Lời Nói

Nói là một nhu cầu, một nhu cầu rất lớn của con người. Tào lao về vấn đề này thì cũng dài lắm nên tôi chỉ nói nhỏ trong vài trường hợp thôi nhé. Thứ sáu cuối tuần hay tào lao cơ mà. Sau nữa, tôi chỉ nói về quan điểm cá nhân tôi thôi chứ không đại diện cho mọi “mợ” đâu. Trên cõi đời ô trọc này không mợ nào giống mợ nào cả. (cười)

Có lẽ bản tính “không phụ nữ” lắm nên tôi ưa thích những lời nói mà tôi cho là “có bản lãnh”.

“Có bản lãnh” nghĩa là sao nhỉ? À thì là đứng trước “đối thủ”, sẽ không nổi nóng để sa đà vào việc ăn miếng trả miếng từng lời nhỏ nhặt; là bình tĩnh để tìm cái tối ưu; là thông minh để có cách giải quyết hợp lý; là bao dung khi chiến thắng dù chỉ là trận chiến võ mồm.

Nói dấm dớ

Tuần qua, sau khi tôi gửi bài “Về người lính viết văn Phan Nhật Nam” thì một ông nhờ bạn tôi mail hỏi tại sao đoạn trên nói có vợ, đoạn dưới lại là sống một mình, có phải là cha của Phan Đại Nam không?

Tôi nói với bạn tôi là ông này nói dấm dớ! ( cười)

Dấm dớ vì một người có vợ nhưng có luật pháp nào đòi hỏi người đó phải sống chung 24/24 với vợ không? Ơ, lính tráng thì làm sao ở nhà với vợ được? Ơ, phải đi làm xa thì sao? Sau nữa, trước kia có vợ, bây giờ ..mất vợ (mất là mất chứ không phải là mất! Lại cười vì chữ nghĩa VN!) là chuyện bình thường.

Dấm dớ vì nguyên một bài phỏng vấn dài với nhiều chi tiết, cả tình tiết như thế mà “ông nội” không “thấy” được điều gì “hay ho” cả để nêu câu hỏi với tác giả? (là mợ HLC và cậu PNN!) Chả lẽ cái bài như vậy mà ông chỉ thắc mắc chuyện sống một mình hay mấy mình, chuyện con cái?

Ông nội lại hỏi có phải PNN là cha Phan Đại Nam không?! Đúng là “reader” “A na mít” rất thích tò mò dù là đàn ông (vì mấy ông hay chụp mũ phụ nữ là tò mò). Có lẽ biết trước “reader” của chúng ta hay tò mò nên tôi đã hỏi Phan Nhật Nam về gia cảnh của anh nhưng Nam từ chối. Trong bài, Nam đã nói rõ chuyện anh yêu thương ai là chuyện riêng, chuyện cá nhân, nói ra thật tầm phào. Cá nhân tôi, dù chơi khá thân với Nam cũng chả bao giờ biết Nam có mấy vợ mấy con mấy người tình!

Nói lười biếng

Ngược lại có vài vị nói lười biếng. Họ có nói nhưng chỉ nói chung chung. Lấy ví dụ trong bài phỏng vấn BS Bùi Xuân Cảnh, một ông mail khen thú vị. Tôi vặn vẹo “chỗ nào”? Lúc đó ông mới ..hight light bài viết những nơi ông cho là thú vị!

Ơ hay, sao quý vị độc giả không biết rằng một bài viết hay một bài phỏng vấn là …biết bao công sức tâm trí của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn? Người phỏng vấn phải suy nghĩ xem nên hỏi những gì có ích và người trả lời cũng phải suy nghĩ xem nên chọn lọc cái gì trong mớ hỗn độn?

Vì thế một bài viết hay phỏng vấn được gửi ra nếu có “trọng lượng” và đã chú ý, đã khen thì làm ơn cho trót là hight light hay viết ra những cái gì mình thú vị.

Một người rất hay khen nhưng không chỉ ra chi tiết nhưng HLC ..tha thứ được vì ông đã ngoài tám mươi. Đó là Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Ví dụ gần nhất, ông mail vầy “Hay lam ! Cam on HLC. Minh rat yeu men Phan Nhật Nam va mong gap PNN thang 11 sap toi o San Jose. NDVU”. Nói là “tha thứ được” vì một ông cụ ngoài tám mươi mà còn check mail, còn đọc được như vậy là giỏi.

Tuy vậy có những lời nói không lười biếng. Cái này thuộc về nhà văn hải quân Vũ Thất!

Mấy năm trước, Vũ Thất luôn có ý kiến trên những bài viết hay chương trình âm nhạc của tôi với khá đủ lời góp ý. Tôi giữ lại hết. (trong computer nhé!)

Hôm qua, anh viết:

“LC, Trò chuyện … ra trò lắm. Nhiều người sẽ thích. Có một từ cần thay thế, rât cần: “Một quốc gia tân tiến bậc nhất với bao kinh nghiệm từ những đầu óc siêu việt thì đương nhiên người thường làm sao có thể vi phạm luật pháp được.”

Vi phạm? > Qua mặt hoặc từ tương đương…(Vũ Thất)

Quá đúng. Khi viết vội tôi đã dùng “vi phạm” trong khi thực tế chỉ là “qua mặt” mà thôi.

Với một độc giả như vậy thì đương nhiên tác giả là tôi phải trân trọng đúng không nào.

Nói bản lãnh

Tuổi già làm tôi quên nhiều và chỉ nhớ những gì gần nhất. Tương đối nói có bản lãnh là ông chú bắn súng cà nông không tới của tôi: LS Trần Thanh Hiệp.

Khi trao đổi chuyện gì, ông luôn rất cẩn trọng, rào trước đón sau. Có lẽ ông đề phòng nói hớ sẽ bị cô cháu bẻ chăng?

Trong tranh luận nhỏ, vì ỷ mình là tuổi nhỏ hơn, chỉ ở vai vế con cháu nên tôi phát ngôn bạt mạng. Đáp lại, ông rất bình tĩnh. Ông chỉ ra cái hiểu lầm của tôi rất nhẹ nhàng.

Tôi không dẫn chứng được vì những cái đó nằm trong chuỗi mails tranh luận nhỏ của chúng tôi nhưng với tôi thì người nói có bản lãnh là “chú Trần Thanh Hiệp”.

Tương đối có bình tĩnh và làm tôi bật cười là Phan Nhật Nam.

Chuyện ví dụ là vầy: Tôi chuyển cho Nam xem vài mails của người khen Nam khi đọc bài tôi viết. Có một mails từ TS Hà Văn Hải. Ông hỏi tôi để mua sách của Nam. Tôi vắn tắt ở suject như sau “Thông báo ra mắt sách” rồi trong thân mail, tôi chỉ gõ “Gửi lại cho cn. Vì vài người xem bài cn viết, muốn order sách. cn cũng phải tóm tắt để đăng Bút tre cho Nam.”

Có lẽ đọc nhanh nên Nam chỉ gõ “Cám ơn cn”

Tôi bực mình vì nói “cha nội” gửi cái thông báo ra mắt sách cho mình mà không gửi lại chỉ cám ơn nên tôi gõ vài giòng reply “Gửi lại cho tui cái thông báo ra mắt sách.”

Đến tối, tôi nhận mail của Nam như vầy:

“Gởi thơ mời ra mắt sách cho “tui” đây. Nhà văn, nhà báo mà không nói được lời dịu dàng?! N

Tôi bật cười.

Thế đấy. Thay vì cự tôi thì “ông nội” này khều nhẹ một câu.

Với người phụ nữ, thế là đủ.

Đủ để họ stop. Đủ để họ hiểu rằng họ đang “hơi quá lời”.

Dẫn chứng một trường hợp không bản lãnh nhé: tôi viết mails cho một nhóm nhỏ. Nội dung là kể chuyện một ông cụ kia không hiểu về mail nhiều nên ông đã hiểu lầm tôi lấy tên là “Phong vien” vì ông thấy có hai chữ trên đứng trước địa chỉ mail của tôi.

Để rõ ràng cho nhóm hiểu tôi chọn 2 nick names “Người phe phẩy quạt” và “ Người bắn súng lục” cho hai người A và B trong nhóm. Tôi trêu ghẹo là hai vị trên phải hối lộ cho tôi để tôi remove hai nick name đó ra.

Thì ông A nói rằng không sợ. Tôi cứ việc gửi mail với nick name đó càng hay vì không ai biết đó là ai. Á à, thế thì ông này là …điếc không sợ súng nên dám giả nhời Hoàng cô nương là không chịu hối lộ. Tôi, vẫn đang ở trạng thái đùa giỡn trong nhóm nhỏ nên sau đó tôi khai báo nick name khác cho vị A này là “Ông già thích chơi trống bỏi” và tôi gửi ra cho nhóm, doạ rằng với nick name mới này đứng trước địa chỉ mail của ông thì ông sợ chưa nào, phải hối lộ chưa nào.

Chuyện chỉ là chuyện đùa giỡn trong nhóm nhỏ nhưng vị A này đã có một hành động mà tôi cho là không có bản lãnh. Đó là thay vì ghẹo lại tôi như thế này “Bà mà làm vậy thì tôi sẽ trả đũa lại. Tôi sẽ đặt cho bà là Bà già thích trai tơ” nhưng ông lại “nổi khùng” lên và nói nặng tôi.

Thế đấy, không bản lãnh là thế.

Bạn tôi, hãy là những người nói có bản lãnh với tôi nhé.

Hoàng Lan Chi 9/2003

Bài liên quan:

Với “Một Người Lính Viết Văn” Phan Nhật Nam

Trò Chuyện Với Tài Năng, Thật Là Có Lợi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.