Tóc Thề Xưa Tình Tự

Tặng  Đỗ Quân, người phổ bài thơ Tóc Thề

Tôi là ai mà sao phiêu lãng quá, tôi là ai mà buồn quá đi thôi?
Tự ngày xưa, khi còn tóc thề ngang vai với guốc mộc rộn ràng hè phố, với nón lá bài thơ nghiêng nghiêng, tôi đã có những phút tự hoài Ta là ai, vì sao có mặt trên cõi đời này? Tôi cứ sống như một loài cỏ dại. Cũng khô cằn khi nắng cháy hè sang, cũng long lanh khi mùa thu gọi sương về trên cành lá. Loài cỏ đã vươn tầm cao lên cùng năm tháng mà câu hỏi kia vẫn còn mãi trong tôi.

Tôi không biết mình sống để làm gì và như thế cũng không biết mình thích điều chi ? Cả một đời lãng đãng. Như mây trời không định hướng. Cứ bay đi, bay đi mà không biết bến bờ.

Có lẽ niềm yêu thích từ ấu thơ không đạt đuợc và tôi để trôi theo dòng đời mọi hạnh phúc hay đau khổ, mọi phù du hay hiện thực… Tôi đã mơ mình là bác sỹ để trả cho mẹ hiền ánh mắt long lanh của tuổi thơ con trẻ. Tôi đã mong mang bàn tay từ thiện ra giúp trẻ nhỏ vơi bớt nỗi đau.

Rồi ngã rẽ đưa tôi vào khoa học. Những thành tựu, phát minh của kỹ thuật làm tôi cũng thấy thú vị. Nhưng không bằng niềm mơ ước ngày xưa, mình là bác sĩ.

Với tôi, văn chương chỉ là một hình thức làm dáng cho tâm hồn.Tôi gọi đó là phấn son tô điểm cuộc đời. Tôi viết, chỉ để giãi bày niềm riêng. Cho tôi-là truớc hết. Khi viết ra như là đuợc khóc. Sẽ vơi nhiều những u uất trong tim.Tha nhân có rộng lòng đón mở hay khắt khe thì cũng không phải là nghiệp để tôi phải tròn đêm thao thức.

Tôi trân trọng những tấm lòng vị tha. Khi nghe đuợc tiếng lòng từ đoản văn nhỏ hay một tự tình tuỳ bút lênh đênh. Tôi cũng trân trọng những lời xét nét. Bởi xét cho cùng, có thương thì mới đọc, có đọc là có thương.

Tôi ít viết thơ. Vì thơ là tột đỉnh của văn chương. Mà tôi chỉ là nguời đi bên đường.Dòng suối văn chương mênh mông quá, tôi chỉ là một ngọn cỏ vô thuờng. Có những thác đổ làm tôi choá mắt. Ngẫm lại mình, thật bé bỏng dại khờ. Một “ngọn thác” về thơ-đã gọi tôi là con thỏ khờ với những vần thơ “ hiệu đoàn “ ! Ừ thì tôi là như thế. Tôi chỉ coi thơ là phấn son thì làm sao sánh đuợc với nguời coi thơ là nghiệp. Thơ của tôi chỉ ở mức “hiệu đoàn”. Thế thôi.

Nhưng thơ thác đổ có khi làm ta chao đảo mà thơ “hiệu đoàn” như ngọn cỏ gió đùa lại làm ai đó ngẩn ngơ .

Em, một người chơi nhạc tài tử, đã ngẩn ngơ trước hoa cỏ của tôi. Và “Tóc thề”, thơ tôi  đã đi vào nhạc của em.

Tháng năm.Tầng cao. Mưa trắng trời trắng đất. Tôi đã nghe nhạc “Tóc thề” tự tình. Chút cà phê đắng còn đọng mãi trên môi.

Cám ơn em. Dòng đời đưa đẩy cho ta gặp nhau đây. Chút văn thơ mà tôi vẫn coi là son phấn đã nối vòng tay thân ái. Tôi-em và tiểu muội của tôi. Giòng nhạc với điệu buồn và cả điệu vui làm tôi và cô tiểu muội thấy ngộ nghĩnh.

Dòng nhạc đã trôi xa hơn. Cô giáo cũ Gia Long của tôi thuở nào nghe “Tóc thề” trong chiều buồn Paris và thư vội gửi. Cô xin bản nhạc của em để phổ biến cho Gia Long, ngôi truờng ngày xưa yêu dấu của “Tóc thề”. Lời cảm ơn cũng đuợc gửi đến em. Hẳn đó là một chút gì vui nho nhỏ cho em, phải thế không ?

T/g Nhac si Do Quan.
Cam on Nhac si da gui cho ban pho nhac tho HLC: Em Di Dau Ma Voi, Toc The Oi.
Chung toi nghe thay thich lam. Nhac tram bong rat hay nhu quyen lay loi tho.
Chung toi xin phep duoc cho in vao Dac San Dai Hoi Gia Long The Gioi sap phat hanh vao cuoi thang 6 toi tai Paris, nham dung ky niem 80 nam thanh lap Nu Hoc Duong Ao Tim, tien than cua truong nu Gia Long.
Hy vong co dip cho pho bien bai hat nay de ba con tai Paris cung thuong thuc.
Cuu GS Gia Long Pham thi Nhung.

Cảm ơn em đã cảm nhận cho Tóc thề những lời tình tự. Của một thời áo trắng Gia Long.

Xin mời đọc bài thơ Tóc Thề của Hoàng Lan Chi và sau đó là giòng nhạc Đỗ Quân.

Em đi đâu mà vội tóc thề ơi
Em đi đâu mà vội
Nắng đã xếp hàng chưa
Tóc còn bờ vai xõa
Cho một lời hẹn xưa

Em đi đâu mà vội
Tóc thề dấu ở đâu
Sao chỉ còn vành nón
Nghiêng nghiêng trên mái đầu

Em đi dâu mà vội
Guốc mộc rộn ràng vang
Áo lụa vàng hớn hở
Tóc thề nào xốn xang

Em đi đâu mà vội
Gió còn ngủ trên cây
Cho tóc thề hờn dỗi
Nằm xõa trên vai gầy

Em đi đâu mà vội
Thơ hồng chưa viết xong
Tóc thề sao vội cắt
Chút tình này long đong

Em đi đâu mà vội
Mà vội
Tóc thề ơi

Hoàng Lan Chi

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.