Phạm Duy và tôi

 

Thuở bé tôi đã yêu nhạc Phạm Duy. Có lẽ vì PHạM DUY có nhiều nhạc quê hương rất hay mà tôi thì yêu quê hương vô cùng. Tình ca của PHạM DUY cũng phong phú đa dạng.

Năm 2002 nếu tôi nhớ không  lầm, tôi viết bài Cảm nhận cho “Tình Ca”. Mục đích của tôi bấy giờ là muốn giới trẻ biết yêu quê hưong qua những nhạc phẩm của PHạM DUY hơn là nghe những loại nhạc vớ vẩn rên siết phận người hay đả kích chiến tranh. Vô tình PHạM DUY đọc được và chú làm quen tôi. Duyên văn nghệ từ đó. Sau này tôi viết thêm một số cảm nhận cho Quê Nghèo, Tình Hoài Hương…

Năm 2003, Phạm Duy về nước và đến quán nhạc Dòng Thời Gian của cô bạn tôi. Nơi đây cũng là nơi tôi gặp người đàn bà có giọng hát hay và rất giống Thái Thanh. Vào thời điểm 2003, chị đã chọn hát nhạc Phạm Duy trong lúc các nơi khác đang còn thịnh hành nhạc TCS. Từ tôi mà Phạm Duy  biết thêm chị, (Thuý Nga) và biết thêm Đào Minh, chủ quán Dòng Thời Gian. Phạm Duy  ở trọ một khách sạn trên đường Đồn Đất thì phải và bình dị với áo nâu, ngồi quán cà phê vỉa hè.

Chúng tôi có một số hình lưu niệm với PHạM DUY và gia đình ở đây. Có hôm  chúng tôi theo Phạm Duy đến nhà Lưu Trọng Văn chơi và gặp Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý. Duyên tình của Phạm Duy với Lưu Trọng Văn là “ Nào đâu có trăm năm mà chờ với đợi”! Nghĩa là Phạm Duy đang dùng dằng thì Lưu Trọng Văn gửi bài thơ ấy và Phạm Duy đã quyết định “Về thôi, nào có trăm năm mà chờ đợi”! Phạm Duy khi về nước năm này đã đem theo bài ” Về thôi” do Phạm Duy phổ thơ Lưu Trọng Văn cho tôi nghe.

 

Duy Cường, Phạm Duy, Lưu Trọng Văn-Lan Chi – hàng sau Đào Minh và Thuý Nga

Duy Quang-Phạm Duy -Lan Chi- Thuý Nga

 

3 người đàn bà ‘vô danh” của Phạm Duy năm 2003 ( cách gọi của Phạm Duy khi chưa về VN và gặp Thuý Nga, Đào Minh, Lan Chi )

 

Phạm Duy vỉa hè áo nâu giản dị khi về Việt Nam

Phạm Duy giản dị áo nâu ở quán cà phê lề đường gần khách sạn

 

NS Nguyễn Văn Tý- Lan Chi -Phạm Duy tại nhà Lưu Trọng văn 2003

Lan Chi -Phạm Duy- Hoạ sĩ Kim Khải- Thuý Nga

Tại quán Dòng Thời Gian của Đào Minh

 

Phạm Duy với cô bé từ Canada về hát Người Về

Phạm Duy với một kiến trúc sư yêu nhạc Phạm Duy

Phạm Duy với ca sĩ Huy Tâm

 

Phạm Duy và Thuý Nga ( người hát nhạc Phạm Duy rất hay)

 

Hồi đó Phạm Duy đối với tôi là dễ thương dù đôi khi ông có hơi ngông. Ông gửi tôi nhiều tài liệu về cái gọi là “Gió Tanh Mưa Máu”. Tôi chỉ xem và không  ý kiến.

Rồi đẩy đưa nhiều chuyện để có khi tôi và ông tranh luận. Chỉ nho nhỏ. Nhưng có vẻ ông khá “nhường tôi”. Có gì đâu, chỉ là xoay quanh vài vấn đề đạo đức.

Khi tôi hỏi về chuyện ngày xưa, biện luận cho cái “đào hoa”, ông viết:

“Tôi đã được nhiều người (Lan Chi khuyên bé Quỳnh Chi : nghe nhạc, đừng tìm hiểu cá nhân, hiểu theo nghĩa là chỉ nên “yêu đàn” mà thôi đấy nhé… ) cho rằng tôi có một đời sống rất là “phóng túng”, hiểu theo nghĩa “bê bối”.  Lạy Chúa và Mô Phật, tôi thách đố ai dám tuyên bố tôi là kẻ nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện sì ke hay nghiện thuốc phiện (nguyên cái vụ này, tôi đã đạo đức hơn nhiều ông nghệ sĩ) … Còn nghiện đàn bà thì khỏi cần nói vì tôi đã nói rồi, nhưng tôi xin thưa rằng với những bạn muốn hiểu tôi rằng : tôi chưa hề phụ tình ai, tôi chưa hề có một bà nào hắt hủi rồi nguyền rủa tôi khi xa tôi… Everything is OK, xa nhau, rồi gặp lại nhau “bốn mắt đều có đuôi”…
 
Tôi xin nói ngay tôi rằng trong đời tôi, có ba điều tôi tôn thờ : nghệ thuật, vợ con và người tình, đời tôi phải vững như cái kiềng ba chân. Không vì nghệ thuật mà bỏ vơ con, bỏ người tình… không vì vợ con mà bỏ người tình và nghệ thuật… không vì người tình mà bỏ nghệ thuật và vơ con.
Do đó có bao giờ vợ con tôi kết án tôi đâu? Tôi kính yêu một triệu lần vợ tôi (ngày bà còn sống và sau khi bà qua đời), khi các con kể lại rằng bà á thánh này đã có lần bảo các con : tao biết hết chuyện bố mày nhưng để cho bố mày có hứng làm nghệ thuật.-PhạmDuy” (1)

Phải nói thật là tôi đã “nghiêng ngả” khi đọc những tâm sự đó của Phạm Duy. Hay cũng có khi không  phải tôi nghiêng ngả mà chỉ vì ở tuổi ngoài 50, tôi không còn những suy nghĩ khắt khe như tuổi đôi mươi? Phải, những người khác đã đam mê rượu, chè, cờ bạc thì cái khoản “trai gái” mà Phạm Duy vướng vào, cũng chỉ là lẽ thường tình? Tất nhiên tôi không  ủng hộ những mối tình bên lề xã hội của Phạm Duy! Tôi chỉ muốn nói, cô Thái Hằng quả là một phụ nữ tuyệt vời, xứng đáng với mỹ từ “Á thánh” mà Phạm Duy tặng cô. Viết đến đây tôi lại nhớ ký giả Bùi Bảo Trúc đã nói một câu rất hay trong đêm nhạc Vũ Đức Nghiêm “ Xin cảm ơn chị Vũ Đức Nghiêm. Vì sự bao dung của chị mà  chúng tôi có được một nhạc phẩm hay đến thế!”. Cả hội trường vỗ tay. Vâng, suy cho đến cùng, nếu không  có sự bao dung của các bóng hồng sau lưng các nhạc sĩ  thì có lẽ kho tàng âm nhạc Việt Nam sẽ thiếu vắng nhiều tác phẩm hay! Ngoài ra, sự ví von cuộc đời như kiềng ba chân ( vợ, người tình và nghệ thuật), cá nhân tôi thấy “mến” Phạm Duy vì sự thành thực của ông.

Còn khi biện luận cho “tục ca” ông đã ngậm ngùi “Có thể tôi lầm khi tự phá mình” làm tôi nao lòng. Nhưng ông cũng dí dỏm khi “chọc quê” tôi là “ Cô Quỳnh Couteau đã chửi Bộ KH mà còn sợ nghe tiếng chửi xã hội của người khác hay sao”. Vâng, tại sao nhiều người lúc đó như Chu Tử, như Thương Sinh đã chửi xã hội vì không  chịu được sự thối nát, và khi Phạm Duy dùng âm nhạc để chửi thì lại bị chửi! Tôi không  nghe Tục Ca nên không  biết nó tục thế nào nhưng có lẽ người Việt quen với hình thức dùng âm nhạc để đấu tranh, để tình tự, để vỗ về mà không  quen dùng âm nhạc để “nói tục” chăng? Dù sao, tôi không  ý kiến vì ông đã nói với tôi, ông không hề in, thu cassette. Thế là đủ.

Sách, báo, phim, ảnh ngọai quốc tràn vào sau khi cụ Diệm chết, thanh niên, trung niên, lão niên ùa chạy theo văn minh vật chất, người ta coi đạo đúc, luân lý như pha. (khôi hài nhất là những vị phi-đạo đức này phê bình nguời khác thiếu đạo đức !). Có thể tôi lầm khi tự phá mình (phá thần tượng) (1) để làm mười bài tục ca nhưng xin mọi người hiểu rõ lý do của bài hát NHÌN L… ! Cô Quỳnh Couteau đã chửi Bộ Kế Hoạch, thế mà vẫn còn sợ nghe tiếng chửi rủa xã hội của người khác. Thương Sinh, Chu Tử cũng là những văn nhân giỏi lắm, nhưng một trong những lý do chửi bới của các vị đó cũng có thể vì họ muốn bán báo chạy hơn. Tôi làm tục ca, không thu vào cassette hay tape thương mại, không in ra bản nhạc, còn không muốn phổ biến nhiều. Je les avait chantées pour mon plaisir. Thế là khóai rồi !!!”(1)
 
Về những câu nói này nọ, khi tôi hỏi về việc nghe tin đồn rằng ông phát biểu này nọ ở Úc, Phạm Duy viết cho tôi:
 
“Về chuyện kiêu ngạo khíến “Lan Chi phải van chú đừng phát biểu kiêu ngạo… thì Lan Chi có thể tin được rằng, tôi không dại gì mà phát biểu trên sân khấu (hay trước đám đông) nhất là “kỳ ở Úc vừa qua rằng nhạc PHạM DUY là nhất”.  Tôi điên mà phát biểu như vậy à ?”(1)
 
Từ mail này của Phạm Duy, tôi thực hiện bài học “Hỏi đích danh và không nghe tin đồn”. Sau này, trong chốn phong ba của hải ngoại, nhiều lần nghe đồn, tôi hỏi lại và nhờ thế “giải oan” được cho vài người!

Cuối cùng, Phạm Duy viết:

“Cuối cùng, tôi xin hỏi câu này : Lan Chi đã đọc đầy đủ cả BA cuốn HỒI KÝ của tôi, có đọan nào thấy tôi nói tới chuyện sáng tác trong WC không ? Có những đọan nào tôi tỏ vẻ tự kiêu, tự mãn không ?”(1)

Đúng thế, cuốn hồi ký của Phạm Duy là cả một công trình văn học mà tôi nghĩ hiếm có người nào ở tuổi ông, thời đại ông, có thể thực hiện được. Bài viết thứ tự, lớp lang, chữ nghĩa rõ ràng và đặc biệt nét “khoa học” tuyệt vời trong đó. Thường thì một bản nhạc dính líu đến nhiều thứ, từ tác giả đến thính giả rồi xã hội rồi hoàn cảnh. Nếu không có một óc tổ chức, rất dễ bị rối rắm. Thế nhưng hồi ký của Phạm Duy không  hề làm độc giả lạc vào mê hồn trận.

Còn về cái tự kiệu tự mãn thì đúng là tôi chưa tìm thấy ở hồi ký Phạm Duy ( vì tôi chưa đọc hết nhưng tôi tin lời Phạm Duy, trong đó chỉ là những tài liệu âm nhạc được ghi lại). Và bên ngoài thì cứ xem Phạm Duy viết cho tôi như sau:

“Nhưng tôi rất vui vì Lan Chi đã có một bài viết rất hay về một bài hát của tôi… nhất là vì Lan Chi khéo dạy Quỳnh Chi, kéo Quỳnh Chi trở về với những giá trị nghệ thuật đích thực. Hiện nay nghệ thuật ở VN (trong hay ngòai nứơc) đang lâm vào tình trạng suy thóai, ai là người thực sự yêu nước yêu dân, yêu tuổi trẻ thì cùng nhau đi tìm lối thóat ở những giá trị còn đang bị lấp liếm bởi lũ đạo đức giả, lũ chính trị gia lạc hậu.Nói với Quỳnh Chi cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng CD với đa số ca khúc nghe bằng MP3 qua đường Bưu Điện.” (1)
 
Nói cách khác, Phạm Duy “bày tỏ” sự cám ơn dành cho tôi, người viết cảm nhận nhạc Phạm Duy. Trên thực tế, với “tài ba, danh tiếng” chừng đó, Phạm Duy có cần cư xử với tôi như thế không? Tôi nghĩ là không! Nhưng Phạm Duy trân trọng, Phạm Duy hiểu tôi cần cho giới trẻ biết yêu quê hương qua những dòng nhạc của mình và Phạm Duy sẵn sàng gửi CD qua Úc cho “người Việt trẻ Quỳnh Chi”!

Năm 2004, tôi qua Mỹ và đến Cali trước khi bay qua Virginia. Tôi gọi cho Phạm Duy và hẹn ngày đến chơi. Buổi tối đi cùng anh chị họ đến.  Tại đây gặp Đức, người con trai út trong gia đình hoàn toàn không hoạt động gì đến âm nhạc. Đúng như ông viết, gia đình ông là một điều hiếm thấy ở Mỹ: đại gia đình quây tụ. Một điều tôi cũng nhận thấy ở gia đình ông: từ Duy Quang đến Duy Minh, Duy Cường, người nào cũng nhũn nhặn, dễ thương. Ấy là tôi nói khi tôi gặp ông cùng ba con trai ở quán cà phê Dòng Thời Gian.

Tại nhà Phạm Duy năm 2004

 

Duy minh-Lan Chi tại nhà Phạm Duy 2004

 

Duy Đức -Lan Chi tại nhà Phạm Duy 2004

 

GS Nguyễn Ngọc Bích- Phạm Duy- Lan Chi tại Virginia 2004

Năm 2005, báo chí hải ngoại ồn ào vụ Phạm Duy định về nước. Một người bạn nằng nặc đòi tôi xoá những gì tôi viết về Phạm Duy. Nhưng “Học Trò”, người yêu nhạc, thành viên kỳ cựu của web Đặc Trưng thì phản đối “Chị không  được xoá. Những gì chị đã viết, đã công bố, nó không  còn là của chị nữa. Đó là những rung cảm của chị trước một nhạc phẩm, chị viết ra chia sẻ và những người khác sẽ biết được cái hay của nhạc phẩm đó thông qua chị..”. (2005). Tôi nghe lời Học Trò,  không  xoá.

Sau đó, dường như trước khi Phạm Duy về Việt Nam sinh sống khoảng vài tháng, tôi có gọi  điện thoại đến.  Phạm Duy nói rằng thường thì lúc này ông không muốn gặp ai nên đã từ chối nhiều người, nhưng với tôi thì ông tiếp. Phạm Duy chỉ ngắn gọn về việc mình có thể sẽ về nước. Tôi nói mọi người đang lên án, Phạm Duy bực mình “ Cuộc đời tôi mà sao cứ phải sống theo người khác? Tôi đã xin cho tôi được vui buồn một mình tôi kia mà”.

Thật tình, Phạm Duy nghĩ gì về CS, tôi nghĩ ai cũng đoán được nhưng căn cứ vào hiện tượng bên ngoài thì nhiều người lên án vì cho đó là đã làm hoen ố chính nghĩa quốc gia.

Năm 2009, một người bạn viết cho tôi: “Về ông Phạm Duy, tôi không hề có ý phê bình ai cả, mỗi người có cách chọn lựa cho mình. Ông ấy đã chọn như thế, và hãy để cho thời gian trả lời. Người mình thương ai thương cả lối đi…
Tôi chỉ có một cái nhìn khác về Phạm Duy, ông ấy đơn thuần là ngưòi cha rất thương con và tìm lối thoát cho con mình… và ông ta đã chọn con đường chết để mong con mình được sống. Nhạc sĩ Phạm Duy là người cha nhân ái, ông kiếm tiền bằng nhạc của ông và nuôi nấng các con và gia đình đầy đủ. Bà Thái Hằng đúng là một hiền mẫu và ông Phạm Duy  phong á thánh cũng không ngoa. Tôi yêu quý ông từ nhạc phẩm đến đời sống thực, ông không che đậy dấu giếm điều gì, thích là nói, nghĩ là làm.”(2)

Sau khi về Việt Nam, ông có nhiều điều này nọ. Cũng người bạn ghét ông, đả kích này nọ với tôi và tôi lặng thinh. Tuy vậy tôi đồng ý với một người bạn khác khi anh viết cho tôi  rằng: “Những gì ông tuyên bố, có thể có ít xích ra nhiều, vì ông phải nói thế thôi. Đây là một trò chơi, trò Game, nhà nước và ông cả hai đều khôn ngoan và cả hai đều tính toán.”(3)

Một người bạn khác khi nghe kể vụ tôi không xoá bài viết về Phạm Duy, anh viết cho tôi “Thưa chị, tôi biết chị yêu nhạc Phạm Duy cũng như biết bao người khác. Nhưng chị hãy giữ những gì chị đã viết về ông là những gì trung thực của tháng ngày chị cảm nhận, rung động về một tài hoa lớn của đất nước. Những người chung quanh không thể muốn chị làm theo cách của họ. Tôi nghĩ nhân cách Hoàng Lan Chi là Hoàng Lan Chi.”(4)
 
Cảm ơn anh bạn về những giòng chữ trên.

Tôi đã để “chú Phạm Duy” ngủ yên trong tôi từ khi ông về Việt Nam. Nhưng nhạc Phạm Duy  nhất là nhạc quê hương thì không bao giờ mất. Với tôi, (một người viết thơ cho quê hương năm 14t thay vì viết thư tình), thì đến giờ phút này, chưa một nhạc phẩm nào sánh được với “Tình Ca”!

Năm 2009 bàng bạc nỗi nhớ, nỗi buồn, tôi thực hiện chương trình “Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng Thị và Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, ngoài là Phạm Thiên Thư nhưng trong thực ra là tôi nhớ người Nhạc Sĩ.

Hè 2011, đã sáu năm trôi qua.

Hoa phượng tím đã úa tàn. Cuộc đời, nhạt nhoà như mầu hoa phượng, có thể xem như bắt đầu đếm ngược được rồi chăng.

Tôi không thể khoan dung với những kẻ đang thở không  khí tự do và phản bội. Nhưng “một người cha chọn con đường chết mong con mình sống” như bạn tôi nhận xét thì hôm nay, lòng tôi không dưng chùng xuống và tôi vẫn nghĩ rằng, một mai khi không còn bóng bạo tàn, những giòng tâm sự thật sẽ được bày tỏ. Tôi tin thế.

Hè 2011

(Tôi viết cho tôi và xin miễn không tranh luận)

(1) Trích từ mail Phạm Duy gửi Lan Chi những năm 2003-2005

(2) (3) (4) : trích từ mail  ba bạn hữu.

TÀI LIỆU TỪ WEB PHẠM DUY:

1- Tài liệu trích từ web Phạm Duy-PD viết về Hoàng Lan Chi:

https://dl.dropbox.com/u/89792831/PhamDuy/4lanchi.html

2- Tài liệu trích từ web Phạm Duy-PD viết về Đỗ Hùng và Nguyễn Ngọc Sơn:

 https://dl.dropbox.com/u/89792831/PhamDuy/3hungson.html

3- Tài liệu trích từ web Phạm Duy-PD viết về Trần Dzoãn Nho:

https://dl.dropbox.com/u/89792831/PhamDuy/5trandoannho.html

4- Tài liệu trích từ web Phạm Duy-PD viết về Gió Tanh Mưa Máu:

https://dl.dropbox.com/u/89792831/PhamDuy/2giotanhmuamau.html

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , , , , . Bookmark the permalink.