Nhớ Về Dòng Suối Âm Thanh Sài Gòn 20 năm Xưa

Sài Gòn muôn năm cũ
Hoàng Lan Chi thực hiện
 
Nhớ Về Dòng Suối Âm Thanh Sài Gòn 20 năm Xưa
 

LGT: Đề tài Sài Gòn một thuở, Sài Gòn ngày ấy luôn là một đề tài hấp dẫn cả người viết và người đọc. Nơi ấy, tôi sinh ra, lớn lên. Nơi ấy, tuổi học trò, sinh viên, vào đời, tất cả chất chứa cả một trời kỷ niệm. Kỳ này xin giới thiệu LS Phạm Mỹ Lộc, còn được biết với bút danh Phạm Văn Kỳ Thanh về đề tài“Sài Gòn của tôi, ngày ấy, một thuở yêu đàn”. Qua buổi trò chuyện này, một thời tuổi trẻ Sài Gòn làm dáng, một thời nhạc lính, nhạc tình, nhạc trẻ, nhạc thiền được gợi nhớ. Phạm Mỹ Lộc, Cựu học sinh Chu Văn An, Ts Luật San Francisco,  học trò của Michael Lorimer, (Ông Lorimer là học trò duy nhất của danh cầm Andre Segovia tại Bay Area California), phụ trách CT Tiếng Vọng Quê Hươngtrên Đài Phát Thanh San Francisco 1972, cộng tác với Nhân Văn San Jose (1980), Thế Giới Lưu Vong ( San Jose 1985), Journal Vietnamse Music (Ohio, 1992), Văn Học.  Sáng tác và biên khảo âm nhạc. 
  •  

                             Phạm Mỹ Lộc (Phạm Văn Kỳ Thanh)
 
 
HLC: Xin chào anh Phạm Mỹ Lộc (Phạm Văn Kỳ Thanh). Anh viết nhiều bài “khảo cứu” rất giá trị về âm nhạc. Trong lãnh vực sáng tác, anh không có nhiều có lẽ vì “nợ áo cơm”. Trong vài bài từ thuở sinh viên, tôi vẫn dành cảm tình đặc biệt cho nhạc phẩm “Hoa Nắng”. Hôm nay xin được trò chuyện với anh về Hoa Nắng Ngày Xưa. Đó là nói văn vẻ, còn nói chân phương là xin anh kể lại cho chúng tôi nghe về một Sài Gòn của anh, ngày ấy, thuở anh yêu đàn nhưng chỉ là âm nhạc thôi nhé. Cụ thể hơn, giòng âm nhạc ấy dưới cái nhìn của anh qua ngần ấy năm. Dễ đến 20 năm ấy nhỉ. Tuy vậy, trước tiên, tôi tò mò muốn biết tia nắng đầu tiên nào rọi vào hồn anh để reo vui thành nốt nhạc? Tia nắng của đất trời hay tia nắng từ đôi mắt giai nhân?

PML: Tôi đã gửi đến chị hai loại tài liệu: những ca khúc dưới dạng mp3 dưới tên Phạm Mỹ Lộc, và một số bài biên khảo dưới tên Phạm Văn Kỳ Thanh. Vi thế tôi xin lỗi chị đã làm chị lẫn lộn hai tên khi đặt câu hỏi dưới hai lãnh vực khác nhau.
 
Dưới tên Phạm Mỹ Lộc đến ngày hôm nay tôi viết được 50 ca khúc và cho lên soundcloud.com/phammyloc được 17 ca khúc. Ngoài ra tôi viết được một trường ca “Hoa Thương Yêu” đã được sinh viên du học tại San Francisco trình diễn năm 1973. Giáng Sinh  năm 2005  ca đoàn Ngàn Khơi tập dượt “Hoa Thương Yêu” dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Vũ Tôn Bình, nhưng cuối cùng chỉ có đoạn cuối được trình diễn ở sảnh đường tòa báo Viễn Đông. Vi thế trong lãnh vực sáng tác tôi cũng có một số tác phẩm đáng kể và giờ này tôi vẫn còn sáng tác khi con tim rung động. Ngay trong năm nay tôi đã viết được ba ca khúc “Mây”, “Sài Gòn Đêm Xanh” và “Hình Như Là Tình Yêu”.
 
Còn khi nào chị đặt câu hỏi về lãnh vực khảo cứu âm nhạc thì Phạm Văn Kỳ Thanh sẽ được xin phép trả lời chị.
 
Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của chị tia nắng nào dội vào hồn tôi để reo vui thành nốt nhạc. Tia nắng đó từ đất trời hay tia nắng từ đôi mắt giai nhân.
 
Tôi bắt đầu học tây ban cầm cổ điển lúc 10 tuổi và say mê nhạc cổ điển tây phương, dân nhạc, dân vũ Tây Ban Nha (Flamenco) và không biết trước được mình sẽ thiên về con đường sáng tác hơn là trình diễn nhạc khí. Cho đến khi tôi học trường Chu Văn An. Mỗi lần đi từ trường về nhà phải đi qua trường Gia Long ở đường Phan Thanh Giản. Nữ sinh Gia Long lúc tan học ra, đa số các cô mặc áo dài trắng và đi xe đạp. Dòng xe cuồn cuộn như dòng sông trắng (tôi đã viết trong ca khúc “Hoài Hương” “nửa vòng thế giới, nhớ con đường cũ, gió tơi bời bay áo lụa, dòng sông trắng ngần, dòng sông ái ân”). Tôi đi xe mô bi lét cà rỉ, lúc đó phải đi chậm lại và lúc ngó ngang sang gốc cây bên trường bắt gặp một đôi mắt đen nâu đen, và sâu như mắt thiếu nữ Trung Đông. Thế là tôi ngã xe mô bi lét và biết yêu từ đấy giữa tiếng cười khúc khích của các tiểu thư tinh nghich Gia Long. (sau này tôi viết ca khúc “Soi Từ Nhạt Phai” có câu “con tim dại khờ, ngày xưa gặp gỡ, mắt nâu u sầu, gom hết tình tôi”)
 
 
Âm Nhạc Phạm Mỹ Lộc – Từ một ánh mắt Gia Long
 
HLC: Cảm ơn anh. Như thế coi như tôi đang đối thoại với một người mà âm nhạc thấm đẫm từ gần trọn một đời người. Cái thú vị là người ấy, tức anh, không hề hòa tan vào cái môi trường réo rắt ấy mà đôi khi anh đứng ở hai cương vị: một người Mỹ nhìn nhạc Việt Nam, một luật sư ngắm nhạc Việt Nam. Anh đã vui buồn cùng vận nước nổi trôi trải dài từ 1954 cho đến 1971 khi anh du học Mỹ. Anh hãy kể cho chúng tôi nghe về Sài Gòn khi anh mới di cư vào Nam, trong thời đệ nhất Cộng Hòa, đặc biệt trong lãnh vực âm nhạc? Theo anh, ta có thể chia cái  suối chảy ấy thành bao nhiêu thể loại và thể loại nào ưu trội nhất?

PML: Lúc di cư vào Sài Gòn tôi bắt đầu đi học lớp Năm (tức là lớp 1 bây giờ) nhưng đã có nòi mê nhạc từ đó. Tôi lấy banjo của ống anh “mò” hết bài “Quanh Lửa Hồng”. Hơn nữa ông anh cả tôi BS. Phạm Văn Vận có rất nhiều bạn văn nghệ như NS. Dương Hồng Duyệt tác giả bài blues đầu tiên “Đường Chiều” (cháu nhạc sĩ Dương Thiệu Tước), ca si LS. Khuất Duy Trác, NS. Cung Tiến, NS Tây Ban Cầm Đoàn Châu Nhi, Giáo Sư Đỗ Đình Tuân (tức là ca sĩ Đỗ Tuấn)…Các ông ấy tụ họp ở nhà tôi trong khu Bàn Cờ để tập vũ “Trấn Thủ Lưu Đồn” và các bài hát sửa soạn cho đại hội văn nghệ học sinh Sài Gòn. Sau đó nhà tôi dọn lên Đa Kao gần đài phát thanh Sài Gòn. Các ông ấy lại tụ họp ở nhà tôi để tập hát cho chương trình phát thanh học sinh, sinh viên. Ngoài tài liệu âm nhạc của ban phát thanh học sinh, sinh viên được lưu trữ ở nhà tôi, các nhạc sĩ chưa nổi tiếng (nhưng sau này đều nổi tiếng) đến nhà tôi đưa bài mới cho ban phát thanh để xin phổ biến dùm. Thế là chưa đến 10 tuổi mà tôi có một núi nhạc Việt tha hồ thưởng thức. Vì thế câu hỏi của chị là đúng “tủ” của tôi rồi. Nhưng ở đây tôi trả lời sơ sơ theo trí nhớ thôi nhé.
 
Sau di cư 1954, tân nhạc Việt rất là khởi sắc. Ở đây, tôi chỉ  xin tóm tắt sơ lược thôi. Và chi tiết thì xin khất trong cuốn sách “Lịch Sử Tân Nhạc Việt Nam” tôi sẽ viết khi trả lại license hành nghề LS. cho tiểu bang California.
 
Thứ nhất là loại nhạc chống Cộng và tố cộng nhưng lại rất là hay. Thí dụ như “Về Đây Anh”, “Em Gắng Chờ”… ngay cả bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” mà học sinh tiểu học chúng tôi phải hát sau khi chào cờ mỗi ngày cũng thấy hay. Tác giả ăn khách loại này phải kể Ngọc Bích, Nhật Bằng, Xuân Lôi, Xuân Tiên…
 
Loại thứ hai là nhạc tình. Loại này lại chia ra làm hai. Thứ nhất là loại ca khúc phổ thông của giới “tri thức”. Thí dụ như  ca khúc của Phạm Duy (“Người Về”); Hoàng Trọng “Nhạc Sầu Tương Tư “ (?), “Đà Lạt”; Y Vân (“Ngăn Cách”). Y Vũ-Nhật Ngân (“Tôi Đưa Em Sang Sông”); Văn Phụng (“Vũng Tàu”); Minh Kỳ (“Nha Trang”). Loại thứ hai là ca khúc phổ thông của giới bình dân (tôi tránh không gọi là nhạc “sền” vì nhạy cảm) có những tác giả như Hoàng Thi Thơ (“Gạo Trắng Trăng Thanh”), Lam Phương (“Khúc Ca Ngày Mùa)…
 
Lúc mới di cư thì dù sao người Bắc vẫn là người mới tới và vẫn là thiểu số so với dân số Miền Nam ngày đó. Vì thế âm nhạc vượt trội vẫn là nhạc phổ thông bình dân ngả về và có âm hưởng cải lương miền Nam và nhất là bản Vọng Cổ.  Hồi đó xóm nào cũng có người biết hát Vọng Cỗ.  Ban đêm ở khu Bàn Cờ là họ kê ghế bố ra đường ngủ và tụ họp hát Vọng Cổ.
 

   Chương Trình Văn Nghệ  Chu Văn An với Ca Si Duy Trác

Cung Tiến điều khiển ban nhạc liên trường trung học  (Sài Gòn 1956)

BS Phạm văn Vận điều khiển Hợp Ca Chu Văn An- Trưng Vương
 
Từ trái:  BS Phạm Vận, NS.Dương Hồng Duyệt, NS. Cung Tiến đánh guitar và các học sinh SG.
 
  
HLC: Thật thú vị khi được biết thời gian đầu của di cư 54, vọng cổ còn chiếm lĩnh đường phố Sài Gòn và tân nhạc đang khép nép. Thế những nhạc sĩ nào “rực rỡ” nhất và có ảnh hưởng đến giới trẻ nhiều nhất trong thời đệ nhất Công hòa? Tôi chỉ hỏi giới trẻ vì tôi nghĩ anh là một thành phần của giới ấy. Học sinh, sinh viên thường có gout nhạc hao hao nhau. Với một người thích đàn như anh thì nhận xét về nhạc sĩ “thần tượng” sẽ có vẻ chính xác hơn chăng?

PML: Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương đã có một số lượng tác phẩm đáng kể ngay thời kháng chiền và hồi cư ở Hà Nội đã được phổ biến rộng rãi qua Đài Phát Thanh và trình diễn ở sân khấu, các nhạc sĩ khác như Văn Phụng, Ngọc Bích, Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Trịnh Hưng… chưa có nhiều ca khúc. Hơn nữa phương tiện phổ biến chỉ có Đài Phát Thanh và đại nhạc hội. Nhưng không phải ai cũng có tiền mua radio và mua vé đi xem đại nhạc hội. Vì thế, gần như chính xác không có ai là thần tượng của giới trẻ như sau này. Có chăng thì mỗi tác giả có bài hay thì được tiếp đón và thưởng thức thôi.
 
HLC: Trí nhớ anh tuyệt vời thật chứ. Quả đúng vậy, radio hay vé đại nhạc hội đâu đã là phổ biến. Tuy  vậy dường như Ban Hợp Ca Thăng Long có vẻ rất nổi trội trong thời gian vượt tuyến vào Nam? Anh có nhớ phía nhạc sĩ gốc miền Nam, có ban hợp ca nào ăn khách không? Tôi còn nhớ một hình bóng trong trí tôi : quái kiệt Trần Văn Trạch?

PML: Thật ra ban hợp ca Thăng Long đã vào Nam trước năm di cư (1954). Nhưng từ miền Nam họ lại ra Bắc trình diễn. Chị nói đúng thời gian đó chỉ có mình ban Thăng Long “làm mưa làm gió” sân khấu. Vì đây là ban hợp ca có tình cách gia đình. Họ hát rất là điêu luyện và nhất là NS. Phạm Đình Chương giỏi về hòa âm khi soạn bè cho ban hợp ca. Hơn nữa họ lại có giọng đơn ca rất điêu luyện và quyến rũ là Thái Thanh. Cô ấy hát theo kiểu của danh ca Thương Huyền miền Bắc. Cô ấy pha tân nhạc với cái láy của dân ca miền Bắc quyện vào sự nức nở và kịch tính của ca trù. Điều ấy dễ hiểu vì thân mẫu của cô Thái Thanh rất giỏi về ca trù.
 
Còn ông Trần Văn Trạch hình như lập ban “Gió Nam” và “Sầm Giang” (để tôi hỏi lại anh Trần Quang Hải cháu ruột ông Trần Văn Trạch về chi tiết này). Đây là ban hợp ca của người Nam rất nổi tiếng trong thời gian này.

HLC: Có vẻ như khi nền đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ thì mọi cái kể cả âm nhạc đều sôi động hơn. Nhạc trẻ đã chào đời trong giai đoạn này và hớp hồn giới trẻ. Anh có hòa mình vào giòng lũ đó của xã hội? Cây guitar của anh đã vang lên những rung động nào cho giai đoạn này?

PML: Khi mấy ông tướng lật đổ cụ Diệm, thì mấy ông ấy bỏ luật “cấm nhảy đầm”. Thế là giới trẻ du nhập kích động nhạc quốc tế để trình diễn trong các “bum” famille. Đâu đâu cũng lập ban nhạc với 3 cây guitar điện (một là accompaniment, một bass và một solo) và một dàn trống, sang cả hơn thì có cây organ chạy bằng hơi gió. Tiếng đàn The Shadows, Venture… và tiếng hát Cliff Richard, Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Francoise Hardy, The Beatles, The Rolling Stones… vang khắp nơi.
 
Đến năm 1965 quân đội Mỹ tràn ngập miền Nam thì các ban nhạc túa đi đánh club Mỹ kiếm tiền. Riêng tôi thì chỉ có lập ban nhạc Les Indomptes để trình diễn tại đại nhạc hội kích động nhạc đầu tiên tại trường Taberd do frère Viele tổ chức. Sau đó tôi có hoạt động ít lâu với ban Les Lunettes Noires rồi tôi bỏ vì ông Bố tôi cấm không cho chơi nhạc trẻ nữa vì tôi có vẻ lơ là với sách đèn.
 
HLC: qua đệ Nhị Cộng Hòa, coi như từ cuối 1963 cho đến khi anh du học 1971, anh nhận định ra sao về thế giới âm nhạc lúc ấy?

PML: Sau khi tôi rời bỏ giới kích động nhạc tôi quay về với tây ban cầm cổ điển. Tôi đi dậy đàn ở trường Taberd do frère Amede mời. Tôi cũng dậy đàn ở trường âm nhạc Bach ở đường Nguyễn Thông do cha Định làm giám đôc. Ngoài ra tôi cũng được nhạc sĩ Nguyễn Hiền mời đánh đàn cho ban “Tinh Hoa Đọc Truyện” qua sự giới thiệu của nghệ sĩ Quách Đàm (chú ca si LS. Duy Trác).
 
Lúc này thì Quán Văn đã được dựng lên và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu xuất hiện. Đài Phát Thanh Sài Gòn đã phát sóng chương trình “Nhạc Chủ Đề” của nhà văn Nguyễn Đình Toàn và nhạc sĩ Vũ Thành An. Cặp Lê Uyên & Phương cũng từ Đà Lạt về hát ở trụ sở của CPS (“chương trình phát triển sinh hoạt học đường”) tại đường Đinh Tiên Hoàng phía trước của sân vận động Hoa Lư. Từ Công Phụng cũng hát ở quán Văn. Sau đó Từ Công Phụng và tôi có tổ chức chung một buổi trình diễn tại trường âm nhạc Bach nơi tôi dậy Tây Ban Cầm cổ điển. Trong buổi này Từ Công Phụng cho ra mắt tập nhạc “Trên Ngọn Tình Sầu” và tôi cho ra mắt tập nhạc “Những Bài Hát Cho Tình Yêu”. Ngô Thụy Miên đệm đàn piano cho Từ Công Phụng. Hà Học Ngôn đệm piano cho tôi. Và tôi cũng tự đệm đàn tây ban cầm khi hát. Từ Công Phụng thì hát chung với Từ Dung. Còn tôi có Thế Dung hát hộ vài bài. Sau này Ngô Thụy Miên cho ra mắt tập nhạc đầu tiên của anh là “Đông Quân Tình Khúc” tại trụ sở CPS đã nói trên có ca sĩ Xuân Sơn hát một số ca khúc của anh.
 
Phải nói rằng giai đoạn này là cực thịnh của ca khúc Việt vì nhạc sĩ nào cũng ra mắt cả tập nhạc (“album”) chứ không nói là vài ba bản lẻ tẻ nữa. Về tình ca Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên…đều có những tập nhạc cho ra mắt rầm rộ. Phía “phản chiến” thiên Cộng thì có Trịnh Công Sơn (sau nhạc tình TCS cho ra mắt “Ca Khúc Da Vàng”, “Phụ Khúc Da Vàng”, “Kinh Việt Nam”, “Ta Phải Thấy Mặt Trời”), Tôn Thất Lập (“Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe”), Miên Đức Thắng (“Tiếng Hát Từ Đồng Hoang”), Phạm Thế Mỹ..cũng cho ra những tập nhạc. Còn Nguyễn Đức Quang thì vừa sáng tác nhạc sinh hoạt thanh niên vừa nhạc tình và có Phong Trào Du Ca yểm trợ và phổ biến. Còn ông Phạm Duy thì cũng cho ra “Tâm Ca”, “Vỉa Hè Ca”…
 
Vì một loạt nhạc sĩ trẻ xuất hiện ồ ạt với số lượng tác phẩm dồi dào cho nên những tác giả bám trụ Đài Phát Thanh Sài Gòn bị lu mờ hẳn đi. Tuy nhiên những nhạc sĩ sáng tác những ca khúc phổ thông bình dân và nhạc phục vụ các chiến sĩ vẫn có  thính giả.
 
Tóm tắt tôi nhận định đây là một giai đoạn nở rộ của ca khúc tại miền Nam Việt Nam.
 

HLC: Rất đồng ý là giai đoạn này, Sài Gòn quả là nở rộ không chỉ âm nhạc mà cả các bộ môn khác như văn học. Tôi hơi quẹo cua một chút, nhạc lính có vẻ thịnh hành nhất trước 1963 và dường như từ 1967, do tình hình chiến tranh leo thang, thì nhạc lính có còn thu hút không? Lúc bấy giờ loại nhạc nào lên ngôi? Phản chiến của TCS? Hơi ỡm ờ kiểu du ca của Nguyễn Đức Quang? Và còn giòng nhạc trẻ của nhóm Trường Kỳ Tùng Giang, Lê Hựu Hà Nguyễn Trung Cang?

PML: Khi cường độ chiến tranh lên cao thì chỉ có nhạc viết cho các chiến sĩ (tôi không gọi là “nhạc lính” vì các ông tướng cũng chuộng loại nhạc này lắm) được được hát nhiều. Vì ở giai cấp kinh tế, văn hóa, xã hội nào cũng có người yêu, người con, người thân trong quân đội. Và nhạc dành cho các chiến sĩ cũng đa dạng lắm. Ông Phạm Duy có “Thương Ca Chiến Trường”. Còn các nhạc sĩ Nhật Trường, Anh Bằng… cũng có những bài dành cho các chiến sĩ. Trong khi đó nhạc trẻ vẫn phát triển đều để phục vụ giới trẻ và đã có những ban kích động nhạc bắt đầu sác tác nhạc Việt theo âm điệu nhạc phổ thông quốc tế như Lễ Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Quốc Dũng…Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang vẫn rất là hào hứng quảng bá nhạc trẻ.
Trong giai đoạn này nhạc tình của Trịnh Công Sơn đã được thương mại hóa và được hát ở các phòng trà. Còn nhạc của Nguyễn Đức Quang vẫn được phong trào Du Ca phổ biến và sinh viên học sinh hát ở các buổi sinh hoạt cộng đồng.
 
Tóm tắt là giai đoạn này “trăm hoa đua nở” không có loại nhạc nào vượt trội hết.
 
Phạm Mỹ Lộc tại nhạc hội Hương Thiền ở chùa Bảo Quang Orange County


Từ trái: Nam Lộc, Đức Huy, Ngô Thụy Miên, Phạm Mỹ Lộc

HLC: Nhắm mắt, tôi cũng có thể đoán được là không bao giờ anh hát nhạc lính của Nguyễn Văn Đông hay Trần Thiện Thanh. Tuy vậy, tôi vẫn tò mò muốn biết anh nghĩ gì về hai nhạc sĩ này, nhạc của họ và cả lời ca của họ?

PML: Chị “nói vậy mà không phải vậy” . Về Trần Thiện Thanh thì tôi không để ý nhiều lắm. Tôi chỉ biết có bài “Hoa Trinh Nữ” vì lời ngồ ngộ. Còn bài “Khi Người Yêu Tôi Khóc” thì quá ướt át, giới học sinh rất là thích.
 
Tôi thích nhạc Nguyễn Văn Đông vì ông đặt vấn đề lớn về lời ca còn nhạc thì gần với nhạc cổ điển tây phương như “Mấy Dặm Sơn Khê”, “Hải Ngoại Thương Ca”, “Chiều Mưa Biên Giới”…

HLC: Câu trả lời làm …người hỏi vui lòng! Vì sao anh biết không? Tôi vốn thích nhạc lính, tôi dùng nhạc lính là ám chỉ nhạc cho giới quân nhân mà thôi và Nguyễn Văn Đông là một tên tuổi mà tôi yêu mến. Mới đây một cô bạn cũ (HTP) ở San Jose nói rằng, khi cô mở chương trình phát thanh của tôi thực hiện từ 2006, cô rất thích nghe Hà Thanh hát nhạc Nguyễn Văn Đông và ông xã cô, bạn cùng Khoa Học chúng tôi, BS N.V.T cứ thế “y ỷ” hát Mấy Dặm Sơn Khê hay Chiều Mưa Biên Giới cả tuần liền. Điều này cho thấy giới học sinh, sinh viên thời đó cũng rất thích nhạc Nguyễn Văn Đông.

Cái này thì không nhắm mắt mà tôi biết chắc là âm nhạc cũng như văn chương là những cái không thể thiếu của giới trẻ Sài Gòn thời đó. Họ cần nó, có khi là thực sự có khi là “làm dáng”. Theo anh, một trong những cái “làm dáng” của tuổi trẻ Sài Gòn thời đó là gì?

PML: Tôi không dám đại diện giới trẻ Sài Gòn thời ấy để trả lời câu hỏi của chị. Như đã trình bày ở trên , tôi chỉ có thể nói về lối sống của cá nhân mình và bạn bè thôi. Bây giờ tôi nói về văn chương trước.  Về sách ngoại ngữ, đại khái là giới trẻ học trường Tây đa số thông hiểu ngoại ngữ thì họ tiếp cận dễ dàng những gì từ Âu Mỹ mang đến. Ngoài ra trong trường họ cũng được tiếp xúc với văn học, triết học Âu Mỹ. Vì thế nếu ai thích văn chương, triết học có thể đọc nguyên tác để thưởng thức.
Còn học sinh trường Việt trừ một số có đi học thêm ngoại ngữ, đa số không đủ sức để đọc nguyên tác. Vậy chỉ còn có cách đọc sách dịch. Ngoài các dịch giả như Bùi Giáng, Phùng Khánh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu…đa số là “phóng tác” vì không hiểu hết ý nghĩa của tác giả. Vì thế học sinh trường Việt bị thiệt thòi về điểm này. Tuy nhiên về văn chương Việt Nam, hay văn chương nước ngoài do các tác giả Việt Nam viết thì họ lại có ưu thế hơn.
 
Còn về âm nhạc thì trường Tây, trường Việt có cách tiếp cận giống nhau. Bằng chứng là trong trường Quốc Gia Âm Nhạc không có phân biệt nhạc sinh học trường Việt hay trường Tây. Chỉ có sách solfege và Harmony thì các thầy dùng sách của Pháp. Nhưng những danh từ âm nhạc thì dùng lẫn lộn Việt Pháp.
 
Với vốn liếng như thế thì ai “làm dáng” ai không? Không thể trả lời chung chung được. Để cá nhân hóa vấn đề, tôi kể chị nghe câu chuyện này. Tôi có một anh bạn học Chu Văn An. Trong lớp về sinh ngữ Anh và Pháp anh rất là xoàng. Nhưng khi nói chuyện thì bàn nào là Hemingway, Saroyan, Nikos Kazanzakis, Sartre…. Tôi hỏi anh ta đọc mấy tác giả này ở đâu? Anh ta trả lời ngon ơ : “moi đọc sách Tây và Mỹ.” Tôi phục anh ta nhưng cũng hơi nghi ngờ. Gần buổi học cuối năm tôi thấy anh ta bỏ quên một quyển sách trong hộc bàn. Tôi tò mò xem là sách gì. Hóa ra là cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” của Phạm Công Thiện . Trời ơi ông bạn tôi thuộc lòng quyển sách này rồi mang kiến thức ra “trộ” bạn bè. Sau này tôi thấy anh hay ngồi ở quán La Pagode đường Tự Do với các bậc trưởng thượng văn chương báo chí. Đặc biệt là anh ta đi vào ngõ hẻm hay đá vào các thùng rác người ta để ngoài đường cho có vẻ có khí phách của “nghệ sĩ-triết gia”. Đó là một điển hình của sự làm dáng về văn chương.
 
Còn về âm nhạc thì tôi có thể nói ngay. Chị đến café Thu Hương đường Hai Bà Trưng được nghe nhạc Pháp. Tôi biết chắc là có chừng vài người trong đám đông ấy hiểu lời bài “La plus belle pour allez dancer”do Sylvie Vartan hát. Nhưng người nào cũng gật gù thưởng thức. Nhưng không sao, đây là một sự làm dáng dễ thương. Không hiểu lời thì nghe nhạc cũng được.
 
Nhưng “làm dáng” đáng chê trách hay không? Tôi xin trả lời là không. Vì tuổi trẻ ở đâu cũng dễ thương, dễ tin và hay “làm dáng”. Thật đấy. Tôi xin lạc đề một tí. Tôi có một anh bạn học y khoa khi đi học lúc nào cũng đề ống nghe và áo blouse ở rổ đằng trước xe Honda. Nhất là khi đang đi ngang trường nữ lúc tan học thì được dịp khoe cái mác sinh viên y khoa của mình. Còn anh bạn trường Luật của tôi thì mặc áo thụng đen của luật sự tập sự đi bộ từ tòa án sang Nha Động Viên để “hù” các sĩ quan ở cơ quan này. Lần nữa, nhắc lại chuyện cũ, thật là dễ thương.
 
 
HLC: Tôi bật cười khi nghe anh kể. Nhưng tôi phản đối vụ “dân trường tây”. Ơ hay, dân trường tây thì cũng phải cỡ lớp đệ nhị hay nhất mới đọc nổi sách triết Tây, đúng không? Chứ tôi không tin là đệ tứ (tôi không biết trường tây gọi là gì) đã có thể đọc được nguyên bản sách triết Pháp. Còn hiển nhiên đám Việt chúng tôi nếu có làm dáng thì đọc sách dịch. Kể cho anh nghe nè, năm 71, khi tốt nghiệp cử nhân, đi làm ở Tổng Nha Kế Hoạch, tôi để cuốn “Triết Lý Cái Đình” của Kim Định và cả “Phân Tâm Học Freud” ở trên bàn. Ra cái điều cô chuyên viên trẻ măng đang “ngâm kiú” triết. Nhưng tôi để sách dịch và có đọc đàng hoàng. Tuy thế, nhớ về Sài Gòn xưa thì những cái “làm dáng” anh kể, bây giờ nếu mọi người xem lại, chắc họ sẽ cười vui lắm. Một thời tuổi trẻ Sài Gòn làm dáng. Thật dễ thương và thơ mộng.

Ngoài ra, tôi còn thấy rằng một trong những cái “làm dáng của tuổi trẻ” thời đó là thanh niên thiếu nữ nhá vài cuốn triết lý của Camus, Jean Paul Sartre, ngồi quán cà phê nghêu ngao nhạc kiểu “ tôi là ai” của TCS và như vậy rồi giới trẻ cho đó là hạp mode, phải vậy không?

PML: Về câu hỏi này tôi đã trả lời phần lớn ở trên. Tuy nhiên tôi xin thêm một số điều. Đọc sách của ai, ngồi ở đâu, nghe nhạc gì, cho là “làm dáng” đi cũng không nguy hiểm. Sự “làm dáng quá độ”riết thành sự thực và sẽ mang lại kết quả tai hại. Sau đại chiến thứ hai, thanh niên Hung tự tử nhiều về bài hát “Sombre Dimanche” của Solvez (?). Mấy trự tài tử Hàn Quốc tự tử lia lịa vì đóng phim “tràn trề nước mắt” nhiều quá. Mới đầu là họ “làm dáng”. Nhưng sau “Lộng Giả Thành Chân”.  Bạn tôi ngày ấy có “làm dáng” thế nào chăng nữa nhưng vào quân trường là tỉnh người ra ngay.

HLC: Thật ra tôi không lên án gì cái làm dáng của tuổi trẻ. Họ làm dáng thế để quyến rũ lẫn nhau và đó là lẽ thường tình của tạo hóa. Không làm dáng không  phải là tuổi trẻ Sài Gòn thời đó. Vào khoảng 70 hay 71 gì đó, tôi nhớ một số bài mang hơi hướng thiền của Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc như  Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay tình sinh viên như Em Hiền Như Ma Sơ, Thà Như Giọt Mưa lại hớp hồn giới học sinh sinh viên ngay khi mới xuất hiện không cần “marketing” quá nhiều? Phải chăng lúc đó giới trẻ bắt đầu mệt mỏi với cuộc chiến?

PML: Ngoài Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên của nhóm Sáng Tạo, sau cuộc di cư 54, Phạm Thiên Thư là một hiện tượng của thi ca miền Nam Việt Nam. Không hiểu sao giai đoạn này có rất nhiều tu sĩ trong giới văn nghệ, thi ca, văn chương. Ngoài Phạm Thiên Thư còn có Trí Hải, Phùng Khánh, Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Nguyễn Hữu Hiệu (tôi không biết pháp danh của ông dịch giả này). Ông Phạm Duy tâm sự tại buổi ra mắt “Mười Bài Đạo Ca” (ở Quán Gió của Nam Lộc) là thật sự chiến tranh đã làm bải hoải tim óc của người Việt, bâý giờ cần một đời sống tâm linh để cho đời sống quân bình. Đầu tiên lời ca có tính triết học của Trịnh Công Sơn được đón nhận dù rất ít người hiểu ông ta muốn nói gì. Chỉ có thể nói lời ca là lạ thôi. Đến Phạm Thiên Thư thì tất cả giới trẻ đều nồng nhiệt đón nhận thơ của ông. Còn những tác phẩm sau này như “Kinh Ngọc”, “Kinh Hiền” và “Đoạn Trường Vô Thanh” thì giới trẻ ít người biết. Một hình ảnh “Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh, anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng” thì tôi cũng còn mê ông ta chứ đừng nói gì nữ giới. Thật là lãng mạn. Nhưng cũng phải nói ông Phạm Duy dùng âm nhạc như đôi cánh để mang thơ của Phạm Thiên Thư vào con tim giới trẻ.
 
Còn trường hợp thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên thì những bài thơ giản di, nói ngay, nói thẳng, nói thật “thi rớt bị người tình bỏ” không đi vào tim người trẻ mới là lạ.
 
Tôi đồng ý lúc đó cuộc chiến đang lên cao độ xóm nào hàng ngày cũng có áo quan. Những người bố, người mẹ, người anh, người chị, người em cũng đã cạn nước mắt không khóc được nữa. Con người ta đau khổ quá khiến tim trơ ra. Lúc ấy thơ Thiền, sách Triết Học, thơ nhạc lãng mạng rất được yêu chuộng. Ở đấy người ta tìm thấy sự yên bình. Tôi đã nói với Ngô Thụy Miên là nhạc của anh xuất hiện đúng lúc, khi giới trẻ đã bắt đầu bải hoải với nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc của anh được đón nhận ngay.
 
 
HLC: Tạm ngưng chút xíu về Sài Gòn ngày cũ vì tôi muốn anh chia sẻ một chút,  những cái gọi là “Hình Như Là Tình Yêu” hay thậm chí “ Tình Tuyệt Vọng” cũng được nhưng phải là hệ quả từ tiếng đàn réo rắt hay giọng hát ấm áp hay nốt nhạc “tình tang” của anh kìa? Cứ mạnh dạn bày tỏ đi đừng ngại bà xã hay người ấy xẻo tai gì cả. Tôi nghĩ rằng, những người phụ nữ ấy thừa hiểu rằng Quá khứ là quá khứ và tương lai sẽ không sâu lắng, hiện tại sẽ không đằm thắm nếu như không có quá khứ dại khờ. Sự ngây ngô khờ dại bao giờ cũng đáng yêu và kỷ niệm chỉ là kỷ niệm, quá khứ chỉ là quá khứ.

PML: Trong năm nay tôi viết được 3 ca khúc: “Mây”, “Sài Gòn Đêm Xanh” và “Hình Như Là Tình Yêu”. Bây giờ chị chỉ hỏi  về ca khúc “Hình Như Là Tình Yêu” vậy tôi  trả lời câu hỏi này thôi nhé. Nói về Tình Yêu Đôi Lứa, hình như muốn Cho và Nhận đều đòi hỏi một khả năng Yêu và một khả năng Nhận Tình Yêu một cách tuyệt đối, chưa nói là khả năng Yêu Lại tuyệt đối. Nhưng cuộc sống xã hội với nhiều giới hạn và ràng buộc làm mất dần đi khả năng đó. Đến khi “hai tay buông xuôi, xin làm cây thánh giá, mang lên cắm đất những vì sao…” (trich thơ Cung Trầm Tường) thì hình như tình yêu mới xuất hiện. Vì thế, tôi kết luận trong ca khúc đó là “Hình như là Tình Yêu chỉ có ở thiên thu.” Nhưng tất cả chỉ đều là nghi vấn ngay cả tựa đề của ca khúc này. Và có lẽ chúng ta cũng không nên bàn luận về đề tài này làm gì nữa nhỉ.
 

Phạm Mỹ Lộc trình diễn tại nhạc hội mùa thu “Hương Thiền”
Tại chùa Bảo Quang (Orange County)

HLC: xin cảm ơn nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc. Tôi tuy cùng thời với anh nhưng cái nhìn, nhận định về giòng chảy âm nhạc của chúng ta trong suốt 20 năm nội chiến sẽ không được như anh. Một, vì tôi không đam mê đàn. Hai, vì tôi là con gái, bị trói buộc bởi lề thói gia đình, học đường, xã hội. Với tôi, âm nhạc Cần nhưng không là Thiết. Tôi như người đi bên lề. Hy vọng với những kỷ niệm, hoài ức mà anh chia sẻ sẽ giúp cho thế hệ sau này tạm hình dung được đời sống âm nhạc của Sài Gòn năm xưa ra sao, dưới cái nhìn của một người yêu đàn. Tuy vậy, tạm biệt mà không hỏi anh còn những tâm sự nào ấp ủ chưa nói, những ước mơ nào muốn thực hiện trong chuyến xe chót của cuộc đời, những lý tưởng nào muốn gửi lên vai con trẻ, thì quả là chưa đủ. Vậy anh chia sẻ chứ?

PML: Tâm sự nào ấp ủ ư. Có lẽ nhiều tâm sự quá chị ạ. Con chim xa bầy thì biết bao tâm sự trĩu nặng. Còn ước mơ ư? Thì tôi đã thực hiện được một ước mơ của tôi : Tôi đã kết thúc cuốn sách “Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt” (ngày xưa tựa là “Hành Trình Vào Âm Nhạc Việt”, nhưng thấy nhiều người dùng chữ “hành trình” nên tôi bỏ đi) và nay mai tôi sẽ cho đăng phần tổng quan trước. Đây là cuốn sách sưu tầm những thang âm và điệu thức để giúp những nhạc sĩ  trẻ trong tương lai viết ca khúc hay nhạc không lời có hơi hướng nhạc dân tộc theo kinh nghiệm cá nhân khi tôi vừa làm khảo cứu vừa sáng tác. Còn lý tưởng gửi lên vai con trẻ ư? Câu hỏi có vẻ lớn lao quá vì các con tôi sinh bên Mỹ và có lẽ muốn áp đặt một lý tưởng của mình lên chúng, cũng khó quá chị ạ. Thôi thì chỉ muốn gửi vài lời nho nhỏ đến giới trẻ nói chung, đó là dù ở chân trời góc biển nào, ngoài sự gia nhập phong tục, tập quán, văn hóa nơi đó, họ cũng nên quan tâm đến di sản văn hóa Việt. Tôi nghĩ xã hội nào cũng khuyến khích điều này vì sẽ làm cho văn hóa thế giới phong phú hơn.
 

HLC: trước khi phỏng vấn anh, tôi viết bài “Thứ Bảy nghe nhạc Phạm Mỹ Lộc”. Sau khi soạn bài phỏng vấn, gửi cho vài thân hữu xem để đề nghị họ đóng góp câu hỏi thì tôi nhận được từ BS Nguyễn Cường ở Arizona hai câu như sau: (1) Có những bản nhạc nghe thật hùng mạnh, thật tha thiết, thật da dứt. Rồi có những nhạc phẩm khi nghe mặc dù thính giả đang ở tâm trạng nào cũng mặc, thính giả vẫn bị bản nhạc lôi cuốn vào mầu sắc và cái không khí của bài nhạc. Có người cảm thấy Bài Hoa Nắng làm cho người thấy tâm hồn trong sáng, như một người vừa ngủ dậy, người thật khoan khoái, ra đồng nhìn khoảng trời xanh ngắt bao la, gió mát êm êm, lay nhẹ cành hoa đầu ngõ.  Bài này anh đã sáng tác trong trường hợp nào và anh muốn chia xẻ cảm súc, rung động gì với thính giả?
(2) Thấy anh có vẻ lưu tâm đến những âm nhạc đặc thù của nước mình như Quan họ. Anh có ý kiến gì về cách bảo truyền và cách phổ biến cho thế hệ trẻ ở ngoại quốc?

Còn LS Dương Như Nguyện thì : Người nhạc sĩ sáng tác không chỉ người viết  mà còn là “người nghe”. “Nghe” rất nhiều. Vậy anh “nghe” những ai và nếu có ảnh hưởng, thi ảnh hưởng từ ai? Về đàn thì anh chơi nhạc cụ gì và nhạc cụ này có ảnh hưởng thế nào đến việc sáng tác? 

Từ hai độc giả của tôi, tôi nghĩ rằng có vẻ như âm nhạc của Phạm Mỹ Lộc đã thu hút nhiều người như từng quyến rũ tôi nên tôi xin dành các câu hỏi trên cho một kỳ trò chuyện khác. Kỳ tới này sẽ nói về thế giới âm nhạc Phạm Mỹ Lộc. Trân trọng cảm ơn và hẹn anh kỳ tới.

Hoàng Lan Chi thực hiện 2012

Những bài cùng chủ đề

 

This entry was posted in LanChiYesterday, Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.