Một Chặng Đường Thơ

Tôi yêu thơ, điều đó có. Yêu nhiều không. Câu trả lời là ngày xưa nhiều hơn bây giờ.
Thì thuở học trò ai chả yêu thơ. Thơ nói hộ tâm sự kia mà. Ai cũng tập tễnh làm thơ nhưng thơ có hay, có sống mãi không và người đó sẽ là thi sĩ hay không lại là chuyện khác.

Tôi yêu thơ nên cũng tập tễnh thơ nhưng ôm mộng làm thi sĩ thì không bao giờ. Ngày nay tôi vẫn “chế diễu” khi mượn những câu sau đây để nói về “người làm thơ”:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để tâm hồn treo ngược ở cành cây..

Tôi lý luận rằng đã “để tâm hồn treo ngược ở cành cây” thì thi sĩ có nhìn cái gì đúng đắn bao giờ!

Tôi làm thơ từ bao giờ không nhớ. Thuở lên năm lên ba chăng?Có lẽ vậy. Hồi đó mới di cư vào nam. Cha mẹ thuê một căn nhà nhỏ. Nhà vách ván và tôi còn nhớ …báo dán đầy ở vách. Không nhớ nổi tại sao và ai dán. Chỉ biết ra vào đọc bài thơ trên báo dán tường, tôi đã viết một bài thơ hết sức “bất hủ” như sau:

Một mùa thu
Bán cái lu
Được đồng xu
Thích bỏ bu!

Sau này một ông cậu của tôi đã chọc ghẹo tôi như sau:

Anh yêu em yêu từ đầu đến gót
Yêu đôi môi đỏ chót
Yêu cái đầu cao vót…
Yêu đôi giày cao gót

Thế nhưng lạ, đến năm 1963, khi đứng từ lầu một của dãy lớp đệ tứ nhìn xuống sân trường Gia Long, tôi bỗng viết những bài thơ tương đối có vần điệu. Lúc đó những ngày sôi động vụ Phật Giáo và lính dù được lệnh giữ sân trường không cho nữ sinh bạo loạn.

Và tôi viết. Đó chỉ là những tưởng tượng từ một cô em Gia Long gửi người chị Trưng Vương. Từ uớc mơ đầu đời của cô nữ sinh mười bốn tuổi: đi làm lịch sử!

Em sẽ sang thăm chị
Trường Trưng Vương vào một buổi chiều phai nắng
Em sẽ tìm chị trong những tà áo trắng
Rồi chúng ta sẽ bỏ đi thật xa
Dù chúng ta chỉ là con gái
Cứu quê hương cứu cả giống nòi …

Tôi chỉ còn nhớ bấy nhiêu. Và sau đó là bài “Đất Mẹ”. Thơ tám chữ:

Vượt trùng dương con đã trở về đây
Tìm đất mẹ mà con hằng yêu dấu
Quê hương ơi xứ dân nghèo có thấu
Nơi phương trời em gái vẫn chờ mong
Vẫn còn đây mầu áo trắng Gia Long
Mầu nhung nhớ trong nỗi buồn trẻ dại …
Đất mẹ ơi con về không ái ngại
Lối đường xưa lại in bước  chân con
Con sẽ đi trên khắp nẻo đường mòn
Nghe hơi mẹ vang lên từng nhịp thở
Nghe đất lành cuộn phù sa mầu mỡ
Nghe tin yêu dâng rộn rịp lòng dân..

Đó cũng là bài thơ tưởng tượng tâm sự của một người xa xứ! Thế nào cũng phải “khoèo” áo trắng Gia Long vào đó. Bài thơ này năm 2000, khi tôi gửi vào một web trong nước, mấy cô cậu trẻ thắc mắc với Sài Gòn bà bà (biệt danh họ đặt cho tôi) làm tôi nổi cáu lên. Họ nói SGBB đi đâu mà nói là về quê mẹ v.v.

Là thi sĩ nghĩa là chuyện tưởng tượng
Chuyện của ai …rồi đem buộc vào mình!

Là thế đấy. Thuở mười bốn tôi không làm thơ tình. Tôi viết thơ quê hương.

Thời sinh viên, tôi cũng viết một số bài và chịu thua không nhớ được. Vì đó là thơ tình. Và đương nhiên tình tưởng tượng! Trong lãnh vực văn chương, có lẽ tôi  gặp may. Ai có thể “khắc khoải” chờ thơ hay văn của mình được đăng báo để “sướng rên mé đìu hiu” còn tôi thì không. Vì không coi trọng mộng thi sĩ nên (phải thú thật mộng của tôi là bác sĩ kia!) nên báo đăng hay không tôi không quan tâm. Nhưng thơ và cả truyện của tôi đều được đăng dễ dàng. Tôi còn nhớ Tô Kiều Ngân hồi đó phụ trách cho trang Thơ của tờ báo tôi đã quên tên và tôi gửi thơ ký tên Tô Kiều Nga! Tất cả chỉ vì tôi thích tiếng sáo của TKN! Viết đến đây lại nhớ một cư dân CVA. Anh phổ thơ tôi nhưng cái điều làm tôi thích lại là tiếng huýt sáo khi anh hát. Nó gợi cho tôi nhớ thuở học trò!

Thơ tôi ngày đó đăng báo và cũng có người hoạ. Báo cũng đăng bài hoạ đó. Tôi không sợ bố mẹ la vì bút hiệu, bố mẹ làm sao mà biết được! Thậm chí cả truyện tình tưởng tượng đăng lia chia mà các cụ không khám phá ra được vì tôi ký cả chục bút hiệu. Tất cả chỉ nhằm một mục đích rất thực tế: lãnh tiền nhuận bút để ăn quà vặt! Tôi nhớ trong một tuỳ bút trước đây tôi đã kể về chuyện này và còn “tri ân” nhà văn Thanh Nam mãi vì ông đã chọn đăng bài của tôi liên tục với nhiều bút hiệu khác nhau! Hơn ai hết, ông biết rõ cùng một người. Dễ hiểu quá, ngày đó viết tay nên chỉ một kiểu chữ và ….bài được viết trên những tờ giấy “pelure” đủ mầu: xanh nhạt, hồng phấn, vàng mơ! Kiểu chữ của tôi cũng rất dễ nhớ: không đẹp nhưng rõ ràng và đặc biệt “tròn vo” y như chủ nó và chữ này cách chữ kia cả thước! (Mẹ tôi vẫn bảo rằng tôi là đứa xài hoang!).

Sau 75 mọi cái đảo lộn, mọi cái thê thảm buốt giá chứ không còn “buồn nhiều hơn vui” nữa. Tôi không viết cái gì dù thơ hay văn. Năm 2002 gì đó, hoài niệm dĩ vãng tôi viết “Tóc Thề”. Trong tôi hình ảnh một cô gái tóc thề luôn thấp thoáng. Thời xưa thuở chúng tôi, con gái hay để tóc ngang vai hay quá môt chút và được gọi là “Tóc Thề”. Vì sao có tên gọi ấy, tôi không biết. Nhưng áo trắng học trò với  tóc thề ngang vai là một hình ảnh đẹp thánh thiện không chỉ riêng tôi mà còn cho cả giới nam sinh thời đó.

Nhưng “Tóc Thề” mà tôi viết là một nỗi buồn thê lương khi tôi tưởng tượng (lại tưởng tượng) một cô gái sau 75 đã phải “đi vội vã” để bương chải kiếm sống. Có lẽ vào thời điểm ấy, tôi nhớ lại mình sau 75.

EM ĐI ĐÂU MÀ VỘI TÓC THỀ ƠI

Em đi đâu mà vội
Nắng đã xếp hàng chưa
Tóc còn bờ vai xõa
Cho một lời hẹn xưa

Em đi đâu mà vội
Tóc thề dấu ở đâu
Sao chỉ còn vành nón
Nghiêng nghiêng trên mái đầu

Em đi dâu mà vội
Guốc mộc rộn ràng vang
Áo lụa vàng hớn hở
Tóc thề nào xốn xang

Em đi đâu mà vội
Gió còn ngủ trên cây
Cho tóc thề hờn dỗi
Nằm xõa trên vai gầy

Em đi đâu mà vội
Thơ hồng chưa viết xong
Tóc thề sao vội cắt
Chút tình này long đong

Em đi đâu mà vội
Mà vội
Tóc thề ơi

Hoàng Lan Chi

Tôi không nhớ vì sao người bạn khá dễ thương hiền lành của tôi là nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã  phổ bài thơ ấy.

Xuân Thanh đã hát bài này:

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/TocThe-PAD.mp3
Sau đó vài nhạc sĩ khác cũng phổ. Giai điệu vui là của Lại Tích Phúc, ông anh họ tôi:

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/TocThe-LTP.mp3
Những bài kia là của nhạc sĩ Đỗ Quân, Hàn Sĩ Nguyên.

Là thế đấy. Tôi luôn tưởng tượng khi làm thơ và thường là tôi –đóng vai trò người đàn ông.
Còn nhớ, Minh Đăng từ Ottawa đã viết hoạ theo “Tóc Thề” và anh có những câu mà tôi ví von “buồn hơn kiến cắn” như

…Long đong từ dạo bước sang sông,
Mộng ước trôi theo cánh thiệp hồng.
Mái tóc thề xưa đành cắt vội,
Trên cây gió ngủ cũng nao lòng.

Tóc thề em vội tính đi đâu
Dù vội hay không cũng mất nhaụ
Cách trở sơn khê  rồi tử biệt,
Cõi riêng giăng kín một khung sầụ..

Khi viết hẳn là Minh Đăng tưởng tượng đến tôi với những nỗi gian truân, long đong được tôi trải dàn trên trang giấy…Tôi thích câu “Dù vội hay không cũng mất nhau” và “ Cõi riêng giăng kín một khung sầu” Cõi riêng là một đoản văn nhỏ tôi viết lúc bấy giờ về “những vùng rất riêng của tâm hồn tôi”.

Bài thơ “Xin em” cũng là tưởng tuợng mang tâm sự người nam gửi cô gái và “tóc thề” lại được nhắc:

..Xin khép nhẹ cho ta hôn vầng trán
Của tóc thề đang hong nắng cuối đông
Em an giấc mộng cầm chiều tắt nắng
Nửa hồn ta xin làm lá diêu bông!

(trích Xin Em)

Bài thơ duy nhất không tưởng tượng là “Thơ Cho Con Gái”. Rất buồn. Nhưng là sự thực trong đó. Là nỗi lòng người mẹ xa con và nhớ con khi mùa xuân sắp đến. Là tâm sự ngày qua khi người mẹ trẻ phải dữ đòn vì vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ. Tôi còn nhớ anh Nguyễn Trọng Dzũng đã viết cho tôi “ Qg ơi, tôi thích cái câu Lá uớc chồi non đơm bông trái, thì này thân lá sẵn sàng buông”. Vâng, tôi cũng thích câu ấy vì khi con trưởng thành và tự lập thì là lúc chúng ta có thể an nghỉ!

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.