Sài Gòn Muôn Năm Cũ Với Văn Quang

LGT: Nhà văn Văn Quang còn ở Sài Gòn và “Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự” của ông vẫn được gửi ra hải ngoại. Trong công việc tìm về quá khứ để giúp người cũ nhìn lại và người mới hiểu thêm, HLC xin mời quý độc giả theo dõi Sài Gòn ngày tháng cũ trong các lãnh vực báo chí văn nghệ qua hồi tưởng của Văn Quang.Vì bận với sách sẽ in nên còn một số câu hỏi, nhà văn Văn Quang xin khất vào dịp tới. Bài trích từ NS Bút Tre số tháng 4/2013

Hoàng Lan Chi: xin chào nhà văn Văn Quang. Cali hôm nay nhiều nắng. Vả lại Cali là vùng nắng ấm, không như Virginia. Hồi đó vào mùa đông tuyết phủ của VA, Lan Chi đã viết “Xin gửi cho em chút nắng vàng” cho anh, anh còn nhớ không? Hôm nay Lan Chi thích được nghe anh kể về Sài Gòn muôn năm cũ. Hẳn là anh có nhiều kỷ niệm lắm vì khi vào Nam, trong khi Lan Chi còn bé tẻo tèo teo thì anh cũng đã lớn đủ để quan sát và “thưởng thức”. [1]Văn Quang:
Sài Gòn muôn năm cũ thì kể… đến muôn năm chưa hết đâu. Hàng ngàn chuyện, hàng trăm đề tài và ngay cả kỷ niệm cũng hàng tấn, bây giờ không nhớ hết, cứ nhớ chuyện này lại nhảy sang chuyện khác, đang văn nghệ báo chí, nhảy sang tình cảm lớn và tình cảm vụn vặt, đang tình cảm nhảy sang chuyện lính tráng, tù đày… lúc nào nghĩ tới là nó cứ linh tinh nhảy múa, cứ như nằm mơ giữa ban ngày ấy. Kể gì bây giờ?

HLC: Thì đúng là như thế. Đang ở chuyện này lại xọ sang chuyện kia. Nhưng thôi mình đi theo thứ tự thời gian nhé. Bắt đầu từ cuộc di cư. Anh vào Nam năm nào và bằng phương tiện gì? Anh biết những gì về cuộc di cư lúc đó, nghĩa là quy mô của nó, cách thức tổ chức, thực hiện?
VQ:
Tôi có tự mình di cư đâu. Tôi vào Nam từ lúc chưa có hiệp định Paris nên chưa có di cư. Vua Bảo Đại bắt phải vào Nam đấy chứ. Hồi đó, năm 1953, tôi đang dạy học ở Hải Phòng thì được lệnh động viên vào Khóa 4 Trường SQ Trừ Bị Thủ Đức, tôi còn nhớ giấy gọi nhập ngũ có tên là “Lệnh gọi nhập ngũ dưới cờ” theo sắc lệnh của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Có xe cảnh sát hộ tống đàng hoàng lên trình diện tại Đệ Tam Quân Khu, Hà Nội. Sau đó được đưa vào trại Ngọc Hà và sáng hôm sau lại có cảnh sát hộ tống xuống sân bay Cát Bi Hải Phòng, đưa vào trường SQ Thủ Đức. Lúc đó đã là 6 giờ chiều, vào miền Nam rồi nhưng chưa biết Sè Gòn ra làm sao cả. Hai tháng sau mới được đi phép ra Sè Gòn. Ôi, cái cảm tưởng lần đầu tiên đặt chân vào thành phố mơ ước này thú vị lắm. Ở miền Bắc hồi đó chưa có taxi nên bạn đồng ngũ chỉ cho anh “mán Hải Phòng” này taxi nó thế nào. Thì ra nó là cái xe 4 chevaux có chữ Taxi trên mui và bên cửa chứ có gì đâu. Leo lên taxi, đồng hồ chỉ số 00 chứ không như bây giờ. Chạy một lèo vào Chợ Lớn mất có 12 đồng. Sướng ghê.
Còn gia đình tôi mới là “dân di cư” chính hiệu. Năm 1954, tôi ra trường và sau 15 ngày phép về Hải Phòng, tôi được chuyển về làm Huấn luyện viên tại trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang (CITR N0 4bis) sau đó đổi thành Ecole Commandos từ Vật Cháy chuyển vào. Hồi đó còn độc thân, gia đình tôi di cư cùng với một đơn vị Công Binh bằng tàu biển và cũng vào Nha Trang. Nếu hỏi về Nha Trang hồi đó thì tôi “rành” lắm. Bởi còn trẻ 22 tuổi, độc thân, tương đối nhiều thì giờ đi ngắm biển và ngắm cái gì tùy ý.

Về quy mô của cuộc di cư, theo tôi, đó là cuộc vĩ đại lớn nhất trong lịch sử VN năm 1954. Cuộc di cư có “tình”, có “nghĩa”, có lý do; quân đội Pháp và QĐVN thực hiện rất trật tự. Nhờ vậy hàng triệu gia đình từ Bắc vào Nam sinh sống được chăm sóc chu đáo, định cư an toàn và ngày một an cư lạc nghiệp.

Nó khác hẳn với cuộc được gọi là “di cư” năm 1975. Đó là cuộc tháo chạy vô lý, thảm thương nhất trong lịch sử, làm chết hàng triệu người dưới biển, trong các kiểu trại tù. Không biết bao nhiêu triệu gia đình tan nát. Vết thương còn để lại cho tới ngày nay, gia đình tôi cũng vậy. Tại sao ư? Điều nay phải hỏi lại anh Do Thái Kissinger và ông Nixon. Nhiều tướng lãnh Mỹ đã phải cúi đầu xin lỗi QĐVN vì đã phản bội đồng minh. Nhân dân Mỹ chẳng có lỗi gì trong chuyện này, ngay cả những người “phản chiến”, họ cũng bị bọn tài phiệt lũng đoạn chính trị lợi dụng thôi. Tưởng bắt tay anh Trung Quốc là “ngon ăn” ư? Bây giờ nhìn ra biển Đông là thấy ngay nó “ngon” cỡ nào? Hai cuộc “di cư” khác nhau hoàn toàn là như thế đó.

HLC: Nghe anh kể thật là thú vị. Nhờ đó, Lan Chi được biết anh học gì mà có một năm là ra làm Huấn Luyện Viên cho một trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Vâng, Lan Chi cũng thấy cuộc di cư năm 1954 khá tốt đẹp. Ngoại trừ vài nơi như Thái Bình, quê hương của anh và cũng của Lan Chi đã bị dối lừa về ngày xuống tầu nên nhiều người bị trễ. Còn chuyện di cư năm 1975 thì quả là tang thương. Anh đã vào Sài Gòn trước, gia đình vào sau đúng 1954, vậy anh có thể cho một cái nhìn tổng quát về miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng của những năm đầu khi hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam?
VQ:
Mãi đến năm 1957 tôi mới đổi vào Sài Gòn. Làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý – Bộ Quốc Phòng, ở Đường Thống Nhất, đối diện với nhà hát Norodom. Đó là bắt đầu quãng đời dài tôi sống với Sài Gòn cho tới nay (trừ hơn 12 năm nằm trong các “trại cải tạo”). Lúc đó đời sống của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam đã tạm thời ổn định. Sinh viên học sinh đã đi học lại, các công tư chức đã có nơi ở và đã đi làm bình thường, những vùng dành cho người di cư được thành hình. Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, dường như vui hơn, linh động hơn vì có thêm số người di cư. Nhiều người cho rằng ở miền Nam dễ sống, dễ kiếm việc làm, có đất đai khai phá, chẳng mấy lúc mà khá giả. Sài Gòn lúc đó còn ít dân và ít xe nên đường phố thoáng đãng, cuộc sống khá thảnh thơi. Mặc dầu sau đó chiến tranh lan đến nhiều nơi, nhưng TP Sài Gòn vẫn sinh hoạt như trong thời bình. Sau này đôi khi bị pháo kích, vài nơi như phòng trà bị khủng bố đặt bom mìn, nhưng những hoat động đó chỉ rất “manh múm”, không đáng kể trong đời sống chung. Sài Gòn vẫn là “hòn ngọc Viễn Đông” như người ta đã phong tặng cho TP này hay như nhạc sĩ Canh Thân: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”. Đó là kết luận gọn gàng nhất.

HLC: Dường như năm 1956 là năm khá thanh bình vì Ngày Quốc Khánh năm đó vào tháng 10 rất nhộn nhịp. Dân chúng thoải mái đi coi đốt pháo bông và không sợ cái gì cả. Anh còn nhớ tình hình báo chí văn nghệ vào những năm 54 đến 60?
VQ:
Chẳng phải chỉ có năm 1956 mà là nhiều năm như thế, đúng nghĩa là “những ngày hội của toàn dân”. Về báo chí và văn nghệ, ban đầu chỉ có vài tờ báo của miền Nam rồi những tờ báo miền Bắc xuất hiện, mỗi báo có một sắc thái riêng nhưng “sống chung hòa bình”, anh nào hay hơn đẹp hơn sẽ thắng. Hầu hết là báo tư nhân, báo “nhà nước”, báo quân đội, báo đảng phái tha hồ bày tỏ lập trường của mình. (Từ 1956 đến 1960 chưa có báo đối lập). Cũng có kiểm duyệt của Bộ Thông Tin, cũng đục bỏ nhưng rất ít và không có bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Hoạt động văn nghệ chưa hoạt động rầm rộ như thời kỳ từ 1960 đến 1975.

HLC: Trước 54, anh có viết báo hay viết văn gì không? Khi vào Nam, anh bắt đầu sinh hoạt báo chí khi nào và với báo nào? Anh cho cái nhìn tổng quát về tình hình báo chí trong thời đệ nhất cộng hòa?
VQ:
Trước năm 1954 là một anh “mới ra lò”, tôi viết kiểu “tài tử” cho tuần báo Cải Tạo của ông Phạm Văn Thụ ở Hà nội, sau đó có thời kỳ làm phóng viên tin tức tại Hải Phòng cho tờ báo Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền và đăng truyện, thơ trên vài tờ báo ở Hà Nội. Truyện dài đầu tay của tôi cũng đăng trên nhật báo Thân Dân khi tôi đang theo học tại trường SQ Thủ Đức. Năm 1957 tôi về làm ở phòng báo chí Nha Chiến tranh tâm lý Bộ Quốc Phòng, phụ trách biên tập cho nguyệt san “Phụng Sự” dành cho sĩ quan, bán nguyệt san “Quân Đội” (sau đổi tên thành báo Chiến Sĩ Cộng Hòa) và tuần báo “Thông Tin Chiến Sĩ” dành chung cho Quân Đội VNCH. Cùng làm chung ở 3 tòa soạn này có Huy Sơn, Tô Kiều Ngân, Huy Vân, Tường Linh, Viêm Hồng và chừng hơn 10 anh em khác. Sau đó, tôi viết cho các tuần báo tư nhân như Truyện Phim, Kịch Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Tuần San… rồi viết feuilleton cho nhiều nhật báo như Chính Luận, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, Thời Thế…
 
Nhìn chung từ 1956 đến 1975 là thời kỳ văn học nghệ thuật, các ngành từ văn chương đến âm nhạc, hội họa… đều đua nhau nở rộ. Có thể nói đó là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn nghệ VN. Chính thời kỳ này đã nổi lên nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, các tác phẩm danh tiếng thuộc nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên việc xuất bản tác phẩm văn nghệ nói chung hình thành một trật tự hơn chứ không “loạn đao” kiểu tự do ai có tiền cứ in.

Tôi nhận xét rất chân thành đó cũng là thời kỳ tự do của văn học nghệ thuật miền Nam. Thí dụ, nếu không có tự do thì nhạc Trịnh Công Sơn không bao giờ có mặt được trên thị trường. Nhạc Trịnh đã có thời kỳ bị cấm trên các đài phát thanh, nhưng sau đó vì quyền tự do nên đã có nhiều đề nghị xem xét lại. Chính tôi đã tham dự một “hội nghị bàn tròn” của Đài Phát Thanh Quân Đội, hồi đó còn do anh Phạm Hậu tức nhà thơ Nhất Tuấn làm quản đốc, tổ chức “bàn tròn” ngay tại phòng vi âm, bàn về việc có nên cho nhạc Trịnh Công Sơn phổ biến trên đài PT QĐ hay không. Cuối cùng một số lớn nhạc Trịnh được phổ biến cả trên PT QĐ và đài Phát Thanh Sài Gòn. Rõ ràng nếu không có tự do ở miền Nam, nhạc Trịnh đã bị bóp chết ngay từ đầu, sẽ không có Trịnh Công Sơn. Và một điều nữa tôi nhận thấy nhạc Trịnh chỉ hay trong thời kỳ trước 1975, và hầu hết thính giả chỉ thích nhạc Trịnh vào thời đó. Sau này nhạc Trịnh không còn được như xưa nữa. Tôi hy vọng nhận định của tôi không hề thiên vị hoặc mang tính thời sự chính trị gì vào đây, chỉ là một nhận định khách quan, thuần túy mang tính văn nghệ của một người đã từng là thính giả, là người hoạt động trong lãnh vực truyền thông từ trước những ngày 1975.

HLC: Lúc đó có khoảng bao nhiêu tờ báo? Các giải thưởng như thế nào, các nhà xuất bản ra sao? Thế còn bước qua nền đệ nhị cộng hòa? Tình hình văn học, báo chí so với đệ nhất thì ra sao? Thành tựu gì nổi bật?
VQ:
Tôi không phân biệt đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa trong lãnh vực này. Qua các thời kỳ đó, tôi vẫn là… tôi trong mọi công việc, chức vụ và sinh hoạt riêng tư cũng như sáng tác. Hầu hết các bạn tôi quen biết cũng vậy, không chịu ảnh hưởng nào sau các biến chuyển từ Đệ nhất sang Đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam. Vì vậy tôi đã nói chung tình hình này ở trên.
Khác chăng lúc đó có một vài tờ báo đối lập, đó là cái quyền tự do ngôn luận, tất nhiên họ đi khác với một số chủ trương đường lối của chính quyền, họ bị kiểm duyệt gay gắt hơn, song báo của họ vẫn ra, các ông chủ báo vẫn sống nhăn và sống “huy hoàng” hơn cánh ký giả rách. Tôi không nhớ rõ lắm có bao nhiêu tờ báo. Khoảng vài chục báo hàng ngày kể cả “lớn” “nhỏ”. Tuần báo và nếu kể cả tạp chí cũng khá nhiều, khoảng năm bảy chục tờ của tư nhân hoặc nhóm này nhóm khác. Mỗi tờ có sắc thái riêng, nhằm đến một loại độc giả riêng.

Còn giải thưởng, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu loại giải thưởng nhưng đáng kể nhất là Giải Văn Học Nghệ Thuật hàng năm của Tổng Thống VNCH. Giải này do Văn Hóa Vụ thuộc Phủ Tổng Thống phụ trách. Giải dành cho tất cả các bộ môn Văn học Nghệ thuật miền Nam như giải văn, thơ, nhạc, điện ảnh… Tôi không nhớ hết. Các Ban Giám Khảo do Văn Hóa Vụ thảo luận với Bộ Thông Tin đạt giấy mời, gồm nhiều thành phần của các bộ môn đó.

Tôi được mời làm giám khảo trong giải Điện Ảnh khoảng 3 năm sau cùng nên chỉ nói lại đôi điều về giải này. Ban Giám Khảo gồm đại diện nhà văn, nhà báo, nhà sản xuất phim, đài truyền hình. Giải Điện Ảnh chọn ra phim hay nhất trong năm, đạo diễn xuất sắc nhất, nam nữ tài tử chính và phụ xuất sắc nhất, truyện phim hay nhất, nhạc phim hay nhất, hình ảnh đẹp nhất…

Tất cả những điều tôi đã kể ở trên làm nên cốt lõi của văn học nghệ thuật miền nam từ 1954 đến 1975 và cũng là thành tựu chung của tất cả những vị đã góp công góp sức xây dựng nên hình ảnh đẹp đẽ đó cho đến tận ngày nay. Tôi tin rằng nhiều tác phẩm từ thời kỳ đó sẽ còn lại mãi với văn học nghệ thuật VN.

Tất nhiên tôi không thể trả lời đầy đủ một đề tài quá tổng quát như thế này và cũng không tránh khỏi nhầm lẫn vì tôi không phải là “nhà nghiên cứu” hay phê bình văn học. Tôi chỉ trả lời theo trí nhớ, lâu năm chắc không tránh khỏi khiếm khuyết.

HLC: xin cảm ơn nhà văn Văn Quang. Được biết anh đang nhuận sắc lại Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự để chuẩn bị in sách, xin chúc anh nhiều may mắn. Là một người viết văn trải dài từ trước 54 và hiện giờ vẫn viết mạnh, anh là một nhân chứng và có khá nhiều điều để kể. Còn một số vấn đề như nhận định, xem xét  về tình hình xuất bản cũng như một số báo chí “đối lập” đã “thành công” những gì trong việc chống phá chính quyền VNCH ngày đó, xin hẹn với quý độc giả, nhà văn Văn Quang sẽ trả lời vào dịp khác.

Hoàng Lan Chi thực hiện 2013


[1]Năm 2007, Hoàng Lan Chi thực hiện Câu Chuyện Âm Nhạc, có thu âm Văn Quang nói về phim Chân Trời Tím:
Nhạc Phim “Chân Trời Tím” và “Loan Mắt Nhung”
Nữ tài tử chính của Chân Trời Tím, bộ phim dựng từ truyện của Văn Quang, cô Kim Vui đoạt giải Điện Ảnh của Tổng Thống. Xem bài viết về Kim Vui tại đây:

Sài Gòn Muôn Năm Cũ: Kim Vui, Người Phụ Nữ Hấp Dẫn Nhất Việt Nam Thập Niên 60-70

This entry was posted in Phỏng Vấn, Tạp Ghi and tagged , . Bookmark the permalink.