Tạp Ghi Tháng Giêng

“ Người nợ đoá tường vi yêu kiều từ muôn kiếp trước”!

Đêm đã khuya. Trời Oregon hơi huyễn hoặc với  cây thông đen sẫm. Không lạnh lắm. Tôi chợt nhớ đêm nào Đà Lạt. Cũng thông, cũng se lạnh và niềm vui nho nhỏ. Hôm ấy cả đoàn đến buôn làng. Thịt heo rừng và rượu cần cùng câu chuyện dí dỏm của người chủ “buôn”.. Hôm ấy tôi cảm nhận được một người đàn ông “đẹp” của núi rừng cao nguyên. Khuôn mặt khá đẹp trai với tất cả “đều”. “Đều” từ khuôn mặt, sống mũi, đôi mắt, vành môi. Dáng đẹp. Cao, chân thẳng. Anh ta quấn xà rông và phô một thân hình khoẻ, đỏ của cao nguyên. Việt-Anh-Pháp, anh ta nói đủ ba thứ tiếng. Tôi thầm nghĩ Nguyễn Ngọc Ngạn chưa chắc có duyên bằng. Niềm vui nho nhỏ hôm ấy là anh ta đùa cái gì đó tôi không nhớ và cuối cùng “Tất cả có thể về, để một mình cô này ở lại thôi”! Tôi bất ngờ. Không bất ngờ sao được vì năm đó tôi đã già. Không phải trẻ hay sồn sồn để mỗi khi xuất hiện ở đâu đó thì cũng được chú ý. Nhưng trong phái đoàn trẻ già như thế và anh ta chỉ chú ý mình tôi thì có lẽ mình cũng còn gì đó có vẻ “hay hay” chăng?

Niềm vui nho nhỏ năm nay ở thành phố ngàn thông là tôi thấy mình như sống lại tuổi ngọc ngà của một thuở nào xa lắm. Sống lại không vì hoàn cảnh bên ngoài mà vì bạn hữu khơi kỷ niệm xưa. Nhất là kỷ niệm của thuở tôi mới ra trường. Ngày ấy tôi viết bài báo “Một thuở chuyên viên” để kể về những ngày tôi làm “chuyên viên viết lách” ở Tổng Nha Kế Hoạch. Bây giờ chúng tôi gặp lại chục người trong group “Tổng Nha Kế Hoạch”. Người làm quen tôi đầu tiên ở Tổng Nha Kế Hoạch ngày đó, bây giờ viết cho tôi vài câu như sau:

“Việc Lan Chi đổi tên làm tôi nhớ đến câu thơ của Shakespeare: A rose, by any other names, would smell as sweet. Tặng QG mấy câu:               

 Dù Lan Chi hay Quỳnh Giao
vẫn em đài các thanh cao khác gì
Dù Quỳnh Giao hay Lan Chi
Vẫn là em đoá tường vi yêu kiều

Tôi rất thú vị với những câu thơ của anh. Ngày đó khi tôi ngơ ngác bước chân vào  Tổng Nha Kế Hoạch, anh kể rằng, thấy “cô bé hay hay” và đám nam chuyên viên đố nhau. Anh đến làm quen và thắng chầu cà phê. Cô bé “hay hay” ngày xưa ấy là Quỳnh Giao. Mấy chục năm sau gặp ở net thì Quỳnh Giao thuở trước là Hoàng Lan Chi thuở này.

Cũng đêm khuya Portland. Tôi gửi mail cho người có nick name “nợ em từ muôn kiếp trước” để “hành” anh! Đồng thời kể cho anh nghe về nhóm bạn cũ kế hoạch ngày xưa, về bốn câu thơ “đáng yêu”.

Người có nick name “nợ em từ muôn kiếp trước” sau khi làm xong việc tôi nhờ vả, anh ký tên “Người nợ ‘đoá tường vi yêu kiều’ từ muôn kiếp trước”! Tôi bật cười. Anh lấy ngay câu thơ của anh bạn kế hoạch để thêm vào nick name của anh thật “duyên dáng”. Cũng khéo “nịnh” nhỉ! “Nịnh” để tôi vui thôi chứ tôi “hành” anh nhiều hơn trong tình bằng hữu. Vì thế anh mới có nick “Nợ em từ muôn kiếp trước”. Anh nhắc tôi Portland là  thành phố hoa hồng nhưng tôi cứ thích gọi là “thành phố ngàn thông”. Vì đông sang, hồng không thấy chỉ thấy ngàn thông còn xanh ngắt. Từ vuông cửa sổ là thông. Từ đường đến sở là thông. Thông của Nguyễn Công Trứ. Sừng sững, thách đố cùng giá rét. Thông có vẻ không già, thông trường tồn vĩnh cửu? Tôi mong anh “nợ tôi từ muôn kiếp trước, thêm kiếp này và cả… kiếp sau!”

Tình Mất

Một bạn cũ gửi cho tôi “Tình Mất” của Huy Cận.

Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận,
Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,
Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,
Chắc ta đã yêu nhau rồi, – hẳn chứ..
Một lời nói nếu có gan ướm thử;
Một bàn tay đừng lưỡng lự trao thơ;
Một lúc nhìn thêm, đôi lúc tình cờ,
Chắc có lẽ đã làm nên luyến ái…

Yêu biết mấy nếu có lần gặp lại!
Tôi vụng về, tôi ngơ ngác, nên chi
Người bên tôi mà để người đi,
Tôi làm nũng, quyết giữ lòng kiêu hãnh;
Người ở đó, tôi làm như ghẻ lạnh;
Người đi rồi, thôi mong mỏi gì đâu!
Những bàn tay đáng lẽ phải giao nhau,
Hờ hững thế! Không chịu cầm lưu luyến.
Ôi! Những kẻ cùng tôi không hứa hẹn!
Người không quen nhưng tôi chắc sẽ yêu;
Mặt vừa nhìn mà chân đã muốn theo;
Tình mới chép một hai dòng nhật ký;
Tên viết tắt, tin rằng lòng nhớ kỹ
Bạn một hôm đi đến rất tình cờ;
Tình quên đi ở trong những bức thơ
Viết không gửi, xếp nằm trong  sách cũ;
Ôi! Bao kẻ chỉ một lần  gặp gỡ!
Bởi vì sao lòng tôi rất thương đau
Khi nghĩ thầm: “nếu ta đã gần nhau!…”
(Huy Cận)

Đêm khuya. Cũng đêm khuya, dường như về khuya, tâm tình dễ dàn trải hơn? Tôi đọc cho chị bạn nghe. Chị nói tôi fw sang cho chị. “Tình Mất”, hình thức không tuyệt lắm nhưng nội dung thì quả là đúng. Có những người mà tôi nghĩ “gặp nhau quá muộn trong đời”. Khi gặp gỡ, có thể một người đang ràng buộc và mối ràng buộc đó còn keo sơn, giao tình mới thì ngắn ngủi nên đường đời đành đôi ngả. nhưng tôi cũng nhớ hai câu đâu đó:

Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới
Áo không mầu nên áo chẳng hề phai.

Và như thế phải chăng cũng chẳng cần tiếc nuối những “tình mất” trong suốt cuộc đời? “Tình mất” và kỷ niệm còn đọng. Chỉ kỷ niệm không thôi cũng đủ đầy tim.

Trời đang sáng. Buổi sáng tinh mơ, bầu trời thật trong và xanh. Nhưng chỉ khoảnh khắc thôi, thời gian trôi và mầu xám bao phủ. Một cư dân Chu Văn An từ “thành phố hoa đào” của xứ tình nhân (Virginia) viết cho tôi: “Virginia với bốn mùa, phong cảnh hữu tình mà có người bỏ đi thật uổng”. Tôi đâu bỏ đi. Chỉ là tạm biệt. Ngàn thông không réo gọi nhưng ngàn thông xô kỷ niệm lũ lượt tràn về vì trời Portland sầu thảm quá. Trong vẻ sầu của đất trời, kỷ niệm nhỏ dễ khơi nguồn trỗi dậy.

@ Tôi nhớ con đường Phùng Khắc Khoan mà tôi đặt tên là “Con đường mùa đông”. Hai hàng me cao, lá xanh ngắt và hơi se lạnh mỗi khi vào đây. Anh đến nhà đón và đưa tôi đến trường chỉ một đường này. Ngày đó anh đã có “bồ” nhưng anh vẫn chiều tôi. Và tôi nhớ một lần trong giảng đường nhỏ, tôi vào giờ của anh. Đang giảng bài bất chợt thấy “con bé” ở cuối lớp, anh lúng túng và ngôn ngữ có phần hơi “lộn xộn”. Lúc đó tôi thú vị lắm vì thấy mình cũng “oai oai” khi khiến người lúng túng!

@ Tôi nhớ áo len xanh mầu nõn chuối dù Sài Gòn không lạnh giá đã làm anh ngẩn ngơ. Chậu “Dao” trước văn phòng anh trơ trọi và thiếu Quỳnh. Mười lăm năm trước lần đầu gặp gỡ, anh như bị lôi cuốn và chỉ chăm chăm nhìn một mình “cô nhỏ” trong bốn cô đang ngồi cùng nhau một băng ghế. Nhưng anh đã có vợ. Khi gặp lại, tôi không ràng buộc và anh thì đang xa. Chút tình từ anh- “tưởng là tình mất” nhưng nối lại và quá mong manh. Khi từ giã Sài Gòn tôi gặp anh một chút. Bốn năm sau, từ xứ người tôi gọi về. Chỉ vỏn vẹn “Em đây”và anh đã nhận ra ngay. Cũng thú vị phải không khi tiếng nói mình đã nằm sâu trong tâm khảm một người!

@ Tôi nhớ Nhà Thờ Đức Bà một ngày xưa đã đón hai người ngoại đạo. Hôm ấy Sài Gòn mưa bụi. Mưa Sài Gòn hay tầm tã nhưng ngày ấy trời tháng tám và mưa thì lất phất. Anh rủ tôi đi mưa. Dáng cao lớn và vòng tay che chở nâng đỡ mỗi vũng mưa nhỏ. Quỳ trong Nhà Thờ, tôi chả biết cầu gì vì anh đang có “bồ” và tôi thì cũng chỉ mới quen. Nhưng chút kỷ niệm nhỏ nhoi ấy đọng trong tôi có lẽ vì tâm hồn lãng mạn thích thơ văn và hay nghĩ ngợi chăng?

@ Tôi nhớ tối Sài Gòn khuya lơ khuya lắc. Em- không thể là anh- dù tôi gọi là “anh” sang nhà tôi. “Có phiền không?”. Em hỏi thế và tôi thì chẳng biết trả lời sao! Khuya thì hẳn là phiền nhưng với Em, sao lại phiền được khi Tôi và Em mỗi khi gặp là trò chuyện như pháo mùa xuân. Rồi một tối khác, đường Sài Gòn với ngọn xanh ngọn đỏ. Em và tôi – sau những ngọn xanh ngọn đỏ ấy, trú mái hiên nhà với giàn nho thật thơ mộng. dễ dầu gì nhìn được giàn nho ở Sài Gòn phải không. Lúc trở về, em cười nho nhỏ. Tôi hỏi và em “Ngồi xa thế, có bắt cóc mất đâu mà sợ!”. Nếp “con nhà giáo” thuở đó còn đậm lắm và tôi không dám nhận tình em.

Để bây giờ, là chút tiếc nuối cho những tình mất!

Giấc Mơ và “Người tình Chu Văn An”!

Có những giấc mơ thật lạ kỳ. Ví như trong mơ ta là người tình của một người ta rất ghét! Tôi đã mơ như thế và khi tỉnh dậy tôi bật cười. Nếu “người tôi ghét” biết rằng tôi vừa mơ thấy “hắn ta” rất gần tôi, kề bên tôi và vừa “thủ thỉ” với tôi ,chả hiểu “hắn” nghĩ gì? Có bao giờ ngược lại với tôi như thế không nhỉ! Tôi không ghét những giấc mơ ấy,  có vẻ nó sẽ làm tôi “dễ thương” hơn vì dường như sau giấc mơ, tôi sẽ bớt ghét người ta! Bớt ghét một người, thương thêm một người là hạnh phúc mà phải không!

Một cư dân Chu Văn An vừa khiến tôi “vui vui”. Mấy năm trước anh làm tôi bực mình vì một chuyện gì đó. Cách đây không lâu anh mail nhờ tôi viết bài. Viết xong thì tôi hơi nghi ngờ vì cái tên qua e-mail của anh. Tôi hỏi anh có phải là người ấy không! Cái giọng “láu cá” của dân Chu văn An trả lời tôi như sau “Trùng tên và người là chuyện thường. Nhưng ca dao có câu ‘Ta với người tuy hai mà một, người  với ta tuy một mà hai’”. Đương nhiên, Cô “Bắc Kỳ chín nút” là tôi phải hiểu anh là ai rồi. Tôi xí xoá chuyện cũ chứ vì bao giờ tôi cũng ưu tiên cho “Những người tình Chu văn An” của tôi cơ mà. Danh sách “Những người tình Chu Văn An” của tôi cứ dài theo năm tháng nhưng xin đừng hỏi gì thêm vì “bí mật”!

Thành phố ngàn thông 2010

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.