nữ. Chữ nghĩa Việt  Nam, có nhiều tĩnh từ để nói và “Ngoan” là một chữ mà tôi rất thích. Như một cô bạn Gia Long cũ, mấy chục năm mới gặp lại, cô bảo rằng “Mình vẫn nhớ hình ảnh Qg ngày xưa, ngoan lắm, rất ngoan”.

Gia Long Hoàng Lan Chi “ngoan”? Ừ thì ngày xưa ngoan. Khối người sẵn sàng làm chứng đấy. Ví dụ GS Phạm Thị Nhung chẳng hạn.

Một anh bạn viết “ Cứ như thế, ngoan như thể chưa bao giờ ngoan thế” Câu thơ ‘ngoan’ rất hay! Đề nghị làm thêm bài thơ “Hư”.

Bài thơ “Ngoan” ở đây: Ngoan

Từ “Bài Kinh Bát Nhã” đến “ Tri Thức đi về đâu”

Tôi xem phim “tùm lum” nhưng một phim để lại ấn tượng trong tôi mạnh là “Bài kinh Bát Nhã” của Đại Hàn. Cảnh đẹp như tranh vẽ và nội dung câu chuyện rất hay. Phim còn có tên “Xuân Hạ Thu Đông”. Ý nói vạn vật xoay vần, cứ thế Xuân rồi đến Hạ. Cảnh xúc động là hai vị cảnh sát truy tìm nhà sư trẻ vì tội sát nhân, khi đến chùa, thì nhà sư tuân lịnh Thầy, đang khắc bài kinh Bát Nhã trên sân chùa. Vị sư trụ trì nói rằng hãy để vị sư trẻ  viết xong rồi sẽ chịu tội. Hai vị cảnh sát thiếp ngủ. Thức giấc giữa khuya, một vị cảnh sát thấy nhà sư trẻ cũng đang thiếp, anh nhẹ nhàng lấy cái áo choàng đắp lên mình nhà sư trẻ. Một bên là đại diện cho chính quyền, một bên là tội phạm. Kinh Bát Nhã đã hóa giải khoảng cách giữa Đen và Trắng.

Tôi muốn học kinh Kim Cang, kinh Bát Nhã nhưng vẫn bận rộn với nhiều cái “đời thường” nên chả biết đến bao giờ mới học được. Ngay đạo Phật mà tôi ưa thích, tôi cũng không tìm hiểu được sâu rộng. Tôi chỉ biết tôi đồng tình với Luật Nhân Quả của đạo Phật, thuyết Từ Bi của nhà Phật và cả cái học thuyết “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tôi tin rằng khi chết đi, tiền bạc không mang theo được nhưng có một cái sẽ theo ta cho đến kiếp sau: Trí Tuệ. Có lẽ tin tưởng như vậy nên tôi vẫn thích thú với việc học. Nhờ ơn Trời Phật, tôi vẫn còn trí nhớ tốt để học.

Tôi đang nghe một nhà sư giảng về Kinh Bát Nhã ở net.

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.