Mỗi Bông Hoa Trên Đường Phỏng Vấn

Cuối hè. Tháng Tám. Mấy năm trước, tôi viết “Tháng Tám chưa phải là Thu

Thì tháng Tám, chợt hắt hiu gió nhẹ, chợt nắng ngoài hiên rọi rất dịu dàng thì phải nhớ đến mùa Thu phải không.

Cali tháng Tám trời dễ thương. Buổi sáng thì đẹp. Vì nắng đẹp, gió đẹp.

Khi đắm đuối với cái gì thì mình thường gắn bó với nó và làm việc không mệt mỏi. Phỏng vấn là một đề tài mà tôi đắm đuối. Tôi thích tìm hiểu người khác lắm. Chả thế mà khi trò chuyện, một sư tỷ Gia Long nói rằng “Muội đặt các câu hỏi khiến tỷ tỷ biết là em có nghe chứ không lơ đãng!”. Chả thế mà một anh bạn cứ “sorry” khi “bắt” tôi nghe nhưng vẫn thích thủ thỉ. Tôi từng ví von nói đùa rằng tôi là “cái thùng rác” của anh. Có gì đâu, “ông tướng” có thể kể về đủ thứ vui buồn trong ngày cả giờ với tôi. Tôi chỉ “nghe” thôi.

Năm 2004, khi bắt đầu cộng tác với Đài Việt Nam Hải Ngoại ở DC, là tôi đã chọn Phỏng Vấn trước tiên, sau đó mới là Âm Nhạc. Từ đó đến nay, tôi “biết” được thêm nhiều người. “Biết” theo kiểu “biết” của tôi- đối thoại- với người.

-Từ khi dọn đến Quận Cam, năm 2011, tôi gặp người mà tôi đùa nói là “điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn thập niên 70Nguyễn Kỳ. Ngày đó NK rất nổi tiếng. Dạ Lan, “người yêu của lính” với hàng triệu triệu bức hình gửi cho khắp bốn vùng chiến thuật là từ bàn tay Nguyễn Kỳ.

-Năm 2012, tôi rất thú vị khi gặp được người mà tôi gọi là “Người phụ nữ hấp dẫn nhất VN thập niên 60, Tài Tử Kim Vui”. Tôi không lộng ngôn đâu đấy nhé. Tôi “chấp” bất cứ ai có thể chỉ cho tôi người nào có thân hình hấp dẫn hơn tài tử Kim Vui vào thời ấy?

-Lãng đãng thế nào mà gặp người quen cũ: Phạm Mỹ Lộc. “Chàng” nhạc sĩ này gặp may mắn đủ điều trong công danh, sự nghiệp, tình ái. Thế nhưng cái tâm của “chàng”, cái đam mê của “chàng” dành cho hành trình tìm về âm nhạc Việt khiến tôi xúc động.

-Từ Kim Vui, may mắn cho tôi gặp lại người phụ nữ tài sắc thuộc thế hệ 1,5: Dương Như Nguyện. Cô gái đoạt giải thưởng văn học cuối cùng của miền Nam trong Lễ Hai Bà Trưng, đến Mỹ ở tuổi mười sáu, gặp bao khó khăn của cái thế hệ nửa tây-nửa ta, của vùng đất mới đầy lạ lẫm chông gai khi cộng đồng chưa phát triển mạnh…

-Từ một người đến từ Sài Gòn, tôi bỗng nhớ về thủ đô một thuở. Để từ đó, đề tài phỏng vấn được chuyển sang “Saigon Muôn Năm Cũ”. Văn Quang, từ Sài Gòn, là người đầu tiên cho loạt bài này.

-Từ Văn Quang, tôi chận bước Trần Thanh Hiệp, nhận chú cháu dù cà nông bắn không tới tình họ hàng. Tôi say đắm với giòng chữ , mạch văn và cả tài trí của người cựu Bộ Trưởng VNCH.

-Vô tình tôi gặp người hoạ sĩ có vẻ cộng đồng không biết nhiều nhưng lại là người có hoạ phẩm trên đường phố Paris, là người được Unesco trao giải thưởng, là người được chính phủ Pháp tài trợ cho khá nhiều buổi triển lãm: Vũ Thái Hoà.

Tháng Tám, cuối hè 2013

Hè 2013, như một định mệnh, tôi nghe Phan Nhật Nam trải lòng. Cũng là hè nhưng mùa hè xa xưa của Việt Nam và hè năm nay của Quận Cam.

Người lính viết văn, người đoạt giải với tác phẩm Mùa Hè Đỏ Lửa, viết về những đớn đau của cuộc chiến bằng những giòng chữ tàn nhẫn, những khắc hoạ bén ngọt tựa dao.

Hai người bạn của tôi, cứ coi là một Văn, một Võ đi, nhận xét vầy về Phan Nhật Nam:

-Một người lính viết văn, kiên trung với ta và kiên cường với địch (VTHQ)

-Tôi rất ngưỡng mộ Phan Nhật Nam. Bất cứ chuyện gì ông viết, hoặc nói ra, tôi đều muốn nghe. Những ngày chiến đấu trong quân lực VNCH của ông Nam cũng làm tôi ngưỡng mộ. Ông viết rất hay: Dấu Binh Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết… tuyệt. (BXC)

Còn tôi, tôi nghĩ gì nhỉ? Hôm qua, nghe Nam kể, chỉ mới khoảng một nửa thôi, nhưng tôi thấy lòng bâng khuâng. Tôi có đang làm điều đúng hay không? Tôi tin là Có. Trực giác của phụ nữ thường là đúng.

Nhưng đây là đoạn mở đầu của tôi:

Phan Nhật Nam có đôi mắt quá là buồn khi kể chuyện xưa, trái hẳn với vẻ sôi nổi khi nói về thời sự chiến tranh. Thì ai chả thế. Khi mà quá khứ không phải là nệm ấm chăn êm, không phải là cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi khâu. Cái hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước đã cướp mất của PNN những tháng ngày êm đẹp của tuổi thơ. PNN không chọn nơi sinh ra và càng không trách nhiệm gì về quyết định của bậc sinh thành. Tuy vậy những ngày tháng trong chiến khu đã giúp PNN “nhìn” thấy, hiểu được bản chất của cộng sản cho dẫu chưa đủ trí khôn của đứa trẻ lên mười. Đôi mắt trẻ thơ đã biết sợ hãi khi chứng kiến sự dối lừa, sự tàn độc, và không biết có phải vì thế mà mẹ PNN không hề “tuyên truyền” điều gì với Nam. Hẳn là bà, vì mạng sống chồng cũng như bản chất quá đổi nhu thuận, hiền lành một đời không hề nói tiếng lớn chứ đừng nói tranh cãi với ai.

Con đường thiên lý, Dương Như Nguyện vẫn nói thế khi tâm tình về con đường Nguyện chọn.

Con đường tôi đi, không hẳn là thiên lý nhưng mỗi bông hoa tôi hái trên đường là những gì tươi đẹp của cuộc sống, tôi gửi đến mọi người!

Hoàng Lan Chi- Hè 2013

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.