Khen Thế Nào Cho Vừa

Ai cũng thích khen cả và sách “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie đã khuyên “Con người  thèm khát lời khen, vậy hãy tặng cho họ nhưng nên tặng đúng”.

Tôi nhớ một câu danh ngôn Pháp “Kẻ chê ta đúng là thầy ta, kẻ khen ta sai là kẻ thù của ta”. Ngẫm nghĩ lại thấy rất đúng, chê đúng chỉ là bạn nhưng khen sai thì đúng là kẻ thù!Hôm nay tôi xin bàn đôi chút về vấn đề Khen thế nào cho đúng/vừa.  Mong nhận thêm ý kiến từ thân hữu. Đây không phải là một bài tham luận, cũng không phải bài phê bình. Chỉ là nhận xét và nêu ý kiến cá nhân. Vì thế cần được bổ túc thêm ý kiến nhiều người để có thể hoàn chỉnh hơn.

Tôi xin giới hạn vấn đề  trong phạm vi “internet”. Kể từ khi internet phát triển, thì net đã tạo thuận lợi cho nhiều người được viết. Trước kia, viết và được đăng báo để chia sẻ là điều khó khăn. Bây giờ tha hồ viết và từ đó nảy ra vấn đề “áo thụng vái nhau” trên diễn đàn ảo ngày một nhiều. Song song “Áo thụng vái nhau” là “gươm súng đọ nhau”.

Tôi không đi sâu vào việc một netter đã lấy nhiều tên để làm cái việc buồn cười sau đây: tự fw bài mình, tự khen mình, tự đem bài mình vào kho, tự chấm điểm cao (ở vài web, cho chấm điểm)…Tôi chú trọng vào việc có những lời khen xuất phát từ người thực.

Một người đọc một bài văn/thơ và thấy xúc động, hạp ý mình thì khen là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là khen ra sao? Tôi quan sát và đã thấy hiện tượng sau đây xảy ra:

Một người làm thơ/viết văn và được nhiều người thích. Những người thích này nếu khen đúng mức thì không sao nhưng khổ nỗi, người khen đã phóng tay quá đà nghĩa là khen quá lố. Họ dùng những lời xưng tụng hết sức “đao to búa lớn” như vần thơ/văn  tuyệt tác, vô tiền khoáng hậu, tự cổ chí kim …Thế là vài người thấy ngứa mắt bèn “choảng”! Điển hình cách đây không lâu, tôi chứng kiến một vụ ở net: một bài thơ đường luật của netter A vì “bị khen” và “bị repost” bởi người ái mộ mà cuối cùng đâm ra hại tác giả. Một netter B,  “có lẽ” tự cho là mình “giỏi” thơ đường luật,  đã vạch những cái mà netter này cho là lỗi thơ đường trong tác phẩm của A ! Như thế trong trường hợp này, vì yêu quá mà thành hại nhau.

Vì thế khi khen nên khen đúng và đừng thêm cái mà tôi gọi đùa là cho quá nhiều “đường phèn” ! Thiển ý cá nhân tôi là có thể viết như sau “Cá nhân tôi rất thích bài văn/thơ này vì đã nói hộ tâm trạng của tôi” hay “Tôi thích câu viết /câu thơ này vì với tôi rất hay:..” hay “ bài thơ giản dị mà cảm động quá. Đọc dòng chữ sau, tôi thấy nao nao…”

Đó, khen như thế vừa làm vui lòng tác giả vừa không làm “ngứa mắt” người khác với những ngôn ngữ xưng tụng đại khái như “Thơ tuyệt tác. Văn vô tiền hán. Viết thật không ai viết bằng!!!”

Về phía người khen thì có những nguyên nhân nào? Ngoài nguyên nhân là bài văn/thơ đó hạp ý mình, còn có những vị có ý thích là kết bạn thêm bè bằng cách khen tưới sượi. Bài nào cũng được khen một cách thái quá, chỉ cố để làm tác giả được thích/vui và sẽ yêu mến mình. Tôi không biết suy nghĩ của các tác giả khác ra sao, cá nhân tôi rất kị những người “khen đãi bôi”như thế.

Làm sao biết được là “khen đãi bôi”? Thiển ý tôi là tự mình nhận xét và thấy bài mình viết cũng vừa phải nhưng họ “hót lên tận mây xanh”, hay họ dùng những danh từ “đao to búa lớn” như “anh là người rất anh hùng, chị là người rất anh thư” thì đó là những lời khen “đãi bôi”. Tuy vậy nếu tôi viết như trên sẽ có vị bắt bẻ “Nhưng chính tôi cũng tự thấy thơ/văn của tôi vô tiền khoáng hậu và người ta khen tôi là đúng kia mà?”. Trong trường hợp này, tôi xin miễn có ý kiến!

Tôi còn nhớ ở một diễn đàn kia, cách đây khoảng ba năm, có một netter rất thích khen người khác. Có khi netter A này khen đúng, có khi thái quá. Nhưng tóm lại netter A này đã “show” cho mọi người thấy chị là một người hiền/ngoan/dịu dàng/dễ mến/được cảm tình của mọi người. Nhưng rồi một ngày không đẹp trời, một netter B khác đã mô tả chị như là “Một nhà sản xuất đường” ! Netter B  viết khá “nặng” nhưng tôi thú vị vì ngôn ngữ chanh chua và cả dí dỏm khi B  tả “ …thời gian đầu, chỉ sản xuất đường mía. Càng về sau càng phát đạt, cô sản xuất thêm đường phèn, mật ong…”! Bài viết khá dài với lối viết châm chích rất hay, tiếc là tôi không lưu trữ. Tôi cảm thấy thú vị vì cá nhân tôi kị những người khen vô tội vạ người khác như thế.

Khen quá lố làm hại người mình ái mộ mà khen sai lại càng hại hơn. Tôi xin chứng minh, một anh A viết văn và văn anh cũng bình thường. Giá như bạn hữu không hại anh nghĩa là không xưng tụng anh thái quá thì anh sẽ viết càng ngày càng hay hơn. Khổ nỗi, có những người thích cho người khác lên mây xanh hoặc có ý đồ gì đó nên bất cứ bài viết nào cũng khen tưới sượi hột sen! Vì khen như thế nên những netters còn lại, với lòng tự trọng, họ cũng đành làm lơ không có ý kiến dù thâm tậm họ có thể chỉ ra những khuyết điểm của bài viết. Lâu ngày chầy tháng, A ngủ quên trên đỉnh danh vọng hão, cứ ngỡ mình viết văn là số một, không ai hơn và kiêu căng tự đắc. Cho đến một ngày, đụng chuyện, anh A theo mửng cũ là “áp đảo” người khác bằng lối viết văn “hổ lốn/đống bùi nhùi” của mình mà anh ngỡ là văn vô tiền Hán! Xui xẻo cho anh, “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, thế là vị “cao nhân hơn anh kia” đã viết một bài phân tích đầy đủ những lỗi hình thức cũng như nôi dung của bài anh A. Kết luận, nếu không có những lời khen sai tức khen quá lố, khen bừa từ bạn hữu, chắc chắn không bao giờ anh A rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” như thế! Đó chỉ là một ví dụ của việc khen sai đưa đến hậu quả xấu và vì thế danh ngôn mới phán “Kẻ khen ta sai là kẻ thù của ta” vậy!

Viết tại thành phố “cổ” Montreal

Hoàng Lan Chi

2010

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.