Lê Hải- Tình Trễ

Đọc Tình Trễ- Lê Hải
Tình Trễ

Gót thơm em có dừng bến lặng
Một phút nhân gian chút dại khờ
Để lại bên bờ đôi phút mộng
Tình chợt vèo bay như lá khô

Ly đắng dỗi hờn môi mật ngọt
Áo hoa vờn gío lạnh vào đông
Chưa lần lỡ hẹn sao tình mất
Đối ngọn đèn khuya thêm nhớ mong

Năm ngón tay dài rung lỡ nhịp
Đàn khuya quay quắt khúc chờ mong
Thềm vắng,  đêm cùng trăng gío mệt
Nhớ em hồn tưởng lạc hư không

Đây đó vô thường em có mỏi
Tìm nhau gác nhỏ đếm thu vơi
Rồi mai nhan sắc không còn nữa
Tôi vẫn bên em tận cuối đời
.

Lê Hải

Trong cuộc sống,  có nhiều cái trễ nhưng có lẽ Tình Trễ là nỗi đau cứ mỗi ngày thấm sâu vào mạch máu,  luân chuyển đến trái tim tuy đã chậm nhịp nhưng không già.

Khi đã bước vào tuổi mà  Khổng xưa nói “ Ngũ thập tri thiên mệnh”   thì khá nhiều người đã ngậm ngùi với Tình Trễ. Vâng,  Ta gặp em,  sao quá muộn màng. Với biết bao lý do đã ngăn đường chắn lối mà người giữ nếp xưa không dám vượt rào nên chỉ còn biết ôm nửa hồn thương đau với Tình Trễ.

Lê Hải là một phi công,  trưởng phi đòan Lôi Bằng. Xuất thân nho gia nên việc Chàng làm thơ là điều không lạ. Lê Hải không sản xuất thơ ồ ạt mà thi thỏang nhả vài sợi. TÌNH TRỄ  là một sợi tơ tím pha mầu xám đã quyến rũ tôi khi nốt nhạc cuối rơi rất tình.

Rồi mai nhan sắc không còn nữa
Tôi vẫn bên em tận cuối đời
.

Vâng,  chính hai câu cuối này đã làm tôi xao xuyến và đọc lại từ đầu. Ngôn ngữ thơ thường chọn chất thơ nhưng Lê Hải đã không gieo Tình Muộn  mà là Tình Trễ  Quả là Chàng cũng có đôi chút lạ đời. Tôi lẩn thẩn nghĩ suy,  thế Muộn là sao và Trễ là sao? Thôi,  cứ để ngỏ câu hỏi đấy..

Ngôn ngữ thơ Lê Hải với tôi khá là cô đọng. Không cố tình trau chuốt điểm phấn cho thơ mà Chàng buông ý rất nhẹ. Gót thơm em có dừng bến lặng. Một phút nhân gian chút dại khờ. Chỉ câu đầu,  rất cô đọng với Gót thơm đủ để người đọc hiểu là ai. Ai,  mà đa số thường tả với tóc mây,  với mắt nai   thì Lê Hải buông ngay chữ “Gót thơm”. Tôi thích cách sử dụng ngôn ngữ ấy,  không đi vào khuôn sáo cũ. Câu cuối của đọan đầu không lãng mạn,  không tình tứ mà khô và sắc nhưng tượng hình biết bao.

Tình chợt vèo bay như lá khô!

Chỉ trong môt đọan đầu,  Lê Hải đã dùng chữ Lặng  cho Bến Lặng,    Gót Thơm  và Tình vèo  làm bài thơ như một sợi tơ tím,  mầu tím của Sông Hương Núi Ngự,  tình mà như ẩn.

Đọan hai

Ly đắng dỗi hờn môi mật ngọt
Áo hoa vờn gío lạnh vào đông
Chưa lần lỡ hẹn sao tình mất
Đối ngọn đèn khuya thêm nhớ mong

Sợi tơ tím trải mênh mang. Ta nghe như môt chút tình loang trong gió. Câu thứ ba của đọan này theo tôi thật thấm thía Chưa lần lỡ hẹn sao tình mất!  vâng,  Tình Trễ đã được diễn tả ở câu này,  theo tôi – là hay nhất. Có là Tình Trễ thì mới chưa Hẹn mà đã mất!

Đọan ba

Năm ngón tay dài rung lỡ nhịp
Đàn khuya quay quắt khúc chờ mong
Thềm vắng,  đêm cùng trăng gío mệt
Nhớ em hồn tưởng lạc hư không

Rất tượng hình và cô đọng phải không? Không rên rỉ,  than van,  khóc mưa trách nắng,  Chàng gói gọn tình muộn trong các câu “ Rung lỡ nhịp”   và “ quay quắt khúc chờ mong”. Chỉ bốn câu mà diễn tả đủ,  vừa đủ cho nỗi cô độc của Chàng với Tình Trễ. Sợi tơ tím đã nhuốm mầu xám với “ Hư không”

Đọan bốn

Đây đó vô thường em có mỏi
Tìm nhau gác nhỏ đếm thu vơi
Rồi mai nhan sắc không còn nữa
Tôi vẫn bên em tận cuối đời.

Sợi tơ của Chàng đã chuyển thành xám hẳn rồi. Đây đó vô thường em có mỏi. Chàng muốn nói gì đây? Em-có mỏi mệt trong vô thường đời sống? Nhưng chữ Đây đó sử dụng ở đây hàm nghĩa gì? Ám chỉ một cuộc sống của Nàng rày đây mai đó ư? Thôi hãy để người đọc tự cảm nhận theo ý riêng!
Tôi,  chỉ “kết” hai câu cuối. Quá hay và rất tình. Nếu nói theo ngôn ngữ  và ý tưởng của thời chúng tôi thì “ Biết là xạo ke nhưng sao vẫn cứ thấy lòng rung động” !

Vâng,  Chàng mời,  gót thơm có mỏi,  xin tìm về gác nhỏ để cùng nhau đếm thu vơi và sợi tơ xám đã buông chùng lưới võng vì ai mà không động lòng khi Chàng thủ thỉ  “Rồi mai nhan sắc không còn nữa.Tôi vẫn bên em tận cuối đời’
Phụ nữ,  muôn đời là nhẹ dạ,  sẽ tin ngay rằng Chàng nói Thật.

Còn tôi,  tôi biết Chàng giả dối nhưng tôi thích hai câu cuối ấy.  Thế thì..tôi cũng là nhẹ dạ,  dù chỉ một tí thôi?

Hoàng Lan Chi 2005

This entry was posted in Điểm Sách. Bookmark the permalink.