Sống Như Người, “Mãnh Sư” Của Chiến Trường Bình Định, Nguyễn Mạnh Tường!

Thủ phủ của người Việt tị nạn cộng sản, Little Sài Gòn với những ngày ấm áp, chỉ còn rơi rớt chút tàn đông vào nửa khuya. Hoa tưng bừng khoe sắc, sắc trời xanh lơ. Tôi đến viếng mộ phần “Mãnh sư Bình Định”, Cựu Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường vào một ngày trung tuần tháng Hai năm Tân Mão.
Người đưa tôi đi, cựu Đại Úy Trần Phú Trắc. Tìm không ra dù biết rất gần và “mốc” là cạnh mộ phu nhân Cựu Trung Tá Vũ Trọng Mục.  “Mãnh sư” chưa có mộ bia nên tìm hơi khó. Sau đó, Cựu Thiếu Tá Dư Văn Hạ đến giúp và  chúng tôi tìm được mộ, bầy biện cúng.

“Chú này, QG đã nói là chú ráng khỏe đi, QG sẽ đến chăm sóc chú, sao chú không ráng?” Tôi thì thầm với “mãnh sư” như thế. Thời gian lúc nào cũng như vó câu. Ngày xưa, tôi biết Tường, gọi là chú nhưng chưa bao giờ gặp. Ngày đó, ông là bạn thân Đinh Tiến Lãng, chú tôi và vì thế lũ cháu gọi là “cậu Tường/chú Tường” tùy theo đứa đó gọi Lãng là cậu hay chú! Năm 1984 gì đó, Lãng từ Mỹ gửi tiền cho Dzi thăm nuôi ông vì ông  là “mồ côi”. “Mồ côi” vì vợ con vượt biên, định cư Úc và từ đó bặt tin. Tôi đang ở chung nhà với Dzi và tôi mua ít quà bỏ vào với giòng chữ giản dị “Cháu gái ĐTL gửi biếu chú Tường”. Chỉ là tôi cảm thương hòan cảnh người lính thôi. Nhiều năm sau, cô cháu gặp ông chú ở Vĩnh Nghiêm. Ông đang thiền ở đây. Ông tặng tôi cuốn sách Thiền chép tay với chữ viết khá đẹp. Nhưng cái “duyên” là trong tập cho cô cháu, ông diễn giải về cái tên “Quỳnh Giao” của tôi ở một trang. Có lẽ vì thế khi đi Mỹ, bỏ lại nhiều thứ nhưng tập Thiền của chú, tôi đem theo.

Năm 2010, xem tin net, biết “mãnh sư” đang nằm bệnh viện, tôi liên lạc Mậu và nhờ Mậu nói vào tai ông câu trên, không cần biết ông nghe được hay không! Chỉ ông và tôi hiểu được câu nói đó nghĩa là gì!  Từ đó Mậu cho tôi biết tình hình ông thường xuyên.

Rồi chuyện phải đến. “Ổng đi rồi chị à”. Mậu gọi cho tôi sau khi bệnh viện rút ông thở và “mãnh sư” ra đi nhẹ nhàng.

Một lần tôi đã viết chúng ta cần tri ân “internet”. Vâng, chính nhờ “internet”, tin tức được loan truyền nhanh chóng.

Trắc kể “Đòan Hữu Định rất có lòng. Định đã gửi mail ra nhờ anh em ở San Jose chăm sóc ông Tường. Tuy vậy, trong nhóm Định, có anh em đã không hiểu cá tính ô Tường. Họ gửi mail đi khắp nơi, có tính cách bi thảm hóa trường hợp ổng, chuyện gia đình của ổng. Nếu ổng sống, biết chuyện đó, ổng không vui đâu.” Tôi hòan toàn đồng ý với Trắc. Lẽ ra, chỉ cần gửi mail báo tin “mãnh sư” đang ở bệnh viện, thế là đủ! Nếu “người ấy” không  tuyệt tình, tự khắc họ liên lạc, không cần “kêu gào, kể lể”.

Những ngày “mãnh sư” nằm bệnh viện, tin tức loan tải khiến nhiều người “lũ lượt” viếng thăm. Mậu kể, bệnh viện nói “Chúng tôi biết ông này rất ‘rich’. Nhìn vào số người xếp hàng chờ đến phiên vào thăm ông là đủ biết khi sống ông đã như thế nào..” Bên cạnh đó, chiến hữu hồi tưởng và viết bài. Bài đầu tiên tôi đọc của Trần Thúc Vũ, thật tuyệt vời. Rất đầy đủ và trung thực. Rồi tiếp theo bài của Nguyễn Mậu, của NTĐ, Song Vũ, Đăng Nguyên…Những tin tức bất ngờ được chia sẻ. Tựu trung thì Nguyễn Mạnh Tường, con mãnh sư của chiến trường Bình Định xứng đáng là một “người lính VNCH” đúng nghĩa nhất. Tôi thích viết như vậy dù nhiều người xưng tụng ông là “anh hùng”. “Mãnh sư” đã cứu rất nhiều chiến hữu và cả người dân trong nhiều chiến trận. Một chi tiết của truyện kể làm tôi thú vị là Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân tuyên bố “ ..các anh nghe đây, hễ 81 ra lệnh là coi như tôi ra lệnh. Dù là việc gì, công hay tư. Đến như việc phải lấy chiến đấu cơ phản lực đưa ông 81 về Sài Gòn, cũng phải làm”. Nghe thật cảm động, “mãnh sư” đã có một chiến công vô cùng rực rỡ, hiển hách! Chiến công ấy không chỉ biểu lộ tài cầm quân mà còn cả trí phán đóan và kết quả là cứu bao nhiêu chiến sĩ cùng gia đình và cả tài sản phi cơ cho đất nước!

Hãy nghe một Cố Vấn Mỹ, Tiến sĩ Sử Học  nhận xét “…Đại tá Nguyễn Mạnh Tường xuất thân khóa 5 Trừ Bị Thủ Đức nhưng ông yêu binh nghiệp, yêu Tổ Quốc hơn hết thẩy tình yêu nước của tất cả các ông Tướng Việt Nam mà tôi biết cộng lại!”( Bài viết của NVĐ, nguyệt san KBC số tháng 3/2011)

Thật cảm động khi “người lính” viết về “người lính” như thế. Vâng, muộn còn hơn không. “Mãnh sư” thiền, “mãnh sư” không  thích ai nói về mình nhưng bổn phận/nghĩa vụ đã khiến người lính phải viết để cho hậu thế biết rằng bên cạnh vài vị Tướng tham nhũng bất tài, miền Nam chúng tôi còn nhiều “mãnh sư” như “mãnh sư” Nguyễn Mạnh Tường! Tất cả các bài viết chung nhất một điều về con người thao lược ấy, về đức độ ấy.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện nào thể hiện tình chiến hữu đẹp như “sự kiện tang lễ” Cựu Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường. Không người thân nhưng các chiến hữu đã lo tất cả cho ông. Nào có ai được vinh dự như sau “…chúng tôi cảm ơn anh em Bắc CA đã nhường cái vinh dự được đón anh Nguyễn Mạnh Tường về Nam CA cho  chúng tôi! ( Trích lời phát biểu của Trung Tá Vũ Trọng Mục). Nào ai có cái vinh dự, xe quàn từ Little Sài Gòn đến San Jose để đón “người về” và tang lễ thật long trọng? Nào ai có vinh dự được cả những người không  quen biết tình nguyện đến viếng thăm ở bệnh viện, tình nguyện đóng góp chi phí mai táng, tình nguyện lo tang lễ? Vâng, “chú Tường” của tôi đã sống một đời oanh liệt và cuối đời ông đã được hưởng những vinh dự đó! Một vinh dự mà không phải một vị Tướng hay Tá nào cũng có!

Trắc kể “ .. Ban đầu  chúng tôi dự định thiêu nhưng anh Vũ Trọng Mục có sẵn đất và anh nói, khi sống chúng tôi có nhau thì nay chết, tôi mong mỏi anh Tường ở cạnh tôi..” Thế nhưng cuối cùng sự đóng góp từ muôn phương cũng đủ chi phí cả phần mộ cho “mãnh sư”!

Người đồng đội, chiến hữu bao năm của “chú Tường”, Trung Tá Vũ Trọng Mục kể “ ..Tường không  có người thân nên tôi là người được Tường ủy quyền. Tuy vậy, vì tuổi tôi ngang ngang Tường nên tôi phải để thêm hai con tôi vì e ngại có khi tôi đi trước Tường thì sao. Khi Tường ở San Diago, bệnh nhiều và tôi phải cố gắng hết sức đưa Tường đến San Francisco. Lúc Tường đến nhà cháu kia chơi, bị phỏng nước nóng trong phòng tắm và nằm bệnh viện ở San Jose, do cái vòng đeo tay với nội dung là không chữa nếu bịnh ngặt nghèo nên BV chưa làm gì cả, các cháu tôi phải đến và yêu cầu chữa trị. Nhưng vì Tường bị tiểu đường nên vấn đề ghép da khó khăn. Tường đã bị phỏng cấp 3 nhưng Tường không cảm thấy đau nhiều chỉ vì tiểu đường đã khiến cảm giác bị tê liệt một phần.” Viết đến đây, tôi phải ngưng và ngầm cảm ơn hai người con Trung Tá Mục. Các cháu đã bỏ thì giờ chăm sóc, lo lắng cho “mãnh sư” vẹn tòan.

Trắc kể một chuyện nho nhỏ “ …Ổng theo đạo Tin Lành. Tù về, ổng thiền. Rồi khi bệnh, người quen giúp đỡ và sau đó yêu cầu thì ổng lại theo đạo Chúa. Vì thế khi chuẩn bị tang lễ cũng có bàn làm kiểu gì. Nhưng sau đó anh Mục trình bầy là những năm cuối đời ổng nhờ người tìm Kinh Hoa Nghiêm cho ổng đọc. Do đó cuối cùng quyết định tang lễ theo nghi thức Phật Giáo”. Tuy vậy, trong tang lễ, cũng có Linh Mục đến góp phần theo nghi thức Thiên Chúa Giáo. Quả là đặc biệt, chưa một tang lễ nào lại được thực hiện với tất cả tôn kính, trân trọng từ hai đạo giáo lớn. Ngắm hình ảnh các vị Thầy ngồi chung với Linh Mục, tôi thấy lòng xiết bao cảm động.

Tang lễ với đầy đủ nghi thức. Tình quân dân, nghĩa đồng đội đã được thể hiện thật cảm động. Mấy ai trên đời sống được một đời sống có ý nghĩa để khi ra đi, bao vòng tay đã mở rộng, bao ân tình đã được trao?

“Mãnh sư” ơi hãy yên nghỉ nhé. Hình ảnh, cuộc đời của người là một gương sáng cho những người còn lại.

Orange County, tháng Hai ngày Ngọ năm Tân Mão

Hoàng Lan Chi

 

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.