Trần Thanh Hiệp-Hoà Bình Trong Trí Nhớ

Hòa bình trong trí nhớ

Trần Thanh Hiệp

Durch die Welt ich gehe und rufe: Friede Friede Friede

Gerhard Marks (1889-1981)

Có những bài học, học qua sách vở, học giữa cuộc đời, học suốt cả đời mà chưa hết bài. Hòa bình là một trong những bài học đó. Cảm nghĩ cuối đời của tôi là chiến tranh đẻ ra hòa bình và ngược lại hòa bình cũng đẻ ra chiến tranh. Hòa bình gắn liền với chiến tranh, chiến tranh và hòa bình là hai mặt không rời nhau của một thực thể duy nhất, xã hội. Mơ ước một thứ hòa bình không có chiến tranh là một hoang tưởng. Chính tình hình Việt Nam, từ trên nửa thế kỷ nay đã minh chứng điều ấy.

Lúc còn nhỏ tôi nghe người lớn bảo tôi rằng hòa bình là hết loạn lạc.

Tôi sinh ra ở một vùng quê miền Trung, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học đã hết thời, con cháu phải ra tỉnh theo tây học. Hàng năm, vào dịp Tết âm lịch, chúng tôi hẹn nhau từ nhiều nơi kéo về quê cúng tổ tiên. Đầu thập niên 40, giữa lúc tiếng súng của cuộc thế chiến lần thứ hai đang nổ, chúng tôi về họp mặt tại một làng trên ven đê chạy từ Đức Thọ hướng về Linh Cảm. Phong cảnh nơi này từng là nguồn cảm hứng cho một nhà thơ, một thời nổi tiếng, nguyên quán ở địa phương:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu đôi ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Một buổi sáng đầu xuân, chúng tôi kéo nhau đi ngắm cảnh, một bên là sông, một bên làng xóm, đồng ruộng. Cảnh nghèo, buồn, nhưng hiền hòa. Một người anh họ, thần tượng của tôi, tuổi đã lớn, sức học bậc đại học, vừa đi vừa hỏi tôi: “Sau này em định làm gì?”. Tôi chưa tìm được câu trả lời – thật ra cũng chẳng biết trả lời ra sao – thì ảnh đã gợi ý: “Thôi cứ theo anh, học canh nông đi, chờ hết loạn lạc, về đây ta mở mang đồng ruộng!” Tâm hồn non nớt, còn trong trắng, của một cậu bé vừa học xong chương trình bậc tiểu học, đã tiếp thu ngay bài học mở lòng đơn sơ “hòa bình là hết loạn lạc”. Hòa bình cũng như thiên nhiên, mưa thuận gió hòa. Cũng như đời sống quê tôi, chẳng có gì sôi nổi, năm này qua năm khác.

Khi tôi đến tuổi vào đời, lại nghe nói phải gây ra loạn lạc để tạo ra hòa bình. Nhưng những gì chính bản thân tôi thể nghiệm được ở giữa cuộc đời buộc tôi phải nhìn nhận sự thật quái đản này.

Cuộc thế chiến lần thứ nhì đã im tiếng súng ở phương Tây. Hai trái bom nguyên tử ném xuống đất Nhật đã thanh toán gọn chiến trường ở phương Đông. Nhân loại hân hoan chào đón hòa bình. Nhưng ở Việt Nam lại có súng nổ. Khởi đầu, vì đảng tranh. Về sau, để đánh Pháp, diệt việt gian.

Việt Nam bao năm dòng rên xiết lầm than

Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang

Diệt phát xít, giết bầy chó đê hèn của chúng

Tiến lên nền dân chủ cộng hòa

Đồng bào tuốt gươm vùng lên……..

Cả một khối người vĩ đại, nhất là tuổi trẻ, như bị cuốn hút, chuyển bước, đi vào chiến tranh một cách tự nhiên

Bao chiến sĩ anh hùng

Lạnh lùng vung gươm ra sa trường

Quân xung phong, nước non đang chờ mong tay ngươi

Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời….

Cuộc chém giết được ca ngợi, hòa bình bị đẩy lui vào bóng tối để nhường bước cho chiến tranh.

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến

Từ xa xưa, ký ức tập thể Việt Nam đầy ắp những tiếng gọi lâm chiến. Sách trời đã định. Kẻ nào dám tới xâm phạm đất nước là chỉ để rước lấy họa vào thân. Hòa bình hay “thái bình” là do những nỗ lực cướp giáo giặc, bắt rợ Hồ, giết rợ Thát, bình quân Ngô mà giữ lấy núi sông, điếu phạt để khử bạo, yên dân trong nhân nghĩa.

Chiều hôm tươi sáng tiếng chiêng tiếng chiêng đưa

Tiếng chiêng đưa, tiếng chiêng đưa, tiếng chiêng đưa bên trời

Hồi chiêng khua thu quân theo nhà Nam

Rung rinh chân trời xa

Danh thơm anh hùng xưa…..

Toàn những lời hoa mỹ, thơ mộng, kỳ thực chỉ gói ghém những cuộc chém giết. Và đi kèm với chém giết còn có biết bao nhiêu tù đày, áp bức, chia lìa, đổ vỡ. Chém giết để phản đế, bài phong rồi để đấu tranh giai cấp. Chém giết để chia đôi đất nước. Rồi lại chém giết để thống nhất đất nước! Chém giết cho Mỹ cút, Ngụy nhào, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của kẻ ngoại bang. Nhưng lại để thay thế ách thống trị này bằng ách thống trị của người bản địa. Chém giết để lật đổ vua quan nhưng chỉ để cho Đảng chuyên chế lên ngôi cầm quyền với cả một triều đình cán bộ. Lúc nào cũng có những lý do để thần thánh hóa chém giết trong khi chờ đợi có hòa bình

Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao

Uốn khúc đường đào (….)

Các anh về đâu

Về nơi giết quân thù chung

Đi là san bằng hết oán thù

Rồi một ngày mai tình thương rắc reo

Phá tan biên cương loài người sóng thân yêu

Ngày mai lớp dân lầm than không còn buồu đau

Đập tan gông cùm đẫm máu

Đời vang lên đại đồng khúc ca

Muôn phương, tung trời lá bay muôn phương, tha thiết đường tơ……

Những kẻ cất tiếng gọi chém giết này, sau hơn bốn mươi năm trường, nhờ chém giết, bằng đổ máu mà giành được toàn thắng, đã vội vã quên lời ước hẹn xưa, trắng trợn ra mặt chính thức thiết lập chuyên chính, tiếp tục chém giết dù không đổ máu để cướp đoạt tất cả mọi loại tài sản, cướp đoạt quyền sống của mỗi người, tiếm đoạt chủ quyền quốc gia. Họ gọi đó là hòa bình. Thực chất, đó là một trạng thái xã hội có hưu chiến nhưng chứa chấp trong nó vô vàn bất bình đẳng. Vì vậy, tuy ngồi trên ngai vàng của quyền lực tối đa mà họ vẫn run sợ trước “nguy cơ” chí tử họ gọi là thủ đoạn diễn biến hòa bình, theo họ là một cuộc chiến tranh tư tưởng không khói lửa của những lực lượng thù địch để giành thắng lợi không cần chiến tranh! Như thế có nghĩa là họ không chấp nhận cho ai được tranh đấu đòi quyền sống, dù một cách hòa bình! Họ lo ngại chương cuối cùng của thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản sẽ chấm dứt trong một tương lai không xa. Họ học tập cách cộng sản Trung Quốc phòng chống “diễn biến hòa bình”, gọi những người chống chủ nghĩa Mác-Lênin, chống sự lãnh đạo của đảng cộng sản và chống chủ nghĩa xã hội là những người có chính kiến bất đồng. Họ kịch liệt chống đa nguyên hóa chính trị và thực hiện chế độ đa đảng, coi đó là một trong những đặc trưng của diễn biến hòa bình để làm suy yếu. bài xích, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Sự kiện họ chống hòa bình với quyền lực họ nắm trong tay khó có thể hiểu cách nào khác hơn là trong thực trạng trước mắt của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hòa bình đang thai nghén chiến tranh. “Vùng lên những ai cực khổ bần hàn!”, câu hát lâu đời này của phong trào cộng sản quốc tế trước mắt vẫn còn là lời cảnh cáo nghiêm trọng cho những người cộng sản Việt Nam, nay đã đổi ngôi trong xã hội và trở nên giàu có, đầy thế lực. Thực tiễn Việt Nam hơn bảy mươi năm đã dạy và đang giảng giải vì sao nay lại đến lúc phải tìm hiểu chiến tranh để mưu tìm hòa bình.

x

x x

Héraclite và Aristote, hai triết gia nổi tiếng thời thượng cổ ở Hy Lạp, mấy thế kỷ trước Công nguyên, đã cùng đưa ra một nhận định: “chiến tranh là mẹ đẻ của mọi điều”. Sớm hơn hai triết gia này, Tôn Vũ, Ngô Khởi, thời Xuân Thu, Chiến Quốc ở phương Đông, đã phát minh ra nhiều quy luật trong việc giao tranh để đưa chiến tranh lên hàng sản phẩm của trí tuệ, cho đương thời và cho cả hậu thế. Nhưng lịch sử loài người không phải là lịch sử của thuần chiến tranh, mà còn là lịch sử của hòa bình nữa. Chiến tranh và hòa bình xen lẩn trong cuộc sống của loài người. Mối tương quan qua lại này khởi thủy đã có và về sau vẫn có. Ngay sau cuộc đệ nhị thế chiến, một công trình nghiên cứu khoa học về xã hội loài người đã cung cấp hai số liệu đáng chú ý: trên ba trăm triệu người chết vì chiến tranh, không dưới 8500 hiệp ước hòa bình đã được ký kết. Tuy nhiên xuôi dòng thời gian, khi cần làm chiến tranh, loài người thần thánh hóa nó. Trái lại, khi cần tái lập hòa bình, người ta quay ra công kích chiến tranh để đề cao hòa bình, tạo ra cảm tưởng sai lầm coi chiền tranh và hòa bình là hai hiện tượng riêng biệt của xã hội. Từ thượng cổ đến nay, biết bao nhiêu thay đổi. Nhất là lịch sử đang diễn tiến trên đà của gia tốc.

Vì đã gắn liền với hòa bình nên chiến tranh tự nó là một nghịch lý. Chiến tranh là một bạo lực đẫm máu nhưng đồng thời nó lại được tiến hành nhằm mục tiêu độc nhất là thiết lập ḥa b́nh. Người ta có thể nói, và cũng phải nói, rằng hòa bình là cứu cánh của chiến tranh. Mối tương quan biện chứng này thường làm cho cả hai phe chủ chiến hay chủ hòa không hài lòng. Người La Mã đã để lại cho đời nay lời khuyên “Si vis pacem, para bellum” (muốn có hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh). Lời khuyên này giữa thế kỷ trước còn được nhắc nhở cho những sinh viên sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Phe chủ hòa, tuy không phủ nhận được hoàn toàn mối liên hệ hữu cơ giữa chiến tranh và hòa bình nhưng chỉ muốn đề cao hòa bình nên đưa ra khẩu hiệu “muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị hòa bình” . Một cách nói không mấy sáng sủa.

Hơn bốn tháng trước, vụ một nhóm đặc công khủng bố hồi giáo cướp đoạt máy bay, trực tiếp gây phá hoại tại hai thành phố Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn, trong nội địa nước Mỹ, đã là một chất xúc tác làm thay đổi hẳn phẩm chất của mối tương quan giữa chiến tranh và hòa bình. Với những đảo lộn không ai lường trước được. Những gì người ta chỉ mới mường tượng qua các cuộc chiến vùng Vịnh hay Kosovo thì nay đã thấy rõ, qua cuộc chiến A Phú Hãn. Rằng, hòa bình hoàn toàn phụ thuộc chiến tranh, loại chiến tranh mới, chưa từng thấy, có khả năng tự kết thúc, nói khác đi, phân định thắng bại, trong một thời hạn ngắn nhất, để khai sinh ra hòa bình. Nét đặc thù của loại mưu tìm hòa bình này đáng được coi như một trong những chỉ dấu của trật tự thế giới mới đang hình thành. Tuy hiện nay chưa có kinh nghiệm của một trận chiến rộng lớn cho phép kết luận “ai thắng ai”, nhưng dù ở trường hợp nào, khó còn những khả thế để áp dụng loại chiến tranh du kích, triển khai chiến lược chiến tranh lâu dai, chiến tranh toàn dân, chiến tranh giải phóng v.v. mà phe cộng sản đã hảo dụng trong mấy thập niên qua để cướp đoạt quyền lực trong một không gian khá rộng. Loại ý hệ lạc hậu khinh miệt nhân quyền, dân quyền, lấy bạo lực thuần túy làm chỗ dựa, lấy lừa dối làm thủ đoạn cai trị, cũng như loại ý hệ tôn giáo cuồng tín, hoàn toàn trông cậy vào phép lạ của thần quyền, không có khả năng đối đầu với hệ thống vũ khí mới, công cụ hành động của sức mạnh toàn cầu hóa, tổng hợp được kinh tế, văn hóa, thông tin hiện đại khoa học hóa, quy phạm pháp lý phổ biến về nhân quyền. Giả dụ trước mắt chiến tranh xảy ra thì cũng chỉ có thể là một cuộc chiến tranh “bất cân đối” mà phần thắng đã được quyết định ngay từ khi cuộc giao tranh bắt đầu, như tiền lệ A Phú Hãn đã cho thấy.

Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, tiếng súng đã ngưng nổ, kể từ khi những người cộng sản Việt Nam nắm được trọn quyền lực trong cả nước. Không còn một ngoại nhân nào, dù là quân nhân hay chính trị gia, còn có bất cứ một địa vị nào trên đất nước này. Tập đoàn cầm quyền cộng sản đã đạt được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tức là đã đánh bại được hết mọi đối thủ chính trị của họ. Lẽ ra hòa bình, theo đúng nghĩa của danh từ, đã phải được lâp lại để cho dân chúng được hưởng cuộc sống tự do, no ấm tối thiểu mà họ đáng được hưởng sau bao nhiêu năm hy sinh gian khổ. Nhưng một nền chuyên chính gay gắt đã được áp đật từ đầu thập niên 80. Và dù tình hình thế giới cũng như trong nước đòi hỏi tập đoàn cầm quyền cộng sản phải thay đổi đường lối cai trị, thay thế chuyên chính bằng dân chủ, sự đáp ứng của tập đoàn này cũng chỉ hời hợt bề ngoài. Ý đồ chuyên chế toàn trị vẫn còn được theo đuổi. Trung thành với tư tưởng Mác là khinh miệt nhân quyền theo quy phạm phổ quát hiện nay. Tôn sùng tư tưởng Lê-nin là vẫn bám giữ lấy độc quyền đảng trị và thủ đoạn bạo lực như là quốc sách cai trị. Theo gót tư tưởng Hồ Chí Minh không thể là gì khác hơn mượn những khẩu hiệu bề ngoài có vẻ bình dân và hiền lành để che dấu thực chất bạo tàn của chủ thuyết Mác-Lênin, còn được bổ sung bởi những chủ trương độc tài của Mao. Những lời tuyên bố “đổi mới” nhắc đi nhắc lại suốt hơn mười lăm năm nay là mưu chước xoa dịu dư luận quốc tế. Cái trật tự phi chiến tranh nhưng chứa đựng dầy bất bình đẳng, đầy áp bức hiện nay tại Việt Nam không thể coi là “hòa bình” được. Nó là bản sao chép của những trật tự mà chính người cộng sản từng gọi là “đế quốc thực dân “ và “phong kiến”. Nó là một cuộc hưu chiến mang thực chất của một tình trạng xã hội thường được gọi tên là “hòa bình nghĩa địa” !

Sự chuyển biến hiện nay của tình hình chung trên thế giới theo hướng dân chủ toàn cầu hóa là một cơ hội lịch sử cho người Việt Nam có khả thế thanh toán nạn độc tài chuyên chế để bắt đầu tiến trình dân chủ hóa đất nước. Không thể để lỡ dịp mà không nắm bắt dược thời cơ. Chưa ai đoán trước được sự việc sẽ xảy ra thế nào trong tương lai. Nếu dựa vào thực trạng mà nhận định tạm thời có thể rút ra hai kết luận dưới đây:

Một đằng tập đoàn cầm quyền cộng sản vẫn cứ nhẩn nha tiếp tục nhịp độ đổi mới nhỏ giọt của họ – tức là như vậy sẽ chẳng có đổi mới nào đáng kể – chừng nào họ chưa bị ép buộc không thể cưỡng lại được phải thay đổi thực sự.

Đằng khác, đại khối dân chúng bị trị không đủ lực lượng tạo biến động thay đổi.

Ở trong nước, đối lập dưới các hình thức chính trị, văn hóa, tôn giáo bị chia cắt, cô lập hóa, để bị giam hãm trong thế bao vây thường xuyên của chính quyền, với một bộ máy kìm kẹp công an, tòa án hùng hậu, sẵn sàng đàn áp bằng mọi giá. Ở ngoài nước, hơn ba triệu người tị nạn tuy dứt khoát không chấp nhận chế độ đương hành trong nước, nhưng phần lớn chỉ ồn ào, nói nhiều hơn làm. Hình thức tranh đấu này, thích hợp với giai đoạn tố cáo tội ác vào những năm 80, nay đã lỗi thời. Chính quyền Hà Nội đã bình thường hóa được quan hệ chẳng những ngoại giao, chính trị, văn hóa, mà cả kinh tế với cộng đồng quốc tế. Phải mau lẹ tìm ra được những hình thức tranh đấu mới. Để việc chống độc tài đạt được những hiệu quả ngang tầm với sự đòi hỏi của tình thế. Về các mặt tư tưởng, tổ chức, động viên người cũng như phương tiện. Bài học A Phú Hãn hẳn đã cảnh tỉnh những người Việt tị nạn ở ngoài nước rằng nếu cứ kéo dài tình trạng rời rạc, hỗn loạn vô tổ chức, thiếu lãnh đạo, thiếu chỉ huy, thiếu phối hợp, tư kiến, tư đảng vô trách nhiệm, e rằng tới giờ phút quyết định, bất chợt đến, sẽ bị đào thải.

Đã đến lúc những người Việt tị nạn ở nước ngoài cần xét lại toàn bộ cuộc tranh đấu của mình, đổi mới tư duy về mọi vấn đề của đất nước cho thích hợp với tình huống mới. Những kiến thức cũ của thời chiến tranh lạnh, những mơ ước cũ mang tâm trạng kẻ bại trận mong phục thù, những tính toán tiểu tuệ cơ hội chủ nghĩa vì lợi nhuận riêng, phải dẹp sang bên không thương tiếc, để mở đường cho một thế tranh đấu mới.

Trước những thử thách mà tình thế đang đặt ra, những người Việt tị nạn ở ngoài nước có thể là một lực lượng đổi mới có trọng lượng, có tiềm thế khả dĩ trực tiếp ảnh hưởng đến số phận chung của đất nước.

Chẳng biết những người này có dám và có đủ bản lãnh nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử hay không. Cải tạo vận mệnh cho cả một dân tộc đòi hỏi những nỗ lực lớn. Không thể đoán trước được rằng những người Việt tị nạn ở ngoài nước sẽ góp phần như thế nào. Dù sao, nếu chưa làm ngay được những điều tích cực phi thường thì ít nhất cũng nên cố gắng tránh tối đa những sai lầm chỉ gây ra những hậu quả tiêu cực. Trong số những sai lầm này người ta thấy có hai chủ trương rất tai hại, băt nguồn từ tâm lý khiếp nhược, không dám thú nhận, trước chính sách khủng bố bằng bạo lực có hệ thống của tập đoàn cầm quyền cộng sản. Do đo, nảy sinh ra hai thái độ thỏa hiệp không điều kiện với tập đoàn này để mưu tìm hòa bình. Hoặc là tự giam mình vào chiếc cũi “Mặt Trận Tổ Quốc”, tri tình chấp nhận vai trò ngoại vi thuần trang trí, trong trận đồ hòa bình giả hiệu. Hoặc đứng ngoài nhưng tránh né mọi hình thức tranh chấp trực diện với chuyên chế cộng sản, chuyên dùng khẩu hiệu suông cổ võ tranh đấu tuyệt đối bất bạo động, trông chờ sự phản tỉnh của chuyên chế hòng giành thắng lợi cho hòa bình.

Sau biến cố 11 tháng 9 ở Mỹ, điều phải ý thức rõ là với loại chính quyền chuyên chế, tàn bạo, ngoan cố, lấy khủng bố làm chính sách như chính quyền Taliban hay các chính quyền cộng sản tàn dư, không đường lối nào ngoài chiến tranh để giải quyết vấn đề hòa bình. Tách rời hai thứ này là đuổi bắt ảo vọng.

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, tôi đã hai lần đến thăm nước Đức, trước và sau khi bức tường Berlin bị triệt hạ. Dịp này tôi có chụp ảnh một chiếc tượng được dựng lên giữa một đại lộ nối liền hai miền Tây Đức và Đông Đức. Tuy trí nhớ của tôi đã ghi khắc sâu đậm tượng này, vì ý nghĩa của nó, tôi vần thâu nó vào ống kính. Tác giả là nhà ðiêu khắc người Ðức, Gerhard Marks (1889-1981). Tượng tạc hình một người chân bước đi, hai bàn tay đưa lên miệng, úp vào nhau làm thành loa, dưới chân chạy vòng quanh hàng chữ “Durch die Welt ich gehe und rufe: Friede Friede Fruede” (Trên những nẻo đường chạy khắp hoàn vũ tôi cất bước đi và hô lên: Hòa bình Hòa bình Hòa bình). Tôi đứng sát gần tượng, rồi lùi xa, để chụp. Ảnh đầu rõ đủ nét, từ tay úp, miệng mở cho đến chân đi. Ảnh sau tượng nhỏ dần cho đến khi tượng chỉ còn là một bóng đen trên con đường lớn. Nhìn những bức ảnh tôi chụp, tôi liên tưởng đến những người đang kêu gào đòi hòa bình, dân chủ nơi chính quyền cộng sản Việt Nam. Đã trên mười năm rôi mà ấn tượng này vẫn còn nguyên vẹn trong đầu tôi.

Cậu bé đầu những năm 40 tại một vùng quê ở miền Trung đã tiếp thu bài học mở lòng rằng « chiến tranh là hết loạn lạc », nếu trước đó một thập niên đã đủ lớn khôn để hiểu việc người lớn và lại có may mắn được tiếp xúc với “văn minh”, thì nó đã có thể nghe Albert Einstein và Sigmund Freud đối thoại về chiến tranh và hòa bình. Hoặc là trước đó 30 năm, một cậu bé khác sau này thành thánh tổ của những người cộng sản Việt Nam – đặt chân được vào đất của “ văn minh” nhưng không bị lạc lối vào “con đường cứu nước” do Lênin vạch ra thì có thể dân tộc Viêt Nam đã không phải phung phí quá sức xương máu suốt hơn nửa thế kỷ.

Đầu thiên niên kỷ mới, tuổi đời của cậu bé năm xưa ở Hà Tĩnh mơ ước hòa bình nay đã tăng lên bảy lần. Trong cơn lốc của thời đại, cậu bé này đã cất bước phiêu lưu, từng qua không biết bao nhiêu nhịp cầu « đứt ruột » (đoạn trường ai có qua cầu mới hay). Giấc mộng đầu tuy còn tươi thắm mà lòng tin đã hao mòn với thời gian. Bài học vỡ lòng « hòa bình là hết loạn lạc » đã được bổ sung và trở thành «muốn có hòa bình hãy hiểu chiến tranh »./.

This entry was posted in Trần Thanh Hiệp and tagged . Bookmark the permalink.