PV Hoạ Sĩ Vũ Thái Hoà- Pháp

Trò Chuyện với Lan Chi

LGT: Trò Chuyện với Lan Chi kỳ này xin giới thiệu Họa Sĩ Vũ Thái Hòa từ Pháp. Ông từng được Cơ Quan Văn Hóa Khoa Học Quốc Tế UNESCO trao tặng Huy Chương Hội Họa Picasso – Miró (UNESCO) 1987.

HLC: Xin chào họa sĩ Vũ Thái Hòa. Vô tình tôi có vào trang blog của ông. Vừa là một họa sĩ lại cả nhạc sĩ thì cũng tài hoa. Tuy cá nhân tôi thích nhạc hơn họa nhưng có lẽ cần giới thiệu với độc giả về một họa sĩ được huy chương của Unessco trước vậy.

VTH: Vũ Thái Hòa Kính chào Quý độc giả và chị Lan Chi.

HLC: Trước hết xin ông cho biết về Huy chương 1987 từ UNESCO?

VTH: Thưa Qúy độc giả và chị Lan Chi, Huy chương Hội Họa Picasso-Miró (UNESCO) do UNESCO (Cơ quan Văn hóa và Khoa Học Quốc tế) thành lập năm 1981 để trao tặng và nhìn nhận những Họa sĩ đã có tác phẩm đóng góp cho Cơ quan này. Huy chương được đúc bằng đồng có ghi tên 2 danh họa quốc tế là Picasso và Miró – 1981 (năm thành lập của Huy chương) UNESCO. Hình quả trứng, dẹp, bằng 3 ngón tay, hai mặt của Huy chương có đường nét vẽ nổi của 2 danh họa Picasso và Miró,và hàng chữ UNESCO. Năm 1987 tôi hân hạnh được UNESCO trao tặng Huy chương này để nhìn nhận là tôi là một họa sĩ có tác phẩm đóng góp cho UNESCO.

HLC: Thế còn Họa phẩm “Đêm Dài” (Longue a été la nuit) tranh Vũ Thái Hòa được Họa gia Quốc tế R. Loukine giới thiệu lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Arsonval (Pháp) 1987 là thế nào? Với họa phẩm này, ông muốn gửi gấm điều gì trong ấy?

VTH: Tháng 4/1986 lần đầu tiên tranh của tôi được trưng bày tại Pháp, trong cuộc triển lãm thứ 75e của Société Artistique de l’Aube (Hội Nghệ thuật của Aube), Dịp này họa phẩm Longue a été la nuit (Đêm dài) của tôi đã chinh phục được người xem và ban tổ chức triển lãm, vì nó có một đề tài và một nét vẽ rất lạ. Bức tranh vẽ một người con gái VN nghèo khổ, áo rách, thân gầy mòn, tay cầm một ngọn nến đang cháy, trên đầu đội một nón sắt Lính ngược – nón sắt thì han rỉ, bụi đất trong nón sắt đã trổ bông dại (biểu tượng chiến tranh đã tàn), người thiếu nữ ngồi ở một nơi không có gì để sống sau hàng kẽm gai kìm kẹp tương lai. Họa phẩm này tôi gửi gấm sự khát vọng của Quê hương VN, mong chờ được giải thoát khỏi chế độ Cộng sản và tìm được tự do, no ấm trong cuôc sống cho mọi người. Tác phẩm này được nhật báo Libération Champagne trao tặng giải thưởng Hội Họa Libé. Chính vì thế mà tác phẩm Longue a été la nuit của tôi đã lọt vào mắt của UNESCO (Cơ quan Văn Hóa Khoa Học Quốc Tế). Vào tháng 3/1987 đại diện UNESCO tại Troyes liên lạc với tôi đề nghị xin tác phẩm Longue a été la nuit để đưa vào Viện Bảo Tàng Loukine d’Arsonval (Bar sur Aube) – Tôi nhận lời đề nghị của UNESCO. Tháng 4/1987 Chính Họa gia Quốc tế Rostislas Loukine (Người sáng lập Viện Bảo Tàng Loukine d’Arsonval – Bar sur Aube) đã tươi cười cầm tác phẩm Longue a été la nuit (Đêm dài) của Vũ Thái Hòa giới thiệu với báo chí Pháp, (Hình đăng trên nhật báo L’est Éclair 8/4/1987) dịp này một tiệc chiêu đãi các Họa sĩ vùng Aube do UNESCO tổ chức, UNESCO đã trao tặng tôi Huy chương Hội Họa Picasso-Miró (UNESCO) để nhìn nhận Vũ Thái Hòa là một họa sĩ đã đóng góp tác phẩm cho UNESCO.

Hình chụp Họa gia Quốc tế Rostislas Loukine tươi cười bên Họa phẩm Longue a été la nuit (Đêm dài) tranh Vũ Thái Hòa giới thiệu với báo chí Pháp (Hình đăng trên nhật báo l’est écair (Pháp) 8/4/1987

HLC: Từ 1999,2000,2001 Ông có chân trong Hội đồng Giám khảo thi họa quốc tế do UNESCO tổ chức hàng năm tại Troyes (Pháp). Cuộc thi này là cuộc thi hội họa gì thưa ông? Ông có thể cho vài nét tổng quát về cuộc thi này và kỷ niệm nào sâu đậm nhất trong ông khi ngồi ghế giám khảo?

VTH: Hằng năm cứ vào mùa xuân, văn phòng đại diện UNESCO tại Troyes có tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trong ngành Hội Họa, tuổi từ 5 đến 25 (kể cả các em còn đang học trường Mỹ thuật hay Cao đẳng Mỹ thuật) – mỗi năm một chủ đề khác nhau, cuôc thi này được quảng bá rộng rãi trên Thế giới (Khối Pháp Ngữ). Tranh đoạt giải thưởng cuộc thi này sẽ được UNESCO đưa đi triển lãm các nơi trên Thế giới và in thành Lịch hay làm Cart Postal. Năm 1999, 2000 và 2001 tôi được mời vào Hội đồng Giám khảo (Hội đồng giám khảo gồm các Giáo sư Hội Họa, Họa sĩ chuyên nghiệp và những giới chức đặc tránh về Nghệ thuật nổi tiếng trong vùng Champagne Pháp) tôi với tư cách Họa sĩ nổi tiếng, trong 3 ngày làm việc liên tiếp Hội đồng GK phải chọn ra 30 tác phẩm để trao giải trong số cả 2, 3 ngàn tác phẩm dự thi. Điều làm tôi ghi nhớ nhất khi làm giám khảo cuộc thi này là: tôi luôn luôn bắt gặp các tác phẩm của các em VN trong số cả ngàn bức tranh để giới thiệu với mọi người – dù trên tác phẩm không có biểu tượng hay màu sắc đặc thù VN và đặc biệt là các tác phẩm không được ghi tên tác giả trên mặt tác phẩm mà chỉ được ghi tên tác giả sau lưng tác phẩm mà thôi – các đồng sự của tôi hỏi tôi:- Tại sao anh tìm thấy những tác phẩm của VN trong số cả ngàn tác phẩm, mà các tác phẩm của VN chẳng có dấu hiệu hay màu sắc đặc thù nào VN ? Tôi trả lời: Đấy là cảm quan thứ 6 của tôi khi nhìn thấy các tác phẩm ấy – Họ nhìn tôi với cặp mắt thán phục.

Họa phẩm Piano Rouge tranh Vũ Thái Hòa trên đường phố Pháp Quốc

(Họa phẩm Piano Rouge (Dương cầm đỏ) tranh Vũ Thái Hòa in trên Bích chương Hội chợ Muàn Xuân tại Troyes Pháp 2/2003)

HLC: Tháng 2/2003, ông triển lãm tranh tại Salon des Artisans d’Art (Hội Chợ Mùa Xuân) (Troyes)(Pháp) rồi tháng 10/2003 lại tiếp tục tại: (Trung Tâm Văn Hóa) Centre Culturel de la Chapelle Saint Luc (Thành phố La Chapelle Saint Luc) (Pháp). Năm sau, tháng 2/2004 ông triển lãm tranh tại : Maison pour tous thành phố Sainte Savine. (Pháp) và tháng 4/2004 triển lãm tranh tại Ngân hàng BNP Paribas (Troyes) (Pháp) do Trung tâm văn hóa Thành phố Troyes (Pháp) tổ chức. Từ 12/2008 đến tháng 1/2009, ông triển lãm tranh tại Galerie du Cinéma Eden thành phố Romilly Sur Seine (Pháp) do Trung tâm Văn Hóa thành phố Romilly Sur Seine tổ chức. Liên tiếp như vậy cho thấy ông rất đam mê và chính phủ Pháp thường tài trợ cho các buổi triển lãm họa của ông. Xin cho biết vì sao được như thế?Sự ưu đãi này có áp dụng cho các họa sĩ người Pháp gốc nước khác hay không?

VTH: Pháp Quốc là trung tâm của Văn Hóa Nghệ Thuật Thế Giới, chính vì thế tất cả những người làm Văn Hóa Nghệ thuật trên thế giới ai ai cũng mong muốn tác phẩm của mình được xuất bản, trình diễn hay triển lãm trưng bày tại Pháp để giới thiệu đến người yêu Nghệ Thuật và làm Nghệ thuật Thế giới biết đến tác phẩm của mình.

Những tác phẩm Hội họa của tôi được giới thiệu với công chúng Pháp tự giá trị nghệ thuật của nó đã chinh phục được sự yêu mến và cảm tình của những người làm và thưởng lãm Nghệ thuật của Pháp. Chính vì thế các Trung Tâm văn Hóa của Pháp mới tài trợ cho các cuộc triển lãm tranh riêng mình tôi để giới thiệu đến công chúng Pháp. Thú thật với chị và quý độc giả, cá nhân tôi không hề quen biết hay nhờ cậy bất cứ một giới chức nào người Pháp để có được các sự ưu đãi tài trợ này.

Xin nói thêm là mỗi cuộc triển lãm tranh của riêng mình tôi được kéo dài trên 2 tuần, Chính phủ Pháp (Trung Tâm Văn Hóa Pháp) tài trợ cho tôi mọi chi phí từ Quảng cáo trên báo chí, truyền hình phát thanh, in bích chương giới thiệu, trang bị phòng ốc nơi triển lãm, chi trả tiền mướn phòng ốc triển lãm, mướn người gác tranh, đóng tiền bảo hiểm tranh, mời khách thăm quan, và làm cả tiệc chiêu đãi khai mạc phòng tranh v. v. Trung bình cứ mỗi cuộc triển lãm như vậy, chính phủ Pháp tài trợ từ 30 ngàn đến 50 ngàn Euros

-Theo tôi biết sự ưu đãi này chính phủ Pháp cũng áp dụng cho các Họa sĩ người Pháp gốc nước khác khi tác phẩm của họ chinh phục được giới làm nghệ thuật Pháp để có được sự tài trợ đặc biệt này.

Một buổi triển lãm tranh

HLC: Khách xem tranh là người Pháp hay Việt nhiều? Ông có kỷ niệm gì đặc biệt với khách xem hay mua tranh trong các buổi triển lãm?

VTH: Thường thì các cuộc triển lãm tranh của riêng mình tôi do các Trung Tâm Văn Hóa Pháp tổ chức giới thiệu rộng rãi với công chúng Pháp, nên khách đến xem đa số là người Pháp, thỉnh thoảng có một vài người VN. Giới yêu tranh của Pháp rất trân qúy những tác giả làm nghệ thuật, họ luôn luôn xin được chụp hình chung lưu niệm, nói chuyện về nghệ thuật, họ xem tranh rất tỉ mỉ, từng đường nét, màu sắc hoặc suy gẫm các đề tài thật lâu. Có nhiều người đến phòng tranh của tôi nhiều lần, mỗi lần lại kéo thêm bạn bè khác đến cùng xem với sự thích thú, lại có những người yêu nét vẽ và màu sắc của tôi đề nghị xin làm học trò.

HLC: Được biết ông vẽ khá lâu và đã từng vẽ bìa cho một số tác phẩm từ trước 1975 trong đó có sách “Đời Thủy Thủ” của Vũ Thất. Mối giao tình của ông với các văn nghệ sĩ gốc Hải quân như thế nào? Trong các bìa sách trước 75, ông ưng ý nhất cái nào?

VTH: Trước 4/1975 tôi sống bằng nghề vẽ bìa sách, báo, nhạc…Tôi cộng tác với các nhà xuất bản như: Anh Vũ, Thiên Tứ, Đời Mới, Minh Phát (nhà xuất bản nhạc). Bởi thế tranh của tôi được chọn làm bìa các tác phẩm giá trị của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Võ Hà Anh, Dung SàiGòn, Nguyễn Thị Hoàng,Trường Hải… trong đó có những tác phẩm của nhà văn Vũ Thất (nhà văn HQ). Cùng thời gian trên, tôi phục vu tại Phòng Báo Chí BTL/HQ/QLVNCH tôi có quen biết một số anh em văn nghệ sĩ HQ. Thân tình nhất là: Nhạc sĩ Trường Sa (nổi tiếng với tình khúc: Xin còn gọi tên nhau và nhiều tình khúc khác) và Nhà văn Võ Hà Anh – Dung Sài Gòn. Một người thân khác, đó là: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (tác giả ca khúc: Bài Thánh Ca Buồn) – Vũ Thái Hòa và Nguyễn Vũ đã viết chung ca khúc: Gửi Em Đất Liền, ca khúc này đã do nguyệt san Lướt Sóng xuất bản trước 1975. Ngoài ra tôi còn quen biết: Nhà văn Phan Lạc Tiếp, Phan Phi Phụng, Vũ Thất, Nhà thơ Hữu Phương, Phan Minh Hồng, Tô Giang, Tống Minh Phụng. Trong các hoạ phẩm tôi vẽ để làm bìa cho các tác phẩm Văn, Thơ, Nhạc trước 1975, tôi ưng ý nhất họa phẩm: Trăng Tàn, Họa phẩm này đầy khai phá mới lạ về nghệ thuật, màu sắc đặc thù trong tranh Vũ Thái Hòa đã in làm bìa cho băng nhạc: Khánh Ly hát cho Quê Hương VN 3 – Nhạc và lời của Trịnh Công Sơn, Họa phẩm ấy tạo cho tôi một chỗ đứng vững chắc trong giới Hội họa VN.

HLC: Vẽ thiệp tết năm 1992 xuất phát từ đâu? Ý thích hay sinh kế? Vì tôi được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ Việt Nam gửi tặng một xấp thiệp xuân có tranh Đằng Giao, phải nói tôi rất thú vị với món quà này.

VTH: giữa năm 1991 tôi được sự mời gọi của LM Bùi Thượng Lưu (Chủ nhiệm NS Dân Chúa Âu Châu- Đức Quốc) để vẽ 2 bộ thiệp Mừng Chúa Giáng Sinh và Chúc Mừng năm mới. Tôi nhận lời với lòng hân hoan không đòi hỏi thù lao – Mùa xuân 1992 Hai bộ Thiệp Mừng Chúa Giáng Sinh và Chúc Mừng năm mới gồm 10 Họa phẩm tranh Vũ Thái Hòa với chủ đề Chúa Giáng Sinh và Mùa Xuân được NS Dân Chúa Âu Châu in Offset 4 màu tuyệt đẹp phát hành trên toàn Thế giới (Trong cộng đồng CGVNHN) gây qũy Giúp đỡ Giáo Hội Công Giáo tại Quê nhà.

HLC: tranh của ông phong phú, có cả đen trắng, màu lẫn trừu tượng. Ông thích nhất thể loại nào?

VTH: Từ ngày tôi ra hải ngoại đến bây giờ, tôi làm nghệ thuật vị nghệ thuật nghĩa là tôi vẽ tranh hay làm các bộ môn Nghệ thuật khác chỉ để tiêu khiển, nên tranh của tôi ở đề tài nào hay cách vẽ nào tôi cũng đam mê trau chuốt tác phẩm của mình cho hòan hảo. Tranh của tôi có cả đen trắng, màu lẫn trừu tượng, tôi thích loại nào ? Xin thưa là: loại nào tôi cũng thích vì nó là tác phẩm của tôi.

HLC: có vẻ ông rất yêu mầu sắc rực rỡ đặc biệt mầu đỏ vì tôi thấy mầu này hiện hữu trong khá nhiều họa phẩm. Ngay cả con trâu cũng được nhuốm mầu đỏ. Người yêu mầu đỏ là người nồng nàn trong tình yêu, thích chinh phục trong các cuộc thi tài, say đắm men chiến thắng. Ông tự nhận xét về mình như thế nào?

VTH: Nhận xét của Chị về bản tính của Họa sĩ qua màu sắc, trong tranh của tôi thì thật đúng, Chị là người tinh tường về Hội Hoạ; Tôi yêu mầu đỏ vì với tôi thì nó mạnh mẽ, rực rở và cũng là nét đặc thù, những điểm nhấn trong tranh của tôi

HLC: Cảm hứng của ông như thế nào? Đến bất ngờ hay phải có tác nhân?

VTH: Cảm hứng của tôi thường đến bất ngờ, không cần tác nhân, Có những họa phẩm tôi đã phải chuẩn bị đề tài và màu sắc từ lâu, khi cảm hứng tới thì mới vẽ. Tuy nhiên khi vẽ, cảm hứng chợt tắt thì lại xếp cọ lại chờ đợi, suy nghĩ thật lâu, cũng có khi cụt hứng luôn …đành phải xóa bản vẽ. Có một điều thật lạ là khi nào cảm hứng tràn trề thì màu sắc trong tranh của tôi cũng tự nó hoà quyện với nhau tuyệt vời, còn không thì tự các màu sắc trong tấm tranh ấy sẽ tự đánh chết nhau. Khi nhìn vào tác phẩm, người xem sẽ thấy tác phẩm không có hồn, cũng như một bài thơ có chữ nhưng không có ý nghĩa.

HLC: Ông có bao giờ nghĩ đến việc rồi một ngày sẽ không vẽ nữa?

VTH: Thưa chị Lan Chi và qúy độc giả, Tôi ít khi nghĩ đến điều này trừ khi sức khỏe của tôi không còn cho phép.

HLC: Một gia đình nhìn rất êm ấm với đàn con. Họ có phải là họa phẩm lớn nhất vô giá của ông?Ông phải làm gì để gìn giữ họa phẩm này?

VTH: Tôi có 4 người con, cả 4 cháu đều tốt nghiệp Cao học tại Hải ngoại và thành đạt trong cuộc sống , nhưng các cháu không theo nghiệp cha, đối với tôi sự thành đạt của các con tôi đã là những tác phẩm hội họa của tôi được tôi thai nghén, ấp ủ từ lâu – Đấy là niềm hạnh phúc vô biên của gia đình và cá nhân tôi. Để bảo vệ và gìn giữ các họa phẩm này, chúng tôi luôn thương yêu các con, cháu dù chúng nó là dâu hay là rể.

Gia đình Vũ Thái Hoà

HLC: Rời Việt Nam năm 1984, hiện giờ ở tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, coi như cũng đã “nếm mùi và biết” về cộng sản. Người đời thường không dành thiện cảm cho giới họa sĩ mỗi khi nói đến lãnh vực “quê hương”. Họ cho rằng giới nghệ sĩ thường không có tình tự dân tộc, không có tình yêu quê hương đậm đà. Ông có gì để biện minh trước quan điểm đó?

VTH: Trong tranh của tôi luôn có hình ảnh Quê hương VN qua hình ảnh ruộng đồng, cô gái hay cách trang sức VN…, đấy là những điểm nhấn gây ấn tượng cho người xem nói lên sự gắn bó của tôi với Quê hương VN. Đấy là những phản bác của tôi với những người có quan điểm cho rằng người nghệ sĩ không có tình tự dân tộc, không có tình yêu quê hương đậm đà.

HLC: Ông hối hận điều gì trong quá khứ không? Nếu cho đi ngược lại giòng sông lịch sử của riêng mình, ông sẽ làm điều gì cho mình, cho người thân, cho gia đình và cho xã hội?

VTH: Cuộc đời chúng ta nổi trôi theo số phận, ai cũng mong muốn mình sẽ đóng góp cùng mọi người xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội ấm no, dân chủ và một cuộc sống thanh bình cho Quê hương. Nhưng một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao…Đành phải buông theo số phận. Nếu có hối hận hay mong ước gì cũng chỉ tự mình chia sẻ với mình.

HLC: trước khi tạm biệt, xin một câu hỏi cá nhân. Ông hài lòng với đời sống gia đình chứ và có bao giờ ông nghĩ mình sẽ quay về Việt Nam để sống không?

VTH: Tôi rất hài lòng về đời sống gia đình tôi hiện nay ở Hải ngoại. Chuyện quay về VN sinh sống thì ít khi chúng tôi nghĩ tới, trừ khi quê hương chúng ta có được Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền được tôn trọng.

Xin cám ơn Chị Lan Chi và Quý độc giả đã theo dõi cuộc trò chuyện của tôi.

Hoàng Lan Chi 2013

This entry was posted in Phỏng Vấn and tagged . Bookmark the permalink.