BS Lê Văn Lân

ĐÀI VIỆT NAM HẢI NGỌAI
Phát Thanh và Truyền Hình từ Hoa Thịnh Đốn
 
CHƯƠNG TRÌNH TRÒ CHUYỆN VỚI LAN CHI

Khách mời: Bs Lê Văn Lân

 

Lan Chi:  Kính thưa quý vị, BS LVL đã cộng tác với Đài Việt Nam Hải Ngọai từ mấy tháng nay. Hôm nay, trong CHƯƠNG TRÌNH TRÒ CHUYỆN VỚI LAN CHI, BS Lân sẽ nói cho chúng ta nghe về cuộc đời của Ông và các  thú vui ưa thích nhất.

Trước khi mời BSLVL, chúng tôi xin mạn phép lược sơ qua về Tiểu Sử của Ông

TIỂU SỬ và HOẠT ĐỘNG CỦA BS LÊ VĂN LÂN

Tiểu sử:
-Sinh năm 1931 tại Phố Bát tỉnh Nam định nhưng Tổ quán là làng Bát tràng tỉnh Bắc Ninh. Học Trung học ở trường Quốc học Huế và tốt nghiệp Y khoa tiến sĩ Saigon (1960)
-Phục vụ Quân Y ( 1960 – 1975).
-Chuyên môn: Bác sĩ Sản Phụ Khoa & Kế Hoạch Gia Đình tai Bệnh Viện Trưng Vương
-Lao tù tập trung ( 1975 – 1979)
-Vượt biển qua Mỹ. Làm việc cho Bộ Y tế Tiểu bang New Jersey ( 1980 – 1998) trong chức vụ New Jersey State Coordinator of the Refugee & Immgriant Health.
-Hồi hưu tại Austin Texas từ 1998 đến nay.

Sách đã xuất bản:

Bút khảo về Ăn ( 1986)
Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam ( 1998) Tái bản lần hai.
Bút khảo về Xuân ( 1999)
Les Principes de Déontologie Médicale d’après l’ouvrage “ Ngư Tiều Vấn đáp “ par Đồ Chiểu (Nguyên tắc Nghĩa Vụ Luận Y khoa theo tác phẩm Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật của cụ Đồ Chiểu)  viết chung với Giáo sư Nguyễn đình Cát năm 1962 – xuất bản năm 1998)
Chuyên biên khảo về đất lề quê thói ở Việt nam

Hoạt động văn hóa:

Thành viên của Ủy ban Quốc gia Soạn thảo và Dịch thuật Danh từ Chuyên Môn và Ủy ban Điển chế Văn tự của Phủ Quốc vụ khanh, đặc trách Văn hóa và Giáo dục ( 1971 – 1975).
Trưởng nhóm “ Duyên Văn” tại New Jersey& Philadelphia đã bảo trợ và tổ chức 15 buổi ra mắt sách và triễn lãm tranh và hoa thủy tiên trong 10 năm.

PHẦN TRÒ CHUYỆN VỚI BS LÊ VĂN LÂN

 
Hlc: xin mời Bác Sĩ LVL
BS: xin chào quý thính giả, chào Lan Chi
Hlc: thưa Bác Sĩ, BS vừa cộng tác với Đài và hôm nay Lan Chi  mời Bác Sĩ trò chuyện vơi Lan Chi. Lan Chi  vừa đọc qua Tiểu Sử của Bs và bây giờ xin phép được hỏi Bác Sĩ môt số điều hơi cá nhân môt chút vì hẳn là quý thính giả của Đài khi nghe Bác Sĩ nói chuyện trong các chuyên đề về văn hóa, thì họ cũng tò mò muốn biết thêm về Bác Sĩ
BS vâng, cô cứ tư nhiên
Hlc thưa BS, Bác Sĩ quê ở Bát tràng. Đa số chúng ta ai cũng nhớ bài Trên trời có đám mấy xanh, ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng- ước gì anh lấy được nàng, thì anh mua gạch Bát tràng về xây. Vây đã có lần nào Bác Sĩ về Bát tràng và xem các lò gạch ở đó chưa? Và Bác Sĩ thấy gạch Bát Tràng đẹp không ?
 BS: Tổ quán của tôi là làng Bát Tràng, nhưng sinh quán là Phố Bát, tỉnh Nam Định( dân Phố Bát đa số là dân Bát Tràng Bắc Ninh cư ngụ và có cửa hàng buôn bán sản phẩm gốm của làng),  Tôi mới sinh được 3 tháng thì mẹ tôi ẵm ngửa tôi vô Huế. Tôi mới về làng Bát lần đầu cách đây 4 năm. Làng tôi nổi tiếng về đồ gốm từ mấy thế kỷ nay.
Có hai điểm đặc biệt về làng tôi:
1)      Đại đa số Dân là ở nhà gạch vì ở nhà tranh thì dễ cháy vì nung gạch bát
2)      Con trai Bát Tràng phần lớn có lưng dài … vì chỉ nằm dài mà  học để đi thi trong khi các con gái Bát Tràng đảm đang, tần tảo buôn bán nuôi chồng. Do đó có câu ví khi nói về cái sướng là:
Sống làm con trai Bát Tràng,
Chết làm Thành Hòang Kiêu Kỵ
[Thành hòang Làng Kiêu Kỵ được cúng trâu bò luôn luôn vì làng này chuyên nghề làm A-giao (?) nên quanh năm thường giết trâu bò để lấy da, trong khi các làng khác thì mỗi năm chỉ hưởng cúng 1-2 lần thôi]
Con trai Bát tràng tán gái theo lối “lung khởi” nói mây nước trên trời dưới đất rồi sau mới từ từ vô mục tiêu như câu ca dao “ lấy gạch xây ao cho nàng rửa chân”
 
Hlc vậy so sánh với các lọai gạch mới bây giờ của thế giới thì sao thưa Bác Sĩ ?  vì Lan Chi  thấy gạch phương tây cũng đẹp nhưng để đi vào Chùa VN thì Lan Chi  vẫn thích nhìn mầu gạch đỏ , tuởng như là nó mang hồn dân tộc trong đó vậy!
BS Lò gạch thì hiện nay hiện đại lắm, sản phẩm gốm càng ngày càng đẹp để xuất khẩu vì kỹ thuật và men tráng cải tiến hơn xưa.
Gạch Bát tràng vuông vức và lớn thường dùng lót sân.
Sân chầu trong cung điện lăng tẩm ỡ Thăng long và Huế ngày xưa chỉ duy nhất dùng gạch Bát Tràng vì cứng như sắt nên khó vỡ mẻ

Hlc: thuở thanh niên, được biết BS học trường Quốc Học Huế. Vậy thời đó, trường dạy chương trình Việt chưa hay còn Pháp thưa BS?
BS Trường Quốc Học là cái tên sơ khởi vào năm 1896.  …. Vua Bảo Đại vào  năm 1936 lấy tên vua cha là Khải Định để gọi trường. ( Cũng như vào năm 1917, vua Khải Định lấy tên vua cha Đồng Khánh đặt cho trường Nữ Đồng Khánh vậy).
 Tôi vào trường này vào năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3, 1945 khi ấy Chánh phủ Trần Trọng Kim  vì thể diện quốc gia đã áp dụng Chương Trình Việt  Hòang Xuân Hãn. Chúng tôi trước đó học Tiểu học hòan tòan bằng Pháp ngữ  từ làm luận văn cho đến các môn tóan và khoa học. Cũng vì tự ái dân tộc, chương trình HXH rất khó và đầy đủ đề sau này trình độ học sinh tốt nghiệp không thua gì học trò trường Pháp trước 45. Bằng chứng là dù các Trường Đại học VN chuyển dạy từ Pháp ra Việt ngữ  khá trễ, đặc biệt là Trường Y mà chúng tôi lại học với các giáo sư Pháp nên sau này tốt nghiệp y khoa, tôi đã phải trình luận án bằng Pháp văn .
Hlc: thuở đó muốn vào Quốc Học, phải có những điều kiện gì thưa BS? Vì sau này phải thi tuyển để vào những trường công lập lớn như Trưng Vương, Gia Long ?
BS: Tôi nhớ”hình như” vào thời điểm 1945, sự tuyển chọn dựa vào điểm học bạ của trường Tiểu học. Còn rất nhiều các học sinh không được tuyển thì phải học các tư thục .
 
Hlc :BS này, Lan Chi  tò mò muốn hỏi, đa số các Giáo sư Viêt dạy thời đó là nam hay nữ và thường phụ trách các môn gì? Có vị nam GS nào dậy môn Việt Văn và mặc áo the, đi giầy Gia Định không ?
BS:Kể từ 1945, ở Huế khác ở Saigon là các giáo sư Việt phụ trách từ A đến Z. Nam giáo sư nhiều hơn Nữ, ngay cả ở trường Nữ trung học Đồng Khánh. Phần lớn các thầy mặc Âu phục, chỉ có các cụ theo Cựu học được mời dạy Hán Văn là mặc Việt phục.
Hlc: Các vị GS nào còn để ấn tượng tốt cho BS về tư cách, lương tâm nghề nghiệp?
BS: Tất cả giáo sư đều được chúng tôi kính phục cả vì vừa giỏi vừa đạo đức.
Hlc: thế vị GS nào hắc ám ? thôi mình cứ nói BS ạ vì “hắc ám” đâu có phải là xấu?  Như Lan Chi  cũng có khi bị học trò nói là bà chằng lửa vậy!
BS:Đương nhiên có người khó, có người dễ, nhưng chúng tôi còn giữ tinh thần coi Thầy hơn Cha hoặc bằng Cha, nên từ lời ăn tiếng nói không dám nói gì xúc phạm cả nếu không nói là khoanh tay, ngả mũ chào vì mình phãi giữ danh giá con nhà gia giáo. Anh nào ngỗ ngược tiếng xấu đồn khắp nơi, không có ai gả con gái cho đâu. Thuở chúng tôi, học trò chỉ Nghịch chứ không dám Hỗn.
Còn  sau này thì học trò bắt đầu thay đổi vì thời thế hay tuổi tác còn trẻ nên học trò lờn nên mới gọi như thế thôi

Hlc: rất cảm ơn Bs về câu nói này. Vâng, Lan Chi  nhớ thuở bé, cũng giữ tinh thần Tôn sư trọng đạo nên học trò thời Lan Chi  chỉ có nghịch chút đỉnh chứ hỗn thì không có. Năm 71, khi Lan Chi   đi dậy thì tình thế đã có phần thay đổi, đạo đức đã có phần suy đồi.
Hlc: hồi đó nữ sinh Đồng Khánh chắc hay mặc áo dài tím phải không thưa BS? Và nón lá của họ có đề bài thơ Sông Hương Núi Ngự gì đó, đúng không ?
BS:Thời tôi thì nữ sinh Đồng Khánh hết mặc đồng phục màu Tím Than rồi.Phần lớn là mặc áo trắng, đi bộ nhưng về sau thi cho phép mặc áo mầu lợt, không hoa hòe, đi guốc mức. Mùa lạnh thì mầu sẫm và mặc áo len bên ngòai.  Trời mưa thì mặc áo tơi bằng lá, nên mới có chuyện tôi theo một o gái thì chỉ thấy … gót chân mà thôi. Mãi đến năm 49- 50, các cô mới bắt đầu đi sandale, đi xe đạp, mặc áo mưa bằng nhựa. Con gái Huế phải trang phục cực kỳ nhã nhặn và tiết kiệm. Nón lá phải dầy, guốc mức không sơn, nên không có chuyện đội “ nón bài thơ”… HLC hỏi dị òm.
Hlc: Kính thưa quý vị, BS chê Lan Chi hỏi dị òm! tức quá đi thôi, Lan Chi  xin mời quý thính giả nghe bài thơ sau đây xem cái nón lá bài thơ từng đi vào văn học sử đã bị  chàng trai Huế gốc Bát Tràng  nghĩ ra răng hè?

Kỷ niệm Tình Học Trò
LÊ VĂN LÂN

Còn nhớ năm mô chuyện bé con
Thương O gái Huế gót như son.
Những chiều tan học mưa tầm tã
Thừa Phủ đò ngang đợi héo don!

Giòng Hương soi bóng hai trường lớn,
Đường rộng đi về một nẻo chung.
Chuông đổ trường anh lừng sương sớm,
Trống bãi trường em phượng vỹ rung.

“Muốn chi?” thường ghẹo hồi chuông hỏi
Gởi đến tai nàng em gái xinh
“Muốn chồng!!” trống đáp vang từng chập
Hổn hển thay lời… em nhắn anh.

Chuông trống âm vang tuổi học trò
Tuổi hồng vui nghịch chẳng thèm lo.
Hè về… sách ép toàn hoa bướm
Lưu bút nét tình thắm đậm tô.

Thơ xanh lén gửi gài trong tập
Ốt dột em nào dám đáp anh!
Gặp nhau liếc trộm xuyên triền nón,
Cúi mặt … cuơì duyên miệng nửa vành!

Quốc Học anh ni “dị” một cây,
Lẽo đẽo “cua “ em quá đỉa dai
Ngó lơ giả bộ…em còn trẽn
Trong bụng phút đầu…dạ đã say!

………………………………
Hôm nay nhắc lại tình xưa cũ
Dìu dặt tơ lòng như tiếng ru…
Thời gian mặt nước giòng Hương lặng
Trôi chảy miên man bến mịt mù.

Hlc: đó thưa quý thính giả, BS dám nói con gái Huế ’Muốn chồng” chớ không giải thích gì về cái nón lá dày hay mỏng, có hay không đề thơ gì hết ?
BS: Có đó cô nương. Hồi đó con gái Huế mang nón lá dày chứ mỏng te thì chịu sao thấu với cái kiểu gọi là mưa dầm thúi đất của xứ Huế.( Nguyễn Bính có câu thơ: Trời mưa ở Huế sao buồn thế, Cứ kéo dài ra đến mấy ngày!)
 Sau này họ làm nón lá mỏng, giơ lên soi ánh măt trời có bài thơ, bây giờ thì có cả chùa Thiên Mụ , nón bài thơ chỉ mua để làm quà biếu khách phưong xa  thôi. Ở Huế, ai mà đội. ốt dột chết, dị òm!

Còn cái vụ “Muốn chồng” là sự tích vầy nè:  năm xưa trai và gái học ở hai trường Quốc Học và Đồng Khánh tại Huế lớp 1945 – 1952 có chung một khuôn viên là cơ sỡ cũa Trường Đồng Khánh, vì cơ sở của trường Khải định bị Tây lấy làm doanh traị quân đội.
Trên khuôn viên chia sẻ này, nếu nhìn ra sông Hương thì trường  Học trò con trai Khải Định ỡ dãy nhà bên trái đánh chuông vô lớp, còn trường Học trò con gái Đồng Khánh đánh  trống..
Tụi con trai tinh nghịch thường nói tiếng chuông đánh bi li giống như câu hỏi: Muốn Chi? Muốn Chi?, còn tiếng trống thùng thùng nghe như tiếng đáp dồn dập: Muốn Chồng! Muốn Chồng!

Hlc:Chèn ơi, quý vị thính giả thấy không thời nào thì cũng nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò cả. Bi Li thì suy ra là Muốn Chi, còn tùng tùng thì xuyên tạc là Muốn Chồng. Thiệt hết biết cho con trai Huế nha. ‘’Ốt dột’’ thiệt đó.  Thế ao tơi bằng lá dừa hả BS? nếu thế nhìn có vẻ ..nghèo quá trời à! Còn ‘’guốc mức’’ là gì thưa BS? Lan Chi  chỉ biết guốc mộc thôi !
BS: Áo tơi làm bằng lọai lá kè đặc biệt gọi là Tơi Đọt mắc tiền, còn nhà nghèo mặc Tơi Cá. Guốc mức làm bằng gỗ cây mức màu trắng, mộc mạc không sơn.

Hlc: à, trở lại chuyện hồi nãy, BS đi theo một o mà chỉ thấy cái gót chưn của nàng vậy chắc o đó phải có gót đỏ như sen và xinh xắn như gót búp bê?

BS: Hãy đọc bài thơ Gót son trên guốc nhỏ thì rõ.

Gót son máu ửng dồn chân buớc
Guốc gỗ khua giòn gõ nhịp thưa.
[Để ý kiểu thức Nghĩ Âm hòa điệu – alliteration để mô tả cái âm khô khan gõ trên hè  phố cùa “Guốc gỗ khua giòn gõ nhịp thưa! (như câu thơ Pháp Le serpent qui siffle sur sa tête= âm S!  hay thơ Tết của Nguyễn Công Trứ: Bánh Chưng Chất chật chừng ba chiếc= âm Ch nói lên ý “ chật chội!

 

Hlc: thế hỏi nhỏ, hồi đó BS có trồng cây si một cô Đồng Khánh nào không ?
BS:Lại hỏi dị òm!  Tôi là kẻ si tình nhưng nhút nhát. Miệng hùm nhưng gan sứa, họp chúng bạn thì tinh nghịch, nói dóc, nhưng gặp gái thì như rắn mồng năm.
Hlc: BS làm Lan Chi  nhớ câu thơ “tôi là kẻ si tình nhưng nhút nhát, Muốn nói yêu nhưng lại sợ bẽ bàng!’’. Duờng như thời đó, cô cậu nào cũng thủ cho mình dăm câu thơ như vậy để làm bửu bối cả!

BS: Tôi là dân gốc Bát Tràng thì sẵn thơ lắm, HLC khỏi lo!

Hlc: Kính thưa quý vị, để biết mối tình lâm ly đi theo mà chỉ thấy gót sen của BS LVL, mời quý vị nghe Lan Chi  đọc bài thơ sau đây nhe:

Gót Son Trên Guốc Nhỏ
*Để nhớ một O gái học trò Huế thuở còn mang guốc

Ừ hí! Răng mà anh trót yêu
Đón em tan học những ban chiều.
Thì thùng trống đổ nghe nôn nả
Bấn loạn tim anh đổ nhịp nhiều.

Lạ rứa! Bữa ni chưa thấy em?
Lệ thường em bận áo mầu sim,
Những ngày trở gió heo may buốt
Nôn ruột chờ lâu nghẹt cứng tim!

Tê tề, sướng qua anh nom thấy
Dáng dấp thanh thanh xinh quá xinh
Bữa ni về trễ mần anh ngóng
Thôi hí! Xin đừng ngoái thấy anh…

Theo em… mô dám đi gần quá
Khoảng cách đũ bưa… nghễ gót chân:
Trắng nuột ững hồng như sáp nặn
Tứ thơ nhè nhẹ… dạ lâng lâng.

Đừng hòng đem ngọc cõi trần gian
Đánh đổi lời thơ tả gót nàng
Dẫm trên guốc nhỏ, tình muôn hộc
Vung vãi không gian… ý rộn ràng.

Có đêm nhớ quá, anh nằm chộ
Những gót chân em dẫm bệ rồng.
Đương kim Hoàng Thượng ta nghiêm phán
Chạm ngọc chân em ngưỡng mộ trông.

Gót son guốc nhỏ phụng thờ yêu
E ấp trong tim chẳng nói nhiều.
Dẫu nói, chắc rằng ai sẽ hiễu
Lại mắng cho rằng miệng lưỡi điêu.

Gót son máu ửng dồn chân buớc
Guốc gỗ khua giòn gõ nhịp thưa.
Canh cách trên hè vang tiếng khẽ
Nghe hoài… nghễ mãi …vẫn chưa bưa!


Bỗng dưng …bửa nọ… thôi vương vấn
Guốc gỗ hết còn dính gót chân!!
Đua đòi mốt mới…
Em mang dép!
Vĩnh viễn tình anh chết lặng câm.

LÊ VĂN LÂN

Hlc: thưa quý thính giả, o đa ng đi guốc mức, o đổi làm chi sang đôi dép tân thời làm tình của chàng trai trẻ LVL chết trong …đôi guốc. Cái nì làm Lan Chi  nhớ đến ông thi sỹ van vỉ

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Cái rồi khi thấy Nàng ‘’à la mode’’ thì thi sỹ khóc huhu:

Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi !
Nào đâu cái áo lụa sồi cái khăn mỏ quạ..

BS này, vì sao BS quyết đinh theo Y Khoa? ý thích cá nhân hay gia đình? Và khi vào Saigon học thì trọ học hay lúc đó gia đình BS cũng đã dọn vào đấy?
BS: Học y khoa vì rất nhiều lý do trộn lẩn: Do ý thích cá nhân vì chọn một nghề đòi hỏi kiến thức chuyên môn được trọng vọng, nhắm lý tưởng phục vụ nhân quần, bác ái, về mặt thực tế có chức phận và ít ra không túng thiếu. Nhưng mưu sự tại nhân, mà thành sự phải “gạo” luôn luôn cố gắng, thi rớt là bị động viên, lở dở mộng không thành ngay. Cha mẹ tôi vẫn ở Huế, nên bước đầu phải vừa đi học, vừa dạy học tư. Bước đầu, hàng ngày phải gò lưng đạp xe lộ trình đi về từ Saigon – Chợ lớn, mãi lên năm thứ 2 mới có mobylette.

 

Hlchoan hô tinh thần cầu tiến, cầu danh, cầu tiền của BS. Đúng vậy, thời đó cha mẹ Lan Chi  cũng bảo, học BS vừa có danh, lộc vừa giúp ích cho đời nên Lan Chi  cũng mê y khoa lắm. Thât là tội nghiệp cho BS ngày đó phải còm cõi đạp xe từ Saigon đến Chợ Lớn để đeo mộng Lương Y như từ mẫu. Thế hồi đó BS học Y ra sao?
BS:
1.       Chương trình học Y khoa tại Việt Nam thời còn ảnh hưởng Pháp gồm bẩy năm là năm Dự bị còn gọi là năm PCB ( để ôn tập lại những môn khoa học căn bản là Vật lý – Physique, Hóa học – Chimie, Vạn vật – Biologie) quen gọi là năm Sinh Lý Hóa. [Năm PCB học tại trường Đại học Khoa Học (Faculté des Sciences) tọa lạc cạnh trường Pétrus Ký.]  Năm dự bị này chỉ ôn tập nên sinh viên rảnh rỗi nên họ gọi năm PCB là năm “Phải Chơi Bời”!
2.       Sau năm Dự bị, sinh viên học thêm sáu năm thực sự từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu tại Trường Đại học hỗn hợp Y và Dược khoa (Faculté mixte de Médecine et Pharmacie) toạ lạc tại số 28 đường Testard (sau là Trần Qúi Cáp) Saigon. Mãi sau này thì mới tách trường Y và Dược riêng ra; Trường Y thì dời vào Chợ lớn ở địa điểm hiện nay. Vào Năm thứ nhất Y thì học rất nặng về lý thuyết với những “cua” (cours) về Cơ thể  học ( Anatomie) và Sinh lý học (Physiologie)
3.       Vào năm Nhất Y thì mới khai giảng sinh viên khởi sự học khoa Cốt học (Ostéologie) với khúc xương tay (humérus), nên họ thường lén mang xương về nhà ôn tập.
4.       Hai năm đầu, sinh viên học mổ xác người ướp formol tại Cơ thể học viện (Institut anatomique) tọa lạc tại đường Trần Hoàng Quân ( Armand Rousseau) gần hãng làm la-de Chợ lớn.
5.       Sinh viên Y thuở đó đi học thực tập tại hai nhà thương Chợ Rẫy và Bình dân. Họ mặc áo bờ lu (blouse) trắng, đội nón vải gọi là bon- nê (bonnet).  Trên ngực áo họ có thêu những ngôi sao bằng chỉ đỏ, một sao là năm đầu…sáu sao là năm 6!
6.       Đi thực tập thì phải học nghe tim nghe phổi và phân biêt nào là tiếng tim đập như ngựa phi nước kiệu ( gallop), tiếng khua ròn như trống( roulement) hay tiếng thổi ( souffle) v.v…
7.       Năm thứ tư Y thì học đỡ đẻ. Sinh viên nai tơ “ phái nam” lần đầu tiên mới tiếp xúc với cơ phận nữ nên còn lúng túng chưa biết thông tiểu và phá đầu ối cho sản phụ thế nào.
8.       Cũng vào năm thứ tư, sinh viên Y học kỹ về Bệnh lý học ( Pathologie) và Lâm sàng học ( Clinique) cùng học về Vật lý và Hóa học Y khoa ( Physique & Chimie médicale), Trị liệu học ( Thérapeutique)…
9.       Vào thời gian chiến tranh Việt Nam khởi sự thì sinh viên Y không học năm thứ sáu mà cuối năm thứ năm phải động viên phục vụ chiến trường với chức Y-Sĩ Trung Úy. Thời gian này trong quân ngũ gíup cho sinh viên thâu thập học hỏi những kinh nghiệm thực tế, để rồi ít lâu sau đó thì trở về Saigon để trình luận án tốt nghiệp Y khoa tiến sĩ.
 
Nhờ lương Quân Y mà tôi khõi đi dậy tư mà chăm chú học

 

Hlc: đây là câu hỏi mà Lan Chi  rất thích hỏi các Bác Sĩ , đó là Bác Sĩ gặp ma bao giờ chưa khi đi thực tập hay lúc làm việc ở Tổng Y Viện Cộng Hòa?
BS: Chưa bao giờ gặp nhưng không thể nói không sợ… Bản thân tôi từng khám tử thi nhưng không khí “lạnh” của phòng lạnh và mùi nhang đèn vẫn cho tôi cái cảm giác về “tử khí”

Hlc: kỷ niêm gì vui nhất thời BS học Quân Y?
BS:Vui nhất là được đeo lon Ysĩ Trung Úy uy nghi! Nhưng trong ruột thì vẫn “dốt”! Nhờ LC đọc bài Ngơ Ngác nai tơ để quý thính giả biết sơ về đời sống sinh viên quân y thời đó ?
Hlc: dạ, xin tuân lệnh
 
NGƠ NGÁC NAI TƠ
 
của LÊ VĂN LÂN
 
Thơ viết mến tặng những chàng sinh viên y khoa trẻ ngơ ngác nai tơ  giống tôi cách đây 50 năm! Thuở ấy cuộc đời đẹp như trăng mới lên, như hoa mới nở nên coi việc đời cái gì cũng dễ dàng, suôn sẻ cả bèn tự cho ta là nhất.
 
Buồn cười nhớ lại quãng năm qua
Tuổi đời non choẹt nhập Y khoa!
“Dự bị”(1) ôn toàn Sinh – Lý – Hóa
Vênh váo nhất đời… cái mặt ta!
 
Năm sau thực sự kể năm đầu
Hăm tám (28) ngôi trưồng cũ Testard.(2)
“ Cours” nhiều: Cơ thể và Sinh lý(3)
Học gạo thân hình… ốm tựa ma.
 
Kỷ niệm năm này cũng ngộ thay:
Giáo đầu “ Cốt học” khúc xương tay, (4)
Đi dâu nhét túi xương cùng xẩu
Khoe mẽ rằng ta… cũng mặt thầy!
 
Cơ-thể học đường lui tới luôn (5)
Nức mũi cay nồng chất Formol
Xác chết khô đen luôn réo gọi
Về nhà nhai thịt… nhớ buồn nôn!
 
Chợ Rẫy, Bình Dân thực tập đi
Khoác mầu “ blouse” trắng, đội “bonnet”
Tuy ngực ít “ sao” mà le lói
Bộ tịch làm le…chán não nề! (6)
 
Lủng lẳng ống nghe đeo trước ngực
Khám bịnh thật lâu, mặt rất nghiêm.
Tiếng tim: Ngựa sải phi rùm rụp,
Trống trận rung dòn? Gió thổi êm? (7)
 
“ Từ Dũ bảo sanh” năm thứ tư
Đỡ đẻ “cas” đầu khéo lắm ru.(8)
Nước ối vỡ òa văng ướt mặt
Mặn môi liếm thử …kể như ngu!
 
Học hành thi cử bận liên miên (9)
Clinique! Patho! tới tấp liền
Lại nhét Chimie cùng Physique
Hè nào thi rớt…gạo như điên!
 
Năm cuối lên đường khoác chiến y
Hoa mai Trung Úy sáng uy nghi. (10)
Dẫu gì tốt nghiệp làm quan “đốc”
Trong bụng xem ra… chẳng biết gì!
 
Từ đó…giòng đời luôn mãi trôi
Học đời…học sách mãi quên thôi!
Càng học bao nhiêu càng thấy dốt
Nghĩ lại năm xưa…cũng nực cười!

Hlc: khi ra trường, BS phục vụ ở binh chủng nào trong Quân đội và kỷ niệm nào còn ghi dấu ấn đến bây giờ với BS?
BS: Như lý tưởng  thích học đời…học sách của tôi vì:
Càng học bao nhiêu càng thấy dốt cho nên khi phục vụ tại Sư Đòan 5 có nhiều lính Nùng tôi học được tiếng Nùng và gần Vùng Phan Rí Chàm tôi có dịp tìm hiểu về phong tục của dân Chàm. Có lúc thì đóng quân trong rừng thì học về cây cỏ nhưng nói nào ngay, HLC đừng cười vì lắm lúc cũng “ run như run thần tử thấy long nhan” lúc hành quân di chuyển tuy rằng chiến cuộc thời năm 60 chưa đến cao điểm(Ai đời ! Mới cưới vợ 15 ngày thì đi đơn vị tác chiến ngay! Nếu không có ơn Trời che chở thì ngày về là tấm poncho hay hòm gỗ cài hoa! )
Hlc: BS nói môt câu tiếng Nùng đi ? vd “Tôi rất thích được cô Lan Chi  phỏng vấn vì cô ấy hỏi về thuở mới nhớn, chỉ biết yêu thôi, chả biết làm chi cả” ?
BS:Tiếng Nùng hay tiếng Ngái tức là một thứ tiếng Quảng Đông quê mùa ! Ngọ chánh hầy phún hỉ lơ, thùng Woòng Lànn Chí  Cú Nường khứn cẩy, fỏong màn. Cú Nường mành ngọ cónn ngám chưởng tài ke xì hầu sánh fũ chù mach dệ oặc chẽ hui pín tù oẳn nụi chẩy ôi xình!
Hiểu không? Điếc con ráy chưa!
Hlc: dạ hong hỉu gì hết nhưng nghe dzui tai chứ không điếc con ráy thưa BS! Tuy vậy nếu BS toan tính bịp Lan Chi nghĩa là BS nói, tôi ghét cô Lan Chi lắm lắm thì BS coi chừng, Lan Chi  sẽ học tiếng Ma Rốc để đối thọai với BS.
Hlc: BS này, khi làm BS phụ khoa, lúc đỡ đẻ, cảm tưởng BS ra sao? Chà, Lan Chi  rất thích nếu như được đón nhận một sinh vật bắt đầu hiện hữu trên cõi đời “ô trọc” này và mình là người đầu tiên phét đít cho sinh vật đó oa oa tiếng khóc báo cho thế giới biết rằng- ta- xin có mặt cùng lòai người!
BS: Hồi còn sinh viên còn trinh trắng, học đỡ đẻ thì bị nước ối òa ra ướt mặt, lóng ngóng khi thông tiểu cho sản phụ.  Nếu kề con số về  “ kéo đầu” hay kéo chân” những hài nhi ra chào đời thi không nhớ là bao nhiêu, Cas học đỡ đẻ đầu ở Từ Dũ vào năm 1957 thì đến nay vị hài nhi năm nay là 48 tuổi ! Nghề đỡ đẻ mới thực là nghề “ Ma Róc” tức là Móc ra”!

Hlc: BS có thể kể vài cas đẻ khó ? cảm tưởng ra sao? giải quyết thế nào? nếu như thành công thì sao và thất bại thì suy nghĩ lúc đó ra sao ?
BS: Nghề Y nói chung được vinh là lúc thành công, mà hổ thẹn là lúc thất bại. Lỗi y mất một mạng người mà. Cũng may là tôi chưa đến nỗi hỗ thẹn với lương tâm vì mình không cố gắng. Nhiều khi mình chẳng giỏi lắm, nhưng nhờ “Phúc chủ lộc thầy thôi”.Thầy thuốc thường tự an ủi là mình “chỉ chữa được bệnh, mà khó chữa được mệnh”. ( Hãi Thượng Lãn Ông từng viết sách luận về Y án: thành công viết Dương án; thất bại viết thành Âm án để tự kiểm điểm)

Hlc: Câu đó của BS làm Lan Chi  nhớ đến câu Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt nên có khi mệnh phải chết nhưng bệnh nhân hứa sẽ cúng hết gia tài cho BS …mở một bệnh viện tư để chữa miễn phí cho người nghèo thì biết đâu Diêm Vương sẽ coi lại Sổ Bộ Đời của họ?
BS: lại nói ốt dột nữa rồi. Cúng hết gia tài rồi lấy gì mà sống? Bắt tui chữa miễn phí thì tui cũng lấy gì mà sống ?
Hlc:  Hì, BS này kỳ nha. Đó là Lan Chi  ‘’dzí dzụ’’ thôi chứ bộ. Thôi bây giờ hỏi cái khác nè, được biết BS cũng có phụ trách về Kế Họach Hóa gia đình, vậy khi giữ nhiệm vụ đó, BS tuổi bao nhiêu và BS có áp dụng kế họach cho mình không? Câu hỏi này riêng tư nhưng Lan Chi  hỏng có ý nghĩ xấu gì với BS đâu à nha!
BS:  Khuyên thân chủ thì theo sách vở, còn với mình thì sách vở quăng đi. Biết cái hại của rượu và cholesterol, nhưng nhậu tì tì với thịt quay một lúc đến vài pounds là ít!

Hlc: hoan hô BS dám nói sự thực, không ngán ai. Vậy kế họach BS bị bể, dư ra đến mấy vị Hoàng Tử Công Chúa vậy? Thực ra so với thời của BS, 4 hay 6 con là bình thường. Vậy BS dư bao nhiêu?

BS: Xin HLC đọc bài thơ “Chơi Đàn bầu” và để thiên hạ đếm thì rõ.
Hlc Dạ vâng,thưa quý thính giả, để Lan Chi  xin đọc bài thơ này nhé. .

Chơi đàn bầu

Đàn bầu gẩy tịch tình tang,
Gẩy ra năm bản xê xàng kém ai!
Đàn bầu tôi gẩy lai rai
Gẩy ra hai chú con trai đầu lòng!
Sơ sịa là 2!)

Vợ tôi chán quá bảo:”Không!
Con trai nghịch quá, khoái bồng gái ngoan”
Tôi bèn gẩy bản Hò khoan
Quả nhiên một gái an toàn chui ra.
( Thêm 1 nữa là 3!)

Bà xã sướng quá bèn la:
“Đúc thêm gái nữa nết na khoe đời!”
Đàn bâù lại gẩy tơi bời
Ai ngờ lạc nhịp tối trời lộn giây.
Chẳng ra gái, lại ra trai!
Bà xã sùng quá , mặt mày tái xanh:
“Thôi thôi! Em bắt đền anh,
Phen này dịp chót, phải lanh tay nghề!”
( Bốn chẵn rồi, Bố ơi!)

Đàn bầu bèn gẩy tỉ tê,
Gẩy mê… đến nỗi xàng xê lộn mèo!
Chuyến này……… … một chú Út tèo
Vợ chồng hoảng quá bèn teo ngón đàn

LÊ VĂN LÂN
Cưng tặng “Bề trên  Ỷ Môn Vọng Nguyệt”
[ Chiết tự chữ Nho thì tên Nhàn là Tựa Cửa ngắm trăng đấy! Té ra “Bề Trên của BS có tên NHÀN! Hoan hô tinh thần tôn kính Bề Trên của BS]

HlC:  Kính thưa quý vị, coi như BS LVL  sơ sơ mới chỉ có 5 thôi,  4 chàng hoàng tử và một công chúa. (Hàm bà lằng  Ựng cô! Xi nàm, dzách nụi). Hì. Coi vậy BS cũng là đạt tiêu chuẩn thời một nghìn chín trăm hồi đó rồi ạ. Còn Lan Chi  là tiêu chuẩn quốc tế bây giờ đó nhe. 1 trai 1 gái là xong, ta rũ nhiệm vụ, đi long nhong. Mai mốt con dâu ngồi bên trái, còn con gái ruợu ở duới chân.
BS:Tại sao vậy?
HLC: thì Lan Chi  áp dụng dâu là con, rể là khách, xí quên- phải sửa lại – gái là khách! Mình phải quý con dâu hơn con gái mới hợp với thời đại mới đó BS ơi.
BS: xem ra cô cũng đổi suy nghĩ nhanh gớm nhỉ! Nhưng có vẻ  không ổn! vì Strawberry by left side thì OK, còn Rể  hay chồng con gái rượu “Alcoholic daughter” thì sitting which side? Và HLC Nhớ đi dâu chớ để con gái lái xe nhé!

HlC: dạ, Kính thưa quý vị , quý vị cũng nên nhớ lời BSLVL dặn, chớ để ‘’alcoholic daughter’’ lái xe ạ.

Kính thưa quý vị vì thời gian có hạn, buổi trò chuyện với Lan Chi  và khách mời hôm nay là BS Lê Văn Lân xin tạm ngừng ở đây. Xin hẹn kỳ tới, chúng ta lại  nghe BS kể tiếp về quãng thời gian BS làm việc ở Ủy ban Quốc Gia về Sọan Thảo và Dịch Thuật , thời gian  đi tù, thòi gian họat động Y tế ở HK và hấp dẫn nhất là vì sao BS thích viết văn, làm thơ ! Một BS khi viết văn thì thường viết về cái gì và đã để cái tâm của một Lương Y trong các bài viết ra sao…

Bs: này cô Lan Chi ? cô làm tôi đổ mồ hôi hột đấy !
Hlc: dạ hỏng dám đâu! Nghe BS kể chuyện xưa, tòan những điều lý thú thì BS chỉ tốn nước miếng còn thính giả mới đổ mồ hôi hột vì hồi hộp chờ xem ..hồi sau sẽ rõ ạ ! Xin phép chào BS và hẹn BS kỳ tới !
Bs:  vâng, chào cô . Chào quý thính giả.
Hlc:  Kính thưa quý vị, chương trình  TRÒ CHUYỆN VỚI LAN CHI đến đây xin tạm ngưng. Lan Chi  xin gửi lời chúc sức khỏe và lời chào tạm biệt

Viết tại Rừng Gió Virginia 2006

Hòang Lan Chi

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.