Chia sẻ kỳ 1-Hoàng Lan Chi-Sức Mạnh của Tư Tưởng

Bắt đầu hè rồi đấy. Trời đã khởi sự nóng chứ không còn mát như giữa tháng Sáu.

Hôm nay cuối tuần có một chuyện vui nho nhỏ.

Tôi mới nhận báo Bút Tre.

Trong Lá Thư Chủ Nhiệm, Mộng Tuyền trân trọng giới thiệu mục mới “Chia Sẻ” do “Cô Hoàng Lan Chi phụ trách”.

Mở vào bên trong, tôi mỉm cười. Trang mầu với chữ tím, hoa tím. Ngày xưa thuở học trò tôi yêu mầu hồng. Ngày nay tuổi tuyết trắng tôi yêu mầu tím. Bút Tre đã “layout” trang báo thật nhu nhã dễ thương với mầu tím tôi đang yêu.

Cách đây vài tháng, Mộng Tuyền, Chủ Nhiệm Bút Tre mail nói rằng “Cô ơi, con thích mục của bà Oprah lắm. Cô viết giống vậy được không”. Tôi search net coi đó là những đề tài gì. (Thời buổi net thích thật, cứ search là ra câu giải đáp cho hầu hết mọi câu hỏi!). Tôi trả lời là “Cô không thích giống hoàn toàn nhưng để hè cô suy nghĩ thêm. Viết ngắn mà phải cô đọng có ý nghĩa khó hơn là viết tán dông tán dài”.

Hè, tôi mới có thì giờ suy nghĩ đề tài và cả “tựa”.

Loanh quanh thì tôi lại trở về với “những gì mình mơ ước”. Mơ ước cải tạo xã hội là mơ ước xưa nhất của tôi. Mơ ước ấy có từ thuở sinh viên lận. Tôi yêu quê hương và tôi …ghét nước Nhật lắm. Tôi mong Việt Nam hùng cường …nhất Châu Á, bỏ rơi Nhật. Muốn thế phải bồi đắp giới trẻ vì họ là những người cầm vận mệnh quốc gia tương lai mà, phải thế không. Muốn thế phải giáo dục giới trẻ ngay từ thuở nhỏ, từ gia đình, học đường rồi xã hội.

Mở dấu ngoặc, nếu năm 2004, tôi chọn “Trò Chuyện với Lan Chi” để tìm hiểu “tài năng” và giới thiệu họ với mọi người, thì cũng là một hình thức “Nêu gương hay cho người khác làm theo” đúng không nào.

Năm nay, tôi chọn “Chia Sẻ”.

Trong đời, ai cũng có kinh nghiệm cho riêng mình phải không? Rút kinh nghiệm là việc làm có thể suốt đời. Rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm ấy với người chung quanh là một điều hay và tốt.

Chia Sẻ” vừa khởi đầu trên báo Bút Tre số tháng 6/2013.

Như trong lời giới thiệu, tôi ước mong nhận được những chia sẻ từ thân hữu khắp nơi. Hoàng Lan Chi xin làm cầu nối để kinh nghiệm từ người này được gửi đến người khác.

Hoàng Lan Chi 6/2013

**************************************************************

Giới thiệu mục mới: Bút Tre hân hạnh giới thiệu mục mới: Chia Sẻ do cô Hoàng Lan Chi phụ trách. Nội dung là chia sẻ những gì mà chúng ta “rút kinh nghiệm” được từ chính bản thân mình hay có khi chỉ là kinh nghiệm của người khác chia cho ta như rót nước từ ly lớn sang ly nhỏ. Mục này hân hoan đón nhận mọi chia sẻ từ độc giả. Xin gửi những suy nghĩ của bạn để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc sống về: hoanglanchi

Sức Mạnh của Tư Tưởng

Khoảng 1969, tôi tò mò hỏi cô bạn học giỏi “Sao lúc nào bạn cũng đậu major vậy?”. Cô nói “Mình học bình thường nhưng trước khi thi, mình thường tập trung vào sách và suy nghĩ xem đề thi sẽ ở chương nào. Thường thì mình đoán đúng”.

Tôi suy nghĩ và thử áp dụng. Ngày ấy, tôi đang học chứng chỉ VLDC. Tôi quý vị GS trưởng ban lắm vì ông nhu nhã, lịch sự và rất thương sinh viên. Tôi tập trung tư tưởng và đoán thử đề thi sẽ là gì khi dò lại bài lần cuối. Thật kỳ diệu, không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng “Thế nào cũng có một câu không ai ngờ là câu này ở chương này”. Đúng y chang, tôi “trúng tủ” câu ấy và nhờ đó tôi có điểm thi viết cao nhất.

Có lẽ “cái số” đã khiến tôi quên bẵng chuyện ấy và không áp dụng nữa. Khoảng 1990, tôi phải ở tại một nhà kia, thừa hưởng từ bà chị đi nước ngoài. Trước đó, bà nói nhà bà có “ông tiền chủ”nghĩa là có “ma”. Khi nghe nói vậy tôi rất sợ vì tính tôi nhát. Tôi bày tỏ với bác hàng xóm. Bác khuyên tôi như sau “Không cúng gì cả. Cứ nói chuyện với họ bình thường.” Tôi nghe lời khuyên của bác, thử áp dụng bằng cách thắp nén nhang rồi nói chuyện với “tiền chủ”. Tôi bảo rằng người chết không phải lo cái gì nữa cả. Cái đói chỉ là ảo tưởng. Chỉ người sống như tôi mới là đang phải mưu sinh. Vậy thì tốt hơn hết, không ai đụng ai v.v. Sau buổi “nói chuyện với người chết cũ trong nhà” ấy, tôi thấy tự tin hẳn và không còn sợ hãi nhiều. Tôi cũng không cúng mà không sợ “tiền chủ” hiện về vòi vĩnh như chị tôi nói vì “đói là ảo tưởng chứ có thân xác đâu mà đói?”.

Những cái trên tạm coi như là “sức mạnh của tư tưởng”. Khi ta dùng tư tưởng để suy nghĩ về một điều gì đó thì có thể điều đó sẽ thành sự thật. Khoa học đôi khi gọi cái này là “tự kỷ ám thị”. Sách luyện tập tinh thần ngày xưa mà tôi đọc cũng khuyên ta tập thể dục cho tinh thần bằng hình thức tự kỷ hàng ngày những gì ta muốn.

Sức mạnh tinh thần hay tư tưởng đã được khoa học chứng minh ở vài điều. Chẳng hạn sức mạnh của tư tưởng có thể khiến một người bỗng có một khả năng khác hẳn bình thường. Ví dụ một người vì quá tiếc của, tư tưởng của họ tác động mạnh khiến họ có sức mạnh vượt trội để có thể vác một cái tủ nặng khi nhà bị cháy. Còn biết bao gương cho thấy sức mạnh của tư tưởng đã khiến người mẹ đã làm được những việc không thể ngờ cho con mình.

Trong kiếm hiệp cũng có mô tả trường hợp một vị thầy đã dùng “kiếm ý” mà ông tu luyện để đánh bại một đệ tử phản phúc.

Lúc gần đây, tôi dùng sức mạnh tư tưởng để bắt mình phải làm một việc gì đó. Ví dụ, tôi vừa đi bộ vừa lẩm bẩm “Nhất định ta phải làm được việc đó” hoặc tôi tự vẽ ra một quyền lợi nào đó để tự dỗ dành mình khi buộc phải làm một điều gì. Ví dụ trước kia không bao giờ tôi đi bộ được nửa giờ chứ đừng nói một giờ. Sau này tôi tự dỗ mình “Mất có một giờ mà được bao nhiêu cái lợi. Nào là cholesterol xuống, đường thấp, chân dẻo dai, hít thở không khí trong lành…Vả lại, vừa đi bộ vừa đọc kinh Phật ngắn, rồi suy nghĩ về những đề tài sẽ viết thì cũng đâu có mất thì giờ”. Nhờ tự dỗ, nhờ sức mạnh tư tưởng mà sau này hầu như ngày nào tôi cũng đi bộ được một giờ vào buổi chiều tối. Hoặc cũng có lúc tôi tự thả mình theo tư tưởng xấu “Tại sao cứ phải nhịn hoài. Kệ nó, ăn đi cho sướng” thì lập tức tôi có cảm tưởng mình hay đói, hay thèm và ăn nhiều. Nhưng khi nhìn gương người khác xuống ký dễ dàng hay đọc bài báo nói về những nguy hiểm của những bệnh do phát phì gây ra, tôi có cảm giác sợ hãi và tự nhủ mình không vậy nữa thì thật kỳ lạ, tối đó tôi không thèm ăn vặt hay không còn đói nhiều. Xem ra, thường xuyên đọc sách báo tốt cũng là một hình thức cung cấp thực phẩm cho tư tưởng, tinh thần chúng ta.

Khi dùng sức mạnh tư tưởng tác động trên một việc hay một sự kiện, tôi nhận thấy việc đó tôi đã làm được hoặc không còn khó khăn đối với tôi như trước nữa.

Hoàng Lan Chi 2013

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.