Hoàng Ngọc An – Khi Xem Một Talk Show, Bạn Nhận Định Gì?

LGT: bài này trích từ mục Đành Phải Nói của NS Bút Tre số tháng 4/2013
Tác giả: Hoàng Ngọc An

Khi Xem Một Talk Show, Bạn Nhận Định Gì?

“Talk show” hiện giờ có nhiều, phải nói quá nhiều, cả trong nước lẫn hải ngoại. Xem xong thì khán giả thường có bình phẩm. Sự bình phẩm đó của “người Việt mình” ra sao? Chúng tôi ghi vài nhận xét của cá nhân chúng tôi dưới đây, với hy vọng “người mình” sau này sẽ có những bình phẩm hữu ích.

Sự hấp dẫn và cả sự lợi ích của các “talk show” đã khiến hình thái này lên ngôi. Tất nhiên, là thính giả thì chúng ta sẽ chọn lọc để xem. Xem cái gì thì “Nhân tâm tùy mạng mỡ”.  Cá nhân tôi rất lười xem các show phỏng vấn ca sĩ. Đa số các show này làm mất thì giờ và chả có ích gì cho tôi. Thế nhưng show kiểu này lại hấp dẫn “quần chúng bình dân” vì họ coi để giải trí trong lúc rảnh rỗi, làm bếp hay trông cháu…Show về chính trị quốc nội/quốc ngoại do người Việt thực hiện cũng không hấp dẫn tôi. Họ, nhiều khi, với tôi “nói như thánh tướng” ấy. Phí thì giờ. Show làm bếp thì cũng không vì tôi già cả, lại lươi huyền, nấu ăn cho mình còn ngại nữa cơ mà. Show phỏng vấn nhạc sĩ thì lại OK với tôi. Có lẽ vì tôi thích nghe nhạc sĩ nói về sáng tác của họ, về những người tình đã là nguồn cảm hứng cho họ. Với show về văn sĩ, cũng hấp dẫn tôi.

Tất nhiên khi xem thì cá nhân tôi cũng có phần chọn người “host”. Phỏng vấn nhạc sĩ mà gặp những cậu mợ phỏng vấn viên hỏi những câu ngớ ngẩn chả có ích gì cho mình thì cũng phí thì giờ. Thà là bài viết, lỡ có thấy nội dung hời hợt thì  mình cũng chỉ mất vài phút chco việc liếc sơ. Còn show truyền thanh hay truyền hình cứ phải nghe, có khi nghe khá lâu khoảng mươi phút rồi mới biết. Vì thế, tôi thường chọn talk show với  người điều khiển đã từng có uy tín.

Bình thường khi xem một talk show, tôi chú ý đến chủ đề và đã tập cho mình thói quen “xoáy” vào đó. Điều đó có nghĩa là tôi xem là nhân vật chính có nói đúng chủ đề không và điều họ bày tỏ về cái chủ đề đó, có giống mình không? Tôi không nói Sai hay Đúng mà là “có giống mình không”. Đơn giản là “chân lý bên này Pyrénées khác bên kia”. Cái “taste” không ai giống ai. Chỉ tò mò coi quan điểm của người ấy có giống mình hay không.

Tuy thế tôi nhận xét về người mình như thế này: có vẻ như, có vẻ nhé, tôi không vơ đũa cả nắm đâu đấy, đa số người Việt chúng ta hay có thói quen xem một show thì điều đầu tiên là bình phẩm về hình thức. Đây là những câu mà tôi thường nghe thấy từ “người Việt mình” khi xem một talk show:

-Trời, sao thằng cha đó lùn vậy.
-Men, con đó xấu ỉn.
-Ố là la, con mụ đó tẻ quá lại bận đồ nhà quê không chịu được.
-Wow, nói ngọng như dân bắc kỳ doón vậy.
-Ý ẹ, cái giọng Quảng Nôm thấy mà ớn.
-Yêu người tài mà cũng bầy đặt chảnh.
v.v và v.v.

Khi nghe “người Việt mình” nhận xét như vậy, tôi thấy tội nghiệp cho các khách mời,  là người tài trong các lãnh vực văn, thơ, nhạc, họa đang bị bình phẩm về những cái “trời sinh” mà họ không thể cải thiện như (lùn, xấu) hay rất khó cải thiện ( giọng nói ngọng hay Quảng Nam, Nghệ An…) hoặc không thuộc lãnh vực họ làm việc (họ là văn sĩ, thích ở dơ (!), không ăn mặc thời trang cho vừa lòng …khán giả xem show).

Tôi tạm lấy ví dụ: nếu người được phỏng vấn là một văn sĩ nổi tiếng nhưng (vừa lùn, vừa xấu, vừa phục sức nhà quê) thì khán giả không nên chú tâm đến hình thức của ông mà nên “xoáy” vào những tư tưởng đang được ông bày tỏ/gửi gấm; những chất liệu mà ông gom góp, những kỹ thuật mà ông sử dụng để hình thành tác phẩm, cái gọi là “văn dĩ tải đạo” của ông như thế nào, ảnh hưởng của ông đối với giới trẻ ra sao.

Một ví dụ khác, nếu người được phỏng vấn là một nữ doanh gia trẻ với đề tài là “Người Đẹp Yêu Nhân Tài” thì cũng không nên chú ý vào nhan sắc (vì cô không thi hoa hậu), hay giọng nói (vì cô không thi làm MC),  mà chỉ nên coi, quan điểm của cô về việc “yêu nhân tài” là thế nào. Cô yêu vì muốn ăn theo cho nổi tiếng? Hay cô yêu vì muốn lợi dụng tên tuổi ông để đẩy cô nổi lên ở một thành phố lạ với cô, một lãnh vực mà ông là người có “thực quyền”? Hay cô yêu vì muốn bổ sung kiến thức thiếu sót của mình thông qua cái kho tàng kiến thức của ông về  lãnh vực mà ông được coi là “có tài năng”?

Tóm lại, khi xem một talk show và muốn nói hay viết chút cảm tưởng của mình về show ấy, có lẽ chúng ta nên cố gắng không sa đà vào việc phê bình hay chỉ trích hình thức của “vị khách mời” mà nên xem xét nội dung tức chủ đề của chương trình có được vị khách mời đó trình bầy gẫy gọn không, đủ yếu tố thuyết phục không, có gì mới mẻ không .., phải thế không thưa quý độc giả?

 
Đố Kị Ghen Tị

Khi tôi hỏi về sự đố kị ghen tị, một anh bạn nói “Không đố kị ghen tị không phải là người Việt  Nam”.

Ngẫm ra thì anh bạn nói cũng có phần đúng. Dường như đây là cái tính xấu rất phổ thông của người Việt.  Thấy ai hơn thì ghen tị đã đành nhưng lại vì ghen đó mà đưa đến đố kị thì quả tệ hại. Sự đố kị đã làm mờ mắt và đã khiến họ có những hành động không hiểu được.
Mọi người chung quanh ái ngại nhưng có lẽ bản thân họ không biết, họ vẫn tiếp tục những hành động “khó hiểu” đó.

Một ông ra sách thành công, bèn thừa thắng xông lên ra tiếp nữa. Sự thừa thắng này làm bạn ông “nóng mặt” bèn phang ông tới tấp. Điều này đã làm giảm giá trị ông vì ai cũng đọc thấy sự đố kị ghen tị của ông.

Một ông A khoảng gần 70, thấy một người B trẻ hơn,  khoảng gần 55, thành công quá xá, bèn nẩy sinh đố kị. Sự đố kị ghen tị khiến ông ta cứ tiếp tay fw những lá mail rác rưởi nói xấu ông B này. Chưa hết, ông B kê khai lý lịch trên net gọn, theo đúng tiêu chuẩn của Mỹ nhưng ông A này cứ đi  theo mè nheo về bằng cấp, về lý lịch của ông B này. Điều này rất lố bịch vì thời buổi bây giờ, những bằng cấp được ghi ở net đều có thể kiểm chứng dễ dàng ở các trường học. Cả một thời gian dài, ông A này miệt mài chuyển tiếp những mail rác rưởi nói xấu ông B. Ông A có những hành động giống như bị ông B ám ảnh vậy. Người ngoài ai cũng thấy A có vẻ điên quá nhưng chỉ mình A là không thấy.

Một bà A ghen ghét bà B kia vì bà B  kia xinh hơn, làm thơ hay và được nhiều người ái mộ. Thế là bà A cứ thế miệt mài gửi thư đi khắp nơi vu khống chụp mũ cho bà B là lấy 5 đời chồng Mỹ, cướp tài sản chồng Mỹ, quyến rũ chủ báo trẻ này nọ. Thật kỳ lạ, thời buổi net, bà B là người tương đối nổi tiếng và nhiều người biết bà thì việc bà có một hay nhiều chồng Mỹ, có bồ trẻ, có rút ruột chồng Mỹ hay không, ai cũng biết. Sự việc vu khống vì đố kị ghen tị như thế cuối cùng lại có tác dụng ngược. Chẳng ai tin bà A và ngược lại nhiều người ngấm ngầm khinh bỉ A khi thấy bà lồng lộn như bị bệnh dại.

Một cô B vừa trúng giải của một tổ chức về sách, cô A khác đố kị tìm cách bới lông tìm vết. Nào là tổ chức nhỏ, nào là sách self publish. Thật kỳ lạ, đã là người Việt, trúng giải thì dù to hay nhỏ cũng là một điều vui. Vì sao không chia vui mà phải đố kị nhỉ?

Chuyện khác: cùng phục vụ cộng đồng thì cứ đem tài ra đóng góp. Một cô trẻ thì cứ làm, cô trẻ kia thì nhỏ to dè bĩu. Sao không cùng nhau làm chung nhỉ?

Để chữa bịnh đố kị ghen tị có lẽ phải tự nhủ lòng thế này “Trời rất công bằng. Người này tài ở điểm này thì người kia tài ở điểm khác. Do đó, hãy thành tâm yêu mến tất cả những gì gọi là thành công của người khác, dù thành công đó rất nhỏ bé.”

Sự chân thành và không đố kị đem đến nhiều phần thưởng:
Ta không khốn khổ vì cứ nghĩ đến thành công của người kia là lại “điên tiết” lên.
Ta không phải nghĩ kế này mưu nọ để nói xấu người kia.
Ta không phải nghĩ đủ cách để làm “hơn” người kia.

Đấy, chỉ bằng cái “không phải” là đủ nhẹ mình phải không nào. Sau nữa khi thật tâm chia vui với kẻ kia, chứng tỏ mình là người độ lượng, không nhỏ nhen và người kia sẽ vui và không đối đầu nữa. Biết đâu họ lại mời mình cùng cộng tác, như thế phải hơn không?

Lại Nói Về Việc Tôn Trọng Khán Giả

Một thân hữu gửi mail sau khi bài Đành Phải Nói kỳ trước được gửi rộng rãi như sau “Bài nầy rất hữu ích khi nêu lên những điều không nên làm. Về phần “Hãy tôn trọng khán giả”, tôi nghĩ nên đề cập đến cái kiểu câu khách rất tệ của mấy chương trình ca nhạc là đặt câu hỏi để cho tiền khán giả. Điều nầy hạ thấp phẩm giá của người nhận tiền (đặc biệt là khi MC nói năng như là đang ban ơn cho người nhận) và làm mất thì giờ các khán giả khác”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thân hữu trên. Tuy ông không nói rõ nhưng chúng tôi có nhiệm vụ nói: đó là MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong các chương trình Paris By Night. Cá nhân chúng tôi cũng như nhiều người từ lâu đã rất bất bình với ông MC này. Ông cho biết ông từng là giáo sư dạy trường tư ở Sài Gòn trước 1975 thế nhưng cung cách của ông trong các PBN của mục mời khán giả trả lời cầu hỏi có trúng thưởng, phải nói rất “thiếu giáo dục”. Bộ mặt và cách ông ngoắc tay rồi khinh bạc “Này anh kia, này chị kia” rất xấc xược. Có người bào chữa nói rằng ông bắt chước một show của Mỹ. Chúng tôi không đồng ý. Ngoại quốc có cái gì hay, phù hợp với văn hóa Việt  Nam thì bắt chước. Không thể thấy họ làm rồi máy móc làm theo. Văn hóa nào cho phép MC có thái độ, ngôn ngữ với khán giả giống như ban ơn và rất xách mé?  Chúng tôi mong quý độc giả gửi bài này đi khắp nơi và cùng tẩy chay màn này của MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Quý khán giả không thể để một kẻ MC coi thường mình như vậy. Năm trăm Mỹ Kim không phải là một số tiền lớn lao gì để lòng tự trọng của khán giả bị dìm xuống đất như thế. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy ông cựu giáo sư Tô Văn Lai cũng không biết chấn chỉnh thái độ “xấc xược” của MC Nguyễn Ngọc Ngạn.

Hoàng Ngọc An

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.