Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do viết về Duyên Anh

Lê Dinh của website Hưng Việt phỏng vấn

 Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do về Duyên Anh

 Lê Dinh :. Anh có thể cho biết sự liên hệ giữa anh và nhà văn Duyên Anh như thế nào?

Nguyễn Khánh Do: Tôi và nhà văn Duyên Anh chỉ quen biết nhau sau khi ông ra hải ngoại và cầm bút viết báo trở lại, vào phần sau của thập niên 1980.  Đó là khoảng năm 1985 khi ông và tôi cùng cộng tác với nguyệt san Ngày Nay của ông Lê Hồng Long, ở Kansas. Nhưng tôi làm quen với văn chương “viết báo” của ông thì khá sớm, khoảng giữa thập niên 60, khi ông bắt đầu viết thường xuyên cho báo Sống của Chu Tử, sau đó là Sóng Thần, và báo trào phúng Con Ong của ông Nguyễn Văn Minh biệt hiệu Minh Vồ. Nhiều người biết đến và yêu thích văn chương của Duyên Anh ngay từ truyện ngắn đầu tiên của ông như Con Sáo Của Em Tôi,  truyện dài Ngày Xưa Còn Bé. Nhiều độc giả trẻ say mê đọc những tác phẩm ông viết cho tuổi thơ như Chương Còm, Thằng Côn, Con Thuý, Bồn Lừa, Dzũng Dakao, Ngựa Chứng Trong Sân Trường, .v.v… và những bài viết trên tuần báo Tuổi Ngọc do ông chủ trương, nhưng riêng tôi, thú thực, tôi “khoái” những bài báo, những phóng sự của ông mang tính châm biếm, chỉ trích  nhân vật hay sự việc của xã hội thời đó, qua một lô các bút hiệu như Thương Sinh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Thập Nguyên, v.v…

Sau khi ông ra hải ngoại và viết báo trở lại, với bút hiệu Đồng Nai Tư Mã, tôi mừng vì lại được đọc văn ông, nhưng tiếc là ông còn viết những bài báo trào phúng, gay gắt chỉ trích nhiều nhân vật, tổ chức… Những bài viết này tuy có mang lại cho ông danh tiếng, nhưng cũng mang lại cho ông nhiều cay đắng, hệ lụy và nguy hiểm cho tính mạng.

Sau cuộc “bút chiến” dữ dội giữa ông và hoạ sĩ kiêm nhà thơ Tạ Tỵ trên báo Ngày Nay của ông Lê Hồng Long, tôi có viết bài “Luận về Bút Chiến và Chửi Nhau Bằng Bút,” đăng trên trên báo đó. Tôi cho rằng cuộc “bút chiến” giữa ông Duyên Anh và ông Tạ Tỵ đúng ra chỉ là một cuộc chửi nhau bằng bút. Bài này không làm ông hài lòng, nhưng cũng chính do nó mà ông và tôi liên lạc với nhau.

Sau cuộc bút chiến của ông với ông Tạ Tỵ là cuộc “bút chiến” của tôi với ông thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, mệnh danh là cuộc bút chiến “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau.” Duyên Anh theo dõi cuộc bút chiến này với khá nhiều thích thú. Thực ra lúc đó cái bút hiệu Thiện Nhân của tôi là một bút hiệu chưa từng xuất hiện trong làng văn, làng báo, độc giả cũng như văn giới chẳng biết Thiện Nhân là ai, vì thế nhiều người đã ngờ hoặc nhận lầm là một bút hiệu mới của ông Duyên Anh để tranh luận với ông Nguyên Sa. Và hẳn là nhiều lần Duyên Anh đã phải cải chính với bạn bè vì sự kiện này.

Cuộc bút chiến “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” giữa tôi và ông Nguyên Sa có lẽ đã ảnh hưởng phần nào tới tâm lý của Duyên Anh, nó mang một chút ngậm ngùi đến cho ông, khiến ông tỏ vẻ hối tiếc về những lời dữ dội, bất nhã ông đã dùng trong cuộc “bút chiến” với ông Tạ Tỵ. Trên bài viết “Luận về một chuyện chẳng đặng đừng” (trong mục Phép Phù do ông phụ trách trên tạp chí Ngày Nay, số 55, tháng 3/1986)

“Nghĩ thật nghẹn ngào! Phải mà ta có cái bình thản ngoài cuộc của ông Thiện Nhân để nói chuyện phải trái với ông Tạ Tỵ, hôm nay, ta không ân hận”

Duyên Anh muốn nói vì ông là người trong cuộc, là kẻ bị ông Tạ Tỵ thuật lại trên báo Văn của Mai Thảo – nói Dũng Đakao đã đầu hàng cộng sản, đã làm “ăng ten” trong trại cải tạo – khiến ông bị chạm tự ái, nên đã phản ứng mãnh liệt, quá đà.

Bẵng đi một dạo ông không viết báo nữa mà quay ra làm thơ và soạn ca khúc. Sau đó có lẽ do ông Lê Hồng Long khẩn khoản mời nên ông cầm bút viết phiếm trở lại, và dùng hai bút hiệu mới là Nhược Thuỷ và Nhậm Ngã Hành. Dù ông dấu nhưng qua văn phong trong các bài báo, tôi vẫn nhận ra ông.

Ký giả Lê Triết của báo Văn Nghệ Tiền Phong và bà Lê Triết bị ám sát, tháng 10/1990. Ngay sau đó ông Nguyễn Ngọc Bích và bà luật sư Roland Trương ở vùng Washington D.C lên đài truyền hình mạt sát ông Lê Triết, tôi có viết bài “Vĩnh Biệt Lê Triết, chiếc lá cô đơn trên nhánh cây văn chương vỗ mặt” để chỉ trích thái độ “đánh người đã chết” của ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Roland Trương, trong đó tôi gọi lối viết chỉ trích người và việc của Lê Triết là loại “Văn Chương Vỗ Mặt.”   Tôi có đề cập đến những tay cự phách trong cái nhánh văn chương vỗ mặt này, dù có từ thời  tiền chiến như Lê Ta, Tứ Ly, Tú Mỡ  (của Phong Hoá, Ngày Nay) hay Vũ Bằng (của Con Vịt) hoặc những cây bút trong báo Vịt Đực, báo Đông Tây, v.v.. nhưng phải tới Chu Tử và Thương Sinh ở miền Nam trong thập niên 60 thì phong cách của loại văn chương vỗ mặt này mới thực sự thăng hoa. Duyên Anh rất thích nhóm chữ  “Văn Chương Vỗ Mặt,” có lần ông nói với tôi là ông thích nó còn hơn cả nhóm chữ “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau.”  Ông nói rằng “coi lối viết sống sượng là một thể loại văn chương rất đúng,” và  hẹn sẽ mở một mục viết riêng về thể loại Văn Chương Vỗ Mặt này.

Sự liên lạc giữa ông và tôi càng ngày càng trở nên thường xuyên hơn qua điện thoại và qua sự gặp nhau trực tiếp tại nhà người bạn, và cũng là anh em cột chèo của ông, là ông Đặng Xuân Côn. Duyên Anh và Đặng Xuân Côn thân và thương nhau như anh em ruột. Mấy lần Duyên Anh từ Pháp sang Mỹ đều ở nhà ông Côn. Bản thảo mấy cuốn sách Duyên Anh đã viết xong và mang từ Pháp sang Mỹ đều do ông Côn đánh máy, “layout” và họ cùng nhau thực hiện nhà xuất bản Tam Thiên để xuất bản sách của Duyên Anh. Trong liên hệ “anh em cột chèo” thì DA ở vai anh, nhưng về tuổi tác thì ông kém tuổi Đặng Xuân Côn, và họ quen xưng hô “mày, tao” với nhau. Có lần tôi đến thăm Duyên Anh và Đặng Xuân Côn, 3 người chúng tôi ngồi nói chuyện, ông Côn lập lại điều ông nói là đã mấy lần thuyết phục Duyên Anh sửa hoặc bỏ một số đoạn trong mấy tác phẩm mới viết, và nên dứt khoát bỏ lối viết “văn chương vỗ mặt” trong các tác phẩm sẽ viết.  Rất tiếc là ông Côn đã không thuyết phục được Duyên Anh, vì sau lần chúng tôi gặp nhau đó ít lâu người ta thấy xuất hiện ở Dallas, Texas, tờ báo trào phúng Con Cò, do một mình Duyên Anh viết đủ mọi mục, từ đầu đến cuối, với nhiều bút hiệu. Nhưng tờ Con Cò chỉ ra được 4 số thì đình bản. Về sau Duyên Anh đi Kansas và ở nhà người bạn khác là ông Băng Đình. Sau đó ông qua Denver, Colorado, viết cho tờ Việt Báo của ông Nguyễn Ngọc Bích mấy tháng, rồi di chuyển tới vùng Los Angeles ở với 2 người bạn trẻ – 2 người  em kết nghĩa rất quí mến ông, là ông Vũ Trung Hiền và ông Nguyễn Kim Dung – mỗi người mấy tháng. Ông Hiền, người em kết nghĩa lâu dài của Duyên Anh, đứng ra xuất bản 4 cuốn sách của Duyên Anh, trong đó có 3 cuốn viết về “ca dao” (Về Với Ca Dao, Vỡ Lòng Ca Dao, Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc) và cuốn truyện Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu. Còn Nguyễn Kim Dung là người xuất bản tác phẩm trường thiên tiểu thuyết Hồn Say Phấn Lạ của Duyên Anh. Tất cả 5 cuốn sách nêu trên đều được phát hành từ California trước khi Duyên Anh lên đường trở lại Pháp, nói là để giải quyết một vài chuyện riêng, xong việc ông sẽ sang định cư tại Hoa Kỳ.

Trong thời gian ở Colorado cũng như ở California, Duyên Anh thường liên lạc với tôi, qua điện thoại, và rủ tôi làm 1 tờ báo trào phúng. Lúc đầu ông bảo tôi lo việc ra báo để ông lo phần bài vở, rồi sau vì nhiều lý do trở ngại ngoài ý muốn, ông đề nghị sau khi xong việc ở Pháp ông sẽ đến Houston, Texas, là vùng tôi ở, để cùng nhau thực hiện tờ báo trào phúng mà ông muốn lấy tên là tờ “Người.”  Ông thích cái tên này vì hồi ở Sài Gòn, sau khi không còn cộng tác với ông Minh Vồ để tiếp tục xuất bản tờ “Con Ong,” thì ông thực hiện tờ báo trào phúng “Người” do ông chủ trương.

Cuối tháng 10/1996 trước khi lên đường về Pháp ông gọi dây nói cho tôi, hẹn chỉ trong vòng 1 tháng sẽ trở lại Hoa Kỳ, và sẽ tới Houston gặp tôi để bàn về tờ báo “Người.” Nhưng đáng buồn là ông không bao giờ đến nữa.  Chờ hơn 2 tháng không có tin tức gì về ông, tôi gọi dây nói hỏi ông Đặng Xuân Côn mới biết là Duyên Anh bị đau nặng. Và mất sau đó.

LD:. Nhà văn Duyên Anh hay lập đi lập lại câu bất hủ: “Áo thụng vái nhau và áo thụng tự vái”. Nhiều người nói đây là câu nói mà Duyên Anh “mượn” của Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do. Anh có thể cho biết trong trường hợp nào mà anh đã “sáng tác” một câu để đời như thế? Và tại sao nhà văn Duyên Anh hay đề cập một cách “thích thú” về Áo thụng vái nhau và áo thụng tự vái như vậy?

  NKD: Văn Chương mặc áo thụng vái nhau” là chủ đề cuộc bút chiến giữa tôi và thi sĩ kiêm nhà báo  Nguyên Sa Trần Bích Lan. Cuộc bút chiến do tôi khởi xướng. Vào khoảng giữa năm 1985, thi sĩ Nguyên Sa chủ trương 2 tờ báo là Đời và Dân Chúng, còn văn sĩ Mai Thảo thì chủ trương tạp chí Văn. Thấy hai vị viết bài ca tụng lẫn nhau, qua lại, khởi sự bởi thi sĩ Nguyên Sa, viết trên báo Đời, khoe ông và nhà văn Mai Thảo mỗi vị “thống lĩnh” một ngọn núi văn học của Miền Nam. Cuộc bút chiến kéo dài nhiều tháng, được nhiều độc giả theo dõi. Sau cuộc bút chiến đó thì những từ ngữ “thống lĩnh, ông thống lính, mặc áo thụng vái nhau, mặc áo thụng tự vái,” trở thành những thành ngữ thông dụng trong giới truyền thông. Nay nhà thơ Nguyên Sa và nhà văn  Mai Thảo đều đã ra người thiên cổ, vì thế tôi không muốn nói thêm về vấn đề này nữa.

LD: Thưa anh, nói đến nhà văn Duyên Anh, người ta không thể quên được bút hiệu Thương Sinh với những bài phiếm luận nổi tiếng đả phá chế độ xấu xa đương thời, anh có nhận định gì về Thương Sinh vào thập niên 60?

 

NKD: Tôi xin được trả lời dài dòng và ra ngoài phạm vi của câu hỏi này một chút – vì câu hỏi chỉ đề cập tới bút hiệu Thương Sinh của Duyên Anh mà thôi.

Trước hết tôi xin nói ngay là nhà văn Duyên Anh – qua bút hiệu Thương Sinh – không đả phá chế độ (dân chủ, pháp trị) của miền Nam mà ông chỉ trích nhà cầm quyền, nguời hay việc xấu trong chế độ đó.

Nếu để ý ta sẽ thấy là với các tác phẩm truyện dài, tập truyện, 2 tập thơ và một tập ca khúc ông chỉ dùng một bút hiệu là Duyên Anh, còn những bài viết phiếm, những bài tường thuật sự việc, những phóng sự sống sượng, v.v.. mang văn cách trào phúng, châm biếm, chỉ trích người và việc xã hội thì ông ký khá nhiều bút hiệu, khó mà nhớ hết được. Đa số bút hiệu loại này của ông là tiếng Hán Việt mang ý hài hước, châm biếm, sỗ sàng. Ngay cả tên nhân vật trong bài viết, tên truyện, hay tên phóng sự có khi ông cũng đặt theo cách đó. Thí dụ như Nã Cẩu (bút hiệu, nghĩa là đuổi chó); Thập Nguyên (bút hiệu, nghĩa là mười đồng, chuyển ngữ sang tiếng Pháp là Dix Piastre, phiên âm một cách lỏng lẻo sang tiếng Việt là đít biệt, nói lái hai tiếng này ta sẽ được hai tiếng khá tục tĩu; Thương Sinh (bút hiệu, nghĩa là thương sinh linh); Giao Chỉ Liên Tử (tên  phóng sự sống sượng, chuyển ngữ sang tiếng Việt là Con Sen Giao Chỉ); Bồn Lừa (tên nhân vật và tên truyện dài, nói lái hai tiếng này ta sẽ được hai tiếng tục tĩu), v.v.. Theo tôi biết thì ông chưa từng cho in thành sách một tác phẩm nào thuộc loại phóng sự hay phiếm luận ngoại trừ tiểu thuyết Bồn Lừa. Trong một lần ông sang Hoa Kỳ (sau khi bị hành hung và bị  thương nặng, thành bán thân bất toại) ông cho tôi biết là đã viết xong tác phẩm/phóng sự “Ngài Chủ Tịch” với văn cách trào phúng, và đang chờ để xuất bản, nhưng tác phẩm ấy tới nay vẫn chưa được in ra.

Phần lớn chúng ta còn nhớ bút hiệu Thương Sinh là vì ông dùng nó nhiều hơn, thường xuyên hơn, và nhất là để ký dưới những phóng sự dài, đăng liên tiếp nhiều kỳ trên báo, do đó nó gây ấn tượng nơi độc giả, khiến độc giả dễ nhớ nó hơn. Trong khi đó hàng chục bút hiệu ông ký dưới những bài viết trào phúng mà độc giả đọc cho thích thú, rồi quên. Vì thế bút hiệu Thương Sinh như được gắn liền với văn cách trào phúng của Duyên Anh.

Nói cho đúng thì chính cái văn phong đặc sắc của ông – qua những bài viết hoặc những phóng sự châm biếm – đã gây sự thích thú cho độc giả và khiến họ nhớ mãi tới ông qua bút hiệu Thương Sinh.

Như trên tôi đã nói, cho đến khi ông mất, có khoảng tám chục tác phẩm hư cấu của ông đã được in ra với bút hiệu Duyên Anh – đó là chưa kể những ca nhạc khúc do ông soạn đã được thu âm và phát hành trong 2 cuốn tape – chưa có tác phẩm nào được in ra dưới bút hiêu Thương Sinh. Đó có thể coi là bằng chứng Duyên Anh không định làm nổi danh những bút hiệu ông dùng để viết văn châm biếm.

Còn giá trị của những bài viết phiếm hay những phóng sự ký bằng bút hiệu Thương Sinh tôi thấy về khía cạnh văn chương thì hấp dẫn, lôi cuốn độc gỉa theo dõi, nhưng về khía cạnh nhân sinh, xã hội thì nặng phần đả phá, chỉ trích – đôi khi rất gay gắt, sỗ sàng, bêu nhục cá nhân – hơn là xây dựng. Những bài phiếm luận, những phóng sự trào phúng, qua tài viết đặc sắc của ông quả thật làm cho người đọc thích thú, làm cho ông nổi tiếng một thời, làm nhiều người “gờm, sợ” ông, nhưng chúng cũng mang đến cho ông nhiều hệ lụy, và hiệu quả tốt thì khó có thể thấy cụ thể.

Nếu tôi nhớ không lầm thì vào đầu thập niên 70 ông có đăng trên báo, công bố quyết định không viết loại văn sống sượng nữa, ai đã bị ông chỉ trích và thù hận thì cứ lên tiếng chỉ trích, phản bác, ông sẽ không trả đũa. Ông quyết định dành thì giờ để viết truyện dài và làm báo hướng về tuổi trẻ.

LD:. Một số dư luận cho rằng Duyên Anh “nhận tiền” để đánh phá chớ không phải vì thật lòng thấy “quốc gia thối nát” nên phải đạp đổ để xây dựng cái tốt đẹp hơn, điều này hư thực ra sao?

NKD: Dư luận là những lời đồn không có bằng chứng, vì thế không thể dựa vào đó để xét người hay việc. Dư luận về điều Duyên Anh “nhận tiền để đánh phá …” là lời đồn không có bằng chứng đối với một nhà báo hữu danh và có chân tài. Nhưng ta có thể nói rằng những lời đồn xấu về ông có nguyên do và liên hệ đến những bài báo, những phóng sự ông chỉ trích một cách sỗ sàng, cay nghiệt những nhân vật trong cơ quan công quyền, hay trong xã hội, bằng lối viết ám chỉ tài tình mà người bị chỉ trích không thể nêu bằng cớ để công khai kiện tụng hay phản bác. Trong thập niên 60, Duyên Anh và Chu Tử là hai cây viết xuất sắc hàng đầu về lối viết sỗ sàng mang tính “đánh phá,” làm nhục đối tượng hơn là xây dựng. Vì thế đối tượng có thể thù hận và tìm cách trả đũa. Việc Duyên Anh bị lời đồn xấu và Chu Tử bị bắn vỡ quai hàm, suýt chết ở Sài Gòn dạo trước, không phải là sự việc ngẫu nhiên, vô cớ.

LD:. Nhiều nhà văn nổi tiếng trước 1975 nhận xét rằng Duyên Anh là nhà văn của tuổi thơ, tuổi trẻ. Anh có thể cho biết ảnh hưởng văn chương của Duyên Anh đối với tuổi trẻ trước 1975 như thế nào?

NKD: Theo tôi, “Duyên Anh là một nhà văn của tuổi trẻ” là một nhận xét đúng, nhưng ông không hẳn là một nhà văn của tuổi thơ. Ông viết khá nhiều truyện về tuổi thơ, một số lấy cảm hứng từ thưở  thơ ấu của ông. Những địa danh như Thái Bình, Cầu Bo, những nhân vật như thằng Côn, con Thúy, là có thực. Có lẽ ta nên phân biệt truyện viết cho tuổi thơ – là những truyện viết cho trẻ em đọc – và “truyện viết về tuổi thơ, tuổi trẻ cho người lớn và tuổi trẻ đọc. Duyên Anh  là nhà văn có biệt tài viết về loại truyện này. Trước ông, trong những thập niên 30, 40, 50 đã có những tác giả viết về loại này như Nguyễn Xuân Huy (Nắng Đào, Chiều), Nhượng Tống (Lan và Hữu), Hoàng Công Khanh (Mối Tình Đầu), Lê Văn Trương (Hai Đứa Trẻ Mồ Côi), Trọng Lang (Những Đứa Trẻ), Tô Hoài (Ổ Chuột, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký); v.v.. số lượng không nhiều lắm, phải đến Duyên Anh thì loại truyện này mới được ông khai thác triệt để, số lượng truyện ông viết về tuổi thơ, tuổi trẻ có thể nói là nhiều hơn số tác phẩm cùng loại của các các tác giả lớp trước cộng lại. Truyện của ông làm say mê hàng triệu độc giả của miền Nam VN, và số độc giả trẻ chiếm nhiều nhất. Ảnh hưởng quan trọng, đáng chú ý  là ông không chỉ làm giới độc giả trẻ say mê  đọc văn mà còn khuyến khích và hướng dẫn họ tác văn. Và ông – qua báo Tuổi Ngọc – đã đào tạo được một nhóm bạn trẻ trở thành nhà văn hữu danh. Sự kiện một nhà văn độc lập tạo được ảnh hưởng lớn đối với độc giả trẻ của nước ta như thế thật hiếm có, trước ông chưa ai bằng, và cho tới nay tôi thấy cũng chưa có ai bằng.

Sở dĩ ông được coi là nhà văn của tuổi trẻ vì số lượng sách ông viết cho tuổi thơ,  tuổi trẻ khá nhiều, khoảng một nửa trong số năm chục tác phẩm in trước 1975. Trước ông chưa có nhà văn nào viết được nhiều như thế. Nhưng những tác phẩm khác của ông, như những truyện viết về du đãng cũng được nhiều người ưa thích, và số lượng của loại truyện này cũng không phải là nhỏ. Trong khoảng mười năm – từ 1964 đền 1974 – ngoài việc viết phiếm, viết phóng sự cho nhiều nhật báo và tạp chí mà ông vẫn viết và xuất bản khoảng năm chục tác phẩm thì khả năng tác văn của ông quả là phi thường. Sản suất tác phẩm phong phú, nhanh và được độc giả đón nhận nồng hậu như ông có lẽ chỉ có nhà văn Lê Văn Trương và kế đến là nhà văn Lan Khai thời tiền chiến. Và thời Việt Nam Cộng Hòa sản xuất tác phẩm nhiều gần bằng được như ông có thể kể nhà văn Mai Thảo.

LD:. Tạp chí Giáo Dục (trước 1975) nhận xét về tác phẩm Bồn Lừa : “Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì “Bồn lừa” quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công dân Giáo dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc.”  Bồn Lừa với nội dung của nó là một truyện tươi son nhất viết cho tuổi thơ trong lứa tuổi 15, 16. Nhưng nghệ thuật của nó vẫn là nghệ thuật được tôi luyện.” Anh có thể đào sâu hơn về “tinh thần yêu nước” của Bồn lừa cũng như các tác phẩm khác của nhà văn Duyên Anh?

NKD: Tôi chưa đọc tác phẩm Bồn Lừa nên không thể có nhận xét về nội dung của truyện và nghệ thuật tác văn của tác giả, nhưng tôi có nhận xét về lời ca tụng tác phẩm này của “tạp chí Giáo Dục” (?) được đề cập trong câu hỏi.

Tôi cho rằng tạp chí này ca tụng giá trị của Bồn Lừa là cường điệu quá đáng.   Người ta có thể say mê đọc tác phẩm, thích thú và trân quý nó, đem đóng gáy vàng và trưng nó trong tủ sách, nhưng đừng quên rằng nó chỉ là một cuốn tiểu thuyết hư cấu. Truyện hư cấu chỉ có thể dùng để cho học sinh nghiên cứu về một khía cạnh nào đó, thường là thuộc lãnh vực văn chương, chứ không thể coi nó cụ thể hơn  sách giáo khoa để dạy công dân giao dục nơi học đường.

Tôi thắc mắc nếu Duyên Anh có mục đích viết một tác phẩm để giáo dục tuổi thơ thì tại sao ông lại đặt cho tác phẩm, và nhân vật người hùng trong tác phẩm đó, cái tên kém thanh nhã là Bồn Lừa? Tên sách như thế mà đem dạy trẻ em thì các nhà giáo sẽ trả lời cho học sinh thế nào khi chúng hỏi về cái tên nói lái đi của hai tiếng Bồn Lừa?

LD:. Trước 1975 mỗi tác phẩm của Duyên Anh thu hút hàng vạn độc giả thanh thiếu niên thời đó. Anh nhận xét thế nào tài viết tôi luyện, tài thu hút độc giả, tài giáo dục tuổi trẻ của Duyên Anh. Nói một cách khác, viết tiểu thuyết mà lồng thêm những tư tưởng giáo dục thường không được “ăn khách”. Nhưng Duyên Anh là một ngoại lệ, tại sao?

 NKD: Nói về “văn tài” của Duyên Anh, một nhà văn có tầm vóc và có số lượng tác phẩm đồ sộ, tôi nghĩ không thể nói vắn tắt được, việc này phải trông chờ nơi các nhà phê bình văn học. Để trả lời cho câu hỏi này tôi chỉ xin nêu ra vài nhận xét khái quát về văn tài của ông mà thôi.

Trước hết tôi trả lời phần thứ ba của câu hỏi liên quan tới “tài giáo dục tuổi trẻ” của Duyên Anh. Tôi không nhìn thấy tài “giáo dục tuổi trẻ” qua văn chương của Duyên Anh, và tôi cũng không cho rằng ông viết truyện để giáo dục tuổi trẻ. Vả lại viết tiểu thuyết mà lồng thêm tư tưởng giáo dục vào tác phẩm là chuyện thường, nhiều tác giả còn lồng thêm cả ý niệm của triết học, tâm lý và nhân sinh quan của con người nữa. Trong những truyện viết về tuổi thơ, tuổi trẻ, Duyên Anh xây dựng nhân vật chính trong truyện mang một số cá tính như thông minh, lanh lợi, hào hùng, can đảm, yêu nước, giúp người. Hành động của những “nhân vật truyện” này đáp ứng tâm lý thích cải cách, thích phiêu lưu, thích đả phá cái xấu, làm sạch xã hội, … của giới trẻ khiến họ say mê văn chương của ông. Trước Duyên Anh đã có những tác giả viết truyện làm say mê và khích động được độc giả. Một số tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Đoàn – về cải cách xã hội, canh tân dân trí, đi làm cách mạng dành lại độc lập cho đất nước – đã làm ngây ngất thế hệ trẻ trong các thập niên 1930, 1940, và nhiều người trẻ đã xuất ngoại, theo đòi làm cách mạng. Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với tác phẩm “Đời Phi Công” đã làm nhiều người trẻ của thập niên 1950 say mê lý tưởng tôn vinh “tổ quốc – không gian,” đã khiến nhiều người gia nhập binh chủng Không Quân Việt Nam. Nhưng khi nói tới các tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Đoàn, và Đời Phi Công của Toàn Phong người ta không nói tới giá trị giáo dục của những tác phẩm ấy tuy rằng trên thực tế chúng đã gây được những ảnh hưởng tốt một cách cụ thể.

Kế đến là về “tài thu hút độc giả” của Duyên Anh. Tuy chỉ sáng tác trong khoảng 10 năm sau của Cộng Hòa Miền Nam nhưng số truyện của ông được in ra quả thật là nhiều. Có thể coi ông là nhà văn có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất trong khoảng thời gian đó, và số độc giả mến thích truyện của ông có lẽ chỉ kém số độc giả mê truyện chưởng của Kim Dung mà thôi.

Ta cũng nên biết sự “thu hút độc giả” là giá trị thời thượng, và trong trường hợp của Duyên Anh  nó mang lại lợi nhuận lớn cho ông. Chính ông đã mấy lần viết trên báo không nhận mình là nhà văn mà chỉ khoe mình là một “thợ viết,” với hàm ý cao ngạo về tài viết nhanh, viết khỏe, viết không ngừng, và có nhiều độc giả. Nhưng đích thực ông là một nhà văn, và một trong số hiếm hoi những nhà văn Việt Nam có thể sống ung dung bằng ngòi bút.  Tuy nhiên sự “thu hút độc giả” không phải là bằng chứng vững chắc về văn tài của một tác giả, vì có những nhà văn “ăn khách” một thời nhưng chỉ ít lâu sau, tác giả cũng như tác phẩm hầu như đã bị rơi vào lãng quên. Đây là vài bằng chứng. Trong hai thập niên 30, 40 Lê văn Trương là nhà văn có nhiều tiểu thuyết in nhất, trong khoảng 8 năm (1934 – 1941) ông có trên bốn chục cuốn tiểu thuyết được in ra; Lý Ngọc Hưng là tác giả những bộ truyện kiếm hiệp đồ sộ với những nhân vật người hùng Long Hình Quái Khách, Kim Hồ Điệp; Phạm Cao Củng là tác giả viết truyện trinh thám nổi danh thời tiền chiến với nhân vật Kỳ Phát làm say mê nhiều độc giả, Thanh Đình một tác giả khác viết truyện trinh thám có nhân vật chính là Người Nhạn Trắng, cũng khá “ăn khách;” các vị đó đều là những nhà văn có tài “thu hút độc giả” và những nhân vật truyện của họ một thời đã làm say mê nhiều người đọc. Nhưng chỉ hai chục năm sau ít người còn nhắc nhở tới Lê Văn Trương và tiểu thuyết của ông; Phạm Cao Củng và Kỳ Phát hầu như đã chìm vào lãng quên, Lý Ngọc Hưng và Thanh Đình chẳng thấy ai nói đến, ngay cả không biết đến. Trường hợp của Duyên Anh thì khác, ông không bị mau lẹ rơi vào lãng quên. Từ giữa thập niên 60 tới giữa thập niên 70, ông có lẽ là tác giả có tác phẩm xuất bản nhiều nhất. Từ giữa thập niên 70 đến giữa thập niên 80 trong khi ông phải ngừng viết, và bị CSVN cầm tù 6 năm, thì hầu hết tác phẩm của ông vẫn được in lại và lưu truyền, nhất là ở hải ngoại. Với khoảng bốn chục tác phẩm do nhiều nhà xuất bản tranh nhau in lại, bán kiếm tiền, ta có thể coi ông là tác giả “bị” lợi dụng nhiều nhất!  Đây là một sự “thành công chua cay” và một nét khá đặc biệt cho văn nghiệp của ông. Cái “chua cay” của ông là trong khi ông còn đang sống thì bọn con buôn đã lợi dụng việc in lại sách của ông để làm giàu mà không tôn trọng tác quyền của ông (trong đó có Đại Nam, Xuân Thu, Sống Mới, và một số nhà xuất bản “không có tên”) Dù sao thì sự người ta đua nhau in và in lại các tác phẩm của Duyên Anh trong bốn chục năm qua chứng tỏ một điều là tác phẩm của ông được độc giả mến mộ khá lâu dài, văn nghiệp của ông vượt trội so với những tác giả có nhiều sách in ấn lớp trước ông như Lê Văn Trương, Lan Khai. Mỉa mai thay những nhà xuất bản ở hải ngoại, in lại sách mà không có sự đồng ý của ông, đã “vô tình” đóng góp một phần vào sự thành công chua cay này.

Nói về “văn tài” của Duyên Anh tôi chỉ nêu một vài nhận xét khái quát. Những nhận xét này mang tính chủ quan và chỉ dựa trên những tác phẩm của ông mà tôi đã đọc.

Theo tôi, văn tài của ông biểu lộ qua văn phong hơn là qua chất liệu. Duyên Anh là một trong số ít nhà văn Việt Nam cùng thời với ông sử dụng ngôn ngữ gợi hình (figurative language) xuất sắc nhất.

Về “văn phong,” ông là một trong số ít nhà văn Việt Nam tạo cho mình một phong cách đặc thù khiến người đọc có thể nhận ra văn chương của ông khi đọc qua một vài trang sách, báo do ông viết. Nói chung đặc thù không nhất thiết là hay, là đặc sắc mà chỉ là phong cách cá biệt của một nhà văn, nhưng  trường hợp của Duyên Anh thì văn phong của ông vừa đặc thù vừa đặc sắc.

Về “cách cấu tạo truyện” Duyên Anh thường chọn vị thế thấy hết, biết hết để dựng truyện, người ta gọi chọn lựa này là “vị thế toàn năng” (Omniscient point of view), nghĩa là   tác giả biết hết mọi điều, mọi sự, tác giả có thể thuật cả cảm súc và ý nghĩ của mọi nhân vật trong truyện. Đây là vị thế phổ thông và dễ dàng nhất để từ đó tác giả dựng truyện. Ông dùng lối văn đối thoại, thuật và kể nhiều hơn là tả và luận. Đây cũng là lối thuật truyện phổ thông và dễ dàng và khiến người đọc dễ hiểu nhất.

Tháng 9/2006

This entry was posted in Nguyễn Khánh Do. Bookmark the permalink.