Lời Tỏ Tình Dễ Thương

…Về một dân CVA của Khoa Học Sài Gòn những năm 67-71

Hồi xưa xem truyện tình tôi thấy các nhà văn thường diễn tả như sau:
-Chàng cúi nhìn vào đôi mắt bồ câu (tại sao nhân vật chính luôn luôn có đôi mắt bồ câu mà không là ..mắt toét?) run giọng “anh yêu em “.
-Chàng cầm tay nàng nhìn say đắm “Anh yêu em”.  Đại loại như thế nhưng khi khảo sát thực tế nơi vài nguời bạn thì  tôi thấy… sự thực chẳng như các nhà văn mô tả tí nào. Đúng là các văn sỹ chuyên tuởng tuợng!

Không biết bây giờ các bạn trẻ tỏ tình với nhau như thế nào, còn tôi ư, tôi thích lời tỏ tình dễ thương của người bạn thuở sinh viên…

T bằng tuổi nhưng học trên một năm. Có lẽ do T học giỏi. Tôi quen T khi nộp đơn thi vào dịp cuối niên học. Lúc đó, đã hết hạn ghi danh và người phụ trách yêu cầu tôi chờ để xin ông Tổng Thư Ký.

Trong khi đứng chờ ở ô cửa sổ nơi ghi danh thì T đến đứng cạnh. Bất thình lình một con sâu từ cây còng me tây rơi xuống trên tay tôi. Tôi rất sợ sâu nên đã hét lên và mặt tái ngắt. T điềm nhiên bắt con sâu cho tôi rồi T bắt chuyện:
-Chị ghi danh trễ hả ?
-Dạ.
-Lát ông Thái vào thì xin. Tôi đi Đà Lạt nên cũng ghi trễ.

Khi ông Thái vào, tôi vào phòng ông và trổ hết tài năn nỉ cùng… nhõng nhẽo. Lợi khí của con gái là nhõng nhẽo mà lại. Cuối cùng thì thành công. Khi ra, thấy T đang đứng xớ rớ xa xa tôi vẫy tay:
-Anh mang hồ sơ lại đây, Chi xin dùm luôn cho.
T đưa hồ sơ. Tôi lại chạy vào. Ông Thái mắng yêu:
-Gớm cái con bé này. Thân mình vừa lo xong, đã đèo bồng thân khác.
Nhưng có lẽ hồi đó cái “bản mặt” tôi cũng… khá dễ thuơng nên đi đâu năn nỉ cái gì cũng qua tuốt. Đừng nói đàn ông,  kể cả các chị làm văn phòng cũng rất thương tôi.

Khi tôi đưa trả lại hồ sơ, T mỉm cuời:
-Cám ơn Chi. Mình đi uống nuớc nhé?
Tôi tròn xoe mắt:
-Ủa, sao anh biết tên Chi?
T lại cuời:
-Thế mới tài chứ. Tôi là thầy bói mà.
Tôi nghiêng đầu, nheo mắt ra dáng đăm chiêu. T phá ra cười:
-Đùa thôi. Hồi nãy đứng ở phòng ghi danh, tôi nhìn vào hồ sơ và biết tên Chi. Huống chi…không biết nguời nào vừa mới tự xưng tên ấy nhỉ.

Tôi đỏ mặt. Ừ nhỉ, bố mẹ tôi rất khó không cho chơi với bạn trai (nhất là  truờng nữ Gia Long ít có cơ hội tiếp xúc bạn trai), nhốt trong bốn bức tường học nên tôi rất khờ. Khờ và tồ. Cả nhà đã gọi là Chi Tồ. Vào trường Gia Long, tôi vẫn có thói quen gọi bạn bằng tên hay chị (với các chị lớn) rồi xưng tên Chi. Do đó khi lên đại học, nói chuyện với bạn trai chỉ một lúc là họ biết tên  tôi ngay.

Đó là buổi đầu tiên gặp gỡ của chàng và nàng. Sau đó chúng tôi chơi với nhau rất thân. T       thông minh, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay, vẽ đẹp nhưng chỉ cao hơn tôi chút xíu và tính nết thì ngang tàng không ai bằng. T rất hách, ít chơi với con gái khoa học.Toàn lên Đà Lạt đàn hát với các cô bé xinh như mộng. Do đó T cúp cua thuờng xuyên. Lúc về lại mượn tập của tôi. Có lẽ tôi là cô bạn duy nhất của T ở Khoa Học.Với các cô khác T nói ít và sẵn sàng sửng cồ nếu cô đó lên mặt hay sai T. Đặc biệt với tôi, T rất dễ thuơng. Chiều chuộng vừa phải, hay trêu ghẹo tôi nhưng không qúa lố.

Chơi với nhau qua năm thứ hai, tôi thực tập chứng chỉ Sinh Hoá chung với T. Hồi đó, chúng tôi học theo chứng chỉ. Ai muốn ghi tên học chứng chỉ vào lúc nào cũng đuợc. Nên có khi cô bạn thân của tôi thích học chứng chỉ A năm này, còn tôi để sang năm mới học.Vì vậy tuy trước tôi một năm nhưng T chọn thực tập sinh hoá cùng với tôi. T rất hay đùa. Một lần giờ thực tập, trong lúc chờ phản ứng hoá học dài ba giờ, chúng tôi ngồi chơi nói chuyện. T bảo tôi:
-Chi có biết sau này nếu tôi làm tổng thống, tôi sẽ mời Chi làm gì không?
Tôi cười cuời:
-Làm gì, phó tổng thống hả?
-Không, phó tổng thống là phải đứng cùng liên danh.
-Hay bộ truởng thông tin vì Chi thích viết văn làm báo?
-Không, làm cái đó cực lắm.Tối ngày cắt xén bài vở, đình bản báo chí rồi còn bị tụi nó chửi, khổ lắm.
Tôi phụng phịu:
-Thế làm gì, làm gì không cực?
-Làm tướng. Làm tướng chỉ huy sẽ không cực.
Tôi xịu mặt:
-Xời ơi, nguời ta con gái mà bắt làm tuớng.
T nghiêm trang:
-Tướng này đặc biệt lắm. Chỉ có một thôi.

Tôi ngây thơ nhíu mày suy nghĩ “tuớng nào mà chỉ có một?”. Đấy, con trai Bắc, dân Chu Văn An hay có cái “đểu” như vậy đó!

T ghé tai tôi thì thầm:
-Nội tướng đó. Tôi mời Chi làm nội tuớng nhé?
Tôi phì cuời.

Ba năm trời chơi với nhau. Tình cảm cứ lửng lơ như con cá vàng. Thân thì rất là thân. Hiểu thì  quá là hiểu. Chỉ cần nguời này nói nửa câu là nguời kia đã đoán đuợc.

Nhưng tôi tính toán. Tôi mơ (lại mơ!) chàng hoàng tử của mình phải cao lớn, đẹp trai để mình có thể nép mình cho chàng che chở, chàng phải là bác sỹ để tôi là bà bác sỹ cho nó oai. Vừa oai vừa có nhiều tiền. Còn bây giờ chàng chỉ là cử nhân khoa học như tôi, chán chết. Lại chỉ cao hơn “nguời ta”có chút xíu. Nên tình cảm cứ thế lơ lửng.

Tốt nghiệp cử nhân, T làm cho một laboratoire, tôi thì là chuyên viên của Tổng Nha Kế Hoạch. Rồi cả hai đều bỏ việc làm và về lại trường  học cao học. Tôi bỏ vì không thích cuộc đời công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, T bỏ vì chờ du học tự túc ở Đức.

Một lần T đưa tôi về sau khi tan học. Buổi sáng hôm đó trời rất đẹp, thật trong xanh và gió thoảng nhẹ. Trời tháng chạp mà. Cái hơi lạnh hiếm hoi  của miền Nam thật thú vị..

Khi đi ngang nhà thờ Đức Bà, con đuờng Thống Nhất rộng thênh thang, cây cao và đẹp bỗng T thò tay ra sau nắm tay tôi bóp nhẹ:
-Anh nói Chi nghe cái này nhé.

Úi chao, tôi thầm nghĩ “sao hôm nay dám xưng anh vậy ta”. Nhưng tôi vẫn ngoan hiền (chà cái ngoan và hiền là cái dễ dụ con trai nhất trên đời):
-Gì cơ?
Con gái bắc kỳ hồi đó có ngôn ngữ thật đặc biệt “Gì cơ”’ nghe dịu dàng dễ thương làm sao. Bây giờ thì các cô “cái gì ? U nói cái gì ?!”

T nghiêng đầu ra sau:
-Anh dặn bé cái này nghe. Từ nay…bé đừng chơi với tên con trai nào hết. Chỉ chơi với mình anh thôi. Nhé?

Tôi sững nguời. Dù T không nhìn thấy nhưng tôi có cảm tuởng tai mình đang đỏ ửng.Tôi mím môi, chớp mắt và không biết trả lời sao hết.

Thương anh thì thương rất nhiều nhưng không muốn lấy anh gì cả ! Mà sao hồi đó tôi ngu ghê, thương thì cứ thương, lấy thì … hạ hồi phân giải. Tại mình “ngoan nhất nuớc” nên chủ trương hễ yêu ai thì phải lấy nguời đó. Trong lúc tình cảm hỗn độn mà tôi  gọi đùa là “demi oui demi non ” (nửa muốn nửa không) tôi chỉ nhẹ nhàng ngả đầu vào vai T. Cái hành động bạo dạn duy nhất của tôi hồi đó.

Những ngày sau đó T hay đưa tôi đi học. Tôi ở tâm trạng rất kỳ. Tôi viết trong nhật ký “có thể yêu một nguời và lấy một nguời không?”

Cuối cùng thì cái “demi non” thắng vì cô bạn tôi lý luận”. Nó bằng tuổi mình, sau này mình già nhanh hơn nó. Nó sẽ có bồ. Mệt lắm”

Tôi hùng dũng viết một bức thư giã biệt. Coi như chỉ mới vỏn vẹn một tháng. Khốn thay mẹ tôi bắt được bức thư  đó vì cô con gái tồ của bà đâu biết dấu thư. Bà hỏi tôi:
-Cô có yêu nó không?
Lạ, ngày đó sao chúng tôi ngoan thế. Chỉ nghe mẹ hỏi có yêu người ta không mà cũng thấy ngượng. Tôi lắc đầu:
-Không!
Trước đó, trong số những người bạn trai, T được cảm tình của cha mẹ tôi vì vẻ nề nếp đàng hoàng. Mẹ hỏi tôi:
-Sao cô không yêu mà dám đi xem ciné với nó?

Tôi ấp úng. Tình thế đầu dễ giải thích. T năn nỉ bao lần và cuối cùng tôi xiêu chỉ vì T bảo T sắp du học xa, coi như lần đầu và duy nhất, một  “ân huệ” cho T. Trong rạp, T lén “mi” và cô con gái “ngoan nhất nước”(!) tự cho là đã bị ô uế, đã bị ràng buộc. Và cứ tự dằn vặt vì thương chàng chút chút thì có nhưng bảo có muốn lấy chàng không thì No. Cuối cùng mới viết lá thư giã biệt để rồi thư rơi vào tay mẹ.

Khi T đến nhà thì mẹ tôi ra tiếp. Bà cụ giáo huấn:
-Cậu có biết cậu dám rủ con gái tôi đi xem ciné với cậu mà không có phép của tôi là quấy       không?
-Dạ tại sợ bác không cho. Cháu lại sắp du học nên rủ Chi đi có một lần thôi ạ.
-À, thế là cậu sắp du học.Vậy cậu tán tỉnh con gái tôi làm gì? Cậu có biết là con gái chỉ có một thời không? Huống chi ai mà biết lòng nguời ra đi ?

Đại khái tôi ngồi trong nhà và nghe lén bà cụ kể tội T. Nhưng cái làm tôi nhớ nhất và còn mãi trong tôi là câu nói của T:
-Thưa bác, cháu không dám hứa cái gì hết vì như bác vừa nói, xa mặt có thể cách lòng. Huống chi cháu còn phải lo xây dựng sự nghiệp nên chưa nghĩ đến chuyện gia đình lúc này. Trong tất cả các bạn gái, Chi là nguời mà cháu yêu quý nhất tuy có nhiều nguời đẹp hơn Chi. Cháu là đứa rất lang bạt. Cháu đi chơi cũng dữ lắm thưa bác. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi đi chơi chán chê, sau mỗi cuộc vui, sau mỗi lần chán chường về tình thế, về chiến tranh thì cháu thích tìm đến Chi và Chi đã cho cháu một cảm giác an toàn như chim tìm về tổ ấm …

Tôi chỉ nghe đến đó rồi bỏ lên gác. Tôi cũng không biết sau đó mẹ tôi còn nói gì với T
nhưng khi T về, tôi đứng ở lan can nhìn theo và ngậm ngùi vì biết  xa nghìn trùng..
 
T còn tiếp tục đến nhà tôi hai lần nhưng mẹ tiếp và Bà còn cấm không cho tôi đi học vì sợ tôi gặp T ở trường. Hơn ba mươi năm sau, chúng tôi gặp lại nhau trên xứ người, T cười đùa:
-Ngày đó T chưa đủ kiên nhẫn. Giá như T chịu khó đến vài lần nữa, chắc T đã có Chi suốt đời.
-Bộ mẹ “giáo huấn” kỹ lắm hả?
-Thì đương nhiên. Mẹ Chi đẹp, týp phụ nữ xưa có học, T rất nể bà nên đã chịu trận ngồi yên cho bà giáo huấn.

Tuy vậy, chị ruột T thì cười  khi gặp tôi lần đầu, cũng sau hơn ba mươi năm tôi và T xa nhau:
-Em rất nhanh nhẹn, tháo vát nhưng cũng bướng bỉnh, ngang tàng lắm. T thì y như anh DHC, cũng ngang tàng không kém. Chị e hai đứa lấy nhau hồi xưa thì cũng rã sớm thôi!

Tôi chỉ cười. Chị không biết ngày xưa một số bạn trai đã phong cho tôi chức “Người con gái dễ thương nhất Khoa Học”. Ngày đó tôi hiền và ngoan lắm. Chỉ khi sống với Cộng Sản ngần ấy năm, bương chải nuôi con một mình thì làm sao cô bé ngày xưa vẫn tiếp tục ngoan được. Còn T ư, về già, T đổi tính tình, không còn ngàng tàng mà lại rất hiền. Khi trò chuyện qua điện thoại, tôi “mồm năm miệng mười” còn T thì hiền quá cỡ.
 
Sau này còn vài nguời theo tôi, tỏ tình bằng nhiều cách khác nhau nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích lời tỏ tình đó của T. Từ nay bé chỉ chơi với một mình anh thôi nhé. Lần đầu tiên T gọi tôi là bé.

Không biết bây giờ các bạn trẻ tỏ tình trên net ra sao nhỉ?

Tôi yêu U như những gì U có.

Tôi nhớ có đọc đâu đó một câu như vậy. Hay đấy chứ, tôi yêu bạn như những gì bạn đang là, đang có.

Bao năm trôi qua, tôi đã nghe nhiều lời tỏ tình nhưng với tôi, lời tỏ tình của năm xưa, của thuở sinh viên vẫn là dễ thương nhất.

Rừng Gió Virginia
Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.