Tháng Mười của tôi

Năm nay dường như mùa Thu về muộn. Giờ này mà chưa lạnh lắm, thậm chí buổi trưa còn hơi nóng.

Tháng Mười vừa mới qua.

Năm 2011, sau Đại Hội Gia Long Thế Giới tại San Jose, tôi nhặt được một cậu em. Sau đó khi vào web tôi đọc thơ, cậu em khám phá ra Tháng Mười là của tôi. Một món quà nhỏ gửi muộn màng. Bà chị là tôi tuy “ngúng nguẩy” bên ngoài nhưng bên trong thì vui. Lâu quá tôi quên chỉ còn nhớ vài giòng:

Ừ nhỉ tháng mười hai mươi ấy

Thời gian vó ngựa cứ dồn bay

Ngọn nến đêm nay em không thổi

Anh ở muôn trùng anh có hay.

Năm nay cũng tháng Mười và cũng Đại Hội nhưng bên kia bờ đại dương. Xứ Úc hiền hoà với chú Kangouru mắt to tròn. Sydney, thủ phủ của người Việt tự do được chọn là nơi kỷ niệm 100 năm Ngày Thành Lập Áo Tím–Gia Long.

Lẽ ra đại hội kết thúc là tôi đã có bài viết giới thiệu cho bạn bè cũng như người hải ngoại khắp nơi biết về trường tôi. Thế nhưng vài trục trặc đã xảy ra và mất một tháng sau tôi mới làm được điều ấy.

Có lẽ kỷ niệm gắn bó nhất đời người là thuở trung học. Gắn bó, nhiều kỷ niệm và cũng dễ là niềm tự hào. Hầu hết các học sinh nếu có xác định, một dạng “identify”, thì thường là ngôi trường trung học. Hiếm có tiểu học hay đại học được nhắc nhở với mọi tình cảm thương yêu trìu mến như trường trung học. Có lẽ vì tiểu học thì hãy còn thơ và đại học thì đã lớn, pha trộn nhiều.

Vì thế, Gia Long là một cái gì thiêng liêng với tôi. Tình cảm ấy đã thành giai thoại vầy về tôi “Cô N và cô KO nói đừng ai đụng đến Gia Long của Quỳnh Giao. Nói xấu GL của nó là chết với nó!”.

Mà sự thật như thế. Hôm nọ, có một chị vô tình kể rằng bạn chị nói là “Sao GL kỳ vậy? Đến màn vui là bỏ về?”. Ý người bạn đó nói rằng một đại hội tổ chức và khi đến màn khiêu vũ thì GL bỏ về. Tôi “nộ khí xung thiên” vì tôi cho rằng đã từng có vài mợ, gốc trường khác và chê Gia Long của tôi là nhà quê, là không biết nhảy này nọ. Thế là tôi lý sự như thế này:

“Ba em nói rằng chỉ học chữ là khó nhất sau cái học làm người. Còn những cái ăn chơi như khiêu vũ, đánh bài, cờ quạt thì học nhanh lắm. Để có mảnh bằng Tú Tài hầu bồi bổ kiến thức cá nhân, có nghề nuôi sống bản thân, trả hiếu cho cha mẹ, trả nợ cho xã hội thì con người mất 13 năm để hoàn tất. Còn nhảy, ba em nói chỉ cần từ ba đến năm tháng là khá giỏi. Học đánh bài cũng thế. Một tuần miệt mài là biết. Ba tháng miệt mài là giỏi. Do đó, nếu chị nào chê GL quê mùa không biết nhảy thì cần coi lại lời phê bình của mình.Thứ nhất, vào thời trước 75, Gia Long là một ngôi trường nề nếp với kỷ luật nghiêm minh. Đa số phụ huynh nếu đã chọn cho con thi vào GL thì thường là những phụ huynh cũng có tính nghiêm khắc. Như thế, hai nền giáo dục gia đình và học đường cộng lại, rồi cộng thêm xã hội Việt Nam Cộng Hòa trước 1963 thì phải nói con gái Gia Long ngoan lắm. Đa số chỉ biết học thôi, chả biết gì. Không được phép đàn đúm, không được phép học nhảy, không được phép se sua chưng diện v.v. và v.v. Những người con gái Gia Long ấy đã miệt mài thức khuya học để có mảnh bằng trong tay làm vui lòng cha mẹ, thầy cô, đem lại vinh dự cho trường. Ngôi trường sẽ hãnh diện vì tỷ lệ đậu tú tài cao, vì sỉ số đậu hạng ưu, bình cao; vì đoạt giải cao trong các kỳ thi Văn Chương Toàn Quốc hay Trung Học Toàn Quốc. Chả có ngôi trường nữ danh tiếng nào lại tự hào về số nữ sinh ăn mặc đẹp, có nhiều bồ, tham gia hết “boom” này, “boom” nọ. Cũng chả có cha mẹ nào hãnh diện vì con gái mình nhảy giỏi. Cũng chả có ông chồng nào hãnh diện vì vợ mình nhảy giỏi. Nếu có khoe vợ với bạn bè thì thường là “Bà xã tui dân GL đó nghe. Học giỏi mà còn nấu ăn ngon, dạy con khéo”. Tất nhiên, thời buổi bây giờ và ở hải ngoại thì khác. Khiêu vũ là một nét đẹp văn hoá của Tây Phương. Nhưng nếu nghĩ rằng đang ở Mỹ để rồi chê những người Gia Long của thập niên 50, 60 là “quê” vì không biết nhảy thì em cực lực phản đối. Những người Gia Long ấy đã làm rạng danh trường, đã bảo toàn thanh danh trường, đã gìn giữ cho trường. Những người nhảy giỏi đã làm được gì cho tiếng tăm của trường hay có khi lại là làm tai tiếng cho trường vì sự ăn chơi của họ?”.

Cũng do tình cảm ấy mà tôi đã cố bảo vệ trường khi có trục trặc sau Đại hội GL Thế Giới. Sự bảo vệ ấy đã làm tôi khá mỏi mệt. Vì sao ư? Vì có những cái có vẻ như mâu thuẫn. Tôi ghét cộng sản như nhiều người khác ở hải ngoại. Vài dấu hiệu lờ mờ không rõ làm tôi bối rối. Có bàn tay lông lá nào đằng sau không? Có âm mưu nào đằng sau không? Hay chỉ là do vài cá nhân háo danh mà thôi?

Tôi cầu nguyện Phật Bà Quan Âm cho tôi sáng suốt trong nhận định. Tôi không muốn bỏ sót hay chê lầm dẫn đến hậu quả không hay cho trường. Cuối cùng thì cảm ơn Trời Phật, tôi nghĩ rằng tôi đã phần nào hoàn thành trách nhiệm. Trường vẫn được bảo vệ. Mọi âm mưu nếu có, đã bị thất bại và mọi âm mưu tương lai, nếu có cũng sẽ bị chận.

Có những con cừu non nhưng cứ ngỡ mình là cọp. [1]Ý thức chính trị chỉ có thế, kinh nghiệm máu xương với cộng sản chỉ có thế nhưng có vẻ bả lợi danh đã làm mờ mắt và vài con cừu đã thi nhau be be. Tôi không nỡ vì đó là đàn em. Thế nhưng vài người lại có cái đuôi không phải Gia Long nên cung cách, thái độ không giống chúng tôi. May mắn một tiểu muội của tôi đã đứng bên tôi. Khi tôi viết dở dang những giòng này thì tôi nhận được Tâm Bút của em. Đọc những giòng sau, tôi bồi hồi cảm động:

Một chị bạn gửi thư cho tôi đọc ké. Chị muốn cùng các chị em đồng môn trao đổi ý kiến và tài liệu về một câu chuyện hiện đang sôi nổi, có liên quan đến thanh danh của ngôi trường xưa. Tôi suy nghĩ mãi, có tiếp tay với chị hay không? Lý do là vì mới đây, khi tôi chỉ mới lên tiếng về chuyện này với các bạn học đồng khoá thì nhận ngay các tràng đại liên phản pháo. Thế là tôi bèn sang ngay số de và tự nhủ, sẽ không bao giờ chen chân vào. Nhưng khi tôi đọc tiếp cái thư của chị bạn viết riêng và chỉ phổ biến trong nội bộ, ôi những cái chuyện đau lòng lũng cũng, muối đường vàng đỏ hoà nhau do các bàn tay phù phép che chở làm cho tôi ngán ngẫm cái sân chơi bé nhỏ, tự lòng tôi lại thôi thúc tiếng nói của lương tâm, phải đi tới trên con đường chính nghĩa và tôi cám ơn chị bạn đã dấn thân vì đại cuộc. Chị là tấm gương cho tôi. (Trích GL Tuý Hương)

Tuý Hương ơi, một lần nói chuyện với Lão Gà Tre về những việc này, ông ấy kể lại rằng Thầy trụ trì một ngôi chùa đã nói thế này với Lão Gà Tre “Không, khi con dấn thân vào đời, làm việc nghĩa thì cũng giống như con làm việc phước. Con đã giúp trừ ta ma quỷ quái cho những người quanh con. Không có những người như con thì thế gian còn lắm nhiễu nhương và người thân của con còn bị tai ương vì đám ma đó”. Vậy thì, chị biết em là một Phật Tử thuần thành, hãy nghĩ rằng, đã sinh ra trên cõi đời này thì hãy làm trọn bổn phận con người. Bổn phận đối với cộng đồng, xã hội bao quanh. Hành động buông xuôi, bỏ mặc cho quỷ dữ lộng hành là điều không đúng. Em đã đứng cạnh chị, chị nghĩ đó là một tâm đạo của người Phật Tử.

Cũng qua tâm bút của tiểu muội, tôi được biết Tháng Mười của em.

Tháng Mười rồi sẽ qua đi. Và tháng Mười sang năm lại đến. Đại Hội Gia Long đã, đang và sẽ rực rỡ bởi những người Gia Long.

Hoàng Lan Chi

Một người Gia Long của tháng Mười

[1] Một bài viết từ 2009 của HLC với tựa đề “ Những người trẻ muốn vào hang cọp” khi xảy ra vụ một vài giám đốc của một đài phát thanh giao du với cán cộng cấp cao trong Tòa Đại Sứ VC như sau:

“Những người trẻ” muốn vào hang cọp

Hoàng Lan Chi

Cách đây vài năm tôi đã nghe luận điệu “vào hang cọp để bắt cọp con”. Luận điệu này có lẽ hỗ trợ cho quan điểm hòa hợp hòa giải.

Những người trẻ nói câu trên là những người không thực sự trẻ. Họ đã ở lứa tuổi trên dưới năm mươi. Nói trẻ là để phân biệt với lớp người già, đã trưởng thành trước 75. Ngày xưa, năm mươi đã coi như rất cứng cáp vì là “ngũ thập tri thiên mệnh”. Đã tri thiên mệnh, biết mệnh trời là hiểu lẽ cuộc đời. Nhưng ngày nay, thế giới trẻ ra rất nhiều. Vì thế năm mưoi vẫn tràn trề nhựa sống, vẫn hăng hái lao mình về phía trước, vẫn tìm tòi khám phá để tự khẳng định.

“Những người trẻ 50” , tôi xin phép dùng như thế để gọi về họ. Khi mất nước, họ mới khoảng mười bốn, mười lăm. Chưa trưởng thành đối với quy định 18 tuổi của luật pháp. Chưa xong bậc phổ thông trung học. Nhưng cũng may họ đã được hấp thu một số căn bản đạo đức của nền giáo dục Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng Khổng Nho. Hành trang bước vào đời của họ có nền tảng nhưng chưa bén rễ vững chắc. Ở xứ người, họ hấp thu một nền văn hóa có nhiều phần trái ngược với nền văn hóa cũ. Cái mà họ cảm thấy sung sướng nhất và muốn phát huy ngay, đó là DÂN CHỦ.

Tinh thần dân chủ trong học đường của Hoa Kỳ có điều hay nếu áp dụng cho các lãnh vực khoa học kỹ thuật và có nhiều khiếm khuyết trong phạm vi giáo dục đạo đức. Bao sự việc xảy ra đã khiến các nhà giáo dục Mỹ phải có những lúc nhìn lại hệ thống luân lý của mình. Chừng mực nào đó, họ nhìn nhận vài giá trị của Đông phương mà trước kia họ đả phá. Trong khi người Mỹ nhìn lại thì người trẻ của chúng ta lại không. Mang trong mình những cái mà cho là “gông cùm” của nền giáo dục Việt Nam trước 75, họ đả phá và lao mình như thiêu thân cho những hành vi mang nhãn hiệu dân chủ. Trong phạm vi nhỏ hẹp, đã có những xung đột đáng tiếc cho nhiều gia đình vì sự dân chủ quá mức ấy của những người trẻ.

Tuy vậy, hậu quả sẽ vô cùng tai hại nếu như họ khăng khăng áp dụng cái gọi là dân chủ trong công cuộc đấu tranh cho quê hương. Họ yêu nước, đúng, rất đáng quý. Họ có lý tuởng, đúng, rất đáng quý. Thanh niên bao giờ cũng là một lực lượng đáng kể và đáng nể để đi trước và làm nên lịch sử. Họ, với sức lực trẻ trung, với nhiệt huyết, với hòai bão cho tổ quốc, lao mình tiến mà thiếu Trí thì cái Dũng của họ đã giết chính họ.

Nhìn về quá khứ, từ cuộc kháng chiến chống Pháp vào thập niên 40-50, chủ nghĩa ngoại lai du nhập và gây bao khốn đốn cho dân tộc Việt Nam đến tận bây giờ. Một số các nhà ái quốc đã bị Việt Minh lường gạt. Người khôn ngoan như cụ Trần Trọng Kim cũng phải ngậm ngùi than “ Một lũ già đầu vẫn bị gạt”. Người thông minh như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cũng bị HCM gạt, nhận chức Bộ Trưởng hầu “đòan kết dân tộc” và cuối cùng cũng bị VC xơi tái.

Qua 1954, VC lại tiếp tục thủ đọan cài người ở lại miền Nam bằng nhiều cách kể cả những thủ đọan đê hèn và năm 1960, chúng đẻ ra cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam”. Mặt trận này đã có sẵn những người được cài nằm vùng ở tại miền nam và với đủ mọi thủ đọan như dọa nạt dân quê, quỷ ngôn với tầng lớp thanh niên cộng cả cái bịp bợm “chống Mỹ cứu nước”, chúng cũng đã lường gạt được khá nhiều người non dạ!

Tiếp theo là hiệp định Paris rồi cả sau 1975, những lường gạt dối trá của VC đã phô bày trắng trợn. Nhiều thanh niên đã từ bỏ Vc ra đi tìm tự do. Thế những sau những năm biểu tình tranh đấu của 1975, 1985…, một số người trong đó vì nhiều lý do đã bắt đầu tiếp xúc với cán bộ VC.

Họ, những người trẻ khi rời quê hương, đã quên mất một điều cha ông dặn “ Hãy kính nhi viễn chi với những gì mà ta linh cảm nguy hiểm. Đừng tạo cơ hội cho nó đến gần ta”. Họ, kiêu ngạo với lòng tự tin và tự tôn của người trẻ “tam thập nhi lập” vào các năm 1985, kiêu ngạo với lý thuyết dân chủ vừa được học hỏi, hiên ngang tiếp xúc với quỷ đỏ!

Họ có gì? Chỉ là trái tim bừng bừng lửa cháy, chỉ là sôi sục máu dân tộc, chỉ là nỗi đau cho thân phận nhược tiểu của giống nòi. Họ không được trang bị bởi một kiến thức lịch sử vững chắc và chân chính. Họ không được trau dồi một khả năng lý luận sắc bén. Họ dấn thân vào một nơi mà bản thân họ đang còn rất mù mờ nhiều thứ. Trong hoàn cảnh đó, điều họ bị ma quỷ cám dỗ là chuyện thường tình.

Quyến rũ thanh niên bằng những mỹ từ, bằng những kích động lòng ái quốc, bằng kêu gọi trả thù cho thân phận tiểu quốc, bao giờ VC cũng thành công. Làm sao thanh niên có thể ngơ khi được kêu gọi đi làm lịch sử lưu danh hậu thế? Làm sao thanh niên có thể ngơ khi đi theo lý tưởng phục vụ dân tộc? Làm sao thanh niên có thể ngơ khi trả thù lũ “cường quốc” Mỹ đang muốn đè đầu dân Việt Nam?

Với đầy ắp lý tưởng ấy, họ đi vào hang cọp với hành trang chỉ một tấm lòng. Trong khi đó VC đã được trang bị từ răng đến chân. Từ biết bao kiến thức lịch sử bóp méo được dấu trong vỏ điều, từ những lớp huấn luyện khả năng hùng biện, từ bao nguồn (source) do cả một ê kíp luôn có sẵn để cung cấp ngay khi cần thiết, những kẻ đóng vai trò “người trẻ muốn biết sự thực” từ phía VC đã dấu hết nanh vuốt vũ khí, khoác bộ áo hiền lành để tiếp đón các người hùng của mặt trận quốc gia đang mang trong lòng hòai bão chiêu hồi VC!

Con cọp con mỉm cười tiếp đón các chú cừu. Mặt trận “debate” đầu tiên, chiến thắng về ta. Ta nói và cọp con nghe gật gù. Mặt trận “debate” thứ hai cũng chiến thắng về ta. Các người hùng trở về từ hang cọp hớn hở và đã mang trong lòng một Nữ oa đội đá vá trời. Mặt trận “debate” thứ ba, ô hay cọp con rụt rè nêu ý kiến. Chỉ là một ý kiến trong ngàn ý kiến vàng ngọc của các người hùng. Người hùng hân hoan giải độc và ra về thơ thới. Mặt trận “debate” thứ tư, cọp con nêu ý kiến nhiều hơn. Người hùng của chúng ta còn đủ lý luận và kiến thức để trả lời. Nhưng chút mây mờ vừa phủ!

Các mặt trận “debate” tiếp theo, cọp con với trợ giúp của cả một guồng máy sau lưng đã trấn áp các người hùng của chúng ta. Vốn liếng kiến thức cạn, không tiếp viện, người hùng lảo đảo trước hỏa mù.

Thời gian, người hùng bỗng quay 180 độ và “ngộ ra là chính nghĩa ta không có, chúng nó ác độc nhưng chúng nó không 1, không 2 không 3” v.v. Cái họ tuởng là “ngộ” chính là cái ảo tưởng mà Vc đã nhồi cho họ! Thiếu người già hướng dẫn lúc đó và cả lòng tự tôn của tuổi trẻ, các người hùng không muốn ai tiếp viện. Thế là ngày một ngày hai, người hùng thay vì cải tạo cọp con thì đã được cọp con cải tạo! Chỉ bằng những xảo ngôn ngụy ngữ và cả những thủ đoạn gian manh như gài bẫy, làm “săng ta” và cả những lợi danh, người hùng đã đầu hàng vô điều kiện!

Ôi tôi chỉ là một phụ nữ đã già, tôi lại học ngành khoa học, tôi không đủ vốn liếng để viết được nhiều hơn, diễn tả được chính xác hơn cái nguy hiểm khi “những người trẻ 50 tuổi” đang muốn dấn thân vào hang cọp.

Khi vào Nam tôi mới khỏang bốn, năm tuổi. Nhưng tôi biết nghe người lớn kể, tôi biết đọc sách do người lớn viết. Kinh nghiệm không phải lúc nào cũng phải từ chính bản thân mà kinh nghiệm còn như nước được rót từ ly lớn sang ly nhỏ! Tôi không bị cái vỏ mỹ miều dân chủ mê hoặc, tôi biết kính nhi viễn chi với thuốc phiện không dám thử e đời mình sẽ tàn khi dính đến nó…Sau 1975, tôi cũng đã hơi bị mê hoặc bởi những mỹ từ nhưng chỉ sau một năm chung sống với Vc, tôi hiểu VC là gì. Không thể nào tin tuởng được VC. Tôi không dại để ôm trong lòng cái hoang tuởng cải tạo những con cọp con xuất thân từ giai cấp cọp đảng viên kỳ cựu của Tòa Đại Sứ VC!

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.