Cici Của Tôi

CiCi Của Tôi

CiCi là nick name mà tôi đặt cho một người bạn net.

CiCi là fan của tôi. Big fan. Big fan vì chỉ mới quen chưa bao lâu và khi tôi giới thiệu thì CiCi bỏ bê công việc để mải mê đọc Tạp Ghi của tôi. CiCi viết vầy “Chị hại em rồi. Chị viết hay quá thành ra mấy hôm nay công chuyện em bị đình trệ. Lo đọc chị không. Đọc gần hết rồi. Em có bà cô mà tụi này cũng gọi là cụ Tổng. Chồng mất, bà ở với anh là Bố em.” (Bà Tổng là nick name của tôi do em và các con gọi tôi. Bài đó ở đây: Con Gái Người Dưng)

Sau khi đọc hết thì CiCi khám phá ra CiCi là học trò cha tôi ở Petrus Ký (Bài đó ở đây: Bác và Cha tôi ). Vậy là coi như Cici giống tôi ở một điểm: dân Bắc Kỳ nhưng không học Trưng Vương hay Chu Văn An  mà học Gia Long và Petrus Ký. Cici ít xưng em với ai dù nhỏ tuổi hơn nhưng “Chị là con Thầy, em phải gọi thôi. Anh Cả em năm nay gần 80 rồi”. Tôi thì lên giọng “Ai chơi với chị thì dù nhỏ hơn một tuổi cũng phải gọi chị là chị xưng em cho tử tế, huống hồ em thua cả chục tuổi. Nhất niên vi tỉ, nhất nguyệt cũng vi tỉ!” ( Tôi nhại câu Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư).CiCi không hề biết là một người bạn thua tuổi tôi nhưng lại được làm anh chỉ vì tôi lộn. Tôi cứ ấm ức chuyện này mãi nhưng lỡ rồi thì đành chịu.

Tôi hỏi vì sao Cici đọc hết bài của tôi nhanh thế, CiCi gõ “ Đọc thì lẹ lắm. Speed reading mà, nhưng chị có nhiều bài hay quá. Đọc chị làm em nhớ lại thời xưa, đi học về, vừa ăn cơm, vừa đọc báo Chính Luận, và vừa nghe mắng là không được  ăn và đọc báo. Nói đến đây, em tiếc không nói chuyện nhiều với Bố Mẹ lúc đó”.
Hai chị em trò chuyện qua lại. CiCi viết thế này về Chu Văn An “À, hôm nay mới đọc bài chị viết về trường  Chu Văn An.  Thấy chị lầm đường lạc lối quá. Vậy là ngày xưa chị không có cơ hội gặp dân Petrus Ký thành ra chị không được thấy chân lý để mà về chiêu hồi.” Tôi phì cười. Ừ nhỉ chưa bao giờ tôi viết về Petrus Ký cả. Có chơi đâu mà viết. Đa số bạn trai tôi là Bắc Kỳ mà dân này thì học Nguyễn Trãi hay Chu Văn An. Cái kiểu chưa bao giờ gặp Petrus Ký để thấy là Petrus Ký giỏi của Cici làm tôi chỉ tủm tỉm.

Cứ thế hai chị em thân nhau. Thân nên tôi kể nhiều chuyện và Cici thì viết vầy “Sống đạo đức bao giờ cũng khó và mất mát nhiều, nhưng không hổ với lương tâm. Làm điều trái, không lấy lại được dù cho có muốn. Cách chị đối xử với 2 “em” kia là đúng rồi. Đừng nói là tiếc, mà nên nói là mừng không có chuyện gì xẩy ra.” Trời ơi là trời, tôi thở than là tôi tiếc hai chuyện thời xưa thì Cici viết như vậy đấy. Từ đó, tôi gọi Cici là “ông cụ non”.

Cici, ông cụ non của tôi ngoài nhiệm vụ bảo vệ đạo đức của bà chị còn là người ngắm khi tôi đeo ngọc. Ngắm khi đeo ngọc là tôi ám chỉ chuyện vầy: bố trẻ Lê Hữu ( người có nick name dài nhất thế giới, do Lê Hữu tự nhận, Người Nợ Đóa Tường Vi Yêu Kiều Từ Muôn Kiếp Trước NNĐTVYKTMKT) là người tìm ngọc trong đá ( nghĩa là thấy những cái hay ho của một nhạc phẩm mới mà tôi chưa thấy) còn tôi đem sáng tác mới đó ra xem, nghe rồi bình phẩm viết bài thì là tôi đeo ngọc. Tất nhiên khi mới đeo tôi bảo Cici ngắm, nghĩa là tôi cho Cixi đọc bài văn đó trước hay nghe bản nhạc đó trước.

Cách đây ít hôm, tôi đeo ngọc Phạm Mỹ Lộc và kêu Cici ngắm. Cici khen đẹp. Cici viết rằng bài “ Không biết bài ‘Chuyện Kể Bên Sông’ có gợi nhớ gì với …” . Câu nhận xét làm Lộc buồn năm phút. “Ông em bác sĩ của chị cảm được nhạc tôi nhưng nhận xét vầy thì ..”. Tôi bật cười, meo cho Cici. Cici của tôi đúng là bác sĩ tử tế (vì có nhiều bác sĩ không tử tế), Cici vào blog Lộc nghe lại nhưng Cici rầu rĩ “Sao chị nói làm gì, ảnh xóa bài đó đi rồi”. Tôi gửi link riêng của tôi cho Cici nghe lại. [1]

Thế rồi Cici lẳng lặng mail cho Lộc và copy cho tôi. Không thấy nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc trả lời, tôi ngạc nhiên hỏi Cici. Hóa ra Lộc trả lời riêng cho Cici thôi.

Tôi hỏi: Sao Lộc không cc cho chị?
Cici: Ai biết đâu tại sao không cc cho chị. Chắc là cái này là CVA nói truyện với PK, thì GL đứng ngoài thôi 🙂

Tôi:Chu văn An  nói truyện với Petrus Ký , thì Gia Long đứng ngoài thôi”  á à, gớm nhỉ!
CiCi: Thì ngày xưa khi các cụ ông nói chuyện với nhau các cụ bà chả đi chỗ khác là gì?
Mợ quên rồi à?

Tôi: Trời ơi là trời, nói vầy, mợ tức chết đi được. Mợ là Phàn Lê Huê HK cơ mà.
CiCi: Này nhớ, đừng có vớ vẩn. Hoa kỳ Hoa cờ gì thì cũng thế thôi. Cái nền Văn Hoá nước nhà là bao giờ cũng vậy. Thế các bà định nhũng hoại cái nền tảng mà chúng tôi, các đấng mày râu đã dựng từ bao năm nay? Có phải thế không thì bảo ngay.

Tôi: Ừ, mợ nói thế đấy. Đừng có cái kiểu xưa như thế là hủ lậu lắm nhé. Nền Văn hóa nước nhà thì cũng phải tiến, phải chảy chứ có giòng sông nào đứng lại bao giờ? Trời lạnh, mợ đang mặc quần nên không tốc váy lên chửi mất gà được đấy. Liệu hồn!
Cici:Tiến lắm, chảy nhiều cũng chẳng đi đến đâu.  Này, cầy bừa, gánh vác thì cũng không qua tay  chúng tôi. Ngữ các bà mà  đến đâu. Thôi cho chúng tôi xin.
Đến đấy thì tôi ngưng, không phải vì thua mà vì buồn ngủ đi ngủ. Đấy, mang danh bác sĩ mà ông cụ non ghê chưa. Nhưng em tôi làm tôi vui. Á à, Cici, một dân Petrus Ký!
Ông cụ non mới “ca đô” bà chị cây bonsai gửi từ New York. Bà chị ngúng nguẩy “Sao em không nói nó gửi cây có trái cho chị. Hay là em nuôi đi, khi nào có trái thì đưa qua cho chị ngắm. Thế mới là tình nghĩa chị em chứ!”
Cây bonsai lựu chụp cạnh bức hình của tôi từ năm 1987:

Sài Gòn Muôn Năm Cũ
 
Đề tài viết về Sài Gòn coi bộ hấp dẫn người xem. Hôm qua, bài tôi trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc về âm nhạc trước 75 được các dân Nguyễn Trãi, Trần Lục, Chu Văn An bị tha đi các diễn đàn này. Thì một thời học trò với âm nhạc, một thuở tuổi trẻ Sài Gòn làm dáng được nhắc lại, ai mà chả bùi ngùi. Nhạc sĩ Mỹ Lộc đùa “Bạn tôi nói sao dấu kỹ thế. Tôi bảo bụt chùa nhà không thiêng, phải là dân Gia Long lancer mới thiêng!”. Nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc vừa là dân Nguyễn Trãi vừa là dân Chu Văn An. Ở đâu thì ai cũng có cái tự hào riêng. Tự hào về trường học có lẽ là cái đáng yêu của tuổi học trò. Tôi phải cảm ơn bố tôi cuối cùng quyết định cho tôi học Gia Long thay vì Marie Curie. Thử tưởng tượng tôi mà học Marie Curie thì sẽ lai căng nè, sẽ chả biết gì đến văn hóa dân tộc đừng nói gì đến tự tình, sẽ đắm đuối nhạc ngoại nè chứ làm sao mà biết thưởng thức vọng cổ, tân nhạc, hát bội, ca trù, ả đào! (là tôi nói cá nhân tôi thôi còn ai học trường tây mà không lai căng, vẫn đầy ắp tự tình quê hương  thì tôi không chả dám nói đến  ạ!)
Tôi “dụ dỗ” được  vài người kể chuyện Sài Gòn muôn năm cũ cho tôi như nhà văn Từ Trì. Anh là “sư huynh” ở Tổng Nha Kế Hoạch. Sau này anh chuyển qua ngành ngoại giao. Như vậy Sài Gòn cũ sẽ được nhìn dưới lăng kinh của một chuyên viên kế hoạch rồi ngoại giao. Tôi sẽ dụ dỗ GS Phạm Thị Nhung kể về giáo dục vì Bà học Trưng Vương Hà Nội rồi Sư Phạm Sài Gòn và dạy ở Gia Long từ 1962 hay 63 gì đó cho đến khi mất nước. Chưa kể “xếp lớn Hạnh” cũng hứa sẽ kể. Tôi gọi đùa theo cố Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang là “xếp lớn Hạnh”. Chả là trong một bài báo kể khi lên Hoa Thịnh Đốn, Nguyễn Đức Quang viết “ Tôi thấy chỉ còn xếp lớn Hạnh với cây violon”. Xếp lớn vì có lẽ anh Nguyễn Văn Hạnh từng làm khá lớn trong hai thời TT Bush cha và con. Anh là Giám Đốc Văn Phòng Tị Nạn và Định Cư của chính phủ Liên Bang. Anh Hạnh là Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch khi tôi là chuyên viên ở đấy. À, thời này Giám Đốc Nha Viện Trợ là Kỹ Sư Trần Hữu Dũng, boss trực tiếp của tôi. Dũng chính là người đọc báo Chính Luận thấy cô cử nhân ca cẩm gì đó bèn mời. Dũng cũng chính là người tiến sĩ viết bài ca ngợi cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức. Mở ngoặc, khi người bạn mới giới thiệu, tôi gạt ngay “Trần Hữu Dũng là boss ngày xưa của tôi, tôi biết lão thiên tả. Lão khen cuốn sách là tôi thấy cuốn sách có vấn đề rồi!”
Tôi vẫn nói rằng tôi là gái Sài Gòn chứ không phải gái Bắc dù tôi nói tiếng Bắc nhiều. Nói nhiều có nghĩa là tôi có sử dụng tiếng Nam, những tiếng rất đặc trưng mà sư tỉ Minh Nguyệt của tôi rất khoái như tôi hay nói “Em đâu có hưởn đâu”. Cách đây nhiều năm khi tôi viết Sài Gòn Ngày Ấy thì ối thôi thiên hạ rụng rời tim vì bao kỷ niệm được nhắc đến![2]
gái Sài Gòn nên tôi chỉ thích viết về Sài Gòn xưa nghĩa là Việt Nam Cộng Hòa cũ mà thôi.
Hoàng Lan Chi 2012


[1] Nhạc PML ở đây:
Thứ Bảy Nghe Nhạc Phạm Mỹ Lộc

[2] Sài Gòn ngày ấy ở đây

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.