Tạp Ghi Tháng Ba: “Tạm Biệt Thành Phố Ngàn Thông”

Bây giờ là tháng Ba. Oregon đang cuối đông nhưng hoa đã nở từ tháng trước. Rợp trời hoa mầu hồng và bây giờ những con đường ngập xác hoa tựa xác pháo thật đẹp. Mới ngày nào tôi không yêu Portland vì mưa dầm dề với bầu trời xám xịt thì nay cảm tình chớm gia tăng với ngàn thông còn vi vu và hoa đang tô thắm.

Những ngày nắng hiếm hoi làm Portland đẹp hơn và được cư dân Portland đón chào nhiều hơn. Hồng Khắc Kim Mai từ Dallas về thăm lời chốn xưa Portland , đón tôi đến nhà chị Sương Lam và thủ thỉ, sau này Mai sẽ trở về Portland . Thế mà người phương xa là tôi thì không thích tí nào. Tôi vẫn nhớ Virginia với hoa đào rực rỡ nghiêng mình bên dòng Potomac , nhớ mùa thu diễm lệ với những con đường quanh co lên đồi xuông dốc, mùa đông với hoa tuyết trắng phau.

Tôi lên đây mang tiếng là đi chơi nhưng thực ra học và làm nhiều hơn. Tôi học về nghề thuế. Nói cho vui chứ tôi không đi sâu mà chỉ là những râu ria. Tôi tiếp khách, chỉ cho họ điền đơn, tôi biết khai form W7 để xin số Itin number cho những người ăn theo (điển hình là xin cho con cái người Mễ), khai form 8862…Tôi biết cả việc trả lời khách hàng khi họ muốn biết tiền “federal refund” và cả “state refund” của họ khi nào về, không về vì sao. Tôi cũng biết cả vụ lên net lấy form 1099,  tiền thất nghiệp cho khách hàng. Tôi biết cả việc giúp khách hàng gửi các thông tin về những người phụ thuộc khi tiểu bang “request”. Ối chao, tôi học được nhiều đó chứ nhỉ? Chưa kể, ngày mới tập làm form 1099, phải ngồi nơi yên tĩnh vì hay lộn, sau này vừa tiếp khách vừa làm form 1099 nhanh như gió!

Tôi thích học nên biết thêm cái gì mới cũng thú vị cả. Duy có điều, tôi là người hay thắc mắc mà ông chủ ở đây đã yêu cầu “Trong mùa thuế, miễn thắc mắc. Muốn lật đổ bạo quyền thì phải chờ hết mùa thuế!” Ý anh ta ám chỉ muốn cải tiến cái gì thì chờ hết mùa thuế! Gần hết mùa thuế, tôi có nhận xét sau đây: khách hàng Mỹ và Mễ dễ thương nhất! Còn khách hàng Việt khó thương nhất!
Buồn cười, có lần một ông già Việt cằn nhằn là sao khách cũ cũng phải viết đơn nhiều, tôi rất bực mình vì cái vẻ mặt và cả giọng nói cùng thái độ ông ta nên tôi nghiêm giọng: “Thưa ông, vì là khách cũ nên chúng tôi chỉ xin Tên mà không cần Họ, chỉ xin số nhà mà không cần Đường…Chúng tôi có lý do để xin như vậy vì ….Thưa ông, tôi giải thích như vậy đã đủ với ông chưa?” Trời ơi, cô chủ đứng gần đó phì cười “Chị nói giống radio quá”! Thì phỏng vấn là “nghề của nàng” mà lị nên lắm khi nói năng giống như đang phỏng vấn!

Một cậu em cho tôi đi chơi vài nơi của Portland cũng rất thú vị. Thác nước khá đẹp nhưng tôi thích nhất khi đi xem Nhà Máy Thuỷ Điện bên giòng Columbia. Xem được loài cá nhỏ mà cậu em giải thích rằng cá được nuôi vì ăn rong rêu của hồ nước nên không cần người nhái xuống chà rửa như xưa kia. Khi chúng lớn, do tính thích bơi ngược dòng nên đã bị loài người “xí gạt” xả ống hồ lùa cá ra ngoài. Xuôi dòng, cá là thực phẩm để nuôi cá Stergeon. Loài Stergeon thịt ngon, chiều dài gần bằng chiều cao của hai người lớn cộng lại. Đến mùa cá đủ lớn, chính phủ chỉ cho phép mỗi người được câu một con. Ngoài ra, cậu em còn cho tôi đến Exit 25. Vào đây vào mùa hè, du khách đóng tiền ở cổng và có một bãi tắm “thiên nhiên” (thoát y trăm phần trăm). Nhưng thú vị nhất là men theo triền dốc lên đồi cao để ngắm nhà và từ đó nhìn xuống thành phố, thung lũng. Tiếc là lễ hội hoa hồng vào tháng Sáu nên tôi không dự được.

Trước khi về lại Virginia tôi gọi cho người bạn, tác giả một bài viết về âm nhạc. Tôi hỏi anh về hiện tượng DVD ca sĩ Ngọc Lan đang được TV, báo chí nhắc tới, khen ngợi, nhắc nhở (như là một tình yêu vô tận… sau chín năm-xa vắng!).Tôi cũng yêu Ngọc Lan. Giọng hát Ngọc Lan khá đặc biệt. Nhẹ nhàng nhưng không mang dáng học trò như Thanh Lan. Nghe giọng hát là liên tưởng đến một yểu điệu thục nữ (như My Fair Lady?). Ngọt ngào nhưng không âm hưởng “cải lương”. Nói chuyện với anh về tình bạn trong sáng giữa Ngọc Lan-và đạo diễn Trần Thăng, tôi hỏi anh “Thế sao  làng ca nhac tại hải ngoại mình, không có những trường hợp tạo sự nghiệp như thế với ca sĩ khác?” “Những người  khác chỉ có thể hy sinh cho đi vài mươi phần trăm thôi. Tỷ lệ phần trăm này là dựa trên hoàn cảnh cả bên cho lẫn bên nhận. !”.Ý anh là với tình bạn từ xưa giữa Trần Thăng-Ngọc Lan và cả những yếu tố không gian, thời gian thích hợp, Đạo diễn Trần Thăng đã tạo dựng tên tuổi cho Ngọc Lan. Với thuận lợi sẵn có, Trần Thăng đã bắc một chiếc thang cao, dành cho Ngọc Lan trèo lên và sự thành tựu đến cả trăm phần trăm! Trần Thăng đã khôn khéo lựa chọn cho Ngọc Lan xuất hiện qua các giai điệu trữ tình mượt mà  của những nhạc phẩm ngoại quốc đã quen thuộc với giới thưởng ngoạn như Bang bang, Mourrir sur scene…..Tự thân nhạc phẩm đã hay, qua giọng hát “lụa Hà Đông” của Ngọc Lan thì đương nhiên sác xuất thành công sẽ lớn. Celine Dion cũng qua bàn tay của người đạo diễn mà thành danh, thì Ngọc Lan bước lên đỉnh danh vọng cũng từ Trần Thăng. Anh bảo tôi “ Người ta hỏi sao bây giờ Trần Thăng mới làm DVD cho Ngọc Lan thì Trần Thăng trả lời một câu rất hay!” “Câu gì?” “Tôi chơi với Ngọc Lan rất thân và không hề nghĩ là Lan đã ra đi. Nên với tôi, chín năm mà ngỡ như mới hôm qua!”. Tôi mỉm cười. Ừ thì hay. Tôi dự định sẽ mua DVD này và sẽ viết cảm nhận của tôi. Như một món quà nhỏ cho người có giọng hát “lụa Hà Đông”! Như một sẻ chia với người đạo diễn vẫn ngẩn ngơ trước mất mát vô cùng.

Những ngày tháng ở thành phố ngàn thông không làm tâm hồn tôi vi vu như thông. Tôi không viết được bài gì về “văn học nghệ thuật”. Đúng hơn là âm nhạc, lãnh vực mà tôi thường thích thú. Tôi viết cho Phạm Anh Dũng rằng “Không có Lan Chi ‘leader’ thì sáng tác mới cứ lình bình!”. Vâng, năm ngoái tôi “leader” cái Sáng Tác Mới và hoạch định kế hoạch hẳn hòi. Khi tôi từ giã, Sáng Tác Mới lại rơi vào tình trạng cũ! Trong con người tôi đang tồn tại hai tính cách có vẻ hơi tương phản nhau. Nôm na là mấy vị ca nhạc sĩ hay nói rằng “Tôi không dính vào chính trị” để biện minh cho thái độ của họ. Và tôi, một mặt hoạt động về âm nhạc, (cứ coi như …không dính chính trị!) một mặt viết bài về cộng đồng! Thực ra, chỉ sau khi  từ giã Đài Việt Nam Hải Ngoại, chứng kiến nhiều việc, tôi mới bày tỏ cảm nghĩ của mình trước lằn ranh quốc cộng. Sự việc đẩy đưa, nhóm người giao du với VC lại ngang ngược vu người kia là thi hành nghị quyết 36, cộng thêm một vài người khác ở cộng đồng thì bao che và tôi mới phải tiếp tục viết! Sau này, thì giờ dành cho chính trị nhiều hơn và tôi không viết được gì cho âm nhạc.
Hy vọng tạm biệt ngàn thông về Virginia ngắm hoa đào Potomac, tôi sẽ có cảm hứng để viết về một dòng nhạc mới nào đó. Hay về “lụa Hà Đông” đã ra đi nhưng tình cảm cho Nàng vẫn ngút ngàn. Như thông ngàn đời xanh ngắt cùng trời cao

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.