Em, Sài Gòn Nhỏ

Em Sài Gòn Nhỏ là tựa một nhạc phẩm của Nhạc Sĩ Phạm Mỹ Lộc. Về PML thì tôi đã giới thiệu qua vài tạp ghi trước đây và qua hai bài phỏng vấn [1].

Nhạc sĩ PML kể với tôi là sau khi bài đầu tiên được gửi vào các diễn đàn Nguyễn Trãi, Chu Văn An thì các bô lão cãi nhau, tố khổ nhau. Tôi hỏi tố khổ cái gì, Nhạc Sĩ PML nói rằng cái đoạn “Sài Gòn làm dáng” khiến các cụ ngày xưa làm dáng hơi bị cáu. [2]
PML viết “ Nó bảo tôi ‘làm dáng’ khi tuyên bố ‘khi nào trả lai license hành nghề LS. cho tiểu bang Cali. thì sẽ viết ‘Nhạc Sử VN’. Ngoài ra rất vui nhộn nó bảo rằng: ‘ mày muốn cháy nhà hay sao mà tuyên bố mất hồn vì GL’. Thứ nhât là các mợ TV sẽ ‘đốt mày’, thứ hai là liên trường (trừ GL) sẽ ‘làm thịt’ mày. Sao may già rồi mà còn ‘dại’ thế.


 
Một cụ khác thì xỉa xói PML rằng “.. đám cưới tao nó hát ‘Ngậm ngùi’ của PD phải nói đó là giọng ca vàng. Còn nó ra tập nhạc “NBHCTY” với Từ Công Phụng thì phải nói một bên là Phụng một bên là sâu!”
 
Tôi bật cười khi nghe nhạc sĩ PML kể. Những cái “chí chóe” ấy làm diễn đàn sôi động hơn và rất “đặc trưng” Bắc Kỳ. “Cụ” cả rồi nhưng sống lại thời hoa niên thì các cụ cứ xả láng “tao/mày” thật là vui.

PML bảo tôi “ Tôi trả lời cụ đó là ít ra câu nói của mày tao cũng được một nửa”. Tôi nói “Thì tôi  đã nói anh hát hay mà. Nhưng nói với họ là họ cứ chờ đó, Sâu PML có còn là sâu không nhá”.

Sau vài ngày, tôi tung tiếp bài số hai về PML. Bài này mới là bài nói về cuốn sách anh sẽ xuất bản và giòng nhạc của anh. Sau khi bài này phổ biến, Nhạc Sĩ PML kể khi tôi hỏi về quý bô lão Chu Văn An“Các bô lão các trường trung học đang tụ tập để ăn Tết Tây rồi kéo qua Tết Ta rồi mới trở lại Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và các nước khác. Vì thế còn tranh luận dài dài. Sau khi bài 2 tung ra thì đề tài lại chuyển sang chuyện dân ca, dân nhạc. Họ được nghe nhạc nên rất là khen writer & musician vì vừa đọc báo online và nghe nhạc free. Hội bô lão có vẻ bớt “căng” và không còn “khẩn trương” và biến PML từ “con sâu” thành “Hoàng Hạc”, mỗi ca khúc là vài “cây” vàng và có thể dùng để mua vé máy bay “vượt biên ngược” về VN vui xuân. Các cụ ấy bình phẩm như thế đấy.”
 
Tôi bật cười lần nữa. À, từ “Sâu” của thuở 1969 ( khi so sánh với Từ Công Phụng), bây giờ PML đã được thành “hạc”!

Từ những “chí chóe” của các bô lão Chu Văn An, tôi gửi đến quý bạn vài giòng trích từ mail của Nhạc Sĩ Nguyễn Tuấn ( nick name là MaSơ, MS,  do tôi đặt cho Nguyễn Tuấn) gửi cho tôi ngay khi tôi giới thiệu giòng nhạc PML:

Hello Cô Nương,
 
Cái gì hay thì mình cần phổ biến.  Vì thế MS đã gửi đi tứ phương bài của Cô Nương.
Đọc bài này nhiều người thích vì cách đặt câu hỏi của CN dí dỏm và anh PML cũng trả lời sát vào chủ đề với nhiều chi tiết thú vị. (chả bù cho nhiều ông tướng tá được phỏng vấn cứ nói linh tinh ngoài đề). Đọc bài này có cái thú như được xem một tập album cũ.  Những chuyện anh Lộc nói, MaSơ đã biết gần hết (vì tụi mình đều là chứng nhân lịch sử cả mà! Hì hì..) nhưng xem vẫn thấy thích thú, hấp dẫn.  Đối với thành phẩn trẻ thì họ cũng thích vì biết thêm được nhiều điều mới lạ trong quá khứ.
 
Thực ra MS đã nghe nhạc của PMLộc từ lâu rồi do một anh bạn NgTrai ở MD (làm cho NASA)  chuyển. Khi đó MS nhận được cả music sheet nên đã thử đàn hát một số bài và đã thấy thích ngay.  Bây giờ chẳng còn giữ được bài nào vì cái computer cũ vị virus, mất sạch tài liệu lưu giử rồi.
 
Nhạc của PML kén người nghe.  Có lẽ do ảnh hưởng nghề luật sư (như bà xã của MS) nên anh ấy viết rất thận trọng. Anh ấy chắt chiu về giai điệu, cẩn thận khi viết lời ca. Vì thế chắc là anh ấy đã không viết những bài thuộc loại ..”mì ăn liền ” như MaSơ.  Anh ấy thuộc loại có học hành về nhạc đàng hoàng chứ không phải tay ngang như MS nên cách anh ấy đi chords “ác liệt” lắm chứ không phải chỉ đi mấy chords đơn giản, xòang xĩnh như MS.  MS thì…viết liều vì…có gì để mất đâu!
Nhạc của vài người khác dễ phổ biến nên tuy họ nổi tiếng nhiều nhưng những kẻ biết chút ít về nhạc như MaSơ thì sau khi nghe nhạc của PML lại rất thích dù PML ít được biết đến hơn.  
 
Mời CN nghe một ca khúc hay của PML do Lâm Dung đàn và hát: “Em, Sài Gòn Nhỏ. 
 
(Ngưng trích Nguyễn Tuấn)
 
À, qua mail của Nguyễn Tuấn, tôi nghĩ rằng như vậy cái Tai của tôi cũng thuộc loại “biết nghe” lắm chứ dù tôi không biết nhạc như Nguyễn Tuấn. Biết nghe là cảm được bài hát ấy hay vì có những bài nhạc thuật khá cao, không phải bình dân.  Qua mail Nguyễn Tuấn, tôi thấy Ma sơ của tôi dễ thương. Dễ thương vì anh không giống vài người khác, nghĩa là của mình là nhất, của người là chót.

Cách đây vài tháng, Nhạc Sĩ PML gửi tôi bài “Quê Hương Tuổi Nhỏ”. Giời ạ, bài này đã quyến rũ tôi nghe đi nghe lại cả mười lần ngay khi nhận được. Bỏ qua yếu tố ca sĩ Trần Thu Hà ( phách, hay nói hỗn…) thì phải nói Trần Thu Hà hát bài này quá hay. Từng câu, từng chữ được trau chuốt và nhả rất tuyệt. Không điệu mà vẫn trau chuốt. Melody thanh thỏa và lời thì như thơ vì là nhạc phổ từ thơ.

Mời quý bạn nghe thử nhé:

https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/QueHuongTuoiNho.mp3

Lâm Dung hát “Em, Sài Gòn nhỏ” hai lần. Lần đầu chưa đúng ý tác giả. PML sửa cho Lâm Dung và version 2, LD hát hay hơn. Bài hát này nói về Sài Gòn Bolsa và tiếc nuối cho một Sài Gòn sau 300 năm bị mất tên:

https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/EmSaigonNho.mp3 

Nghe những nhạc phẩm khác của PML tại đây: https://soundcloud.com/phammyloc

  

Lâm Dung với Hoàng Lan Chi của ngày cuối cùng năm 2012:




 

[1] Phạm Mỹ Lộc-Hành Trình Về Âm Nhạc Việt
Nhớ Về Dòng Suối Âm Thanh Sài Gòn 20 năm Xưa
Thứ Bảy Nghe Nhạc Phạm Mỹ Lộc[2]  Làm dáng đây:PML: Tôi không dám đại diện giới trẻ Sài Gòn thời ấy để trả lời câu hỏi của chị. Như đã trình bày ở trên , tôi chỉ có thể nói về lối sống của cá nhân mình và bạn bè thôi. Bây giờ tôi nói về văn chương trước.  Về sách ngoại ngữ, đại khái là giới trẻ học trường Tây đa số thông hiểu ngoại ngữ thì họ tiếp cận dễ dàng những gì từ Âu Mỹ mang đến. Ngoài ra trong trường họ cũng được tiếp xúc với văn học, triết học Âu Mỹ. Vì thế nếu ai thích văn chương, triết học có thể đọc nguyên tác để thưởng thức.
Còn học sinh trường Việt trừ một số có đi học thêm ngoại ngữ, đa số không đủ sức để đọc nguyên tác. Vậy chỉ còn có cách đọc sách dịch. Ngoài các dịch giả như Bùi Giáng, Phùng Khánh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu…đa số là “phóng tác” vì không hiểu hết ý nghĩa của tác giả. Vì thế học sinh trường Việt bị thiệt thòi về điểm này. Tuy nhiên về văn chương Việt Nam, hay văn chương nước ngoài do các tác giả Việt Nam viết thì họ lại có ưu thế hơn.
 
Còn về âm nhạc thì trường Tây, trường Việt có cách tiếp cận giống nhau. Bằng chứng là trong trường Quốc Gia Âm Nhạc không có phân biệt nhạc sinh học trường Việt hay trường Tây. Chỉ có sách solfege và Harmony thì các thầy dùng sách của Pháp. Nhưng những danh từ âm nhạc thì dùng lẫn lộn Việt Pháp.
 
Với vốn liếng như thế thì ai “làm dáng” ai không? Không thể trả lời chung chung được. Để cá nhân hóa vấn đề, tôi kể chị nghe câu chuyện này. Tôi có một anh bạn học Chu Văn An. Trong lớp về sinh ngữ Anh và Pháp anh rất là xoàng. Nhưng khi nói chuyện thì bàn nào là Hemingway, Saroyan, Nikos Kazanzakis, Sartre…. Tôi hỏi anh ta đọc mấy tác giả này ở đâu? Anh ta trả lời ngon ơ : “moi đọc sách Tây và Mỹ.” Tôi phục anh ta nhưng cũng hơi nghi ngờ. Gần buổi học cuối năm tôi thấy anh ta bỏ quên một quyển sách trong hộc bàn. Tôi tò mò xem là sách gì. Hóa ra là cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” của Phạm Công Thiện . Trời ơi ông bạn tôi thuộc lòng quyển sách này rồi mang kiến thức ra “trộ” bạn bè. Sau này tôi thấy anh hay ngồi ở quán La Pagode đường Tự Do với các bậc trưởng thượng văn chương báo chí. Đặc biệt là anh ta đi vào ngõ hẻm hay đá vào các thùng rác người ta để ngoài đường cho có vẻ có khí phách của “nghệ sĩ-triết gia”. Đó là một điển hình của sự làm dáng về văn chương.
 
Còn về âm nhạc thì tôi có thể nói ngay. Chị đến café Thu Hương đường Hai Bà Trưng được nghe nhạc Pháp. Tôi biết chắc là có chừng vài người trong đám đông ấy hiểu lời bài “La plus belle pour allez danser”do Sylvie Vartan hát. Nhưng người nào cũng gật gù thưởng thức. Nhưng không sao, đây là một sự làm dáng dễ thương. Không hiểu lời thì nghe nhạc cũng được.
 
Nhưng “làm dáng” đáng chê trách hay không? Tôi xin trả lời là không. Vì tuổi trẻ ở đâu cũng dễ thương, dễ tin và hay “làm dáng”. Thật đấy. Tôi xin lạc đề một tí. Tôi có một anh bạn học y khoa khi đi học lúc nào cũng đề ống nghe và áo blouse ở rổ đằng trước xe Honda. Nhất là khi đang đi ngang trường nữ lúc tan học thì được dịp khoe cái mác sinh viên y khoa của mình. Còn anh bạn trường Luật của tôi thì mặc áo thụng đen của luật sự tập sự đi bộ từ tòa án sang Nha Động Viên để “hù” các sĩ quan ở cơ quan này. Lần nữa, nhắc lại chuyện cũ, thật là dễ thương.
 

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.