Tháng Chín Thu Mới Về Rón Rén!

Tháng chín, thu về chưa nhỉ hay thu chỉ mới thỏang về như một chút heo may?

Xin em

Xin bước nhẹ cho ta nghe áo lụa
Thoáng qua hồn như một áng mây trôi
Em xinh đẹp trong Nghê Thuờng điệu múa
Nửa hồn ta em đã lấy mất rồiXin hát nhẹ cho ta nghe hơi thở
Của mùa thu vừa thoảng gió heo may
Em duyên dáng trong chuyện tình bỡ ngỡ
Nửa hồn ta em ru giấc nồng say

Xin khép nhẹ cho ta hôn vầng trán
Của tóc thề đang hong nắng cuối đông
Em an giấc mộng cầm chiều tắt nắng
Nửa hồn ta xin làm lá diêu bông!

Hoàng Lan Chi

Tóc thề hong nắng

Xin bước nhẹ cho hồn nương áo lụa,
Nghe thầm thì tuổi dại đã xa trôị
Con đường xưa, nỗi đau màu trăng úa
Tình vụt bay, nắng cũ cũng phai rồi

Xin hát nhẹ cho tim tròn nhịp thở,
Cho hồn em đầy ắp hoa cỏ may
Gió thu về xào xạc mà em ngỡ,
Có anh ngồi vuốt nhẹ tóc em say

Xin khép nhẹ nụ hôn đầu trên trán,
Để ấm tình se lạnh buổi sang đông.
Tóc thề xưa, đợi anh, chờ hong nắng,
Chậu lan vàng bên dậu lại đơm bông…

Minh Đăng (Ottawa)

Nghiệp quảng cáo!

Mùa thu mùa lãng mạn nhất trong năm có vẻ đang rón rén về. Rón rén vì tiết trời chỉ hơi se lạnh vào đầu hôm hay đêm khuya.

Nhớ thu năm ngóai tôi gửi hình với lá phong vàng đỏ của Virginia cho một số thân hữu đặc biệt. Thân hữu đặc biệt của tôi thì chỉ là đàn ông và mấy ông thì thích trêu ghẹo tôi. “Còn ngon lắm đó” “Anh in ra treo đầy chung quanh giường ngủ!”.

Hôm trước tôi trò chuyện với một người bạn về nghiệp. Nghiệp nào cũng có niềm vui nỗi buồn. Nghiệp giới thiệu sáng tác mới, nghiệp viết lách, nghiệp phỏng vấn …

Có lẽ nghiệp phỏng vấn đem cho tôi niềm vui nhiều hơn vì sau khi phỏng vấn tôi biết nhiều hơn về lãnh vực mà người được phỏng vấn nói. Nghệ sĩ Nam Lộc nói rằng “Tôi ít nhận lời phỏng vấn vì e mình nói hố là dễ bị người ta vặn vẹo. Nhưng Lan Chi làm việc rất professional”. Tôi yêu cầu chứng minh. Anh bảo “Thường thì người ta bị rơi vào hai trường hợp. Một là không tôn trọng độc giả và hai là không tôn trọng người được phỏng vấn. Lan Chi balance được hai cái đó”. Tôi hỏi tiếp, vì sao anh biết và anh trả lời “Xem bản câu hỏi của Lan Chi là biết người làm việc thế nào”. Tôi mỉm cười khi nghe Nam Lộc nói vậy. Cách đây vài năm, ông boss cũ của tôi cũng rất thích bài tôi phỏng vấn nhà văn Quyên Di. Tạo cơ hội cho Quyên Di nói và “link” ngay điều Quyên Di với mục đích của sở! Cái tít tôi ghi như sau “Phỏng vấn Quyên Di về nền văn hóa của BPSOS, phục vụ chứ Không Chỉ Huy – Cộng Tác chứ Không Chỉ Thị”. Tựa như thế, bảo sao “boss” không thích?

Với những người khác như Hạo Nhiên, Đỗ văn Phúc và một số nhạc sĩ khác thì tôi nghĩ họ rất vui lòng với bài phỏng vấn của tôi.

Một anh bạn nói rằng khi phỏng vấn ai, anh không thích sắp xếp trước và sau khi phỏng vấn là phát ngay không “edit” gì cả. Tôi trình bầy với anh, đa phần phỏng vấn của anh là về chính trị thì làm như vậy được. Với tôi thì khác. Chương trình ngày xưa tôi đã chọn tên là “Trò Chuyện với Lan Chi” thì đương nhiên rất lành. Chỉ là trò chuyện và không bắt bí ai cả. Đối tượng của tôi không phải là ứng cử viên dân biểu và đang trả lời họp báo, vì thế tôi không muốn đưa câu hỏi khó khăn cho họ. Người tôi phỏng vấn đa số là nghệ sĩ và tôi chỉ muốn tìm hiểu về họ, những gì họ làm trong lãnh vực nào đó. Tôi không thích xóay vào đời tư cá nhân ai và tôi luôn tạo cơ hội cho họ được nói tâm tình của họ, hòai bão của họ. Một điều khác, tôi luôn ưu ái cho người phụ nữ đằng sau sự thành đạt của những người đàn ông mà tôi phỏng vấn. Câu hỏi cuối thường dành cho họ nói về người phụ nữ đáng yêu ấy.

Một nghiệp mới và ban đầu tôi không thích nhưng bây giờ thấy vui vui. Đó là nghề làm quảng cáo! Vô tình bước chân vào và sau những giây phút đầu ngán ngẩm thì tôi cảm nhận chút vui vui. Có lẽ cũng do vô tình tôi viết một script “very nice” và do hai diễn viên “văn sỡi” đóng cũng …khá nice! Hai diễn viên ấy là hai diễn viên chưa từng diễn kịch bao giờ, chưa từng diễn quảng cáo bao giờ. Bị đem ếch bỏ dĩa. Chính là …tôi và một người bạn. Script quảng cáo cho một công ty điện thoại. Tôi chọn nhạc phẩm “Lời của gió”. Ngay sau những lời rất dễ thương do người ca sĩ hát “ Em có nghe anh nói gì không, em có nghe gió nói gì không” thì anh bạn thủ thỉ “Em có nghe anh nói gì không” và tôi thì nhí nhảnh “ Có chứ, nghe hàng ngày. Sao giàu vậy” Đến anh bạn “Không, chỉ là VNU thôi” Và tiếp theo là quảng cáo về VNU. Nhưng điều làm tôi thú vị là vì máy móc trục trặc, tôi thu âm anh bạn đến lần thứ mười và so với lần đầu thì anh diễn nhuyễn hơn rất nhiều đến độ bạn hữu nghe và nói “Sao hai ông bà này diễn tình ghê ta”!

Một script khác, tôi cho ca lại bài vọng cổ thuở nhỏ mà nhắc lại có lẽ những vị “cao niên” sẽ nhớ rất nhiều:

Ai đang đi trên cầu Bông
Té xuống sông ướt cái quần nylon
Dzô đi em Sài Gòn đây bán biết bao nhiêu đồ!

Và tiếp theo là quảng cáo cho …Sài Gòn supermarket!

Một script khác cũng do tôi và anh bạn đóng vai trò hai vợ chồng Bắc kỳ:

-Mình ơi, em muốn uống trà Ginseng
-Mình à, hãy đến N@N Maxim
-Mình ơi, em muốn mua kem chống nắng, muốn mua son cho con út muốn mua dược thảo cho ba…
-Mình à, hãy đến N@N Maxim!
-Mình ơi, em muốn…
-Khỏi ơi, hãy đến N@N Maxim

Trời ơi, tôi thì nũng nịu như con gái mười sáu “Mình ơi” và anh bạn thì dài giọng “Mình à”. Bản nhạc “Mình ơi” của Diệu Hương được làm nền cho script thật tuyệt hảo! Khi viết, tôi nhớ lại mục “Mình ơi” của ông Nguyễn Vỹ thì phải!

Tôi cảm thấy thú vị vì …”producer” được cả quảng cáo, một lãnh vực mà tôi ngỡ khó nhá với một tâm hồn lãng mạn như tôi. Thực ra thính giả của đài Việt Nam Hải Ngoại đa số cao niên thích vui vui nên tôi viết script có chút hài. Cá nhân tôi thích những script mượt mà, sâu lắng. Tôi đã suy nghĩ như thế cho một script quảng cáo CD nhạc hay một cuốn sách.

Con tim với những lý lẽ của nó!

Nghe câu này cải lương nhưng sự thật là như thế. Tháng trước vài người tranh luận với tôi về một nhạc phẩm. Tôi bảo vệ đến cùng lý lẽ của trái tim tôi. Trái tim tôi rung động với nhạc phẩm ấy và tôi yêu mến nó. Cũng như trái tim tôi cùng tần số với giọng nói này và không với giọng kia. Hai tháng trước, tôi gọi cho người bạn cũ ở quê nhà. Không xưng tên, không gì cả, tôi chỉ giản dị “Em đây” khi nghe anh “Alo”. Vâng, chỉ “Em đây” nhưng anh nhận ra tôi ngay. “Em đây” luôn vang lên mỗi khi anh gọi tôi hay ngược lại. Và đã năm năm không nghe tiếng gọi ấy nhưng chỉ “Em đây”, anh cũng nhận ra ngay. “Sao biết em?” “Làm sao quên được giọng em!”

Một người bạn khác cũng làm tôi vui vẻ mỗi khi tôi cúp máy “OK em”. Tôi không biết nhưng câu “OK em” nghe rất dịu dàng. Cho dù trước đó chúng tôi đang tranh luận điều gì đó, thậm chí cãi nhau ỏm tỏi nhưng nếu tôi nói “Thôi bye anh” thì anh luôn luôn “OK em” rất ngọt ngào, không cần biết tôi vừa “gào” lên với anh.

Một người bạn khác thì lại rất kỳ khôi, rõ ràng anh gọi tôi chứ không là ngược lại nhưng anh hay thế này “Rồi rồi anh đây”! Tôi bật cười vì câu anh nói cứ như tôi gọi anh từ… muôn ngày trước và không gặp anh vậy! Nói “muôn ngày” lại nhớ đến một người bạn khác. Anh diễu cợt khi tự nhận anh là “Người nợ em từ muôn kiếp trước!”. Chả là anh bảo anh thích bài thơ “Tóc Thề đi đâu mà vội” của tôi và anh đề nghị Hoàng Lan Chi cho phát nhạc phẩm ấy trong một chương trình nhạc. Tôi bảo tên người yêu cầu là gì để tôi đọc. Anh cà rỡn “Thì cô nương cứ ghi là một thính giả có nick name là ‘Nợ Em Từ Muôn Kiếp Trước’!”. Tất nhiên tôi rất thú vị vì nó nói lên cái anh …nợ tôi. Vì nợ từ kiếp trước nên kiếp này cứ bị cô nương HLC đì.

Một nhạc sĩ có lẽ không biết là sở dĩ tôi ưu ái cho anh vì anh đã khuyên được một câu chí lý với tôi “Thưa chị, Tôi biết chị yêu nhạc PD cũng như biết bao người khác. Nhưng chị hãy giữ những gì chị đã viết về ông là những gì trung thực của tháng ngày chị cảm nhận, rung động về một tài hoa lớn của đất nước. Những người chung quanh không thể muốn chị làm theo cách của họ. Tôi nghĩ nhân cách Hoàng Lan Chi là Hoàng Lan Chi.”. À vâng, tôi yêu mến nhạc và đã viết những cảm xúc chân thành từ trái tim tôi với dòng nhạc đó, tại sao lại bắt tôi phải phá hủy những rung động ấy? Tôi- phải lựa chọn thái độ chính trị- nhưng tôi không thể đốt cháy những gì tôi đã viết chỉ cho dòng nhạc, không cho nhạc sĩ?.

Một nhạc sĩ trẻ khác thoạt đầu chinh phục tôi ở một nhạc phẩm nhưng sau đó thì “Virginia đã vàothu chưa hả chị” làm tôi thú vị. Và con tim già cỗi của tôi thì chỉ thích những dịu dàng nho nhỏ, những lãng mạn học trò nên nó đã sai khiến trí óc tôi làm những gì nó thích.
Dù gì thì như một thính giả nói với tôi “Nhờ chị, em mới biết bài đó hay ở chỗ nào và em nghe nó thấy thích hơn”. Từ lý lẽ của con tim tôi, cảm xúc đã được sẻ chia và cảm xúc cũng được nhân lên từ đó!

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.