Lan Chi viết về các Nhạc Sĩ thân hữu

 

Nguyễn Văn Đông 
Tôi rất, rất yêu nhạc lính của Nguyễn Văn Đông!
Cứ mỗi khi nghe Hà Thanh hát “Hàng hàng lớp lớp” hay “Mấy dặm sơn khê” là hồn tôi tê tái.
Mỗi khi tôi gửi chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông với tiếng hát Hà Thanh bao giờ cũng nhận được nhiều thư cảm ơn.

Nguyễn Văn Đông đa tài. Tân, cổ nhạc đều giỏi. Văn cũng hay.

Có lẽ Nguyễn Văn Đông là nhạc sĩ thứ hai còn ở lại Việt Nam mà tôi vô cùng yêu mến. Một người đã đi và đã trở về nhưng sự mến yêu của tôi chỉ dành cho tác phẩm và ngậm ngùi cho tác giả!

Với Nguyễn Văn Đông cũng là ngậm ngùi cho tác giả nhưng cái ngậm ngùi đó khác. “Viết cho người còn ở lại” là đoản văn tôi viết cho Nguyễn Văn Đông trong một buổi chiều nhìn lá phong rơi và mênh mang buồn. Lúc đó, tiếng hát Hà Thanh đang “lộng gió” trong căn trọ, tôi khát khao được nhìn thấy Nguyễn Văn Đông! Ở đây, xứ tự do và chia sẻ nỗi niềm với thính giả. Nhưng biết đến bao giờ?

Ngày xưa tôi thưởng thức tác phẩm và không chú tâm tác giả. Về già, tôi chú ý tác giả hơn. Tôi thú vị nghe Nguyễn Văn Đông kể những chuyện xưa, từ đời binh ngũ đến chuyện bên lề của người ca sĩ này nọ…

Với Nguyễn Văn Đông, có lẽ tôi là một cô em gái bướng bỉnh, đôi chút ngang tàng chăng? Thỉnh thoảng tôi viết hay gọi cho anh chỉ để “khoe” cái gì đó. Và anh thì luôn “ …cô lúc nào chả đẹp!”

Em mong có một ngày, anh đến đây với mùa thu vô cùng diễm lệ và rừng phong đẹp vô ngần để em được nói lời cảm tạ anh về những:

Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề
Gìn giữ quê hương!

Châu Đình An

‘”Đêm chôn dầu vượt biển” là một trong vài nhạc phẩm luôn làm tôi rơi lệ mỗi khi nghe.

Năm 2008, khi nghe Tố Lan, con gái GS Việt Văn Gia Long, cô giáo cũ của tôi hát ĐCDVB, tôi xúc động hơn một nấc. Nấc đó là trình diễn ở Paris, cử toạ có một số khán giả Pháp và Tố Lan nói tiếng Pháp về ‘liberty”…

Tôi tìm đến Châu Đình An. Anh đang ở xa. Trò chuyện về âm nhạc và cả cuộc sống. Tôi đã thay đổi một suy nghĩ của tôi về P.D khi nghe CDA chia sẻ.

Câu viết “…mới dậy, lơ mơ nhưng đọc chị, tỉnh ngủ hẳn. Chị viết hay, tôi thích lắm, ít ra có người như Hoàng Lan Chi nghe vài bài mới của CDA đã bắt ngay như thế, và có nhận xét khá chính xác và thú vị.”. Tôi thích vì đã “nhìn thấy” một CDA trong âm nhạc.

CDA đã làm “hư” tôi sau này vì tôi quen nghe những nhạc phẩm được hoà âm kỹ lưỡng của CDA. Các nhạc sĩ tài tử khác không có điều kiện đó. Họ đưa về Việt Nam và tuỳ người bên đó. CDA có phòng thu hiện đại riêng ở Orlando, và CDA có những giọng ca như Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Duy Quang và sau này là Thu Minh, Thu Phương

Thật tình mà nói trong các nhạc sĩ tôi biết sau này, (những nhạc sĩ đã thành danh trước 75 thì không kể như PD, PDC, NVĐ…) CDA là người để lại nhiều ấn tượng nhất về nhạc phẩm. Tôi yêu một bản nhạc khác của CDA mà có lẽ rất ít người đồng cảm với tôi . Đó là bài “Chăn vịt ở phưong Nam”. Tôi yêu cả một nhạc phẩm khá mới và Thu Minh trình diễn với một phong cách trẻ: “Khi Cuộc Tình Chia Tay”.

Nhưng tôi lại viết cho một nhạc phẩm mà CDA được mời để dựng nhạc cảnh (nhưng phút cuối không thành): “Tình Em Là Chiếc Áo Dài”. Đích thân CDA hát. Thời điểm ấy, thế giới lên cơn sốt vì Susan Boyle. Tôi tìm thấy chút hao hao Susan ở chữ “Huế” của CDA.

Khôi An và Bích Hợp, hai cô em họ yêu âm nhạc, thường chia sẻ các sáng tác âm nhạc mới với tôi cũng đồng cảm về “Tình Em Là Chiếc Áo Dài”. Bích Hợp, ca sĩ học trò của Lê văn Duyệt, cùng thời Thanh Lan thì yêu nhạc CDA nên xin “order” trước CD của CDA.

Tôi vui. Khi truyền được sự cảm nhận của mình về âm nhạc cho người chung quanh và nhất là cho em tôi. Vui hơn khi một em tôi, Khôi An  lại tiếp nối con đường tôi đi.

Là viết về những cảm nhận âm nhạc. Âm nhạc, quà tặng của thượng đế và chúng tôi đi tìm những món quà ấy gửi cho những ai biết thụ hưởng!
Minh Duy

Trong số các nhạc sĩ mà tôi giới thiệu tác phẩm, nhạc sĩ Minh Duy là người tôi mến theo kiểu đặc biệt. Thứ nhất, ông là tác giả bản nhạc ngày xưa vang hàng ngày trên làn sóng các Đài Phát Thanh “Kìa đoàn quân chiến thắng đang trở về dưới nắng hồng…”. Tôi vẫn nhớ ơn quân đội và tất cả những gì dính líu đến quân đội. Thứ hai, ông viết mail cẩn thận, chu đáo và bày tỏ ý kiến rất đứng đắn. Tôi không nói đến những gì ông khen tặng tôi mà tôi nói đến những gì ông nhận xét về tác phẩm hay tác giả nào đó.

CD của ông có một vẻ gì đó “mỹ miều” của một cô gái nhà lành. Nhạc của ông khá đa dạng nhưng không hiểu sao tôi thích những bài âm hưởng dân ca của ông nhiều hơn. Đặc biệt có một bài mang chút triết lý khiến tôi yêu thích. Đó là bài “Người lữ khách trên đường về”. Thế nhưng một nhạc phẩm về Sài Gòn lại là bài tôi viết riêng. Sau khi tôi gửi bài viết về “Sài Gòn yêu ơi”, nhiều thân hữu gửi mail ngỏ ý thích bài đó. Có lẽ vì giai điệu nhẹ nhàng và lời thì vẫn có chút gì đó mỹ miều kiểu tiểu thư!

Tôi đã dành cho Minh Duy một chương trình âm nhạc riêng và cả phỏng vấn ông. Bài đăng trên Sóng Thần ở Virginia và cả Thế Giới Nghệ Sĩ ở Houston. Trong các chương trình giới thiệu sáng tác mới sau này, tôi vẫn ưu ái cho dòng nhạc Minh Duy.

Minh Duy đang định cư ở Úc. Ông đã trình làng 5 CD. Khi tôi tạm ngưng các bài viết hay giới thiệu âm nhạc vì vô tình bị cuốn vào “thời sự chính trị’, đó là vụ đài Việt Nam Hải Ngoại giao du với cán cộng cấp cao, Minh Duy là người nhạc sĩ duy nhất “…luôn đứng sau lưng tôi”!

Cảm ơn người nhạc sĩ có một thời nhạc quân hùng của ông vang khắp miền Nam…
Vũ Đức Nghiêm

Vũ Đức Nghiêm bên trái
Vào thập niên 70, sinh viên học sinh thích thú và yêu mến “Gọi người yêu dấu” với tiếng hát học trò của Thanh Lan. Tôi, cũng không ngoài điều ấy. Lời nhẹ nhàng thơ mộng và nhạc ..dễ hát chết đi được! Ai cũng nghêu ngao được cả. Tôi, cũng đương nhiên thích “ Thương em mong manh như một cành lan”! Thì tuổi trẻ giống nhau một số nét chứ.

Bản nhạc ấy gây ấn tượng mạnh nên sau này một số nhạc phẩm khác của VDN, hay nhắc lại “Người yêu dấu”. Kể ra trong ngôn ngữ Việt Nam, “người yêu dấu” nghe dễ thương thật!

Khi quen tôi, VĐN bảo “Anh có đứa con gái cùng tên QG với em đấy”. Trời đất ơi, tôi muốn nói “Vậy thì anh làm bố em đi!”

Tôi ở Virginia,  VĐN gửi cho tôi các CD của anh. Tôi cũng đã giới thiệu cho anh, đặc biệt nhạc phẩm viết về vợ của anh. Nhạc VĐN sau này cũng như xưa. Nhẹ nhàng và lời khá hay. Hay vì anh từng viết văn, làm thơ.

Tôi vẫn thích nhạc VĐN. Một nhạc phẩm mới sau này phổ thơ Vương Đức Lệ, tôi rất thích.

Tôi còn nhớ khi trong bài giới thiệu cuốn sách nhỏ “Vũ Đức Nghiêm, anh tôi” của Vũ Trung Hiền, tôi đã viết ở đoạn kết như sau:

“Và nếu như Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã làm cây tùng che chở trong đoạn đời về trước, làm cỏ biếc vương chân trong đoạn đời về sau cho đóa hồng yêu dấu của anh và Vũ Trung Hiền đốt lên ngọn lửa ân tình; thì tôi , Hoàng Lan Chi xin làm một ngọn gió mong manh, đưa những tình ân ấy trôi xa…”
 
Sáo ngữ nhỉ nhưng … “ Đà lạt, nơi mối tình nảy nở và Gọi người yêu dấu khi cách xa, rồi Thung Lung Hoa Vàng” thì với VĐN, sáo ngữ là điều cần!  Cũng như chỉ VĐN là thỉnh thoảng gọi tôi là “bé” mỗi khi trò chuyện qua điện thoại. “Bé”, làm tôi vui vui. Ngỡ như trở lại ngày xưa, thuở mình là bé của …rất nhiều người!
Phạm Anh Dũng

Phạm Anh Dũng là nhạc sĩ tôi quen khá sớm. Quen từ khi tôi còn ở Việt Nam. Hồi ấy, tôi tham gia forum Trưng Vương của Việt báo online. Phạm Anh Dũng vào forum sau tôi. Chị “moderator” lúc bấy giờ là Ngọc Trang. Chị viết giới thiệu tôi với Phạm Anh Dũng trong topic của Dũng. Dũng trả lời chị là tôi không xa lạ với Dũng, Dũng biết tôi từ ngày xưa…Và Dũng kể hồi đó Dũng đi theo người bạn trai đến sân trường Khoa học một lần, người ấy thích tôi…

Sau này trò chuyện nhiều hơn thì hoá ra Dũng cùng quê Thái Bình với tôi. Nhà Dũng ở Sài Gòn rất gần nhà mấy người bà con tôi. Dũng là người đầu tiên phổ bài thơ “Em đi đâu mà vội tóc thề ơi”. Chỉ là midi chưa ai hát.

Khi tôi sang Mỹ và đến Virginia thì tôi nhận quà Dũng là các CD, sách nhạc. Từ rừng gió Virginia, tôi nghe và viết “Dạ Quỳnh Hương” một nhạc phẩm ưng ý của Dũng được nhiều người ưa thích. Tôi phỏng vấn Dũng cho chương trình Sáng Tác Mới đầu tiên.

Thời gian sau, bài thơ “Tóc thề đi đâu mà vội” được vài nhạc sĩ khác phổ và có ca sĩ hát.

Duyên, đã khiến tôi quen ca sĩ Xuân Thanh. Năm 2006, Xuân Thanh đang gắn với nhạc Phạm Anh Dũng. Xuân Thanh đã xin hát bài “Tóc thề đi đâu mà vội” do Phạm Anh Dũng phổ. Tôi cho rằng nhờ tiếng hát mạnh của Xuân Thanh, nhạc được tôn lên khá nhiều.

Tuy Dũng ưa “Dạ Quỳnh Hương” nhưng cá nhân tôi lại thích “Tình Bỗng Khói Sương” hơn. Với tôi, TBKS hay hơn cả về nhạc và lời. Lời thơ của Phạm Ngọc sâu sắc và trau chuốt hơn.

Dũng có nhiều nhạc phẩm viết về Quỳnh. Tôi cũng thực hiện một chương trình riêng cho những nhạc phẩm ấy. Lý do là tôi “chiều” Dũng nhiều hơn chứ không phải vì tên tôi cũng là Quỳnh!

Giọng hát Dũng hồi trẻ chắc hay. Bây giờ tuổi già đã làm giảm. Giọng nói Dũng trầm và ấm. Đôi lúc, Dũng cũng “phải” chiều tôi nghĩa là …đọc dùm tôi vài bài viết nào đó khi tôi cần giọng nam!

Dũng rất “tiết kiệm” lời. E-mail viết cũng ít. Ngoài cũng vậy. Nói chung thì Dũng “hiền”. Đàn ông hiền quá, với tôi, không phải là điều thu hút.
Lê Vân Tú

Từ Úc châu, xứ sở kangouru, nhạc sĩ Lê Vân Tú đến với tôi nhẹ nhàng như tính cách của anh. Xuất thân giáo sư toán đại học khoa học nên con người anh nói năng chừng mực, cẩn trọng. Nhưng nét nghệ sĩ đã khiến anh có cái gì đó mong manh như tơ trời! Tôi dù già nhưng vẫn rất “active” cả trong lời nói và hành động nên đôi lúc đã “tranh luận” qua lại với anh. Và tôi đã nhìn thấy cái tôi gọi là “mong manh ấy” qua mail anh. Từ đó, tôi nương nhẹ với anh hơn chứ không “ào ào gió cuốn” như khi tôi đối thoại với nhạc sĩ Nguyễn Tuấn!

Nhạc LVT mang nhiều hơi hướm nhạc thời tiền chiến. Sau này anh sáng tác thêm một số nhạc phẩm có chút mới. Anh nói “chuyển nhạc” của anh là … nhưng “bổn cô nương” Hoàng Lan Chi lại không thích cái “chuyển đột ngột” ấy mà thích những chuyển đoạn dịu dàng kia!

Khá đa dạng nhưng thiên về tình ca nhiều. Một nhạc phẩm không tình không quê hương mà là cho con người: Chiều Tĩnh Lặng. “Chiều tĩnh lặng” với giai điệu không lê thê và tiếng trống bập bùng làm tôi yêu mến ngay. Nhạc LVT có vài thuận lợi là một số bài được ca sĩ “tên tuổi” hát. Tên tuổi và có lượng. Ví dụ như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà.

LVT khác Phạm Anh Dũng là không thiên về việc chọn giọng hát Quỳnh Lan quá nhiều. Năm 2005 khi mới nghe QL, tôi thấy hay. Càng về sau, QL xuất hiện hầu hết các CD do hải ngoại sáng tác bởi các nhạc sĩ “tài tử” khiến tôi hơi “ngấy”. Tôi bắt đầu chuyển từ “ngấy” sang “ngán” khi QL quá điệu. Ý Lan đã điệu, QL còn điệu hơn. Và hậu quả là cứ nghe QL trổi giọng là tôi tắt không nghe. Điều này gây thiệt thòi cho vài nhạc sĩ vì không nghe thì làm sao biết được nhạc phẩm đó hay ra sao!

LVT có nhiều ca sĩ “trẻ” trong nước hát.

Tôi cũng đã phỏng vấn LVT. Một bài phỏng vấn soạn khá công phu. Nói lên được hầu hết những “ưu điểm” và cả “tâm tư” người nhạc sĩ. Trong lãnh vực phỏng vấn, tôi “hiền hoà”. “Hiền hoà” như cái tên tôi đặt cho chương trình: “Trò Chuyện với Lan Chi” ! Vì trò chuyện nên nhẹ nhàng, thân mật và thân hữu.

Tôi cũng khá “ưu ái” cho LVT. Từ tôi, LVT có thêm những bài viết của người khác. Ví dụ như Khôi An. Khôi An đã viết cho LVT mấy bài. Nhận xét của Khôi An về nhạc LVT rất dễ thương và tinh tế.

LVT đã “hoan hỉ” ủng hộ đài Việt Nam Hải Ngoại ba trăm Mỹ kim khi tôi nhân danh đài kêu gọi mọi người mua vé số ủng hộ. LVT không lấy vé số, chỉ tặng tiền. Anh, người xuất thân khoa học, người hấp thụ giáo dục cổ xưa, đã biết cư xử!

LVT nói với con gái tôi “ ..sau này mẹ con hay viết chính trị, không hay. Bác thích những tuỳ bút hay bài viết về âm nhạc của mẹ hơn”! Vì tuổi tác của anh, vì tính cách mong manh tơ trời, tôi không tranh luận.

Làm người, đôi khi có những việc, trước khi cho ta là cho quê hương. Tôi nghĩ vậy!
Nguyễn Tuấn

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn là Bác Sĩ thú y. Dường như tôi quen anh qua thi sĩ Vương Ngọc Long. Nhưng nếu nói “may” thì anh là người gặp may. Ít ra là “may” trong quan hệ với tôi. Năm 2005, tôi đang đau tay và chưa đi làm. Vì thế, tôi đã có thì giờ trau chuốt cho CD “Bao Giờ Em Biết” của NT, phổ thơ Vương Ngọc Long.

Quá là công phu. Vì có ý kiến Nguyễn Tuấn, Ngọc Mai  và một dược sĩ đã khuất núi. Script viết cẩn thận. Khi đưa net, “banner” cũng được thực hiện. Banner đẹp với chữ thư pháp, với hình ảnh của NT, Ngọc Mai, Lan Chi …Và đặc biệt là một đoản văn nhỏ “Anh hiền như ma sơ”! “Sự tích ma sơ” là tôi nhìn hình anh gửi, tôi có cảm giác anh hiền. Và tôi nhớ đến nhạc phẩm “Em hiền như ma sơ”. Thì tôi ví anh như vậy. Có sao đâu! Nhưng “ma sơ” đã biến thành tên gọi anh. Tôi gọi hay anh xưng, đều là “Ma sơ đây”!

Nhạc NT cũng đa dạng và hay. Người bạn cũ khoa học của tôi thích nhạc NT. Cô bạn gái Khoa học (trong danh sách mail và như thế có đọc bài tôi viết) cũng thích nhạc NT. Như thường lệ, có lẽ tôi nghiêng cảm tình cho những nhạc phẩm “tango” của anh.

Năm 2007, tôi viết bài thơ cho con gái. Tôi nhờ anh phổ nhạc để làm quà sinh nhật cho bé. Anh nhờ cô bạn gái ở CA hát.

Bên cạnh khía cạnh âm nhạc, tôi và NT đôi khi “đụng độ” nhau về vấn đề ‘thời sự”. Tôi “cãi nhau ầm ầm” với NT. Nhưng cãi xong là lại thôi. Không thôi thì làm gì bây giờ? Tôi, không ăn thịt “ma sơ” và “ma sơ” cũng chả dụ dỗ được “bà bà”!

Ơ Pensylvania nên NT chịu khó đến Virginia tham dự các chương trình văn nghệ. Chả bù cho tôi, rất làm biếng. Một kỷ niệm: gia đình Hoàng Trọng thực hiện “Vọng tiếng tơ đồng” cho cố nhạc sĩ. Tôi gọi NT “ …cô nương làm biếng đi quá, ma sơ chịu khó ghi chi tiết cho cô nương viết bài nhé”. Sau đó bài  hình thành và được phổ biến rộng rã khắp nơi.

Một bài viết do tôi ngồi nhà và dựa vào bản ghi chi tiết của “ma sơ” Nguyễn Tuấn!
Lê Xuân Trường

Lê Xuân Trường có phải là mây lang thang không mà tôi vô tình dạo nét và gặp Trường.
Tôi đã yêu ngay nhạc phẩm “Mưa trên vùng tóc rối” với tiếng hát Tuấn Ngọc. Yêu là yêu không cần biết và không tìm tòi suy nghĩ.

Vài bạn hữu thắc mắc vì không đồng cảm với tôi. Kệ, tôi yêu “tóc rối” và cương quyết bảo thủ ý kiến mình. Gọi đến Trường, tôi không ngờ gặp một con người sôi nổi như thế. Trường kể cho tôi nghe mọi thứ. Từ khi còn ở Việt Nam, bố đi tù, vượt biên và sáng tác đầu tay “Hỏi thế có buồn không” ở trên đảo. Sang Canada rồi thiên cư Hoa Kỳ. Duyên với Thúy Nga để rồi trên 70 tác phẩm xuất hiện vừa CD vừa DVD Thuý Nga. Điều làm tôi thú vị là Trường giỏi, rất giỏi tiếng Việt, chủ bút hay tổng thư ký gì đấy cho tờ báo của Thuý Nga. Điều tôi bất ngờ hơn là qua tay Trường, vài ca sĩ thành danh. Angela Trâm Anh, giọng hát thật đặc biệt của Thuý Nga và bây giờ Trường đang chú tâm cho Thanh Bùi, một “idol” của Úc.

Tôi đã thực hiện một chương trình “Lê Xuân Trường, người đến từ California” cho Trường. Nhạc Trường đa số thiên về “nhạc trẻ” sôi động. Nhưng “Một khoảng trời bơ vơ” với tiếng hát Thiên Kim có thể coi là một nét khá trong sáng tác của Trường.

Mùa thu năm 2009, bất ngờ Trường gọi cho tôi. Không nhớ nội dung là  gì nhưng câu mở đầu, ở vào không và thời gian ấy thì như thơ và làm tôi xúc động “Bên chị thu đã về chưa?”. Để rồi câu nói ấy gợi hứng cho tôi viết tạp ghi mùa thu.

Trường hoạt động trong lãnh vực âm nhạc có lẽ nhiều hơn là sáng tác nhạc. Từ “Nhạc Chủ Đề” đến “Nhạc Tuyển Top Ten”. Tôi thầm nghĩ nếu có đất nhiều hơn có lẽ Trường sẽ là một ‘”ông bầu” thành công.

Xuân 2010 Trường gọi và khoe sắp trình làng một chương trình ca nhạc ở CA để giới thiệu Idol Thanh Bùi của Úc Châu.

Ông bầu trẻ.

Và “Hỏi thế có buồn không” một nhạc phẩm đầy ắp tình người, tình quê hương vẫn là một “điểm” nhẹ, rất nhẹ nhưng không phai mờ trong tôi.
Khê Kinh Kha


Khê Kinh Kha! Cái bút hiệu nghe “kỳ kỳ”! Kinh Kha, người tráng sĩ sang Tần, lưu danh hậu thế. Còn Khê Kinh Kha? Chưa bao giờ tôi hỏi anh về cái bút hiệu đó.

Cứ ngỡ gần Kinh Kha, chỉ khác cái “Khê” thì KKK phải có nét của KK nhưng thực tế thì không.

Nhạc, khởi đầu từ bài thơ  về quê hương khi KKK đang du học Mỹ và nhóm ca hát nào đó trong nước phổ nhạc. Nhạc, cho sau này, chen lẫn quê hương và tình ca.

Quê hương ca, không có cái hào khí Kinh Kha. Quê hương ca của KKK có vẻ như chịu ảnh hưởng  của TCS, nhạc sĩ mà tôi không thích. Than van và không có ý chí đứng lên làm điều gì đó cho quê hương. Thì cũng phải thôi, KKK gốc miền Trung và du học từ ngay khi đậu tú tài. Cảm nhận về quê hương của KKK sẽ không giống tôi, người đã phải từ bỏ miền bắc di cư vào nam tìm tự do.

Tình ca KKK thì khá mượt mà, nhẹ nhàng. Là thi sĩ, ngôn từ của KKK khá hơn vài nhạc sĩ tài tử khác.

Nhạc phẩm đầu tiên làm tôi xúc động là “Tình Sầu Hoàng Ngọc”. Với người khác, không là gì cả. Nhưng với tôi thì cái buồn của giai điệu, của ngôn ngữ làm lòng tôi chùng xuống. Như ngày nào tôi đắm đuối với “Tình Buồn” của PD.

Tôi vẫn giới thiệu KKK trong các chương trình âm nhạc của mình. Có khoảng thời gian, KKK không về Việt Nam nhưng vài ca sĩ ở quê nhà tổ chức đêm nhạc Tình ca KKK gì đấy. Chương trình này được quảng cáo ở vài báo, Công An là một. Ai đó “mét bu” với tôi và tôi đi đến quyết định: không giới thiệu nhạc KKK nữa. Tôi không chấp nhận việc văn thi nhạc sĩ phải “thoả hiệp” với VC để tác phẩm của mình được in hay phổ biến ở Việt Nam. KKK không dám giận “cô nương” ! KKK chỉ xin vẫn là bạn.

Thì KKK hiền!

Sau này KKK cảm thấy việc tổ chức nhạc ở Việt Nam là không đúng. Anh bày tỏ với tôi. Tôi mủm mỉm “Nếu anh thấy đó là không đúng thì cô nương mới dám nghe và viết về nhạc anh!”

KKK viết cho tôi khi xảy ra vụ đài Việt Nam Hải Ngoại giao du với VC. Anh thắc mắc, rồi lên án và tìm hiểu với chính những kẻ chống cộng nhưng lại bênh vực đài.

Và vì thế, Hoàng Lan Chi lại có thể tiếp tục viết về nhạc KKK mỗi khi cảm hứng!
Thuỵ Mi


Virginia một cuối tuần mùa xuân. Tôi gặp Thuỵ Mi ở nhà Đinh Quang Trung. Giản dị. Không huyên thuyên và không nói về mình nhiều (như vài nhạc sĩ khác).

Tôi bị chinh phục khi Thuỵ tự hát “Những Vết Chùng”. Dáng ngồi, cách hát. Thuỵ không điệu. Tôi vốn ghét những người quá điệu. Nhưng nhạc phẩm hay quá. Lời nhạc sâu sắc.

Tôi thực hiện giới thiệu CD “Những Vết Chùng” ngay trong chương trình Tác Giả-Tác Phẩm và Thính Giả của tôi. Tìm hiểu Thuỵ, tôi tò mò muốn biết những uẩn khúc nào để Thuỵ viết những lời lẽ như thế. Nhưng …chẳng có gì cả. Thuỵ, cuộc sống tròn đầy, thành công về nghề nghiệp nhưng chút suy tư đã khiến nàng viết những nốt nhạc ấy, những ngôn từ ấy.

Thừa thãi khi khen “Những Vết Chùng” vì nhiều người khen. Sau bài giới thiệu của tôi, nhiều thính giả hỏi để có CD này.

Một tài năng. Một nhân cách đáng mến.
Hàn Sĩ Nguyên

Ngày tôi còn ở Sài Gòn, Chu Hà muốn giới thiệu nhưng chưa kịp thì cành Lan ra đi.

Tháng Ba, Virginia còn lạnh lắm, rừng phong mới điểm chút lá non. Con đường trước nhà thật đẹp. Ngoằn ngoèo. Tôi nhận mail từ Hàn Sĩ Nguyên vào một buổi chiều trong phong cảnh diễm lệ ấy.

Không còn nhớ lắm nhưng HSN gửi cái gì đó và tôi nghe. Rồi thích. Giòng nhạc êm đềm có chút dân ca. Cái kiểu nỉ non buồn buồn vẫn chiếm cảm tình của tôi.

Rồi cũng không nhớ vì sao tôi viết “Hỏi rằng con suối có về hay không” cho nhạc phẩm ấy của Hàn. Rồi cũng chả nhớ vì sao Hàn viết cho tôi “Đêm thơm hương Quỳnh”. Trong nhạc phẩm này, tôi thích những câu sau vì nó gợi nhớ cho tôi về Dòng Thời Gian, quán nhạc hát với nhau.

Nơi đây em ngồi
Dáng xưa đâu rồi ?
Bụi thời gian bôi xóa
Tiếng hát vẳng xa khơi
Bàn chân chim bé nhỏ
Tìm nơi đâu gót hài ?

Dáng xưa, bụi thời gian làm tôi nhớ quán nhạc hát với nhau. Nơi ấy, tôi gặp người nhạc sĩ mà tôi rất yêu nhạc. Nơi ấy tôi gặp người đàn bà có tiếng hát tựa Thái Thanh. Nơi ấy, một nghệ sĩ như “duyên” nào đó mà tôi đã khá ưu ái cho anh. Anh đã “ghen” với một cậu nhỏ làm đám bạn tôi đêm ấy bất ngờ…Đêm đó, một đêm bên bờ sông Sài Gòn trước khi tôi ra đi. Nhớ lại và ngậm ngùi…

Tôi gọi cho Hàn sau khi biết Hàn có thời cùng học Khoa Học. Nhưng cũng từ những người bạn cũ Khoa Học, tôi được biết khi tôi đang chăm chỉ sách đèn thì dường như Hàn “dấn thân” vào biểu tình tranh đấu gì đó. Và tôi hiểu, lý tưởng của tôi khác Hàn.

Hàn phổ bài thơ “Em đi đâu mà vội tóc thề ơi” của tôi và Đăng Tuấn, một ca sĩ tài tử đang ở Việt Nam hát.

Hàn viết nhạc, thơ, văn. Nhạc và thơ về mẹ của Hàn khá hay.

ĐÊM THƠM HƯƠNG QUỲNH

Riêng tặng nhánh Quỳnh phiêu bạt Hoàng Lan Chi-
 
Đêm thơm hương quỳnh
Hương đêm trong lành
Dòng thời gian lãng đãng
Man mác sóng mông mênh
Giọt đàn rơi sầu lắng
Khói trắng như xây thành

Ta nghe em cười

Dư âm lưng trời

Giọt sầu rơi ấm ức
Xa mãi xa tình ơi
Đàn ai như nức nở
Bóng dáng xưa đâu rồi ?

Suối ơi man mác về Đông
Thuyền trôi lờ lững xuôi dòng
Bọt bèo phù vân
Chân mây mặt nước
Một lần phân ly
Chẳng mơ tương phùng

Suối ơi suối chảy về đâu ?
Trường giang cuộn sóng dạt dào
Người về phương nao
Cung sầu trầm lắng
Còn lại trăm năm
Chút duyên ban đầu

Đêm thơm hương quỳnh
Xa em không đành
Đầu nhạt phai sương muối
Tim buốt giá chông chênh
Thềm hoang xao xác lá
Ngỡ bóng ai qua mành

Nơi đây em ngồi
Dáng xưa đâu rồi ?
Bụi thời gian bôi xóa
Tiếng hát vẳng xa khơi
Bàn chân chim bé nhỏ
Tìm nơi đâu gót hài ?
 
Hàn Sĩ Nguyên

Lại Tích Phúc

Xuất thân hải quân, không biết từ bao giờ Lại Tích Phúc có hứng để sáng tác nhạc.

LTP đồng thời cũng là anh họ tôi. Trò chuyện qua điện thoại thì có lẽ chỉ sau vài phút là tôi hay ‘”cà khịa” ông anh.

Anh gửi cho tôi vài CD. Nhạc của anh không buồn mà đa số vui. Vui có khi rộn ràng và một anh bạn của tôi nhận xét rằng, có hơi hướng nhạc “Tầu”.

Anh phổ vài bài thơ của tôi và một người bạn nhận xét “Trong số 5 nhạc sĩ phổ bài Tóc thề đi đâu mà vội của Lan Chi, bài của Phúc là khá nhất”

Tôi, có lẽ cùng nhận xét.

Lại Tích Phúc thuở thanh niên rất đẹp trai nên đã được Mỹ mời đóng một bộ phim nói về hải quân.

Anh tôi giờ này già. Và tôi thích để đây, hình ảnh anh tôi. Của một ngày xưa!
Trần Ngọc


Là nhà báo, thi sĩ, Trần Ngọc viết nhiều thơ. Môt số lớn thơ anh được người bạn Canada phổ với giai điệu dân ca quê hương.

Phạm Anh Dũng cũng phổ một số thơ TN. Nhưng Võ Tá Hân đã thành công với bài “Đêm nhớ trăng Sài Gòn”.

TN hiền hoà. Mỗi khi gọi cho tôi luôn vui vẻ, và rất lễ phép. Có thể TN lớn tuổi hơn tôi nhưng đôi khi TN xưng Em với tôi làm tôi hơi bị tổn thọ!

Tôi giới thiệu CD “ Ru em ngọt ngào” của TN với sự tham gia của Lê Hữu và Ngọc Mai. Trần Ngọc rất thích. Đăng ngay bài trên báo Xuân của TN.

Nhớ Trần Ngọc là “Nhớ trăng Sài Gòn” !
Phạm Văn Kỳ Thanh


Tôi nghe nhạc Phạm Văn Kỳ Thanh từ 2000 nhưng không chú ý. Em gái tôi, Bích Hợp cho tôi nghe “Hoa Nắng”. Giai điệu nhẹ nhàng, học trò và hình ảnh thơ mộng. Em tôi hát hay, điệu đà, nũng nịu. Và tôi yêu “Hoa nắng” từ đó. Đến tận bây giờ.

Khi tôi ngỏ ý định giới thiệu CD của Thuỵ Mi và tôi cần một người từng nghe CD này để ‘bàn luận” với tôi thì Thuỵ Mi giới thiệu PVKT.

Tiếp xúc. Rồi biết PVKT và biết cả cái khả năng ăn nói của một luật sư! Chúng tôi trò chuyện và cả “tranh luận” về tiếng hát Tuấn Ngọc, Nguyên Khang trong CD Thuỵ Mi.

Họ Phạm, sau đó gửi tôi một CD và vài bài viết về anh. Tôi mở nghe và ô, Hoa Nắng mà tôi nghe em gái tôi hát ngày tôi đến San Jose. Của năm 2000!

Sau này khi giới thiệu chương trình nhạc từ mùa hè đến mùa đông tôi đều ưa thích gửi “Hoa nắng”. PVKT là bạn của em họ tôi, Hà Quốc Bảo. Từ đó, biết em gái Hà Bích Hợp của tôi. Bích Hợp chọn Hoa Nắng hát chỉ là vì nhạc phẩm nhẹ nhàng mượt mà.

Tôi, vẫn yêu “Hoa Nắng” vì cái mượt mà ấy.

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/HoaNang.mp3

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.