Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích- Hương Bồ Kết

 

  • Trò Chuyện Với Nhà Văn Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

LTS: Nhà Văn Hạo Nhiên không xa lạ với độc giả Mạch Sống. Chuyện kể về những ngày tháng tù đày trong nhà lao cộng sản được trích đăng thường xuyên. Mời quý độc giả xem buổi trò chuyện của cô Hoàng Lan Chi, Chủ Bút Nguyệt San Mạch Sống với nhà văn Hạo Nhiên

Lan Chi: thưa nhà văn, tuổi đời gần “thất thập” nhưng sức thì không thất thập tí nào. Ông vẫn hăng say viết văn làm thơ. Xin cho hỏi từ bao giờ thơ văn “rón rén” bước vào đời ông và rồi không bao giờ rời xa nữa?
Hạo Nhiên: Thưa chị Hoàng Lan Chi, chị dùng chữ “rón rén” thật dí dỏm nhưng cũng thật đúng với tâm trạng của tôi khi viết bài thơ đầu tiên rất ngô nghê thuở mười bảy, nó đã “rón rén” vào hồn mình cùng với bóng dáng cô gái tóc dài láng giềng:

Áo em cánh mỏng viền tà
Khép ngoan lớp học thướt tha đường về
Đêm tàn, gối mộng, cơn mê
Ru em dài sợi tóc thề mạ non
Hồn tôi trong cặp sách mòn
Vô tư em nhốt thuở còn ngu ngơ…”

Đấy là bài thơ đầu tiên trong đời tôi viết cho một cô bé học trò có mái tóc dài và khuôn mặt rất “liêu trai”. Tôi đã gởi đi mảnh giấy có chép bài thơ bằng chiếc ná cao su bắn qua cửa sổ nhà nàng. Không ngờ lại lọt được vào “cặp  mắt xanh”.
 
Lan Chi: Thật thú vị, với chiếc ná cao su bắn tình thơ mà ông đã lọt được mắt xanh giai nhân. Xin chúc mừng ông “ra quân” lần đầu và đã “toàn thắng về ta”. Thưa ông, được biết ông từng là Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) và Trưởng Ban Biên Tập Bán Nguyệt San Quyết tiến /TKQN trước 75, cho hỏi vì sao ông nhập ngũ và chọn ngành CTCT?
Hạo Nhiên: Tôi chỉ là một giáo chức động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức. Sau được đơn vị cho  theo học các khóa CTCT từ Căn Bản cho đến Trung Cấp rồi  khóa Cao Cấp CTCT tại Đại Học CTCT Đà Lạt. Tôi được đề cử giữ chức Trưởng Biên Tập BNS Quyết  Tiến / TKQN  từ ngày vị tiền nhiệm thuyên chuyển đi nơi khác vào năm 1967.
Lan Chi: thích văn thơ và được trông coi Bán Nguyệt San Quyết Tiến, ông đã có những đóng góp gì để bây giờ, nhìn lại quá khứ để có thể tự hào về những đóng góp ấy?
Hạo Nhiên: Chẳng có gì để gọi là tự hào. Tôi xem những đóng góp trong quá khứ  chỉ  là thi hành nhiệm vụ của một quân nhân được cấp trên giao phó. Tuy nhiên, niềm vui của người làm báo là khi được chiến sĩ đóng quân tại các tiền đồn vui mừng đón nhận món ăn tinh thần hàng nửa tháng trời chờ đợi. Tiếc một điều là truyện dài “Nhật Ký Bích Phương” của tôi viết đăng nhiều kỳ trong BNS Quyết Tiến  về “Tết Mậu Thân”tôi lưu giữ trong tủ sách gia đình  đã bị tịch thu và thiêu hủy sau ngày tháng 4/75.
Lan Chi: Xin chia buồn cùng ông. Hy vọng bài phỏng vấn này đến độc giả và biết đâu, vâng- biết đâu, ai đó còn lưu trữ Quyết Tiến để bây giờ châu về hợp phố và Bích Phương của Mậu Thân sẽ là một chứng tích lịch sử. Thưa ông, “Lưu Dấu Ngày Xưa“, tập truyện ký xuất bản năm 2004 mà Giaùo sö Leâ Höõu Mục đã nhận xét ” ..Quê Quảng Ngãi, tức Liên Khu 5, Haïo Nhieân có nhiều chất liệu thật nhưng ông đã gọt bớt những xù xì thô nhám để đưa những sống động vào trang sách của mình. Vài nhà văn khi thoát ra nước  ngoài, đã từ chối căn cước nhà binh của mình, còn Hạo Nhiên thì không. Ông xông xáo, dấn thân một cách thầm lặng, không ồn ào”. Ông nghĩ gì về những nhận xét trên và ông có  tiếp tục gìn giữ tư cách của một nhà văn tỵ nạn cộng sản ?
Hạo Nhiên: Thưa chị Hoàng Lan Chi, như tôi đã bày tỏ với độc giả rằng tôi chỉ là người kể chuyện bình thường, kể những điều dưới mắt tôi trông thấy, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân. Người thực việc thực tôi ghi lại cho con cháu tôi, cho thế hệ mai sau nhận biết đâu là chính nghĩa đâu là gian tà. Tôi xem tác phẩm của tôi như một giọt nước góp vào dòng sông lịch sử của dân tộc những chứng liệu trung thực của một giai đoạn cực kỳ bi thảm của đất nước. Tôi không dám nhận là một nhà văn nhưng tôi mãi mãi là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng khi có tiếng gọi của Tổ Quốc.

Lan Chi: Điều ông thố lộ làm tôi rất cảm động, thưa nhà văn. Vâng, xin chúc mọi quân nhân Việt Nam Cộng Hoà sẽ sẵn sàng khi Tổ Quốc lên tiếng gọi. Thưa ông,  phải chăng, là truyện kể có giá trị từ một người vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân nên ông đã nhận được 2 giải thưởng, một giải của UBCNVB vaø Nguyeät San Kyû Nguyeân Môùi về truyện kể những ngày tù đày trong nhà  lao cộng sản và một giải thưởng của Việt Báo cũng về truyện kể loại trên?
Hạo Nhiên: Vâng, tôi đã nhận được 2 giải thưởng ở Hoa Kỳ, nhưng nội dung hai bài viết khác nhau. Một viết về những trại tù Cộng Sản sau 1975, một viết về “Một Góc Đời Tỵ Nạn” trên đất tạm dung.
 
Lan Chi: “Một Góc Đời Tỵ Nạn“, Ông đặt tựa rất khéo, thưa nhà văn. Vậy góc đời ấy tỵ nạn từ  năm nào, trường hợp gì và từ bao giờ thì người biên tập của “Quyết Tiến” năm xưa lại quyết tiến trở lại thưa ông?
Hạo Nhiên: Cuối tháng 7 năm 1991, tôi và vợ tôi cùng 4 con sang tỵ nạn ở Mỹ đợt HO8. Hồi còn ở quê nhà, tôi là bạn thân của anh Trần Dũ Chiêu  là em
ruột của nhà văn Thinh Quang người Thu Xà Quảng Ngãi. Ông đang làm chủ bút Tạp Chí Văn Học Viễn Xứ ở Nam California. Vào khoảng 1995- 1996 khi cuộc sống tạm thời ổn định, tôi được nhà thơ Mộng Đài giới thiệu với đường đệ của ông là nhà văn Thinh Quang gởi thơ mời tôi cộng tác với Viễn Xứ. Đó là tờ báo đầu  tiên làm nhịp cầu  tôi bước vào sinh hoạt văn học ở hải ngoại.
Lan Chi: Ngoài Viễn Xứ, ông có cộng tác với Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật Tinh Hoa. Hiện nay Tinh Hoa ra sao rồi, thưa ông?
Hạo Nhiên: Anh Mạc Ly Hương là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Tinh Hoa. Mạc Ly Hương là em ruột nhà báo Mạc Ly Châu, anh Châu  đã tự tử ngay giữa Sài Gòn sau ngày mất nước. Mạc Ly Hương là chiến hữu với tôi cùng phục vụ trong ngành CTCT tại tiểu khu Quảng Ngãi.  Khi anh quyết định ra tờ Tinh Hoa đã mời tôi cộng tác. Về hình thức tờ báo trình bày rất giản dị nhưng nội dung lại khá phong phú, tập họp được nhiều cây viết nổi tiếng. Tinh Hoa đã tạm thời đình bản vì vị chủ nhiệm kiêm chủ bút được một thượng nghị sĩ ở TB Minnesota nhờ anh tiếp tay vận động cho đảng Cộng Hòa.
Lan Chi: Xin được nghiêng mình trước sự tuẫn tiết của nhà báo Mạc Ly Châu. Cũng xin chia buồn vì Tinh Hoa đã phải tạm ngưng. Nếu vậy hẳn là đường lối của Tinh Hoa rất rõ ràng?
Hạo Nhiên: Vâng,  Tinh Hoa chỉ thuần về văn học nhưng có đường lối rõ ràng là bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia và tranh đấu cho một đất nước Việt Nam  không cộng sản.
 
Lan Chi: Được biết ông sắp ra mắt tác phẩm thứ ba tại hải ngoại ” Hương Bồ Kết“?
Hạo Nhiên: Thưa chị, đúng như thế. Buổi giới thiệu Tác Phẩm Hương Bồ Kết sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 5/2007 tại Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Bắc California
 
Lan Chi: Nghe Hương Bồ Kết, tôi hình dung môt câu chuyện tình vùng thôn quê miền bắc vì thuở nhỏ, gia đình chúng tôi vẫn có thói quen gội đầu bằng nước bồ kết. Vậy HBK của ông gửi gấm điều gì thưa ông?
Hạo Nhiên: Trái bồ kết, theo tôi nghĩ, ngày xưa , phái nữ cả ba miền Bắc,Trung, Nam đều dùng nó để gội đầu. Vì vậy mà trong lời tựa của nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ đã gọi đó là “Mùi Hương Dân Tộc”. “Hương Bồ Kết” là tên một truyện ngắn trong số 23 truyện mà  tôi lấy làm tựa đề tác phẩm. Hương bồ kết đã thấm sâu vào ký ức tuổi thơ từ mái tóc mẹ hiền, mái tóc của những người chị thân thương và của người yêu đầu đời. Người con trai lưu lạc bất cứ nơi đâu, khi thoảng nghe hương bồ kết bay trong gió là kỷ niệm một thời nơi chôn nhau cắt rốn của mình hiện về. Hương bồ kết là mùi của quê hương, là mùi của tuổi thơ và là hương thơm tình yêu chất ngất một đời. Hương bồ kết là mùi của  kỷ niệm, tôi nghĩ như thếcó đúng không, thưa chị Lan Chi ?
Lan Chi: Hoàn toàn đồng ý với ông. Hương bồ kết là hương tóc của mẹ, chị và người yêu, vợ ..Do đó chỉ phảng phất hương bồ kết là cả một trời yêu thương, một đời thơ ấu sẽ trôi về. Xin chúc mừng ông và cũng xin được trân trọng giới thiệu đến độc giả của Mach Sống, tập truyện Hương Bồ Kết của nhà văn Hạo Nhiên. Tôi trộm nghĩ, đây sẽ là một món quà thanh nhã đầy ý nghĩa mà chúng ta nên mua để cho, để tặng, để biếu và để dành làm kỷ niệm vì Hương Bồ Kết là  hương kỷ niệm của thời đã qua. Xin cảm ơn Ông về buổi trò chuyện này. Xin chúc sức khoẻ và Hương Bồ Kết sẽ tẩm ướt mái tóc của nhiều người mỗi đêm tại vùng đất tự do này để cùng tưởng nhớ một bồ kết Lưu Dấu Ngày Xưa ở Sài Gòn ….

Rừng Gió Virginia

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.