Saigon Muôn Năm Cũ-Bs Bùi Xuân Cảnh kể về ĐH NLS thời VNCH, thời Uỷ Ban Khoa Học sau 75..

Trò Chuyện với Lan Chi

LGT: Trong chủ đề Sài Gòn Muôn Năm Cũ, chúng tôi đã giới thiệu vài nguời trong phạm vi âm nhạc, báo chí và văn học. Hôm nay xin giới thiệu một khía cạnh khác của VNCH thời ấy qua lời kể của Đại Úy BS Thú Y Bùi Xuân Cảnh. Từ 1957, sau khi ổn định chương trình di cư cho cả triệu đồng bào miền Bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ thông qua các chương trình viện trợ đã có nhiều kế hoạch để đào tạo nhân tài cho đất nước. Các chương trình giáo dục được giảng dạy, tổ chức thi cử ra sao, có bát nháo như sau 1975 không. Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, vc đã thất bại và phải “o bế” trí thức cũ như thế nào. Đấy là những bằng chứng hùng hồn cho giới trẻ bây giờ biết, cái lý thuyết của Mác Lê giá trị bao nhiêu xu. Quan trọng hơn hết, tri thức được đặt đúng vị trí. Xin mời theo dõi chuyện kể của Bs Đại Uý Bùi Xuân Cảnh.

HLC: Xin chào ông Bùi Xuân Cảnh. Quen nhau đã lâu từ ngày ở VA, tôi thấy rằng ông là một trong những nguời có lập truờng rất rõ ràng và vững chắc. Ông thuờng xuyên góp ý kiến, chỉ ngắn thôi nhung rất có giá trị với nguời viết và cả nguời đọc. Chúng tôi cũng thỉnh thoảng đuợc đọc những bài viết về quá khứ của ông. Hôm nay có lẽ phải “bắt cóc” ông để yêu cầu ông kể về cái “mảng” của ông. Truớc tiên xin ông kể một vài nét khái quát của thuở trung học?

BXC: năm 1949 tôi học lớp Đệ Thất tại trường làng Nguyễn Thiện Thuật. Trường tôi có lẽ là làng duy nhất có trường Trung Học dạy tới lớp Đệ Tứ, tức lớp chót của bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Năm 1950 Tây đốt làng, chỉ thầy Hiệu Trưởng Bùi Hy Trọng vẫn cố bám trong khi toàn bộ giáo sư chạy loạn hết. Thầy phải kiêm các môn khác nữa vì muốn cho học trò có mảnh bằng đệ tứ. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà trường tôi đậu đệ tứ khá nhiều. Trong số đó có Phạm Văn Đàm (sau này là hiệu trưởng Nguyễn Trãi). Riêng tôi, mới đệ thất thì bị loạn nên chạy sang Trần Lục ở Phát Diệm. Chưa được bao lâu thì nổ ra trận Điện Biên Phủ, tôi di cư vào Nam, học trường Tương Lai ở Nha Trang. Sau đó vào Sài Gòn và tốt nghiệp tú II năm 1958. Học MPC năm 1959 rồi sau đó học Nông Lâm Mục năm 1960.

HLC: năm ông đậu tú tài 2, những truờng nào phải thi tuyển và chế độ thi thế nào? Vd thời tôi thì phải thi Y Duợc Nha và các truờng tự ra đề, tự chấm. Có danh sách dự bị nghĩa là nếu sinh viên nào bỏ thì đôn lên. Sở dĩ có vụ bỏ vì một nguời có thể thi nhiều truờng nên có thể đậu nhiều trường và cuối cùng họ chọn truờng họ ưa thích nhất.

BXC: Năm 1959, chỉ có mấy trường chuyên nghiệp là có tổ chức thi tuyển sinh viên. Đó là ba trường Cao Đẳng thuộc trung tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (gồm Điện, Công Chánh, Công Nghệ, chưa có khoa Hóa), trường Đại Học Sư Phạm, trường Quốc Gia Hành Chánh, và trường Cao Đẳng Nông Lâm Mục Blao. Hình như còn trường Kiến Trúc thuộc viện Đại Học Saigon cũng thi tuyển. Trong số các trường thi tuyển nói trên, sinh viên trúng tuyển được cấp học bổng toàn phần là 1500 đồng. Lúc ấy, lương thư ký công chức hạng B chỉ có 1200$ . Riêng sinh viên các trường Phú Thọ, thì chỉ có một số được cấp học bổng của chánh phủ, số còn lại do các công ty tư cho học bổng.

Tôi dự thi vào nhiều trường nhưng tôi chọn Nông Lâm Mục vì có học bổng toàn phần suốt ba năm học. Trường cũng lấy một số đậu dự khuyết. Ngoài ra, còn một số người xin học Bàng Thính; nghĩa là cũng học như sinh viên chính thức; nhưng phải trả tiền ăn và nộị trú.

HLC: Nông Lâm Súc thời đó đóng đô ở đâu và giáo sư dạy là nguời Việt hay lẫn lộn Việt Pháp? Thi cử thế nào? Cuối năm thi hay một năm 2 kỳ? Có oral không? Thực tập Nông Lâm Súc coi bộ vất vả hơn dân Khoa Học chúng tôi thì phải vì hồi đó tôi cứ tuởng tuợng quý vị phải vào rừng rú, lò mổ?!

BXC: Tôi học khóa II Cao Đẳng NLM; Trường Cao đẳng này được Bộ Canh Nông và cơ quan Viện Trợ Hoa Kỳ xây cất tại Blao, tỉnh Lâm Đồng; và được chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành năm 1956. Trường được đặt dưới sự điều khiển của Bộ Canh Nông, khi tôi theo học. Mấy năm sau, trường được chuyển qua Bộ Giáo Dục.

Lúc mới biết tin thi đậu, tôi chưa có quyết định dứt khoát sẽ theo học trường NLM, vì Blao…xa xôi quá ! Nhưng khi lên thăm trường, tôi mê ngay. Cái gì cũng như còn mới toanh. Bàn ghế, học cụ, nhỏ như viên phấn, tấm mousse lau bảng…đều được nhập từ Mỹ. Cư xá nội trú sinh viên sáng choang; không khí mát mẻ như có máy lạnh điều hòa; khuôn viên trường thì rộng bát ngát với rừng cây, đồi núi, trại thực nghiệm chăn nuôi, trông trọt và cả một khu rừng để học Lâm khoa. Trường như một ốc đảo, sáng trưng giữa thị trấn Blao, lúc ấy còn đang bán khai.

Trường có nhà máy phát điện, nhà máy nước, sân vận động, nhà chiếu phim. Sinh viên nam, nữ coi rõ là dân trí thức, khác biệt với đám dân phố thị nhỏ bé Blao. Thấp thoáng qua các hàng cây sao, cây muồng có hoa vàng, là những biệt thự xinh xắn dành cho giáo sư, Đại Thính Đường, Thư Viện, Ký Túc Xá sinh viên, Đài Khí Tượng, sân vận động… Sáng chiều, các thanh thiếu niên nam nữ đi đến lớp dưới hàng cây hoa vàng rực rỡ, mà chúng tôi đặt tên là Hoàng Hoa Lộ. Ông Bùi Tiên Khôi, một cựu sinh viên trường Blao sau này du học Mỹ và làm giáo sư Đại học ở Texas, có bài viết nhận định rằng trường Cao Đẳng NLM Blao là một trường đẹp nhất trong các trường Đại Học ở Việt Nam thời đó.

Các khóa Kỹ sư dùng chuyển ngữ là tiếng Pháp. Tất cả các môn học, dù là do giáo sư Việt dạy, vẫn dùng tiếng Pháp. Hầu hết các giáo sư dạy Cao Đẳng đều từ các đại học bên Pháp cử sang. Ngoài ra, có một giáo sư người Đức, giáo sư Hoeninger dạy Lâm khoa, và một giáo sư Mỹ tên Stevenson, dạy Kinh Tế. Các giáo sư khác đều là người Pháp. Khỏi nói, các thày nhồi học trò như nhồi…bột! Cái gì các thày cũng muốn dạy, muốn truyền cho học trò, vì họ biết lớp sinh viên đầu tiên này sẽ là xương sống của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Nhưng nhà nước còn muốn gấp gáp có chuyên viên giỏi, cho nên một số sinh viên khóa I, dù đang học giữa năm, cũng vội vàng được chuyển qua Hoa Kỳ để đào tạo cho tốt hơn.Thành thử nhiều người chỉ học dở dang năm đầu ở Việt Nam, liền được chuyển sang Mỹ học tiếp.

Thi cử ở trường thật là …toát mồ hôi lạnh! Cuối năm học, chỉ thi một lần. Thi có ba phần: Thi Viết, Thực Tập và Oral, tức vấn đáp. Cuối khóa, chỉ được thi MỘT LẦN. Không có khóa hai. Đậu, rớt đều do một lần thi, và rớt thì được học lại, nhưng KHÔNG học bổng! Học trình kỹ sư là 4 năm, nhưng có lẽ nhà nước cần người làm việc quá , nên rút ngắn còn 3 năm, nhưng không được nghỉ 3 tháng hè như các trường đại học khác. Nếu tính cả ba tháng hè, thì học trình hóa ra dài hơn 4 năm.

HLC: Ông nhận xét thế nào về tình trạng giảng dạy, mức độ khách quan trong chấm thi?

BXC: Trường tôi học bị ảnh hưởng lối giáo dục của Pháp nghĩa là rất nặng về lý thuyết, sách vở. Nhưng đây là một trường Kỹ Sư, cho nên phần Thực Tập lại cũng nặng nề.

Các thày dạy đại học, nhưng cũng hành nghề trong ngành chuyên môn của mình; cho nên các ông rất rành mọi chuyện, và biết rõ khi tốt nghiệp, sinh viên ra đời sẽ gặp những trở ngại nào chính. Nhờ vậy, khi tôi đi làm, thấy mọi sự hình như đều đã quen làm.

Giống như ở bất cứ Đại học nào, ông thầy có toàn quyền lựa và giảng dạy những điều ông ta cho là cần thiết. Ở cái thời mạt pháp của bọn việt cộng ngày nay, mới xẩy ra sự chạy chọt, lo lót để được đậu. Hồi xưa, bà Chi còn nhớ không, chỉ nội cái ý nghĩ chạy chọt thi cử, đã KHÔNG BAO GIỜ CÓ TRONG ĐẦU của phụ huynh cũng như của học sinh. Bố đứa nào dám có ý nghĩ sẽ xin điểm thày Thới, cô Sương, hay ông Khuyến, ông Monavon hay ông Beneton, Đặng Đình Áng… ở Khoa Học. Thì ở các Đại Học khác cũng thế thôi. Thấy ông thầy là mình khiếp vía, đâu bao giờ lại nghĩ việc xin xỏ điểm thi. Có mà mặt mo! Nếu có điên mà ngỏ lời xin xỏ, thì chắc chắn kết quả sẽ ngược với lời xin, chưa kể ông Thầy có thể nhổ vào mặt mình.

Dĩ nhiên, các thày ở trường Cao Đẳng NLM rất công minh, tuy nghiêm khắc. “Các anh học để ra làm việc, và chỉ cho người khác làm. Các anh không thể làm bậy, và dạy người khác làm bậy. Cho nên, đừng trông đợi các anh sẽ ra trường, nếu các anh chưa chứng tỏ các anh đủ trình độ ” Ông bác sĩ Vũ Ngọc Tân dạy tôi môn Biology năm thứ nhất, đã nói với các sinh viên như thế.

Tôi chưa thấy ai bị rớt oan, hoặc ai không xứng đáng mà lại thi đậu. Vì ở nội trú, cùng chung thư viện, sách đèn, chúng tôi biết rõ tài học của nhau. Trước khi thi, chúng tôi đã đoán được ai sẽ có điểm cao, điểm thấp, và ai sẽ rớt.

HLC: sau khi tốt nghiệp thì thường quý vị đi về đâu? Các vị đậu cao được ưu tiên chọn nhiệm sở?

BXC: Số kỹ sư ra trường quá it ỏi so với nhu cầu, nên họ được tuyển dụng ngay vào các cơ quan chuyên môn của chính phủ. Không có vụ Ưu tiên chọn nhiệm sở, vì Sở nó chọn mình. Bộ Canh Nông hay Nông Nghiệp thu dụng hết các kỹ sư. Sinh viên tốt nghiệp có nghĩa vụ phải làm việc cho nhà nước, nếu được tuyển dụng trong vòng ba tháng sau khi ra trường. Nếu từ chối, không chịu làm cho nhà nước, họ phải hoàn lại số học bổng và mọi chi phí đào tạo suốt trong thời gian học tập. Ngòai Bộ Canh Nông, thì các bộ khác như Bộ Giáo Dục, Bộ Kinh Tế, các cơ quan tự quản như Nhà Máy Đường, Nhà Máy Giấy, Nhà Máy Cưa và Biến Chế Gỗ, Viện Pasteur, và cả Ngân Hàng nữa… Đó là chưa kể trong lãnh vực tư như các Đồn Điền Cao su, Trà, Cà Phê, các Trại Chăn Nuôi Gia Súc. Mấy ông Tây thực dân thường trả lương cao gấp 3 lương công chức, nếu có ông nào biết chạy chọt sau khi ra trường, khỏi phải làm cho nhà nước, mà đầu quân làm cho họ.

Tôi ra trường năm 1963, đúng là số con rệp. Các ông Tướng làm “cách mạng”, rồi xoay ra tranh giành quyền lực nhau, quên chuyện điều hành nước non. Lợi dụng lúc các ông lo hất cẳng nhau, quên bổ nhiệm tôi sau ba tháng, tôi bèn đầu quân làm cho USAID. Làm cho Mẽo, sướng cách gì! Thời ấy, chỉ có mấy anh biết xì xồ mấy chữ tiếng Anh, nhảy ra làm chức Thông Dịch cho các cơ quan Hoa Kỳ, chứ làm gì có kỹ sư được đào tạo chinh quy xin làm cho Mẽo! USAID nó cho tôi cái chức gọi là Area Specialist. Họ trả lương tôi $14,000, trong khi chánh phủ trà tôi 6,500 $ nếu tôi được tuyển dụng. Trụ sở của tôi là cơ quan USAID ở đường Ngô Thời Nhiệm nhưng tôi phải đi công tác liên miên tại nhiều tỉnh; và cứ mỗi ngày đi công tác, được trả 500$. Mà khi đến các tỉnh thì mình được cung cấp đủ thứ ăn, ở và còn được o bế rất tận tình. Lý do là tôi đến các tỉnh là để duyệt xét các dự án, và USAID sẽ viện trợ, nếu dự án được chấp thuận. Có đủ thứ project, từ nuôi heo với bắp Mỹ viện trợ, trồng mía cần phân bón, ông Công Chánh cần Xi măng, sắt thép, ông Nông Tín cần tiền cho nông dân vay…Vả lại các thầy Trưởng Ty tại các tỉnh, phần lớn là bạn mình, cho nên đi tới tỉnh nào cũng…khỏe re !

Tôi làm USAID được hơn 3 năm, thì nhà nước quyết liệt đòi tôi phải trả nợ, tức phải về làm cho Việt nam. Tôi về làm Trưởng Phòng Thí Nghiệm Biến Chế Ngư Sản tại Nha Ngư Nghiệp của ông Ngô Bá Thành. Tôi từ chối, không chịu đi làm Trưởng Ty tại Phan Thiết. Do vậy, tôi phải nhập ngũ khóa 23 Thủ Đức và thành lính chiến tới ngày Minh Cồ cúi mặt đầu hàng giặc!

Các bạn cùng khóa tôi, làm đủ mọi ngành: giáo sư, chuyên viên Ngân hàng, Trưởng Ty, Nhân viên bộ Kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hạnh là xếp Tổng Nha Kế Hoạch của Bà, cũng là cựu sinh viên trường tôi đó. Ông Phí Minh Tâm, tổng giám đốc Viện Định Chuẩn Quốc Gia, cũng là cựu sinh viên trường tôi.

HLC: xin ông kể về quãng đời binh nghiệp của ông? Nhiệm vụ chính của ông là gì khi gia nhập quân đội.

BXC: Tôi nhập ngũ khóa 23 Sĩ Quan Thủ Đức năm 1966. Ra trường Sĩ quan, tôi được chuyển về Quân Y, và quân đội lại đưa tôi ra Đà Nẵng. Nhiệm vụ của tôi là Sĩ quan thanh tra Thực phẩm cho các đơn vị vùng I Chiến Thuật. Ngoài ra, còn lo chữa trị Quân Khuyển, tức các con chó trận, rất đắt tiền và được huấn luyện rất kỹ. Mấy trự chó này được Bộ Quốc Phòng liệt kê vào loại Quân Dụng Thượng Đẳng, ngang cơ với các chiến cụ tinh xảo như máy bay, xe tăng…thành ra phải lo “bảo trì”, tức là chữa trị chúng nó cho đàng hoàng, trước khi chuyển chúng nó về Saigon cho bệnh Viện Thú Y Quân Đội ở Gò Vấp. Về việc điều trị này, tôi đã làm excellent, đến nỗi sau này, Cục Quân Y đã chuyển tôi về làm Bác Sĩ Chỉ Huy Trưởng Bệnh Viện Thú Y, thay cho y sĩ Trung Tá Hồ Tấn Phước được biệt phái dân sự. Còn nói về việc thanh tra thực phẩm thì nhiệm vụ của tôi là đến từng doanh trại quân đội, xuống nhà bếp, xem tình trạng vệ sinh, tình trạng các loại thực phẩm. Chính tôi phải ra lệnh hủy bỏ hay tiếp nhận thực phẩm, sau khi xem xét. Ngoài ra, quân đội còn có các nhà máy chế tạo thực phẩm, như nhà máy làm các bịch cơm xấy khô, làm cá hộp, làm thịt hộp. Tôi phải xem xét các lô hàng được giao trước khi tồn trữ vào kho, lấy mẫu và thanh tra các kho lương thực định kỳ. Tôi có một toán binh sĩ và hạ sĩ quan, khoảng hai chục người, với xe cộ và mọi thứ quân dụng riêng; có phiếu trưng vận để xử dụng máy bay quân sự, đi khắp vùng, hay bay về Saigon công tác.

Tôi cũng phải thanh tra, coi sóc thực phẩm cho tù binh. Trại tù phiến cộng tại Sơn Trà có hàng mấy chục ngàn tù binh. Chúng nó thường làm reo, gõ soong chảo, hò la ầm ĩ, mỗi khi thực phẩm phát cho chúng nó không được như ý: cá chê ươn, thịt chê ôi, gạo chê mốc. Những lúc ấy, tôi phải đích thân vào xem xét và giải quyết. Tôi có một kinh nghiệm thê thảm về việc thanh tra trại giam tù Phiến Cộng, để rồi tôi sẽ kể bà nghe sau. Ngoài ra, bao nhiêu chuyện lẩm cẩm hàng ngày, như chuyện ông cố vấn Mỹ tên Smith tới bàn giấy của tôi, ném một bịch các ươn, rồi sồ tiếng Ăng Lê hạch sách: “Can you guy eat this food? Why did you supply it for POW (tù binh)”. Thật khổ vô cùng! Không hiểu sao các quan Mỹ lại quan tâm tới tù Việt Cộng như thế; trong khi các quân nhân của chúng ta, bị VC bỏ đói trơ xương thì chẳng có ông “cuốc tế” nào tới dùng luật để bắt Việt Cộng theo đúng luật Tù Binh của các ông!

HLC: Ông bị ở tù vc bao lâu? Xin cho nét khái quát và kỷ niệm nào đáng nhớ nhất? Nguời quân nhân nào cho ông ấn tượng nhất ở trại tù?

BCX: Tôi ở tù Việt cộng có 3 năm 4 tháng 13 ngày. Thế nhưng những ngày tù vượt biên bị bắt thì dài hơn nhiều! Điều tức cười là khi đọc lệnh cho ra trại, tôi có tên trong sổ ra trại, nhưng nó không phát cái lệnh tha cho tôi. Sau khi các anh em đồng tù đã ùa ra cổng trại về hết, tôi được tên Ba Xuân, trưởng trại “an ủi” rằng: tôi thuộc thành phần “tốt” nên được Trại xin cho làm công nhân viên! Làm ở đâu? Xin thưa: ở ngay trong trại! Thế có khốn nạn không!

Thì ra bọn VC lúc đó không còn phải dùng súng đạn, chúng muốn làm ăn, tức là sản xuất. Thằng Sư Đoàn Trưởng sư đoàn La Ngà tên là Hai Cà, muốn xây dựng một khu Chăn Nuôi Heo, một vùng trồng Lúa và các Hoa Màu và một Nhà Máy Ép Mía bằng sức kéo của trâu bò. Nó giữ tôi ở đó, rồi đi các trại tù khác gom các bạn cùng trường lớp với tôi thành một toán chuyên viên, để làm cái việc nó muốn. Kết quả là nó bắt được ba kỹ sư, và ba ông Trung Cấp, giữ lại làm “công nhân viên” cả năm nữa, sau khi đã có lệnh tha. Tôi chỉ được giải thoát sau khi Ủy ban Khoa Học thành Hồ tuyển dụng tôi làm nhân viên. Kỷ niệm đáng nhớ trong các trại tù cải tạo, thì có nhiều; song tôi nhớ nhất là đã thực hiện được vài điều hữu ich và được sự nể trọng vô cùng của một số bạn tù.

Trước hết, là chuyện tái chế Pin. Khi Việt cộng giam chúng tôi được nửa năm, những ai ngây ngô nhất, tin vào cái hạn 10 ngày nó cho về, thì nay đã vỡ mộng. Hoang mang, lo lắng, ai cũng mong biết các tin tức bên ngoài. Một nhóm kỹ sư đã mầy mò chế ra được một cái radio, nhờ lượm lặt những vật dụng kiếm được trong trại giam. Các thầy kỹ sư điên, điện tử, cựu sĩ quan truyền tin, bằng cách nào đó, đã ráp được một cái radio nhỏ. Nhưng các thầy chịu bó tay, không làm sao có Pin để nghe thử cái radio ấy. Một số “thám tử” trong nhóm chế tạo radio, đã mò ra tôi và nhờ tôi chế tạo Pin cho họ.

Bà Chi nghe kể chuyện khơi khơi như thế này, thì bà không biết rằng đây là chuyện nguy hiểm trong trại giam Việt cộng, Nó có thể xử bắn Bà, vì nghi bà làm máy móc liên lạc với CIA, hay nước ngoài. Chí ít, nó cũng biệt giam, và tra tấn bà hộc máu. Nguy hiểm lắm!

Cảm tình tri ngộ của nhóm chế radio, đã tin sự trung hậu và biết đến tài mọn của mình, nhưng tôi làm sao mà chế tạo được Pin từ tay không! Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi yêu cầu các anh em, khi đi lao động hay làm việc, ai thấy các cục pin cũ, phải lượm đem cho tôi. Một yêu cầu khác : ai có các hũ thủy tinh đựng chao (đậu hũ muối cho lên men,dùng làm đồ ăn) xin cho tôi cái hũ, sau khi đã ăn hết chao. Một tuần sau, tôi có hàng tá pin nát cũ, và vài chục cái hũ thủy tinh. Pin cũ được đập ra. Lấy cái lõi bằng than chì, còn cái vỏ pin bằng kẽm, được đập dẹp, thành miếng vuông, có đục một lỗ nhỏ. Toán làm bếp đã cho tôi đủ muối để hòa thành dung dịch. Dung dịch muối bão hòa được đổ vào các keo thủy tinh. Cục than chì nhúng trong dung dịch muối và treo lên miệng bình, như cái tim của đèn dầu, là cực Dương (+), và miếng kẽm thả dưới đáy keo nước muối là cực Âm (-) Miếng kẽm có đục lỗ,nên có thể cột một sợi giây đồng nhỏ. Cục than cũng được cột bằng một sợi giây đồng..

Thế là tôi đã có một cục pin, với hại sợi giây Âm (-) và Dương (+). Dùng phương pháp nối tiếp, tôi nối các cục pin ấy (tức ba cái hũ chao nước muối có cục than và miếng kẽm) lại với nhau. Nối được ba hũ, tôi thử bằng cách quẹt hai đầu giây đồng với nhau, một tia lửa nhỏ mơ hồ, nhấp nhánh phát ra. Tôi mừng quá, nhảy dựng lên. Mầy mò suốt buổi, nối được 10 cái “hũ chao điện” và thấy điện phát ra khá mạnh. Tôi báo tin cho nhóm radio.

Hôm ấy là ngày 2 têt năm 1976. Buổi tối, sau khi đã cắt người canh gác tứ phía, toán “bác học” cho radio bắt sóng thử. Sau vài tiếng rẹt rẹt…bỗng một giọng hát vang lên, như giọng ngọc nữ tiên đồng từ cõi thiên thai nào vọng xuống trần gian: “Gom bao thương nhớ, anh trở về thăm em…khi mùa Xuân vừa tới! Em ơi, hoa lá rơi ngập đường, trời nắng xế vương vương…Lòng nhớ tới em luôn, mỗi khi chiều tà chim gọi đàn!” Các bạn tôi, như rợn tóc gáy, nước mắt đầm đìa, nghe lại tiếng vọng tha thiết, dịu dàng, lãng mạn, từ quá khứ liệt oanh của họ hiện về qua đài VOA. Họ ôm chặt lấy tôi và tung tôi lên cao. Tôi nghĩ nếu sau này tôi được giải Nobel về khoa học, chưa chắc tôi đã sung sướng hơn lúc ấy! Suốt đời, tôi sẽ không quên mấy câu hát hôm ấy, hình như là do Hương Lan hát.

Tuy nhiên, pin “hũ chao” mau hết điện lắm, và phải nối khoảng 12 hũ chao mới đủ điện. Mỗi khi hết điện, phải móc miếng kẽm dưới đáy hũ chao, đem mài nhẹ trên cát, để khử cực, là pin lại tốt như thường. Để khắc phục chuyện nửa chừng pin hết điện, các kỹ sư đã chế hai “set” pin. Pin này vừa hết điện, liền được thay thế bằng pin mới, trong khi pin cũ được “ khử cực” làm mới lại.

Chuyện thứ hai là chế ra Mực và viết bi. Nói chế ra, thì cũng là nói quá. Sự thể như vầy. Vào tù được ít lâu, sau khi đã viết “Bản Tự Khai” tam tứ lần, và đã ê chề cả năm, thì chuyện giấy mực kể như là…chuyện đời xưa có một ông Tiên… ! Giấy bút càng hiếm, thì nhu cầu lại càng mãnh liệt. Người ta phơi lá chuối khô, lượm giấy các bao xi măng…làm giấy. Chí đến bút, thì cũng vót cái đũa, mài cọng kẽm mà làm nên cây viết. Đến như mực thì…khó khăn thay. Chưa ai trong cái trại tù cả ngàn tên này, chế ra được mực.

Tôi lượm được một cây viết BIC cũ, còn chút mực, nhưng viên bi ở đầu viết đã kẹt cứng. Tôi mầy mò dùng cọng kẽm nhỏ, đẩy được viên bi ra, rửa sạch nó, rồi ráp vào. Bây giờ thì mực chảy ra, và viết tốt. Nhưng chỉ còn có chút mực., Khi đã hết mực, tôi tiếc cây viết, giữ nó mãi. Một bữa tôi bỗng nảy ra ý chế mực. Trong cái trại cải tạo này, chỉ có một chất lỏng có thể dùng chế mực: đó là chút nhớt cũ từ các xe phế thải rỉ ra. Nhớt ấy, đem pha với muội than dưới các nồi đun bếp, thành một thứ nhớt đen. Cái khó là phải căn độ lỏng của “mực”. Pha mực lỏng quá, nó chảy re qua viên bi, làm dơ bẩn và dĩ nhiên hết mực ngay. Nếu pha đặc quá, nó xít lại, không chảy. Sau bao ngày mầy mò, thệm chút này, bớt chút kia, kiểu pha hóa chất trong phòng thí nghiệm, tôi nấu được một chai mực to tổ bố, khá tốt.

Vì không có cái bơm để rút mực vào cái ống nhựa của cây viết BIC, tôi dùng miệng để hút mực vào ống. Và tôi xài thoải mái. Thỉnh thoảng cho bạn hữu xài chơi. Khổ nỗi, tin lành đồn xa. Cả trại biết tôi có mực và tôi biết chữa viết nghẹt bi. Tôi bị cả mấy trăm người hàng ngày đến nhờ chữa viết và nhờ bơm tí mực. Sáng sớm chưa kịp mở mắt, chiều tối vừa thiu ngủ, cũng có người dựng dậy…xin tí mực. Nhiều lần, tôi bị mực hút vào họng, khạc nhổ liên hồi mà không hết. Sau tôi phải “cộng sản hóa” chai mực đó cho toàn dân cùng xài mới yên thân!

Bà hỏi rằng tôi ngưỡng mộ ai trong trại nhất ? Phải nói tôi ngưỡng mộ rất nhiều người. Trong gian khó, nhiều người có những ý tưởng và tài khéo mình không tưởng nổi. Họ mưu sinh, thoát hiểm, khôn ngoan, hiểu biết hơn tôi rất nhiều. Họ làm bẫy chuột, bẫy chim, tìm các rễ cây ăn được, tìm lá cây trị bệnh rất tài. Họ chế ra võng treo tong teng, nằm thoải mái trong rừng; họ làm giây thừng từ những vỏ cây lột trong rừng, họ vẽ tranh, làm đờn, làm sáo, làm đồ kỷ niệm từ những thứ vứt đi như một mẩu gỗ, một mảnh tôn, mảnh nhôm. Và họ làm rất đẹp, rất hay! Tôi hiện còn giữ một cây lược nhôm có khắc hoa lá và tên bà xã tôi.

Tóm lại, các sĩ quan của chúng ta rất mực tài hoa và tháo vát. Nhưng người làm tôi ấn tượng và nhớ mãi là trung úy Ngô Nghĩa. Trung Úy Nghĩa và tôi cùng bị giam ở Trảng Lớn, Tây Ninh. Tôi không quen biết ông, vì trại tù có cả ngàn người. Tôi chi biết ông lúc ông bị…bắn!

Năm 1976, một hôm cả trại nhốn nháo vì tin có người vượt trại. Người ấy là Ngô Nghĩa. Ông mưu trí, thừa lúc bọn vệ binh giặt quần áo phơi ngoài sân, ông đánh cắp một bộ, rồi lại lượm đâu được cái nón cối. Thế là một buổi trời nhá nhem tối, ông diện bộ đồ bộ đội, rộng thình, đội cái nón cối vào, và tà tà, đường hoàng ra cổng chính, đi luôn trước con mắt cú vọ của cả đám lính gác. Khổ thay, ông không có tiền bạc gì để mau chóng lên xe thoát đi xa, nên khi ra bến xe, ông quanh quẩn ở đó, và bị bọn cộng sản bắt được. Chúng đánh ông tơi tả, và khi đưa về trại, chúng lập “tòa án” kết án tử hình ông.

HLC: tôi rất thích nghe ông kể về quãng đời khi ở tù về và được hay bị làm trong cơ quan nhà nuớc và những kỷ niệm “chết tiệt” của ông với GS Chu Phạm Ngọc Sơn. Xin vui lòng kể?

BXC: Cuối năm 1979, tôi được giải thoát, khỏi bị làm công nhân viên cho cái trại tù C18 tại Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh, là nhờ tên Trần Trọng Tân, lúc ấy là Ủy Viên Trung Ương Đảng, làm Trưởng Ban Khoa Học Thành Hồ. Nó làm Trưởng Ban Khoa Học, nhưng không biết gì về khoa học. Cái ấy đã đành. Nhưng y cũng chẳng có “nhà khoa học” nào dưới tay. Như xế xì cái cơ quan được gọi là Ban Khoa Học thành Hồ khác chi cái chùa Bà Đanh! Cho nên Trần Trọng Tân “quíu đít”, đi chiêu dụ hết các chuyên viên của VNCH. Và các chuyên viên, chuyên gia của ta thì lúc ấy như gà phải cáo. Thâm tâm họ cũng ý thức rõ cái sự hàng thần lơ láo, nếu xun xoe đến với thằng VC bất nhân, mới là tên cướp có súng hôm qua! Cho nên phe ta lảng tránh. Liêm sỉ con người trí thức mà!

Nguy khốn thay cho cộng sản: lúc ấy Mỹ cấm vận, Liên xô có mòi suy sụp, Đông Âu cựa quậy, muốn tự do và có vẻ không ưa anh Việt cộng. Kinh tế bên bờ vực thẳm. Chúng ta cũng như toàn dân, nghiền bo bo là thức ăn cho gà cho ngựa, đến mòn răng, sái quai hàm, và đớp khoai làng sung phềnh bụng, là chuyện thường ngày. Việt cộng nhẵn thín tài năng. Nó vội o bế các ông giáo sư Đại học. Các ông Trần Kim Thạch, Chu Phạm Ngọc Sơn, Lê Văn Thới, Phạm Hoàng Hộ… được “Thành Uỷ” o bế, nhận là “người của ta”. Cũng thời gian ấy, bao nhiêu “phát minh khoa học” của ta đã thành tựu: Thuốc trị bá bệnh Xuyên Tâm Liên, Lá khoai mì có nhiều protein gần bằng thịt bò; khoai lang có vitamin này vitamin nọ! Thế nhưng cái dạ dầy vẫn lép kẹp; Sư, Sĩ sau giờ làm, xúm nhau chia cá ươn, rau thối, bắt thăm cục xà bông, rút số nhận kem đánh răng dởm…

Lúc ấy, “nhiệm sở” của tôi là Sư Đoàn La Ngà, ở Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh. Tại sao tôi lại làm việc ở đó và làm cái gì? Thì tôi đã nói rồi. Tôi bị “Trại Tù Cải Tạo” giữ lại để làm công nhân viên trong trại. Vì nó nói tôi đã cải tạo xong, nay được làm công nhân viên, nên tôi tranh đấu, cuối tuần đòi về Saigon thăm nhà. Công nhân viên chứ bộ tù hay sao? Lúc đầu, nó viện cớ còn trong thời kỳ quản chế, không cho về; nhưng sau nhiều lần cãi cọ, “trâu đánh”, nó chịu cho về nhà mỗi cuối tuần. Trong một lần về thăm nhà, tôi gặp mấy bạn cùng trường. Họ dẫn tôi tới Ủy Ban Khoa Học, ca ngợi tôi với Trần Trọng Tân, là tôi có chuyên môn cao. Tôi nói với Hai Tân là tôi đang bị giữ làm công nhân viên cho sư đoàn La Ngà ở Long Khánh. Hai Tân cho biết tôi thuộc diện chuyên viên của Thành Phố, cho nên lão ta sẽ làm giấy giữ tôi ở thành phố; và lão làm ngay. Trại Cải tạo thấy tôi không trở về, nó phái lính xuống nhà tôi ở cư xá Chí Hòa để bắt tôi. Tôi sợ, phải trốn. Nó đến công an Phường, nhờ bắt tôi. Nhờ giấy tuyển dụng của ban Khoa Học Thành Phố, tôi không bị bắt và còn được cấp hộ khẩu ở quận 10. Làm ở Ban Khoa Học được hơn 3 tháng, tôi kiếm được chỗ vượt biên, và…dọt!

Nhưng cái số bị tù, nên tôi bị bắt. Khi được tha, Ủy Ban Khoa Học lại cho tôi vào làm. Thời kỳ này tôi chịu ép một bề, phải làm việc cho chúng. Đây là lúc trộn đất sét Củ Chi đã được “hoạt hóa” (activé) bằng HCl vào xà bông, do ông Chu Phạm Ngọc Sơn chỉ đạo. Thoạt đầu chỉ trộn có 15 % đất sét; sau thấy “tốt quá”, bèn có lệnh tăng tỷ lệ đất sét lên 20%. Chỉ it lâu sau, lại có lệnh tăng đất sét lên 30%. Người làm công việc trộn đất sét vào xà bông này là anh Cường, cử nhân Lý Hóa, nguyên Giảng Nghiệm Viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Anh làm tại Trung Tâm Sản Xuất Thử của Ban Khoa học. Mổi lần gọi cho Cường để tăng tỷ lệ đất sét, Cường thường lầu bầu chửi: “Quân lưu manh, gian trá”. Chẳng biết anh chửi ai. Lần cuối cùng tôi gọi Cường để tăng tỷ lệ đất sét lên 30 %, anh gào lên: “Sao không làm mẹ nó cục sà bông bằng đất sét luôn đi; khỏi trộn , ĐM thiệt tụi bay làm việc thực là quá tức cười !”.

Tôi vội phóng xe tới chỗ Cường, nói cho anh biết, tôi không có dự phần nào vô cái vụ làm sà bông đất sét này. Đây là kết quả nghiên cứu của ông Sơn ở Đại Học Tổng Hợp. Cường bảo tôi “ĐM làm với tụi bay, chắc có ngày tao tức quá mà chết mẹ nó luôn!”. Không ngờ đó là lời nói gở. Một buổi sáng sau đó ít lâu, Cường đang tập thể dục trước nhà, bỗng ngã lăn ra và chết luôn!

Cường chết rồi, tôi buồn quá. Và lại vượt biên lần nữa. Nhưng cái số ăn mày vẫn còn đeo dính. Tôi lại bị bắt và ở tù, lần tù này rất thê thảm. Ra tù, lại vẫn mặt mo, trở lại Ban Khoa Học làm việc.

Tôi đã cùng các chuyên viên đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuống tận Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên… làm các project phát triển kinh tế cho những tỉnh nào ký hợp đồng thuê Ban Khoa Học nghiên cứu. Bao nhiêu năm tháng gian khổ, đi làm thuê, viết project kiếm sống; kỷ niệm vẫn đầy ắp trong tôi. Ông Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, thày dạy Hóa Lý của chúng ta, cũng làm khổ Ban Khoa Học bằng các nghiên cứu của ông, mỗi dịp có “nễ nớn”, để lấy thành tích chào mừng cách mạng: chế xi măng cấp thấp, trích promelin từ dứa xuất khẩu bị trả về cả mấy tầu, trích furfural từ cùi bắp để làm thuốc trừ sâu… làm keo dính, làm sơn…Sáng kiến của thày được tống cho đám chuyên viên ban Khoa học để thi hành. Cái project nào không dính tên tôi, thì tôi mặc, ai làm sao, tôi không ý kiến; nhưng nếu dính tên tôi vào, thì bao giờ tôi cũng viết một câu trong phần ý kiến các chuyên viên: “Dự án bất khả thi, không nên làm”. Giám đốc Trịnh Văn Nhân có lần gọi tôi lên trách móc: “Thiếu tích cực, không có thiện chí”. Thường sau mỗi lần bị đe dọa như thế, là tôi tìm cách vượt biên. Rồi trong khi tôi ở tù, cha con chúng nó ở Ban Khoa Học hì hục thi hành những cái project trời ơi đất hỡi ấy, và dĩ nhiên là thất bại, sau khi đã xài hết quỹ nghiên cứu ít ỏi, mà chẳng ra công cán gì. Sau nhưng lần thất bại ê chề ấy, thế nào cũng có đứa bào chữa rằng: “Lúc trước đã có một chuyên viên cho rằng không thể làm; mình làm đây là làm liều, làm may rủi vậy thôi, chứ đâu có dám cam đoan là chắc ăn!”

Tôi trở lại Ban Khoa Học ba lần, sau những lần vượt biên thất bại và ở tù. Cù lần như tôi mà có một cơ hội khiến cho tôi suýt chớp được một cái tầu của Ban Khoa, có thể dùng để vượt biên. Nguyên cái tàu này là của bà Bùi Thị Lạng, cũng là tiến sĩ, giáo sư môn Hải Dương Học của trường Khoa Học. Bà Lạng được bọn Cộng ở rừng về, tưởng rằng Tiến sĩ ở Mỹ ắt là giỏi khủng lắm. Bà Lạng bày trò nghiên cứu phiêu sinh vật Rừng Sát có thể dùng kết quả nghiên cứu để ứng dụng việc nuôi tôm, nuôi cá. Gì chứ món tôm, cá là Đảng ta khoái tít mắt. Tiến sĩ Mỹ nghiên cứu cách nuôi tôm cho ta! Rồi đây, tôm hùm to bằng bắp chân, xuất khẩu hết sảy. Thế nhưng tiến sĩ Bùi đòi phải có một con tàu chuyên dụng, với các đồ nghề khoa học lỉnh kỉnh: ống nghiệm, kính microscope, chai lọ, hóa chất, lưới vợt… để nàng ra cửa biển rừng sát vớt phiêu sinh vật, chiếu kiếng hiển vi, nghiên cứu! Đảng chỉ còn biết hết lòng phục vụ khoa học…tôm tép, đâu còn ý kiến gì! Nhưng Tiến Sĩ Bùi “nghiên cứu” cả năm mà có ra cái chó gì ! Bịp nhau mà thôi!

Rồi có đứa xấu miệng nào đó, nói ra, nói dzô. Nhà tiến sĩ giận dỗi. Nàng trả lại con tàu cho Ban Khoa học, để “muốn làm gì thì làm, chứ việc nghiên cứu khoa học mà cứ đòi ăn ngay, thì làm sao mà nghiên được!” Tự nhiên Công Ty Dịch Vụ Khoa Học, nơi tôi làm việc, phải lãnh một con tàu khá tốt, để không biết dùng nó làm gì! Ban Khoa Học giao cho nhóm chuyên viên chúng tôi tìm cách sử dụng con tàu này. Tôi chưa hề thấy mặt mũi cái tàu ra sao, nhưng tôi đưa ý kiến: nên giao nó cho các kỹ sư cơ khí, dùng nó làm một trạm sửa chữa tàu bè trên sông.

Công Ty tôi lúc ấy có mấy kỹ sư công nghệ và cơ khí đang ngồi ngáp gió. Tôi xúi mấy thầy làm một cái Project “Trạm Sửa Chữa Cơ Khí Lưu Động Trên Sông Rạch”. Mọi việc đang tiến triển tốt, thì bỗng một thằng trong nhóm kỹ sư vượt biên, biến mất. Giám Đốc Trịnh Văn Nhân như người ngủ, sực tỉnh giấc, ý thức rằng việc giao tàu bè cho mấy thằng kỹ sư “Ngụy”, quả là giao trứng cho ác. Và vụ “Trạm Sửa Chữa Lưu Động ” đó được vội vàng dẹp bỏ. Tôi tiếc hùi hụi mấy ngày. Phải chi cái “Tàu Khảo Cứu” của Tiến sĩ Bùi Thị Lạng được giao cho chúng tôi, như kế hoạch, thì biết đâu chúng tôi chẳng làm nên chuyện.

HLC: Thú thật tuy cũng là người Sài Gòn muôn năm cũ nhưng có nhiều cái tôi không biết. Ví dụ, thời ông trước tôi khoảng 10 năm mà sướng quá. Đi học có học bổng toàn phần lại khá nữa chứ. Sau nữa, những chuyện kể trong tù làm radio, hay vượt biên lu bù nhưng UỶ Ban Khoa Học cần người nên cứ ra tù là lại được làm lại. Tôi còn nhớ thời 1979, vc o bế dân trí thức lắm vì họ không điều hành được đất nước. Họ làm cả nước đói kém. Cũng cỡ năm đó, họ buộc phải cấp “Giấy Hứa Nghỉ Việc” cho công nhân viên. Đó là những người nộp đơn chính thức đi nước ngoài. Họ cần những người ấy làm việc và cứ giữ phút nào hay phút nấy. Điều này cho thấy Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã đào tạo được rất nhiều tài năng. Nếu như không có Vc thì Việt Nam đã tiến bộ biết bao nhiêu mà kể. Hiện giờ họ đã làm chúng ta thua xa Singapoor, Thái Lan.

Trân trọng cảm ơn Đại Uý Bác Sĩ Bùi Xuân Cảnh. Ông kể chuyện cũ với tôi rất hay và có duyên. Tôi tin rằng những chuyện kể này sẽ đóng góp phần nào cho những ai viết lịch sử. Chúc ông khoẻ và chúng ta sẽ trở lại ở một đề tài khác.

Hoàng Lan Chi 2013

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.