Bảy Ngày Ngọt Đắng

 Bẩy Ngày Ngọt Đắng
 
 LGT: Nơi Quán Đắng, một quán cà phê net, vì cà phê nơi này nhất định không cho đường, khách uống hay không ráng chịu, một chàng phi công ngày xưa, Trưởng phòng hành quân Phi Đoàn 245 Lôi Bằng, lấy cái tên là Di Tản Buồn thích cái bàn cuối phòng vì ở đấy chàng có cớ cãi nhau với một nàng nữ sinh của Sài Gòn hoa lệ xưa. Nàng lấy cái tên là Bắc Kỳ chín nút.
 
Bắc Kỳ này chọn bàn ấy vì Bắc Kỳ có thể nhìn thấy giàn hoa ti gôn hồng qua vuông cửa.
 
Họ gặp nhau rồi cãi nhau mỗi ngày. Có vẻ như câu chuyện cãi nhau của họ hấp dẫn chủ quán nên chủ quán vừa pha cà phê vừa nghe trộm rồi ghi lại chuyện của chàng phi công di tản buồn với cô nàng Bắc Kỳ đỏng đảnh và dán lên vách quán.


 
Họ nói gì? Xem nhé.
 
Ngày thứ 7, những câu cuối của họ đây:
 
Di Tản Buồn: Đại nghĩa cần có những người như nàng nhưng nàng nhớ cho sắt máu chỉ có thể là những tên rồ Cộng Sản, người Quốc Gia yêu người yêu đời, cho dù có phải nhẫn nhịn thua một trận chiến để thắng một cuộc chiến, ta nghĩ đó mới là đại nghĩa, đại trí. Bắc Kỳ 9 nút ơi, nàng luôn luôn có lý, ngay cả lúc nàng vô lý, ta đã nghĩ thế và ta cũng chỉ biết thế.
Bắc Kỳ 9 nút: Ta- đừng nghĩ rằng tuổi mới 13- để chữ Hùng – không đủ nghĩa trong ta. Ta thậm ghét nếu như vạn cốt khô để khoác vai Hùng nhưng ta cũng thậm ghét nếu Hùng kia đã đổi thành Hèn. Hỡi ơi, Hùng hay Hèn chỉ khác nhau vài nét.Thôi thì đêm nay, Ta viết chữ H lên một chiếc lá phong còn sót lại cuối thu, ngày mai ta sẽ gửi UPS đến người. Những còn lại ta nhờ người viết hộ!

 
Ngày 1:
 
Chủ Quán: Lúc mới gặp thì Di Tản Buồn thấy cô nàng Bắc Kỳ 9 nút đang trợn mắt gì đó. Chàng phi công  bèn gửi lá thơ nặc danh.

Nàng Bắc kỳ đỏng đảnh bảo rằng:
 tôi hiền dữ tuỳ đối tương, tuỳ hoàn cảnh. Nếu anh nhìn được cái kiêu sa trong tà áo lụa mà cũng nắm được hồn mộc mạc của guốc son thì mới gọi là đôi mắt tỏ. Nếu anh thấy được cái dữ trong tôi và cũng cái hiền trong tôi ,thế mới là tri kỷ. Hiền mãi ư, chán quá đi thôi cục bột ơi . Dữ mãi ư, ngán quá đi bà chằng ạ . Trời có lúc sáng khi trưa và buổi tối. Người có lúc hiền, lúc dữ người ơi.. Em chanh chua cho tôi mùi hoa khế, em ngọt ngào cho chè đậu phải nhường ngôi …

Di Tản Buồn bèn xin lại lá thư nặc danh để …ký tên.

Ngày 2:
 
Chủ Quán: Chàng phi công  gửi thơ có ký tên hẳn hoi: Di Tản Buồn

Lời tự tình với thơ

Này em yêu vô cùng vô tận, này em bạo chúa của lòng tôi,
Em khoan hòa với đời
Em bao dung với người
Sao em gai góc, chanh chua với tôi
Tôi nô lệ theo em, em bĩu môi: Hèn
Tôi ngang tàng, cao ngạo em lắc đầu : Kiêu
Thôi em, chỉ xin em, Tôi vãn là tôi, để đời này còn mơ được xứng đáng với em .
Và em cũng nhớ cho, nhờ tình em tôi vươn mình thành Phù Đổng

LH

Và Nàng Bắc Kỳ thì  ngúng nguẩy:

Kể ra thì cũng lạ
Thơ là tột đỉnh văn chương, như lời ai kia phán 
Thơ là tự tình cho những niềm riêng
Thơ là lời ngỏ khi người không dám nói
Thơ cũng là phút cuối của chia tay

Nay có người 
-kêu thơ là bạo chúa
-lại gán rằng thơ sao chỉ chanh chua với một mà khoan hoà với hết thảy 
-tôi chỉ là tôi khi van em ( khi van em-mà van gì ấy nhỉ) mà nhờ tình em, tôi vuơn vai Phù Đổng ! 

Nàng thơ ơi, nàng có hiểu, còn Bắc Kỳ phải “chẩu” đi thôi.
 
Ngày 3
 
Chủ Quán: Chàng Di Tản Buồn đã ló mòi con dê nhỏ.
Chàng viết:

Di Tản Buồn:

Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ dễ thương của tôi

Nàng dọa ta mà viết thơ, làm văn ấm ớ là ba ba xịt ta liền, tội qúa đi, nhân danh làm loài người,  ta được quyền yêu, mê, thương, nhớ và tương tư nữa. Nàng không thấy sao đến sư mà còn tương tư đến trọc đầu vì cô yếm thắm, huống chi ta người thường dân bang Calitương tư người rừng Phong, ai làm gì được ta đây, nàng ba ba xịt ta vẫn cứ theo, theo hết đời này đời sau theo tiếp.

A thư trước nàng hỏi ta “chẩu ” gì của nàng, thưa là ta chỉ xin đối thôi, ta xin đối đôi guốc mộc của nàng lấy trái tim ta, vì ta thấy lấy được trái tim nàng sao mà gian truân, gập ghềnh, long đong qúa đi, chi bằng đưa nàng trái tim ta cho chắc ăn, lỡ ta có kềnh nàng góa phụ.

Một mình giữa đêm thanh vắng viết tới cho nàng tự nhiên thơ từ đâu chợt đến :

Những giọt mưa buồn lơi gác trọ
Thềm ai lầu vọng nỗi mong chờ
Đáy chén em về rưng mắt đợi
Chờ nhau ngàn nỗi tiếng thoi đưa 

Chúc nàng còn nhớ đến….tôi.

 
Ngày 4:
 
Chủ quán: hóa ra chàng phi công ở vùng nắng ấm, nàng Bắc Kỳ trú ngụ Rừng Phong. Chàng tự tình đời phi công một thuở, nàng giãi bày cảnh ngộ 75. Chàng thì dịu dàng Cô Bắc Kỳ bé nhỏ của tôi ơi, Nàng thì hung hăng bọ xít với những đại danh từ Ta/ Người. Ôi, có phải Quán Đắng không đường nên thiếu lời ngọt dịu, vắng những ngôn ngữ tình tang?

Và nàng viết:

Đọc bài thơ chàng, ta khoái chí, chấm cho chàng 9 điểm rưỡi!
 
Những giọt mưa buồn lơi gác trọ
Thềm ai lầu vọng nỗi mong chờ
Đáy chén em về rưng mắt đợi
Chờ nhau ngàn nỗi tiếng thoi đưa
 
Nhưng mà người lại xạo rồi. Làm gì còn gác trọ, làm gì còn tiếng thoi đưa? Hoạ chăng là gara trọ và tiếng gió gào.

Một chàng kia vừa gọi ta.“Chủ nhật anh lên bé ơi. Mang giày cao gót nhảy nhé”. Ta phá ra cuời. Ta làm gì biết nhảy? Ta, cái con bé thích những câu thơ :
 
tôi cũng đã từng mơ diễm sử
nét vàng chói lọi rạng sơn khê
(không nhớ tên)
 
Và ta không thích nhảy. Nhưng ta thích điều này, ghé tai đây, ta nói nhỏ:

Hôm nào rừng phong vào thu, ngập lá vàng, người lên đây, ta không cần dù đâu mà :
 
Khói thuốc anh vờn mầu mây khói
Dĩ vãng trôi về ngập nhớ thương.
 
Ta yêu hình ảnh người đàn ông cao lớn để ta nép vào vai, có cảm giác được che chở và khói thuốc vờn bay với mùi thơm vô cùng ấm. Ta sẽ nguớc mắt nhìn lên, từng sợi khói thuốc uốn éo trong không trung và mắt ta sẽ mờ theo khói thuốc để cuối cùng bờ mi khép lại, dù chỉ một giây thôi.

Trời tối rồi. Ta nhớ đến vị đắng của cà phê ! Người có chúc ta, ngủ ngoan nhé, con cò ..lặn lội ..ở Rừng phong..

Ngày 5:
 
Chủ quán: chàng phi công dại dột xin làm hoàng tử đánh thức nàng công chúa ngủ quên trong rừng thẳm, dụ dỗ  nàng vềCalixơi chè Hiển Khánh như một thuở Gia Long nhưng cô nàng quả là ngớ ngẩn. Bởi vì cô nàng đã một thuở “mơ diễm sử”.
 
Bắc Kỳ chín nút:
 
Sau những ngang tàng là dịu dàng thân ái. Phút ban sơ, mình thử nhau chơi. Nắn thử gân ai, dò tìm cách sống. Mưu người xưa, đôi khi vẫn đúng rất bất ngờ. Đem tài lộc, dò tìm Nhân Nghĩa. Đem khó khăn, đo Trí đến mức nào…
 
Trời tháng bẩy, không mưa ngâu như quê nhà trong sách vở. Mà ngâu nào lắc rắc trong tim. Cuộc sống quả là muôn mầu muôn vẻ. Biết tìm trong gạn đục thật gian nan. Mầu đỏ của cuồng si, thịnh nộ ngút ngàn vẫn một thóang đẽo lòng ta buốt giá. Mầu xanh của hy vọng chỉ chợt về trong giấc ngủ. Mầu hồng của thương yêu cứ ẩn hiện để một đời chụp bắt u mê…
 
Nè chàng trai của một thời ly loạn, ta không là yểu điệu thục nữ để người mơ tưởng đưa ta về Cali nghe nhạc thính phòng, ăn chè Hiển Khánh để sống lại cái thời hoa mộng cũ. Ta – đã từng nói rằng – thuở sinh viên mơ mộng ngút ngàn, ghét nhạc vàng họ Trịnh, mơ hành khúc du ca. Thì giờ đây, dù có bóng xế tà, ta- với Việt Nam-vẫn nguyên vẹn là một bài thơ lớn.
 
Ta chỉ muốn nói rằng ta yêu hình ảnh rừng phong lá đỏ và ta – người cô đơn từ … nghìn năm trước (chớ cho là ta nói xạo nhé) – thích được nép mình bên bóng dáng hào hùng để nhìn khói thuốc vờn trong trời vắng. Chỉ là một hạnh phúc nho nhỏ như ta vẫn thường nói hạnh phúc ở quanh ta, hạnh phúc ở đâu đây… Còn muôn vàn những hạnh phúc nho nhỏ khác. Như … cãi nhau với người cũng là một hạnh phúc cho ta!
 
Người vẫn cứ lẻo mép khôn bờ.  Không tiếng hát Trương Chi nhưng xin làm Hoàng Tử để đánh thức nàng công chúa. Ồ, không đâu. Cô Bạch Tuyết ngủ say  trăm năm còn ta -chỉ khép bờ mi trong tích tắc. Chớ có lẫn lộn  để giả vờ ‘mi’ một cái thì có mà … ăn tát xiếc  đấy người à!
 
Ta chưa muốn về Cali dù người đã nhờ cái chàng nhạc sĩ  xứ cao bồi tỉ tê mua vé. Ta muốn người lên đây vì Cali làm gì có Rừng phong lá đỏ? Ta muốn tĩnh lặng của lá rừng để nghe đời phi công của người. Ta đoan chắc cái lẻo mép của người sẽ khiến Đời phi công ấy sẽ hấp dẫn hơn cái Đời phi công của Ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh rất nhiều! Ta thích nghe những câu chuyện hào hùng, những ước mơ ngút ngàn của tuổi trẻ Việt Nam. Còn ta- ta sẽ kể cho người nghe những tháng năm … mà lao động là vinh quang đã cho ta “vinh” đến thế nào. Ta ghét những kẻ nói Láo. Ta-luôn nói thực những gì ta là chứng nhân – ở thời ấy –không gian ấy.
 
Ta đang bực mình vì có những kẻ, ta không biết gọi là gì? Anh ta nói đấy trong nước cho hát nhạc NTM, công nhận SM và ai nữa đó vào danh sách Hội Nhà Văn. Rõ là điên. Thế sao anh ta không ở lại miền Bắc mà cũng trốn chạy lúc 54? Thế sao anh ta không ở lại để xây dựng mà cũng trốn chạy 85?
 
Ly cà phê đầu ngày sao đắng nghét. Buổi hôm nay, rừng phong đang lên tiếng gọi hè.
 
Ngày 6:
 
Chủ quán: không dụ được Nàng về xơi chè Hiển Khánh thì chàng di tản buồn kể chuyện hành quân. Cô nàng Bắc kỳ đanh đá nghe rồi sỉ vả rằng chàng ba xạo.
Chàng di tản buồn chỉ còn biết ngậm ngùi:
 

DI TẢN BUỒN  

Cô bé Bắc Kỳ chín nút thân lắm lắm,

Nàng bảo ta toan tính cãi lệnh cấp trên, không đâu, quân đội thi hành trước khiếu nại sau. Nhưng chúng ta là hoa tiêu, tàu bay có bay hay không là do thẩm định của nhân viên phi hành, như người di tản buồn này đã ngôn, trách nhiệm và bổn phận của người sĩ quan luôn luôn được tôn trọng, không ai từ chối phi vụ ngoại trừ những lạm dụng, ta chỉ muốn nói vạn bất đắc dĩ nếu phải chấp nhận ra tòa án quân sự nếu quyết định đúng ta cũng cam lòng. Chiến đấu là bổn phận của người chiến sĩ ngoài trận mạc, hy sinh tính mạng chỉ là việc rủi ro, trực thăng từ lưng trời đáp xuống không có chỗ núp, mục tiêu qúa rõ cho địch tác xạ, người chỉ huy hợp đoàn phải khôn khéo tránh tổn hại mà vẫn mang về chiến thắng, phi đoàn ta đáp xuống đầu tiên để giải tỏa An Lộc, những anh hùng vô danh đã ra đi cho thành phố được dài thêm những ngày tự do.

Mùa hè đỏ lửa, nàng hỏi ta “chú bé con kia bao nhiêu tuổi ư” ? Ta trên dưới 30, Trưởng phòng hành quân Phi Đoàn 245– người chỉ huy thứ ba sau Phi đoàn Trưởng và Phi Đoàn Phó. Hai tên này đều là bạn ta ngoài đời, nên chúng ta ba người như một ngang ngửa với anh em, sống chết có nhau. Thương nhau như ruột thịt, ngày hôm nay sợi dây thân ái vẫn như xưa, hãnh diện đã cùng nhau hết mình.

Nàng bảo ta viết huyền thoại về những giây phút cuối trên lưng trời đất nước ư ? Bất công đấy. Cấp chỉ huy trung gian như chúng ta, ngày sẩy đàn tan nghé, biết gì đâu, đầu hàng sao được khi chúng ta đang còn lái tàu bay. Đêm 27 tháng 4,  nhân lệnh lên trời rời Biên Hòa về Tân Sơn Nhất, rồi thằng mắc dịch Nguyễn Thành Trung phản bội oanh tạc TSN và dinh Dộc Lập. Lúc đó chúng ta đây vẫn thi hành phi vụ, phi trường TSN bỏ ngỏ chúng ta đáp Nhà Bè, tính tóan với nhau ra Phú Quốc. Ít nhất ở đó như chúng ta nghĩ là Hải Đảo thì VC chưa mò tới, rồi tái phối trí. Khi bay,  đủ xăng tới Phú Quốc hay không thì tên nào rớt trước coi như hy sinh. Khi bay qua cửa Cần Giờ chừng nửa tiếng, đệ thất hạm đội Mỹ chình ình như một thành phố nổi, chúng ta gọi xin đáp, ít ra cũng được POL (có nghĩa là đổ xăng), nhưng bảng chữ tổ mẹ ” Chiến tranh đã chấm dứt, yêu cầu trao vũ khí cho nhà chức trách” bằng tiếng Việt đàng hoàng. Tàu bay trực thăng Mỹ chế tạo đã được Mỹ đẩy xuống biển, chúng ta đây người di tản buồn ngồi lại tàu thủy Mỹ sang Guam, bắt đầu làm những tên xa nước da vàng.

Thôi ta không cãi nhau với nàng về cái chuyện đúng hay sai của mấy người anh em trong cùng gia đình nữa, đúng thì cũng đã đúng mà sai thì lại cũng đã sai. Chỉ mong những người có lòng còn ngồi lại được với nhau lo đại nghĩa. Thủ lãnh mà không chết sớm thì  ông nào sinh ra ở nước mình cũng gần như bị cháy đen thui cả. Ngẫm chuyện qúa khứ mà giật mình cho tương lai. Đôi khi ngồi quán cà phê bạn bè dăm bảy đứa, chọc nhau chi choé, cũng đỡ tủi thân ra phết đấy nàng ạ.

Nàng dạy ta rằng ta lười, cũng đúng thôi, bút sa gà chết, ta chết chục lần rồi, chết thêm chục lần nữa có sao. Cô nàng thông minh ta biết, nhưng ta chỉ ai oán tí thôi cho nó lâm ly, tiểu thuyết. Còn đại để thì thật đấy, đôi khi tuổi già quên ít nhiều rồi cương ẩu cũng không phải là không có. Cho nên vấn đề nào qúa tế nhị ta nghĩ bảy ngày mới viết được một chữ đấy nàng ạ. Sợ lắm.

Riêng ta mỗi ngày ta lại sợ nàng hơn, hạnh phúc biết bao khi ta sợ nàng, rừng phong lá vàng ôi ta ghen cả với mi đấy.

Chúc nàng say giấc đêm nay, và ngày mai thức dậy giây phút đầu ngày nhớ đến ta.

Chiều Liên Hoa

Người tuyệt sắc sau nụ cười cửa Phật
Bút nghiên xuôi tâm mở với nhân hòa
Bước hoằng đạo chợt nở sen trên đất
Có phải tôi nhờ trăm kiếp thăng hoa


Chiều nghiêng nắng đuổi theo ngàn cánh bướm
Vuờn trăm hương tĩnh lặng chiều Liên Hoa
Chắp tay thỉnh pháp thoại duyên phúc lớn
Thoáng bóng người chuông vỗ khúc an hòa

Cúi đầu nhận vô thường như tâm điểm
Lời nào sâu bằng duyên khởi viên sinh
Tìm sao thấy vô cùng niềm đi đến
Tịnh theo từng tháp đạo trí an bình

Đuợc gập người tôi cúi đầu ân tạ
Đời đã cho đôi mắt đuổi áo bay
Gió cửa thiền vạt dài theo nét lạ
Ngọn cỏ bồng ôm mãi giấc lưng mây

Hắt hiu nhớ vơi đầy chiều nhạt nắng
Hương trầm thơm mù khởi kiếp lưu đầy
Có phải nhân sinh bắt đầu bằng tay trắng
Rồi vô không bỏ lại chẳng còn đây

(thơ LH)

Và nàng Bắc kỳ 9 nút  giả nhời

Này chàng phi công ưa cương ẩu,

Vâng, người  thao thao bất tuyệt kể ta nghe về chuyến bay ra biển với ý định …hải táng đời trai. Ta nghe và để đó vài ngày. Khi truy xét, Quan Ba cá kho Hà Phương Hòai  nhất định không chuyển lời dùm ta. Quan e rằng ngôn từ sai lệch.

Đã từng nói-ta yêu Sự Thật. Người đã can đảm tự thú đôi khi có hứng nên cương ẩu, thôi thì ta cũng tha cho người.

Vì người viết : Bước hoằng đạo chợt nở sen trên đất

Ta vẫn đi  “giày mọi” chứ còn đâu guốc mộc nhưng sen vẫn có thể nở duới chân ngà và vì thế ta tha chàng  đã từng “xạo ngữ”!

Ta thừa biết phi công như chàng thật là láu cá. Taylái trời hay đất thì cũng như nhau. Bịa ra bao tình huống khổ đau hòng bịp ngườikhông biết. Chứ ta đây bảo đảm chàng ló ra đuôi nào, ta cũng tóm. Ừ, thì không bay với lời “ máy hỏng, cánh rung…” cứ ung dung về căn cứ và cấp trên nào đâu có biết. Nhưng người vẫn tuân lệnh đổ quân để 72 chàng trai ra đi đền nợ nước và sau đó người ôm nỗi buồn thì ta đây xin chia sẻ cùng người.

Hè 72, “chú bé” đã là Trưởng Phòng Hành Quân Phi Đòan 245 rồi ư. Oai quá đấy. Thì ta bảo Đời Phi Công của người sẽ lôi cuốn vô cùng. Chỉ tại người còn ham chơi, cứ long nhong rủ ông cá kho lê la quán hàng và không chịu viết. Có lẽ phải cần đến cái roi như thuở nào còn bé vì già trẻ như nhau! Viết đi rồi ta sẽ đọc cho người. Mình bán rẻ, mỗi CD chừng 50 xu là coi như huề vốn. Tim óc chàng, giọng oanh vàng xí lộn giọng sắt máu của ta sẽ làm khối người tỉnh ngủ cho “an tòan xa lộ” đó người ơi. Chàng biết không, đêm qua, ta lấy “Cuộc phản công chớp nhóang của Lữ Đòan 3 kỵ binh ở Đức Huệ” ra đọc được 4 trang. Trước đó khi xem xong bài viết, ta gọi cho Ông và phản đối trang 8. Ông Chuẩn Tướng khựng người khi nghe ta nói (cái con ranh này biết gì mà phản đối!). Lúc ta giãi bày, Ông bật cười khà “ Cô chống thế kia à” Ừ, cái trang 8, ông viện dẫn lời Karl Max, bảo làm sao cô nương đây không nổi trận lôi đình!

Là thế đấy, những trang sử oai hùng vẫn hấp dẫn Bắc kỳ 9 nút  nhà ta. Còn thơ văn lãng mạn chỉ là son phấn, để làm duyên cho bớt nhạt cuộc đời. Người viết văn thì ối thôi, chính tả sai tơi bời lá liễu nhưng còn thơ nghe cũng lọt lỗ tai.

Đuợc gập người tôi cúi đầu ân tạ
Đời đã cho đôi mắt đuổi áo bay
Gió cửa thiền vạt dài theo nét lạ
Ngọn cỏ bồng ôm mãi giấc lưng mây

Ta thích bốn câu này và ta xí cho ta “đôi mắt đuổi áo bay, xí cả ngọn cỏ bồng  cho cửa Thiền rộng mở” !

Xin chắp tay Mô Phật ta dừng ở đây, người nhé.

Ta đi rồi nắng về theo phố lạ
Con bướm vàng hàng dậu ngẩn ngơ bay
Hoa Qùynh nở đêm qua buông cánh rũ
Hương vẫn còn ấp kín cả bàn tay.
 
(Hoàng Lan Chi)

Bắc kỳ 9 nút không chẩu không dzoọt mà:

. . em đi ngập ngừng
đường mưa nho nhỏ
em đi dịu dàng
đường mưa hớn hở
tóc buồn tà áo Quỳnh bay…

Ngày 7:

Chủ Quán: không biết vì sao họ lại cãi cọ nhau về chữ Hùng, về quyết định của người chỉ huy nơi trận mạc. Ta, chủ quán, chỉ biết dán lên đây, chàng Chàng Di Tản Buồn kể lể nỗi niềm của trận An Lộc, chàng mất 4 phi hành đoàn gồm 24 anh em và cái lý luận của cô nàng chỉ biết bốn bức tường của học đường, chưa bao giờ đối diện với trận mạc dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Và Quán Đắng của ta, đóng cửa sau 7 ngày cãi cọ. Ngày đầu tuần sau, họ còn cãi nhau không? Chờ xem nhé. Hay ta thử đổi vị cà phê, thôi đừng đắng nữa?

Di Tản Buồn
 
Cô bé Bắc Kỳ chín nút thân lắm lắm,

Thấm lời nàng nói, ta người di tản buồn, đâm ra buồn chết được. Ta cảm được cái cô đơn tận cùng của những người mang trách nhiệm, con đường nào cũng đưa vào mạt lộ. Nhất là những người Việt vừa kinh qua một cuộc chiến Quốc Cộng thê thảm nhất từ sau ngày cha ông lập quốc. Hôm qua, hôm nay, và ngay cả tương lai, thế lực đế quốc, thế lực Cộng Sản toa rập bôi bản, tận diệt những người còn chút lương tri với chính nghĩa , con người bên cạnh cái vĩ đại hùng tráng, cũng vẫn chỉ là con người với những nhu cầu sống tầm thường. Lầm lẫn không phải là một cái tội để phải bị xóa bỏ, nếu lầm lẫn được công khai công nhận bởi chính đương sự, hơn thế nữa nhiều khi hành động chỉ đúng ỏ trong một thời điểm nào đó, LỆCH CHÚT THỜI GIAN CÔNG, TỘI ĐÃ LÀ MỘT HOÀI NGHI.

Nói chuyện với nàng người di tản buồn này nhớ lại mùa hè đỏ lửa, ta mang hợp đoàn đổ quân vào giải tỏa An Lộc , mười chiếc trực thăng, mỗi chiếc phi hành đoàn bốn người gồm: hai phi công chính và phụ, một xạ thủ phi hành, một cơ khí viên phi hành, bộ binh muời hai người đầy đủ vũ khí đạn dược , lúc trở ra còn lại sáu trực thăng, ta mất bốn phi hành đoàn gồm 24 anh em, bộ binh mất 48 người. Ta vẫn cắn răng giữ thái độ bình tĩnh chỉ huy để bảo tồn những người còn lại cho đến khi về tới phi đoàn,, đóng cửa phòng hành quân một mình ta, tự trách mình không đủ năng lực để bảo vệ anh em. Ta gập mình trong nỗi cô dơn đến cùng cực, những giọt nước mắt như vỡ bờ, thật lòng lúc đó điều ước ao của ta là quay lại phút khởi đầu, ta sẽ ra lệnh cho anh em quay về không đáp, rồi mình ta nếu phải ra tòa án quân sự ta cũng cam chịu. Hành động đó người về sau sẽ đánh gìa ta là hèn, là nhát , 72 mạng người do chính ta mang vào để địch quân bắn rớt đổi lấy một tiếng HÙNG có xứng đáng không,” nhất tướng danh thành vạn cốt khô” bình sinh ta thậm ghét câu này.

Ta người lính lái trực thăng được tiếng là nghề lái tàu bay nguy hiểm nhất trong không quân, anh em ta ngạo nghễ với nghiệp dĩ của mình, những người mang đạn đươc, thực phẩm, tải thương, ngay cả yểm trợ tiếp cận cho quân bạn tiến chiếm mục tiêu, bộ binh ở đâu chúng ta đáp xuống chia phần hy sinh và khổ cực, chúng ta chỉ khác một tí thôi là chiều về nếu còn tiền rủ nhau đi xập xình trong diệu nhảy, lời nhạc cho quên sầu đời, để ngày mai không biết mình có ” đi không ai tìm xác rơi ” .

Nếu nàng hỏi “chúng ta có sợ chết không” thưa rằng “sợ lắm ạ”, nhưng nghĩ nếu mình tránh cái chết thì thằng bạn phải chết thế, cho nên không tên phi công nào khai bệnh bỏ bay cả. Trời kêu ai nấy dạ. đơn giản và dề hiểu như đếm thôi.

Nhiều lời chỉ để cho nàng Bắc Kỳ 9 nút hiểu cho, tâm sự của một cấp chỉ huy ngổn ngang trăm mối, quyết định sai hay đúng tùy thuộc vào thời gian và không gian. Người di tản buồn này sau mùa hè đỏ lửa, như một bước trưởng thành, được anh em thương mến , nhận định phi đoàn thi hành phi vụ như những phi đoàn khác nhưng cấp chỉ huy mát tay nên không sát quân , thất ra làm gì có chuyện chỉ huy sát quân hay mát tay, chỉ có cấp chỉ huy sống chết với anh em đi sát tình thế, biết tôn trộng mạng sống một cách tuyệt đối. Rành rẽ hy sinh cho chính nghĩa là bổn phậ , hy sinh anh em cho bước đi lên của chính mình là vô lại. Hy sinh vô ích là ngu muội và đó mới là nguyên nhân chính của chỉ huy sát quận. Người di tản buồn này có thể cũng đã sai rồi, nhưng được cái anh em ta giờ này vẫn còn thương ta lắm nàng ơi. Không tin hoỉ cái tên quan ba biệt kích Hà Phương Hoài , Tên cá kho này đã từng sinh hoạt với anh em ta trong buổi Hội Ngộ 30 năm Phi Đoàn 245 Lôi Bằng. Cũng chính cái tên Lôi Bằng là ta đặt tên cho phi đoàn đấy, ngon chưa ? Nói sao cho vừa nàng ơi……

Ta chúc nàng có thái độ khoan dung hơn, ta đã cũng khuất phục trước tầm nhìn sáng suốt của nàng, trước đức Phật nàng đã có lời thề “Vị nghĩa diệt thân” chưa chắc gì ta được như nàng. Đại nghĩa cần có những người như nàng nhưng nàng nhớ cho sắt máu chỉ có thể là những tên rồ Cộng Sản, người Quốc Gia yêu người yêu đời, cho dù có phải nhẫn nhịn thua một trận chiến để thắng một cuộc chiến, ta nghĩ đó mới là đại nghĩa, đại trí.

Bắc Kỳ 9 nút ơi, nàng luôn luôn có lý, ngay cả lúc nàng vô lý, ta đã nghĩ thế và ta cũng chỉ biết thế.

Người di tản buồn ngưng bút.


BẮC KỲ 9 NÚT

Này chàng trai toan tính cãi cấp trên!

Mặt trời đang chiếu đối diện ở vuông cửa sổ.NắngVAgiờ này chưa đổ lửa. Hẳn rừng phong đang đón nhận để chuyển mình. Trời có khi tối âm u cho ma quỷ dọa cô nàng chín nút (cô ta sẽ trùm chăn kín mít, chả dám ho he) và có khi rực rỡ nắng vàng cho cô ta lý sự phân minh!

Ta công nhận Lầm Lỗi sẽ được thứ tha, không  bao giờ tròng cổ muôn đời nếu như đương sự can đảm viết lời Sự Thực. Tất nhiên có những Lỗi rành rành thì bia đá đã khắc nghìn năm. Ta lý sự đây. Mùa hè đỏ lửa, người bao nhiêu tuổi? Ngừơi nguợc giòng lịch sử và bảo rằng  sẽ cãi lệnh cấp trên, ra Tòa Quân Sự để 72 chiến hữu không vùi chôn lòng đất mẹ.

Ta, cái con bé chỉ biết vâng lời cha mẹ, lo học chết mồ nên chưa bao giờ ra tiền tuyến chòang vòng hoa cho chiến sỹ oai hùng. Giá ngày ấy, mẹ ta không nghiêm khắc, ta “register” , leo lên trực thăng của người ra tiền đồn chòang hoa cho cái ông cá kho Hà Phương Hòai thì chắc ông ta sẽ cảm động tít mù và nhất quyết cột ta với người cho đúng lời ông bói tóan Diễn phán với người ngày xưa. (ta nhắc lại, người bảo rằng cụ Diễn xem cẳng chân cho người và đoán người sẽ gặp ta!)

Ta không ra trận tuyến nhưng ta biết đọc báo và học kinh nghiệm từ người khác-như nước được san từ ly lớn vào ly nhỏ. Ta biết rằng trong quân đội khi cấp trên ra lệnh thì chỉ nhắm mắt thi hành trừ phi người là cố vấn hay tham mưu. Vì bầy binh bố trận, đường đi nước buớc đâu phải ai cũng hiểu và đâu phải cấp nào cũng được quyền biết? Mưu Khổng Minh thì Lưu Bị có thể hiểu năm phần nhưng Trương Phi có khi chỉ là một. Ta giả dụ, trận chiến ngày ấy, không âm mưu lọc lừa của cái gọi là “đồng minh” thì người không có quyền cãi. Trận chiến nào cũng có mất mát và tất nhiên cầm quân giỏi là tránh tổn thất cho quân mình đến mức tối đa. An Lộc-có thể sau đó người nhìn ra điều phi lý để quặn mình đau đớn. Nhưng giả sử đó là một quyết định đúng thì sự hy sinh của 72 người là cái giá phải có trong bất cứ cuộc chiến nào.

Ta nhớ lại Qua Đồi trinh Nữ -của Thảo Nguyên. Biết trấn thủ là vô ích mà phép quân chàng vẫn phải thi hành. Chàng đau đớn khi lệnh kêu cứu chìm trong vô vọng. Không lẽ cả tiền đồn sẽ phải hy sinh? Phút cuối cùng, trực thăng giải cứu nhưng chàng, cũng như người – ngậm ngùi nhìn đồng đội đã ngã xuống thật là oan ức. Là thế đấy người ạ. Cuộc chiến vừa qua, chúng ta không là chủ hòan tòan nên oan kia chồng cao hơn núi.
 
Ta- đừng nghĩ rằng tuổi mới 13- để chữ Hùng không đủ nghĩa trong ta. Ta thậm ghét nếu như vạn cốt khô để khoác vai Hùng nhưng ta cũng thậm ghét nếu Hùng kia đã đổi thành Hèn. Hỡi ơi, Hùng hay Hèn chỉ khác nhau vài nét.

Thôi thì đêm nay, Ta viết chữ H lên một chiếc lá phong còn sót lại cuối thu, ngày mai ta sẽ gửi UPS đến người. Những còn lại ta nhờ người viết hộ!

 Chủ Quán: cuối tuần, ta đóng cửa quán. Cửa mở không hay không mở,  cũng tùy duyên.

 

 

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.