Thứ Bảy Nghe Nhạc Phạm Mỹ Lộc

Cali coi như chỉ mới vào thu thôi dù rằng đã gần “Đêm đông lạnh lẽo”. Trời Cali lúc này “buồn như chưa bao giờ buồn thế” với tiết thu se lạnh, gió hiu hắt, mầu trời xám và lá vàng tả tơi trên hè phố. Tôi nghe “Nắng Thu” của Phạm Mỹ Lộc rồi từ đó cuốn theo “Nhị Hồ”, “Chuyện Kể Trên Sông” và…

Phạm Mỹ Lộc.

Tôi nhớ lại.

Cách đây vài hôm tôi viết “Vàng bay theo áo lùa chân guốc”, nói về bài thơ “Thu Phong” mà tôi viết năm 2006 khi ngắm lá phong vàng diễm lệ của Virginia. Thu Phong là cảm từ ý thơ “Gió Thu” của Tản Đà. Tuy vậy, trong Thu Phong có những ý khác Gió Thu. Từ khi gió thổi vàng bay theo áo thì hình ảnh nàng đẹp quá để nắng hạ phải vội vàng úa tàn. Rồi cũng khi gió thổi để lá phong hồng bay thì chút hồng e ấp đã khiến mùa đông vì cô dâu mới mà chẳng dám sang. Hè tàn và đông chẳng dám sang, coi như mùa thu với thu phong đã tưởng như là vô tận. Thế nhưng thu phong thật phũ phàng, và nàng, nàng dâu mới, mới tinh khôi như mùa thu trinh nguyên, đã vội chít vầng khăn chinh phụ và bây giờ thì mùa xuân đã chẳng vì nàng mà vẫn hớn hở sang. Cái bi thảm vô cùng đẹp đẽ là ở đấy. [1]

Phạm Mỹ Lộc, khi xem bài, cũng thích câu “Vàng bay theo áo lùa chân guốc”, y như Dương Nguyệt Ánh của tôi, anh xúc cảm và gửi “Nắng Thu” đến tôi.

Tôi nhớ lại xa hơn.
 
Cách đây sáu năm tôi nghe Những Vết Chùng của Thụy Mi. Tôi có ý định giới thiệu trong chương trình phát thanh “Tác giả, tác phẩm và thính giả”. Tôi hỏi Thụy Mi, ai có thể “thính giả” nghĩa là từng nghe nhạc Thụy Mi và cùng “bàn luận” với tôi. Thụy Mi giới thiệu Phạm Mỹ Lộc. [2]

Tôi nhớ lại xa hơn nữa.

Cách đây mười hai năm, tôi nghe “Hoa Nắng” tại San Jose, qua tiếng hát cô em họ, tại chính nhà cô. Năm năm sau,  Phạm Mỹ Lộc gửi CD và tôi ngạc nhiên khi bắt gặp “Hoa Nắng” trong đó. Có nghĩa là tôi yêu “Hoa Nắng” và không hề biết tác giả. Khi biết Phạm Mỹ Lộc thì không ngờ anh chính là “Hoa Nắng”.

Đó là Phạm Mỹ Lộc. Còn có bút hiệu Phạm Văn Kỳ Thanh.

Phạm Mỹ Lộc là luật sư nhưng sáng tác nhạc và viết nhiều bài khảo cứu âm nhạc, theo tôi là có giá trị. Dường như Phạm Mỹ Lộc cùng thời với Nghiêm Phú Phát. Và như thế có lẽ cùng thế hệ với tôi dù rằng hơn vài tuổi. Tôi “dụ dỗ” Phạm Mỹ Lộc kể chuyện “Sài Gòn muôn năm cũ”. Lộc đồng ý và có lẽ để cho tôi tin tức, anh giới thiệu “nhà anh”. [3]

Thế là hôm nay thứ Bẩy một ngày cuối năm 2012, tôi nghe nhạc Phạm Mỹ Lộc. Đấy là một điều đặc biệt vì hiếm khi Hoàng Lan Chi có hứng để nghe toàn sáng tác mới. Thế nhưng có thể giòng nhạc PML hạp gout tôi nên thường thì cuốn hút tôi.

Trong “nhà anh” có “Hoa Nắng”, lẽ đương nhiên và tôi vô tình nghe để rồi khá đắm đuối với “Chuyện Kể Trên Sông”. Giai điệu buồn nhẹ nhàng. Tuy thế nhạc phẩm “Nhị Hồ” là điểm đặc biệt nhất, với tôi, hôm nay.

Nhị Hồ” là nói về hai cây đàn, về tình yêu đôi lứa. Nhị Hồ pha trộn giữa tân nhạc và quan họ Bắc Ninh. Đoạn đầu phảng phất quan họ và lời nhạc “ Nhớ tiếng hát lại lên” và “Người đâu hỡi người ơi” thì rõ là mùi hương quan họ. Tôi thích nhất đoạn giữa:

Cành hoa trinh nguyên trước ngõ
Vàng hanh nắng chiếu
Hoa bay bên thềm
Người đâu hỡi người ơi
Người đâu hỡi người ơi

Giai điệu của đoạn giữa này bất ngờ hơi nhanh một chút, hơi lên cao một chút sau những đong đưa như ánh mắt đưa tình của đoạn đầu. Lời nhạc khá “sang” gợi cảm với “cành hoa trinh nguyên” và “vàng hanh”. Đến hai câu cuối thì lại nhẹ nhàng đong đưa quan họ “Người đâu hỡi người ơi”.

Trong một phỏng vấn, PML cho biết khi về miền Bắc nghiên cứu dân ca quan họ, các cô Bắc Ninh đã thách đố PML viết cái gì mới chứ hát quan họ thì các cô đã nhuyễn nhừ cả rồi. Đêm ấy, PML suy nghĩ và viết “Nhị Hồ”. Nhị Hồ pha trộn chút quan họ Bắc Ninh là thế và nội dung có chút trêu đùa con gái Bắc Ninh.

Nghe “Nhị Hồ” tại đây: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/NhiHo.mp3
 
 
Chiều nắng bên hiên em ngồi
Trải dài mây tóc rẽ ngôi
Chiều nghiêng mắt nâu se buồn
Vẳng nghe lời ca hôm nào
 
 
Chiều xuống bên sông ai đàn
Nhị Hồ say tiếng lứa đôi
Vạt nắng giãi cuối thôn
Rực rỡ ôi nắng chiều
Rộn rã những nụ cười
 
 Lời ca dao hôm nào
Tình trao duyên hôm này
Nhớ tiếng hát lại lên
Nhớ tiếng hát lại lên
  
Cành hoa trinh nguyên trước ngõ
Vàng hanh nắng chiếu
Hoa bay bên thềm
Người đâu hỡi người ơi
Người đâu hỡi người ơi
 
Ngày vui trôi qua mau
Chiều đi nắng tắt
Sương rơi gợn buồn
Người đâu hỡi người ơi
Người đâu hỡi người ơi
 
 Chiều mơ bên song người về
Chiều xưa bén duyên nhị Hồ
Nhị Hồ say tiếng lứa đôi
Chiều mây tóc ai buông dài
Thoảng hương ngây ngất gió chiều

Mời nghe Chuyện Kể Trên Sông 
 
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/ChuyenKeTrenSong.mp3
 
Hoa Nắng 
 
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/HoaNang.mp3
 
Nắng Thu

https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/NangThu.mp3

(Tôi gửi Nắng Thu cho nhạc sĩ Nguyễn Tuấn và không cho biết tác giả. NT trả lời tôi: Đã nghe vài lần. Bài này có giai điệu đẹp, êm ả, nhẹ nhàng.  Lời của ca khúc cuốn hút người nghe.  Giọng hát rất truyền cảm, “sang”, tiếng ngân tròn đều. Nói chung đây là một ca khúc hay. NgTuan)

Chiều đã phủ. Hoa nắng thu không còn. Nhạc Mỹ Lộc du dương, nhẹ nhàng, lời khá chắt lọc.

Một giòng nhạc sang cả. Giọng hát PML hay, hồi trẻ chắc hay hơn bây giờ nhiều (bài Nắng Thu).

Tôi đã viết mail cho Mỹ Lộc như thế này “P.S: Anh có năng khiếu khá mạnh về nhạc, nếu bây giờ anh phát triển cái khiếu đó để sáng tác nhạc mới, mới hoàn toàn, không  giống nhạc trước 75, pha trộn giai điệu của nhạc ngoại với dân ca VN ( một chút thôi) và tiết tấu nhanh, tươi vui hơn, lời ca thì hợp với thời đại bây giờ (tôi chưa nghĩ ra những lời ca nào có thể coi là mới) hơn thì tôi nghĩ anh sẽ rất thành công trong sáng tác mới cho thế hệ bây giờ. Tôi đã yêu cầu LS Dương Như Nguyện nghe nhạc anh vì Nguyện cũng là một người hao hao anh, nghĩa là luật sư Hoa Kỳ nhưng yêu âm nhạc Việt  Nam. Hãy chờ xem, tôi sẽ gửi ý kiến Dương Như Nguyện trong bài trò chuyện với anh về đề tài “Sài Gòn của tôi, ngày ấy, một thuở yêu đàn”.

Hãy nghe thử giòng nhạc Phạm Mỹ Lộc và nếu như bạn đồng ý với cái “P.S” của tôi viết cho PML thì bạn cho tôi biết nhé!

Hoàng Lan Chi  12/2012



[1] Xem tại đây:   Vàng bay theo áo lùa chân guốc

[2] Nghe Phạm Mỹ Lộc tức Phạm Văn Kỳ Thanh bàn luận với Hoàng Lan Chi  về nhạc Thụy Mi tại đây:

Những Vết Chùng- Thụy Mi

[3] Nhà Phạm Mỹ Lộc ở đây:   https://soundcloud.com/phammyloc

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc. Bookmark the permalink.