Chủ Nhật tìm Ngũ Cung để thơm ngát Hương Ngọc Lan

Chủ Nhật tìm Ngũ Cung để thơm ngát Hương Ngọc Lan

Một- Ngũ Cung

Một người bạn hỏi tôi về Ngũ Cung. Tôi tóm tắt với anh là “Ngũ cung coi như chỉ có 5 notes. 2 notes cao của Tây Phương không được dùng. 5 notes còn lại nghe êm dịu, ngọt ngào”. 2 notes mà Phương Đông ít dùng là Fa và Si.

Thật tình về Ngũ Cung, tôi chỉ nhớ được như thế. Tôi đi tìm chương trình của Vĩnh Lạc nói về Ngũ Cung. Phải nói rằng nghe Vĩnh Lạc nói chuyện thì rất thích. Người gì mà nói năng cứ như nước chẩy hoa trôi. Kiến thức của Vĩnh Lạc đáng cho nhiều người nghiêng mình nhất là “Chữ và Nghĩa”.

 

Nghe có cái gì lơ mơ gì đấy.” Vĩnh Lạc mở đầu chương trình nói chuyện để nói về Ngũ Cung rất có duyên như vậy. Đúng là nghe lơ mơ chứ không hiểu tường tận (tất nhiên trừ nhạc sĩ chuyên nghiệp). Nhiều năm trước, khi tôi thích bài viết về vợ của cố nhạc sĩ Hiếu Anh, anh nói rằng nó là ngũ cung. Tôi nghe thì đoán rằng ngũ cung là một cái gì đặc biệt của Phương Đông. Rồi một nhạc sĩ khác cũng tâm sự với tôi “Những bài …là tôi viết theo ngũ cung đấy chứ”.

Cho đến khi nghe được Vĩnh Lạc nói chuyện, có đệm đàn minh hoạ thì tôi hiểu được ngũ cung. Hiểu nhưng không diễn tả lại được cho gẫy gọn. Chỉ tóm một phát là “Cung phải hiểu là tone mà thôi. Có 4 loại ngũ cung: 2 ngũ cung Mông Cổ, một Trưởng một Thứ (là sườn để phát triển các loại ngũ cung khác), ngũ cung Nhật, ngũ cung Tây Nguyên của Việt Nam”.

Đây là link chương trình phát thanh nói về Ngũ Cung trong “nhà Huỳnh Chiếu Đẳng” của Vĩnh Lạc:

http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Ngu%20Cung_09012004_Doan%20The%20Ngu_Vinh%20Lac.mp3

Hai- Nhạc Tây Nguyên

Phải nói tôi rất thích nhạc Tây Nguyên.

Hai câu “Còn một chút gì để nhớ để thương” ( Phạm Duy) và “Đèn soi..Là cả một cõi thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi”, (Văn Cao) theo Vĩnh Lạc, hoàn toàn là từ ngũ cung Tây Nguyên.

Nhạc Tây Nguyên nghe có gì đó vô cùng quyến rũ. Nghe là gợi được hình ảnh của một núi rừng hùng vĩ, gió lồng lộng. Vĩnh Lạc cho rằng lời của Bóng Cây Konia tuy dở ẹt (nhạc sĩ trong nước) nhưng về nhạc thì ăn đứt “Em Pleiku má đỏ môi hồng” của Phạm Duy dù cả hai đều khai thác ngũ cung Tây Nguyên. Tôi công nhận Vĩnh Lạc nói đúng.

Hôm nay đặc biệt nghe nhạc trong nước, núi rừng tây nguyên bởi một người đã mất: Y Moan

http://nhacso.net/nghe-nhac/doi-chan-tran.W11ZWkda.html

http://nhacso.net/nghe-nhac/em-hat-thuong-ai.XV5VW0NY.html

Giờ này tôi bỗng ao ước một nho nhỏ: một sân vườn ngát hương ngọc lan, một ao súng be bờ với sỏi và cuội, lửa bập bùng trong tiết trời se lạnh và nghe nhạc tây nguyên! (có vẻ tôi bội thực bởi nhạc mì ăn liền lướt thướt của các nhạc sĩ gốc khoa học gia chăng?)

Ba- Hương Ngọc Lan

Trên đời này, mùi hương quyến rũ tôi nhất là hương ngọc lan rồi đến hương nhài. Tôi yêu hoa hồng nhưng kỳ lạ hương hồng không ở vị trí số một với tôi.

Hương hồng cho tôi cái ấn tượng sang cả quý phái. Tôi thì không thuộc loại người thích “sang trọng”. Tôi yêu những gì “dân dã”. Đó là lý do tôi say đắm hoa súng.

Trở lại với hương ngọc lan. Mùi hương ấy có lẽ theo tôi từ thuở ấu thơ. Người Bắc có vài “tục” mà ngọc lan trong chùa là một. Tôi nghe nói chùa ngoài Bắc hay trồng ngọc lan. Chùa trong Nam mà tôi có dịp ghé thường xuyên là Chùa Xá Lợi thì dường như không có. Khi còn bé, bà ngoại tôi mỗi lần đi chùa về là thường có ngọc lan. Những búp ngọc lan trắng muốt và hương thơm thật là tinh khiết. Năm đệ nhị, tôi “yêu say đắm” GS Việt Văn, Cô Phạm Thị Nhung. Ngôi nhà số 38 Đinh Tiên Hoàng của cô mà tôi đến thường xuyên có cây ngọc lan rất lớn ngày đầu ngõ trong sân. Cũng gần đó nhưng không phải trong sân mà là ngoài đường là cây bằng lăng tím. Mùi hương của ngọc lan rất nhẹ nhàng và đem đến cho chúng ta sự cảm nhận tinh khiết.

Ngoài hương ngọc lan, hương nhài cũng đem cho tôi một cảm giác dịu dàng, thanh thản. Có lẽ tôi yêu hương nhài vì ngày đó trà hay được ướp hoa nhài. Yêu một cái gì đó thường có xuất xứ từ tuổi thơ.

Tôi còn nhớ một quán nhạc ở Gia Định. Tôi thích đến đây chỉ vì đó là cà phê sân vườn rất ấm cúng. Đặc biệt mỗi bàn để một dĩa xinh xinh có ít hoa nhài. Trong đêm vắng, hương nhài thoang thoảng và nghe Hòn Vọng Phu hay Người Về thì thật tuyệt.

GS Phạm Thị Nhung có một bài về Hương Ngọc Lan rất hay. Xin giới thiệu:

TÂM TÌNH VỀ HOA NGỌC-LAN

Phạm Thị Nhung

(Cựu GS Gia Long)

Thân tặng các em Hoàng-Lan-Chi, Ðỗ Quân và Kim-Thu

Hoàng Lan Chi –GS Phạm Thị Nhung 1966

Hoàng Lan Chi –GS Phạm Thị Nhung 2011

GS Phạm Thị Nhung thuyết trình về “Chinh phụ ngâm”

Ngọc Lan Ấu Thơ- Đỗ Quân phổ thơ GS Phạm Thị Nhung. Xin nghe Đỗ Quân hát

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/NgocLanAuTho.mp3

Mẹ tôi là một phụ nữ nổi tiếng đẹp trong giới nữ lưu Hà thành thanh lịch nửa đầu thế kỷXX. Mẹ ăn diện đúng mode LE MUR Nguyễn Cát-Tường, áo dài quần cùng mầu, trông vừa sang trọng vừa mĩ miều chải chuốt; và đặc biệt mẹ rất thích hoa ngọc-lan.

Ngay khi vừa tậu được ngôi nhà gạch đúc hai tầng lầu rộng thênh thang ở số 11 bis phố Phủ Doãn Hà Nội, năm tôi mới ba tuổi, bố biết mẹ yêu hoa ngọc-lan, đã cho trồng một cây ngọc-lan tán xoè rầt đẹp ở ngay trong sân nhà.

Mẹ tôi có mái tóc mây vừa rậm dài, vừa óng ả tha thướt, mỗi khi gội đầu, mẹ sai chị bếp nấu một nồi nước thật to với hoa ngọc-lan để người xả tóc; Và trên mái tóc rẽ đường ngôi lệch, vấn trần của mẹ, đến mùa ngọc-lan, không khi nào thiếu vắng một búp lan trắng muốt, ngát thơm giắt tóc.

Vào mỗi độ hoa, xuân thu nhị kỳ, đêm nào có trăng thanh gió mát, bố mẹ tôi lại ra ban công ngồi uống trà, thưởng thức hương lan, chúng tôi ríu rít vây quanh. Bố mẹ đã truyền cho tôi lòng yêu thích hoa ngọc-lan từ đó.

Tôi lại là một cô bé không biết do bẩm sinh, hay ảnh hưởng từ tâm tính bố mẹ, mà đa cảm và lãng mạn quá cỡ. Mới bốn tuổi đầu, nghe mẹ đi phố về kể với bố chuyện người đẹp Tố Uyển, con bà Tư, đã phụ tình thi sĩ Vũ Hoàng Chương để lấy ông cử Cương (sau được bổ làm tri huyện ở Quế Dương). Nào tôi có biết mặt mũi Vũ Hoàng Chương ra sao, cái khổ thất tình thế nào, nhưng tôi đã linh cảm và thương cảm đến nỗi bỏ cả ăn, trốn vào một xó tủ, ngồi khóc sưng cả mắt.

Những ngày Mỹ chống Nhật phát xít, thả bom Hà Nội (1944), gia đình tôi, gia đình ông cậu, và gia đình một người bạn thân của bố mẹ tôi, rủ nhau về Cót (tức làng Yên Quyết), quê nội tôi để lánh nạn. Quê tôi đẹp lắm, trước cổng làng có cây si cổ thụ, cành lá xum xuê, nhiều tàn lá lả xuống, la đà trên mặt nước sông Tô Lịch. Trong làng, nào vườn tược cây trái với những giàn nhót trĩu trịt những quả đỏ chín mọng, với những chùm khế ngọt vàng ửng; nào ao cá, bèo tấm; nào đầm sen ngát hương ; nào ngõ trúc quanh co dẫn vào ngôi chùa cổ kính ; nào lũy tre xanh bao bọc lấy làng. Bên ngoài thì đồng ruộng bát ngát, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những vườn rau xanh mướt với đủ loại húng quế, thơm, mùi, hành, hẹ…

Hồi tránh nạn bom Mỹ, gia đình cậu tôi và gia đình người bạn bố mẹ tôi ở đậu nhà người làng, riêng gia đình tôi thì vào ngụ ngay trong chùa Cót, ngôi chùa do sư bà Thanh Tuệ trụ trì. Sư Bà là học trò của sư tổ Mễ Sơn, anh ruột của ông nội tôi, đã trốn nhà đi tu từ hồi bẩy tuổi, nay đã lên chức Hoà Thượng. Hồi ấy, người vẫn còn trụ trì tại chùa Mễ Sơn tỉnh Hà Ðông. Sư Bà đối với chúng tôi như người trong một gia đình, gia đình sư tổ Mễ Sơn.

Chúng tôi về chùa, không phải chỉ vì mê món bánh đúc lạc chấm tương bần, hay món nộm bún với rau cần, trộn thêm đậu phụ với vừng rang, ăn ngon hết biết, mà còn vì mê cây ngọc- lan cổ thụ trong sân chùa. Thường khi mẹ tôi tới thăm chùa, vào mùa hoa ngọc-lan, thế nào sư Bà cũng sai sư cô hái cho một đĩa đầy hoa ngọc-lan, trước để mẹ cúng Phật, sau lấy phước giắt tóc, tắm mát. Chị em tôi thì đua nhau nhặt cánh lan rơi,ních đầy túi áo, đem về nhà, bắt chước mẹ, đòi u già đun nước tắm cho thơm da, mát thịt.

Những chiều nhàn rỗi, trong khi người lớn vào nhà trai nghỉ ngơi, thì mấy anh chị lớn rủ nhau sang sân chùa Láng, bên kia con đường cái quan để vui chơi. Riêng tôi ở lại chùa Cót, tôi đi tha thẩn trong vườn, loanh quanh bên cây hoa ngọc-lan, ngắm những cánh hoa ngà ngọc rơi rớt và trải thảm trên mặt đất mà không khỏi tiếc nuối…; tôi lại mượn sư cô chiếc chiếu nhỏ, trải xuống đất, nằm ngủ dưới gốc ngọc-lan.

Tôi lắng nghe tiếng chim líu lo trên những tàn cây, say sưa nhìn những đàn bướm đủ mầu đang bay lượn trên không, và tận hưởng những làn gió nhẹ lướt qua mặt, đem hương ngọc-lan tới gần, rồi dần dần lan tỏa khắp không gian.

Hương ngọc-lan đã đưa tôi vào mộng, những giấc mộng thần tiên như trong những truyện cổ tích mà mẹ vẫn thường kể cho chị em chúng tôi nghe :

Búp lan vương tóc mẹ

Cánh lan níu áo con

Những trưa trời oi ả

Ngủ dưới tàn hoa thơm.

Hương lan ru hồn mộng

Chim trỗi khúc tưng bừng

Bướm ong,bầy tiên nữ

Múa hát trên không trung.

Mỗi lần về kẻ Mơ, quê ngọai, cũng vậy. Vừa thấy bố mẹ xuất hiện ở đầu ngõ, bác trai tôi đã vội vàng cho kê bộ bàn ghế bằng m ây đan, đặt ngay ngoài hiên, cạnh gốc cây ngọc-lan để anh em rỉ rả chuyện trò. Chị em chúng tôi thì theo mấy ông anh họ đi vặt ổi, bẻ khế hay hò nhau lấy thuyền thúng chèo ra đầm hái sen. Tôi lần nào cũng tìm cớ về trước để được một mình nằm đu đưa trên chiếc võng đay, mắc dưới những tàn hoa ngọc-lan. Tôi nhắm mắt hít thở hương thơm dịu dàng của hoa ngọc-lan, và có cảm tưởng hương lan đang thấm dần vào da thịt, vào tận đáy tâm hồn tôi.

Ngọc-lan quả đã hiện diện và chia sẻ niềm hạnh phúc vô biên trong suốt quãng đời thơ ấu của tôi:

Ngọc-lan trên Cót thượng

Ngọc-lan dưới kẻ Mơ

Quê nội và xứ ngoại

Ngọc-lan, đời ấu thơ !

Ôi những ngày thơ dại

Bên mẹ cha êm đềm

Hương lan quyến luyến mãi

Quê hương, xứ thần tiên!

Bố mẹ thân yêu nay đã chẳng còn nơi thế gian, quê hương thì ngàn trùng xa cách. Có ai ở hoàn cảnh này chắc sẽ dễ dàng chia sẻ quan điểm với tôi khi nghe Ðỗ Quân hát Ngọc-Lan Ấu Thơ mà cho rằng, tiếng hát Ðỗ Quân tuy chưa thật cao và dài để có thể diễn tả hết những tình ý của lời thơ, nhưng cái giọng đó lại đủ trầm và đủ cao để diễn tả một cách xuất sắc một số đoạn thơ của tôi. Như khi tiếng hát Ðỗ Quân vừa để thoát ra ba tiếng -chợt thảng thốt- rồi hạ giọng xuống một chút để lấy đà lên cao dần:

Chiều nay chợt thảng thốt

Thoáng một mùi hương xưa

Một mùi hương thanh khiết

Thánh hóa cả chiều hoang

Và rồi cuối cùng hạ giọng trầm hẳn xuống trong hai câu:

Mùi hương hoa cố quốc

Ôi hương hoa ngọc-lan!

Thì tôi đã bị lôi cuốn và xúc động đến cực điểm, cũng như khi tôi vừa hạ bút ghi được những dòng chữ ấy trong bài thơ, tôi cũng đã bị xúc động đến cực điểm,nước mắt lã chã, và lòng thổn thức mãi mới viết tiếp được những câu sau.

Ðiều này chứng minh, Ðỗ Quân đã đưa được hồn thơ vào nhạc, và sau đó lại đã đưa được tiếng hát vừa gợi cảm, vừa gợi tình mà truyền được cảm xúc đến người nghe.

Trở lại câu chuyện tâm tình về hoa ngọc-lan. Sau khi di cư vào Nam (năm1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước, bố mẹ tôi đã đưa gia đình vào Sài Gòn ), Cũng vì muốn có một cây hoa ngọc-lan trong nhà như ngày nào ở ngoài Bắc,bố tôi bèn cho trồng một cây ngay nơi sân trước, gần cổng ra vào; chẳng ngờ hai cụ chủ nhà bên hàng xóm cứ băn khoăn sợ sâu rơi vào nhà, mẹ tôi nể tình đành cho đốn cây ngọc-lan, làm tôi khóc mãi.

Nhưng một cơ may đưa tới, tôi và ngọc-lan lại có duyên gắn bó với nhau. Khi vừa tốt nghiệp ÐHSP ban Việt Hán tôi liền được bổ vào dạy chuyên khoa về môn Việt văn tại trường Nữ Trung Học Gia-long Sài Gòn. Sau đó, tôi lập gia đình ;chưa đầy hai tháng thì nhà tôi bị gọi động viên, rồi phải chuyển lên làm việc hơn ba năm tại Bệnh Viện 2 Dã Chiến Kontum. Thời gian nhà tôi đi xa, tôi đã sinh cháu trai đầu lòng, hai mẹ con về nương náu nhà ngoại.

Năm 1965, nhà tôi được đổi về Sài Gòn, làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa (hơn một năm sau mới được biệt phái về dạy học tại Ðại Học Dược Khoa ). Vừa chân ướt chân ráo trở lại Sài Gòn, nhà tôi còn đang băn khoăn chưa biết sẽ cùng vợ con ở đâu, thì bỗng nhiên bác BDC, người bạn chí thân của bố tôi từ hồi còn độc thân, đến chơi; thấy nói chúng tôi chưa có nhà ở, bác rút ngay một chùm chìa khóa trong túi áo ra, ném xuống bàn và bảo : bác giao chùm chìa khóa này cho hai cháu về 38 Ðinh Tiên-Hoàng mà ở, cái villa bác vừa mua, mới lấy chùm chìa khóa về, chứ nhà cũng chưa đi xem !.

Chúng tôi mừng quá, ngay tối hôm đó hai vợ chồng mò đến cái villa ở ÐTH, Ðèn đóm chẳng có, ánh sáng ngoài phố hắt vào không đủ sáng. Cửa ngõ thì xộc xệch, khóa sắt hoen rỉ, hí hoáy mãi chúng tôi mới mở được cổng vào. Cả một khung cảnh hoang vu hiện ra trước mắt, cây cối mọc tùm lum, cỏ cao hơn đầu người. Nhìn vào nhà trong thì cửa chính, cửa sổ đều có những cây gỗ đóng đinh chắn ngang; biết chẳng làm gì được hơn, đành ra về.

Sáng hôm sau trở lại, hỏi thăm hàng xóm thì được biết, nhà này chủ nhân đã mất từ lâu, để hoang phế từ đó đến nay, có người con ở ngoại quốc mới về bán nhà. Ngôi nhà này, ngoài vườn, chúng tôi thấy có hai cây cổ thụ, một là cây vú sữa, còn cây kia, cao hẳn hơn, chính là cây hoa ngọc-lan ! Tôi mừng rú lên như vừa gặp lại được người bạn cố tri sau bao năm thất lạc, nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra…Phá cửa vào được trong nhà thì thấy tường mốc, mái lở, cửa sút, gạch long, mạng nhện giăng khắp chốn…Bố tôi phải cho thợ đến sửa gần một tháng trời ngôi nhà mới trở nên tươm tất cho chúng tôi có chỗ an cư. Ngoài vườn, sau khi cho phạt hết những cây cỏ dại, chúng tôi đã tự tay trồng thêm cây hoa sứ trắng ở gần cổng ra vào, và cây bằng-lăng hoa tím đỏ nơi giáp với hàng rào bên hàng xóm.

Nơi đây, chúng tôi đã sống những năm tháng hạnh phúc nhất, thơ mộng nhất trong cuộc đời. Chúng tôi đã sinh thêm được ba cháu gái, gia đình tôi không bao giờ ngớt tiếng cười của trẻ thơ, với hương thơm của hoa ngọc-lan tỏa ngát không gian, với những cánh lan trắng nuột nà trải thảm khắp sân vào mỗi mùa hoa nở:

Ngôi nhà ai rợp mát

Mái rêu phong nghiêng nghiêng

Cây ngọc-lan cao ngất

Hoa trắng rải đầy thềm.

Hương lan thơm vời vợi…

Nâng niu giấc mộng đời

Cánh lan đùa trước gió

Trẻ thơ rộn tiếng cười.

Ôi quê hương mình thần tiên như thế, ngôi nhà mình thơ mộng như thế mà sao mình phải ra đi biệt xứ, chẳng thể về? Vì đâu? Tại sao? Oan nghiệt này còn đầy đọa dân tộc tôi đến bao giờ ?!

Từ ngày quê hương xẩy ra biến cố 75, cũng như cả triệu đồng bào khác, những cánh chim Gia-Long lạc bầy, bay loạn khắp bốn phương trời, tưởng rồi sẽ đá nát vàng phai,nào ngờ ở nơi đâu Gia-long cũng trỗi dậy vẻ vang, nhập cuộc với đời và tìm về được với nhau, thành lập các hội Ái Hữu.

Ngày 29 tháng 6, Ðại Hội Gia-long Thế Giới để kỷ niệm 80 năm thành lập trường đã được tổ chức linh đình tại Paris. Các cánh chim GL từ VN cũng như từ 27 vùng trời trên thế giới đã bay về tụ hội.

Ngày Ðại Hội quá bận rộn nhưng cũng đầy xúc động. Mấy em GL trong Ban Chấp Hành và tôi, giáo sư cố vấn, trách nhiệm tổ chức. Số người đếm không quá 10 đầu ngón tay, chúng tôi đã phải đôn đáo lo toan, sắp xếp đủ chuyện sao cho Ðại Hội được thành công. Từ 27 bàn ghi danh đóng tiền trước, giờ phút cuối cùng lên đến 31 bàn, các bạn cũng có thể tưởng tượng lúc đầu không khí ồn ào, rối loạn đến thế nào. Ðã vậy thầy trò, bạn bè xa cách đã mấy chục năm, nay gập lại nhau tránh sao khỏi reo mừng, thăm hỏi. tíu tít… Kết quả Ðại Hội đã thành công lớn.

Xuất sắc nhất là chương trình văn nghệ. Ngoài kịch thơ Nhiếp Chính Ỷ-Lan, có hai bài đồng ca : Cô Gái Việt và Gia-Long Hành Khúc do cô Như-Mai điều khiển.

Ðơn ca có Họa-Mi với bài Con Thuyền Viễn Xứ, Giấc Mơ Hồi Hương, Anh Ði Rồi và bài Mười Năm Yêu Anh; Tố-Lan với La Vie En Rose, Kim-Thu với Em Ði Ðâu Mà Vội,Tóc Thề Ơi ! (lời của GL Hoàng-Lan-Chi, phổ nhạc Ðỗ Quân)…(2)

Ngày hôm sau, 30-06, Ngày Gia-Long Hàn Huyên. Ngôi biệt thự rộng 2 ngàn mét vuông tại tỉnh Le Vésinet, vùng phụ cận Paris, đã được GL Phương Thúy cho mượn làm nơi đón tiếp các thầy cô và các GL về dự hội.

Ngôi biệt thự quá đẹp như một thiên đường nhỏ, với nhiều cây cao bóng cả, được điểm trang bằng đủ các loại hoa, đủ sắc mầu, đã cho thầy trò tôi những chỗ ngồi lý tưởng để chuyện trò và chụp hình lưu niệm. Ngoài chuyện thưởng thức những món ăn đặc sắc đủ món tây, ta, tầu do các GL Paris tự làm lấy, còn có đọc tham luận, có trình diễn nghệ thuật cắm hoa …Ðến mãi 10 giờ tối chương trình văn nghệ mới bắt đầu.

Tôi cảm động hết sức khi nghe Kim-Thu hát Ngọc-Lan Ấu Thơ,và được phụ họa bởi hai tiếng đàn guitare của nhạc sĩ Vũ Trí-Hưng và nhạc sĩ Hoàng Chí-Trạch. Kim-Thu đã để hết tâm hồn vào bài ca. Giọng hát em khi trong veo, cao vút, khi trầm ấm thiết tha; nhất là em lại say sưa hát đi hát lại đến ba lần, tạo nên một âm hưởng ngân vang lưu luyến, làm xoáy vào tâm tư người thưởng thức. Cứ mỗi lần em hát đến hai chữ “cố quốc“, nước mắt tôi lại rưng rưng, lòng lại thổn thức mãi.

Khi tiếng hát chấm dứt, tiếng vỗ tay vang dội,và đó đây có nhiều tiếng xì xào: hay quá, hay quá !

Ðiệu nhạc và lời ca Kim-Thu còn vương vấn hồn tôi suốt trên đường về.

Hơn 12 giờ khuya mới trở lại nhà. Tôi mệt rũ. Nhà tôi biết tính vợ, dù mệt thế nào, trước khi đi ngủ cũng mò vào phòng đặt computer, mở xem có tin gì lạ của Hoàng-Lan-Chi không, nên đã in sẵn vào giấy những emails của em, để trên đầu giường cho tôi.

Vừa nhìn thấy, tôi đã biết ngay, vội cầm lên xem. Tờ trước là lời Ðỗ Quân mời các bạn vào nghe nhạc phẩm Ngọc-Lan Ấu Thơ, do Ðỗ Quân phổ nhạc bài thơ của tôi, và bài thơ cũng đã được in trọn vẹn ngay đó. Tờ sau là bài Hương Ngọc-Lan do Hoàng-Lan-Chi viết. Em đã làm cho tôi, đêm nay thêm một lần nữa xúc động đến tận tâm can, khi em nhắc lại hai kỷ niệm thiêng liêng nhất trong cuộc đời của tôi nơi miền Nam nước Việt dấu yêu. Ðó là:

-Những ngày dậy học tại thiên đường Gia-Long:

Các em mừng vui tay rộng mở đón cô về

Thiên đường Gia-Long từ thưở đó mà đi…

Mộng hay thực cô nào hay, nào biết

Chỉ cảm nhận rằng mỗi giờ lên lớp

Như có tiên chắp cánh cho cô bay

Ðứng trên bục cao, phấn trắng cầm tay

Sau lưng bảng đen và các em trước mắt

Cô đã say sưa luận giảng văn chương

Thầy trò ta đã thực sự sống những giờ phút thần tiên…

Cùng với tình yêu thơ ngây, si dại mà em đã dành cho tôi…

-Và sau đó, em còn nhắc đến ngôi nhà thơ mộng, thơm ngát hương hoa ngọc-lan của chúng tôi tại 38 Ðinh Tiên-Hoàng, Dakao, Sài Gòn.

Dĩ vãng lại ùa về và nước mắt cứ thi nhau tuôn rơi trên gối:

Ngọc-Lan Cố Hương

Có những chiều rỗi rảnh

Mẹ hay kể chuyện xưa

Về ngôi nhà thơ mộng

Nơi quê hương mịt mù…

Ngôi nhà ai rợp mát

Mái rêu phong nghiêng nghiêng

Cây ngọc-lan cao ngất

Hoa trắng rải đầy thềm.

Hương lan bay bát ngát

Khách qua cổng dừng chân

Ngước nhìn lên tấm tắc

Chao cây hoa ngọc-lan !

Yêu…vì yêu ngọc-lan

Trời cho ba đứa em

Bố, mẹ, Bằng tìm kiếm

Chọn lan nào đặt tên.

Tố trước rồi Mộng, Mặc

Ba bé gái xinh tươi

Ba đoá lan hương sắc

Nhà mình thêm đông vui.

Chiều chiều như hẹn ước

Bố mẹ và bốn con

Ríu rít ngoài sân trước

Vui vầy cùng ngọc-lan.

Hương lan thơm vời vợi…

Nâng niu giấc mộng đời

Cánh lan đùa trước gió

Trẻ thơ rộn tiếng cười !

Nay quê người xa lắc

Xuân, Thu mỗi độ hoa

Trong mơ còn thảng thốt

Ðâu ngọc-lan ngày qua?

Ngọc-lan, yêu tha thiết

Trọn đời mãi nhớ thương

Vì sao hoài cách biệt

Hỡi ngọc-lan cố hương !

(P. T. N. )

Paris, mùa ngọc-lan Xuân Ắt Sửu (1985)

Cả hai bài thơ, Ngọc-Lan Ấu ThơNgọc-Lan Cố Hương, mới đọc ai cũng thấy lời thơ rất giản di, tình ý rất dịu dàng, chỉ gợi lại những kỷ niệm êm đềm trong những tháng năm hạnh phúc với người thân nơi quê nhà. Nhưng mấy ai đã đoán biết chúng đã được viết với rất nhiều xúc động của tác giả.

Tại sao tôi lại yêu hoa ngọc-lan tha thiết đến thế?

Trong cả hai bài thơ, hương hoa ngọc-lan không chỉ được nhắc đến với những cánh hoa trắng muốt, với hương thơm ngát mà còn là vời vợi, tinh khiết, thiêng liêng đến độ thánh hóa cả chiều hoang Paris.

Ai cũng biết kinh thành Paris được nổi tiếng trên thế giới là một thành phố thơ mộng, với con sông Seine tình tứ, với tiếng chim vang lừng chào đón mỗi sớm mai và líu lo những khi chiều xuống nơi các công viên, nhiều vô số kể trong thành phố. Còn hoa thì phải nói tràn ngập phố phường, lúc nào cũng như Paris đang trẩy hội, khắp cả bốn mùa, mùa nào hoa nấy với hoa đủ loại, đủ mầu sắc để điểm trang cho Paris thêm vẻ mỹ miều, diễm lệ. Nhưng đối với con người lúc nào cũng nặng tình thủy chung, mặn lòng cố quốc thì Paris nhiều khi vẫn chỉ là hoang vắng, vô hồn.

Thế rồi một chiều nao, mùi hương xưa thoáng hiện về đã làm tôi bàng hoàng, thảng thốt… Mà làm gì có mùi hoa ngọc-lan ở cái xứ này? chẳng qua đó chỉ là một mùi hương hoa ngọc-lan bất ngờ hiện về từ những âm vang của kỷ niệm, từ cõi sâu thẳm của tiềm thức. Thế nên hương hoa ngọc-lan ở đây đã vượt khỏi thế giới bên ngoài mà đi vào thế giới nội tâm. Ngọc-lan trở thành một loài hoa tâm tưởng; từng hiện ra nuôi dưỡng hồn thơ và ru êm những nỗi nhớ nhung thương tiếc cuả con người nặng tình yêu dấu.

Vâng, tình yêu hoa ngọc-lan đã bắt nguồn, và đồng thời cũng chính là tình yêu mẹ cha, tình yêu anh chị em, tình yêu lứa đôi, tình yêu con trẻ, tình yêu học trò…

-Hoàng-Lan-Chi ơi, em cũng là một cành hoa ngọc-lan tâm tưởng của cô, em đã chứng kiến và chia sẻ những hạnh phúc tuyệt vời mà cô đã từng được hưởng dưới mái trường Gia-Long, và trong ngôi nhà thơ mộng ngát hương hoa ngọc-lan ở 38 đường Ðinh Tiên-Hoàng, Dakao, Sài Gòn.

Ý thơ còn vượt xa hơn cả những tình cảm thân thương kia, giờ đây hương hoa ngọc-lan còn là Mùi hương hoa cố quốc, còn là Ngọc lan cố hương. Có nghĩa là hoa ngọc-lan đã hóa thân, đã đồng hóa vớI “cố quốc“,và ” tình yêu hoa ngọc-lan” chính là “tình yêu cố quốc” của tác giả hai bài thơ nhỏ bé kia.

Trong bài thơ Ngọc-Lan Cố Hương, khi tôi bật ra được 5 tiếng: Hỡi ngọc-lan cố hương! thì nước mắt tự dưng trào ra. Tiếng nói sâu thẳm nhất trong đáy tiềm thức đã thoát ra được rồi, thì tất tác giả sẽ không thể nói gì thêm ngoài nước mắt?

Tác giả ước mong những lời tâm tình về hoa ngọc-lan này, không chỉ được những người thân yêu chia sẻ, đồng cảm mà còn được tất cả các anh chị em độc giả vô tình hay hữu ý lướt qua những dòng chữ này.

Thân mến

Phạm thi Nhung 2005

(cựu gs Gia-Long Sài Gòn )

Phụ Lục

Bài viết “Hương Ngọc Lan” của Hoàng Lan Chi viết về “Ngọc Lan Ấu Thơ” của Cô Phạm Thị Nhung

Ngọc Lan Ấu Thơ

Bao năm trời viễn xứ
Cỏ bồng theo gíó đưa
Chiều nay chợt thảng thốt
Thoáng một mùi hương xưa.

Một mùi hương thanh khiết
Thánh- hóa cả chiều hoang
Mùi hương hoa cố quốc
Ơi hương hoa ngọc-lan !

Ai ngàn xưa thường nói
Mưa lưu bước người đi
Nơi đây trời lữ thứ
Hương gọi dĩ vãng về…

Ngọc-lan trên Cót thượng
Ngọc-lan dưới kẻ Mơ
Quê nội và xứ ngoại
Ngọc-lan, đời ấu thơ !

Búp lan vương tóc mẹ
Cánh lan níu áo con
Những trưa trời oi ả
Ngủ dưới tàn hoa thơm.

Hương lan ru hồn mộng
Chim trỗi khúc tưng bừng
Bướm ong, bầy tiên nữ
Múa hát trên không trung.

Ôi ! những ngày thơ dại
Bên mẹ cha êm đềm
Hương lan quyến luyến mãi
Quê hương, xứ thần tiên!

Hương lan quyến luyến mãi
Quê hương, xứ thần tiên!…

Phạm thị Nhung

Hương Ngọc Lan

Hoàng Lan Chi viết

Muời sáu tuổi.

Mộng mơ rủ hoa bướm về trên trang mực tím. Lá me bay khơi nỗi nhớ ngọt ngào. Đoá tường vi tung ước mơ trời cao gió lộng

Con đường bé nhỏ. Một cây bằng lăng tím thả những bông hoa buồn mỗi cuối đông. Một villa thênh thang. Lối vào sâu hun hút. Đầu ngõ ngọc lan xoè bóng mát

Ngôi nhà ấy là nơi – tôi biết yêu lần đầu. Muời sáu tuổi. Tôi mê học hơn hết thẩy mọi thứ trên đời. Trong tôi là hai điều trái ngược : thích khoa học nhưng tâm hồn ăm ắp văn chương. Có lẽ thừa hưởng từ họ ngoại. Và cô bé ngày xưa là tôi luôn chiếm giải nhất về môn Việt văn.

Năm đệ nhị. Cô quá đẹp. Dạy quá hay. Thương cô như thương bao nguời thầy khác. Rồi một ngày. Sáng mai. Nắng rất nhẹ và gió rất dịu dàng. Gió mơn man hôn má cô để tóc mai loà xoà. Tóc mai xoã cho tình ươm đầy mộng. Nào tóc mai thề thốt để lỡ hẹn xưa.

Một “coup de foudre”. Say đắm từ đó.

Và ngôi nhà -bằng lăng tím đầu đường- hoa ngọc lan trong sân là nơi tôi mòn gót tuổi mười sáu ….

Ngọc lan cao. Cành cây cứng cáp xoà tán rộng. Những búp ngọc lan như bàn tay người trong mộng đang gảy tỳ bà thánh thót đêm trăng. Cánh xếp lớp. Khá dày. Ít nhuỵ vàng e ấp dấu trong. Và hương ngọc lan ! Hương ngọc lan toả ngát một vùng trời thơ ấu. Hương ngọc lan dội từ trên không xuống vòng xe đạp nhỏ hờ hững dựa bên bờ tường. Hương ngọc lan sà xuống ôm tóc thề Gia Long. Tôi ngây ngất trong hương lan. Tôi chở về đầy giỏ xe búp lan trắng. Cặp học trò thơm ngát tinh khôi…

Hương ngọc lan nhà cô giáo tôi đấy. Của một thời – năm tôi mười sáu tuổi.

Rồi thời gian. Qua đi. Qua đi. Qua đi. …

Vun vút như bóng câu. Nhìn lại đời mình, sương phủ trắng bờ vai mà chút mơ mộng như nắng chiều phai trong tàn thu. Xoè bàn tay. À không một bàn tay không măng búp ấn nhẹ keyboard.

Ngọc lan. Hương ngọc lan lại toả ngát trong phòng. Hương ngọc lan ấu thơ. Nhạc ngọc lan trầm bổng..

Hương ngọc lan năm muời sáu. Hương ngọc lan của tuổi học trò.

Nhìn nghiêng. Vần thơ diễm ảo. Này là bao năm xa xứ. Chợt một chiều thảng thốt tìm lại hương xưa. Đập gương xưa mong tìm bóng cũ nhưng hương xưa thì chẳng gọi mà cứ từng buớc lén nhẹ từ quá khứ trôi về :

Bao năm trời viễn xứ
Cỏ bồng theo gíó đưa
Chiều nay chợt thảng thốt
Thoáng một mùi hương xưa
.

Nguời nhớ lại mùi hương cố quốc. Tôi não lòng khi đọc chữ “cố quốc”. Nuớc mắt long đong trên bàn phím. Cô ơi, cố quốc đau lòng người viễn xứ. Cố quốc ơi, bao giờ ta trở lại? Mùi hương như thần thánh hoá cả chiều hoang Paris, cả giòng sông Seine đang lờ lững :

Một mùi hương thanh khiết
Thánh- hóa cả chiều hoang
Mùi hương hoa cố quốc
Ơi hương hoa ngọc-lan !

Người xưa nói mưa giữ buớc chân ta nhưng giờ đây hương xưa từ dĩ vãng gọi hồn ta nơi trời ngoại :

Ai ngàn xưa thường nói
Mưa lưu bước người đi
Nơi đây trời lữ thứ
Hương gọi dĩ vãng về..
.

Ôi này, ngọc lan từ thuở ấu thơ. Ngọc lan trên Cót thượng. Tuyệt vời quá. Đã lâu lắm tôi mới tìm lại dòng chữ xưa “Cót thượng”. Ai là người nhớ chăng những “Cót thượng” của vùng quê bắc ấy?

Ngọc-lan trên Cót thượng
Ngọc-lan dưới Kẻ Mơ
Quê nội và xứ ngoại
Ngọc-lan, đời ấu thơ !

Búp lan thơm ngát trời xanh vuớng mái tóc mẹ hiền rồi cành lan quấn quýt áo con thơ. Ta ngủ nhé, hương lan đã nồng đấy :

Búp lan vương tóc mẹ
Cánh lan níu áo con
Những trưa trời oi ả
Ngủ dưới tàn hoa thơm.

Hương lan ru nguời ngủ. Trong mộng lan là chim vỗ cánh bay, là buớm la đà vườn trinh nữ là tiên nữ khúc nghê thường :

Hương lan ru hồn mộng
Chim trỗi khúc tưng bừng
Bướm ong, bầy tiên nữ
Múa hát trên không trung

Tỉnh giấc nam kha. Ôi hương xưa tưởng nhạt nhoà mà trong giây lát đã đưa ta về vùng kỷ niệm. Này mẹ cha âu yếm. Này quê ta sáo diều :

Ôi ! những ngày thơ dại
Bên mẹ cha êm đềm
Hương lan quyến luyến mãi
Quê hương, xứ thần tiên!

Nhắm mắt. Hương lan vẫn nồng đượm ắp trong hồn. Quê hương ơi, tuổi thơ ơi, ngọc lan ơi …ta nghe niềm quyến luyến đang dâng.. đang dâng …vẫn mãi dâng …

Hương lan quyến luyến mãi
Quê hương, xứ thần tiên!…

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , . Bookmark the permalink.