Hoàng Lan Chi- nhận xét về sự việc NS Nguyễn Ánh 9 với việc phê bình một số ca sĩ nổi tiếng trong nước

Nhận xét ngắn của Hoàng Lan Chi:

1-Tuần trước net (trong và ngoài ) luân lưu bài nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét về các giọng hát “vàng bạc kim cương đá quý” trong nước. Những nhận xét này đã gây sóng gió. Một là vì Nguyễn Ánh 9 là 1 nhạc sĩ lớn tuổi, có tiếng từ trước 1975, được coi như một loại “cổ thụ” nghĩa là có đầy đủ tư cách, trình độ, thẩm quyền để cho những nhận xét ấy. Nói rõ hơn, kiến thức âm nhạc âm nhạc bảo vệ cho nhận định của ông. Cương vị nhạc sĩ không bảo kê cho một ca sĩ nào, bảo vệ cho nhận xét của ông vì không rơi vào cái gọi là “gà tức nhau tiếng gáy”.

2-Ngay lập tức, Đàm Vĩnh Hưng trả lời. Dư luận sau đó đã rất nhiều lời chê trách. Cá nhân tôi cho rằng, chế độ ấy cộng với giáo dục hoc đường và xã hội kiểu ấy, đương nhiên sẽ đào tạo ra khá nhiều ( không phải tất cả) những con người kiểu ấy. Vì thế với sự hỗn hào, vô giáo dục có từ những thanh niên trẻ kiểu Đàm Vĩnh Hưng, tôi không quan tâm. Bởi nếu quan tâm tôi sẽ phải truy tận gốc rễ là cái đường lối giáo dục tại học đường của bọn vc.

3-Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên tiếng sau bức thư hỗn hào của Đàm Vĩnh Hưng. Có vài nhạc sĩ gạo cội có tiếng tăm của cộng sản (nghĩa là nhạc sĩ Hà Nội CS cây đa cây đề) đều đồng ý với Nguyễn Ánh9. Trong số đó có cả Chủ tịch hội nghệ sĩ của cái gọi là thành hồ thì phải. Ca sĩ lớn tuổi, cũ của VNCH ( Lan Ngọc) thì đương nhiên đồng ý với Nguyễn Ánh 9. Ca sĩ của Vc sau này, thuộc loại “tử tế” như Cao Minh, Ánh Tuyết cũng đương nhiên đồng ý với Nguyễn Ánh9.

4-Tôi không sa đà vào việc phê phán tư cách Đàm Vĩnh Hưng hay “tư cách người thầy khi nói về đàn em” của ns Nguyễn Ánh 9. Tôi chú ý vào cái ẩn đằng sau. Tôi đọc được cái ẩn đó vì NA 9 không phải là người ngu, không phải là người sồn sồn, không phải là người kiêu căng tự phụ..Ông là người nhu nhã xưa nay, ông đã già.

Con chim già nua nhìn thế giới quanh nó, cất tiếng hót cuối cùng, tiếng hót mang vị mặn của máu vì muốn thế giới càng ngày càng được tô điểm bởi những bài ca véo von từ sơn ca chứ không phải đắm chìm trong những âm thanh của loài “cú”. Nghìn năm trước, “cú” chỉ được hót ban đêm, nào đâu tiếng cú được nhìn ánh sáng mặt trời?

Nguyễn Ánh 9 đã chọn con đường ấy để hót. Tôi đau đớn khi có cảm tưởng con chim ấy hót từ bụi mận gai.

Con đường ấy ông biết trước, lường trước được mọi hậu quả.

Và tôi, từ bên kia bờ đại dương, nhìn về ông với tất cả sự kính trọng biết ơn.

Tôi cũng biết ơn mọi người, những người đã “nhận thức” được vấn đề chính.

Nhận thức được thì cứu vãn được nền âm nhạc trong nước hiện nay.

Theo tôi, đây là những đối tượng chịu trách nhiệm chính trong sự nhào nặn ra “thế giới âm nhạc” hiện nay của VN cộng sản:

Giới truyền thông bao gồm báo chí, truyền hình, truyền thanh.
Giới nhạc sĩ sồn sồn và trẻ chạy theo lợi nhuận vô tội vạ
Giới ca sĩ đánh mất phẩm giá đích thực khi dùng tiền từ thân xác để lũng đoạn giới truyền thông và giới thưởng ngoạn.
Cuối cùng là giới thưởng ngoạn. Hãy tự trách mình là “quá dễ dãi, quá hời hợt, quá bồng bột”, để cuối cùng cả nước có một nền âm nhạc như thế! (1)

Hoàng Lan Chi
8/2013

(1) Tại hải ngoại, cũng cần phải coi lại với những bài hát mới vớ vẩn từ các trung tâm ca nhạc.

Giới thiệu bài viết dưới đây, khá chính xác.

Mọi phê bình có thể xem cho biết ở đây: http://www.mautam.net/forum/viewtopic.php?t=167055&sid=e3cf5ba84414d5018d410c7d738dc834

Phiếm đàm: Tâm thư bảo vệ ca sĩ Chai-En

Thứ Sáu, ngày 30/08/2013, 08:10 AM (GMT+7)
>> Sự kiện: Phiếm đàm Cuộc sống

Tâm thư này để bảo vệ quan điểm về gu âm nhạc vừa là bảo vệ thần tượng của mình.

Đón xem những VIDEO HÀI đau bụng nhất, TRANH VUI hài hước, TIN VỊT, TRUYỆN CƯỜI , THƠ VUI khó đỡ nhất tại CƯỜI 24h.

Kính thưa các cụ nhạc sĩ và dư luận!

Con là Doraemon (còn gọi là Đô-rê-mon), sinh năm 2112, là fan “hâm” mộ ca sĩ Chai-En cuồng nhiệt! Con cũng là fan mộ dòng nhạc phổ biến nhất Đại Cồ hiện nay – nhạc thị trường, nên con gửi tâm thư này vừa là để bảo vệ quan điểm về gu âm nhạc, vừa là bảo vệ thần tượng của mình.

Lời đầu tiên con xin gửi tới các cụ lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!

Lời thứ hai con xin phép được gọi các cụ là cụ, bởi vì con là lớp hậu sinh, tất nhiên các cụ phải nhận được sự kính trọng. Nhất là với các cụ nhạc sĩ, hẳn nhiên tuổi nghề cũng cao hơn con rất nhiều.

Thưa các cụ! Trong làng nhạc Đại Cồ, những lời nhận xét của các cụ về các ca sĩ đình đám vừa qua, hầu như dư luận đều công nhận đó là lời nhận xét đúng, thẳng thắn và chân thành, ngoại trừ một vài ca sĩ bị các cụ chê. Trong số đó, có người lên tiếng, có người im lặng, không biết là trong bụng nghĩ gì? Nói chung rất khó đoán, khó như đoán giới tính của một số ca sĩ vậy. Nhưng nổi đình đám nhất là tâm thư của anh Chai-En gửi các cụ, nó khiến các cụ ồn ào, nên làm cho bàn phím mòn thêm rất nhiều.

Nói thật với các cụ, con rất hay nghe anh Chai-En hát, nhạc gì anh ý cũng hát, lúc thì gào thét quằn quại, khi thì rên rỉ thở hắt ra, cũng vui tai ra trò. Ở quê, nhiều nhà bị trâu bò đến phá lúa đuổi mãi không được, họ truyền nhau kinh nghiệm, rằng thì là cứ mở đĩa Chai-En ra là trâu bò chạy hết, tất nhiên là tếu vậy thôi nhưng cũng ý nghĩa đáo để!

Với tư cách là người hâm mộ nhạc thị trường kiểu như anh Chai-En, lời nói của các cụ khiến con cũng có tí ấm ức (mặc nhiên là con không hề dám nói những lời bức xúc, chứ đừng nói là dám hỗn láo với các cụ). Cho dù người ta bảo các cụ nhận xét đúng, nhưng đúng để làm gì? Để giải quyết vấn đề gì?

Thứ nhất là đang yên đang lành các cụ lại đi chọc tổ kiến lửa. Lẽ ra các cụ phải hiểu, ca sĩ thị trường kiểu này đông như kiến, fan như con còn đông hơn kiến, mà chỉ cần vài con cắn cũng đủ khiến các cụ ngứa ngáy rồi.

Thứ hai là lời nói thật của các cụ đặt không đúng chỗ. Chuyện hát hò người ta vẫn gọi nôm na là diễn, mà đã là diễn thì tất nhiên không cần phải thật, hơn nữa “diễn” đến mức thành nghệ thuật thì chỉ có ca sĩ thị trường đỉnh của đỉnh mới làm được. Họ diễn trên sân khấu, diễn ngoài đời, trên báo chí, với đồng nghiệp, diễn với fan hâm mộ… rất nhuần nhuyễn. Ai mà không biết rằng những ông hoàng, bà chúa tự phong đó vốn thích được khen, không ai khen thì tự khen qua khen lại lẫn nhau cho nó nhộn nhịp, tục gọi là tự sướng. Thà rằng cứ để người ta tung hô nhau, lôi nhau lên đỉnh phù vân thì có phải vui cả làng không, đằng này các cụ lại bất ngờ chọc phát, khối anh giật mình rơi bẹt xuống sình, tức lắm chứ. Cho nên có biết các cụ nói đúng vẫn phải gồng lên mà chửi đổng.

Các cụ chê Chai-En hát dở, nói anh ấy không đáng mặt ca sĩ? Ai cũng biết anh Chai-En có cả đống giải thưởng, to có, bé có, lúc to lúc bé cũng có, các cụ chê anh ấy hóa ra các cụ chê trách các nhà tổ chức đã trao giải tào lao cho anh Chai-En? Dù thực lòng thì con cũng không đoán được trong đống giải đó, cái nào được trao vì giọng hát?

Các cụ chê anh Chai-En hát dở khác nào các cụ đã tát vào mặt hàng trăm nhà báo đã và đang mải mê tung hô anh Chai-En, khi các cụ đã kết luận anh Chai-En hát dở, thì có nghĩa là các cụ đã xỉ vả rằng mấy tay làm báo đó hoặc là “đàn gẩy tai trâu”, hoặc là để “nén bạc đâm toạc tờ báo”.

Các cụ chê anh Chai-En hát dở đồng nghĩa với việc các cụ mắng hàng triệu người nghe anh Chai-En hát, rằng họ quá kém về âm nhạc! Điều này đã chạm vào tự ái của con, cũng giống anh Chai-En, con không thể ngồi yên. Chúng con có lý lẽ riêng để bảo lưu quan điểm của mình: Thứ nhất, chúng con chưa bao giờ được chỉ dạy về âm nhạc, chả biết thế nào là hay, nên chỉ nghe những thứ dễ nghe nhất, đỡ phải suy luận nhức đầu; Thứ hai, cũng vì cần đơn giản nên chúng con không quan tâm đến việc hát, cứ hở hang, nhảy nhót, ồn ào, lòe loẹt vui mắt là tụi con xem; Thứ ba, những người xem nhạc như con rất đông, mà đã đông thì báo đài ắt phải tìm đến, vì thế việc họ tung hô “ca sĩ của đám đông” như anh Chai-En là điều dễ hiểu. Thế là quanh năm suốt tháng họ chỉ đưa tin và phát nhạc loại này khiến tụi con lại càng quen tai hơn, quen riết thành say.

Kính thưa các cụ! Trong bản năng con người có sự tò mò, thích soi đời tư hơn nghe hát, thích lạ hơn thích chất. Báo chí nhiều khi cũng vì câu khách nên phải chiều khách, phải thỏa mãn sự tò mò của khách hàng bằng cách khai thác đời tư ca sĩ một cách triệt để. Ca sĩ đau bụng tiêu chảy cũng lên báo, ca sĩ thích ăn rau muống xào hơn rau muống luộc cũng lên báo, rồi ca sĩ đánh đề không trúng cũng lên báo… Báo sống nhờ ca sĩ, ca sĩ nổi nhờ báo, thế là “cặp đôi hoàn cảnh” này cứ tung hứng, lôi ra đủ các chiêu trò.

Vì vậy các cụ phải hiểu cho rằng nhiều ca sĩ nổi lềnh phềnh nhưng hát dở không phải do lỗi của họ, mà là do luật cung cầu, mà nhu cầu của chúng con chỉ có vậy. Các cụ có trách thì trách báo chí đã hùa vào, trách nhà quản lý đã không định hướng tốt làm cho cái dở ngoi lên. Các cụ đi phê bình ca sĩ kiểu như anh Chai-En là một sai lầm sâu sắc.

Thưa các cụ! Ca sĩ sống được là nhờ có fan, càng nhiều fan càng nhiều kim cương và hàng hiệu. Các cụ lên báo nhận xét người ta thẳng tuột như thế có thể khiến cho nhiều fan giật mình tỉnh giấc từ bỏ thần tượng bất tài. Như vậy khác nào các cụ vô tình đạp đổ nồi cơm của người ta, thế nên họ sẽ giãy lên như đỉa phải vôi và phản pháo lại. Anh Chai-En viết tâm thư chưa chắc đã xuất phát từ cái tâm, có khi là để chữa quê với fan, có khi lời qua tiếng lại với mục đích khiến báo chí vào cuộc, không cần thể diện. Ứng xử thông minh thì sẽ dụ được fan, nhưng không cần dụ fan thông minh, kiếm được tiền từ fan thông minh khó lắm.

Theo thuyết phản xạ có điều kiện, khi quyền lợi bị đụng chạm người ta sẽ phản ứng, tuy nhiên mỗi người có cách phản ứng khác nhau. Đối với những người lịch sự, có đạo đức và văn hóa thì những lời nhận xét chân thành của một người thầy, người cha như các cụ là rất đáng kính trọng. Ngược lại họ sẽ nhảy dựng lên đáp trả bôm bốp, không cần biết các cụ là ai.

Mặc dù hầu hết mọi người đều kính trọng thêm các cụ muôn phần vì đã dám nói thật, nói thẳng. Nhưng sự ca tụng đó lại nói lên một điều hết sức chua chát rằng: Lời nói thật, nói thẳng ngày càng trở nên xa xỉ và hiếm hoi trong trong giới showbiz, hiếm đến mức cứ thỉnh thoảng có người dám nói thật là thiên hạ lại rầm rộ khen ngợi.

Sự thật vẫn âm thầm là sự thật, khi mà còn nhiều người thích xem hát hơn nghe hát, khi mà giáo dục âm nhạc phổ thông chưa được chú trọng, khi mà quản lý chưa triệt để, khi mà báo chí vẫn lá cải hóa… thì cho dù các cụ hay hàng trăm người như các cụ lên báo hay lên vệ tinh Vinasat nhận xét thế nào đi nữa thì cũng chả cứu vãn nổi tình hình, nền âm nhạc trước mắt vẫn trong cơn bát nháo. Những ông Hoàng, bà Chúa, Thổ Địa, Thần Tài, Hề Hát… của nhạc thị trường sẽ không bao giờ thua trong những trận đấu như thế này!

Kính các cụ!

Hienmq

 

Bài liên quan:

Nguyễn Ánh 9 nhận xét về các giọng hát vàng bạc đá quý kim cương …ở trong nước

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.