Phê Bình Hay Tâng Bốc?

 

Trong tiền bán thế kỷ thứ hai mươi, với sự du nhập ào ạt của tư tưởng Âu Tây, và sự phát triển mạnh của chữ quốc ngữ, các bộ môn văn học và nghệ thuật của nước ta đã tiến những bước vượt bực.  Nhưng có một bộ môn tiến rất chậm, và sau cuộc phân đôi đất nước năm 1955, nó dừng lại, nếu không muốn nói là thụt lùi, đó là bộ môn phê bình văn học.

Trước hết có lẽ nên phân biệt nhà phê bình với nhà chú giải hay nhà bình giải, tuy rằng việc làm của họ có điểm tương đồng khá quan trọng là cùng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về một văn nghệ phẩm.  Nhà chú giải hay bình giải dành nhiều thì giờ để giải thích tác phẩm, còn nhà phê bình thì dành nhiều thì giờ để phân tích và thẩm định giá trị của tác phẩm.

Vì thế những điều nhà phê bình viết thường có ảnh hưởng lưỡng diện: đối với tác giả và đối với độc giả.  Do ảnh hưởng lưỡng diện đó nhà phê bình cũng có hai trách vụ:

Thứ nhất : – Đối với độc giả những lời phê phán xác đáng, vô tư, khúc chiết và minh bạch giúp cho người sáng tác phấn khởi, tin tưởng hoặc giúp họ cải tiến các lỗi lầm.

Thứ hai: – Đối với độc giả, những lời phê phán giúp họ thưởng thức tác phẩm một cách thích thú và có ích hơn.

Do ảnh hưởng tới người đọc mà nhà phê bình còn có thêm một trách vụ thích thú khác là tìm kiếm tác phẩm có giá trị để tiến cử cho độc giả.

Cũng nên nói thêm ở đây, các tạp chí thiên về văn học, nghệ thuật thường có mục điểm sách, hay giới thiệu sách mới, mà người phụ trách thường kiểm điểm, giới thiệu những văn nghệ phẩm mới xuất hiện.  Nếu phân tích nội dung, khen, chê, các tác phẩm: hay phân tích nghệ thuật của các tác giả… thì nhà giới thiệu đã bước sang lãnh vực của nhà phê bình.

Ở Tây phương, phê bình nói chung, và phê bình tác phẩm văn chương nói riêng, là một môn có lãnh vực khá rộng, và có một lịch sử lâu đời ngang hàng với triết học.  Ngay từ cổ thời, hai triết gia Hy Lạp, Platon và Aristote, đã bàn luận rất sôi nổi về văn chương và phê bình.  Sau đó các nhà phê bình phương Tây đã liên tục phát huy công cuộc khởi xướng bởi Platon và Aristote một cách đều đặn và ngoạn mục.

Ở nước ta, cho tới khi Phạm Quỳnh viết những bài phê bình đầu tiên trên hai báo Đông Dương và Nam Phong, có thể nói không có các nhà phê bình mà chỉ có các nhà chú giải và bình giải.

Khởi xướng bởi Phạm Quỳnh, với các bài phê bình:  Khối Tình Con của Tản Đà trên Đông Dương tạp chí số 120 năm 1915;  Giấc Mộng Con cũng của Tản Đà trên Nam Phong tạp chí số 7, năm 1918.  Tiếp nối bởi Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố, Lê Dư, Thiếu Sơn, Trương Tửu, Trương Chinh, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thái Mai, Dương Quảng Hàm… các nhà phê bình này đã một thời làm cho bộ môn phê bình văn học trở nên sôi động, hào hứng.  Những lời phê bình ngắn gọn nhưng sắc bén, tinh tế của Phan Khôi và Hoài Thanh đã giúp cho người đọc vừa học hỏi vừa lĩnh hội một cách thích thú.  Những lời phê bình cân nhắc, nghiêm túc, có phương pháp của Vũ Ngọc Phan đã khiến Nhà Văn Hiện Đại trở thành tác phẩm phê bình văn học có giá trị nhất, cho tới nay chưa có tác phẩm nào sánh kịp.

Trong cuốn Trên Đường Nghệ Thuật Vũ Ngọc Phan viết “trong một nước có nhiều văn thơ xuất bản và có nhiều thơ văn đăng trên các báo chí, mà không có những bài phê bình và những sách phê bình thì cõi học thật là lặng lẽ” (Trên Đường Nghệ Thuật, Vũ Ngọc Phan trang 179).  Ông xác quyết thêm trong Nhà Văn Hiện Đại:  “Nếu theo các tôn chỉ của các nhà phê bình có tiếng ở Âu Châu, phê bình tức là dẫn đường cho độc giả, tức là vạch rõ chỗ hay và chỗ dở của tác giả, nghĩa là chỉ cho tác giả con đường nên theo, thì một khi đã có đủ các loại văn khác mà không có loại văn phê bình, văn chương có thể ví như một con thuyền không chèo không lái” (Nhà Văn Hiện Đại quyển 3, chương Các Nhà Phê Bình).

Tuy Vũ Ngọc Phan đề cao vai trò của “văn phê bình” hơi quá đáng, nhưng cũng có chứng cớ cho thấy lời của ông có phần nào xác đáng.

Ở miền Bắc sau khi đất nước bị chia đôi vào năm 1955 dưới chế độ văn hóa chỉ đạo của đảng cộng sản, trăm thứ văn chương đều có mùi… Mác Xít cả.  Phê bình chân chính và ngay thẳng không còn nữa, chỉ còn lại một số những “nhà phê bình bò sát”, chỉ cố bới móc lỗi lầm, dù nhỏ nhặt, của những người làm văn nghệ không phục tùng Đảng, để mạt sát và chụp mũ.  Hay những nhà phê bình tốt mũi, có cái mũi rất giỏi chịu đựng thứ văn chương nặng mùi của Bác và cán bộ cao cấp Đảng sản xuất ra.  Một thí dụ điển hình là tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký”, viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh, đã được tâng bốc là tác phẩm vĩ đại nhất của hiện đại (!), và một số nhà phê bình có tiếng trước năm 1955 như Hoài Thanh, Đặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Chế Lan Viên…dưới sự nhào nặn của văn hóa chỉ đạo đã biến thành những nhà phê bình tốt mũi một cách thành khẩn, Vũ Ngọc Phan thì rời bỏ lãnh vực phê bình, để chuyển sang sưu tầm, khảo cứu, và Phan Khôi, kiện tướng duy nhất của lớp cựu học còn sót lại, múa những đường kiếm oanh liệt cuối cùng trước khi vĩnh viễn yên nghỉ.  Vậy ở miền Bắc không có phê bình văn nghệ chính đáng nên quang cảnh của văn chương quả là có lặng lẽ.

Ở miền Nam trong số các nhà phê bình lớp trước, chỉ còn có sự hiện diện của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý, nhưng có những nhà phê bình mới xuất hiện trong đó ta có thể kể Thanh Lãng, Nguyên Sa, Thế Phong, Thế Nguyên, Cao Thế Dung, Nguyễn Đình Tuyến, Nguyễn Tấn Long, Lê Huy Oanh, Nguyễn Ngu Ý, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Sâm, Sa Giang…. Nhưng phê bình văn chương vẫn chỉ được coi là một ngành thứ yếu, đa số các bài phê bình được viết theo cảm hứng hay cảm tình với bạn bè, ít thấy chú trọng về kỹ thuật và sử dụng phương pháp hẳn hoi.  Thêm nữa một số người hoạt động nhiều về lãnh vực này lại là những người huênh hoang, ồn ào lệch lạc và thiếu phương pháp nhất.  Một Nguyên Sa vênh váo “Một mình một ngựa đi trong văn học Việt Nam” (1), một Thế Phong sống sượng với “Nhà văn Tác Phẩm Cuộc Đời” làm xanh hay đỏ mặt những người được đề cập đến trong tác phẩm;  một Sa Giang lủng củng , lệch lạc và tùy hứng với “Tác Giả Tác Phẩm” và “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại”…

Khi phê bình đã không có phương pháp, không đúng kỹ thuật mà chỉ theo cảm hứng hay tinh thần bè phái, thì sự tâng bốc bạn bè, và bới móc đối thủ có dịp tốt để phát triển.  Sự mạt sát của những sa đích văn nghệ khiến một số người làm văn hóa e dè.  Sự tâng bốc khiến một số khác mới làm dăm bài thơ, viết một vài cuốn sách được bạn bè  tán tụng vội tưởng đã ngồi chỗm chệ trên… đỉnh núi văn học.  Tuy phát triển tốt đẹp về nhiều mặt, văn học nghệ thuật của miền Nam vẫn có một sự hụt hẫng về lãnh vực phê bình nghiêm chỉnh, và nếu không giống như một con thuyền không có người lái như Vũ Ngọc Phan đã nói, thì cũng giống như một khu vườn có trăm hoa đua nở, nhưng những cây hoa mọc bừa bãi không theo hàng luống.  Khu vườn đó thiếu một số tay làm vườn lành nghề chăm sóc, hay nói như nhà văn Duyên Anh là miền Nam chúng ta “thiếu một Vũ Ngọc Phan”.

Cũng trong Trên Đường Nghệ Thuật, Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh ngay ở những dòng mở đầu của chương “Phê Bình và Bút Chiến” như sau: “Người ta thường hay lầm lẫn hai chữ “phê bình” với hai chữ “chỉ trích”, vì người ta nói phê bình tức là bình phẩm, mà bình phẩm theo nghĩa thông thường của nó là chỉ trích hay tìm bới cái dở của người.

  Như thế là hiểu sai hẳn nghĩa hai chữ “ phê bình” nhất là phê bình về văn học.  Có thể nói hẳn rằng phê bình không bao giờ nghĩa là chỉ trích…” (trang 181, sách đã dẫn).

Có lẽ cho rằng phê bình văn học là một bộ môn mới đối với văn chương của ta nên ông đã nhấn mạnh kỹ lưỡng như thế, nhưng có một điều khá quan trọng mà ông bỏ qua, không nói tới, đó là “Phê bình cũng không bao giờ là tâng bốc cả”.  Thực ra ở Âu Tây người ta ít lầm phê bình với chỉ trích, mà người ta cũng ít lầm phê bình với tâng bốc.

Đáng buồn thay trong hai mươi năm văn học miền Nam, nhiều người đã lầm lẫn phê bình với tâng bốc.  Nay ở hải ngoại, hơn 10 năm sau, sự lầm lẫn đó vẫn được tiếp tục một cách còn… tệ hại hơn.  Tôi xin được dẫn chứng điều này bằng cách mời độc giả đọc những “lời phê bình” của một số nhà văn hóa ở hải ngoại về một thi tập xuất hiện khá ồn ào cách đây khoảng hơn một năm:  thi tập “Cát Vàng” của nữ sĩ Vi Khuê.

*

Trước khi xét một số lời phê bình Cát Vàng, tôi xin minh định đôi điều:

Thứ nhất:  Tôi không có ý định phê bình thi tập Cát Vàng mà chỉ xét tới một số lời phê bình do chính tác giả Vi Khuê chọn lọc cho in ở bìa sau của thi tập.  Một số lời phê bình khác được phát biểu đây đó trên báo chí hoặc trong các buổi ra mắt của Cát Vàng (nhờ công của ông Nguyễn Hữu Nghĩa sưu tập trong bài diễn văn “Nhận Định Của Giới Văn Học Nghệ Thuật Về Cát Vàng”), và bài nói chuyện “Nét Sầu Trong Thơ Vi Khuê” của nhà văn Võ Đình.  Khi phải đề cập tới một số bài thơ trong thi tập đó thì sự đề cập xin được hiểu là vì mục đích dẫn chứng, chứ không có ý đi vào chi tiết phê bình.

Thứ hai:  Về phương pháp, loại bỏ lối nói lấp lửng, khen chê chung chung ta có thể chia phê bình tác phẩm văn nghệ thành hai lối, lối thứ nhất là phê bình kỹ thuật, nhà phê bình dùng phương pháp của mình đặt trên một căn bản chọn lựa để thẩm định giá trị của tác phẩm, đó là lối Vũ Ngọc Phan sử dụng trong Nhà Văn Hiện Đại.  Lối thứ hai là phê bình hứng cảm, nhà phê bình nói đến những xúc động do tác phẩm tạo nên, đó là lối Hoài Thanh sử dụng trong Thi Nhân Việt Nam.  Một phần vì phê bình kỹ thuật đòi hỏi phải có phương pháp và phải dành nhiều thì giờ thẩm định, một phần vì ngại bầy tỏ những chi tiết kỹ thuật nên đa số người viết phê bình tác phẩm văn chương chọn lối thứ hai.  Nhưng nếu thiếu sự tinh tế, thiếu khả năng thẩm định, thiếu cái nhìn tổng quát thì phê bình theo lối này dễ rơi vào trường hợp nhặt nhạnh một số chi tiết trong tác phẩm rồi phóng đại ra như là giá trị thực sự của tác phẩm đó.  Thêm nữa, lối phê bình “nhặt nhạnh và phóng đại này” có thể làm cho người viết khó chịu (vì bị chỉ trích một cách thiếu công bằng), hoặc khoan khoái (vì được tâng bốc), nhưng nó không lợi ích cho người đọc (vì bị dẫn dắt một cách lầm lạc) trừ phi người đọc đã đọc tác phẩm trước khi đọc những lời phê bình.  Các lời phê bình thơ Cát Vàng của Vi Khuê có hai loại một là do cảm tình thuần túy giữa nhà phê bình và nhà thơ do đó có sự khen tặng “cho vừa lòng nhau”, loại kia có dính dáng ít nhiều đến kỹ thuật bầy tỏ nhận xét có ảnh hưởng cho độc giả.  Ở đây tôi chỉ xét mấy lời thuộc loại sau.

Thứ ba:  Những lời phê bình do Vi Khuê cho in ở bìa sau của Cát Vàng không ghi rõ xuất xứ là những lời đã đăng trên sách báo, hay là những lời khen tặng có tính cách riêng tư, nhưng nhà thơ lấy làm hài lòng, đem in cùng với sách. Nay tôi xét đoán các lời đó như những lời phê bình công khai, vì đã in trên giấy trắng, mực đen. Do đó sự ngộ nhận, nếu có, gây nên là do chủ ý của tác giả Cát Vàng, nhưng tôi cũng xin nhân đây gửi lời tạ lỗi trước.

Qua những lời khen tặng được in ở bìa sau của Cát Vàng và những lời “nhận định” do ông Nguyễn Hữu Nghĩa góp nhặt, người ta thấy quả nhiên văn nghệ giới hải ngoại đã dành cho bà Vi Khuê một cảm tình không nhỏ.  Toàn là những khuôn mặt lớn:  Mai Thảo, Nguyên Sa, Võ Đình, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Cao Tần, Huỳnh Sanh Thông, Hồ Trường An, Duy Sinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ngọc Bích, ấy là chưa kể các nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ của Vi Khuê:  Phạm Duy, Lê Hữu Mục, Phan Ni Tấn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Chử Nhị Anh, Chử Tam Anh…, đấy là chưa kể Vũ Hoàng Chương.

Phải nhận rằng, kể cả ở miền Nam trước đây, cũng như ở Hải ngoại bây giờ, có lẽ Cát Vàng là thi phẩm của Việt Nam có sự đóng góp lời khen tặng đông đảo và ồn ào nhất.  Và không biết trong những lời đó, có lời nào là một lên tiếng vì “chẳng đặng đừng” hay không?

Bây giờ xin mời độc giả đọc “phê bình một số lời phê bình thơ Vi Khuê”.

 

Lời bình phẩm của Vũ Hoàng Chương lẽ ra không nên đề cập tới ở đây vì hai lẽ:

Thứ nhất: Những lời ông phát biểu về thơ Vi Khuê (xin lưu ý là do nhà thơ dẫn chứng) cách đây đã hơn mười lăm năm, lúc đó có thơ Vi Khuê, nhưng chưa có Cát Vàng được xưng tụng như bây giờ.  Những lời phê bình của ông vì vậy mang tính chất khen tặng và khuyến khích của một thi sĩ thời danh đối với một người mới có tác phẩm đầu tay, còn chân ướt chân ráo bước vào làng văn.

Thứ hai: Ông là người duy nhất đã quá vãng trong số những người đã khen ngợi thơ Vi Khuê.

Nhưng để cho được vô tư, tôi vẫn xin xét lời khen tặng của ông, vì dường như bà Vi Khuê có vẻ hãnh diện về những lời này.  Hai đoạn phẩm bình của Vũ Hoàng Chương như sau:

Phần đầu: “Nữ sĩ Vi Khuê đã gây nơi tôi một xúc động lớn.  Tác giả Giọt lệ đã vì đời mà sa giọt lệ.  Niềm băn khoăn in vào thơ như vết dao chém trên đá, như mũi kim xuyên thủng địa cầu”.

Phần sau: “Người đã đưa mái tóc Sykvie vào nằm kề thơ Thôi Hộ bằng những vần điệu lệch lạc so le, thơ tự do, lại cũng có cả giọng nói rất nhập Đường, lời tao nhã, kỹ thuật vững vàng.  Và “nét mây bắt ngang” trong bài thơ Hoang Vu có đủ phong độ hợp với “mày ai trăng mới in ngần” của Nguyễn Du, để thành cặp”.  Sau đây là bài thơ Hoa Đào trong đó có mái tóc Sylvie Vartan mà VHC nói tới:

đứa con gái mái tóc Sylvie Vartan

ngồi đọc thơ Thôi Hộ

một buổi sớm mai vàng

dưới chân

hoa đào nở.

(Xin lưu ý là ở nguyên tác cá chữ đầu câu không viết hoa, và chỉ có một chấm duy nhất ơ cuối bài thơ)

Hoang Vu quả thực là một bài lục bát khá hay trong Cát Vàng. Hoa Đào có hình ảnh đẹp, nhưng đọc kỹ người ta sẽ thấy đó không phải là một bài thơ trọn vẹn, mà chỉ là một câu thơ đã có đủ ý.  Sự ngắt đoạn cho có vần khiến ta có cảm tưởng đó là một bài thơ, thực ra nếu viết liên tiếp không xuống dòng thì ta sẽ được một câu văn xuôi (hay gọi là một câu thơ tự do cũng được) trong đó cóchút  nhạc điệu và hình ảnh.  Trong văn chương của ta, trừ những câu tục ngữ ca dao là có thể thật ngắn, gồm một hoặc hai câu, nhưng thơ thì không thể có một câu mà thành một bài được.  Phân bài thơ thành năm dòng như bài Hoa Đào là một sự ngắt câu gượng ép.  “Dưới chân hoa đào nở” đem cắt làm hai dòng khiến cho câu thơ so le giả tạo, và điệu thơ rời rạc.  Một câu thơ cù có hình ảnh đẹp, dù là một thứ thi trung hữu họa, dù có ý tại ngôn ngoại đi nữa cũng vẫn không thể làm lên một bài thơ hoàn bị được.  Nếu căn cứ vào bài Hoa Đào mà bảo là tác giả của nó có kỹ thuật vững vàng thì tôi phải thành thật không đồng ý với Vũ Hoàng Chương về điểm này.

Quả có mái tóc của Sylvie Vartan nằm kề thơ Thôi Hộ, có vần điệu so le, có giọng nhập Đường (nhờ có hai chữ Thôi Hộ), nhưng bảo rằng Hoa Đào có lời tao nhã thì tôi e không đúng lắm, vì chữ “đứa” ở đầu câu thơ không phải là một tiếng thanh nhã, nó làm kém vẻ đẹp của câu thơ đi chứ không nhẹ nhàng bằng chữ “người”hay “nàng” chẳng hạn.

Sử gia kiêm phê bình gia Huỳnh Sanh Thông là người đã nhận ra giá trị về Sử Liệu của Cát Vàng.  Ông viết: “Những tác phẩm của bà đều có giá trị về cả hai phương diện văn chương và sử liệu, đáng lưu trữ cho các thế hệ sau”.  Trong Cát vàng quả có đôi ba chỗ đã đề cập phớt qua tới cảnh tị nạn, nói tới “bớt pí pơn”, tới nhớ nhà, nhớ quê, không hiểu đó có phải là những điểm để ông Huỳnh Sanh Thông ca tụng là những (những?) tác phẩm của Vi Khuê có giá trị về “sử liệu đáng lưu trữ cho các thế hệ sau” hay không?  Thông thường, tác phẩm về thi ca khó có thể được coi là sử liệu tốt.  Ngay cả những tác phẩm thơ trường thiên về lịch sử như Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca người ta cũng chỉ chú trọng nhiều tới giá trị về thơ mà ít chú trọng nhiều tới giá trị về sử liệu.  Hoặc giả là ông Huỳnh Sanh Thông có con mắt tinh tế hơn người nên nhìn ra được giá trị quý báu về sử liệu của Cát Vàng mà người khác không thấy chăng?  Xin đề nghị ông Huỳnh Sanh Thông viết một bài về “sử liệu giá trị trong thơ Vi Khuê” dẫn giải cho độc giả được dịp mở rộng thêm về kiến thức.

Đến phiên nhạc sĩ kiêm phê bình gia Lê Hữu Mục bàn về họa tính và nhạc tính của Cát Vàng.  Ông viết:  “Hai tiếng “chao ôi” ở ngoài đời  nhạt nhẽo tầm thường bao nhiêu thì thơ Vi Khuê nó gây kinh hãi, giật mình chừng đó.  Nghe như tiếng kêu thất thanh của con người muôn thuở.  Mỗi bài thơ Vi Khuê tự nó là một bức họa, là một bản nhạc.  Nhạc sĩ chỉ cần “bấm nốt” lên thôi…

Ông Lê Hữu Mục nói đúng một phần.  Trong Cát Vàng có một số bài thơ lục bát và một số bài thơ làm theo Đường luật, sự xếp đặt âm thanh và vần điệu đã được người xưa nghiên cứu, qui định rõ ràng, nên hẳn là phải có nhạc điệu.  Nói cho ngay, bất cứ bài thơ lục bát hay Đường luật nào nếu làm đúng khuôn phép đều có nhạc điệu cả, chứ chẳng cứ gì thơ Vi Khuê.  Nhưng nếu một thi tập mà “mỗi bài thơ tự nó là một bức họa, là một bản nhạc” thì quả thực cổ kim, Đông Tây chưa chắc đã có tác phẩm nào tuyệt diệu đến như thế!  Xin đề nghị nhạc sư Lê Hữu Mục thử “bấm nốt” bài thơ “Nói” sau đây:

tại sao người này lại nói điều này

người khác lại nói điều kia

tại sao tôi lại nói như thế này

mà không nói như thế kia

trên trái đất ngày nay

liên hành tinh liên lục địa

tại sao tôi lại nói

nói

nói

nói

(Nói, Cát Vàng trang 64). (Lời người viết:  Chao ôi, tại sao ông Lê Hữu Mục lại nói như thế này mà không nói như thế kia;  Và chao ôi, tại sao tôi lại nói như thế kia mà không nói như… ông Lê Hữu Mục).

Nhà phê bình kiêm thống lĩnh núi văn học Nguyên Sa đại diện cho “chúng ta” bầy tỏ cảm tưởng như sau: “Vi Khuê là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi của miền Nam Việt Nam đã mang lại cho chúng ta những vần thơ điêu luyện đấy ắp tình người.  Nhà thơ nữ Vi Khuê đã nổi tiếng từ lâu, ở quê nhà, và thật là một vinh hạnh lớn lao cho chúng ta hôm nay, trên bước đường di tản, còn được những vần thơ đáng yêu của bà”.  Khi đọc những dòng này thì bạn đã đọc Cát Vàng chưa?  Chưa đọc?  Không sao.  Đã có nhà thơ Nguyên Sa đại diện để bầy tỏ vinh hạnh lớn lao dùm cho bạn rồi.  Đọc rồi?  Nhưng đã bày tỏ vinh hạnh lớn lao dùm cho bạn rồi.  Đọc rồi?  Nhưng đã bày tỏ vinh hạnh lớn lao chưa?  Nếu chưa thì cũng không cần phải làm nữa vì ông Nguyên Sa mặc áo thụng đã lo giúp bạn rồi (trừ khi bạn muốn nói rõ thêm:  tôi không những đại diện cho tôi, mà còn gia đình tôi, quyến thuộc tôi…để vinh hạnh.v.v…).  Bạn không đồng ý bày tỏ vinh hạnh?  Hãy tìm đến ông Nguyên Sa mà hỏi xem ông ấy lấy tư cách gì để đại diện cho “chúng ta hôm nay…”.  Xin lưu ý bạn:  khi gặp “ông thống lĩnh” nói năng phải cẩn thận, láng cháng bị chụp cho một cái mũ thì rán mà chịu, đừng lôi Thiện Nhân ra mà trách đấy nhé.

Và sau đây là lời phê bình của một “ông thống lĩnh” khác, ông Mai Thảo.

“Bây giờ Huế đã đi ngoài thế giới nên Hương Giang và Ngự Bình cũng đau nỗi đau của thời thế và của những đời người.  Thơ Vi Khuê ngôn ngữ quí phái, nghệ thuật, cấu trúc chừng mực, khác hẳn với những tiếng thơ nam giới cùng thời”.

Lời phê bình trên có hai câu, câu đầu ý nghĩa bí hiểm, theo truyền thống của … văn Mai Thảo.  Câu này có hai phần, phần đầu “bây giờ Huế đã đi ngoài thế giới” đề chỉ nguyên nhân.  Phần sau “nên Hương Giang và Ngự Bình cũng đau nỗi đau của thời thế và của những đời người” để chỉ kết quả.Ở đây hẳn ta không thể hiểu “Huế” là thành phố Huế được, vì thành phố Huế  làm sao mà “đi” được.  “Huế” có thể hiểu là người của Huế được không?  Những người của Huế chỉ đi ra nước ngoài chứ có “đi ngoài thế giới đâu” ?(đi ngoài thế giới nghe ớn quá).

Câu văn của ông Mai Thảo về cấu tạo thì hợp cách, đọc lên lại nghe kêu oang oang như dùi gỗ đánh vào thùng thiếc rỗng, nhưng về ý nghĩa thì tối tăm mù mịt, người đọc điên đầu cũng không hiểu nổi.  Cho dù câu văn đó mang một ý nghĩa nào đi nữa thì nó cũng chẳng đả động gì đến thơ Vi Khuê hết, không biết bà Vi Khuê hiểu thế nào mà trích đăng lên Cát Vàng?  Thông thường khi phê bình một tác phẩm văn học nhà phê bình cần viết rõ ràng khúc chiết để giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm, do đó khi đọc tác phẩm họ sẽ thấy thích thú và dễ thông cảm với tác giả hơn.

Cái lối viết gọi là giới thiệu hay “điều thấy nhỏ”, hay vài ba câu kêu boong boong, khiến một số người đọc, mà trình độ thưởng thức văn chương chỉ chung chung như kẻ viết bài này, phải ngẩn ngơ không biết văn ý thế nào, là một nhãn hiệu của ông Mai Thảo, chỉ có ông mới viết được như thế, và chỉ có ông mới… viết như thế.

Mới hay người ta nói miệng nhà sang có gang có thép quả thật đúng, câu văn đó được viết từ ngòi bút của nhà văn lớn Mai Thảo thì được nhà thơ Vi Khuê trang trọng cho trích lên bìa sách:  giá nó phát xuất từ ngòi bút của một học sinh, làm luận văn, nộp thầy chấm, thì không biết nhà giáo Vi Khuê có nặng tay mà khuyên cho hai cái vòng tròn hay không?

Câu thứ hai trong lời phê bình của ông Mai Thảo ý tứ rõ ràng hơn câu đầu, nhưng về ý cũng có điểm đặc biệt để nói.  So sánh thơ của một thi sĩ với các thi sĩ đồng thời là điều tốt để tìm ra điểm đặc sắc riêng của nhà thơ.  Nhưng so sánh thi tính và nghệ thuật dựng thơ của “nữ” thi sĩ Vi Khuê với các “nam” thi nhân cùng thời thì thật … ngộ nghĩnh.  Lại nói rằng thơ Vi Khuê quí phái và có cấu trúc chừng mực “khác” với các nam thi nhân thì có khác gì bảo là thơ của các đấng tu mi thời nay đều… không quí phái và không có cấu trúc chừng mực.  Tôi không tin lời phát biểu này đúng trong trường hợp chung, nhưng nếu xét một vài trường hợp riêng thì có thể chấp nhận được.  Thí dụ như trường hợp của chính thi sĩ… Mai Thảo.

Xin cử một dẫn chứng:

Cách đây ít lâu, ông Mai Thảo có cho đăng bài thơ “Thơ Say Trên Máy Bay” trên một số báo như Việt Nam Thương Mại của ông Hoàng Ngọc Ẩn, Đời của ông Nguyên Sa. v.v… có mây câu như sau:

Nhớ bạn lồng trong nhớ Việt Nam

Trên chuyến bay chiều về Texas

Đứa nào đón tao ở dưới đất

Có đón bằng cuộc đời đã mất?

(Việt Nam Thương Mại tháng 6/85 trang 9a).

Chữ “đứa” trong bài Hoa Đào của Vi Khuê tuy kém tao nhã nhưng còn có cái ý thân mật để gọi một cô bé, chứ hai chữ “đứa nào” của ông Mai Thảo trong đoạn thơ trên, nhất là lại dùng để chỉ những người có lòng ra đón ông , thì thực là sách mé, mục hạ vô nhân.  Cho nên nếu bảo rằng thơ Vi Khuê quý phái “khác”với thơ nam thi sĩ Mai Thảo trong trường hợp này thì kể cũng có lý vậy.

Để ý đến triết tính trong thơ Vi Khuê là hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Võ Đình.  Ông Nguyễn Mộng Giác là người được diễn giả Nguyễn Hữu Nghĩa cho là có bài nhận định “cô đọng và đầy đủ nhất về Cát Vàng”.  Còn ông Võ Đình là người tự cho rằng đã khám phá ra “nét sầu trong thơ Vi Khuê”.

Xin nói về ông Nguyễn Mộng Giác trước.  Lời trích dẫn trên bìa của Cát Vàng:  “Trước, tôi vẫn tưởng thơ Vi Khuê đặc sắc chỉ ở sự đài các, tinh tế, như Đoàn Thị Điểm hay như bà Huyện Thanh Quan.  Nay tôi mới biết mình lầm lẫn quá nhiều, sau khi đọc bài thơ năm chữ Giọt Lệ của Vi Khuê: “- Còn chăng hay đã hết – Câu chuyện của loài dơi – Hai ngàn năm sờ soạng – Chưa tìm thấy mặt trời?”  Hóa ra ngay trong nếp sống tưởng là bình thường, êm ả của nhà thơ và cuộc đời Vi Khuê vẫn tìm thấy được những dấu hỏi lớn từng khiến Thi Ca trở thành “tinh hoa” của “triết học”.

Trước hết ông Nguyễn Mộng Giác nhận định rằng thơ Vi Khuê đài các và tinh tế như thơ của hai nữ thi sĩ tiền bối.  Rồi ông thú nhận là đã “lầm lẫn quá nhiều” vì đã không nhìn ra ngay được triết tính của thơ Vi Khuê.  Tư tưởng triết học được đề cao trong thơ là một chuyện thường thấy, chỉ có dùng thơ để phô diễn hay xây dựng triết thuyết thì mới hiếm hoi, không nhìn thấy tư tưởng triết học trong thơ chẳng có gì là lầm lẫn cả, sơ sót hay thiếu tinh tế thì có.  Thiết tưởng chỉ khi nào người ta đã nhận xét sai lạc, rồi muốn điều chỉnh lại cho đúng, thì mới phải thú nhận là mình đã lầm lẫn mà thôi.  Hay là ông Nguyễn Mộng Giác muốn lấy lại mấy chữ “đài các, tinh tế” mà ông đã tặng bà Vi Khuê?  Kể ra hai chữ “Sờ soạng” trong câu thơ “hai ngàn năm sờ soạng” cũng chẳng đài các gì.  May mà ông chưa tặng nữ sĩ Vi Khuê hai tiếng “quý phái” như ông Mai Thảo, hay “tao nhã” như ông Nguyễn Hữu Nghĩa vì hai tiếng gợi hình “sờ soạng” đặt trong câu thơ nào cũng không thể làm cho câu thơ trở thành quý phái hay tao nhã được.

Ông Nguyễn Mộng Giác còn viết là trong nếp sống tưởng là bình thường, nữ sĩ Vi Khuê “vẫn tìm thấy được những dấu hỏi lớn từng khiến Thi Ca trở thành tinh hoa của triết học”.  Câu văn này nghe đinh tai, mà ý tứ lại cũng lạ lùng.  “Những dấu hỏi lớn” mà lại có thể khiến thi ca trở thành tinh hoa của triết học được sao?  Dấu hỏi lớn nào mà mầu nhiệm quyền năng đến như thế?  Và có phải tinh hoa của triết học là do thi ca mà ra không?  Những thắc mắc này nếu không có người phát biểu ra câu nhận xét ở trên thì cũng phải do người tìm ra những “dấu hỏi lớn” mới có đủ khả năng giải thích.  Những kẻ trình độ hiểu biết bình thường như kẻ viết bài này thì chỉ dám hiểu rằng những dấu hỏi là để chỉ sự thắc mắc, càng nhiều dấu hỏi và dấu hỏi càng lớn thì thắc mắc càng nhiều và tìm ra được dấu hỏi thì mới chỉ là biết thắc mắc mà thôi, nghĩa là còn đang loay hoay ở ngưỡng cửa tìm hiểu chứ làm gì mà đã tinh hoa tinh hiếc.

Trong buổi ra mắt thi tập Cát Vàng ở đại học George Mason ngày 11-5-85, ông Võ Đình khẳng định trong bài diễn văn Nét Sầu Trong Thơ Vi Khuê như sau:  “Chúng tôi nhận lãnh trách nhiệm đó trong tinh thần thân hữu  bởi vì đích đáng với nghĩa ấy thì không còn ca tụng mà chỉ có cảm thông, không có cân nhắc mà chỉ có chia xẻ”.

Ông Võ Đình đã theo đúng phần nào điều khẳng định này.  Trước hết ta hãy nghe ông nói về “khám phá” của ông.  Võ Đình viết: “Trong khuôn khổ của phần nói chuyện hôm nay chúng tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh rất đặc biệt của thơ Vi Khuê.  Tuy rằng đặc biệt nhưng khía cạnh đó đâu có phải là điều hiếm hoi trong thi ca cổ kim, khía cạnh đó hầu như đồng nhất với thi ca.”  Phát biểu này đọc lên nghe thật kêu nhưng có sự mâu thuẫn trong ý tưởng.  “Rất đặc biệt” mà lại “đâu có phải là điều hiếm hoi trong thi ca cổ kim” thì là thứ đặc biệt gì?  Đặc biệt ở chỗ không hiếm hoi?  Một câu văn nhận định mà phần trên thì xác quyết, rồi phấn dưới phủ nhận ngay ý của phần trên quả thật cũng … rất đặc biệt, và có hiếm hoi thật.  Nhận định của Võ Đình về thơ Vi Khuê còn… đặc biệt ở chỗ là ông “sửa” thơ của bà Vi Khuê rồi khen theo lời thơ đã được sửa chữa đó.  Đây là đoạn thơ mà ông Võ Đình đã sửa đi để rồi phê bình:

nhỏ nhoi thay kiếp người

đau thương là hiện hữu

vết bầm trong xương tủy

sờ nát đầu ngón tay

Và đây là nguyên tác đoạn thơ của Vi Khuê (trích trong bài Giọt Lệ)

nhỏ nhoi thay kiếp người

đau thương thì hiện hữu

vết bầm trong xương tủy

sờ nát đầu ngón tay

Chắc là độc giả đã nhìn thấy sự khác nhau của đoạn thơ.  Tuy chỉ khác nhau có một chữ mà ý thơ sai lạc đi khá nhiều.

Câu thơ của Vi Khuê:

đau thương thì hiện hữu

Chữ “thì” ở đây chỉ một trạng thái, khiến cho câu thơ giúp thêm nghĩa cho câu trên và chuyển tiếp ý xuống câu dưới, do đó đoạn thơ có ý liên tục (cuộc đời vốn đã nhỏ nhoi, lại còn có sự hiện diện thường xuyên của đau thương, nên nỗi đau này đã biến thành vết bầm trong xương tủy… ) ông Võ Đình đổi câu thơ thành:

Đau thương hiện hữu

Chữ “là” ở đây chỉ sự đồng hóa giữa đau thương và hiện hữu, khiến cho câu thơ trở thành một phát biểu về tư tưởng, nó là một câu độc lập, ý trọn vẹn, không liên hệ gì với câu trên và hai câu dưới.  Nó như một lưỡi dao cắt đoạn thơ ra làm hai phần khiến cho ý thơ rời rạc, thiếu hẳn cái mạch lạc của nguyên tác.  Về triết tính trong thơ Vi Khuê ông Võ Đình còn đi xa hơn ông Nguyễn Mộng Giác nhiều.  Ông so sánh tư tưởng triết học của Vi Khuê (?) với tư tưởng của hai triết lừng danh Pháp là  Descarres và Sartre.  Ông viết trong bài diễn văn:

“Dấu hỏi lớn nhất, thưa quý vị, là dấu hỏi không nằm sau một câu hỏi, bởi vì câu hỏi lớn nhất đã là một câu trả lời, và trả lời là đã chấp nhận:

nhỏ nhoi thay kiếp người

  đau thương là hiện hữu

Một người đàn bà Việt Nam, một người con, một người vợ, một bà mẹ, một nhà giáo, một nhà thơ… Vi Khuê không nói rằng “suy tư là hiện hữu” như Descarres, mà cũng không tin rằng “chọn lựa là hiện hữu” như Sartre.  Chỉ tin rằng “đau thương là hiện hữu”.

Lời nói mang tính cách triết học khó hiểu thật. “Dấu hỏi lớn nhất không nằm sau một câu hỏi” và “câu hỏi lớn nhất đã là một câu trả lời” nghe… chóng cả mặt.

*

Cộng sản Việt Nam có “Nhật Ký Trong Tù” của Hồ Chí Minh được tập đoàn văn nô xưng tụng là tác phẩm vĩ đại của thời nay, bằng những lời văn mà chúng ta chỉ có thể vừa bịt mũi vừa đọc.  Người Việt tự do ở hải ngoại tuy chưa có tác phẩm nào coi là vĩ đại nhất của thời hiện đại, nhưng đã có Cát Vàng lẫy lừng của nữ sĩ  Vi Khuê, được một số nhà văn hóa lớn dành cho sự ca tụng rất… quảng đại.  Có Nguyên Sa cảm phục đến độ tự động đại diện cho chúng ta để lấy làm vinh hạnh trên bước đường di tản còn được đọc những vần thơ của bà.  Có Mai Thảo khen tặng thơ Vi Khuê quý phái khác hẳn những tiếng thơ nam giới cùng thời.  Có Nguyễn Mộng Giác thành thực, tự nhận là lầm lẫn quá nhiều vì đã không sớm nhận ra triết tính trong thơ Vi Khuê. Có Võ Đình tìm thấy “nét sầu cổ độ… một điểm rất đặc biệt, tuy rằng không hiếm hoi trong thi ca cổ kim.  Có Huỳnh Sanh Thông nhìn thấy giá trị về sử liệu, có Lê Hữu Mục nhận ra họa tínhnhạc tính, có vân vân và vân vân… xét ra các nhà phê bình thơ Vi Khuê hơn bọn văn nô cộng sản rất xa, tuy khen tặng nữ sĩ bằng những lời thật hoa mỹ, nhưng vẫn giữ được sự thận trọng trong cách xưng hô, vì không hề có vị nào dùng chữ “người” để gọi tác giả của Cát Vàng cả.  Tuy có lòng… quảng đại trong cách biểu lộ sự khen tặng nhưng tất cả các vị đó cũng có một điểm chung là rất… hà tiện trong sự tặng chữ “nhất”.  Chữ nhất trong Hán tự thật là giản dị, chỉ có một nét nằm ngang, nhưng đem đặt sau các từ ngữ hoa mỹ như đài các, tinh tế, quý phái, trang nhã… thì nó sẽ làm cho người được tặng đứng trên hết mọi người về lãnh vực do các từ ngữ đó mô tả.  Ngẫm nghĩ ra thì sự hà tiện này quả có lý.  Nếu đem tặng cho ai thì hóa ra tự hậu mình chỉ hy vọng đứng… thứ nhì thôi sao?

Đó là những ý kiến thô thiển đối với các “lời phê bình” thi phẩm Cát Vàng.

*

Về vấn đề “tác giả tự xuất bản tác phẩm” và cho in kèm các lời ca tụng mình cùng với tác phẩm, như trường hợp Vi Khuê và Cát Vàng, người viết xin được nêu một quan điểm.  Tác phẩm văn nghệ khác xa với một sản phẩm thương mại, đem những lời người khác khen tặng mình dù công khai hay riêng tư, in cùng với tác phẩm chưa chắc đã làm tăng giá trị cho tác phẩm, hay văn tài của mình mà có khi còn ảnh hưởng ngược lại, vì chúng chứng tỏ tác giả thiếu tự tin nơi giá trị nội tại của tác phẩm, phải viện dẫn đến sự ca tụng của người khác.  In những lời người khác ca tụng mình trên tác phẩm do chính mình xuất bản còn chứng tỏ nhà văn, nhà thơ thiếu đức tính khiêm nhượng, một đức tính cao quý mà những người càng có nhiều danh vọng càng nên giữ gìn.  Trường hợp của bà Vi Khuê và tập Cát Vàng còn có điểm đáng nói hơn nữa.  Ông Nguyễn Mộng Giác so sánh thơ của bà với hai nhà thơ tiền bối là Đoàn Thị Điểm và bà Huyện Thanh Quan, mà phương danh đã được ghi vào lịch sử và tác phẩm đã chính thức giảng dạy ở học đường, (thực ra ông Nguyễn Mộng Giác còn đi xa hơn, và cho rằng thơ Vi Khuê không những đài các, tinh tế như thơ hai vị trên mà còn có thêm triết tính nữa, Bà Vi Khuê hẳn là phải hãnh diện và hài lòng lắm nên mới cho in  những lời của ông Nguyễn Mộng Giác lên bìa sách mà quên không để ý đến truyền thống tôn trọng cổ nhân ở Đông phương.

Phải nói cho rõ điều này:  nếu hậu nhân làm được hơn tiền nhân thì đó là một điều rất tốt.  Ông cha ta xưa cũng như chúng ta hiện nay, đều có lòng mong muốn thế hệ sau vượt hơn thế hệ trước, nếu thế hệ chúng ta có được những nữ thi sĩ tài ba hơn cả Đoàn Thị Điểm hay bà Huyện Thanh Quan thì đó là một điều đáng mừng và đáng hãnh diện.  Nhưng để xác định địa vị của thi nhân, chúng ta cần thời gian và sự thẩm định nghiêm chỉnh, tốt nhất nên để cho hậu nhân làm điều đó.  Tôi xin nhân đây ghi lại một nhận định đứng đắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm trong bài “loạn bút về Thanh Nam” viết trên tạp chí Giao Chỉ:  “Tôi không đặt vấn đề địa vị nhà văn cao thấp ở đây.  Sự đánh giá bất kỳ nhà văn nào cũng đều không tránh được chủ quan và trong tình trạng viết lách ở hải ngoại, sự xếp đặt vị trí này nọ là chuyện khôi hài.  Điều quan trọng là tác giả có đóng góp hay không vào kho tàng văn chương Việt.  Với thời gian mỗi người một vài tác phẩm, dân tộc chúng ta có nền văn học riêng.  Chiếu trên, chiếu dưới, đỉnh cao, ngọn núi chỉ có giá trị rao hàng” (Giao chỉ, số 4 tháng 6-86 trang 18).

Trong sinh hoạt văn hóa Việt tại hải ngoại, sự xuất hiện của Cát Vàng là một đóng góp tốt cho văn học, nhất là khi tác giả lo liệu tự xuất bản.  Việc các nhà phê bình ở hải ngoại dành lòng ưu ái đặc biệt để đón nhận thi tập này cũng là một điều hợp lý.  Giá trị đích thực của Cát Vàng, như thế nào thì sẽ được thời gian trả lời.  Tâng bốc hay chỉ trích không làm thay đổi được, mà chỉ là sơn phết những nước sơn sặc sỡ, giả tạo, hoặc ném những nắm bụi bẩn bám ở bên ngoài mà thôi.

Nhưng say sưa và hãnh diện với những lời khen ngợi đến độ đem in lên sách của mình thì thực là một điều không nên làm.  Tôi nghĩ rằng trường hợp của Vi Khuê và Cát Vàng là một điển hình mà các nhà văn, nhà thơ của chúng ta nên tránh.

Về vấn đề “phê bình hay giới thiệu tác phẩm văn chương” tôi xin được góp một ý kiến.  Sự thẩm định giá trị của một tác phẩm thiết tưởng chỉ nên căn cứ vào chất liệu chứa đựng trong đó chứ không nên dựa trên sự quen biết, sự nể nang, ở cảm tình riêng, hay trên những định kiến, những đố kỵ đã có từ trước.  Có thẳng thắn và công bình thì những lời phê bình hay giới thiệu mới giúp ích cho cả người đọc lẫn tác giả.  Và ở cương vị của một độc giả, tôi ao ước được thấy những lời chân chính, dẫn đường cho người đọc tìm đến tác phẩm, chứ không phải những lời hoa mỹ chỉ cốt làm vừa lòng tác giả.

THIỆN NHÂN (tháng 6/1086)

-***-

Thư ngỏ gửi tác giả Thiện Nhân

Nhân đọc bài “PHÊ BÌNH HAY TÂNG BỐC?”

Kính gửi Ông Thiện Nhân,

Mãi đến tuần qua (8-12-86), ghé thăm vùng Hoa Thịnh Đốn, tôi mới được một người quen nhắc đến bài viết của ông, có “đả động” đến tôi, và đưa cho tôi mượn tờ VNTP số 255 1.15./9/86.  Tôi lấy làm lạ.  Một bài báo có kích thước như vậy mà mãi đến nay tôi mới được đọc.  Tôi nghĩ rằng một số người quen của tôi, tình cờ đọc được bài của ông, nhưng vì biết bản tính không thích những chuyện “lời qua tiếng lại”, đã coi trọng sự yên tĩnh của tôi, mà cố tình không cho tôi biết về bài báo.  Tôi cảm kích sự tế nhị đó, nhưng tôi nghĩ rằng những người quen của tôi đã lầm.  Tôi thấy rằng những gì ông viết trong bài báo dài xứng đáng được lưu tâm, bất kể người đọc đồng ý hay không đồng ý, người đọc bất bình hay không bất bình.

Riêng cá nhân tôi, đọc ông, có điểm tôi đồng ý với ông, có điểm tôi không đồng ý.  Nhưng mục đích của lá thư ngỏ có giới hạn này không phải để góp ý với ông về nhu cầu và nguyên tắc của một nền phê bình văn học ( hay mỹ thuật, âm nhạc…) nghiêm chỉnh.  Toàn trang 25 và hơn nửa trang 26 của tờ VNTP số 255, ông đã đề cập đến điều này một cách tương đối quá rõ ràng và đứng đắn rồi.  Tôi cũng không bất bình vì ông “đả động” đến tôi.  Tôi không xem đó là một sự xúc phạm.  Bởi vì tôi đã có một kinh nghiệm mà tôi muốn chia xẻ với ông và bạn đọc.

Mới đầu năm nay tôi có viết một bài khá công phu (một preview), chứ không phải một bài phê bình đúng nghĩa, “critique”) cho một cuộc triển lãm họa phẩm.  Tôi tin rằng tôi đã viết một cách chí tình và nghiêm chỉnh, với những lời lẽ hòa nhã, đầy khích lệ.  Tuy nhiên, khi xét đến một vài chi tiết về kỹ thuật, tôi đã có những nhận định thẳng thắn và nghiêm khắc – nghiêm khắc chứ không phải khắc nghiệt.  Có lẽ vì chưa làm quen với những bài điểm tranh và phê bình thằng thắn và lắm khi đanh thép thường xuyên thường xuyên có mặt ở các tạp chí văn học nghệ thuật Âu Mỹ, người họa sĩ có tranh được điểm đã lồng lộn  gào lên rằng tôi đã miệt thị ông ta, đã “dìm” tài ông ta v.v… Chán nản, tôi đã giữ im lặng cho đến nay.

Vì kinh nghiệm đó mà tôi cám ơn ông đã cho tôi cơ hội trả lời những nhận xét của ông về những điều tôi viết, để nhất cử lưỡng tiện chứng minh một lần nữa rằng “phê bình không bao giờ nghĩa là chỉ trích” như Vũ Ngọc Phan đã viết và ông đã nhắc lại.  Hơn thế nữa, người “bị” phê bình (tức là tôi, Võ Đình) nên bình tĩnh xét lại xem người phê bình mình đúng chỗ nào, sai chỗ nào, công bằng ở đâu, và nếu có ác ý thì ác ý ra làm sao.

Thưa ông,

Ông đã nói rõ trong bài Phê Bình hay Tâng Bốc rằng ông “không có ý định phê bình thi tập Cát Vàng mà chỉ xét tới một số lời phê bình” và ông nêu ra danh tính, bút hiệu của một số nhà văn, nhà thơ,  học giả có những nhận định về thơ Vi Khuê nói chung, về Cát Vàng nói riêng.  Tôi xin để dành cho tất cả các vị đó lẽ dĩ nhiên ngoại trừ thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã qua đời, cái quyền bất khả xâm phạm của họ: lên tiếng, hay không lên tiếng trả lời ông, phê bình, hay không phê bình… những lời phê bình của ông.  Phần tôi, tôi thấy rằng những lời ông viết có dính dáng đến tôi, tôi nên trả lời.  Xin ông hãy xem lá thơ ngỏ này trong tinh thần của nó:  một sự đáp lễ.

Trước hết, dưới nhan đề Phê Bình Hay Tâng Bốc, ông có nêu ra một số danh tính.  Đương nhiên, tùy theo sự hiểu biết của mỗi độc giả chỉ một hai chữ phê bình và tâng bốc đã có thể được quan niệm một cách khác nhau rồi.  Các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, học giả mà ông nhắc đến, họ phê bình hay tâng bốc?  Tôi nghĩ rằng những độc giả chu đáo và sáng suốt có quyền xem xét và nhận định.  Tuy nhiên, sự kiện ông nêu danh tính của tất cả từng ấy người tạo nên, ở ngay cả những độc giả có ý thức, cái cảm tưởng rằng đồng loạt họ (không làm công việc phê bình mà) chỉ làm công việc tâng bốc.  Đây là một sự lên án bằng cách ám chỉ (accusation by implication).  Tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc.  Càng đáng tiếc vì trong số những người cầm bút đó lại có cả tiện danh!  Vì lẽ ấy, tôi xin đi ngay vào phần ông viết có dính dáng đến chính cá nhân tôi.

I.-  Ông viết “… Còn ông Võ Đình là người tự cho rằng đã khám phá ra “nét sầu trong thơ Vi Khuê”.

Ở đây chúng ta có một thí dụ điển hình về công việc phê bình thiếu “phương pháp, không đúng kỹ thuật” mà ông đã than phiền ngay trong bài của ông.  Tháng 5 năm 1985 tôi được thiếp mời nói chuyện trong buổi ra mắt thi tập Cát Vàng.  Tôi đã chọn “nét sầu” của thơ Vi Khuê để làm đề tài.  Và tôi chỉ “tự cho” mình sự chọn lựa ấy thôi.  Không bao giờ tôi “tự cho rằng đã khám phá” ra cái “nét sầu” đó.  Ai đọc thơ Vi Khuê cũng dễ dàng thấy được cái sầu muộn, cái buồn tủi trong đó, cần gì phải cứ Võ Đình mới “khám phá” (1 từ có ý nghĩa rất lớn lao) ra được!

Tôi để ý đến những “nét sầu” đó, và trong khuôn khổ của một buổi lễ ra mắt tôi nói lên những cảm nghĩ của tôi, thế thôi.  Câu viết của ông có thể chỉ là vô tình.  Nhưng đọc nó, chính tôi còn thấy cái ông Võ Đình nào đó “dễ ghét” quá.  “Cái gì mà khám phá với không khám phá” độc giả cười bảo nhau…

II.- Đoạn hai trong phần ông viết về tôi.  Tôi hãy nhắc lại đây nguyên văn của toàn đoạn (toàn đoạn chứ không phải chỉ một hai câu trong đoạn) trong bài nói chuyện của tôi có liên hệ đến sự phê phán của ông.

“ Chúng tôi nên để dành cho những bậc cao minh công việc nhận định một cách toàn diện và khách quan.  Chúng tôi cũng xin để dành cho quí vị hiện diện ở đây niềm thích thú của những người khám phá của riêng quí vị khi đọc tập Cát Vàng.  Trong khuôn khổ của phần nói chuyện  hôm nay, chúng tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh rất đặc biệt của thơ Vi Khuê.  Tuy rằng đặc biệt nhưng khía cạnh đó đâu có phải là điều hiếm hoi trong thi ca cổ kim Bởi lẽ đến ngay như Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, ba tác phẩm vĩ đại mà hồn thơ đã đi vào mạch máu con người VN,  cũng chỉ bắt đầu với những lời thơ thống thiết.  Thưa quí vị, đó là lời than, là tiếng khóc , nói chung chúng tôi xin gọi là những nét sầu , hay gọn hơn, nét sầu.  Và hôm nay, ở đây, chúng tôi xin được bàn về nét sầu trong thơ Vi Khuê”

Ông nhận xét: “Phát biểu này đọc lên nghe thật kêu nhưng có sự mâu thuẫn trong ý tưởng.  Rất đặc biệt mà lại đâu có phải là điều hiếm hoi trong thi ca cổ kim thì là thứ đặc biệt gì?  Đặc biệt ở chỗ không hiếm hoi?”

Tôi thiển nghĩ, ở đây, ông thiếu công bằng.  Ông đã trích dẫn một đoạn văn của tôi mà lại không trích dẫn đầy đủ, để vô tình người đọc có thể hiểu một cách hời hợt.  Đọc kỹ lại nguyên văn của cả đoạn tôi chép lại trên, ông sẽ thấy rằng “nét sầu” đó là một khía cạnh đặc biệt trong thơ Vi Khuê.  Nhưng hai khía cạnh đó chẳng phải hiếm hoi trong thi ca cổ kim, chỉ có thế thôi.  Trong Cát Vàng có những câu vui tươi, có những câu nhàn nhã có những câu … ngổ ngáo (chữ ngổ ngáo được tác giả (?) một bài điểm sách dùng đến trong Văn Học Nghệ Thuật.  Bộ mới số 1,5/1985.  Và có những câu chua chát, sầu muộn (những “nét sầu”) trong Cát Vàng là những gì đặc biệt nhất trong thi tập.  Và tôi chỉ nói về những câu sầu muộn đó.  Bị ông bắt bẻ thật là oan!

III.- Đoạn ba của bài Giọt Lệ trong Cát Vàng có câu:

Đau thương thì hiện hữu

Trong bài nói chuyện của tôi, thì đã được thay thế bằng .

Trước hết, tôi thành thật khâm phục ông.  Có đọc thật kỹ lưỡng, ông và như tôi biết, chỉ có ông mới bắt được sự sai lầm của một(1) chữ.  Tôi không rõ nhà thơ Vi Khuê nghĩ sao, chứ tôi thì thấy ông làm cho người viết đáng hãnh diện.  Đọc bài của ông, tôi lật đật đưa bài viết cũ ra coi lại, thì quả thật tôi có viết lầm thì thành là.  Đó là một lỗi rất nặng.  Tôi xin nhận lỗi.

Tuy nhiên, tôi phục ông ở cái đọc tinh xác, mà tôi lại trách ông ở một điểm khác.  Tôi thắc mắc không hiểu cớ sao một người đọc sách báo chu đáo như ông, một người hiển nhiên có lòng với chữ nghĩa như ông, mà lại không đủ thiện chỉ để suya rằng vì lý do này hay lý do khác, tôi có thể lầm lẫn, nhớ sai, chép sai một chữ.  Tôi không hiểu cớ sao ông cần thấy phải kết luận rằng tôi đã “sửathơ của bà Vi Khuê rồi khen theo lời thơ đã được sửa chữa đó”.  Đọc văn của ông, tôi khó tin là ông đã thật tình nghĩ rằng tôi có thể đang tâm làm một việc nham nhở như vậy.  Ông đã lên án trước khi chứng minh rằng người khác có lỗi.  Đó không phải là truyền thống của một nền pháp lý nhân đạo, không phải là sự cẩn trọng và công bằng của một nhà phê bình… những lời phê bình.  Dù sao, sự kiện ông đã viết ra như vậy đã là một điều đáng tiếc, đáng tiếc cho tôi, đã đành, mà còn quan trọng hơn, đáng tiếc cho ông.

IV.- Như đã nói trên, tôi đã lầm lẫn, nhớ sai, chép sai nói sai, chữ thì thành chữ là trong câu “đau thương thì hiện hữu”.  Xin miễn kể lể ra đây những lý do tôi nghĩ đã có thể làm cho tôi lầm lẫn như vậy.  Tôi không muốn chạy tội.  Tôi là người cầm bút mấy chục năm nay, không thể khơi khơi tự xí xóa lầm lẫn như vậy, mà phải nhận lỗi một cách đơn giản đối với tác giả, đối với độc giả (trong đó có cả ông, Thiện Nhân) của nhà thơ, đối với thính giả đã đến nghe tôi đêm thi tập ra mắt.

Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ, cái lỗi này (thì mà nhớ và viết ra là) không gây tai hại cho đoạn thơ trên bình diện văn chương, như ông đã than trách.  Nếu ông đã hiểu, như ông viết “cuộc đời vốn đã nhỏ nhoi, lại còn sự hiện diện thường xuyên của đau thương…) thì tôi cũng có thể hiểu, khi chữ là được vô tình thay thế cho chữ thì: “Trời ơi!  Kiếp người đã nhỏ nhoi rồi, mà có mặt ở đời cũng chỉ để khổ đau thôi…”

Mấy chữ đau thương (to suffer, suffering), và hiện hữu( to exist, existence) có thể được xem, tùy theo cách hiểu, như là động từ hoặc danh từ.  Chính vì tôi đã xem cả hai chữ như hai động từ (kiểu nhại Descartes: “je souffre, done je suis”) ! Hoặc như hai danh từ (souffrance est Exestence, không như câu  Sartrien: “Existence pre’cede Essence cho nên mới có sự nhớ sai, và từ đó viết sai thì thành là.  Dù thế này hay thế kia, vẫn đâu có chuyện vì đổi có một chữ mà khiến cho “ý thơ rời rạc, thiếu hẳn cái mạch lạc của nguyên tác” như ông đã than trách.

 

V. Ông viết tiếp: “về triết tính trong thơ Vi Khuê ông Võ Đình còn đi xa hơn ông Nguyễn Mộng Giác nhiều.  Ông so sánh tư tưởng triết học của Vi Khuê (?) với tư tưởng của hai triết gia lừng danh Pháp là Descarte và Sartre”.

Dẫu thì hay là đi nữa thì câu thơ “đau thương (thì, là) hiện hữu vẫn là một ý nghĩa về cuộc đời, mà ở đời hầu như ai cũng có ít nhất một ý nghĩ về sự sống, cái chết, và nỗi khổ đau.  Tôi có nhắc đến Descarte và Sartre chăng cũng chỉ vì hai triết thuyết được biết đến quá nhiều của hai vị đó về sự hiện hữu của con người để nói rằng thay vì lấy sự suy tưởng hay sự chọn lựa. Vi Khuê lại lấy “đau thương mà làm ý nghĩa cho cuộc đời, cho sự “hiện hữu” của mình.  Nói như vậy đâu có phải lả “so sánh” tư tưởng của bà Vi Khuê với tư tưởng của hai đại triết gia kia!  Viết về một bức tranh của một họa sĩ hiện đại, nhà phê bình mỹ thuật có thể nói đại khái: “ thay vì đập phá thực tại thành từng mảnh như Picasso (…) Ông X đã chuyển hướng v.v…”  Nói như vậy đâu có phải đem nghệ thuật của ông X mà so sánh với nghệ thuật của Picasso (sức mấy!).  Và nhất định nói như vậy cũng không có nghĩa là cho rằng nghệ thuật ông X còn đi xa hơn nghệ thuật Picasso!

Tôi không nói về “Tư tưởng triết học của Vi Khuê” mà ông nói có.  Tôi không so sánh “tư tưởng triết học của Vi Khuê với tư tưởng của hai triết gia lừng danh Pháp” mà ông nói có.  Tôi mong rằng ông chỉ có cảm tưởng tôi có làm như vậy, chứ không phải ông cố tình bịa đặt ra.  Tôi tin rằng ông không có ác ý.  Nhưng cũng như tôi đã phạm cái lỗi vô ý đối với bà Vi Khuê và độc giả của bà, bây giờ, dù có vô tình đi nữa ông cũng phạm cái lỗi thiếu công bằng đối với tôi.

VI. Sau hết, ông trích dẫn một câu của tôi viết: “Dấu hỏi lớn nhất, thưa quí vị, là dấu hỏi không nằm sau một câu hỏi, bởi vì câu hỏi lớn nhất đã là một câu trả lời, và trả lời là đã chấp nhận…(…)

Đoạn ông phê rằng: “lời nói mang tính cách triết học khó hiểu thật… “nghe chóng cả mặt”.

Ở đây, không có sự bất công mà chỉ có sự mỉa mai … không cần thiết.  Vì thế tôi chỉ xin thưa rằng:  Nếu một người học rộng biết nhiều như ông Thiện Nhân mà còn cho rằng lời lẽ của tôi “khó hiểu” làm ông “chóng cả mặt”, thì quả thật để diễn tả những ý tưởng phức tạp một cách giản dị hơn, tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Với cái giá phải trả là dài dòng văn tự hơn.  Câu viết của tôi mà ông đã trích dẫn có 32 chữ.  Tôi xin được cố gắng đại khái như sau:

“Ở đời, con người ăn, ngủ, làm việc, vui buồn, đối đầu với bao nhiêu vấn đề phiền toái, nhưng làm sao cuộc sống bình thường và tầm thường đó, ít ai mà lại không đôi lúc giật mình, đặc biệt thường vào lối từ 3 đến 5 giờ sáng, tự hỏi:  Tôi là ai?  Tôi từ đâu đến?  Sự sống là cái gì?  Chết là gì?  Chết rồi đi về đâu? v.v… v…v.  Nhưng khổ nỗi những câu hỏi đó đâu có được đặt thành những… câu hỏi gọn ghẽ dản dị như vậy, những câu hỏi đó thường xuất hiện ác thay, dưới hình thức những băn khoăn, xốn xang, lo sợ, tạo nên một trạng thái bất an dài dài… Và vì ngụy trang như vậy cho nên câu hỏi ác ôn đó không có… dấu hỏi.  Bởi vì chung qui tất cả những câu hỏi nhỏ đó là một “dấu hỏi lớn”:  “dấu hỏi lớn” về sự hiện hữu và ý thức của con người về sự hiện hữu.  Lẽ cố nhiên, dấu hỏi đã “lớn” thì câu trả lời cũng phải “lớn”.  “Lớn” trong nghĩa nó không phải là một câu trả lời thông thường, không phải kiểu “anh ăn cơm chưa?” và “tôi ăn cơm rồi”.  “Lớn” vì câu “trả lời” có ảnh hưởng lớn lao đến cả cuộc đời còn lại của con người.  Vì thế con người không trả lời “hiện hữu là gi?” với môt… câu trả lời.  Con người trả lời bằng cách sống một cuộc sống một cách trọn vẹn, vui cái vui, khổ cái khổ sống vì và sống với những con người khác.  “trả lời” tức là đã chấp nhận rồi vậy.  “Hỏi” và “trả lời” là những ý niệm tạo ra bởi con người trong khi ý nghĩa của sự sống, cái chết, sự hiện hữu lại nằm trong thực tại uyên nguyên,v.v…v.v…

Cố gắng như vậy để được hiểu một cách dễ dàng hơn, tôi lại đâm ra lo.  Lo rằng có người lại bảo cái nhà ông Võ Đình… khinh độc giả.

 

Như tôi đã có thưa trên nếu xét cả bài viết của ông thì có những điều tôi rất đồng ý với ông, và cố nhiên có những điều tôi không đồng ý.  Nếu chỉ xét riêng những gì ông viết có dính dáng đến chính tôi, thì tôi đã trình bầy thiển ý trong 6 điểm qua.  Nhưng chỉ có một vấn đề là quan trọng hơn cả, và cần được lưu tâm hơn cả.  Đó là sự cần thiết của những sinh hoạt nghiêm chỉnh trong bộ môn phê bình văn học, văn nghệ VN.  Nghiêm chỉnh trong nghĩa chu đáo, tận tình, chính xác công bằng, chứ không phải nghiêm nghị, trịnh trọng, đao to búa lớn.  Đó là sự cần thiết của những đối thoại, những trao đổi cởi mở, xây dựng và hài hòa.  Quá nhiều người trong chúng ta đã mất mát quá nhiều, đã đau khổ quá nhiều, nếu giờ đây mà chưa bắt đầu nói chuyện với nhau với tin cậy, với thiện chí, thì chúng ta còn đợi đến bao giờ?

Tôi tin rằng thế nào ông cũng đã có nghĩ đến những điều ấy.

Thưa ông,

Trước khi chấm dứt, tôi xin nhấn mạnh một điều.  Tôi viết lá thư ngỏ vì tôi muốn nhân cơ hội này bầy tỏ thái độ mà tôi nghĩ một người “bị” phê bình, đặc biệt trong lãnh vực văn học nghệ thuật, nên có.  Vì phê bình không phải là chỉ trích (trong nghĩa xấu), bình phẩm và nhất định không phải là mạ lỵ, bôi nhọ.  Lý do bầy tỏ thái độ đó quan trọng gấp mấy mươi lý do tôi thấy, cần phải biện bạch tự vệ v.v. tuy có chỗ tôi thấy rằng ông không được công bằng và… rộng rãi cho lắm (ai là người luôn luôn đầy đủ đức tính ấy?)  Ông đã phê bình bài nói chuyện của tôi trong buổi ra mắt của thi tập Cát Vàng một cách thẳng thắn, gãy gọn.  Tôi mong rằng, viết trả lời ông, tôi cũng đã làm một công việc trong tinh thần ấy.

Xin chào ông, một lần nữa cám ơn ông, và chúc ông luôn luôn được bình an.

 

Võ Đình

12/1986

***

THIỆN NHÂN ĐÁP LỜI NHÀ VĂN VÕ ĐÌNH

Kính gửi tiên sinh Võ Đình.

Trong thư ngỏ gửi cho tôi đẳng trên VNTP số 270, tiên sinh đã phân giải những điều liên quan đến tiên sinh trong bài “Phê Bình hay Tâng Bốc?” của tôi, đăng trên VNTP số 255.  Tôi đáp lời tiên sinh ở đây, trước hết và trên hết, là để tỏ lòng kính trọng đối với một người tuy bị chỉ trích mà vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và hòa nhã khi lên tiếng.  Đó là thái độ cần thiết khi tranh luận nghiêm chỉnh của người cầm bút, tiếc rằng thường thiếu vắng trên văn đàn của ta trong thời gian gần đây.  Ngoài ra tôi cũng muốn nhân cơ hội được hầu chuyện với tiên sinh để lạm bàn một vài điều về vấn đề phê bình văn học nghiêm chỉnh, với cái nghĩa “chu đáo, tận tình, chính xác, công bằng” như tiên sinh đã đề cập đến trong lá thư ngỏ.

Trong những điều tiên sinh đề cập, có điều tôi tiếp tục không đồng ý. Sự bầy tỏ quan điểm dị đồng xin hiểu là chỉ cốt cho vấn đề thêm sáng tỏ.  Và trước khi xét đến sáu điểm tiên sinh trình bày trong lá thư ngỏ, tôi xin được minh xác đôi điều:

Thứ nhất: bài “Phê Bình hay Tâng Bốc?” của tôi không phải là một bài phê bình văn học, dù rằng tại một chỗ tôi có viết trong ngoặc kép “phê bình một số lời phê bình thơ Vi Khuê”.  Tôi cho việc một số khá đông người làm văn hóa dùng lời ca tụng quá đáng đối với một thi phẩm là điều không tốt cho văn học, nhất là về lãnh vực phê bình tác phẩm văn chương, vì thế tôi lên tiếng.  Phần nói về tiên sinh trong bài đó cũng không phải là để phê bình bài nói chuyện của tiên sinh, mà chỉ là đề cập đến một vài điều tương tự như đối với những vị khác.

Thứ hai: trong bài lá thư ngỏ gửi tôi, tiên sinh cáo buộc là đầu đề “Phê Bình hay Tâng Bốc?” gây cho người đọc cái “cảm tưởng” là đồng loạt các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, học giả được đề cập đến trong bài đó chỉ làm công việc tâng bốc, và đó là một lối “lên án bằng cách ám chỉ” đáng tiếc.  Tôi xin thưa: tôi đồng ý, và phục sự nhận xét của tiên sinh, là đầu đề PBHTB có mang tính cách “trách cứ bằng ám chỉ” (tôi muốn dùng hai chữ trách cứ cho nhẹ nhàng hơn).  Nhưng khi nói là trách cứ đồng loạt các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, học giả có tên đề cập đến trong bài thì tôi e rằng tiên sinh đã suy diễn quá đáng.  Những nhạc sĩ chỉ phổ nhạc thơ của Vi Khuê mà không viết lời phê bình nào; những nhà văn, nhà thơ như các ông Nhật Tiến, Cao Tần – chỉ khen một vài bài thơ theo cảm nhận riêng của họ, thì làm sao có thể bảo là họ tâng bốc được?  Tôi đã viết rõ “đáng buồn thay trong hai mươi năm văn học miền Nam, nhiều người đã lầm lẫn phê bình với tâng bốc.  Nay ở hải ngoại, hơn mười năm sau, sự lầm lẫn đó vẫn còn được tiếp tục một cách còn…tệ hại hơn.  Tôi xin được dẫn chứng điều này bằng cách mời độc giả đọc những “lời phê bình” của một số nhà làm văn hóa ở hải ngoại về một thi tập xuất hiện khá ồn ào cách đây khoảng hơn một năm: thi tập Cát Vàng của nữ sĩ Vi Khuê”.

Vậy thì sự trách cứ bằng ám chỉ thiết tưởng chỉ nên áp dụng cho những vị mà tôi có trích dẫn “lời phê bình” mà thôi (dĩ nhiên ngoại trừ Vũ Hoàng Chương).  Và quả thật là đáng tiếc vì trong số các vị đó lại có tiên sinh!

Bây giờ tôi xin đề cập tới từng điểm một trong sáu điểm tiên sinh đã nêu trong lá thư ngỏ.

Đọc lần đầu sự bắt bẻ của tiên sinh về câu tôi viết: “…còn ông Võ Đình là người tự cho rằng đã khám phá ra “nét sầu trong thơ Vi Khuê” tôi có cảm tưởng là mình lầm thật, vì quả thực trong bài nói chuyện về thơ Vi Khuê tiên sinh không hề viết: “…tự cho là mình tự khám phá ra…”  Nhưng nhờ sự nhắc nhở của tiên sinh về đoạn văn khá dài mà tiên sinh trích dẫn thì tôi lại thấy tôi viết như thế là do suy luận khi đọc văn của tiên sinh mà ra.  Đoạn văn đó xin nhắc lại ở đây một lần nữa:

“…Chúng tôi xin để dành cho các bậc cao minh công việc nhận định một cách toàn diện và khách quan.  Chúng tôi cũng xin để dành cho quý vị hiện diện ở đây niềm thích thú của những người khám phá của riêng quí vị khi đọc tập Cát Vàng.  Trong khuôn khổ của phần nói chuyện hôm nay, chúng tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh đặc biệt của thơ Vi Khuê.  Tuy rằng đặc biệt nhưng khía cạnh đó đâu có phải là điều hiếm hoi trong thi ca cổ kim.  Bởi lẽ đến ngay như Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, ba tác phẩm vĩ đại mà hồn thơ đã đi vào mạch máu con người Việt Nam, cũng chỉ bắt đầu với những lời thơ thống thiết.  Thưa quí vị, đó là lời than, đó là tiếng khóc, nói chung chúng tôi xin gọi là những nét sầu.  Và hôm nay, ở đây, chúng tôi xin được bàn về nét sầu trong thơ Vi Khuê”.

Xin đọc lại câu văn này của tiên sinh:  “Chúng tôi cũng xin để dành cho quý vị hiện diện ở đây niềm thích thú của những người khám phá của riêng quí vị khi đọc tập Cát Vàng.”  Phải chăng tiên sinh muốn nói mỗi người đọc thi phẩm Cát Vàng khi tìm được điểm làm cho mình thấy thích thú thì coi là mình đã “khám phá” ra điều đó?  Hai chữ “khám phá” ở đây chỉ được hiểu với nghĩa hẹp là người đọc tìm ra được điều mà ông ta cho là thích thú, nhưng nó không nhất thiết phải thích thú mới lạ, đối với người khác.  Trong số những người đọc Cát Vàng có tiên sinh.  Tiên sinh để ý đến nét sầu, cho nó là một “điểm đặc biệt, … là nét đặc thù nhất, và vì vậy cũng là kỳ thú nhất…”  của tập thơ (các chữ trong ngoặc kép trích trong bài diễn văn của tiên sinh), vì muốn chia sẻ với người khác, tiên sinh đã nhận nói chuyện cho công chúng nghe.  Như vậy theo cái nghĩa hạn hẹp (do tiên sinh đề cập) thì không phải là tiên sinh đã “khám phá” ra nét sầu trong thơ Vi Khuê hay sao?  Nhưng quả thật tiên sinh không có khoe là “tự khám phá”, đó chỉ là ý hàm chứa trong lời nói của tiên sinh mà tôi suy diễn ra.  Nếu tiên sinh e ngại hai chữ “khám phá” có ý nghĩa lớn lao, thì tôi xin nhận là đã viết không khéo, để cho lòng khiêm tốn của tiên sinh bị tổn thương.Nhân đây xin nêu một ý kiến về phê bình.  Viết phê bình mà khúc mắc, hoặc mơ hồ quá khiến cho người đọc hiểu lầm văn ý của mình thì nhà phê bình cũng nên xét lại.  Cần nhớ rằng một phần mục đích của phê bình là dẫn đường cho người đọc.  Mà muốn cho người đọc không hiểu lầm mình thì nên viết cho rõ ràng, khúc chiết.

Về “nét sầu “điều mà tiên sinh nói là “điểm đặc biệt của thơ Vi Khuê nhưng không hiếm hoi gì trong thi ca cổ kim” sau khi đọc lời giải thích của tiên sinh, tôi có cảm tưởng là tiên
sinh muốn nói nét sầu là một tính chất “đặc sắc” hay “nổi bật” của thơ Vi Khuê.  Đặc sắc hay nổi bật hàm cái ý hay, đẹp, nhưng không nhất thiết phải hiếm hoi, còn “đặc biệt” chỉ  mang ý nghĩa “khác hẳn”, không nhất thiết là hay, đẹp, nhưng hẳn là khó kiếm.  Nếu  tôi không lầm khi nói đến điểm đặc biệt về thơ của một thi nhân người ta thường nghĩ  đến một tính chất tiêu biểu thơ của vị đó để phân biệt với thơ của các thi sĩ khác. Tôi xin dẫn chứng:  quý phái là điểm đặc sắc trong thơ của bà huyện Thanh Quan, nhưng ta cũng có thể tìm thấy trong thơ của một số nữ thi nhân khác, như Đoàn Thị Điểm, Ngọc Hân Công Chúa, … Nhưng thơ một lời hai ý và ý ngầm thường chứa ẩn ức về tình dục là điểm đặc biệt  của thơ Hồ Xuân Hương, so với các nữ thi nhân cổ thời thì chỉ mình bà mới có điểm này.
Tôi đã theo lời dặn của tiên sinh, đọc kỹ lại đoạn văn tiên sinh đã dẫn chứng mà tôi đã trích dẫn ở trên. Thú thật tôi vẫn thấy vương vướng! Tiên sinh đã dẫn giải, đã bảo là “giản dị, rõ ràng” mà bây giờ tôi còn tiếp tục thắc mắc thì thực là ngoan cố, thiếu thiện chí quá!  Mà lại có vẻ chậm hiểu nữa!  Đặc biệt hay đặc sắc?  Tiên sinh đã trách là tôi thiếu công bằng, bắt bẻ oan tiên sinh, thì thôi, tôi cũng xin nhận mấy chữ “chậm hiểu” vậy.

Về hai chữ “thì” và “là” trong hai câu thơ “đau thương thì hiện hữu” và “đau thương là hiện hữu” tôi viết một cách châm biếm là tiên sinh “sửa” thơ của bà Vi Khuê và khen theo lời thơ đã sửa đó, tiên sinh bắt lỗi là: “Ông đã lên án trước khi chứng minh rằng người khác có lỗi.  Đó không phải là truyền thống của một nền pháp lý nhân đạo, không phải là sự cẩn trọng và công bằng của một nhà phê bình dù chỉ phê bình… những lời phê bình.  Dù sao sự kiện ông đã viết ra như vậy đã là một điều đáng tiếc, đáng tiếc cho tôi, đã đành, mà còn quan trọng hơn, đáng tiếc cho ông.

Xin được trả lời:

Thứ nhất:  tôi e rằng tiên sinh nhầm lẫn khi nhìn sự chỉ trích văn chương giống như một sự “lên án” trong đời sống xã hội.  Phán quan trong ngành tư pháp phải căn cứ vào những luật lệ đã áp dụng và được tuân theo bởi xã hội để xét sử và kết tội.  Phán xét của ông ta có tính cách áp đặt mà kẻ bị phán xét phải thi hành.  Nhà phê bình văn nghệ không có cái quyền ngoạn mục đó.  Ông ta chỉ dựa vào phương pháp và cảm nhận riêng để xét đoán tác phẩm.  Sự trách cứ của ông ta (một lần nữa tôi muốn dùng hai chữ trách cứ thay vì kết án) là chủ quan, có thể lệch lạc, sai lầm, và không có giá trị bắt buộc thi hành đối với tác giả của tác phẩm.  Phải chăng vì chúng ta đang sống nhờ trên một quốc gia mà tự do của con người được thượng tôn, một người không thể bị kết tội nếu kẻ thi hành luật chưa chứng minh được người đó có tội, nên tiên sinh mới hay nghĩ đến chuyện “lên án”, và rồi đem sự kiện đó đối chiếu vào văn chương?  Trong văn phê bình, phát biểu trước(khen hay chê) và chứng minh sau là điều rất hợp lý.  Chính tiên sinh đã làm như thế trong bài nói chuyện về thơ Vi Khuê:  tiên sinh đã mời thính giả nghe tiên sinh xét về một điểm đặc sắc của thơ Cát Vàng là “nét sầu” trước khi tiên sinh dẫn chứng điểm đó.  Điều quan trọng là:  khi trách cứ một người làm sai, nhà phê bình phải chứng minh điều đó.  Trách cứ mà không chứng minh là vu khống.  Nhưng trách cứ trước, rồi chứng minh sau là một điều rất thuận lý.

Thứ hai:  trong trường hợp của sự sửa đổi thơ (thì thành là) này, tôi chỉ trích tiên sinh hai điều: (a) Ông Võ Đình sửa thơ của bà Vi Khuê.  (b) Ông Võ Đình khen theo lời thơ đã sửa chữa.  Tôi có chứng minh được hai điều cáo buộc trên không?  Xin thưa .

Câu “đau thương thì hiện hữu” đã bị đổi thành “đau thương là hiện hữu”

Vì câu thơ bị đổi thành “đau thương là hiện hữu” nên nó trở thành một phát biểu về tư tưởng, và từ sự hiểu câu thơ là một phát biểu tư tưởng nên tiên sinh đã so sánh nó với những câu tư tưởng của Descartes và Sartre.

Vậy về phương diện nhận xét và luận lý, tôi không tin rằng tôi đã làm một điều đáng tiếc.  Nhưng về phương diện diễn tả, vì dùng lối văn châm biếm, nên tôi đã không viết một cách nhẹ nhàng, như “ông Võ Đình đã vô tình sửa thơ bà Vi Khuê”, sự thiếu sót hai chữ “vô tình” này quả thật là một điều đáng tiếc, nhất là khi áp dụng với một người hòa nhã và hiểu biết như tiên sinh.

Khi thấy tiên sinh đổi chữ “thì” thành chữ “là” lúc đầu tôi cũng nghĩ là tiên sinh “nhớ lầm”, chứ không phải “hiểu lầm”.  Tôi bèn đọc bài dịch sang Anh ngữ của tiên sinh.  Trong 100 bài thơ của Cát Vàng, tiên sinh chọn duy nhất bài Giọt Lệ để dịch, vậy hẳn là tiên sinh thích bài này lắm.  Câu “đau thương thì hiện hữu” được chuyển dịch là “I suffer, therefore I am”, dịch như vậy thì quả là tương tự như lời phát biểu về tư tưởng của Descartes (Je pense don’t je suis).  Vì hiểu như thế nên khi ghi lại tiên sinh đã ghi sai như thế chứ không phải thuần túy chỉ là nhớ sai mà thành viết sai.  Và đây là một thí dụ về sự nguy hiểm của dịch thuật, dịch là phản, hay dịch là diệt!  Nay tiên sinh đã nói sự thay đổi chữ “thì” thành “là” không làm cho “ý thơ rời rạc, thiếu hẳn mạch lạc của nguyên tác” như tôi đã trách, mà tôi thì vẫn thấy đổi như vậy là làm hỏng ý của đoạn thơ.  Xét ra mỗi người “cảm” thơ một cách, mà đã cảm thơ thì chẳng nên bàn thêm nữa, ai muốn hiểu sao thì hiểu!

Tiên sinh viết:

“Tôi không nói về tư tưởng triết học của Vi Khuê mà ông nói có.  Tôi không so sánh tư tưởng triết học của Vi Khuê với tư tưởng của hai triết gia lừng danh Pháp mà ông nói có.  Tôi mong rằng ông chỉ có “cảm tưởng” tôi làm như vậy, chứ không phải ông cố tình bịa đặt ra.  Tôi tin rằng ông không có ác ý.  Nhưng cũng như tôi đã phạm cái lỗi vô ý đối với bà Vi Khuê và độc giả của bà, bây giờ, dù có vô tình đi nữa, ông cũng phạm cái lỗi thiếu công bằng với tôi”.

Đây là sự trách cứ hằng ám chỉ mà lời lẽ gay gắt hơn cái đầu đề PBHTB của tôi nhiều.

Đọc những câu “tôi không nói về tư tưởng… mà ông nói có”, “tôi không so sánh… mà ông nói có”, độc giả nào nếu chưa được đọc bài nói chuyện “Nét sầu trong thơ Vi Khuê” của tiên sinh, sẽ nghĩ rằng cái tên Thiện Nhân không những “đáng ghét” mà còn “đáng khinh bỉ” nữa!  Đúng là một tên ăn không nói có, một kẻ đã bịa đặt những điều xấu xa cho nhà văn Võ Đình!

Tôi rất tiếc không thể, và không tiện đăng lại nguyên văn bài nói chuyện của tiên sinh.  Tôi cũng rất tiếc, và đành xin lỗi tiên sinh, để nói rằng ở đây tiên sinh không những không công bằng mà dường như còn có ác ý với tôi!

Trong bài nói chuyện về thơ Vi Khuê (dài 7 trang đánh máy) tiên sinh chú trọng đặc biệt đến bài “Giọt lệ”, tiên sinh đã dành ra hơn một trang để nói về những sự kiện liên quan đến bài này.  Sự so sánh câu “đau thương là hiện hữu” (một phát biểu tư tưởng, coi là của bà Vi Khuê) với những câu tư tưởng của Descartes và Sartre đã hàm chứa sự ca tụng câu tư tưởng này (tôi sẽ xin nói về sự “so sánh” ngay sau đây).

Để thuyết phục người đọc là thơ Vi Khuê mang tính chất khóc thương cho thế nhân, tiên sinh viết:

Nét sầu trong thơ Vi Khuê không phải chỉ là khóc thương cho đời và cho người, như Vũ Hoàng Chương viết:  “tác giả Giọt Lệ đã vì đời mà sa lệ”.  Có thật đấy nhưng không phải chỉ có thế ấy.  Nhà thơ quả có khóc cho gia đình, như trong bài Nhớ Nhà, có khóc cho cuộc nhân sinh như trong bài Xin Đừng Hỏi Bài Thơ, có khóc cho tuổi xuân phai tàn như trong bải Chuyện Tử Sinh, có khóc cho cái chết tức tưởi như trong bài Thơ Đen, rồi có khóc cho ‘chính mình’ (?) như trong bài Xin Khóc Thương Nàng, và có khóc cho bao cảnh huống khác nữa đầy dẫy trong Cát Vàng” (trich Nét Sầu trong thơ Vi Khuê, Võ Đình 11.5.1985).”

Rồi tiên sinh còn đề cập đến ý niệm sắc không của nhà Phật trong thơ Vi Khuê: “Nỗi thao thức, niềm khắc khoải của Vi Khuê quá độ đến nỗi nhà thơ sử dụng đến cả bốn chữ trong câu thứ ba của bản dịch bài kệ Thủy Nguyệt của thiền sư Đạo Hạnh để làm đầu đề cho thi tác của mình…

Và đây một đoạn nói rõ hơn về tư tưởng triết học của bà Vi Khuê:

“… Thế rồi, mới đây, năm 1985 này, cũng vì Giọt Lệ mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã nói lên cảm nghĩ của anh mà cũng là cảm nghĩ của chính chúng tôi từ mấy năm nay:  Nguyễn Mộng Giác viết:  ‘hóa ra ngay trong nếp sống tưởng rằng bình thường, êm ả của nhà thơ và cuộc đời, Vi Khuê vẫn tìm được những dấu hỏi lớn từng khiến thi ca trở thành tinh hoa của triết học’.

Rõ ràng là tiên sinh đồng ý với ông Nguyễn Mộng Giác là bà Vi Khuê đã tìm được “những dấu hỏi lớn từng khiến thi ca trở thành tinh hoa của triết học”!

Thưa tiên sinh, mấy điều dẫn chứng trên có đủ minh chứng được là tiên sinh đã nói về tư tưởng triết học của bà Vi Khuê chưa?

Tôi muốn xin nhân đây nói rõ một điều:  tư tưởng triết học được đề cập đến trong thơ là một điều rất thường.  Ngay cả trong đời sống hàng ngày, nhiều khi chúng ta cũng có phát biểu.  Những câu như “đời là bể khổ”, “hồng nhan bạc mệnh”… thỉnh thoảng ta nói trong đời sống hàng ngày là những câu mang tư tưởng triết học.

Bây giờ tôi xin chứng tỏ là tiên sinh có “so sánh” tư tưởng triết học của bà Vi Khuê với tư tưởng của hai triết gia Pháp.

Bàn về sự so sánh trong văn chương thực ra khá phức tạp, không nói đầy đủ ở đây được, nhưng để vắn tắt, xin thưa:  rõ ràng và  dễ dàng để nhận ra có sự so sánh, giống nhau hay không giống nhau, là để ý đến từ ngữ “như” hoặc “không như” (hay các từ ngữ tương tự: tựa, giống, không giống…).  Và trong nhiều trường hợp những từ ngữ này có thể được hiểu ngầm.

Xin nêu vài thí dụ:

Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thúy Kiều:

Trong như tiếng hạc bay qua.

Đục như nước suối mới sa nửa vời.

– Không có “như” mà vẫn là so sánh, cũng trong Kiều:

Tuyết in sắc ngựa câu dòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

(ngựa trắng như tuyết, áo xanh như cỏ.  Ở đây chỉ cần đề cập tới hai sự vật có những điểm tương đồng hay tương phản là đủ).

– Một thí dụ khác: “VĐ không viết luộm thuộm như TN, không dùng lối văn bí hiểm giống như MT, ông dùng lối văn trong sáng của DA để diễn tả…” đó là sự so sánh cách hành văn của VĐ với cách hành văn của TN, MT và DA.

– Hay thí dụ do chính tiên sinh đề ra:

“… Thay vì đập phá thực tại thành từng mảnh như Picasso (…), ông X đã chuyển hướng v.v…”  Nói như vậy đâu có phải đem nghệ thuật của ông X mà so sánh với nghệ thuật của Picasso (sức mấy!).  Và nhất định nói như vậy cũng không có nghĩa là cho rằng nghệ thuật của ông X còn đi xa hơn nghệ thuật Picasso!”

Thưa tiên sinh, đây chính là một sự so sánh! So sánh  “không giống về nghệ thuật”.  Thí dụ khi nói : “lối thơ của ông X giống lối thơ của Hồ Xuân Hương” là “so sánh giống nhau về thi pháp”.

Trong cả hai thí dụ trên, giống hoặc không giống, không nhất thiết mang cái ý so sánh về tài ba hay địa vị.

Vậy đoạn văn của tiên sinh:  “Vi Khuê không nói rằng “suy tư là hiện hữu” như Descartes, mà cũng không tin rằng “chọn lựa là hiện hữu” như Sartre.  Chỉ tin rằng “đau thương là hiện hữu”…”  theo tôi là một sự so sánh câu tư tưởng của bà Vi Khuê  với các câu tư tưởng của hai triết gia  Pháp.  Tôi nghĩ rằng tiên sinh cũng như tôi, và cả các độc giả nữa, có lẽ không ai nghĩ đó là đem địa vị hay hệ thống triết học của bà Vi Khuê so sánh với địa vị hay hệ thống triết học của Descartes và Sartre.

Về đoạn văn 36 chữ:  “Dấu hỏi lớn nhất, thưa quý vị là dấu hỏi không nằm sau một câu hỏi, bởi vì câu hỏi lớn nhất đã là một câu trả lời, và trả lời là đã chấp nhận…” mà tiên sinh đã diễn giảng hơn một cột báo, tôi đọc đi đọc lại chỉ thấy đỡ rối trí đôi chút.  Xin nói thực:  từ một bậc cao, câu văn 32 chữ, được hạ xuống một bậc thấp hơn, đoạn văn mà tiên sinh giải thích và lo ngại mang tiếng khinh độc giả, tôi đọc tuy hiểu văn ý, nhưng vẫn chưa thấy thỏa đáng.  Tôi rất tiếc đã không thắc mắc kỹ hơn, để được nghe lời phân giải rõ hơn.  Tỉ như (a) thế nào là dấu hỏi lớn nhất, (b) tại sao dấu hỏi lớn nhất không nằm sau câu hỏi, (c) thế nào là câu hỏi lớn nhất, (d) tại sao câu hỏi lớn nhất đã là câu trả lời, (e) tại sao trả lời là đã chấp nhận…

Nhưng xin tiên sinh hãy bỏ qua những điều thắc mắc này, và xin đừng cho rằng viết rõ ràng, giản dị là khinh độc giả.  Theo tôi, viết như thế mới là “kính trọng” độc giả.  Thực ra trong nhiều trường hợp, viết khúc mắc, bí hiểm, có hại cho người cầm bút nhiều hơn là có lợi.  Người cầm bút viết thứ văn khó hiểu thường làm cho người đọc chán nản, xa lánh, và dễ bị coi là lòe độc giả, hay thiếu khả năng truyền sự hiểu biết đến cho người đọc.

Thưa tiên sinh, như tôi đã nói trong phần mở đầu, bài đáp lời này trước hết và trên hết, là để tỏ lòng kính trọng thái độ lên tiếng của tiên sinh.  Và như tiên sinh viết, lý do bày tỏ thái độ quan trọng gấp mấy mươi lý do cần phải biện bạch tự vệ, tôi hy vọng bài này đáp ứng được phần nào lời tiên sinh viết đó.

Trân trọng kính chào tiên sinh.

THIỆN NHÂN

 

 

 

 

 

This entry was posted in Nguyễn Khánh Do. Bookmark the permalink.