Làm Báo Ở Hải Ngoại

Tôi không thích nghề làm báo. Tôi chỉ thích viết lăng nhăng. Kiểu “Chuyện phiếm” của Chính Luận ngày xưa rất hạp với tôi. Đã “phiếm” nghĩa là nói lung tung lang tang không cần đi vào một cái gì nghiêm chỉnh, lớn lao như văn học, kinh tế, chính trị. Mọi vụn vặt quanh đời sống được viết và bầy tỏ suy nghĩ. Hồi ấy, tôi “lụm” nhuận bút của Chính Luận cũng kha khá.

Bây giờ dạng Tạp Bút ( còn có những tên khác như Tạp Văn hay Tạp Ghi) có vẻ ăn khách. Những suy nghĩ về ai đó, những kỷ niệm về một ngày xưa, những phê phán xã hội chung quanh, tất cả đều được tạp ghi trình bầy dễ dàng so với các thể loại khác.

Trở lại đề tài làm báo. Hải ngoại làm báo có vẻ dễ. Cứ có tiền là ra tờ báo dễ dàng không bị ai kiểm duyệt. Tuy vậy để tờ báo được coi là “báo” đúng nghĩa và sống được thì không phải dễ.

Báo đúng nghĩa” là sao? Một tờ báo đúng nghĩa là phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản:

Không quá nhiều font chữ. Font tiêu chuẩn cho đa số báo hiện nay là Time Roman, size 11. Tựa đề ( header) thì font khác, size khác nhưng tối đa cho một tờ báo có lẽ chỉ khoảng 3 fonts. Báo nào sử dụng quá nhiều font, sẽ giống như một đặc san hiệu đoàn hơn.  
Không được tùy tiện in đậm. Chỉ được in nghiêng italic nếu muốn nhấn mạnh hay chú ý.
Không được tùy tiện gạch dưới ( underline). Bài báo mà “undeline” trông rất kỳ dị.
Không được in bài một nửa trang bên trên, nửa dưới là quảng cáo.
Không được đăng nhiều bài cho cùng một tác giả.
Phải có bài xã luận hay quan điểm coi như “cầm chịch” đường lối chủ trương của báo.
Nội dung phải đi theo đúng tôn chỉ mà báo công khai ở ngay trang đầu. Đó là báo thuần túy chính trị hay văn học nghệ thuật.

Trên đây chỉ là một số nguyên tắc chính. Hồi mới đến Mỹ, tôi rất ngạc nhiên khi  thấy quảng cáo ở ngay trang bìa! Hiện giờ tình trạng này cũng còn ở một số báo.

Trong các bán nguyệt san hay nguyệt san mà tôi từng cộng tác, tôi thích Bút Tre ( Arizona), Thế Giới Mới (Dallas For Worth). Trang bìa của họ vẫn tử tế đẹp đẽ. Bên trong hai tờ báo này vẫn có Lá Thư Tòa Soạn đàng hoàng và Mục Lục tử tế. Các bài thì tựa được layout to, có hình minh họa. Cầm tờ báo khá dày, layout tử tế, mình có cảm tình vì thấy độc giả được tôn trọng.

 

 

 

Một người bạn làm báo của tôi than thở là anh chăm chút cho tờ báo, tìm kiếm những tin tức hữu ích, nóng hổi để cung cấp cho độc giả nhưng có vẻ như họ rất “bạc”, không hiểu được điều đó. Mỗi sáng, anh phải đọc khá nhiều báo Mỹ, chắt lọc lại tin cần thiết rồi mới đăng lại trên báo mình. Tôi thông cảm với anh vì độc giả bây giờ có vẻ “hời hợt” nhiều. Họ quá bận rộn với cuộc sống, họ hưởng thụ mọi thứ có vẻ dễ dàng nên dường như họ coi đương nhiên những gì tờ báo có là phải có chứ không phải do chủ báo đãi cát tìm vàng.

Bên cạnh những chủ báo thật sự nghĩa là làm báo vì yêu nghề, vì lương tâm, vì muốn đóng góp, không hiếm những chủ báo “cẩu thả”. “Cẩu thả”  vì họ chỉ muốn mang danh chủ báo cho dù họ không có khả năng viết, không có khả năng đọc, không có kiên nhẫn trình bầy tờ báo cho tử tế. Họ lấy đại tin từ net và bài từ thân hữu gửi tới. Họ không đọc và đưa đến tình trạng bài “vớ vẩn” ở trên, bài có giá trị nằm dưới cùng. Không có khả năng nhận định nên để bài hời hợt cạnh bài sâu sắc. Không trân trọng độc giả nên họ đăng có khi một tác giả đến ba bài cho cùng một số báo. Không yêu nghề, yêu tờ báo của mình nên họ “layout” cẩu thả, luộm thuộm. Thường xuyên và một nửa trên là bài và nửa dưới là quảng cáo. Có khi một bài họ cho chạy sang trang mới chỉ khoảng 5 giòng, và họ đẩy cái banner của mục A, thay vì ở ngay đầu trang thì bị chạy xuống dưới. Thật là tệ hại. Với một người có lương tâm nghề nghiệp, người ta sẽ đọc và nếu cần, cắt bớt bài kia để nằm gọn không cần qua trang mới chỉ với 5 giòng. Càng không thể chấp nhận khi banner của một mục hay “header” của một bài lại không nằm tử tế ở đầu trang mà bị thụt xuống bởi vài giòng của bài kia. Font thì loạn xạ, trang này chữ to, trang kia chữ nhỏ. Các bài thơ lẽ ra phải được in bằng kiểu chữ thư pháp, in nghiêng và có “background” là hình nào đó được làm mờ thì mới đúng.

Thật tình khi cộng tác với một tờ báo tử tế, người viết cũng vui hơn là bài mình xuất hiện ở những tờ không tử tế. Thân chủ quảng cáo nếu không hiểu thì phải giải thích cho họ hiểu là không thể nào cứ để quảng cáo của họ ở ngay dưới một bài viết nào đó được. Họ là những người ít học, hoặc không chú tâm, hoặc hời hợt thì nhiệm vụ của chủ nhiệm là phải giải thích cho họ hiểu.

Một tờ báo đầu tiên phải hay, hấp dẫn người đọc. Từ chỗ có người đọc rồi số người đọc ngày một tăng sẽ hấp dẫn quảng cáo cũng gia tăng. Quan sát Bút Tre của Mộng Tuyền, tôi cảm thấy mến cô chủ nhiệm trẻ tuổi này. Đến Hoa Kỳ bằng cái vé “H.O”, Mộng Tuyền vừa đi học và vừa hoạt động. Có một nghề cố định trong tay thì việc ra một tờ báo, MT dễ kêu gọi một vài bạn hữu cùng chí hướng. Mấy năm trôi qua, từ một đứa trẻ chập chững học đi, giờ này Bút Tre rất vững vàng với tờ báo dày, in đẹp, nhiều đề mục phong phú. Bút Tre được sự cộng tác của nhiều cây bút đủ mọi thành phần. Thái độ nhũn nhặn, rất ngoan của Mộng Tuyền khiến cộng tác viên nào cũng cảm thấy vui vẻ. Một lần tôi đùa với Mộng Tuyền “ Độc giả level A sẽ thích coi mục phỏng vấn ca sĩ, level B sẽ coi mục phỏng vấn người trẻ thành công hay người già kinh nghiệm của cô Lan Chi. Độc giả lười biếng sẽ có mục vui cười hay nhiếp ảnh. Độc giả thích suy tư sẽ có mục “Đành phải nói” hay xã luận của Hoàng Ngọc Nguyên. Giáo dục có mục của bà Trần Thủy Tiên. Ngoài ra còn Gia Chánh, An sinh xã hội, Du Lịch…

Một điều tôi quý ở Mộng Tuyền ( mà khi mail, tôi hay âu yếm viết “Con gái ơi”, và Mộng Tuyền thì rất thích được cô Lan Chi gọi như vậy!) là cái “biết nhìn người”. Làm sao mà tôi có thể tưởng tượng được là khi Bút Tre đương đầu với một kẻ (đằng sau kẻ ấy không đơn giản là vài người, tôi nghĩ thế) về phương diện đường hướng, Mộng Tuyền lại gửi mail “Con cần ý kiến cô”? Tôi cộng tác với Bút Tre chỉ ở mục Trò Chuyện với Lan Chi tức mục phỏng vấn, tôi cho rằng Mộng Tuyền hoàn toàn không biết gì về những cái khác của tôi. Nói cách khác, tôi cho rằng Mộng Tuyền không biết cái bút hiệu thứ hai của tôi: Hoàng Ngọc An. Thế nhưng Tuyền biết. Biết là cô Hoàng Lan Chi còn bút hiệu viết về thời sự, chuyên đập đầu việt gian!

Bên cạnh đó, mỗi khi tôi cần gửi báo cho một nhân vật đặc biệt nào đó, Bút Tre luôn đáp ứng. Nhìn Mộng Tuyền, tôi nhớ đến Chu Tử. Ngày xưa, nhờ may mắn mà truyện “Yêu” nổi tiếng đã đưa Chu Tử từ nhà văn lên làm chủ báo. Quy tụ nhiều cây bút trẻ, làm lực đẩy cho họ tiến, đãi ngộ những cây viết có tài đã khiến Chu Tử thành công vượt bực. Chính quyền đóng báo này, ra báo khác. Từ Chu Tử, một số cây bút trẻ thành danh. Hiện giờ, Bút Tre của Mộng Tuyền vừa phối hợp được thế hệ già ( như tôi chẳng hạn!) vừa thế hệ gạch nối ( như Diễm Phương) vừa thế hệ hai (như Cung Hoàng Kim)

Còn Thế Giới Mới thì có vẻ thiên về tranh đấu nên bài xã luận nhiều hơn. Kiểu “layout” của Thế Giới Mới khác Bút Tre nhưng vẫn là tử tế. Không điệu đà như cô nàng Bút Tre vì Thế Giới Mới là của Lão Gà Tre  Trương Sĩ Lương, người đã viết báo từ trước 75, người trong phong trào Hưng Ca. Thế Giới Mới là bán nguyệt san không phải nguyệt san như Bút Tre nên mỏng hơn một chút. Cách đây vài năm, Thế Giới Mới hơi khô khan. Tôi phản đối và bây giờ Thế Giới Mới nhẹ nhàng hơn với chuyện vui cười, truyện ngắn và cả …tạp ghi từ Hoàng Lan Chi (tạp ghi từ Hoàng Lan Chi thường là nhẹ nhàng, vui vui, không làm nhức đầu ai, chỉ làm mọi người vui vẻ vì những vụn vặt từ ca sĩ này, nhạc sĩ nọ, văn sĩ kia…) Thế Giới Mới cũng rất đàng hoàng mỗi khi tôi yêu cầu gửi báo cho một nhân vật nào đó đặc biệt mà tôi phỏng vấn. Báo online của Thế Giới Mới có vẻ mạnh hơn Bút Tre. Gần đây, Lão Gà Tre than thở “Công nương ơi, chắc tui phải đóng cửa. Cầm cự bao năm. Kinh tế khó khăn, quảng cáo không đủ. Tui đã nói hễ Ban Biên Tập còn là báo còn. Tui duy trì báo online thôi.” Tôi nghe và bùi ngùi. Thời buổi này, báo Mỹ cũng xính vính nói gì báo Việt. Tôi rất yêu câu nói này của Lão Gà Tre “Ban Biên Tập còn là báo còn”. Câu nói đó chứng tỏ cái trí, cái tâm của người chủ nhiệm!

Làm báo. Vừa dễ vừa khó.

Làm báo cho hay, hấp dẫn, có đông độc giả mà vẫn không bị biến thành báo lá cải, báo nhảm nhí và tác động được cộng đồng, hướng dẫn được dư luận, có lẽ không chỉ là một đầu óc thông minh, bén nhạy mà còn cần một trái tim nồng nàn yêu nghề, yêu người.

Hoàng Lan Chi 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.