Chia Sẻ Kỳ 2-Lê Hữu-Bạn Thật Bạn Giả

Giới thiệu mục mới: Bút Tre hân hạnh giới thiệu mục mới: Chia Sẻ do cô Hoàng Lan Chi phụ trách. Nội dung là chia sẻ những gì mà chúng ta “rút kinh nghiệm” được từ chính bản thân mình hay có khi chỉ là kinh nghiệm của người khác chia cho ta như rót nước từ ly lớn sang ly nhỏ. Mục này hân hoan đón nhận mọi chia sẻ từ độc giả. Xin gửi những suy nghĩ của bạn để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc sống về: hoanglanchi

Quý độc giả thân mến, sau khi mục Chia Sẻ chào đời và sau khi vừa nhận báo, HLC bèn chụp hình trang “Chia Sẻ” và gửi internet. Số lượng độc giả từ “báo in” hay “báo net” thì có thể coi như bổ sung cho nhau. Bài vừa gửi, lập tức đã có ý kiến ý cò.

Ông NGUYỄN NGỌC ANH, người ở ngay vùng Arizona viết:

“Khi dùng sức mạnh tư tưởng tác động trên một việc hay một sự kiện, tôi nhận thấy việc đó tôi đã làm được hoặc không còn khó khăn đối với tôi như trước nữa.”

Giỏi.

Vỏn vẹn một chữ “Giỏi” thôi vì cá tính của ông Cựu Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng AZ là vậy. Rất ư là tiết kiệm lời nói.

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ở San Jose thì đã ngoài 80 nên ông để tâm hồn đi vắng chút xíu. Đi vắng vì ông mail cho HLC và cả Mộng Tuyền là:

Cám ơn HLC đã chia sẻ và cám ơn Bút Tre đã có mục rất hấp dẫn này. Xin hỏi nhỏ nhé: Bút Tre có đăng bài hát không. Sẽ gửi cả pdf và mp3. VĐN

Trời, báo in thì làm sao gửi mp3. Tuy thế, HLC sẽ “dụ dỗ” ông kể một kinh nghiệm có thể chia sẻ cho những người thích sáng tác nhạc vậy.

Thiên Phương thì:

Đúng vậy.

” Khi dùng sức mạnh tư tưởng tác động trên một việc hay một sự kiện, tôi nhận thấy việc đó tôi đã làm được hoặc không còn khó khăn đối với ta như trước nữa “.

Cảm ơn Chị đã posted bài viết này. Không phải lúc nào ý chí cũng giúp ta tất cả nhưng phần lớn ta đều nhờ nó mà vượt qua những lúc lúng túng hay gặp tình thế nan giải.

Tình thân.

TP

HLC cũng “dụ dỗ” Thiên Phương viết bài chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống của Thiên Phương thì TP rất “nghịch ngợm” trả lời:

“SỨC MẠNH TƯ TƯỞNG ” CỦA LAN CHI!

Sáng cuối tuần thức dậy, vào trang mail thấy ngay bài “tản mạn” của Chị LC tuần này.

Từ đầu tới cuối quả là có sự tự tin đấy, nhưng vẫn tiềm ẩn đâu đó chuyện hên xui!

Này nhé:

– Nếu những lần đi thi đậu ” major ” mà không có cái hên (đoán đề….trúng ! ) nó bám chặt đến thế thì sức mạnh tư tưởng có làm nên một Lan Chi hôm nay không nhỉ?

– Nếu không nhờ đến sự “Tự Kỷ ám thị” (nhắc tới nhắc lui trong đầu) để bớt sợ ma trong căn nhà vắng ấy, rốt cuộc không thấy ma đâu, và về sau khi vào đời làm những việc chưa hẳn đã thuận tay, phỏng vấn những “cây đa cây đề” trong làng văn bút mướt rượt đến thế, thì Lan Chi mới vững tin tiến bước đến nay như vậy chứ!

Thì ra, trong mỗi chúng ta, bên cạnh một sức mạnh tinh thần do ta vun quén vẫn ẩn khuất đâu đây sự thành tựu khó ngờ.
Câu chuyện sức mạnh đã làm nên một Lan Chi xông xáo sẽ không lạ chút nào nếu thỉnh thoảng (dòm qua dòm lại, không có ai trong căn nhà vắng ), ta biết lặng lẽ cúng nải chuối tạ ơn đấng quyền năng luôn đồng hành cùng ta từ những niềm vui cho đến bao nỗi buồn trong cõi đời này.

TP

Còn “ông chú” Trần Thanh Hiệp thì “khẽ khàng” hỏi cô cháu rằng “Tìm trong các tự điển thì hình như không có chữ “sẻ” theo nghĩa san sẻ. Cô cháu ráng coi lại và cho ông chú biết kết quả.” Á à, HLC nhớ rằng vụ “Chia sẻ và chia xẻ” cũng từng bị tranh cãi. HLC bèn search net và gửi vài links cho ông chú. Gửi lại đây hai ý kiến nhé:

Ý kiến thứ nhất: Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê chủ biên thì giải thích thế này ạ:
Chia sẻ: “Cùng chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu. Chia sẻ với nhau từng bát cơm. Chia sẻ vui buồn. Chia sẻ một phần trách nhiệm”.
Chia xẻ: “Chia thành nhiều mảnh làm cho không còn nguyên một khối nữa. Chia xẻ lực lượng”
Vì vậy theo em nếu dùng với hàm ý tốt thì nên dùng “chia sẻ”. Còn “chia xẻ” có vẻ là chia nhỏ, chia rẽ nhiều hơn ạ. (Kaoru)

Ý kiến thứ hai: Hoctro mới hỏi thăm chữ này với bố mẹ, ngạc nhiên thay cả hai cụ đều nói rằng “chia sẻ” mới đúng. Bố mình có học chữ Hán và Nôm cho biết chữ “sẻ” là chữ thuần Việt, khi viết xuống bằng chữ Nôm phải dùng chữ “sĩ” tiếng Hán làm chữ, rồi thêm dấu với một chữ trước nó cho nó thành chữ “sẻ”. Ông cũng có cho xem một entry chữ “Sẻ” trong một quyển tự điển khác do một Linh Mục biên soạn, thì quả là có thí dụ “chia sẻ”.(Hoctro)

Bây giờ HLC xin giới thiệu chia sẻ từ Lê Hữu (Seattle). Anh viết về “khái niệm” bạn của chúng ta. Mong rằng sau khi suy ngẫm đãi lọc chúng ta sẽ nhận chân được ai là “bạn” và ai chỉ là “bè”. Mấy ông cần phải có cố vấn của các bà đấy nhé vì có vẻ như vài người theo nhận định của bà xã chỉ là “bè” mà các ông cứ nhất định đó là “bạn”.

Hoàng Lan Chi 2013

*********************************

Bạn thật, bạn giả

Lê Hữu

Nhiều người vẫn cho rằng một trong những hạnh phúc trên đời là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý thôi. Thế nhưng, để có tình bạn thực sự thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?

Liệu có phải những ai ta vẫn giao du đều là bạn cả? Không đâu, số người ấy gồm cả “bạn” lẫn “bè”, và phần nhiều là bè hơn là bạn. “Bạn bè” không phải là cách nói cho xuôi tai, cũng không phải là “từ láy” này nọ như nhỉều người tưởng mà là “từ ghép” của hai chữ “bạn” và “bè”. Bạn, nói đơn giản, là người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời. Bè là những kẻ tạt ngang qua đời ta trong chốc lát, rồi đường ai nấy đi mà không chút vấn vương. “Bè” trong những chữ “bè phái”, “kết bè, kết đảng” gợi lên ý tưởng không mấy hay ho. Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, lắng đọng hơn là sôi nổi. Những kẻ ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có hoặc có rất ít bạn (và không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là bè).

Bạn lại có “bạn thật” và “bạn giả”. Bạn thật là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. Bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt, con người vừa có bạn thật lại vừa có bạn giả. Bạn giả lúc nào cũng nhiều hơn bạn thật, đến với ta vì lợi ích nào đó chứ không vì tình thật. Bạn giả là người đóng giả vai người bạn, ngoài mặt tỏ ra thân thiện nhưng có thể bất ngờ tặng cho ta những nhát dao trí mạng từ phía sau lưng hoặc phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ. Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.

Khác với bạn giả, bạn thật là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho người bạn mình và vui sướng trông thấy bạn mình hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống (dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Bạn thật không ngại nói thẳng nói thật về những sai trái của bạn mình để giúp bạn cải thiện bản thân cũng như không ngại tán thưởng về tài năng hoặc thành công của bạn mình để giúp bạn thêm tự tin trong cuộc sống. Bạn thật luôn nói tốt về bạn mình sau lưng bạn. Bạn thật là người đến với ta trong lúc ta trần trụi hay trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời, và cũng là người mà ta có thể đến gõ cửa một cách thoải mái khi cần sự giúp đỡ.

Những người bạn như thế làm sao có nhiều được, thường chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay (và ít khi đếm hết được). Đến một tuổi nào đó người ta khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, cảm thông và tin cậy.

Với những người tôi thực lòng quý mến, tôi vẫn nói: “Tôi mong cho anh/chị không có bạn hơn là có những người ‘bạn giả’. Có được chừng vài ba người ‘bạn thật’ thì anh/chị là người may mắn và hạnh phúc.”

Lê Hữu

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , . Bookmark the permalink.