NS Nguyên Hà-Lớp sáng tác nhạc không cần biết nhạc lý nhiều

 

  •  

Lớp “Sáng Tác Nhạc không  cần biết nhạc lý”

LTS: Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu (tvvn.org, thuvienvietnam.com hay thuvientoancau.com tổ chức lớp học “Sáng Tác Nhạc không  cần biết nhạc lý” vào mỗi sáng thứ Ba tại trụ sở 11770 Warner Ave # 204 Fountain Valley CA 92708  714-210-8444. Nhạc sĩ phụ trách: Nguyên Hà. Xin giới thiệu bài viết của Hoàng Lan Chi về lớp học này.

Nguyên Hà

 

 

Hoàng Lan Chi -Nguyên Hà

 Vào đúng mùa Phượng tím của CA, cũng là ngẫu nhiên của đất trời chăng khi Phượng tím rực rỡ tháng 5 thì quê nhà cũng mùa Phượng đỏ. Trùng hợp chăng khi mùa hoa Phượng thì tôi cắp sách làm học trò!
Trời mưa, cơn mưa hạ đầu mùa của CA nắng ấm làm đường xá sạch hơn, cây tươi mát hơn và người thì chút lạnh với khăn quàng và áo len mỏng. Lớp học nhỏ, Thư Viện Việt Nam Toàn  Cầu chỉ đủ khả năng tổ chức lớp học “xinh xinh” như thế. Học viên tự đem máy điện toán xách tay “laptop”, ai quên thì Thư Viện cho mượn đỡ. Vài học viên đến muộn đã phải ra về chờ lớp sau.
Tâm Vô Lệ, tổng giám đốc Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, đến sớm, như thường lệ để giúp học viên cài thảo trình viết nhạc vào máy. Tôi quen TVL từ khi còn ở Việt Nam. Ngày đó, tôi cũng không  nhớ ai giới thiệu trang nhà Thư Viện, tôi ghi danh và tham gia đăng bài. Tôi cũng chẳng nhớ vì sao có lần TVL gọi phone cho tôi và hát cho tôi nghe “Bông Sứ Trắng” phổ thơ Trần Huy Sao từ 2001. Thời gian trôi, tôi qua Mỹ nhưng ở Virginia. Vài lần, TVL đến Virginia giảng dạy nhưng không duyên gặp gỡ. Lớp học “Sáng Tác Nhạc không  cần biết nhạc lý” (STNKCNL) là nơi tôi gặp TVL lần thứ ba. Nhạc sĩ Nguyên Hà, người phụ trách lớp học bước vào. Nhìn là biết ngay thầy dạy. Tôi tự đùa với mình như vậy. Áo vest trông rất trang trọng. Nhưng vẻ mặt thì toát ngay nét nghệ sĩ.
Bằng một giọng Bắc rõ ràng,  khá thu hút, nhạc sĩ Nguyên Hà tâm sự về mộng ước nho nhỏ của anh khi mở lớp học này. Anh nói “Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Tâm hồn người Việt Nam rất đa cảm và dễ rung động. Để chia sẻ những rung động ấy với người khác, có người chọn cách viết như văn, thơ. Tuy vậy văn hay thơ cũng có vài hạn chế của nó. Riêng nhạc thì mức độ phổ biến có vẻ mạnh hơn. Một bản nhạc hay, hay ở đây có nghĩa là rung động Thật và “cảm” được với người khác, thì tác động của nó mạnh hơn nhiều. Nó phổ biến nhanh chóng, lan rộng và có khi được lưu truyền từ năm này sang tháng nọ. Nhưng để sáng tác được nhạc, trước kia rất khó. Thời trước,  chúng tôi nhà nghèo, ăn khoai đi học, và sau bốn năm dùi mài kinh sử ở Trường Âm Nhạc, cũng vẫn chưa biết sáng tác nhạc, cái bí quyết ở đâu. Các Thầy thời đó đều giỏi nhưng không  ai dạy cả. Sau 75, có cơ hội sáng Mỹ, học được nhiều hơn và nhất là sau này, khi có “sofware” viết nhạc, thì vấn đề sáng tác nhạc dễ hơn nhiều. Điều này giúp cho quý vị cao niên là những người đang đầy ắp tâm hồn văn thơ Việt có thể trải lòng mình trên dòng nhạc. Quý vị sẽ không  phải học cực khổ như  chúng tôi ngày xưa, sẽ không  phải học quá nhiều nhạc lý mới viết được bản nhạc.”
Điều chia sẻ này quả là rất hạp “lỗ nhĩ” quý vị cao niên. Cao niên bây giờ có nghĩa là khi mất nước, họ đang là những thanh niên thiếu nữ tuổi đời ngoài đôi mươi hay quá lắm ba mươi, vốn liếng Việt ngữ tràn đầy. Họ, với hành trang đầy ắp dòng nhạc quê hương, kẻ yêu tình ca, người mê hùng nhạc, người thích cải lương, kẻ ưa tân nhạc, và dù thích gì thì họ cũng được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc quê nhà. Nay mái tóc điểm sương, nhớ về ngày tháng cũ, ngắm cảnh vật quê hương tạm dung, họ thấy xúc cảm tràn trề và nay có người bảo “không  cân học nhạc lý nhức đầu, là cũng viết nhạc được”, bảo sao họ không “mê”! Họ có suy nghĩ “Mình từng mê nhạc và nay cũng sẽ viết được nhạc” quả là hấp dẫn.
Một điều khác có lẽ cũng “hấp dẫn” các học viên không  kém. Đó là việc nhạc sĩ Nguyên Hà có ý định nhờ Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu tiếp tay trong việc trình làng các tác phẩm của học viên trên mạng lưới của Thư Viện.

Nhạc sĩ Nguyên Hà bày tỏ: “Sau khi sáng tác, Quý Anh Chị có thể tự mình hát nếu hát khá hay. Việc hòa âm, chúng tôi sẽ cố gắng giúp. Xin anh Tâm Vô Lệ hỗ trợ bằng việc kêu gọi tình nguyện viên, các vị “one man band”! Chúng ta không  cần một dàn nhạc đồ sộ với đầy đủ nhạc cụ. Còn nếu Quý Anh Chị không  hát được thì nhờ bạn và ngay trong lớp này, chúng ta  có ba ca sĩ nhiệt tình, chị Yên Ly (cũng là diễn viên điện ảnh), chị Tuyết Mai và anh Tuấn Minh. Hai anh chị Tuyết Mai – Tuấn Minh này ở trong phong trào Hưng Ca (anh Tuấn Minh là phong trào trưởng). Sau khi sáng tác mới được thu âm, sẽ được phổ biến ở net trên Tuyết Mai và anh Tuấn Minh. Quý Anh Chị thử tưởng tượng, một ngày nào đó, bạn hữu mình được nghe mình tự hát nhạc của chính mình, chia sẻ những rung động của chính mình, thì vui biết mấy. Tôi cam đoan là bạn hữu các anh chị sẽ vui lắm vì nghe nhạc cũ, ca sĩ chuyên nghiệp mãi thì khi nghe chính bạn mình hát, cũng có sự thích thú riêng”.
Quả là nhạc sĩ Nguyên Hà khéo nói. Tôi trộm nghĩ, sau khi cụ ông 70 tuổi viết được bản nhạc tình và khoe cụ bà 60 để được cụ bà cảm động “Anh viết nhạc thật ư. Giỏi quá. Sau bao năm bây giờ lại được nghe anh hát và lại là nhạc anh viết cho em thì quả là món quà hiếm quý”. Đấy, chỉ cần sau lớp học, hai người cao niên sung sướng như thế, là cũng một phần thưởng tinh thần cho Thầy Nguyên Hà rồi! Huống chi trong lớp có 12 học viên, cứ thế nhân đôi nhân bốn nhân tám sẽ ra vô số những nguồn vui có được sau khi học sáng tác nhạc!
Về chương trình học, NS Nguyên Hà cho biết “Chúng tôi dự định trong 4 buổi. Học viên chỉ cần học những gì thật cần thiết để viết nhạc. “Sofware” tôi chọn là một lọai dễ hiểu nhưng dễ sử dụng.”
Trả lời thắc mắc của học viên về việc không cần biết “lý thuyết nhạc”, nhạc sĩ Nguyên Hà cho biết “Nói là không  cần biết lý thuyết thì cũng không đúng. Học viên cũng phải biết các nốt nhạc, trường canh, khóa sol, tóm lại là những kiến thức tối thiểu nhưng cần thiết để viết nhạc. Còn những phần rắc rối khác không  cần biết và những khó khăn khác sẽ do “ sofware” giúp đỡ”
Sau màn giới thiệu, NS Nguyên Hà bắt đầu giảng dạy. Rất nhẹ nhàng, dễ hiểu và không  có gì khó khăn. Mọi người đều sử dụng được thảo trình viết nhạc vì nhạc sĩ “đi” rất chậm. Từ môt ví dụ đơn giản là “Tôi yêu đôi mắt Việt Nam”, nhạc sĩ đã chứng minh cho học viên thấy, chỉ cần một chút tưởng tượng, một chút thơ nhạc tiềm ẩn, mọi người đã có thể “phổ nhạc” cho một câu nói bình thường. Để minh họa điều nhạc sĩ Nguyên Hà chia sẻ, Tổng Giám Đốc Tâm Vô Lệ đã cầm đàn hát vài câu mà ai cũng biết nếu “nói” thì chỉ là một câu “nói” bình thường, nhưng khi phả hồn nhạc vào, thì câu “nói” đã “thăng hoa” rất nhiều. Giọng hát khá hay của Tâm Vô Lệ làm nhiều học viên ngạc nhiên, trong đó có Hoàng Lan Chi!

Tâm Vô Lệ

Tâm Vô Lệ minh họa lời giảng của nhạc sĩ Nguyên Hà qua bài Anh Yêu Em (sáng tác của nhạc sĩ Trầm Nguyên) với cùng lời nhạc bằng hai tông Thứ (âu yếm pha chút buồn bả) và tông Trưởng (yêu thương, vui tươi)

Một điểm được coi như “tâm” của nhạc sĩ Nguyên Hà khi anh tha thiết “Xin quý học viên đừng phổ nhạc với điệu buồn. Bao năm qua, chúng ta  đã viết nhiều cho loại nhạc buồn. Nay nên viết nhạc vui để cổ động mọi người, cổ động toàn dân vùng lên tranh đấu chống Cộng Sản”. Nhạc sĩ cũng kể lại sự việc con trai nhạc sĩ rất ngạc nhiên khi nghe dòng nhạc Việt Nam. Cháu không  cho đó là nhạc vì quá buồn bã và chậm, lê thê.”
Chị Vân, người đã tự phổ nhạc một bài thơ của mình chỉ sau một buổi học tâm sự “ Tôi rất thúvị với lớp học này vì tôi yêu thích nhạc và không  biết viết. Nay chi mới qua một buổi học, với lối dạy giản dị và không  cần học nhiều, rắc rối đầu óc, tôi cũng tạm viết được nhạc cho một đoạn thơ nói về Chúa. Thầy Nguyên Hà khen động viên và tôi nghĩ sẽ còn phải cố gắng nhiều nhưng trước mắt, phổ được nhạc cho những gì mình thích là minh thấy vui rồi.”
Được biết Nhạc Sĩ Nguyên Hà đã gắn bó với âm nhạc và báo chí (Việt Nam Tin Ảnh) từ thập niên 1962. Sau 75, lưu lạc sang Mỹ và ông đã góp mặt, cộng tác với hầu hết các cơ sở truyền thông tại Nam Cali và một vài tiểu bang lân cận. Hiện nay ông cộng tác và phát hành nhiều tình khúc với TT U-Sing Along. Ngoài ra con cộng tác với Global TV 58-8, T Phát Thanh Gia Đình Phật Tử Huyền Quang. CT Phát Thanh Thiền Viện Sùng Nghiêm 106.3 FM và 1480AM, Thư Viện Việt Nam Tòan Cầu
Về tác phẩm, Nguyên Hà đã trình làng CD “Để Nhớ về Quê Hương Yêu Dấu” do TT Hải Âu Phát hành; Nhạc phổ thơ thi sĩ Thảo Bình “Nghĩa Tình Quê Hương”. Các lọai sách giáo khoa về âm nhạc thì có “Phương Pháp Hòan Bị và Nhanh Nhất Để Sáng Tác Một Bản Nhạc”, cẩm Nang “Xử Dụng Music Time Deluxe”.

Về CD Audio tôn giáo, với Công giáo có:  “Thần Đô Huyền Nhiệm” – “Cuộc Đời Mẹ Maria” – Thánh Giuse Trong Phúc Âm”- “Gương Chúa Giê Su” – “Những Phép Lạ Lavang”.
Với Phật Giáo : “Phá Mê Khai Ngộ” – “Thanh Tịnh Tâm” – “Vô Thượng Niết Bàn” – “Kinh Duy Ma Cật Giảng Giải” – “Kinh Thủ lăng Nghiêm Giảng Giải” – “Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông” – “Đại Thế Chí Nhĩ Căn Viên Thông” _ “Giải Thóat Tức Thì”.

Trang nhà www.nguyenhacali.com, e-mail: nguyennhacali@yahoo.com

Hoàng Lan Chi -Nguyên Hà-Tâm Vô Lệ


Ca sĩ Yên Ly  và Trưởng Hướng Đạo Nguyễn Cửu Lâm (ngồi bàn trên)

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc, Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.